Sắp đến lúc chẳng còn ai nghèo nữa!
“ĐỪNG sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin-lành [tin mừng, NW], sẽ là một sự vui-mừng lớn cho muôn dân” (Lu-ca 2:10). Những người chăn chiên gần thành Bết-lê-hem hết sức ngạc nhiên khi nghe những lời phấn khởi này trong đêm Giê-su ra đời. Phù hợp với lời tuyên bố đó, Giê-su đã nhấn mạnh rất nhiều về “tin mừng”, khi ngài làm thánh chức trên đất. Ngày nay, khi chúng ta tùy thuộc nhiều vào tiền bạc để chăm lo cho các nhu cầu của chúng ta, thì tin mừng về Giê-su có lợi ích gì cho chúng ta?
Giê-su Christ truyền “tin lành cho kẻ nghèo” (Lu-ca 4:18). Theo Ma-thi-ơ 9:35, “Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy-dỗ trong các nhà hội, giảng tin-lành nước Đức Chúa Trời”. Thông điệp của ngài rất khích lệ nhất là đối với những người nghèo xác xơ. “Khi Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn” (Ma-thi-ơ 9:36). Đành rằng Giê-su có nói: “Các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình”, nhưng chúng ta không nên dựa trên những lời này mà kết luận rằng không có hy vọng gì cho những người thiếu thốn (Giăng 12:8). Hễ mà hệ thống ác này còn tồn tại, thì sẽ có người nghèo, bất chấp điều gì có thể gây ra tình cảnh của họ. Lời Đức Chúa Trời không lờ đi sự kiện là sự nghèo nàn có thật, nhưng Kinh-thánh không có chú tâm vào những phương diện tiêu cực. Thay vì vậy, Kinh-thánh giúp người nghèo đối phó với sự lo lắng của đời sống.
Sự giúp đỡ cho người nghèo
Điều đáng chú ý là có người nói: “Không có gánh nặng nào mà một người phải chịu đựng lớn hơn là biết không một ai quan tâm hay thấu hiểu mình”. Nhưng bất chấp phần đông người ta thiếu lòng trắc ẩn, vẫn có tin mừng cho người nghèo—cả trong hiện tại và tương lai.
Đáng buồn thay, nhiều người không mấy chú ý đến việc giúp người nghèo. Theo cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa Tự điển Thế giới), một số người tin là “loài người trong xã hội cạnh tranh nhau để sống còn và... những người nào trổi hơn thì trở nên giàu và có quyền thế”. Những người tin lý thuyết này, gọi là thuyết Darwin áp dụng cho xã hội, có lẽ xem người nghèo như là những người lười biếng và phá của. Tuy nhiên, những người lao động ở vùng quê, những công nhân lưu động, và những người khác, mặc dù lương bổng thấp, thường làm việc rất cần cù để nuôi nấng gia đình.
Ở nhiều xứ, cảnh nghèo nàn rất thông thường. Vì thế, phần đông là người nghèo nên họ không bị người ta làm cho cảm thấy là mình thất bại. Dẫu thế, ở những xứ đó có người sống trong cảnh xa hoa giữa những người nghèo nàn. Những tòa nhà lộng lẫy và tiện nghi ở cạnh những khu nhà lụp xụp tồi tàn, đông đảo và thiếu vệ sinh. Những người đàn ông có lương cao lái xe đắt tiền của họ dọc trên những con đường có đông đảo người nghèo khổ và thất nghiệp. Ở những xứ ấy người nghèo nhận thấy tình cảnh của mình một cách đau thương. Thật vậy, cuốn The World Book Encyclopedia nói: “Người nghèo không chỉ khổ sở vì ăn uống thiếu dinh dưỡng, nhà cửa tồi tàn, và sức khỏe không được chăm sóc đầy đủ, nhưng họ cũng luôn luôn lo lắng về tình trạng của mình. Vì không thể tìm hoặc giữ được việc làm tốt, họ mất đi tất cả ý thức về phẩm giá và lòng tự trọng”. Thế thì làm thế nào một số người nghèo xác xơ đối phó với tình trạng của họ? Tin mừng về Giê-su có liên hệ gì đến việc đối phó với sự nghèo nàn?
Trước hết, hãy nhớ là những thói quen không khôn ngoan có thể làm cho cảnh nghèo khổ càng khốn khó hơn. Hãy xem xét một số thí dụ. Valdecir công nhận là trong khi vợ và các con nhỏ của ông thiếu thốn đồ ăn, thì ông lại phung phí tiền bạc để theo đuổi một lối sống trái đạo đức. Ông nói: “Mặc dù làm việc, tôi không bao giờ có tiền cho gia đình nhưng luôn luôn có tiền mua nhiều loại vé số”. Milton mất đi một công ty có 23 công nhân vì rượu chè say sưa và hút thuốc. Ông nói: “Tôi nằm ngoài đường phố nhiều đêm, không đủ sức để về nhà, và gia đình tôi đã khổ sở rất nhiều vì tôi”.
João cũng phung phí tiền lương cho những tật xấu. “Tôi không ở nhà nhiều đêm. Tất cả tiền lương của tôi không đủ cho những tật xấu và những mối tình vụng trộm. Tình trạng trở nên vô phương cứu chữa, và vợ tôi muốn ly thân”. Thêm vào những vấn đề khó khăn về tài chánh và hôn nhân, còn có những vấn đề khác nữa. Ông nói: “Tôi gây ra vấn đề với bà con và hàng xóm, và nhất là tôi có vấn đề ở sở làm. Kết quả là tôi thường không có việc làm”. Júlio là người nghiện ngập ma túy. Tuy thế, ông giải thích: “Vì lương của tôi không bao giờ đủ để cung cấp cho tật nghiện ngập của tôi, tôi bắt đầu bán ma túy để khỏi phải mua”.
Lớn lên trong một gia đình nghèo có tám người con, José muốn có cái gì cho riêng mình. Nghĩ rằng tình trạng của mình không thể nào tệ hơn nữa, cậu hiệp cùng những người trẻ khác và bắt đầu cướp bóc người ta. Vì tuyệt vọng, một người trẻ khác gia nhập băng đảng gọi là Headbangers. Cậu giải thích: “Vì phần đông chúng tôi rất nghèo nàn, chúng tôi cảm thấy thỏa thích phần nào khi đập phá đồ và tấn công người ta”.
Tuy nhiên, những người đàn ông này và gia đình họ không còn chịu cảnh thiếu thốn trầm trọng hoặc cảm thấy đắng cay và oán giận. Họ không còn cảm thấy bất lực và vô vọng nữa. Tại sao không? Vì họ học biết về tin mừng mà Giê-su rao giảng. Họ áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh và kết hợp với những người có cùng ý tưởng trong hội thánh Nhân-chứng Giê-hô-va. Và họ học được một số điều rất quan trọng về sự giàu sang và sự nghèo nàn.
Sự giúp đỡ để đối phó với cảnh nghèo nàn
Điều thứ nhất, họ học được là nếu áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh, thì những ảnh hưởng xấu của sự nghèo nàn có thể giảm bớt. Kinh-thánh lên án sự vô luân, say sưa, bài bạc và hút xách (I Cô-rinh-tô 6:9, 10). Những tật đó rất tốn kém và có thể làm cho người giàu trở nên nghèo, và người nghèo thì càng nghèo hơn. Bỏ đi những tật xấu này và những thứ khác giống như thế giúp ích rất nhiều để cải thiện tình trạng kinh tế của gia đình.
Điều thứ hai, họ ý thức được là trong cuộc sống có nhiều điều quan trọng hơn là sự giàu sang. Những lời được soi dẫn sau đây diễn tả một quan điểm thăng bằng: “Sự khôn-ngoan che thân cũng như tiền-bạc che thân vậy; nhưng sự khôn-ngoan thắng hơn, vì nó giữ mạng-sống cho người nào đã được nó” (Truyền-đạo 7:12). Đành rằng tiền bạc là cần thiết, nhưng sự khôn ngoan dựa trên Kinh-thánh và sự hiểu biết về ý định của Đức Chúa Trời có lợi ích hơn rất nhiều. Đúng vậy, đối với một người thiếu sự khôn ngoan, có quá nhiều tiền bạc có thể là một gánh nặng như có quá ít. Người viết Kinh-thánh cầu nguyện một cách khôn ngoan: “Chớ cho tôi nghèo-khổ, hoặc sự giàu-sang; hãy nuôi tôi đủ vật-thực cần-dùng, e khi no đủ, tôi từ-chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e tôi bị nghèo-khổ, ăn trộm-cắp, và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng” (Châm-ngôn 30:8, 9).
Điều thứ ba, họ khám phá ra là nếu một người sống đúng theo tin mừng Giê-su giảng dạy, người đó không bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi. Tin mừng có liên hệ đến Nước Đức Chúa Trời. Thông điệp được gọi là “tin mừng về nước trời”, và trong thời kỳ chúng ta tin mừng đang được rao giảng trên khắp đất (Ma-thi-ơ 24:14, NW). Giê-su nói chúng ta sẽ được trợ giúp nếu chúng ta đặt niềm hy vọng nơi Nước Trời. Ngài nói: “Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33). Đức Chúa Trời không có hứa ban cho xe tối tân hoặc nhà cửa lộng lẫy. Giê-su nói đến những điều cần thiết trong đời sống, như là quần áo và đồ ăn (Ma-thi-ơ 6:31). Nhưng ngày nay hàng triệu người có thể chứng nhận lời hứa của Giê-su là đáng tin cậy. Một người, ngay cả rất nghèo nàn, không bị bỏ rơi nếu người đó đặt Nước Trời lên hàng đầu.
Điều thứ tư, họ thấy là một người đặt Nước Đức Chúa Trời trước hết sẽ không cay đắng vì kinh tế khó khăn. Đành rằng một người nghèo phải làm việc khó nhọc, nhưng nếu người đó phụng sự Đức Chúa Trời, thì người có một mối liên lạc đặc biệt với Đấng Tạo hóa của mình, và Kinh-thánh nói về Ngài: “Ngài không khinh-bỉ, chẳng gớm-ghiếc sự hoạn-nạn của kẻ khốn-khổ, cũng không giấu mặt Ngài cùng người; nhưng khi người kêu-cầu cùng Ngài, thì bèn nhậm lời” (Thi-thiên 22:24). Thêm nữa, một người nghèo có sự giúp đỡ để đối phó với những sự khó khăn trong đời sống. Người đó vui hưởng tình bạn nồng nhiệt với anh em tín đồ đấng Christ và có một sự hiểu biết và tin tưởng nơi ý muốn của Đức Giê-hô-va đã được tiết lộ. Những điều như thế “quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng” (Thi-thiên 19:10).
Cuối cùng, sẽ không còn cảnh nghèo nàn!
Điều cuối cùng, một người vâng theo tin mừng học biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời có ý định giải quyết dứt khoát vấn đề nghèo khổ qua Nước của Ngài. Kinh-thánh hứa: “Người thiếu-thốn sẽ không bị bỏ quên luôn luôn, và kẻ khốn-cùng chẳng thất vọng mãi mãi” (Thi-thiên 9:18). Nước Trời là một chính phủ thật sự, được thành lập ở trên trời với Giê-su Christ là Đấng Cai trị. Sắp đến lúc Nước Trời sẽ thay thế những chính phủ của loài người để điều hành các công việc trên đất (Đa-ni-ên 2:44). Thế rồi, Giê-su là vị Vua đã lên ngôi “sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn, và cứu linh-hồn của người thiếu-thốn. Người sẽ chuộc linh-hồn họ khỏi sự hà-hiếp và sự hung-bạo; cũng sẽ xem huyết họ là quí-báu” (Thi-thiên 72:13, 14).
Hướng về thời kỳ đó, Mi-chê 4:3, 4 nói: “Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ; vì miệng Đức Giê-hô-va vạn-quân đã phán”. Những người này là ai thế? Tất cả những ai phục tùng Nước Đức Chúa Trời. Nước Trời sẽ giải quyết tất cả vấn đề làm loài người đau khổ—ngay cả bệnh tật và sự chết. “Ngài sẽ nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt” (Ê-sai 25:8; 33:24). Thế giới sẽ khác hẳn biết bao! Và hãy nhớ, chúng ta có thể tin những lời hứa này vì được chính Đức Chúa Trời soi dẫn. Ngài nói: “Dân ta sẽ trú trong chỗ bình-an, trong nhà yên-ổn và nơi nghỉ lặng-lẽ” (Ê-sai 32:18).
Tin cậy nơi Nước Đức Chúa Trời giúp một người vượt qua việc thiếu lòng tự trọng thường do sự nghèo nàn gây ra. Một tín đồ nghèo biết rằng dưới mắt Đức Chúa Trời mình cũng quan trọng như một tín đồ giàu sang. Đức Chúa Trời yêu thương cả hai người bằng nhau, và cả hai có hy vọng giống nhau. Cả hai người đều nóng lòng mong đợi thời kỳ khi dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời, cảnh nghèo nàn sẽ không còn nữa. Thật là một thời kỳ vinh quang thay! Cuối cùng, chẳng còn ai nghèo nữa!
[Hình nơi trang 5]
Tại sao phung phí tài nguyên cho bài bạc, hút thuốc, rượu chè, ma túy, hoặc một lối sống vô luân?
[Hình nơi trang 7]
Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ dùng Nước của Ngài để giải quyết những vấn đề về sự nghèo nàn của nhân loại