Hãy xem các gương nhịn nhục
“Đức Chúa Trời...đã lấy lòng nhịn nhục lớn chịu những bình đáng giận sẵn cho sự hư mất” (RÔ-MA 9:22, NW).
1. a) Lời được soi dẫn của Đức Chúa Trời giúp ích chúng ta thế nào? b) Để được lợi ích, tại sao ta nên xem xét đức tính nhịn nhục ở đây?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA Đấng Tạo hóa đã ban cho chúng ta Kinh-thánh là Lời được soi dẫn của Ngài. Kinh-thánh là “ngọn đèn cho chơn [chúng ta], ánh sáng cho đường-lối [chúng ta]” (Thi-thiên 119:105). Lời Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta “được trọn-vẹn và sắm-sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16, 17). Vậy thì một trong những cách Kinh-thánh sắm sẵn cho chúng ta là ban cho chúng ta các gương tốt về sự nhịn nhục. Đức tính này là một trong các trái của thánh linh Đức Chúa Trời và rất cần thiết để chúng ta được Ngài chấp nhận và cư xử hòa thuận với người đồng loại (Ga-la-ti 5:22, 23).
2. Chữ Hy-lạp để nói “nhịn nhục” có nghĩa gì, và ai nhịn nhục xuất sắc nhất?
2 Chữ Hy-lạp dịch ra là “nhịn-nhục” có nghĩa đen là “tinh thần dai dẳng”. Có lời định nghĩa sự nhịn nhục là “đức tính tự kềm chế trước sự khiêu khích giúp cho người nhịn nhục không vội trả đũa hoặc sẵn sàng trừng phạt” (Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words, do W. E. Vine, Bộ 3, trang 12). Cư xử nhịn nhục có nghĩa bày tỏ tính tự chủ và chậm giận. Và ai là người xuất sắc nhất trong số những người chậm giận, bày tỏ sự nhịn nhục? Không ai khác hơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Bởi vậy, nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6 chúng ta đọc thấy Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực”. Thật thế, Kinh-thánh nói tám lần khác nữa Đức Giê-hô-va “chậm giận” (Dân-số Ký 14:18; Nê-hê-mi 9:17; Thi-thiên 86:15; 103:8; 145:8; Giô-ên 2:13; Giô-na 4:2; Na-hum 1:3).
3. Các đức tính nào khiến Đức Giê-hô-va tỏ sự nhịn nhục?
3 Chúng ta hẳn chờ đợi Giê-hô-va Đức Chúa Trời nhịn nhục hay chậm giận, bởi vì Ngài có quyền năng và sự khôn sáng vô tận, công bình hoàn toàn và là hiện thân của sự yêu thương (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Gióp 12:13; Ê-sai 40:26; I Giăng 4:8). Ngài kiểm soát sao cho các đức tính Ngài luôn luôn được thăng bằng hoàn toàn. Kinh-thánh tiết lộ gì về việc tại sao và thế nào Ngài đã biểu lộ sự nhịn nhục đối với nhân loại bất toàn?
Nhịn nhục vì cớ danh Ngài
4. Đức Chúa Trời đã bày tỏ nhịn nhục đối với những kẻ có tội vì những lý do tốt nào?
4 Tại sao Đức Giê-hô-va nhịn nhục? Tại sao Ngài không trừng phạt ngay kẻ có tội? Không phải vì Ngài không màng đến hoặc thiếu sự hăng say đối với sự công bình. Không, nhưng Đức Giê-hô-va chậm giận vì những lý do tốt và Ngài không vội vàng trừng phạt người ta. Một lý do là hầu cho thiên hạ có thể biết đến danh Ngài. Một lý do khác là bởi vì cần có thời gian để giải quyết vấn đề mà sự phản nghịch trong vườn Ê-đen dấy lên về quyền thống trị của Đức Chúa Trời và sự trung thành của nhân loại. Hãy còn một lý do khác nữa để Đức Chúa Trời nhịn nhục là hầu cho những người lầm lạc có cơ hội sửa đổi đường lối của họ.
5, 6. Tại sao Đức Giê-hô-va đã biểu lộ sự nhịn nhục trước sự phản nghịch của con người?
5 Đức Giê-hô-va đã tỏ ra nhịn nhục trong cách đối xử với cặp vợ chồng đầu tiên trong vườn Ê-đen. Khi họ vi phạm điều răn của Ngài cấm ăn trái cây biết điều thiện và điều ác, Ngài hẳn đã có thể hành quyết họ ngay lập tức cùng với thiên sứ phạm tội cám dỗ Ê-va. Chắc chắn là Đức Giê-hô-va ý thức được sự công bình và công lý của Ngài đã bị xúc phạm, và Ngài nổi giận cùng ba kẻ phản nghịch. Ngài hoàn toàn có quyền hành quyết họ ngay lập tức. Đức Chúa Trời trước đó đã cảnh cáo A-đam là người đàn ông đầu tiên: “Về cây biết điều thiện và điều ác, thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng-thế Ký 2:17). Trong chính ngày A-đam phạm tội, Đức Chúa Trời gọi các kẻ vi phạm ra trình diện và đọc bản án tử hình. Về mặt tư pháp, A-đam và Ê-va đã chết nội trong ngày đó. Tuy nhiên Đấng Tạo hóa nhịn nhục của chúng ta đã để cho A-đam sống đến 930 tuổi (Sáng-thế Ký 5:5).
6 Trong trường hợp này Đức Chúa Trời có lý do tốt để tỏ ra nhịn nhục hay chậm giận. Nếu hành quyết những kẻ phản nghịch ngay lập tức, Ngài đã không trả lời cho sự thách thức hiểu ngầm mà Sa-tan đã tung ra là Giê-hô-va Đức Chúa Trời không xứng đáng được thờ phượng và Ngài không thể có những người phụng sự Ngài và giữ vững sự trung thành trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hơn nữa, các câu hỏi thể này chưa được giải đáp: A-đam và Ê-va phạm tội là lỗi tại ai? Phải chăng Đức Giê-hô-va đã tạo ra họ yếu đuối về đạo đức đến nỗi họ không thể cưỡng lại sự cám dỗ và sau đó Ngài lại trừng phạt họ vì họ không chống cự nổi sự cám dỗ? Sự tường thuật trong sách Gióp, đoạn 1 và 2 cho thấy rõ lời giải đáp cho các câu hỏi trên. Bằng cách để cho loài người sanh sản thêm nhiều, Đức Giê-hô-va cho phép họ có cơ hội chứng tỏ Sa-tan đã vu khống.
7. Tại sao Đức Giê-hô-va không hành quyết Pha-ra-ôn ngay lập tức?
7 Khi Đức Giê-hô-va sắp giải cứu dân sự của Ngài là dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi vòng nô lệ tại Ê-díp-tô, lần nữa Ngài tỏ ra nhịn nhục. Đức Giê-hô-va đã có thể hủy diệt Pha-ra-ôn và đạo binh của hắn ngay lập tức. Nhưng thay vì vậy, Đức Chúa Trời đã nhân nhượng chúng một thời gian. Vì những lý do tốt nào? Với thời gian, Pha-ra-ôn trở nên cứng lòng hơn, nhất quyết không chịu để cho dân Y-sơ-ra-ên rời khỏi Ê-díp-tô đặng làm dân sự tự do của Đức Giê-hô-va. Vậy Pha-ra-ôn đã tỏ cho thấy hắn là “bình đáng giận” phải chịu hủy diệt vì thách thức Đức Giê-hô-va (Rô-ma 9:14-24). Nhưng có lý do trọng đại hơn để Đức Chúa Trời nhịn nhục trong trường hợp này. Qua trung gian Môi-se Ngài nói với Pha-ra-ôn: “Nếu bây giờ, ta đã giơ tay ra hành-hại ngươi bịnh dịch, thì ngươi cùng dân ngươi đều đã bị diệt khỏi đất rồi. Nhưng vì cớ nầy ta để ngươi còn sống, là cho ngươi thấy quyền-năng của ta, hầu cho danh ta đồn khắp cả thiên-hạ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:15, 16).
8. Vì lý do nào Đức Chúa Trời không hành quyết những người Y-sơ-ra-ên phản nghịch trong đồng vắng?
8 Đức Giê-hô-va cũng bày tỏ sự nhịn nhục vì những lý do tốt khi dân Y-sơ-ra-ên ở trong đồng vắng. Quả là họ có thử thách sự kiên nhẫn của Đức Chúa Trời bằng cách họ thờ cúng con bò vàng và tỏ ra thiếu đức tin khi mười người do thám trở về làm báo cáo sai! Đức Chúa Trời đã không diệt họ mà cho họ tiếp tục làm dân Ngài là vì cớ danh tiếng của Ngài. Đúng, Đức Giê-hô-va đã bày tỏ nhịn nhục vì cớ danh Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:10-14; Dân-số Ký 14:11-20).
Nhịn nhục vì yêu thương nhân loại
9. Tại sao Đức Giê-hô-va tỏ ra nhịn nhục thời Nô-ê?
9 Đức Giê-hô-va tỏ ra nhịn nhục vì yêu thương nhân loại từ khi A-đam phạm tội và do đó gây thiệt hại lớn cho con cháu sẽ sanh ra sau này. Sự nhịn nhục của Đức Chúa Trời giúp sửa chữa được sự thiệt hại đó nhờ để cho những người biết ăn năn có thời gian trở lại hòa thuận với Ngài (Rô-ma 5:8-10). Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũng tỏ ra nhịn nhục đối với nhân loại thời Nô-ê. Thời đó, “Đức Giê-hô-va thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” (Sáng-thế Ký 6:5). Dù Đức Chúa Trời đã có thể tiệt diệt nhân loại khi vừa mới thấy tình trạng đó, Ngài đã ấn định chấm dứt tình thế đó 120 năm sau (Sáng-thế Ký 6:3). Nhờ sự nhịn nhục này mà Nô-ê có thì giờ sanh ba người con, rồi họ lớn lên và lập gia đình đặng cả nhà cùng đóng tàu để cứu sống chính họ và bảo tồn loài vật. Bằng cách này ý định ban đầu của Đức Chúa Trời đối với trái đất có thể thực hiện.
10, 11. Tại sao Đức Giê-hô-va nhịn nhục như thế đối với nước Y-sơ-ra-ên?
10 Một lời định nghĩa khác của sự nhịn nhục đặc biệt áp dụng cho cách Đức Chúa Trời đối xử với dân sự của Ngài. Đó là “sự kiên nhẫn chịu thiệt thòi hoặc bị khiêu khích, đồng thời không ngớt hy vọng liên lạc khó khăn sẽ trở nên tốt hơn” (Insight on the Scriptures, Bộ 2, trang 262; xuất bản bởi Hội Tháp Canh [Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc.]). Đây là một lý do khác nữa để Đức Chúa Trời tỏ ra nhịn nhục đối với dân Y-sơ-ra-ên. Họ liên miên xây bỏ Đức Giê-hô-va và rơi vào vòng nô lệ cho các nước dân ngoại. Nhưng Ngài bày tỏ nhịn nhục bằng cách giải cứu dân Y-sơ-ra-ên và ban cho họ cơ hội ăn năn (Các Quan Xét 2:16-20).
11 Phần lớn các vua Y-sơ-ra-ên xúi dân họ thờ phượng thần giả. Đức Chúa Trời có từ bỏ dân đó ngay lập tức không? Không, Ngài không vội vàng từ bỏ hy vọng liên lạc khó khăn sẽ trở nên tốt hơn. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va chậm giận. Bày tỏ nhịn nhục, Đức Chúa Trời ban cho họ nhiều lần liên tiếp cơ hội để ăn năn. Chúng ta đọc nơi II Sử-ký 36:15, 16: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ-phụ chúng, vì có lòng thương-xót dân-sự và đền của Ngài; nên hằng sai sứ-giả đến cùng chúng; nhưng chúng nhạo-báng sứ-giả của Đức Chúa Trời, khinh-bỉ các lời phán của Ngài, cười-nhạo những tiên-tri của Ngài, cho đến đỗi cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân-sự Ngài, chẳng còn phương chữa được”.
12. Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp đưa ra bằng chứng nào về lý do tại sao Đức Giê-hô-va nhịn nhục?
12 Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp cũng cung cấp bằng chứng cụ thể cho thấy Đức Giê-hô-va bày tỏ nhịn nhục để giúp dân bị lầm lạc của Ngài. Thí dụ, sứ đồ Phao-lô hỏi các tín đồ đấng Christ phạm tội: “Ngươi khinh-dể sự dư-dật của lòng nhơn-từ, nhịn-nhục, khoan-dung Ngài, mà không nhận-biết lòng nhơn-từ của Đức Chúa Trời đem ngươi đến sự ăn-năn sao?” (Rô-ma 2:4). Phi-e-rơ viết những lời này với cùng một mục đích: “Chúa không chậm-trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn” (II Phi-e-rơ 3:9). Ông cũng nói với chúng ta thích hợp thay: “Phải nhìn biết rằng sự nhịn-nhục lâu-dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu-chuộc anh em” (II Phi-e-rơ 3:15). Vậy chúng ta thấy Đức Giê-hô-va nhịn nhục, không phải vì tình cảm ủy mị hoặc vì nhu nhược, nhưng vì có liên can đến danh và ý định Ngài và vì Ngài đầy thương xót và yêu thương.
Gương nhịn nhục của Giê-su
13. Có bằng chứng cụ thể nào trong Kinh-thánh chứng tỏ Giê-su Christ nhịn nhục?
13 Gương nhịn nhục lớn thứ nhì sau gương của Đức Chúa Trời là gương của Giê-su Christ, đấng Mê-si, là Con Ngài. Giê-su là gương sáng chói về tính tự kềm chế, tránh vội vàng phản ứng trước sự khiêu khích.a Nhà tiên tri Ê-sai tiên tri rằng đấng Mê-si sẽ nhịn nhục qua những lời này: “Người bị hiếp-đáp, nhưng khi chịu sự khốn-khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng” (Ê-sai 53:7). Lời tuyên bố này của Phi-e-rơ chứng thật cùng một cách như vậy: “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử-đoán công-bình” (I Phi-e-rơ 2:23). Các môn đồ của Giê-su hẳn đã thử thách ngài nhiều lắm khi cãi lẫy để xem ai lớn hơn hết trong họ! Nhưng ngài nhịn nhục và kiên nhẫn biết bao với họ! (Mác 9:34; Lu-ca 9:46; 22:24).
14. Gương mẫu của Giê-su nên thúc đẩy chúng ta làm gì?
14 Chúng ta nên noi theo gương nhịn nhục của Giê-su. Phao-lô viết: “Chúng ta [hãy]...lấy lòng nhịn-nhục theo-đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta, nhìn xem Chúa Giê-su, là cội-rễ và cuối-cùng của đức-tin, tức là đấng vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy [cây khổ hình], khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời. Vậy anh em hãy nghĩ đến đấng đã chịu sự đối-nghịch dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi-mệt sờn lòng” (Hê-bơ-rơ 12:1-3).
15. Làm sao chúng ta thấy rõ là Giê-su nhịn nhục và sẵn lòng chịu đựng thử thách?
15 Qua thái độ ngài biểu lộ khi bị bắt chúng ta có thể thấy rõ sự kiện Giê-su nhịn nhục và sẵn lòng chịu đựng thử thách. Sau khi quở Phi-e-rơ vì ông đã dùng gươm để che chở Thầy mình, Giê-su nói: “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập-tức cho ta hơn mười hai đạo thiên-sứ sao? Nếu vậy, thế nào cho ứng-nghiệm lời Kinh-thánh chép rằng việc nầy tất phải xảy đến?” (Ma-thi-ơ 26:51-54; Giăng 18:10, 11).
Các gương khác về sự nhịn nhục
16. Kinh-thánh cho thấy thế nào gương nhịn nhục của Giô-sép con Gia-cốp?
16 Ngay dù bất toàn, những người tội lỗi có thể bày tỏ nhịn nhục. Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ chứa đựng các gương mẫu về việc kiên nhẫn chịu đựng khi bị đối xử tàn tệ bởi những người bất toàn. Thí dụ, gương của Giô-sép, con của tộc trưởng Gia-cốp người Hê-bơ-rơ. Ông đã chịu đựng cách kiên nhẫn biết bao những sự bất công mà các anh cùng cha khác mẹ và vợ của Phô-ti-pha đã gây ra cho ông! (Sáng-thế Ký 37:18-28; 39:1-20). Giô-sép đã không để cho những thử thách này làm cho ông trở nên cay đắng. Điều này thấy rõ khi ông nói với các anh: “Đừng sầu-não và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ-gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh” (Sáng-thế Ký 45:4, 5). Quả thật Giô-sép đã đặt ra một gương tốt biết bao về sự nhịn nhục!
17, 18. Chúng ta hiển nhiên thấy sự nhịn nhục của Đa-vít như thế nào?
17 Đa-vít nêu gương khác về một tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn chịu thiệt thòi, bày tỏ nhịn nhục. Bị vua Sau-lơ ghen tương săn đuổi như săn chó, hai lần Đa-vít đã có thể giết Sau-lơ để phục hận (I Sa-mu-ên 24:1-22; 26:1-25). Nhưng Đa-vít đã trông mong nơi Đức Chúa Trời, như ta thấy qua lời ông nói với A-bi-sai: “Đức Giê-hô-va chắc sẽ đánh [Sau-lơ], hoặc khi người đến kỳ định mà chết, hoặc khi người ra trận mà bị diệt-vong. Nguyện Đức Giê-hô-va giữ, chớ cho tôi tra tay vào kẻ chịu xức dầu của Ngài!” (I Sa-mu-ên 26:10, 11). Đúng, Đa-vít đã có cơ hội làm cho Sau-lơ hết đuổi theo ông. Thay vì thế, Đa-vít thà chịu nhịn nhục là hơn.
18 Cũng hãy xem chuyện xảy ra khi Đa-vít chạy trốn vì cớ con trai Áp-sa-lôm lập mưu làm phản. Một người Bên-gia-min tên là Si-mê-i thuộc gia tộc của Sau-lơ ném đá và rủa sả Đa-vít, hét: “Ớ người huyết, người gian-tà kia, hãy đi nà, hãy đi nà!” A-bi-sai muốn giết Si-mê-i, nhưng Đa-vít từ chối trả thù. Thay vì thế, ông đã biểu lộ lần nữa đức tính nhịn nhục (II Sa-mu-ên 16:5-13).
Xem gương của Phao-lô
19, 20. Sứ đồ Phao-lô đã tỏ mình nhịn nhục thế nào?
19 Trong Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp, chúng ta có một gương tốt khác về sự nhịn nhục của một người bất toàn—sứ đồ Phao-lô. Ông tỏ ra kiên nhẫn chịu đựng, nhịn nhục cả đối với các kẻ đối lập tôn giáo lẫn đối với những kẻ tự xưng là tín đồ đấng Christ. Đúng, Phao-lô biểu lộ sự nhịn nhục, dù một vài kẻ trong hội-thánh Cô-rinh-tô nói: “Các thơ của người nặng lời và bạo-mạnh; nhưng đến khi có mặt thì người yếu-đuối và lời nói chẳng có giá gì” (II Cô-rinh-tô 10:10; 11:5, 6, 22-33).
20 Do đó, Phao-lô nói chí lý với người Cô-rinh-tô: “Nhưng chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời, bởi lòng nhịn-nhục lắm trong những sự hoạn-nạn, thiếu-thốn, khốn-khổ, đòn-vọt, lao-tù, rối-loạn, khó-nhọc, tỉnh-thức, kiêng-ăn; bởi sự thanh-sạch, thông-biết, khoan-nhẫn, nhơn-từ, bởi thánh linh, bởi lòng yêu-thương thật-tình” (II Cô-rinh-tô 6:4-6). Cùng một thể ấy, sứ đồ đã có thể viết cho Ti-mô-thê là người cùng làm việc với ông: “Con đã theo gương ta trong sự dạy-dỗ, tánh-hạnh, ý-muốn, đức-tin, nhịn-nhục, yêu-thương, bền-đỗ của ta, trong những sự bắt-bớ, và hoạn-nạn... và Chúa đã cứu ta thoát khỏi luôn luôn” (II Ti-mô-thê 3:10, 11). Quả sứ đồ Phao-lô đã để lại cho chúng ta một gương nhịn nhục tốt lành thay!
21. Bài kỳ tới có thể giúp chúng ta thế nào?
21 Rõ ràng là Kinh-thánh ghi đầy những gương tốt về sự nhịn nhục. Đức Giê-hô-va và Con yêu dấu của Ngài là các gương tuyệt hảo. Nhưng thật là khích lệ thay khi ta nhận thấy những người bất toàn như Giô-sép, Đa-vít và sứ đồ Phao-lô cũng bày tỏ đức tính này! Bài kỳ tới được soạn ra để giúp chúng ta bắt chước các gương tốt dường ấy.
[Chú thích]
a Nhịn nhục không có nghĩa giản dị là chịu khổ lâu. Nếu một người chịu khổ lâu đâm ra chán nản hoặc cay đắng vì không có thế phục hận, người đó không là người nhịn nhục.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Nhịn nhục có nghĩa gì?
◻ Đức Giê-hô-va nhịn nhục trước hết vì những lý do nào?
◻ Giê-su bày tỏ nhịn nhục bằng những cách nào?
◻ Có những bằng chứng nào trong Kinh-thánh cho thấy những người bất toàn cũng có thể bày tỏ nhịn nhục?
[Hình nơi trang 18]
Giô-sép, Giê-su, Đa-vít, Phao-lô và Gióp là những gương về sự nhịn nhục
[Hình nơi trang 21]
Giê-su bày tỏ nhịn nhục đối với các môn đồ