Địa dư trong Kinh-thánh có chính xác không?
MẶT trời vừa lặn trên xứ Palestine. Đó là năm 1799. Quân đội Pháp đã dựng xong trại sau một ngày hành quân và Nã Phá Luân, vị tổng tư lệnh, đang nằm nghỉ trong lều. Dưới ánh sáng lập lòe của ngọn đèn cầy, một trong số những người hầu cận đọc lớn tiếng cuốn Kinh-thánh tiếng Pháp.
Hiển nhiên, chuyện này thường xảy ra trong thời kỳ Nã Phá Luân mở chiến dịch quân sự tại Palestine. Sau này ông ghi lại trong hồi ký: “Khi cắm trại tại nơi tàn tích của những thành phố xưa đó, họ đọc Kinh-thánh lớn tiếng mỗi tối... Sự tương tự và sự thật của những lời miêu tả gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc: những điều đó vẫn còn phù hợp với xứ này sau bao nhiêu thế kỷ và bao nhiêu thay đổi”.
Thật vậy, du khách đến vùng Trung Đông sẽ dễ dàng liên kết những biến cố ghi trong Kinh-thánh với những địa điểm thời nay. Trước khi quân đội Pháp chinh phục Ai Cập, người ngoại quốc biết rất ít về nước cổ đó. Rồi các khoa học gia và học giả mà Nã Phá Luân đưa sang Ai Cập đã bắt đầu cho thế giới biết những chi tiết về sự huy hoàng trước kia của Ai Cập. Điều này giúp người ta dễ tưởng tượng cảnh “khổ-sở” làm nô lệ mà dân Y-sơ-ra-ên một thời đã phải chịu (Xuất Ê-díp-tô Ký 1:13, 14).
Vào đêm được thả ra khỏi Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên tụ tập lại tại Ram-se và đi đến “cuối đầu đồng vắng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37; 13:20). Lúc đó, Đức Chúa Trời ra lệnh cho họ “trở lại” và “đóng trại... gần biển”. Người ta tưởng sự di chuyển lạ lùng này là bị “lạc đường”, và vua Ai Cập đã đem lính và 600 xe trận đuổi theo để bắt lại những người trước kia làm nô lệ cho ông (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:1-9).
Rời khỏi Ai Cập
Theo Josephus, sử gia sống vào thế kỷ thứ nhất công nguyên, quân đội Ai Cập dồn dân Y-sơ-ra-ên “vào một nơi hẹp” và làm họ bị kẹt “giữa biển và những vách núi không có lối đi”. Ngày nay không ai biết chắc chỗ mà dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Biển Đỏ. Tuy nhiên, người ta có thể dễ dàng tưởng tượng biến cố đó nếu đứng trên đỉnh dãy núi trông xuống phần cuối Biển Đỏ về hướng bắc. Điều đáng lưu ý là ngọn núi này được gọi là Jebel ʽAtaqah, có nghĩa là “Núi Giải thoát”. Giữa dãy núi đó và Biển Đỏ là một đồng bằng nhỏ từ từ thu hẹp đến một điểm, là nơi mà những đồi nằm dưới chân núi nhô gần ra tới biển. Ở phía bên kia của Biển Đỏ là một khoảng đất ở giữa đồng vắng có cây cối và nhiều suối nước được gọi là ʽAyun Musaʼ, có nghĩa là “giếng nước của Môi-se”. Lòng biển giữa hai điểm này dốc thoai thoải, còn những nơi khác thì thụt xuống một cách đột ngột tới độ sâu giữa 9 mét và 18 mét.
Các nhà thần học thiếu đức tin của các đạo tự xưng theo đấng Christ đã cố làm người ta nghi ngờ phép lạ mà Đức Chúa Trời làm khi Ngài rẽ nước Biển Đỏ và nhờ đó dân Y-sơ-ra-ên đi thoát trên đất cạn. Họ nói biến cố đó xảy ra tại nơi bãi lầy cạn hay đầm lầy ở phía bắc của Biển Đỏ. Nhưng điều này không phù hợp với điều ghi trong Kinh-thánh. Kinh-thánh nói nhiều lần rằng dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Biển Đỏ, tại một chỗ có nhiều nước làm Pha-ra-ôn và cả đạo binh bị chết đuối. Đúng thế, chúng bị nuốt mất tại đó (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:26-31; Thi-thiên 136:13-15; Hê-bơ-rơ 11:29).
Đồng vắng Si-na-i
Lời tường thuật trong Kinh-thánh về việc dân Y-sơ-ra-ên đi lưu lạc trong đồng vắng miêu tả linh động hoàn cảnh gian nan ở Bán đảo Si-na-i (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:15). Thế thì, cả một quốc gia có thể nào nhóm lại tại chân núi Si-na-i để nhận Luật pháp của Đức Chúa Trời và sau đó lùi lại đứng “cách tận xa” không? (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:1, 2; 20:18). Có nơi nào đủ rộng để cho một đám đông lên đến khoảng ba triệu di chuyển như thế không?
Vào thế kỷ 19, Arthur Stanley, người hay đi du lịch và học giả Kinh-thánh đến thăm vùng Núi Si-na-i và mô tả cảnh mà đoàn của ông thấy sau khi leo núi Ras Safsafa: “Phong cảnh đập vào mắt chúng tôi ngay lập tức và tất cả những người đã thấy và miêu tả nơi này cũng vậy... Đây là đồng bằng màu vàng, sâu và rộng, chạy xuống tận chân của vách đá... Vì rằng hầu như hoàn toàn không có những đồng bằng và núi chen lẫn nhau trong vùng này, cho nên đây là một bằng chứng rất quan trọng cho thấy sự thật của lời tường thuật là người ta có thể tìm thấy một đồng bằng nằm sát núi đó, và ở trong vùng lân cận của Si-na-i xưa”.
Đất Hứa
Vào năm thứ 40 lưu lạc trong đồng vắng, Môi-se miêu tả những đặc điểm của xứ mà dân Y-sơ-ra-ên sắp được vào: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ khiến ngươi vào xứ tốt-tươi, có nhiều khe, suối, nước sâu phun lên trong trũng và trên núi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:7).
Không bao lâu sau toàn thể dân chúng nghiệm thấy sự chính xác của lời hứa này khi mọi người—đàn ông, đàn bà, trẻ con và những người ngoại kiều—hội lại tại thung lũng Si-chem, là nơi có nhiều nước, nằm giữa núi Ê-banh và núi Ga-ri-xim. Sáu chi phái đứng tại chân núi Ga-ri-xim. Còn sáu chi phái kia tụ họp lại nơi bên kia thung lũng tại chân núi Ê-banh để nghe những ân phước mà Đức Chúa Trời sẽ ban cho toàn dân nếu họ tuân theo Luật pháp của Đức Giê-hô-va và những tai họa mà họ sẽ gặp nếu họ không giữ Luật pháp của Đức Chúa Trời (Giô-suê 8:33-35). Nhưng thung lũng hẹp đó có đủ chỗ cho dân cả nước hội lại không? Và làm thế nào mọi người có thể nghe rõ mà không cần đến những máy phóng thanh hiện đại?
Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã có thể làm phép lạ khiến tiếng nói của người Lê-vi được phóng to ra. Tuy nhiên, phép lạ đó dường như không cần thiết. Âm hưởng tại thung lũng này rất tốt. Học giả Kinh-thánh sống vào thế kỷ 19 là Alfred Edersheim viết: “Tất cả những ai đã đến thăm nơi này đều đồng ý về hai điểm: 1. Tại cả Ê-banh lẫn Ga-ri-xim, người ta có thể nghe rõ ràng bất cứ ai nói gì trong thung lũng mà không gặp trở ngại nào cả. 2. Hai ngọn núi này có đủ chỗ đứng cho tất cả dân Y-sơ-ra-ên”.
Một học giả Kinh-thánh khác sống vào thế kỷ 19 là William Thomson thuật lại kinh nghiệm tại thung lũng đó trong sách “Đất Thánh và Kinh-thánh” (The Land and the Book): “Tôi hô to tiếng để nghe tiếng dội, và rồi tôi mường tượng quang cảnh khi những người Lê-vi lớn tiếng tuyên bố: ‘... Đáng rủa sả thay người nào làm hình tượng, là vật ghê tởm đối với Đức Giê-hô-va’. Và rồi từ hội thánh vĩ đại đó có tiếng AMEN! vang lên to gấp mười lần, và lan ra, và âm thanh đó từ Ê-banh dội sang Ga-ri-xim, và từ Ga-ri-xim dội lại Ê-banh”. (So sánh Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:11-15).
Thung lũng Gít-rê-ên
Nằm về hướng bắc của Si-chem là một thung lũng phì nhiêu khác, thấp hơn mặt biển, chạy lên cao và mở rộng thành một đồng bằng bao la. Toàn thể vùng này được gọi là thung lũng Gít-rê-ên vì đặt theo tên thành phố Gít-rê-ên. Về hướng bắc của thung lũng này là những ngọn đồi thuộc vùng Ga-li-lê, nơi có quê của Giê-su là thành phố Na-xa-rét. Trong sách “Địa dư của Đất Thánh qua lịch sử” (The Historical Geography of the Holy Land), tác giả George Smith giải thích: “Na-xa-rét nằm tại một chỗ trũng giữa những ngọn đồi; nhưng một khi bạn trèo tới cạnh của chỗ trũng này,... bạn sẽ thấy một phong cảnh thật là hùng vĩ! [Thung lũng Gít-rê-ên] hiện trước mắt bạn, có những... bãi chiến trường... Đó là bản đồ của lịch sử Cựu Ước”.
Trong thung lũng đó, các nhà khảo cổ đã khai quật những tàn tích của những thành phố cũng là các nước bị Y-sơ-ra-ên chinh phục trong thời Giô-suê, đó là Tha-a-nác, Mê-ghi-đô, Giốc-nê-am, và có lẽ Kê-đe (Joshua 12:7, 21, 22). Cũng trong vùng này, vào thời Quan xét Ba-rác và Quan xét Ghê-đê-ôn, Đức Giê-hô-va làm phép lạ cứu dân Ngài thoát khỏi những nước thù địch rất hùng mạnh (Các Quan Xét 5:1, 19-21; 6:33; 7:22).
Nhiều thế kỷ sau, Vua Giê-hu đi xe theo thung lũng đến thành phố Gít-rê-ên để thi hành sự phán xét của Đức Giê-hô-va trên Giê-sa-bên và nhà bội đạo của A-háp. Từ tháp canh tại Gít-rê-ên, người ta có thể nhìn về hướng đông và dễ dàng thấy đạo quân của Giê-hu cách xa khoảng 19 cây số tiến đến. Vì thế, Vua Giô-ram có đủ thì giờ để sai người lính kỵ đưa tin thứ nhất, rồi người thứ nhì và cuối cùng các vua Giô-ram của Y-sơ-ra-ên và A-cha-xia của Giu-đa thắng xe và đi ra gặp Giê-hu trước khi ông tới thành phố Gít-rê-ên. Giê-hu liền xử tử Giô-ram. A-cha-xia chạy trốn nhưng về sau bị thương, và chết tại Mê-ghi-đô (II Các Vua 9:16-27). Nói về các bãi chiến trường như những nơi kể trên, George Smith viết: “Điều nổi bật là trong các lời tường thuật... không có một điểm địa dư nào mà không thể không có được”.
Chắc chắn Giê-su thường nhìn xuống thung lũng Gít-rê-ên và suy gẫm về những cuộc chiến thắng oai hùng đã xảy ra nơi đó, và biết rằng ngài, là đấng Mê-si, đã được chỉ định để làm tròn vai trò của Giô-suê Lớn, Ba-rác Lớn, Ghê-đê-ôn Lớn và Giê-hu Lớn trong việc biện minh cho quyền thống trị của Đức Giê-hô-va. Thật thế, Kinh-thánh dùng Mê-ghi-đô, một thành phố có vị trí chiến lược tốt nhất trong thung lũng đó, để tượng trưng nơi xảy ra cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn (có nghĩa “núi Mê-ghi-đô”) của Đức Chúa Trời. Đó là cuộc chiến trên toàn trái đất, và Giê-su Christ, với tư cách là Vua của các vua, sẽ hủy diệt tất cả những kẻ nghịch cùng Đức Chúa Trời và hội thánh tín đồ đấng Christ, tức dân thật sự của Đức Chúa Trời (Khải-huyền 16:16; 17:14).
Kinh-thánh kể lại là những người Do Thái nóng giận ở Na-xa-rét có lần định quăng Giê-su từ “chót núi, là nơi họ xây thành ở trên” để giết ngài (Lu-ca 4:29). Điều đáng lưu ý là tại phía tây nam của thành phố Na-xa-rét thời nay có một vách núi cao 12 mét, nơi chuyện này có thể đã xảy ra. Giê-su trốn thoát kẻ thù, và Kinh-thánh nói thêm là “Ngài xuống thành Ca-bê-na-um” (Lu-ca 4:30, 31). Quả thật, Ca-bê-na-um, bên Biển Ga-li-lê, nằm tại một nơi thấp hơn nhiều.
Những điều này và nhiều chi tiết khác đã khiến ngoài Nã Phá Luân ra, những người khác hết sức ngạc nhiên về sự chính xác của địa dư Kinh-thánh. Thomson viết trong sách “Đất Thánh và Kinh-thánh”: “Có rất nhiều địa thế mà [Kinh-thánh] nói đến, và hoàn toàn chính đáng”. Stanley nhận xét trong sách “Si-na-i và Palestine” (Sinai and Palestine): “Người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy địa dư ghi trong lịch sử và địa dư thiên nhiên của cả Cựu Ước lẫn Tân Ước luôn luôn phù hợp với nhau”.
Sự chính xác lạ lùng của Kinh-thánh về vấn đề địa dư chỉ là một bằng chứng cho thấy Kinh-thánh không phải là một cuốn sách bắt nguồn từ loài người. Có những bài về Kinh-thánh cùng nói về đề tài này trong ba số Tháp Canh trước đây. Xin bạn tìm đọc và bạn sẽ thấy ba phần trước của loạt bài này rất thú vị.
[Bản đồ nơi trang 7]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
THUNG LŨNG GÍT-RÊ-ÊN
Gít-rê-ên
Na-xa-rét
Tha-a-nác
Mê-ghi-đô
Giốc-nê-am
Kê-đe
BẮC
Biển GA-LI-LÊ
Biển Lớn
dặm
km
5
10
10
20
[Nguồn tư liệu]
Based on a map copyright by Pictorial Archive (Near Eastern History) Est. and Survey of Isranh eml.
[Hình nơi trang 5]
Dân Y-sơ-ra-ên nhận Luật pháp tại núi Si-na-i
[Nguồn tư liệu]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.