Hãy năng theo đuổi sự nhơn từ đầy yêu thương
“Người nào theo đuổi sự công bình và sự nhơn từ đầy yêu thương sẽ tìm được sự sống, sự công bình và sự vinh hiển” (CHÂM NGÔN 21:21, NW).
1. Tại sao chúng ta chờ đợi rằng những người được thánh linh của Đức Chúa Trời hướng dẫn nên bày tỏ sự nhơn từ?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA nhơn từ và thương xót. Ngài là “Đức Chúa Trời thương-xót, nhơn-từ, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7). Vì vậy cũng dễ hiểu là trái của thánh linh bao hàm tình yêu thương và sự nhơn từ (Ga-la-ti 5:22, 23).
2. Bây giờ chúng ta xem xét những gương mẫu nào?
2 Những người được thánh linh hay sinh hoạt lực của Đức Giê-hô-va hướng dẫn, biểu lộ trái của sự nhơn từ. Họ bày tỏ lòng nhơn từ đầy yêu thương trong sự liên lạc với người khác. Thật vậy, họ theo gương của sứ đồ Phao-lô, tự xem mình là tôi tớ hầu việc Đức Chúa Trời vì lòng “nhơn-từ” và hầu việc Ngài qua nhiều cách khác (II Cô-rinh-tô 6:3-10). Tinh thần nhơn từ, thương xót, tha thứ của họ hòa hợp với nhân cách của Đức Giê-hô-va, Đấng “đầy-dẫy ân-huệ” và lời của Ngài chứa đựng nhiều gương mẫu về sự nhơn từ (Thi-thiên 86:15; Ê-phê-sô 4:32). Chúng ta có thể học được điều gì qua một số các gương mẫu này?
Sự nhơn từ làm chúng ta không ích kỷ mà lại hiếu khách
3. Áp-ra-ham đã làm gương thế nào trong việc bày tỏ sự nhơn từ và Phao-lô đã khuyến khích gì liên quan đến điều này?
3 Tổ phụ Áp-ra-ham (Áp-ram) là “bạn của Đức Giê-hô-va” và “cha hết thảy những kẻ tin”. Ông đã làm gương tốt trong việc bày tỏ lòng nhơn từ (Gia-cơ 2:23; Rô-ma 4:11). Ông và cả gia đình gồm cả người cháu là Lót, đã cùng ra khỏi U-rơ thuộc xứ Canh-đê và đi đến xứ Ca-na-an theo lời phán của Đức Chúa Trời. Mặc dù Áp-ra-ham lớn tuổi hơn và là trưởng gia đình, ông đã lấy lòng nhơn từ và bất vị kỷ mà để cho Lót chọn vùng đất tốt nhất, trong khi chính ông thì lấy phần đất còn lại (Sáng-thế Ký 13:5-18). Sự nhơn từ giống như thế có thể khiến chúng ta vì quyền lợi của người khác mà chịu thiệt thòi. Sự nhơn từ bất vị kỷ đó hòa hợp với lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”. Chính Phao-lô “gắng sức đẹp lòng mọi người trong mọi việc, chẳng tìm ích-lợi riêng cho mình, nhưng cho phần nhiều người, để họ được cứu” (I Cô-rinh-tô 10:24, 33).
4. Áp-ra-ham và Sa-ra được thưởng như thế nào vì đã bày tỏ sự nhơn từ bằng cách hiếu khách?
4 Đôi khi sự nhơn từ được biểu lộ qua việc hết lòng quí mến khách. Áp-ra-ham và vợ ông, Sa-ra đã nhơn từ và tiếp đãi ba người khách lạ ở trọ nhà họ một ngày. Áp-ra-ham đã thuyết phục họ ở lại một thời gian, trong khi ông và Sa-ra hối hả dọn một bữa ăn thịnh soạn cho khách. Hóa ra những người này là thiên sứ Đức Giê-hô-va, một thiên sứ đã truyền lời hứa rằng Sa-ra tuy già và hiếm muộn sẽ có được một con trai (Sáng-thế Ký 18:1-15). Thật là một phần thưởng lớn cho lòng hiếu khách!
5. Gai-út đã bày tỏ sự nhơn từ bằng cách nào và chúng ta có thể làm điều nào tương tợ như vậy?
5 Một cách để mọi tín đồ đấng Christ có thể bày tỏ sự nhơn từ là lòng hiếu khách (Rô-ma 12:13; I Ti-mô-thê 3:1, 2). Hòa hợp với điều này, tôi tớ Đức Giê-hô-va tiếp đãi các giám thị lưu động một cách ân cần. Điều này gợi cho nhớ lại sự nhơn từ mà một tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất là Gai-út đã bày tỏ. Ông đã “ăn-ở trung-tín” trong việc tiếp đãi các anh em ở trọ—những anh em mà ông không hề biết đến trước đó (III Giăng 5-8). Thường thường thì chúng ta biết những người mà chúng ta có thể tiếp đãi là ai. Có lẽ chúng ta để ý thấy rằng một người chị thiêng liêng bị chán nản. Chồng chị có lẽ là người không tin đạo hay thậm chí là một người bị khai trừ. Thật là một cơ hội cho chúng ta bày tỏ sự nhơn từ bằng cách thỉnh thoảng mời chị đến kết hợp thiêng liêng và ăn uống với gia đình chúng ta! Dù chúng ta không bày một bữa tiệc thịnh soạn, chắc chắn gia đình chúng ta sẽ vui mừng bày tỏ sự nhơn từ đối với một người chị em như thế. (So sánh Châm-ngôn 15:17). Và chị chắc hẳn sẽ biểu lộ sự biết ơn bằng lời nói hoặc vài hàng chữ viết để cám ơn.
6. Ly-đi đã bày tỏ sự nhơn từ thế nào và tại sao bày tỏ lòng biết ơn đối với các hành động nhơn từ là quan trọng?
6 Sau khi người đàn bà tin kính Ly-đi làm báp têm, Lu-ca nói: “[Người] xin chúng ta rằng: Nếu các ông [Phao-lô và các bạn đồng hành] đã đoán tôi là trung-thành với Chúa, thì hãy vào nhà tôi, mà ở lại đó; rồi người ép mời vào”. Chắc hẳn họ đã biết ơn lòng nhơn từ của Ly-đi (Công-vụ các Sứ-đồ 16:14, 15, 40). Nhưng việc không tỏ lòng biết ơn có thể rất là tai hại. Có lần một chị 80 tuổi không mạnh khỏe mấy và cũng không dư giả gì nhưng lại tỏ ra nhơn từ mà bỏ ra công phu nấu ăn thết đãi một ít khách. Chị đã đặc biệt thất vọng khi một thanh niên đã không buồn nói cho chị biết là anh sẽ không đến được. Vào một dịp khác, hai chị nọ không đến dự một bữa ăn mà một thiếu phụ đã nấu đặc biệt cho họ. Thiếu phụ kia nói: “Tôi rất đau lòng vì không phải là họ quên... Nếu họ có quên thì tôi không chấp, nhưng đằng này không một chị nào lại nhơn từ hoặc yêu thương mà gọi [điện thoại] cho tôi biết”. Trái nhơn từ của thánh linh có làm cho bạn biết ơn và quan tâm trong những hoàn cảnh tương tợ không?
Sự nhơn từ khiến cho ta ân cần
7. Việc con cháu của Gia-cốp cố gắng chìu theo ý muốn của ông về sự chôn cất nói lên điểm nào về sự nhơn từ?
7 Sự nhơn từ nên khiến cho chúng ta ân cần với người khác và nghĩ tới ước vọng chính đáng của họ. Thí dụ: Gia-cốp (Y-sơ-ra-ên) xin con ông là Giô-sép tỏ sự nhơn từ đầy yêu thương đối với ông bằng cách đừng chôn ông tại Ê-díp-tô. Dù điều này đòi hỏi phải chở thi hài của Gia-cốp đi xa, Giô-sép và những người con khác của Gia-cốp “dời xác người về xứ Ca-na-an, chôn trong hang đá của đồng Mặc-bê-la ngang Mam-rê mà Áp-ra-ham đã mua luôn với đồng-ruộng Ép-rôn, người Hê-tít, để dùng làm mộ-địa” (Sáng-thế Ký 47:29; 49:29-31; 50:12, 13). Hòa hợp với điều này, chúng ta có để sự nhơn từ thúc đẩy chúng ta đứng ra làm lễ mai táng một người thân tín đồ đấng Christ hòa hợp với Kinh-thánh và theo ý của người đó không?
8. Trường hợp của Ra-háp dạy chúng ta điều gì về việc đền đáp lại sự nhơn từ?
8 Khi những người khác tỏ sự nhơn từ đầy yêu thương đối với chúng ta, lẽ nào chúng ta lại không tỏ lòng biết ơn hay đền đáp bằng những cách khác sao? Chắc chắn chúng ta nên biết ơn. Kỵ nữ Ra-háp tỏ sự nhơn từ bằng cách giấu những người do thám Y-sơ-ra-ên. Vì vậy, người Y-sơ-ra-ên tỏ sự nhơn từ bằng cách bảo toàn mạng sống của bà và nhà bà khi họ thiêu hủy thành Giê-ri-cô (Giô-suê 2:1-21; 6:20-23). Quả là một gương tốt cho thấy chúng ta nên đền đáp lại sự nhơn từ bằng cách chính chúng ta tỏ ra ân cần và nhơn từ!
9. Tại sao bạn nói rằng việc xin người khác bày tỏ sự nhơn từ đầy yêu thương đối với chúng ta là chính đáng?
9 Vì vậy, hỏi xin người khác tỏ sự nhơn từ đầy yêu thương đối với chúng ta là chính đáng. Giô-na-than, con trai của vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên là Sau-lơ đã làm thế. Giô-na-than đã xin người bạn trẻ thân yêu của ông là Đa-vít tỏ sự nhơn từ đầy yêu thương đối với ông và nhà ông (I Sa-mu-ên 20:14, 15; II Sa-mu-ên 9:3-7). Đa-vít nhớ đến lời yêu cầu này khi ông cho dân Ga-ba-ôn trả thù vì đã bị Sau-lơ làm hại. Nhớ lại “lời thề...trước mặt Đức Giê-hô-va” giữa ông và Giô-na-than, Đa-vít đã tỏ sự nhơn từ đầy yêu thương bằng cách dung thứ cho con trai của Giô-na-than là Mê-phi-bô-sết được toàn mạng (II Sa-mu-ên 21:7, 8). Cũng vậy, chúng ta có giữ lời hứa như nếu “phải thì nói phải” không? (Gia-cơ 5:12). Và nếu chúng ta là trưởng lão, chúng ta có quan tâm, giống như vậy khi các anh chị em cùng đức tin của chúng ta cần chúng ta tỏ sự nhơn từ đầy yêu thương đối với họ không?
Sự nhơn từ làm vững mối liên hệ
10. Sự nhơn từ của Ru-tơ được ban phước thế nào?
10 Sự nhơn từ đầy yêu thương làm vững mối liên hệ trong gia đình và mưu cầu hạnh phúc. Điều này thấy rõ trong trường hợp của Ru-tơ, người Mô-áp. Nàng đi mót lúa cực nhọc trong cánh đồng của người lớn tuổi là Bô-ô, ở gần Bết-lê-hem, để tự nuôi sống cùng nuôi mẹ chồng góa bụa và nghèo khó là Na-ô-mi (Ru-tơ 2:14-18). Bô-ô sau đó nói với Ru-tơ: “Việc nhơn-từ con làm lần sau nầy, lại còn trọng hơn lần trước; vì con chẳng có theo những gã trai-trẻ, vô-luận nghèo hay giàu” (Ru-tơ 3:10). Lần trước Ru-tơ tỏ sự nhơn từ với Na-ô-mi. “Lần sau”, người nữ Mô-áp này tỏ sự nhơn từ bằng cách sẵn sàng lấy Bô-ô lớn tuổi để nối danh cho người chồng quá cố của nàng và cho bà Na-ô-mi đã già. Nhờ Bô-ô, Ru-tơ trở thành mẹ của ông nội Đa-vít là Ô-bết. Và Đức Chúa Trời “thưởng cho nàng cách trọn-vẹn” và cho nàng trở thành tổ mẫu của Giê-su Christ (Ru-tơ 2:12; 4:13-17; Ma-thi-ơ 1:3-6, 16; Lu-ca 3:23, 31-33). Quả thật, sự nhơn từ của Ru-tơ đem lại ân phước biết bao cho nàng và cả nhà nàng! Ngày nay ân phước, hạnh phúc và mối liên hệ vững mạnh trong gia đình cũng có thể đạt được khi sự nhơn từ đầy yêu thương phát triển trong những gia đình tin kính.
11. Sự nhơn từ của Phi-lê-môn đã có hiệu quả nào?
11 Sự nhơn từ làm vững mạnh mối liên hệ trong các hội-thánh thuộc dân sự của Đức Giê-hô-va. Tín đồ đấng Christ tên là Phi-lê-môn nổi tiếng nhờ bày tỏ sự nhơn từ đầy yêu thương đối với anh em cùng đức tin. Phao-lô nói với ông: “Tôi cảm-tạ Đức Chúa Trời tôi, hằng ghi-nhớ anh trong lời cầu-nguyện, vì nghe nói anh có lòng yêu-thương và đức-tin trong Đức Chúa Giê-su và cùng các thánh-đồ...Tôi đã được vui-mừng, yên-ủi lắm bởi lòng yêu-thương của anh, vì nhờ anh mà lòng các thánh-đồ được yên-ủi” (Phi-lê-môn 4-7). Kinh-thánh không có nói Phi-lê-môn yên ủi lòng các thánh đồ thể nào. Tuy nhiên, chắc hẳn ông đã tỏ ra sự nhơn từ đầy yêu thương đối với các anh em được xức dầu trong nhiều cách khác nhau và điều đó đã làm tươi mát lòng họ và điều này chắc chắn đã làm vững mạnh thêm sự liên hệ giữa họ. Ngày nay những điều như thế cũng xảy ra khi các tín đồ đấng Christ bày tỏ sự nhơn từ đầy yêu thương.
12. Sự nhơn từ mà Ô-nê-si-phô-rơ đã bày tỏ có được kết quả nào?
12 Sự nhơn từ của Ô-nê-si-phô-rơ cũng đã có hiệu quả tốt. Phao-lô nói: “Cầu xin Chúa thương-xót lấy nhà Ô-nê-si-phô-rơ, vì người đôi phen yên-ủi ta, chẳng hề lấy sự ta bị xiềng xích làm xấu-hổ. Lại còn, khi người vừa đến thành Rô-ma, đã vội-vã kiếm ta, và kiếm được. Xin chính mình Chúa cho người tìm thấy sự thương-xót của Chúa trong ngày đó! Con lại biết hơn kẻ khác, người ở Ê-phê-sô đã hầu việc ta mọi đàng” (II Ti-mô-thê 1:16-18). Nếu chúng ta cố sức tỏ sự nhơn từ đầy yêu thương đối với các anh chị em khác, chúng ta sẽ được vui mừng và làm vững mạnh tình yêu thương anh em trong hội-thánh.
13, 14. Hội-thánh tại thành Phi-líp đã tỏ ra gương mẫu như thế nào và Phao-lô đã đáp lại sự nhơn từ của họ ra sao?
13 Khi toàn thể hội-thánh tỏ sự nhơn từ đầy yêu thương đối với các anh chị em cùng thờ phượng Đức Chúa Trời, điều này làm vững mạnh mối liên hệ giữa họ. Phao-lô và hội-thánh ở thành Phi-líp đã có được mối liên hệ mật thiết như thế. Thật vậy, một lý do mà Phao-lô viết thư gửi cho người ở thành Phi-líp là vì ông muốn bày tỏ lòng biết ơn về sự nhơn từ và sự giúp đỡ vật chất của họ. Ông viết: “Anh em cũng biết rằng lúc tôi khởi giảng tin mừng, trong khi lìa xứ Ma-xê-đoan, thì ngoài hội-thánh của anh em, chẳng có hội nào khác hiệp với tôi để lập thành sự trao-đổi trong chúng ta cả; vì tại Tê-sa-lô-ni-ca, anh em đã một hai lần gởi đồ cung-cấp về sự cần-dùng cho tôi vậy... Vậy, tôi đã nhận được hết, và đương dư-dật; tôi được đầy-dẫy vì đã nhận đồ nơi Ép-ba-phô-đích mà anh em gởi cho tôi, như một thứ hương có mùi thơm, tức là một của-lễ Đức Chúa Trời đáng nhận và đẹp lòng Ngài” (Phi-líp 4:15-18).
14 Chẳng lạ gì khi Phao-lô cầu nguyện cho những người ở thành Phi-líp. Ông nói: “Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm-tạ Đức Chúa Trời tôi, và mỗi khi cầu-nguyện, tôi hằng cầu cho hết thảy anh em cách hớn-hở, vì cớ từ buổi ban-đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông-công trong sự tấn-tới của tin mừng” (Phi-líp 1:3-5). Lòng nhơn từ và sự rộng lượng ủng hộ cho công việc rao giảng về Nước Trời đó không bao giờ làm cho hội-thánh nghèo đi. Sau khi những người tại Phi-líp làm những gì họ có thể để giúp về phương diện này, Phao-lô bảo đảm với họ: “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy-đủ mọi sự cần-dùng của anh em y theo sự giàu-có của Ngài ở nơi vinh-hiển trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:19). Đúng vậy, Đức Chúa Trời đền đáp lại sự nhơn từ và sự rộng lượng. Lời của Ngài nói: “Mỗi người đều sẽ nhận-lãnh của Chúa tùy việc lành mình đã làm” (Ê-phê-sô 6:8).
Khi các người đàn bà bày tỏ sự nhơn từ
15, 16. a) Làm sao người ta nhớ đến sự nhơn từ của Đô-ca, và điều gì đã xảy ra khi nàng chết? b) Ngày nay, các nữ tín đồ đấng Christ cũng làm nhiều việc lành như thế nào?
15 Sự nhơn từ đầy yêu thương của môn đồ Đô-ca (Ta-bi-tha) tại thành Giốp-bê không phải là không được thưởng. “Người làm nhiều việc lành và hay bố-thí” và khi “người đau và chết”, các môn đồ cho mời Phi-e-rơ ở tại Ly-đa đến. Khi người đến nơi “người ta dẫn Phi-e-rơ đến chỗ phòng cao; hết thảy các đờn-bà góa đều đến cùng người mà khóc, và giơ cho người xem bao nhiêu áo-xống và áo ngoài, lúc Đô-ca còn sống ở với mình đã may cho”. Hãy tưởng tượng đến cảnh đó: Những người đàn bà góa buồn rầu, nước mắt tuôn tràn kể lể với sứ đồ về cách Đô-ca đối xử nhơn từ như thế nào và cho ông xem chứng cớ về lòng yêu thương và nhơn từ của Đô-ca qua những quần áo nàng đã may. Phi-e-rơ bảo tất cả ra ngoài, rồi ông quì xuống cầu nguyện và ông xây qua xác chết mà rằng: “Hỡi Ta-bi-tha, hãy chờ dậy”. Và kìa! “Người mở mắt, thấy Phi-e-rơ, bèn ngồi dậy liền. Phi-e-rơ đưa tay ra đỡ cho đứng dậy; đoạn gọi các thánh-đồ và đờn-bà góa đến, cho họ thấy người sống” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:36-41). Thật là ân phước lớn thay từ Đức Chúa Trời!
16 Đây là lần đầu tiên Kinh-thánh ghi về sự sống lại do một sứ đồ của Giê-su Christ thực hiện. Và hoàn cảnh dẫn đến phép lạ tuyệt diệu này bắt nguồn từ sự nhơn từ của Đô-ca. Ai có thể nói rằng Đô-ca sẽ được làm sống lại nếu nàng không có đầy dẫy việc lành và lòng bố thí—nếu nàng không có tràn ngập sự nhơn từ đầy yêu thương? Không chỉ riêng Đô-ca và các bà góa đó được ban phước mà phép lạ làm nàng sống lại đã làm chứng thêm về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đúng vậy, “việc đó đồn ra khắp thành Giốp-bê; nên có nhiều người tin theo Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:42). Ngày nay, các nữ tín đồ đấng Christ nhơn từ cũng làm nhiều việc lành—có thể là may quần áo cho các anh em cùng đức tin, nấu ăn cho các anh chị già yếu trong hội-thánh, tiếp đãi những người khác (I Ti-mô-thê 5:9, 10). Đây thật là một điều làm chứng đối với những người quan sát chúng ta! Trên hết mọi sự, chúng ta thật vui mừng biết bao khi thấy sự tin kính và nhơn từ khiến cho “các người đờn-bà báo tin [mừng] thật một đoàn đông lắm” để đem vinh hiển cho Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của chúng ta! (Thi-thiên 68:11).
Hãy tiếp tục theo đuổi sự nhơn từ đầy yêu thương
17. Châm-ngôn 21:21 đã nói gì, và những lời đó áp dụng được thế nào đối với những người có sự tin kính?
17 Tất cả những ai muốn được ơn của Đức Chúa Trời phải theo đuổi sự nhơn từ. Một câu châm-ngôn khôn ngoan nói: “Người nào tìm-cầu sự công-bình và sự nhơn-từ sẽ tìm được sự sống, sự công-bình và tôn-trọng” (Châm-ngôn 21:21). Một người tin kính năng theo đuổi sự công-bình của Đức Chúa Trời, luôn luôn để cho các tiêu chuẩn của Ngài hướng dẫn các đường lối của mình (Ma-thi-ơ 6:33). Người đó tiếp tục bày tỏ sự yêu thương trung thành, hoặc sự nhơn từ đầy yêu thương, đối với người khác về phương diện vật chất và nhất là về thiêng liêng. Như thế, người ấy tìm được sự công-bình vì thánh linh Đức Giê-hô-va giúp người sống trong đường lối công bình. Thật vậy, người được “mặc lấy sự công-bình” như người tin kính Gióp (Gióp 29:14). Người như thế không đi tìm sự vinh hiển của riêng mình (Châm-ngôn 25:27). Trái lại, người nhận bất cứ vinh hiển nào mà Đức Giê-hô-va cho người nhận, chẳng hạn Đức Chúa Trời khiến người đồng loại kính trọng người, đối xử tử tế với người vì sự nhơn từ của người đã tỏ ra cho họ. Hơn nữa, những người trung thành làm theo ý Đức Chúa Trời sẽ tìm được sự sống—không phải chỉ ít năm ngắn ngủi nhưng đến đời đời.
18. Tại sao chúng ta theo đuổi sự nhơn từ đầy yêu thương?
18 Bởi vậy, mong sao tất cả những người yêu mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời tiếp tục theo đuổi sự nhơn từ. Đức tính này làm Đức Chúa Trời và người khác quí chuộng chúng ta. Đức tính này khuyến khích lòng hiếu khách và làm cho chúng ta ân cần quan tâm đến người khác. Sự nhơn từ làm vững mạnh mối liên hệ trong gia đình và hội-thánh tín đồ đấng Christ. Các người đàn bà có lòng nhơn từ được quí mến và xem trọng. Tất cả những ai theo đuổi đức tính tuyệt vời này đem vinh hiển cho Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của sự nhơn từ.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Áp-ra-ham là gương mẫu thế nào trong việc bày tỏ sự nhơn từ?
◻ Trường hợp của Ra-háp dạy chúng ta điều gì về việc báo đáp sự nhơn từ?
◻ Hội-thánh tại Phi-líp đã bày tỏ sự nhơn từ như thế nào?
◻ Ngày nay, các nữ tín đồ đấng Christ có sự nhơn từ làm nhiều việc lành như thế nào?
◻ Tại sao chúng ta nên theo đuổi sự nhơn từ?