Tại sao kiểm xem Kinh-thánh có chính xác hay không?
Bạn có quan điểm gì về Kinh-thánh? Một số người tin chắc Kinh-thánh là sự mặc thị của Đức Chúa Trời cho loài người. Một số khác tin rằng Kinh-thánh chỉ là một cuốn sách thường. Còn những người khác thì lại do dự không biết nghĩ sao. Nếu bạn nghi ngờ về nguồn gốc của Kinh-thánh thì có những lý do chính đáng khiến bạn nên xem xét Kinh-thánh và giải quyết vấn đề này.
CHO ĐẾN thế kỷ 18, trong những xứ có đa số người tự xưng theo đạo đấng Christ, nhiều người xem trọng Kinh-thánh và coi đó là Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng từ thế kỷ 19 trở đi, càng ngày càng có những nhà giáo dục, khoa học gia, và ngay cả những nhà thần học và những người lãnh đạo tôn giáo bắt đầu công khai bày tỏ nghi ngờ về sự chính xác của Kinh-thánh.
Điều này đưa đến hậu quả là Kinh-thánh bị chỉ trích nhiều đến độ người ta phán xét Kinh-thánh tuy không biết gì về nội dung của cuốn sách đó. Ngày nay nhiều người trong các đạo tự xưng theo đấng Christ quay về những triết lý loài người thay vì Kinh-thánh. Tuy nhiên, triết lý thời nay đã không đem lại cho loài người một thế giới an bình hoặc hạnh phúc hơn. Đó là một lý do chính đáng để tra xét Kinh-thánh và xem sự hướng dẫn của Kinh-thánh có đưa người ta tới hạnh phúc và thành công hay không.
Một lý do khác để kiểm xem Kinh-thánh có chính xác hay không là triển vọng huy hoàng mà Kinh-thánh nói Đức Chúa Trời sẽ ban cho nhân loại. Thí dụ, Thi-thiên 37:29 nói: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời” (Khải-huyền 21:3-5). Những lời hứa đó có ảnh hưởng gì đến bạn? Chắc chắn những lời hứa đó cho bạn đủ lý do để tra xét Kinh-thánh và xem Kinh-thánh có thể tin cậy được hay không.
Tạp chí này luôn luôn đề cao tính xác thực của Kinh-thánh và thường đưa ra bằng chứng cho thấy sự chính xác của Kinh-thánh. Người ta có thể kiểm sự chính xác của Kinh-thánh trong một số phạm vi. Vài tạp chí Tháp Canh sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này: Những sự kiện về lịch sử xưa có phù hợp với Kinh-thánh không? Những lời tiên đoán trong Kinh-thánh có chính xác không? Lời khuyên của Kinh-thánh thực tế không, hoặc phải chăng những nhà giáo dục và triết gia thời nay chứng minh Kinh-thánh đã lỗi thời?
Địa dư là một phạm vi khác mà bạn có thể kiểm sự chính xác của Kinh-thánh. Những câu chuyện hoang đường của tà giáo thường mâu thuẫn với các sự kiện về địa dư. Thí dụ, nhiều dân tộc xưa kể chuyện về những cuộc hành trình đến nơi gọi là thế giới của người chết. Cuốn “Sách chỉ dẫn đến các thần” (A Guide to the Gods) giải thích về dân Hy Lạp xưa: “Họ coi trái đất như là một mặt phẳng bao quanh bởi một dải nước rộng bát ngát gọi là Đại dương. Đằng sau đó là Thế giới bên kia, một vùng đất hoang u ám rải rác lấm chấm những cây ngăm đen và không có trái”. Khi người ta biết được đây là một chuyện hoang đường, các triết gia tà giáo phải tìm nơi khác cho cái được gọi là thế giới bên kia. Tác giả Richard Carlyon giải thích: “[Họ] tìm thấy một chỗ thích hợp. Chỗ này ở dưới đất và nối với thế giới này bằng những hang khác nhau”. Ngày nay, chúng ta biết điều này cũng là một chuyện hoang đường. Không có thế giới bên kia hoặc lối đi như thế.
Không như những chuyện hoang đường của các dân tộc xưa, Kinh-thánh không có ghi quan điểm sai lầm là trái đất bằng phẳng. Thay vì thế, Kinh-thánh nói rõ sự thật khoa học là trái đất là một vật tròn treo trong khoảng không không (Gióp 26:7; Ê-sai 40:22). Còn những lời miêu tả khác về địa dư trong Kinh-thánh thì sao? Phải chăng những lời đó thuộc chuyện hoang đường, hoặc người ta có thể hình dung cách chính xác những biến cố trong Kinh-thánh khi đi thăm nước Ai Cập ngày nay, kể cả Bán đảo Si-na-i và nước Do Thái hiện đại?
[Hình nơi trang 3]
“Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất nầy” (Ê-sai 40:22)
“Chúa... treo trái đất trong khoảng không-không” (Gióp 26:7)