Đấng Mê-si hiện diện và trị vì
“Giê-su nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy” (CÔNG-VỤ CÁC SỨ-ĐỒ 1:11).
1, 2. a) Khi Giê-su lên trời, hai vị thiên sứ an ủi các sứ đồ của ngài như thế nào? b) Những câu hỏi nào được nêu lên về triển vọng thấy đấng Christ trở lại?
MƯỜI MỘT người đàn ông đứng về phía đông của triền núi Ô-li-ve nhìn chằm chặp lên trời. Vài khoảnh khắc trước đó Giê-su Christ đã rời họ để lên trời, hình bóng ngài dần dần lu mờ đi cho đến khi đám mây hoàn toàn che khuất ngài. Trong những năm ở cùng với ngài, những người này đã từng thấy Giê-su đưa ra rất nhiều bằng cớ chứng tỏ ngài là đấng Mê-si; họ cũng đã trải qua nỗi đau buồn khi ngài và vui mừng cực độ khi ngài được sống lại. Giờ đây ngài ra đi rồi.
2 Nhưng kìa, có hai thiên sứ thình lình hiện ra và nói những lời an ủi rằng: “Hỡi người Ga-li-lê, sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi? Giê-su này đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:11). Lời này trấn an họ biết bao khi biết rằng sự lên trời của Giê-su không có nghĩa rằng ngài không còn liên hệ gì nữa với trái đất và nhân loại! Ngược lại ngài sẽ trở về. Chắc hẳn những lời này làm cho lòng các sứ đồ tràn đầy hy vọng. Ngày nay cũng thế, hàng triệu người rất chú tâm đến lời hứa của đấng Christ về sự trở lại của ngài. Một số người gọi đó là sự “trở lại lần thứ hai” hoặc “sự phục lâm” (Advent). Nhưng phần đông có vẻ hiểu mập mờ về ý nghĩa sự trở lại của đấng Christ. Vậy, đấng Christ trở lại bằng cách nào? Vào lúc nào? Và điều này ảnh hưởng thế nào đến đời sống chúng ta ngày nay?
Cách đấng Christ trở lại
3. Nhiều người tin gì về sự trở lại của đấng Christ?
3 Theo sách “Cơ đốc học theo Phúc âm” (An Evangelical Christology), thì “sự trở lại hoặc đến lần thứ hai của đấng Christ (parousia) thiết lập Nước Đức Chúa Trời một cách tối hậu, công khai và vĩnh viễn”. Nhiều người tin rằng sự trở lại của đấng Christ theo nghĩa đen sẽ được mọi người trên đất trông thấy một cách công khai. Để củng cố quan điểm này, nhiều người dựa vào Khải-huyền 1:7. Câu này nói: “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cũng trông thấy”. Nhưng chúng ta có nên hiểu câu Kinh-thánh này theo nghĩa đen không?
4, 5. a) Làm sao chúng ta biết rằng Khải-huyền 1:7 không có nói theo nghĩa đen? b) Lời của chính Giê-su xác nhận sự hiểu biết này như thế nào?
4 Chúng ta nên nhớ rằng sách Khải-huyền được trình bày bằng “dấu hiệu” (Khải-huyền 1:1, NW). Vậy thì phải hiểu câu Kinh-thánh trên theo nghĩa bóng; xét cho cùng thì làm thế nào “những kẻ đã đâm Ngài” có thể thấy đấng Christ trở lại được? Họ đã qua đời gần 20 thế kỷ rồi! Hơn nữa, các thiên sứ có nói rằng đấng Christ sẽ trở lại “như cách” ngài đã lên trời. Vậy thì ngài đã lên trời như thế nào? Có hàng triệu người chứng kiến không? Không, chỉ có một số môn đồ trung thành trông thấy biến cố này thôi. Và khi các thiên sứ nói chuyện với họ, các sứ đồ có thật sự nhìn thấy cuộc hành trình của đấng Christ đến tận trời không? Không, một đám mây đã che khuất Giê-su khỏi tầm mắt họ. Ít lâu sau đó, ngài chắc hẳn đã vào thế giới thần linh trên trời với một thân thể thần linh mà mắt trần không thể thấy được (I Cô-rinh-tô 15:50). Vì thế cùng lắm là các sứ đồ chỉ thấy được lúc Giê-su khởi hành, và họ không thể nào nhìn xem được lúc ngài kết thúc cuộc hành trình, tức là trở về nơi hiện diện của Cha ngài là Đức Giê-hô-va. Họ chỉ có thể thấy sự trở lại đó qua đức tin mà thôi (Giăng 20:17).
5 Kinh-thánh dạy rằng Giê-su trở lại cùng một thể ấy. Không bao lâu trước khi qua đời, chính Giê-su nói: “Còn ít lâu, thế-gian chẳng thấy ta nữa” (Giăng 14:19). Ngài cũng có nói rằng “Nước Đức Chúa Trời không đến cách rõ-ràng” (Lu-ca 17:20). Vậy thì sự kiện ‘mọi mắt sẽ trông thấy ngài’ có nghĩa gì? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần hiểu tường tận từ ngữ mà Giê-su và các môn đồ dùng để nói về sự trở lại của ngài.
6. a) Tại sao những chữ như là “trở lại”, “đến nơi”, “sự phục lâm” và “đến” không phải là những chữ diễn tả đúng ý tưởng của chữ Hy-lạp pa·rou·siʹa? b) Điều gì cho thấy rằng pa·rou·siʹa, hoặc sự “hiện diện” kéo dài lâu hơn bất cứ một biến cố nào chỉ xảy ra trong chốc lát?
6 Thật ra, đấng Christ còn làm nhiều hơn là chỉ “trở lại”. Chữ “trở lại” này cũng giống như chữ “đến”, “đến nơi” hoặc sự “phục lâm” ngụ ý nói đến một biến cố duy nhất trong chốc lát. Nhưng chữ Hy-lạp mà Giê-su và các môn đồ dùng ở đây có ý nghĩa sâu xa hơn. Chữ ấy là pa·rou·siʹa, theo nghĩa đen là “ở cận kề” hoặc “hiện diện”. Phần đông các học giả đều đồng ý rằng chữ này không những có nghĩa là đến nơi mà lại còn mang ý nghĩa là lưu lại một thời gian sau đó, như cuộc viếng thăm chính thức của một người trong hoàng tộc. Sự hiện diện này không phải là một biến cố trong chốc lát, nhưng ấy là một thời kỳ đặc biệt, một giai đoạn đáng ghi nhớ. Nơi Ma-thi-ơ 24:37-39 Giê-su nói: “Sự hiện diện của Con người [pa·rou·siʹa]” giống như “ngày Nô-ê” đã lên đến cực điểm với trận Nước Lụt. Nô-ê đóng tàu và cảnh cáo những kẻ ác hằng chục năm trước khi nước lụt xảy ra và hủy diệt hệ thống thế gian thối nát thời bấy giờ. Cũng thế, sự hiện diện của đấng Christ mà mắt trần không thể thấy được kéo dài khoảng vài chục năm trước khi sự hiện diện này lên đến cực điểm với sự hủy diệt to lớn.
7. a) Điều gì chứng tỏ sự hiện diện pa·rou·siʹa không trông thấy được bằng mắt trần? b) Các câu Kinh-thánh miêu tả sự trở lại của đấng Christ mà “mọi mắt” trông thấy được ứng nghiệm bao giờ và thế nào?
7 Không còn nghi ngờ gì nữa, mắt trần không thật sự trông thấy được sự hiện diện pa·rou·siʹa. Vì nếu thấy được thì tại sao Giê-su đã dùng quá nhiều thì giờ nói cho các môn đồ biết về điềm để giúp họ nhận biết được sự hiện diện này?a Tuy nhiên, khi đấng Christ đến để hủy diệt hệ thống thế gian của Sa-tan thì sự hiện diện của ngài lúc bấy giờ sẽ quá rõ ràng cho mọi người. Vào lúc ấy “mọi mắt sẽ trông thấy” ngài. Ngay cả những kẻ đối nghịch của đấng Christ sẽ kinh hãi nhận biết rằng sự trị vì của ngài là một thực tại. (Xem Ma-thi-ơ 24:30; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:8; Khải-huyền 1:5, 6).
Bắt đầu khi nào?
8. Biến cố nào đánh dấu khởi điểm sự hiện diện của đấng Christ, và biến cố này xảy ra ở đâu?
8 Sự hiện diện của đấng Mê-si bắt đầu với biến cố làm ứng nghiệm nhiều lời tiên tri mà chủ đề về đấng Mê-si được nhắc lại nhiều lần. Ngài được tấn phong làm Vua ở trên trời (II Sa-mu-ên 7:12-16; Ê-sai 9:5, 6; Ê-xê-chi-ên 21:31, 32). Chính Giê-su cũng cho thấy rằng sự hiện diện của ngài có liên hệ đến vương quyền của ngài. Trong nhiều lời ví dụ, ngài ví chính mình như một người chủ rời gia đình và đầy tớ rồi du hành “phương xa” lâu ngày đặng “chịu phong chức làm Vua”. Ngài cho lời ví dụ đó để trả lời một phần câu hỏi của các sứ đồ là khi nào sự hiện diện pa·rou·siʹa của ngài bắt đầu; và ngài cho một lời ví dụ khác bởi vì “người ta tưởng rằng nước Đức Chúa Trời sẽ hiện ra ngay” (Lu-ca 19:11, 12, 15; Ma-thi-ơ 24:3; 25:14, 19). Vậy trong khi ngài còn sống trên đất như một người thường thì sự phong vương của ngài còn lâu lắm mới diễn ra ở “phương xa” tức lên trời. Thế thì khi nào việc này xảy ra?
9, 10. Có bằng cớ nào cho thấy đấng Christ đang trị vì ở trên trời, và khi nào ngài bắt đầu trị vì?
9 Khi các môn đồ hỏi ngài: “Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế?” Giê-su đáp lại bằng cách cho họ biết chi tiết về thời điểm tương lai đó. (Ma-thi-ơ đoạn 24; Mác đoạn 13; Lu-ca đoạn 21; cũng xem II Ti-mô-thê 3:1-5; Khải-huyền đoạn 6). Điềm này tổng kết lại cho thấy hình ảnh với đầy đủ chi tiết của một thời kỳ đầy khốn khổ. Đây là thời kỳ được đánh dấu bởi các cuộc chiến tranh quốc tế, tội ác gia tăng, đời sống gia đình suy đồi, dịch lệ, đói kém và động đất. Những biến cố này không phải là những vấn đề địa phương nhưng là những sự khủng hoảng trên hoàn cầu. Phải chăng điều này nghe có vẻ quen thuộc đối với bạn? Mỗi ngày trôi qua chứng nhận rằng thế kỷ 20 này hoàn toàn phù hợp với sự miêu tả của Giê-su.
10 Các sử gia đều đồng ý rằng năm 1914 là khúc quanh của lịch sử nhân loại, và sau năm then chốt ấy thì nhiều vấn đề nói trên bắt đầu không còn kiểm soát được nữa và đã gia tăng đến phạm vi quốc tế. Đúng vậy, những biến cố xảy ra trên thế giới đã làm ứng nghiệm lời tiên tri của Kinh-thánh cũng đều chỉ vào năm 1914 là năm mà Giê-su bắt đầu trị vì với tư cách là Vua trên trời. Hơn nữa, lời tiên tri của Đa-ni-ên đoạn 4 [Đa-ni-ên 4]đưa ra bằng cớ dựa trên niên đại học và bằng cớ này cũng dẫn chúng ta đến cùng một năm—năm 1914, tức lúc mà vị Vua được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm bắt đầu cai trị.b
Tại sao có thời kỳ khốn khổ?
11, 12. a) Tại sao nhiều người khó tin rằng đấng Christ hiện đang trị vì trên trời? b) Chúng ta có thể dùng ví dụ nào để diễn tả những biến cố xảy ra sau khi Giê-su được tấn phong làm Vua?
11 Dù vậy, một số người tự hỏi: ‘Nếu đấng Mê-si đang trị vì trên trời thì tại sao thế gian lại khốn khổ quá đỗi như vậy? Phải chăng sự cai trị của ngài vô hiệu quả?’ Có lẽ một thí dụ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều này. Có một ông tổng thống gian ác cai trị một nước nọ. Ông thiết lập một hệ thống tham nhũng với thuộc hạ vây cánh của ông ở khắp nơi trong nước. Nhưng một cuộc bầu cử diễn ra và có một người thanh liêm đắc cử. Vậy bây giờ việc gì sẽ xảy ra? Như trường hợp trong một số nước dân chủ, phải có một thời gian vài tháng chuyển tiếp trước khi vị tân tổng thống nhậm chức. Hai nhà lãnh đạo này sẽ hành sử thế nào trong khoảng thời gian đó? Người đắc cử thanh liêm có tấn công và phá hủy ngay lập tức tất cả những điều xấu xa mà người trước đã làm ra trên toàn quốc không? Thay vì thế phải chăng ông sẽ chú tâm đến thủ đô trước tiên để thành lập nội các mới và báo trước cho các thuộc hạ vây cánh gian manh của cựu tổng thống biết là họ sẽ bị bãi nhiệm? Bằng cách đó khi hoàn toàn nắm quyền thì ông có thể điều khiển một chính quyền thanh liêm và hữu hiệu. Về phần tổng thống tham nhũng, chẳng lẽ ông không cố gắng lợi dụng thời gian còn sót lại để vơ vét của cải bất lương trước khi mất hết quyền hành hay sao?
12 Trên thực tế, điều này tương tự với sự hiện diện pa·rou·siʹa của đấng Christ. Khải-huyền 12:7-12 cho thấy rằng khi đấng Christ được tấn phong làm Vua ở trên trời, trước tiên ngài quăng Sa-tan và các quỉ sứ của hắn ra khỏi trời và vì thế ngài tẩy sạch trụ sở của chính phủ ngài. Đau khổ vì sự bại trận mà hắn đã biết trước từ lâu, giờ đây Sa-tan hành động thế nào trong khoảng “thì-giờ...còn chẳng bao nhiêu” trước khi đấng Christ hành quyền của ngài trên đất này? Cũng giống như tổng thống tham nhũng kia, hắn cố sức vơ vét những gì thuộc hệ thống này mà hắn có thể vơ vét được. Hắn không ham muốn tiền bạc, mà lại ham muốn sinh mạng người ta. Hắn muốn làm cho càng nhiều người lìa xa Đức Giê-hô-va và vị Vua đang trị vì của Ngài càng tốt.
13. Kinh-thánh cho thấy thế nào rằng sự bắt đầu trị vì của đấng Christ sẽ là thời kỳ khốn khổ trên đất?
13 Vậy thì không có gì là đáng ngạc nhiên cả khi thấy việc đấng Mê-si bắt đầu cai trị có nghĩa là một thời kỳ “khốn-nạn cho đất” (Khải-huyền 12:12). Tương tợ như thế, Thi-thiên 110:1, 2, 6 cho thấy rằng đấng Mê-si bắt đầu cai trị “giữa các thù-nghịch” của ngài. Và chỉ sau đó ngài mới dẹp tan “các nước” cùng với mọi lãnh vực của hệ thống thối nát của Sa-tan.
Khi đấng Mê-si trị vì trái đất
14. Đấng Mê-si sẽ có thể làm gì sau khi hủy diệt hệ thống gian ác của Sa-tan?
14 Sau khi hủy diệt hệ thống của Sa-tan và tất cả những kẻ nào ủng hộ hệ thống ấy, vị Vua Mê-si, tức Giê-su Christ, sau cùng sẽ có thể làm ứng nghiệm những lời tiên tri kỳ diệu của Kinh-thánh miêu tả về Triều đại Một Ngàn Năm của ngài. Ê-sai 11:1-10 giúp chúng ta hiểu được vị Vua Mê-si này như thế nào. Câu 2 nói cho chúng ta biết rằng ngài có “thần của Đức Giê-hô-va... thần khôn-ngoan và thông-sáng, thần mưu-toan và mạnh-sức”.
15. Dưới sự trị vì của đấng Mê-si “thần mạnh-sức” sẽ có nghĩa gì?
15 Hãy xem xét “thần mạnh-sức” có nghĩa gì dưới sự cai trị của Giê-su. Khi ngài còn ở trên đất, Đức Giê-hô-va ban cho ngài một phần sức mạnh nào đó khiến ngài có thể làm nhiều phép lạ. Và ngài muốn giúp đỡ kẻ khác từ trong thâm tâm khi ngài nói: “Ta khứng” (Ma-thi-ơ 8:3). Nhưng những phép lạ ngài làm vào thời ấy chỉ cho thấy trước trong phạm vi nhỏ những gì ngài sẽ làm khi cai trị từ trên trời. Giê-su sẽ làm phép lạ trên phạm vi hoàn cầu! Những người ốm đau, mù, điếc, què quặt, tàn tật, sẽ được chữa lành một cách vĩnh viễn (Ê-sai 35:5, 6). Thực phẩm dồi dào được phân phát một cách công bằng và điều này sẽ chấm dứt mãi mãi nạn đói kém (Thi-thiên 72:16). Về phần hàng triệu người nằm trong mồ mả mà Đức Chúa Trời còn nhớ đến thì sao? “Thần mạnh-sức” của Giê-su sẽ gồm có cả quyền năng làm những người chết được sống lại và ban cho mỗi người cơ hội sống đời đời trong Địa-đàng trên đất! (Giăng 5:28, 29). Tuy nhiên, dù có tất cả “sức mạnh” này, Vua Mê-si sẽ luôn luôn tỏ mình hết sức khiêm nhường. Ngài “lấy sự kính-sợ Đức Giê-hô-va làm vui” (Ê-sai 11:3).
16. Vua Mê-si sẽ là một quan xét như thế nào, và điều này ngược hẳn với thành tích của những quan xét thế gian ra sao?
16 Vị Vua này cũng sẽ là một quan xét toàn hảo. Ngài “chẳng phán-xét theo mắt mình thấy, và chẳng cứ sự tai nghe mà đoán-định”. Có vị quan xét nào trong quá khứ hay hiện tại có thể được mô tả như thế không? Ngay cả vị quan xét sáng suốt nhất cũng chỉ xét xử theo những gì mình thấy và nghe, dùng bất cứ sự khôn ngoan hay sự nhận thức sâu sắc nào mình có được. Vì thế, những quan tòa và bồi thẩm đoàn của thế gian cũ kỹ này có thể thiên vị hoặc nhầm lẫn bởi những phép ngụy biện tinh xảo, những vụ dàn cảnh trước tòa án, hoặc những chứng cớ mâu thuẫn. Thường thường chỉ những người giàu và quyền thế mới có thể mướn được luật sư khéo bào chữa. Như thế, đúng ra là họ mua chuộc công lý. Nhưng việc sẽ đó không xảy ra dưới triều của quan xét Mê-si! Vì chính ngài đọc được lòng người ta. Không có gì họ có thể che giấu khỏi mắt ngài. Công lý được dung hòa với lòng yêu thương và sự thương xót, không ai sẽ mua chuộc được cả và công lý sẽ luôn luôn thắng thế (Ê-sai 11:3-5).
Sự cai trị của ngài ảnh hưởng đến bạn ra sao?
17, 18. a) Tương lai xán lạn (sáng lạng) của loài người được mô tả như thế nào nơi Ê-sai 11:6-9? b) Lời tiên tri này chủ yếu được áp dụng cho ai và tại sao là như vậy? c) Lời tiên tri này sẽ được ứng nghiệm theo nghĩa đen như thế nào?
17 Thật dễ hiểu rằng sự cai trị của đấng Mê-si ảnh hưởng sâu xa đến dân sự của ngài. Sự cai trị đó thay đổi được người ta. Ê-sai 11:6-9 cho thấy sự thay đổi đó sẽ sâu xa đến độ nào. Lời tiên tri này làm động lòng người khi mô tả hình ảnh của các con dã thú vốn ăn thịt như gấu, chó sói, beo, sư tử, rắn hổ mang đang gần gũi với những con súc vật hiền lành và ngay cả trẻ em nữa. Nhưng những con thú hay ăn thịt này không nguy hiểm cho ai cả! Tại sao vậy? Câu 9 trả lời: “[Chúng] nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”.
18 Hiển nhiên, sự “hiểu-biết Đức Giê-hô-va” không có ảnh hưởng gì đến loài thú vật theo nghĩa đen. Vì thế, các câu Kinh-thánh này chủ yếu phải được áp dụng cho loài người. Sự trị vì của đấng Mê-si bảo trợ một chương trình giáo dục hoàn cầu, dạy người ta về Đức Giê-hô-va và đường lối của Ngài, dạy mọi người lấy sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau và nhân phẩm mà đối xử với những người đồng loại. Trong Địa-đàng sắp đến, đấng Mê-si sẽ nâng nhân loại đến sự toàn hảo về mặt thể xác và tinh thần một cách mầu nhiệm. Những nét tính phá hoại và thú tính làm xấu đi bản tính của loài người sẽ không còn nữa. Và cuối cùng, đến lúc ấy loài người và loài thú mới có được sự hòa thuận đúng theo nghĩa đen. (So sánh Sáng-thế Ký 1:28).
19. Sự cai trị của đấng Mê-si ảnh hưởng thế nào đến đời sống của người ta trong những ngày sau rốt này?
19 Tuy vậy, hãy nhớ rằng đấng Mê-si hiện đang trị vì. Và ngay từ bây giờ dân sự của Nước ngài đang học cách sống hòa thuận với nhau, và họ làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Ê-sai 11:6-9 trong một khía cạnh nào đó. Hơn nữa, gần 80 năm qua, Giê-su đã và vẫn còn đang làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Ê-sai 11:10: “Xảy ra trong ngày đó, rễ Y-sai đứng lên làm cờ cho muôn dân, các nước đều tìm đến Ngài, nơi an-nghỉ của Ngài sẽ được vinh-hiển”. Dân mọi nước đang hướng về đấng Mê-si. Tại sao vậy? Bởi vì từ khi ngài bắt đầu trị vì, ngài đã “đứng lên làm cờ”. Ngài làm cho khắp thế gian biết đến sự hiện diện của mình qua chương trình giáo dục rộng rãi nói trên. Thật ra, Giê-su đã tiên tri cho biết công việc rao giảng hoàn cầu sẽ là dấu hiệu đặc sắc của sự hiện diện của ngài trước khi hệ thống cũ này chấm dứt (Ma-thi-ơ 24:14).
20. Toàn thể dân sự dưới quyền cai trị của đấng Mê-si nên tránh có thái độ nào, và tại sao?
20 Vì thế sự hiện diện của đấng Christ trong Vương quyền của ngài không phải là một câu chuyện lý thuyết xa vời, chỉ là một đề tài bàn luận trí thức giữa những nhà thần học. Y như lời Ê-sai đã nói trước, sự trị vì của Giê-su động đến và thay đổi đời sống của những người trên đất, kéo hàng triệu người ra khỏi hệ thống hư nát này để làm dân trong Nước của ngài. Vậy, bạn có phải là dân sự của ngài không? Nếu phải thì hãy phụng sự với tất cả sự hăng hái và vui mừng vì đấng cai trị chúng ta thật xứng đáng được chúng ta phụng sự như thế! Đành rằng thật dễ mệt mỏi sờn lòng và hùa theo lời kêu ca giễu cợt của thế gian: “Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu?” (II Phi-e-rơ 3:4). Nhưng như chính Giê-su đã nói: “Kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu” (Ma-thi-ơ 24:13).
21. Bằng cách nào tất cả chúng ta có thể quí trọng hy vọng về đấng Mê-si nhiều hơn?
21 Mỗi ngày trôi qua sẽ đưa chúng ta đến gần ngày trọng đại khi Đức Giê-hô-va hạ lệnh cho Con Ngài biểu dương sự hiện diện mình cho toàn thế giới biết. Vậy đừng bao giờ để cho hy vọng của bạn về ngày ấy bị lu mờ đi. Hãy suy gẫm về vai trò Mê-si của Giê-su và về những đức tính của ngài với tư cách là Vị Vua hiện đang trị vì. Cũng hãy suy nghĩ sâu xa về Đức Chúa Trời Giê-hô-va là Đấng Sáng tác và là Đấng đặt ra hy vọng to tát về đấng Mê-si được ghi chép trong Kinh-thánh. Khi làm thế, chắc chắn bạn sẽ càng cảm thấy như sứ đồ Phao-lô khi ông nói: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời!” (Rô-ma 11:33).
[Chú thích]
a Vào năm 1864, nhà thần học R. Govett giải thích việc đó như thế này: “Đối với tôi điều này có vẻ thật là dứt khoát. Việc đưa ra điềm của sự Hiện diện cho thấy đó là một điều bí ẩn. Chúng ta không cần một tín hiệu nào để biết sự hiện diện của những gì mà mắt chúng ta thấy”.
b Để biết thêm chi tiết, xin đọc sách “Nước Cha được đến!” (“Let Your Kingdom Come!” / “Que ton Royaume vienne!”, trang 133-139).
Bạn trả lời thế nào?
◻ Đấng Christ trở lại theo cách nào?
◻ Làm thế nào chúng ta biết rằng sự hiện diện pa·rou·siʹa của đấng Christ là vô hình và phải dài khá lâu?
◻ Sự hiện diện của đấng Christ bắt đầu khi nào, và làm sao chúng ta biết được?
◻ Đấng Mê-si cai trị từ trời là đấng có những đặc điểm gì?
◻ Sự cai trị của đấng Christ ảnh hưởng đến đời sống của dân sự như thế nào?
[Hình nơi trang 15]
Niềm hy vọng về sự trở lại của Giê-su rất quan trọng đối với các sứ đồ trung thành
[Hình nơi trang 17]
Giê-su cai trị trên trời, ngài sẽ làm những phép lạ trên khắp đất
[Nguồn tư liệu]
Trái đất: Dựa theo ảnh chụp của cơ quan NASA