Những người công bố về Nước Trời tích cực hoạt động trên khắp đất
“Các ngươi sẽ... làm chứng về ta... cho đến cùng trái đất” (CÔNG-VỤ CÁC SỨ-ĐỒ 1:8).
1. Chúa Giê-su nói các môn đồ ngài phải rao truyền thông điệp nào ngày nay?
KHI miêu tả công việc mà Đức Giê-hô-va phái Con Ngài xuống trần thế để thực hiện, Chúa Giê-su nói: “Ta cũng phải rao Tin-lành của Nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 4:43). Tương tự như vậy, khi nói về công việc mà môn đồ ngài sẽ phải thực hiện trên đất, lúc ngài trở lại với vương quyền trong tay, Chúa Giê-su nói: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14).
2. a) Tại sao việc thông điệp Nước Trời được công bố rộng rãi lại quan trọng đến thế? b) Tất cả chúng ta cần tự đặt những câu hỏi nào?
2 Tại sao tin mừng về Nước Đức Chúa Trời lại quan trọng đến thế? Tại sao Nước Trời lại đòi hỏi sự quảng bá rộng lớn như vậy? Bởi vì đó là Nước của đấng Mê-si sẽ biện minh cho quyền thống trị hoàn vũ của Đức Giê-hô-va (I Cô-rinh-tô 15:24-28). Qua Nước ấy, Đức Giê-hô-va sẽ thi hành sự phán xét của Ngài nghịch lại hệ thống mọi sự hiện tại của Sa-tan và thực thi lời hứa của Ngài là ban phước cho mọi gia đình trên đất (Sáng-thế Ký 22:17, 18; Đa-ni-ên 2:44). Qua một công việc làm chứng về Nước Trời, Đức Giê-hô-va tìm ra những ai về sau được Ngài xức dầu để đồng thừa kế với Con Ngài. Qua việc rao báo về Nước Trời, một công việc phân chia cũng đang diễn ra ngày nay (Ma-thi-ơ 25:31-33). Đức Giê-hô-va muốn dân cư mọi nước được thông báo về ý định của Ngài. Ngài muốn họ có cơ hội lựa chọn sự sống với tư cách thần dân Nước Ngài (Giăng 3:16; Công-vụ các Sứ-đồ 13:47). Bạn có tham gia trọn vẹn vào việc công bố về Nước Trời này không?
Trông mong thời kỳ Dân ngoại kết liễu
3. a) Anh C. T. Russell đã trình bày chủ đề thật thích hợp nào trong một chuyến công du nhằm thành lập các nhóm học hỏi Kinh-thánh? b) Học viên Kinh-thánh thời ban đầu ấy đã nhận thức rằng Nước Đức Chúa Trời phải chiếm địa vị nào trong đời sống?
3 Hồi năm 1880, Charles Taze Russell, vị chủ bút đầu tiên của tạp chí Tháp Canh, đã du hành khắp miền đông bắc Hoa Kỳ để khuyến khích việc thành lập các nhóm học hỏi Kinh-thánh. Thật thích hợp thay, chủ đề mà anh nói là “Những điều gắn liền với Nước Đức Chúa Trời”. Như đã được phản ảnh qua vài số Tháp Canh trước đó, các Học viên Kinh-thánh (danh hiệu mà Nhân-chứng Giê-hô-va dùng thời đó) đã nhận thức được rằng nếu muốn tỏ ra xứng đáng dự phần vào Nước Đức Chúa Trời, họ phải biến Nước Trời thành mục tiêu chú ý bậc nhất của họ, phải vui sướng dùng đời sống, dồn hết khả năng và tài nguyên của họ vào việc phục vụ Nước ấy. Mọi điều khác trong đời sống chỉ ở vị trí phụ thuộc (Ma-thi-ơ 13:44-46). Trách nhiệm của họ bao gồm việc rao truyền cho người khác biết tin mừng về Nước Đức Chúa Trời (Ê-sai 61:1, 2). Họ đã làm công việc ấy đến mức độ nào trước khi Thời Kỳ Dân Ngoại kết liễu vào năm 1914?
4. Nhóm Học viên Kinh-thánh ít ỏi trước năm 1914 đã phân phát các ấn phẩm về Kinh-thánh nhiều đến mức độ nào?
4 Từ thập kỷ 1870 cho đến năm 1914, các Học viên Kinh-thánh tương đối ít làm việc ấy. Vào năm 1914, chỉ có độ 5.100 người thật sự tích cực tham gia vào việc làm chứng công khai. Nhưng đó mới là một sự làm chứng phi thường! Vào năm 1881, chỉ hai năm sau khi số Tháp Canh đầu tiên được xuất bản, họ đã phát hành ấn phẩm 162 trang nhan đề là Food for Thinking Christians (Thức ăn cho tín đồ đấng Christ biết suy nghĩ). Chỉ trong vòng vài tháng, họ phát được 1.200.000 cuốn. Trong vòng vài năm, hàng chục triệu giấy nhỏ đã được phân phát mỗi năm trong nhiều thứ tiếng.
5. Những người phân phát sách đạo là ai, và họ đã bày tỏ loại tinh thần nào?
5 Cũng kể từ năm 1881, một số người đã tình nguyện phụng sự với tư cách là người rao giảng tin mừng và phân phát sách đạo. Đây là đàn anh của những người tiên phong thời nay (người rao giảng tin mừng trọn thời gian). Một số những người phân phát sách đạo này đã đi bộ hay xe đạp, đích thân làm chứng hầu như trên toàn quốc nơi họ sinh sống. Những người khác thì đi ra nước ngoài và là những người đầu tiên đem tin mừng đến những nơi như Phần Lan, Barbados và Miến Điện (nay là My-an-ma). Họ bày tỏ một tinh thần giáo sĩ sốt sắng giống như Chúa Giê-su Christ và sứ đồ ngài (Lu-ca 4:43; Rô-ma 15:23-25).
6. a) Anh Russell đi bao xa để phổ biến lẽ thật của Kinh-thánh? b) Những việc nào khác được thực hiện để đẩy mạnh công việc rao giảng tin mừng đến những khu vực nước ngoài trước khi Thời Kỳ Dân Ngoại kết liễu?
6 Chính anh Russell cũng đã đi khắp đó đây để rao truyền lẽ thật. Anh đã nhiều lần đến Ca-na-đa; nói chuyện ở Panama, Jamaica và Cu-ba; anh đã thực hiện hàng chục chuyến công du ở Âu Châu; và anh đã đi vòng quanh thế giới trong một chuyến rao giảng tin mừng. Anh cũng đã phái những người khác đi mở đường và dẫn đầu công việc rao giảng tin mừng tại các khu vực rao giảng ở nước ngoài. Anh Adolf Weber đã được phái đến Âu châu vào giữa thập kỷ 1890 và thánh chức của anh được nới rộng khỏi biên giới Thụy Sĩ để lan đến nước Pháp, nước Ý, nước Đức và nước Bỉ. Anh E. J. Coward đã được phái tới vùng Caribbean. Anh Robert Hollister được ủy nhiệm sang Đông phương năm 1912. Nơi đó, những tờ giấy nhỏ đặc biệt đã được dịch sang mười thứ tiếng, và các người địa phương đã phân phát hàng triệu tờ như thế khắp Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu bạn sống vào thời bấy giờ, lòng bạn có thúc đẩy bạn sốt sắng cố gắng đem tin mừng đến với những người khác trong cộng đồng của mình và lan ra xa hơn không?
7. a) Báo chí đã được sử dụng như thế nào để tăng cường công việc làm chứng? b) “Kịch ảnh về sự sáng tạo” là gì, và chỉ trong vòng một năm đã có bao nhiêu khán giả?
7 Khi Thời Kỳ Dân Ngoại gần đến hồi kết liễu, báo chí đã được dùng làm phương tiện quảng bá những bài giảng của anh Russell về Kinh-thánh. Những số báo hồi ban đầu không nhấn mạnh năm 1914, mà nhấn mạnh ý định của Đức Chúa Trời và sự kiện ý định đó chắc chắn sẽ ứng nghiệm. Lúc bấy giờ có tới 2.000 tờ báo được 15.000.000 người đọc thường đăng tải các bài giảng này. Rồi khi sắp đến năm 1914, Hội đã bắt đầu trình chiếu cho công chúng bộ phim đèn chiếu (slide) “Kịch ảnh về sự sáng tạo”. Trong bốn đợt trình bày, mỗi đợt dài hai giờ, kịch ảnh này giới thiệu các lẽ thật trong Kinh-thánh từ khi sáng tạo mãi tận cho đến thời kỳ Một Ngàn Năm. Chỉ trong vòng một năm, tổng số khán giả ở Bắc Mỹ, Âu Châu, Úc Châu và New Zealand được xem phim đã lên đến trên chín triệu người.
8. Tính đến năm 1914, Học viên Kinh-thánh đã rao giảng tin mừng trong bao nhiêu nước tất cả?
8 Theo các báo cáo được lưu trữ, cuối năm 1914, nhóm người rao truyền tin mừng sốt sắng này đã truyền bá về Nước Đức Chúa Trời trong 68 nước.a Nhưng đó chỉ mới là sự bắt đầu mà thôi!
Sốt sắng rao truyền về Nước Trời đã thành lập
9. Tại các cuộc hội nghị ở Cedar Point, việc làm chứng về Nước Trời đã được đẩy mạnh một cách đặc biệt nào?
9 Khi các Học viên Kinh-thánh nhóm lại tại Cedar Point, Ohio, vào năm 1919, anh J. F. Rutherford lúc ấy là chủ tịch Hội Tháp Canh, tuyên bố: “Công việc của chúng ta xưa nay vẫn là thông báo về nước vinh hiển của đấng Mê-si sắp đến”. Tại hội nghị lần thứ hai vào năm 1922 ở Cedar Point, anh Rutherford làm nổi bật sự kiện là vào lúc Thời Kỳ Dân Ngoại kết liễu vào năm 1914 “vị Vua vinh hiển nắm lấy vương quyền vĩ đại và bắt đầu trị vì”. Kế đó, anh đặt thẳng vấn đề với cử tọa bằng cách nói rằng: “Bạn có tin rằng Vua vinh hiển đã bắt đầu trị vì rồi không? Vậy hãy trở về khu vực rao giảng, hỡi con cái của Đức Chúa Trời Chí Cao!... Hãy rao báo thông điệp gần xa. Thế gian phải biết rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời và biết rằng Chúa Giê-su là Vua các vua, và Chúa các chúa. Đây là ngày trọng đại. Hãy nhìn xem, vị Vua trị vì! Các bạn là thuộc hạ cổ động cho ngài”.
10, 11. Hết thảy đài truyền thanh, xe hơi gắn loa phóng thanh và bảng quảng cáo đã được sử dụng một cách hữu hiệu như thế nào để rao truyền lẽ thật Nước Trời đến với mọi người?
10 Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ các kỳ hội nghị ở Cedar Point ấy, và khoảng 80 năm kể từ khi Đức Giê-hô-va bắt đầu thể hiện quyền thống trị của Ngài qua triều đại Mê-si của Con Ngài. Nhân-chứng Giê-hô-va đã thật sự thực hiện công việc mà Lời Đức Chúa Trời đề ra cho họ được đến mức độ nào rồi? Cá nhân bạn đang làm gì để dự phần trong công việc đó?
11 Vào đầu thập kỷ 1920, các đài truyền thanh bắt đầu trở thành một phương tiện thông dụng có thể dùng để quảng bá rộng rãi thông điệp Nước Trời. Trong thập kỷ 1930, các bài diễn văn hội nghị trình bày Nước Trời là hy vọng của thế gian đã được truyền đi qua mạng lưới truyền thanh và hệ thống dây chuyền phát thanh cùng lúc, cũng như qua các đường dây điện thoại toàn cầu. Xe hơi có gắn ống loa phóng thanh cũng được dùng để phát lại những bài diễn văn ghi âm về Kinh-thánh tại những nơi công cộng. Rồi vào năm 1936, tại Glasgow, Scotland, các anh em của chúng ta đã bắt đầu đeo những tấm bảng quảng cáo các bài diễn văn công cộng đi diễu hành qua các khu thương mại. Tất cả những phương tiện này đều làm chứng hữu hiệu cho nhiều người dạo ấy, khi mà nhân số của chúng ta hãy còn thưa thớt.
12. Như Kinh-thánh cho thấy, một trong những phương thức làm chứng hiệu quả nhất cho mỗi cá nhân chúng ta là cách nào?
12 Dĩ nhiên, Kinh-thánh làm sáng tỏ rằng với tư cách tín đồ đấng Christ, mỗi cá nhân chúng ta có trách nhiệm làm chứng. Chúng ta không chỉ để cho các bài báo hay các đài phát thanh làm việc. Hằng ngàn tín đồ trung thành—cả nam lẫn nữ và trẻ em—thảy đều nhận lấy trách nhiệm đó. Kết quả là việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia đã trở thành một dấu hiệu để nhận ra Nhân-chứng Giê-hô-va (Công-vụ các Sứ-đồ 5:42; 20:20).
Đi đến khắp đất có người ở
13, 14. a) Tại sao một số Nhân-chứng lại dọn đến ở những thị trấn khác, thậm chí xuất ngoại để thi hành thánh chức của họ? b) Lòng quan tâm đầy yêu thương đối với những người đồng hương đã giúp một số người phổ biến tin mừng như thế nào?
13 Biết rằng họ cần phải rao giảng thông điệp Nước Trời cho đến khắp nơi có người ở, một số Nhân-chứng Giê-hô-va đã xem xét vấn đề một cách nghiêm chỉnh để ấn định chính họ có thể làm gì hầu đặt chân đến tận những nơi xa xôi ngoài cộng đồng của họ.
14 Nhiều người biết đến lẽ thật sau khi dọn đến ở xa nguyên quán. Dù có thể là họ đã dọn đi ở xa như vậy vì lợi ích vật chất, nhưng họ đã tìm thấy một điều quí giá hơn, và một số đã cảm thấy được thúc đẩy trở về nơi xứ sở hay cộng đồng nơi họ đã lớn lên để chia sẻ lẽ thật. Bằng cách ấy, vào đầu thế kỷ này, việc rao giảng tin mừng đã lan đến vùng Bắc Âu, Hy Lạp, Ý, các nước Đông Âu và nhiều nơi khác nữa. Ngay đến bây giờ, vào thập kỷ 1990, thông điệp Nước Trời vẫn còn lan truyền cùng một cách như thế.
15. Trong các thập kỷ 1920 và 1930, một số người có thái độ giống như lời ghi nơi Ê-sai 6:8 đã thực hiện được những gì?
15 Áp dụng lời khuyên của Lời Đức Chúa Trời vào đời sống, một số người đã có thể tình nguyện đi đến phục vụ ở những nơi mà họ chưa từng sống qua trước đây. Anh W. R. Brown (thường được gọi là “Ông Brown Kinh-thánh”) đã từng là một người trong số ấy. Vào năm 1923, để đẩy mạnh công việc rao giảng tin mừng, anh đã di chuyển từ nước Trinidad sang Tây Phi Châu. Vào giữa thập kỷ 1930, anh Frank và anh Gray Smith, anh Robert Nisbet, và anh David Norman ở trong số những người đem thông điệp Nước Trời lên đến tận duyên hải Đông Phi Châu. Những người khác đã giúp vun trồng khu vực Nam Mỹ. Vào đầu thập kỷ 1920, anh George Young, một người Ca-na-đa, đã tham gia vào công việc này ở Argentina, Brazil, Bolivia, Chile và Peru. Anh Juan Muñiz, sau khi phục vụ ở Tây Ban Nha, đã đẩy mạnh công việc tại Argentina, Chile, Paraguay và Uraguay. Tất cả những người này đã bày tỏ một tinh thần như đã miêu tả nơi Ê-sai 6:8: “Có tôi đây; xin hãy sai tôi”.
16. Trong những năm tiền chiến, ngoài những trung tâm thị tứ, công việc làm chứng còn được thực hiện ở nơi nào khác nữa?
16 Công việc rao giảng tin mừng còn được truyền bá sâu rộng đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh nữa. Những chiếc thuyền do Nhân-chứng Giê-hô-va lái đã ghé qua thăm viếng các bến cảng nhỏ ở Newfoundland, dọc theo bờ biển Na Uy cho đến Bắc Băng Dương, các hải đảo Thái Bình Dương và các hải cảng Đông Nam Á.
17. a) Đến năm 1935 Nhân-chứng Giê-hô-va đã rao truyền lẽ thật được đến bao nhiêu nước? b) Tại sao công việc vẫn chưa chấm dứt vào thời điểm ấy?
17 Thật đáng ngạc nhiên, vào năm 1935 Nhân-chứng Giê-hô-va bận rộn rao giảng trong 115 nước, và họ còn đạt đến 34 nước khác nữa qua các chuyến rao giảng dò dẫm hoặc bằng ấn phẩm gửi qua đường bưu điện. Nhưng công việc chưa hoàn tất. Năm đó, Đức Giê-hô-va đã mở mang sự hiểu biết của họ để thấy Ngài còn có ý định gom góp một đám đông “vô-số người” có triển vọng được sống sót để vào thẳng thế giới mới của Ngài (Khải-huyền 7:9, 10, 14). Vẫn còn nhiều điều phải làm để thực hiện công việc này!
18. Trong công việc rao giảng về Nước Trời, Trường Ga-la-át và Trường Huấn Luyện Thánh Chức đã đóng những vai trò nào?
18 Ngay cả khi toàn cầu chìm đắm trong trận Thế Chiến II và nhiều nước cấm chỉ các ấn phẩm hoặc hoạt động của Nhân-chứng Giê-hô-va, Trường Kinh-thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh đã bắt đầu mở cửa để huấn luyện các giáo sĩ tương lai hầu thực hiện một công việc còn rộng lớn hơn nữa trong công cuộc rao giảng về Nước Trời trên tầm mức quốc tế. Tính đến nay, số người tốt nghiệp trường Ga-la-át đã phục vụ đến 200 nước. Họ không chỉ đi phân phát các ấn phẩm rồi đi tiếp đến nơi khác. Họ đã hướng dẫn các cuộc học hỏi Kinh-thánh, thành lập hội thánh, và huấn luyện cho người khác gánh lấy trách nhiệm thần quyền. Gần đây hơn, các trưởng lão và các tôi tớ thánh chức tốt nghiệp những Trường Huấn Luyện Thánh Chức cũng đã giúp cung ứng những nhu cầu thiết yếu của công việc này trên sáu lục địa. Một nền tảng vững chắc đã được thiết lập để tiếp tục tăng trưởng. (So sánh II Ti-mô-thê 2:2).
19. Tôi tớ Đức Giê-hô-va đã hưởng ứng lời kêu gọi phục vụ tại những nơi có nhiều nhu cầu rao giảng hơn đến mức độ nào?
19 Liệu những người khác có thể giúp đỡ được gì để chăm sóc cho những khu vực chưa được rao giảng không? Vào năm 1957, tại các hội nghị trên khắp thế giới, những cá nhân và những gia đình Nhân-chứng thành thục của Đức Giê-hô-va đã được khuyến khích xem xét coi họ có thể dọn đến định cư ở những nơi cần người rao giảng nhiều hơn và thi hành thánh chức của họ ở đó hay không. Lời mời gọi từa tựa như lời Đức Chúa Trời đã kêu gọi sứ đồ Phao-lô, khi có lần nọ ông nhận được một sự hiện thấy về một người đàn ông kia nài nỉ: “Hãy qua xứ Ma-xê-đoan mà cứu giúp chúng tôi” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:9, 10). Một số người đã dọn chỗ ở trong thập niên 1950, và sau đó có những người khác. Có đến một ngàn Nhân-chứng đã di chuyển tới Ireland cũng như tới Colombia; hàng trăm người dọn đến ở nhiều vùng khác nữa. Hằng chục người đã dọn đến những vùng có nhiều nhu cầu rao giảng hơn là trong nước của họ (Thi-thiên 110:3).
20. a) Những gì đã được thực hiện từ năm 1935 để làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 24:14? b) Trong ít năm qua, công việc đã được xúc tiến thế nào?
20 Nhờ Đức Giê-hô-va ban phước cho dân sự Ngài, công việc rao giảng về Nước Trời tiếp tục tiến tới với một nhịp độ nhanh lạ thường. Từ năm 1935 số người công bố đã gia tăng hầu như hơn gấp tám mươi lần, và tỉ lệ gia tăng trong hàng ngũ những người tiên phong thì nhiều hơn 60 phần trăm so với tỉ lệ gia tăng những người công bố. Trong thập kỷ 1930, việc sắp xếp học hỏi Kinh-thánh tại nhà đã bắt đầu thành hình. Ngày nay mỗi tháng có trung bình hơn bốn triệu rưởi cuộc học hỏi được hướng dẫn. Từ năm 1935 số giờ dành cho công việc rao giảng Nước Trời đã lên đến 15 tỉ giờ. Việc rao giảng đều đặn tin mừng hiện được thực hiện trên 231 nước. Khi các khu vực thuộc Đông Âu và Phi Châu mở cửa cho việc rao giảng tin mừng tự do hơn, các cuộc hội nghị quốc tế được dùng một cách kiến hiệu để trình bày xuất sắc thông điệp về Nước Trời trước công chúng. Như Đức Giê-hô-va đã hứa từ lâu nơi Ê-sai 60:22 rằng Ngài chắc chắn sẽ “nôn-nả làm điều ấy trong kỳ nó”. Thật là một đặc ân cao cả khi chúng ta được tham gia vào công việc ấy!
Mang tin mừng đến với bất cứ ai gặp được
21, 22. Cá nhân chúng ta có thể làm gì để làm chứng hữu hiệu hơn tại bất cứ nơi nào chúng ta đang sống?
21 Chúa chưa nói rằng công việc đã hoàn tất. Hằng ngàn người vẫn còn đang chọn theo sự thờ phượng thật. Do đó câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta có đang làm tất cả những gì có thể làm được để tận dụng thời gian Đức Giê-hô-va còn nhịn nhục, cho phép công việc này tiến hành không? (II Phi-e-rơ 3:15).
22 Không phải ai ai cũng có thể dọn đến những khu vực ít được nghe rao giảng. Nhưng bạn có đang tận dụng mọi cơ hội đến với mình không? Bạn có làm chứng cho đồng nghiệp cùng sở chưa? cho thầy cô và bạn cùng lớp chưa? Bạn có tự điều chỉnh để thích nghi với những sự thay đổi trong khu vực của bạn không? Nếu vì người ta thay đổi giờ giấc làm việc khiến bạn rất ít gặp người ở nhà vào ban ngày, bạn có sắp xếp lại thời khóa biểu của mình để đi thăm họ vào buổi tối không? Nếu các căn phố lầu chung cư kín cổng cao tường không cho người lạ vào, bạn có điện thoại hay viết thư để làm chứng không? Bạn có theo dõi để vun trồng sự chú ý nơi người ta và đề nghị họ học Kinh-thánh tại nhà không? Bạn có hết lòng thi hành thánh chức của mình không? (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 20:21; II Ti-mô-thê 4:5).
23. Vì Đức Giê-hô-va quan sát những gì chúng ta đang làm để phụng sự Ngài, chúng ta nên biểu lộ rõ điều gì?
23 Mong sao tất cả chúng ta đều thi hành thánh chức của mình theo cách để chứng tỏ với Đức Giê-hô-va rằng chúng ta thật sự biết ơn về đặc ân lớn lao làm Nhân-chứng của Ngài trong thời buổi trọng đại này. Mong sao chúng ta có đặc ân được chứng kiến tận mắt việc Đức Giê-hô-va thi hành sự phán xét của Ngài trên hệ thống cũ bại hoại này và bước vào Triều đại vinh hiển Một Ngàn Năm Trị vì của Chúa Giê-su Christ!
[Chú thích]
a Con số được tính theo cách phân chia nước đầu thập kỷ 1990.
Ôn lại
◻ Tại sao việc rao giảng thông điệp Nước Trời lại quan trọng đến thế?
◻ Cho đến năm 1914, tin mừng đã được rao giảng nhiều đến mức độ nào?
◻ Công việc làm chứng đã được xúc tiến mạnh mẽ thế nào từ khi Nước Trời được thành lập?
◻ Những gì có thể giúp chúng ta đóng góp một cách tích cực hơn vào thánh chức?
[Khung nơi trang 56, 57]
NHÂN-CHỨNG GIÊ-HÔ-VA—Những người rao giảng về Nước Trời
Tại hàng trăm hội nghị khắp thế giới trong năm 1993-1994, có thông báo cho biết về một sách mới được phát hành, nhan đề là Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom (Nhân-chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời). Đây là sách nói về lịch sử bổ ích, đầy đủ nhất của Nhân-chứng Giê-hô-va. Sách dày 752 trang, được minh họa thật đẹp, với trên một ngàn hình ảnh góp nhặt từ 96 nước khác nhau. Sách được xuất bản trong 25 thứ tiếng vào cuối năm 1993 và đã được dịch ra những thứ tiếng khác nữa.
Điều gì khiến một cuốn sách như thế trở nên hợp tình hợp cảnh? Trong những năm gần đây, hàng triệu người trên khắp thế giới đã trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va. Tất cả những người này đều nên biết rõ về tổ chức mà họ đang kết hợp. Hơn nữa, sự rao giảng và cách thờ phượng của họ thấm vào các nhóm quốc gia và chủng tộc trên khắp thế giới và được những người cả già lẫn trẻ thuộc mọi tầng lớp kinh tế và học vấn đi theo. Kết quả là nhiều người quan sát sự kiện này thắc mắc về các Nhân-chứng—không chỉ về đức tin mà còn về nguồn gốc, lịch sử, tổ chức, mục tiêu của họ. Người khác đã viết về họ, thường không được vô tư. Tuy nhiên, không ai biết về lịch sử hiện đại của Nhân-chứng Giê-hô-va rõ hơn chính họ. Những người biên soạn sách này đã cố gắng trình bày lịch sử đó một cách khách quan và thành thật. Để đạt đến mục tiêu này, họ đã góp nhặt tài liệu chứng minh sự ứng nghiệm cho đến nay của phần rất quan trọng trong điềm chỉ về sự hiện diện của đấng Christ ghi nơi Ma-thi-ơ 24:14, và họ thực hiện việc này với chi tiết mà chỉ có thể có được từ những người cộng tác chặt chẽ trong công việc được tiên tri ở đó.
Sách được chia ra làm bảy phần chính:
Phần 1: Phần này khảo sát nguồn gốc lịch sử của Nhân-chứng Giê-hô-va. Phần này bao gồm một cái nhìn tổng quát, ngắn gọn và bổ ích về lịch sử hiện đại của Nhân-chứng từ năm 1870 đến năm 1992.
Phần 2: Đây là một sự duyệt lại thú vị về diễn biến tuần tự của những tín điều phân biệt Nhân-chứng Giê-hô-va với các tôn giáo khác.
Phần 3: Phần này của sách xem xét sự phát triển của cơ cấu tổ chức của họ. Phần này kể lại những sự kiện thú vị về các buổi họp hội thánh và hội nghị của họ, cũng như cách họ xây cất Phòng Nước Trời, Phòng Hội Nghị lớn hơn, và các cơ sở để xuất bản sách báo giúp hiểu Kinh-thánh. Phần này nói lên sự sốt sắng của các Nhân-chứng trong việc rao giảng về Nước Trời và tình yêu thương mà họ biểu lộ khi quan tâm đến nhau trong những cơn biến động.
Phần 4: Ở đây bạn sẽ tìm thấy những chi tiết hấp dẫn về cách Nước Trời được rao giảng ở những nước lớn và các hải đảo xa xôi rải rác khắp thế giới. Thử tưởng tượng—rao giảng ở 43 nước vào năm 1914, nhưng ở 229 nước vào năm 1992! Kinh nghiệm của những người góp phần vào sự bành trướng toàn cầu này thật phấn khởi.
Phần 5: Việc thực hiện toàn bộ công việc rao giảng Nước Trời đòi hỏi xây dựng những cơ sở quốc tế để xuất bản Kinh-thánh cũng như sách báo giúp hiểu Kinh-thánh trong hơn hai trăm thứ tiếng. Ở đây bạn sẽ biết họ làm gì dưới khía cạnh đó trong hoạt động của họ.
Phần 6: Nhân-chứng cũng đã đương đầu với nhiều thử thách—một phần do sự bất toàn của con người, phần khác do những anh em giả mạo và thậm chí do sự bắt bớ ra mặt. Lời Đức Chúa Trời đã báo trước điều này (Lu-ca 17:1; II Ti-mô-thê 3:12; I Phi-e-rơ 4:12; II Phi-e-rơ 2:1, 2). Phần này của sách thuật lại một cách sống động chuyện gì đã thật sự xảy ra và bằng cách nào đức tin của Nhân-chứng Giê-hô-va đã giúp họ khắc phục được thử thách.
Phần 7: Trong phần kết luận, cuốn sách xem xét tại sao Nhân-chứng Giê-hô-va tin chắc là tổ chức của họ thật sự được Đức Chúa Trời hướng dẫn. Phần này cũng thảo luận về lý do tại sao họ cảm thấy cần phải tiếp tục tỉnh thức trên bình diện tổ chức lẫn cá nhân.
Ngoài những điều trên, sách được phác họa hấp dẫn này bao gồm một mục có 50 trang hình màu đẹp và bổ ích, cho thấy trụ sở trung ương quốc tế cũng như các chi nhánh được Nhân-chứng Giê-hô-va dùng trên khắp thế giới.
Nếu bạn chưa có sách này, bạn chắc chắn sẽ được lợi ích bằng cách nhận được một cuốn sách hấp dẫn này để đọc.
Lời bình luận của một số người đã đọc sách này
Những người đã đọc sách này phản ứng ra sao? Đây là một số lời bình luận:
“Tôi vừa đọc xong cuốn sách tài liệu linh động, hấp dẫn Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom. Chỉ có một tổ chức trung thành và khiêm tốn theo sát lẽ thật mới có thể viết một cách thẳng thắn, can đảm và tế nhị như vậy”.
“Đọc sách này giống như đọc sách Công-vụ các Sứ-đồ, có sự trung thực và thẳng thắn”.
“Một cuốn sách mới hấp dẫn làm sao!... Nó là một kiệt tác lịch sử”.
Sau khi đọc xong khoảng nửa cuốn sách, một ông đã viết: “Tôi khâm phục quá đỗi, chết lặng và gần rơi lệ... Cả đời tôi chưa thấy ấn phẩm nào khác gây nhiều xúc động mạnh như vậy”.
“Lòng tôi rộn rã lên mỗi lần tôi nghĩ đến việc cuốn sách sẽ củng cố đức tin của cả người trẻ lẫn người mới gia nhập tổ chức ngày nay”.
“Tôi luôn quí mến lẽ thật, nhưng khi đọc cuốn sách này tôi đã mở mắt và được giúp nhận thức nhiều hơn bao giờ hết rằng thánh linh của Đức Giê-hô-va ủng hộ mọi sự”.