Hợp tác với Hội đồng Lãnh đạo Trung ương thời nay
“Chủ sẽ cho nó quản-lý cả gia-tài mình” (LU-CA 12:44).
1. Đấng Christ đã bắt đầu cai trị trên nước nào năm 33 tây lịch, và bằng các phương tiện nào?
VÀO NGÀY LỄ Ngũ tuần năm 33 tây lịch, Giê-su Christ, đấng Lãnh đạo hội-thánh, đã bắt đầu cai trị tích cực trong nước của các tôi tớ của ngài được xức dầu bằng thánh linh. Thế nào? Bằng cách dùng thánh linh, các thiên sứ và một hội đồng lãnh đạo trung ương hữu hình. Như sứ đồ Phao-lô cho thấy, Đức Chúa Trời “đã giải-thoát những người được xức dầu khỏi quyền của sự tối-tăm, làm cho họ dời qua nước của Con rất yêu-dấu Ngài” (Cô-lô-se 1:13-18; Công-vụ các Sứ-đồ 2:33, 42; 15:2; Ga-la-ti 2:1, 2; Khải-huyền 22:16).
2. Đấng Christ đã bắt đầu cai trị trên Nước nào rộng lớn hơn?
2 Vào cuối “các kỳ dân ngoại”, Đức Giê-hô-va đã gia tăng vương quyền của đấng Christ, bằng cách nới rộng quyền đó ra khỏi phạm vi hội-thánh đấng Christ (Lu-ca 21:24). Đúng, năm 1914, Đức Chúa Trời đã ban cho Con Ngài vương quyền trên các “nước”, “nước của thế-gian” tức toàn thể nhân loại (Thi-thiên 2:6-8; Khải-huyền 11:15).
Bổ nhiệm “coi-sóc cả gia-tài mình”
3, 4. a) Trong lời thí dụ của Giê-su về các nén bạc, người thế tử hay người thuộc dòng quí tộc tượng trưng cho ai? b) Nước Trời phát triển thế nào vào những năm 1918 và 1919?
3 Đáng lưu ý ở đây là lời thí dụ về một thế tử hay người thuộc dòng quí tộc (Lu-ca 19:11-27). Trước khi đi nước ngoài để được nhận vương quyền, người này đã giao các nén bạc cho đầy tớ để họ kinh doanh. Khi trở về thì người đó, tượng trưng cho đấng Christ, gọi “các đầy-tớ đã lãnh bạc đến, đặng cho biết mỗi người làm lợi được bao nhiêu” (Lu-ca 19:15). Điều này đã tiến hành thế nào sau khi Giê-su đã được nhận vương quyền?
4 Năm 1918, vị Vua Giê-su Christ lên ngôi đã thấy một nhóm tín đồ đấng Christ trước đó đã ra khỏi các nhà thờ thuộc Giáo hội tự xưng theo đấng Christ và đang bận rộn chăm sóc cho quyền lợi trên đất của Chúa. Sau khi tinh luyện họ thể như bằng lửa, Giê-su ban cho các tôi tớ của ngài quyền hạn lớn hơn năm 1919 (Ma-la-chi 3:1-4; Lu-ca 19:16-19). Ngài đã bổ nhiệm họ “coi-sóc cả gia-tài mình” (Lu-ca 12:42-44).
“Đồ ăn đúng giờ”
5, 6. a) Người quản gia của đấng Christ đã nhận được trách nhiệm lớn hơn nào? b) Những lời tiên tri nào phải được ứng nghiệm sau năm 1914, và lớp người quản gia đã phải tham gia tích cực thế nào trong việc ứng nghiệm?
5 Vị Vua đương kim Giê-su Christ giao phó trách nhiệm lớn hơn cho người quản gia của ngài ở trên đất. Các tín đồ đấng Christ được xức dầu phải làm “khâm-sai” hay đại sứ cho Đức Chúa Trời thay mặt một vị vua đã lên ngôi nay cai trị trên hết thảy mọi dân tộc trên đất (II Cô-rinh-tô 5:20; Đa-ni-ên 7:14). Trách nhiệm tập thể của họ không còn là việc phân phát “đồ-ăn đúng giờ” chỉ cho nhóm người nhà được xức dầu của đấng Christ (Lu-ca 12:42). Giờ đây họ phải tích cực làm ứng nghiệm những lời tiên tri liên hệ đến thời kỳ sau khi Nước Trời được thành lập năm 1914.
6 Trên thực tế điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là mở rộng công việc rao giảng “tin mừng nầy về nước Đức Chúa Trời... ra khắp đất” (Ma-thi-ơ 24:14). Hơn nữa, cũng có nghĩa xuất bản các thông điệp phán xét mạnh mẽ nghịch lại hệ thống gian ác của Sa-tan và những kẻ ủng hộ nó. Điều này có tác dụng “làm rúng động... các nước”. Do đó “những sự [đáng] ao-ước” tức các “chiên khác” của đấng Christ bắt đầu đến (A-ghê 2:7; Giăng 10:16). Từ năm 1935 trở về sau, “đám đông” bắt đầu lũ lượt đến với tổ chức của Đức Giê-hô-va trên khắp đất (Khải-huyền 7:9, 10). Điều này đòi hỏi những sự cải tiến dần dần trong cách tổ chức. Nói theo nghĩa bóng, đá được thay thế bởi sắt, gỗ bởi đồng, sắt bởi bạc và đồng bởi vàng (Ê-sai 60:17). Tất cả những điều này đã diễn ra kể từ năm 1919 dưới sự hướng dẫn tích cực và chặt chẽ của Giê-su Christ là đấng đã giao phó tất cả quyền lợi hay tài sản Nước Trời ở trên đất cho lớp người đầy tớ trung tín và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương.
7. Trách nhiệm gia tăng của lớp người quản gia bao hàm gì?
7 Chúng ta có thể dễ dàng hiểu vì trách nhiệm gia tăng nên lớp người đầy tớ hay quản gia của Chúa cũng phải tăng thêm các hoạt động viết và biên tập. Đồ ăn thiêng liêng phải được xuất bản đều đặn, trong tạp chí Tháp Canh. Năm 1919 tạp chí “Thời đại vàng son” (một tạp chí song hành, sau này được đổi tên lại là “An ủi”, và rồi “Tỉnh thức!”) đã bắt đầu được xuất bản để khơi dậy sự chú ý của công chúng, ngoài việc bồi dưỡng cho “người nhà” (Ma-thi-ơ 24:45). Hàng loạt sách lớn (books), sách nhỏ (booklets) và giấy nhỏ (tracts) cũng đã được sản xuất từ đó đến nay.
Tiếp tục được tinh luyện
8. Các thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương lúc đầu được nhận diện trùng hợp với gì, và tạp chí Tháp Canh đã tuyên bố gì năm 1944?
8 Nhìn về quá khứ trong “kỳ cuối-cùng” này, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy rằng Hội đồng Lãnh đạo Trung ương lúc đầu đã được nhận diện trùng hợp với ban biên tập của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) (Đa-ni-ên 12:4). Bài báo “Sự sắp đặt thần quyền ngày nay” đăng trong Tháp Canh (Anh-ngữ), số ra ngày 1-11-1944, nói: “Hợp lý thay, những người được giao cho phận sự xuất bản lẽ thật được tiết lộ của Kinh-thánh cũng được xem như là hội đồng lãnh đạo trung ương mà Chúa đã chọn để hướng dẫn tất cả những người muốn thờ phượng Đức Chúa Trời bằng tâm thần và lẽ thật và phục vụ Ngài trong sự hợp nhất bằng cách truyền bá các lẽ thật được tiết lộ cho những người khác đang đói khát”.
9. Hội đồng Lãnh đạo Trung ương sau đó đã được nhận diện trùng hợp với cái gì, và tại sao?
9 Muốn xuất bản các tạp chí và những tài liệu khác giúp học Kinh-thánh thì cần phải hội đủ các điều kiện về pháp lý. Bởi vậy, Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society) đã được thành lập và cầu chứng tại tòa án tiểu bang Pennsylvania, Hoa-kỳ. Qua nhiều năm, Hội đồng Lãnh đạo Trung ương hữu hình đã được nhận diện trùng hợp với ban giám đốc gồm bảy nhân viên của hội đoàn này được thiết lập để xuất bản các tài liệu giúp học Kinh-thánh mà dân sự của Chúa trên khắp đất cần dùng.
10, 11. Sự tinh luyện nào đã diễn ra năm 1944, và tạp chí Tháp Canh đã đăng lời bình luận nào về việc đó?
10 Bảy giám đốc thời đó của Hội đều là tín đồ đấng Christ trung thành. Nhưng vai trò của họ trong hội đoàn pháp lý có thể làm nẩy ra ý nghĩ là sở dĩ họ có chân trong Hội đồng Lãnh đạo Trung ương là nhờ được bầu bởi các hội viên pháp lý của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society). Hơn nữa, theo luật định thì qui chế hội viên thể ấy và quyền biểu quyết lúc đầu chỉ được giao cho một số người đóng góp tiền bạc cho Hội. Sự sắp đặt này đã cần phải được sửa đổi. Điều này diễn ra vào phiên họp thường niên của hội đoàn Pennsylvania của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) tổ chức ngày 2-10-1944. Nội qui của Hội đã được tu chính để quyền làm hội viên không còn dựa trên căn bản tài chánh nữa. Các hội viên sẽ được chọn lựa giữa các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, và sau này gồm cả nhiều người phục vụ toàn thời gian tại trụ sở trung ương của Hội ở Brooklyn, Nữu Ước, và trong các chi nhánh trên khắp thế giới.
11 Tường thuật về sự cải tiến này, tạp chí Tháp Canh (Anh-ngữ), số ra ngày 1-11-1944, tuyên bố: “Khoản tiền đóng góp tài chánh không nên là căn bản để ấn định quyền biểu quyết, thật thế, không nên dính dáng gì đến việc có chân trong hội đồng lãnh đạo trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va trên đất... Thánh linh, tức sinh hoạt lực đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua Giê-su Christ, mới là phương tiện để ấn định và hướng dẫn sự việc”.
Khác với Ban Giám đốc
12. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va đã ban phước cho những sự tinh luyện dưới sự hướng dẫn của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương?
12 Sự tiến bộ của công việc rao giảng trong các thập niên sau đó chứng tỏ rằng Đức Giê-hô-va đã ban phước cho những sự tinh luyện vừa kể trong việc hiểu biết về Hội đồng Lãnh đạo Trung ương (Châm-ngôn 10:22). Thật vậy, số người tuyên bố về Nước Trời khắp đất từ dưới 130.000 người năm 1944 đã nhảy lên đến 1.483.430 người trong năm 1970! Nhưng những sự cải cách khác còn phải diễn ra nữa.
13. a) Cho đến năm 1971, tình trạng liên quan đến Hội đồng Lãnh đạo Trung ương là gì? b) Điều gì đã xảy ra trong phiên họp thường niên của Hội tổ chức năm 1971?
13 Cho đến năm 1971, các thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương vẫn còn được nhận diện trùng hợp với bảy nhân viên của ban giám đốc Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania). Chủ tịch của Hội đảm đang trách nhiệm chính yếu về những quyết định liên quan đến hoạt động của các chi nhánh của Hội trên khắp đất. Nhưng nhiều bài diễn văn bất hủ được thuyết trình vào phiên họp thường niên của Hội diễn ra ngày 1-10-1971. Chủ tịch của Hội nói về đề tài “Đem Nơi Thánh trở lại tình trạng thích hợp”, và phó chủ tịch nói về đề tài “Một Hội đồng Lãnh đạo Trung ương biệt lập với một Hội đoàn pháp lý”. Có sự khác biệt nào giữa Hội đồng Lãnh đạo Trung ương và hội đoàn pháp lý?
14. Có những sự khác biệt nào giữa một hội đoàn pháp lý và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương?
14 Như đã nói trên, Hội Tháp Canh (Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania) có một ban giám đốc giới hạn bảy người. Các tín đồ đấng Christ tận tụy này được bầu vào nhiệm kỳ ba năm bởi các hội viên của hội đoàn mà tổng số không quá 500 người, phần đông không phải là tín đồ đấng Christ được xức dầu. Hơn nữa, bởi vì hội đoàn hiện hữu hoàn toàn do pháp lý, có trụ sở địa dư cố định, nên có thể bị nhà nước hay Sê-sa giải tán (Mác 12:17). Tuy nhiên, Hội đồng Lãnh đạo Trung ương không phải là một công cụ pháp lý. Các thành viên trong đó không được ai bầu lên. Họ được bổ nhiệm bởi thánh linh dưới sự hướng dẫn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 20:28). Hơn nữa, những người hợp thành Hội đồng Lãnh đạo Trung ương là những người được thánh linh bổ nhiệm, không nhất thiết phải có vị trí địa dư hay trụ sở nào cố định.
15. Tạp chí Tháp Canh (Anh-ngữ), số ra ngày 15-12-1971, có tuyên bố gì về tổ chức, và có thể nói gì về Hội đồng Lãnh đạo Trung ương thời nay?
15 Bàn về những sự tinh luyện thể ấy trong sự hiểu biết, tạp chí Tháp Canh (Anh-ngữ), số ra ngày 15-12-1971, nói: “Đáng cảm tạ thay, các tín đồ đấng Christ và Nhân-chứng Giê-hô-va biết và tin chắc rằng tổ chức tôn giáo này không phải của một người phàm nào, nhưng có một hội đồng lãnh đạo trung ương gồm các tín đồ đấng Christ được xức dầu”. Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của lớp người đầy tớ được xức dầu và hằng triệu bạn đồng hành của họ thuộc các chiên khác đã dần dần được trang bị để đảm đang chức vụ giám thị.
16. Các tài sản trên đất của đấng Christ đã gia tăng thế nào kể từ năm 1971, và một số tài sản này mà ngài đã giao phó cho sự chăm sóc của lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan đại diện bởi Hội đồng Lãnh đạo Trung ương là gì?
16 Các tài sản trên đất của Vị Vua Giê-su Christ đã tiếp tục gia tăng. Từ năm 1971 đến nay, số Nhân-chứng đã nhảy vọt từ dưới 1.600.000 người lên đến một mức tối đa là trên 3.700.000 người năm 1989. Thật là một bằng chứng lớn thay về sự ban phước của Đức Chúa Trời! (Ê-sai 60:22). Sự gia tăng này đã đòi hỏi phải nới rộng các cơ sở tại trụ sở trung ương của Hội và tại các chi nhánh, cũng như tối tân hóa các phương pháp sản xuất và phân phát. Điều đó cũng đưa đến việc xây cất nhiều Phòng Nước Trời và Phòng Hội nghị trên khắp đất. Trong suốt thời gian đó, Hội đồng Lãnh đạo Trung ương cũng đã tiếp tục đảm đang trách nhiệm giám thị công việc rao giảng, sản xuất tài liệu để học Kinh-thánh và bổ nhiệm các giám thị chi nhánh, địa hạt, vòng quanh và trong hội-thánh. Đây là các quyền lợi Nước Trời mà đấng Christ đã giao phó cho sự chăm sóc của lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, đại diện bởi Hội đồng Lãnh đạo Trung ương.
17. Có những sự cải tiến nào trong công việc giám thị đã được thực hiện trong những năm 1971, 1974 và 1976?
17 Hội đồng lãnh đạo trung ương của thế kỷ thứ nhất đã được nới rộng để bao gồm một số người khác ngoài các sứ đồ của Giê-su. Khi biểu quyết sự tranh chấp về việc cắt bì, hội đồng đó hiển nhiên gồm “các sứ-đồ và trưởng-lão [thành Giê-ru-sa-lem]” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1, 2). Cũng vậy, Hội đồng Lãnh đạo Trung ương thời bây giờ đã được nới rộng năm 1971, và một lần nữa năm 1974. Để dễ dàng thực hiện công việc giám thị, Hội đồng Lãnh đạo Trung ương được sắp xếp thành năm ủy ban bắt đầu hoạt động kể từ tháng 1 năm 1976. Mỗi ủy ban gồm từ ba đến sáu ủy viên, tất cả đều có cùng quyền biểu quyết ngang nhau về các vấn đề được đưa ra xem xét. Mỗi ủy ban có một chủ tọa phục vụ một năm, và mỗi thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương giúp việc trong một hay nhiều ủy ban khác nhau. Trong năm ủy ban này thì mỗi ủy ban lưu ý đến một khía cạnh của các tài sản đấng Christ. Một ủy ban thứ sáu—ủy ban của chủ tịch—thay đổi thành phần mỗi năm, đối phó với các vấn đề khẩn cấp.
Tích cực hợp tác với Hội đồng Lãnh đạo Trung ương
18. Hội đồng Lãnh đạo Trung ương hoạt động thế nào, và một cách để chúng ta có thể tỏ ra hợp tác với các anh đó là gì?
18 Các ủy ban của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương hội họp mỗi tuần để xem qua các vấn đề quan trọng, làm những quyết định sau khi cầu nguyện và xem xét, và trù tính cho hoạt động thần quyền tương lai. Như đã nói trên, Công-vụ các Sứ-đồ đoạn 15 cho thấy rằng một vấn đề hệ trọng cần giải quyết đã được đưa lên hội đồng lãnh đạo trung ương của thế kỷ thứ nhất để xem xét. Ngày nay cũng thế, các vấn đề quan trọng được đưa ra trước toàn thể Hội đồng Lãnh đạo Trung ương, nhóm lại mỗi tuần hoặc thường xuyên hơn nếu cần. Các thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương, hiện là 12 người, tìm kiếm sự chỉ dẫn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua Kinh-thánh và sự cầu nguyện. Một cách để chúng ta tỏ ra hợp tác với Hội đồng Lãnh đạo Trung ương là mỗi ngày nhớ đến các anh được bổ nhiệm đặc biệt này trong lời cầu nguyện (Rô-ma 12:2).
19. Các chỉ thị của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương đến tay các hội-thánh cách nào?
19 Các chỉ thị và quyết định của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương đến tay các hội-thánh cách nào? Sau khi các thành viên của hội đồng lãnh đạo trung ương trong thế kỷ thứ nhất đi đến quyết định với sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời, họ gửi một lá thư đến các hội-thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 15:22-29). Tuy nhiên, cách chính thời nay là qua các sách báo tín đồ đấng Christ.
20. a) Sự tinh luyện nào khác nữa đã diễn ra năm 1976? b) Các Ủy ban Chi nhánh hợp tác thế nào với Hội đồng Lãnh đạo Trung ương?
20 Kể từ ngày 1-2-1976, mỗi chi nhánh của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) có một Ủy ban Chi nhánh gồm các anh có khả năng được bổ nhiệm bởi Hội đồng Lãnh đạo Trung ương. Với tư cách đại diện của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương tại một hay nhiều nước dưới sự giám sát của chi nhánh, các anh này phải là những người trung kiên, thành tín. Điều này nhắc chúng ta nhớ lại nhưng người nam có khả năng, biết kính sợ Đức Chúa Trời và đáng tín nhiệm giúp Môi-se xét xử dân Y-sơ-ra-ên xưa (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:17-26). Các ủy viên của Ủy ban Chi nhánh thi hành các chỉ thị nhận được qua sách báo, tạp chí và tờ Thánh chức Nước Trời do Hội in ra, cũng như các lá thư tổng quát và thư đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa phương. Các Ủy ban Chi nhánh tường trình đều đặn cho Hội đồng Lãnh đạo Trung ương biết về sự tiến bộ của công việc tại mỗi nước và các vấn đề khó khăn có thể xảy ra. Các bản báo cáo thể ấy đến từ khắp nơi trên thế giới giúp Hội đồng Lãnh đạo Trung ương quyết định nên đăng các đề tài nào trong sách báo của Hội.
21. Các giám thị lưu động được bổ nhiệm thế nào, và các bổn phận của họ gồm có gì?
21 Dưới sự hướng dẫn của thánh linh, các Ủy ban Chi nhánh đề cử những anh thành thục, có tinh thần thiêng liêng để phụng sự với tư cách giám thị vòng quanh và giám thị địa hạt. Sau khi được Hội đồng Lãnh đạo Trung ương trực tiếp bổ nhiệm, họ phụng sự với tư cách giám thị lưu động. Các anh này viếng thăm các vòng quanh và các hội-thánh để xây dựng cho anh em về thiêng liêng và giúp họ áp dụng các chỉ thị đến từ Hội đồng Lãnh đạo Trung ương. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 16:4; Rô-ma 1:11, 12). Các giám thị lưu động gửi báo cáo về văn phòng chi nhánh. Với sự giúp đỡ của thánh linh và Kinh-thánh được soi dẫn, họ tham gia với các trưởng lão hội-thánh trong việc đề cử những anh có khả năng để Hội đồng Lãnh đạo Trung ương hoặc cơ quan đại diện bổ nhiệm làm tôi tớ chức vụ và trưởng lão. (Phi-líp 1:1; Tít 1:5; so sánh I Ti-mô-thê 3:1-13; 4:14).
22. a) Các trưởng lão hội-thánh hợp tác thế nào với Hội đồng Lãnh đạo Trung ương? b) Điều gì chứng tỏ rằng Đức Giê-hô-va đang ban phước cho sự sắp đặt thần quyền này?
22 Về phần họ, những người hợp thành hội đồng trưởng lão “giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà thánh linh đã lập họ làm kẻ coi-sóc” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28). Các giám thị trung thành này tìm cách áp dụng những chỉ thị nhận được từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ qua trung gian lớp người đầy tớ trung tín và khôn ngoan và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương. Đức Giê-hô-va đang ban phước cho sự sắp đặt thần quyền này, bởi vì “các Hội-thánh được vững-vàng trong đức-tin, và số người càng ngày càng thêm lên” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:5).
23. Chúng ta nên cương quyết làm gì đối với Hội đồng Lãnh đạo Trung ương?
23 Thật là tốt làm sao khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ tỏ ra ủng hộ dân sự của Đức Chúa Trời qua trung gian Hội đồng Lãnh đạo Trung ương! (Thi-thiên 94:14). Với tư cách là thành phần của tổ chức Đức Giê-hô-va, cá nhân chúng ta vui hưởng lợi ích qua sự ủng hộ thể ấy (Thi-thiên 145:14). Điều này nên làm cho chúng ta càng cương quyết nhiều hơn nữa trong việc hợp tác với sự sắp đặt của Đức Chúa Trời. Thật thế, mong sao chúng ta có thể luôn luôn tỏ ra hợp tác với Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va trong khi hướng về thời kỳ mà “thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển” (Ê-sai 11:9).
Những điểm chính nên nhớ
◻ Năm 1919 lớp người quản gia đã nhận được trách nhiệm lớn hơn nào?
◻ Trong nhiều năm, Hội đồng Lãnh đạo Trung ương hữu hình đã được nhận diện trùng hợp với gì?
◻ Việc bổ nhiệm các thành viên của Hội đồng Lãnh đạo Trung ương đã trải qua các giai đoạn tinh luyện dần dần nào?
◻ Một số trong các tài sản trên đất của đấng Christ mà ngài đã giao phó cho lớp người đầy tớ và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương là gì?
◻ Chúng ta có thể hợp tác thế nào với Hội đồng Lãnh đạo Trung ương?
[Các hình nơi trang 19, 20]
Từ trụ sở trung ương đặt tại Brooklyn, Nữu ước, Hội đồng Lãnh đạo Trung ương giám sát công việc xuất bản và rao giảng của Nhân-chứng Giê-hô-va trong 93 chi nhánh của Hội Tháp Canh (Watch Tower Society)
Đức
Nhật
Nam Phi
Ba-tây