Bạn có hội đủ điều kiện để phục vụ không?
“Tài-năng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời” (II CÔ-RINH-TÔ 3:5)
1. Hội-thánh đấng Christ không có chỗ cho những kẻ thuộc hạng nào?
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI và Giê-su Christ làm việc tích cực. Giê-su nói: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy” (Giăng 5:17). Đức Chúa Trời không hài lòng về những người không chịu làm việc; Ngài cũng không chấp nhận những kẻ tìm kiếm địa vị có trách nhiệm để có quyền thế trên người khác. Hội-thánh đấng Christ không có chỗ cho những kẻ lười biếng hoặc những kẻ có tham vọng ích kỷ (Ma-thi-ơ 20:25-27; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10).
2. Tại sao bây giờ cần có nhiều người nam để gánh vác trách nhiệm trong hội-thánh đấng Christ?
2 Nhân-chứng Giê-hô-va “làm công-việc Chúa cách dư-dật”, đặc biệt bây giờ, khi nhiều người đang đổ xô lên “núi” của sự thờ phượng thật (I Cô-rinh-tô 15:58; Ê-sai 2:2-4). Hiện cần có nhiều người nam hội đủ điều kiện thiêng liêng để gánh vác trách nhiệm trong hội-thánh. Họ không có động lực ích kỷ đầy tham vọng, những người thể ấy tôn vinh Đức Giê-hô-va chứ không phải chính họ (Châm-ngôn 8:13). Họ biết Đức Chúa Trời giúp họ hội đủ điều kiện để làm tròn các nhiệm vụ trong hội-thánh, cũng như Ngài “đã ban tài-năng cho họ giúp việc giao-ước mới” (II Cô-rinh-tô 3:4-6).
3. Những trách nhiệm căn bản của các trưởng lão và tôi tớ chức vụ là gì?
3 Ngày nay, cũng như vào thời các tín đồ đấng Christ thuộc thế kỷ thứ nhất, thánh linh bổ nhiệm những người nam theo sự sắp đặt của tổ chức Đức Giê-hô-va và họ phụng sự với tư cách trưởng lão và tôi tớ chức vụ (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28; Phi-líp 1:1; Tít 1:5). Các trưởng lão chăn bầy chiên của Đức Chúa Trời trên phương diện thiêng liêng, coi sóc và che chở họ. Họ có sự trợ giúp của các tôi tớ chức vụ không liên hệ trực tiếp đến nhiệm vụ giám thị về thiêng liêng (I Phi-e-rơ 5:2; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 6:1-6). Giống như Con của Đức Chúa Trời đến để hầu việc, những người được bổ nhiệm thể ấy muốn phụng sự anh em cùng đạo (Mác 10:45). Nếu bạn là nam tín đồ đấng Christ, bạn có tinh thần đó không?
Những điều kiện mà cả hai đều phải có
4. Chúng ta tìm thấy đặc biệt ở đâu bảng liệt kê các điều kiện đòi hỏi nơi những người nhận được trách nhiệm trong hội-thánh?
4 Đặc biệt sứ đồ Phao-lô kể ra những điều kiện nơi I Ti-mô-thê 3:1-10, 12, 13 và Tít 1:5-9 cho những người nhận được trách nhiệm trong hội-thánh. Khi xem xét những điều kiện này, chúng ta thấy có một số áp dụng cho cả các trưởng lão và tôi tớ chức vụ, nhưng chúng ta không nên dựa trên các tiêu chuẩn của thế gian. Thay vì thế, chúng ta nên xem xét những điều kiện đó trong khung cảnh của thế kỷ thứ nhất và áp dụng được cho dân sự của Đức Giê-hô-va. Không cần phải là người hoàn toàn mới hội đủ những điều kiện này, bởi vì nếu như thế không một người nào sẽ hội đủ điều kiện (I Giăng 1:8). Nhưng nếu bạn là một nam tín đồ đấng Christ, dù bây giờ bạn có nhiệm vụ gì trong hội-thánh hay không, tại sao không phân tích các khả năng cá nhân của bạn?
5. Không chỗ trách được có nghĩa gì?
5 Không chỗ trách được; được người ngoại làm chứng tốt cho; không được bị cáo (I Ti-mô-thê 3:2, 7, 8, 10; Tít 1:6, 7). Khi được bổ nhiệm và trong khi phục vụ, các tôi tớ chức vụ và trưởng lão phải không chỗ trách được, tức là không cần phải bị khiển trách hay quở phạt vì cớ một lời tố cáo chính đáng về hành vi hay sự dạy dỗ sai lầm. Những lời tố cáo vu vơ đến từ “anh em giả” hay những kẻ khác không làm cho một người đáng bị trách. Một lời tố cáo phải tỏ ra phù hợp với các tiêu chuẩn của Kinh-thánh, chứ không phải lời tố cáo vớ vẩn, mới có thể khiến một người mất tư cách phụng sự trong hội-thánh (II Cô-rinh-tô 11:26; I Ti-mô-thê 5:19). Một người được bổ nhiệm trong hội-thánh “lại phải được người ngoại làm chứng tốt cho, kẻo bị sỉ-nhục và mắc bẫy ma-quỉ”. Nếu một người đã phạm một tội lỗi nặng trong quá khứ thì chỉ có thể được bổ nhiệm nếu bởi nếp sống người đã xóa hết sự sỉ nhục và tạo cho mình một tiếng tốt.
6. Là chồng của chỉ một vợ có nghĩa gì?
6 Chồng chỉ một vợ mà thôi (I Ti-mô-thê 3:2, 12; Tít 1:6). Điều này không có nghĩa là chỉ có những người có vợ mới có thể làm tôi tớ chức vụ và trưởng lão. Dù vậy, nếu có vợ thì một người chỉ được có một vợ còn sống và chung thủy với vợ (Hê-bơ-rơ 13:4). Khác với những kẻ không phải là tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất, người đó không thể có nhiều vợ.a
7. a) Phải chăng tuổi tác giúp một người hội đủ điều kiện làm trưởng lão? b) Khéo cai trị nhà riêng bao hàm điều gì?
7 Phải khéo cai-trị nhà riêng mình, giữ con-cái mình cho vâng-phục và ngay-thật trọn-vẹn (I Ti-mô-thê 3:4, 5, 12; Tít 1:6). Một số người có lẽ nghĩ rằng trưởng lão phải ít nhất 30 tuổi, nhưng Kinh-thánh không ấn định hạn tuổi tối thiểu. Tuy vậy, một người phải hành động như một người đứng tuổi hiểu theo nghĩa thiêng liêng. Tôi tớ chức vụ và trưởng lão nên khá lớn tuổi để có thể có con. Nếu có vợ, một người không hội đủ điều kiện nếu ở nơi khác thì hành động cách tin kính mà trong nhà thì lại tỏ ra độc tài. Người đó phải đạt được sự kính trọng của gia đình bằng cách khéo cai trị nhà riêng theo các nguyên tắc Kinh-thánh, và nên đặt mục tiêu là mỗi người trong gia đình thành công về mặt thiêng liêng. Theo lệ thường thì một trưởng lão có con vị thành niên thì chúng nên có hạnh kiểm tốt và “tin Chúa”. Hoặc chúng đang tiến bộ nhắm tới sự dâng mình hoặc đã làm báp têm rồi với tư cách Nhân-chứng Giê-hô-va. Một người đàn ông không giúp cho con cái có đức tin thì khó lòng giúp được những người khác làm thế.
8. Trước khi có thể trở thành trưởng lão, một người có gia đình phải học biết làm gì?
8 Trước khi có thể làm một trưởng lão đầy đủ khả năng chăm sóc về thiêng liêng trong hội-thánh, một người có gia đình phải học biết cách điều khiển gia đình mình. “Nếu có ai không biết cai-trị nhà riêng mình, thì làm sao cai-trị được Hội-thánh của Đức Chúa Trời?” (I Ti-mô-thê 3:5). Đành rằng một người có thể có vợ không tin đạo và chống đối (Ma-thi-ơ 10:36; Lu-ca 12:52), hoặc một trong các con của người có thể phạm tội nặng dù những người con khác có nếp sống tốt về thiêng liêng. Nhưng nếu người đó đã làm hết sức mình, và đặc biệt nếu đã thành công về mặt thiêng liêng với những người khác trong gia đình thì không nhất thiết phải mất tư cách làm tôi tớ chức vụ hay trưởng lão chỉ vì một người trong gia đình không vâng theo sự hướng dẫn tốt của người.
9. Một trưởng lão hay tôi tớ chức vụ phải cẩn thận làm gì liên can đến việc uống rượu?
9 Đừng mê rượu cũng đừng hung bạo (I Ti-mô-thê 3:3,8; Tít 1:7). Một tôi tớ chức vụ hay trưởng lão không được uống rượu nhiều. Nếu nghiền rượu thì người đó có thể đi đến chỗ mất tự chủ, không kềm chế được tư tưởng và tình cảm, dẫn đến cãi vả hoặc đánh nhau. Người không nên “mê rượu” hay nổi tiếng là người uống thường xuyên hay uống nhiều (Châm-ngôn 23:20, 21, 29-35). Nếu vì thiếu tiết độ mà làm hỏng một cuộc đi thăm viếng chiên thì thật là tai hại thay! Nếu biết uống rượu, thì một anh không nên uống khi có phần trong nhóm họp, đi rao giảng hay làm thánh chức cách khác (Lê-vi Ký 10:8-11; Ê-xê-chi-ên 44:21).
10. Tại sao những kẻ ham tiền và tham lợi phi nghĩa không hội đủ điều kiện để làm trưởng lão hoặc tôi tớ chức vụ?
10 Đừng ham tiền bạc hoặc tham lợi phi nghĩa (I Ti-mô-thê 3:3, 8; Tít 1:7). Những kẻ tham tiền gặp nguy hiểm thiêng liêng, và “kẻ tham lam” chẳng hưởng được Nước Đức Chúa Trời. Bởi vậy những kẻ thể ấy không hội đủ điều kiện làm trưởng lão hoặc tôi tớ chức vụ (I Cô-rinh-tô 6:9, 10; I Ti-mô-thê 6:9, 10). Chữ gốc Hy-lạp dịch ra là “phi nghĩa (bất lương)” có nghĩa chánh là “xấu hổ”, và chữ dịch là “lợi” ám chỉ bất cứ lợi lộc hay ưu thế nào (Phi-líp 1:21; 3:4-8). Dĩ nhiên, một người có thái độ cho thấy sẽ đối đãi bất lương với “chiên” Đức Chúa Trời thì không hội đủ điều kiện gánh vác trách nhiệm trong hội-thánh (Ê-xê-chi-ên 34:7-10; Công-vụ các Sứ-đồ 20:33-35; Giu-đe 16). Chúng ta có thể hiểu rõ là cần phải cẩn thận trong việc đề cử khi ý thức rằng, sau khi được bổ nhiệm, một người có thể được giao cho nhiệm vụ giữ tiền và bị cám dỗ ăn cắp ăn bớt(Giăng 12:4-6).
11. Tại sao không nên đề cử “người mới tin đạo” để gánh vác trách nhiệm trong hội-thánh?
11 Không phải là người mới tin đạo; phải chịu thử trước đã (I Ti-mô-thê 3:6, 10). Một người mới làm báp têm chưa có thì giờ để chứng tỏ là sẽ trung thành làm tròn các bổn phận được giao phó. Người đó có thể thiếu lòng thương xót đối với những người khốn khổ hoặc thiếu sự khôn ngoan để giúp đỡ anh em cùng đạo và có thể ngay cả khinh miệt người khác. Do đó, trước khi được đề cử làm tôi tớ chức vụ và đặc biệt làm trưởng lão, một người nên “chịu thử-thách trước đã” và biểu lộ rõ là có óc phán đoán tốt và đáng tin cậy. Thời gian thử thách không có định sẵn, và mỗi cá nhân lớn lên về thiêng liêng khác tốc độ với một người khác. Nhưng các trưởng lão không nên đề cử một người mới “e người tự-kiêu mà sa vào án-phạt của ma-quỉ”. Hãy để cho người đó biểu lộ sự khiêm nhường giống như đấng Christ (Phi-líp 2:5-8).
Bàn riêng về tôi tớ chức vụ
12. Có phải chỉ có tôi tớ chức vụ mới cần hội đủ những điều kiện dành cho họ hay không?
12 Các tôi tớ chức vụ phải hội đủ một số điều kiện. Nhưng nếu các trưởng lão không hội đủ những điều kiện đó thì không đủ tư cách làm trưởng lão. Nếu là nam tín đồ, bạn có hội đủ các điều kiện này không?
13. Nghiêm trọng có nghĩa gì?
13 Nghiêm trọng (I Ti-mô-thê 3:8). Một người muốn hội đủ điều kiện làm tôi tớ chức vụ không nên xem thường trách nhiệm. Người đó phải cư xử nghiêm chỉnh khiến cho người khác mến phục mình. Dù thỉnh thoảng có thể khôi hài, người đó sẽ không hội đủ điều kiện nếu luôn luôn hành động cách tầm phào.
14. a) Không nói hai lời có nghĩa gì? b) Có một lương tâm thanh sạch đòi hỏi gì?
14 Không được nói hai lời; có lương tâm thanh sạch (I Ti-mô-thê 3:8, 9). Các tôi tớ chức vụ (và trưởng lão) phải chân thật, không thày lay hoặc tráo trở. Bởi lẽ không được nói hai lời, họ không nên nói thế này với một người và nói ngược lại với người khác (Châm-ngôn 3:32; Gia-cơ 3:17). Những người này cũng phải cương quyết bênh vực lẽ thật, “lấy lương-tâm thanh-sạch giữ lẽ mầu-nhiệm của đức-tin”. Trước mặt Đức Chúa Trời, lương tâm của một người như thế nên làm chứng rằng người ngay thẳng và không làm gì lén lút hoặc nhơ bẩn (Rô-ma 9:1; II Cô-rinh-tô 1:12; 4:2; 7:1). Nếu không đi sát lẽ thật và các nguyên tắc của Đức Chúa Trời thì không một ai có thể hội đủ điều kiện phục vụ bầy chiên của Ngài.
Chú trọng đến các điều kiện để làm trưởng lão
15. Bây giờ chúng ta xem xét các điều kiện dành cho ai, và đặc biệt liên hệ đến gì?
15 Một số điều kiện đặc biệt áp dụng cho các trưởng lão và liên hệ nhiều đến công việc chăn chiên và dạy dỗ. Nếu là nam tín đồ, bạn có hội đủ các điều kiện này không?
16. a) Có tiết độ đòi hỏi gì? b) Một trưởng lão có thể giữ sự tự chủ thế nào?
16 Có tiết độ; biết tự chủ (I Ti-mô-thê 3:2; Tít 1:8). Một trưởng lão nên có tiết độ, không làm nô lệ cho những thói quen xấu. Khi gặp thử thách, người sẽ được Đức Chúa Trời giúp giữ thăng bằng nếu cầu nguyện như người viết Thi-thiên: “Sự bối-rối nơi lòng tôi đã thêm nhiều; xin Chúa cứu tôi khỏi sự hoạn-nạn” (Thi-thiên 25:17). Một giám thị cũng nên cầu nguyện để có thánh linh Đức Chúa Trời và bày tỏ bông trái của thánh linh, kể cả sự tự chủ (tiết độ) (Lu-ca 11:13; Ga-la-ti 5:22, 23). Việc kiểm soát kỹ lưỡng tư tưởng, lời nói và hành động giúp cho một trưởng lão tránh đi đến thái cực khi cung cấp sự hướng dẫn thiêng liêng cho hội-thánh.
17. Có tài trí bao hàm gì?
17 Có tài trí (I Ti-mô-thê 3:2). Một trưởng lão phải nhạy cảm, kín đáo và thận trọng. Lời nói và hành động người nên tỏ có mục đích và hợp lý. Cách suy nghĩ khiêm nhường và thăng bằng của người dựa trên sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và trên các sự dạy dỗ lành mạnh của Lời Đức Giê-hô-va mà người phải siêng năng học hỏi (Rô-ma 12:3; Tít 2:1).
18. Một trưởng lão cần phải làm gì để có ngăn nắp, trật tự?
18 Có ngăn nắp, trật tự (I Ti-mô-thê 3:2, NW). Chữ Hy-lạp dùng ở đây được dịch là “gọn-ghẽ” nơi I Ti-mô-thê 2:9. Vậy một trưởng lão nên có nếp sống đàng hoàng, gọn ghẽ. Thí dụ, anh nên đúng giờ. Dường như các tín đồ đấng Christ thuộc thế kỷ thứ nhất không mấy coi trọng việc giữ sổ sách, và một giám thị ngày nay không cần phải là một nhân viên kế toán hoặc người thư ký rành nghề. Các tôi tớ chức vụ có thể đảm trách những nhiệm vụ liên can đến điều này. Nhưng chữ Hy-lạp dịch là “ngăn nắp, trật tự” có thể dùng để chỉ cách cư xử tốt, và một người chắc chắn không thể hội đủ điều kiện làm trưởng lão nếu bừa bãi hoặc lộn lạo (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14; II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-12; Tít 1:10).
19. Vì cớ lòng hiếu khách, một trưởng lão làm gì?
19 Hay tiếp khách (hiếu khách) (I Ti-mô-thê 3:2; Tít 1:8). Một trưởng lão thì “ân-cần tiếp khách” (Rô-ma 12:13; Hê-bơ-rơ 13:2). Chữ Hy-lạp dịch là “hay tiếp khách (hiếu khách)” có nghĩa đen là “mến người lạ”. Vậy người trưởng lão hiếu khách thì tiếp rước những người mới đến dự các buổi nhóm họp của tín đồ đấng Christ, chứng tỏ chú tâm đến những người nghèo ngang hàng với những người khá giả về vật chất. Người hiếu khách đối với những người di chuyển từ nơi này đến nơi khác vì lợi ích của đạo thật đấng Christ và giúp họ lên đường bình an “cách xứng-đáng với Đức Chúa Trời” (III Giăng 5-8). Thật thế, một trưởng lão đặc biệt tỏ sự hiếu khách đối với các anh em cùng đạo tùy theo nhu cầu của họ và hoàn cảnh riêng của mình (Gia-cơ 2:14-17).
20. Một trưởng lão phải có tài dạy dỗ bằng những cách nào?
20 Có tài dạy dỗ (I Ti-mô-thê 3:2). Khả năng của một trưởng lão với tư cách người dạy dỗ về thiêng liêng không đến từ tài năng trí tuệ hay sự khôn ngoan theo thế gian (I Cô-rinh-tô 2:1-5, 13). Khả năng đó có được nhờ anh “hằng giữ đạo thật y như đã nghe dạy, hầu cho có thể theo đạo lành mà khuyên-dỗ người ta và bác lại kẻ chống-trả”. (Tít 1:9; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 20:18-21, 26, 27). Người phải có đủ khả năng “dùng cách mềm-mại mà sửa-dạy những kẻ chống-trả” (II Ti-mô-thê 2:23-26). Ngay dù cho người không phải là diễn giả giỏi nhất trong hội-thánh và khéo ăn nói giữa công chúng, người nên siêng năng học hỏi Lời Đức Chúa Trời sao cho có thể đủ khéo léo giảng dạy và khuyên bảo những người tin đạo, họ cũng học hỏi Kinh-thánh như người (II Cô-rinh-tô 11:6). Người phải có khả năng ban bố “sự dạy-dỗ thanh-sạch” hầu giúp các gia đình và từng cá nhân tiếp tục đời sống tin kính (Tít 2:1-10).
21. a) Tại sao ta có thể nói rằng một trưởng lão không phải là người hung bạo? b) Mềm mại hòa nhã có nghĩa gì? c) Không hiếu chiến có nghĩa gì?
21 Đừng hung bạo, nhưng mềm mại hòa nhã, không hiếu chiến (I Ti-mô-thê 3:3; Tít 1:7). Vì là người hiếu hòa, một trưởng lão không đánh đập người khác theo nghĩa đen, cũng không dùng những lời phê bình nặng nề và gay gắt để mắng nhiếc họ (So sánh II Cô-rinh-tô 11:20) (Một trong những điều kiện liệt kê trước đó là “không ghiền rượu” cho thấy người không uống nhiều rượu vì thường dẫn đến việc cãi cọ). Bằng cách tỏ ra hòa nhã (hay nhường nhịn), không độc đoán hay khó tánh, người không làm cho những chuyện nhỏ nhặt thành ra lớn (I Cô-rinh-tô 9:12; Phi-líp 4:5; I Phi-e-rơ 2:18). Bởi lẽ một trưởng lão không hiếu chiến, hoặc thích gây sự, người tránh các cuộc cãi vả và “không dễ nóng giận” (Tít 3:2; Gia-cơ 1:19, 20).
22. Sự kiện một trưởng lão không được kiêu ngạo cho thấy gì?
22 Chẳng kiêu ngạo (Tít 1:7). Điều này theo nghĩa đen là “không làm hài lòng chính mình” (So sánh II Phi-e-rơ 2:10). Một trưởng lão không được tỏ ra độc đoán mà nên có quan điểm khiêm nhường về các khả năng của mình. Người không nghĩ rằng mình làm giỏi hơn bất cứ ai khác, người khiêm nhường chia xẻ trách nhiệm với người khác và xem việc có nhiều cố vấn là một lợi điểm (Dân-số Ký 11:26-29; Châm-ngôn 11:14; Rô-ma 12:3, 16).
23. a) Bạn sẽ định nghĩa thế nào “một người yêu chuộng sự tốt lành”? b) Làm người công bình có nghĩa gì?
23 Bạn với người hiền (yêu chuộng sự tốt lành); công bình (Tít 1:8). Muốn hội đủ điều kiện để làm trưởng lão, một người phải yêu chuộng sự tốt lành và là người công bình. Một người yêu chuộng sự tốt lành thì yêu mến điều tốt trước mắt Đức Giê-hô-va, làm những điều tử tế và có ích, và tỏ ra biết ơn đối với lòng tốt của người khác (Lu-ca 6:35; so sánh Công-vụ các Sứ-đồ 9:36, 39; I Ti-mô-thê 5:9, 10). Là người công bình có nghĩa là làm theo các luật pháp và tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, một người như thế không tư vị ai và luôn luôn ghi nhớ trong trí những điều công bình, thanh sạch và đức hạnh (Lu-ca 1:6; Phi-líp 4:8, 9; Gia-cơ 2:1-9). Bởi lẽ sự tốt lành khác với sự công bình ở chỗ là sự tốt lành vượt quá mức ấn định của lẽ phải, một người ưa thích sự tốt lành làm cho người khác nhiều hơn là điều được đòi hỏi nơi người (Ma-thi-ơ 20:4, 13-15; Rô-ma 5:7).
24. Muốn trung thành thì phải làm gì?
24 Trung thành (Tít 1:8, NW). Một người hội đủ điều kiện làm trưởng lão giữ cho sự tin kính đối với Đức Chúa Trời không gì lay chuyển được và ủng hộ luật pháp của Đức Chúa Trời, bất kể sự trung kiên của mình có thể bị thử thách thế nào. Người làm điều mà Đức Giê-hô-va chờ đợi nơi người, và một trong những điều đó là phụng sự Ngài với tư cách người trung thành rao giảng về Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:14; Lu-ca 1:74, 75; Công-vụ các Sứ-đồ 5:29; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:10).
Hội đủ các điều kiện
25. Những điều kiện vừa bàn luận là dành cho ai, và làm sao có thể đạt đến những điều kiện ấy?
25 Phần lớn những điều kiện vừa bàn luận bao hàm những điều mà mỗi Nhân-chứng Giê-hô-va phải làm và có thể đạt đến nhờ sự học hỏi, cố gắng, sự giao du tốt và lời cầu nguyện. Một số người có thể mạnh hơn những người khác xét về vài điều kiện. Nhưng các tôi tớ chức vụ và trưởng lão phải hội đủ tất cả các đòi hỏi dành cho họ tới một mức độ khả quan để nhận lấy đặc ân phục vụ trong chức vụ của họ.
26. Tại sao các nam tín đồ đấng Christ sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm trong hội-thánh?
26 Tất cả các Nhân-chứng Giê-hô-va nên muốn làm hết sức mình trong công việc phụng sự Đức Chúa Trời. Tinh thần này thúc đẩy các nam tín đồ đấng Christ sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm. Bạn có phải là một người nam đã dâng mình và làm báp têm rồi không? Nếu vậy, hãy mong ước phục vụ và cố gắng hết sức để hội đủ điều kiện để phụng sự!
[Chú thích]
a Cũng xem Tháp Canh (Anh-ngữ), số ra ngày 15-3-1983, trang 29 [Pháp-ngữ, ngày 15-6-1983], dưới tiểu đề “Ly dị theo Kinh-thánh”.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Tại sao bây giờ cần có nhiều người nam đã làm báp têm để nhận lãnh trách nhiệm trong hội-thánh?
◻ Một số điều kiện mà các tôi tớ chức vụ phải hội đủ là gì?
◻ Một số điều kiện mà các trưởng lão phải hội đủ là gì?
◻ Tại sao một trưởng lão phải biết khéo cai trị hay điều khiển nhà riêng của mình?
◻ Điều gì thúc đầy các nam tín đồ đấng Christ sẵn sàng nhận lãnh nhiệm vụ trong hội-thánh?
[Hình nơi trang 8, 9]
Các trưởng lão và tôi tớ chức vụ nên điều khiển gia đình theo nguyên tắc Kinh-thánh