Chúng ta nên cầu nguyện Đức Chúa Trời như thế nào?
KHI một môn đồ yêu cầu Giê-su chỉ ông cách cầu nguyện, ngài đã không từ chối làm điều đó. Theo Lu-ca 11:2-4, ngài trả lời: “Khi cầu nguyện, các ngươi hãy nói: Lạy Cha ước gì Danh Cha hiển thánh, Nước Cha trị đến. Xin cho chúng tôi mỗi ngày có bánh ngày này; xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha cho mọi khách nợ; và chớ để chúng tôi sa cơn thử thách” (bản dịch Công giáo Nguyễn thế Thuấn). Lời này thường được gọi là kinh Lạy Cha. Lời cầu nguyện này truyền đạt vô số chi tiết.
Trước hết, hai chữ đầu tiên cho biết là chúng ta phải cầu nguyện ai—Cha chúng ta. Hãy chú ý là Giê-su không cho phép cầu nguyện bất cứ ai khác, hình tượng, “vị thánh” hay ngay cả cầu nguyện ngài. Thật vậy, Đức Chúa Trời đã tuyên bố: “Vinh quang của Ta, Ta sẽ không ban cho người khác, hay cho các thần tượng, vinh dự của Ta” (Ê-sai 42:8, Nguyễn thế Thuấn). Do đó, Cha chúng ta ở trên trời sẽ không nhậm những lời cầu nguyện hướng đến bất cứ vật gì hay bất cứ ai khác, dù cho người sùng kính có thành thật đến đâu. Trong Kinh-thánh, chỉ có Giê-hô-va Đức Chúa Trời mới được gọi là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” (Thi-thiên 65:2).
Một số người có lẽ nói rằng “các thánh” chỉ bầu cử cho chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng chính Giê-su đã chỉ bảo: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. Các ngươi nhơn danh ta mà cầu-xin đều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con” (Giăng 14:6, 13). Vì vậy, Giê-su bác bỏ quan điểm cho rằng bất cứ ai được gọi là vị thánh thì có thể phục vụ trong vai trò của đấng chuyển cầu. Cũng hãy xem xét những gì sứ đồ Phao-lô nói về đấng Christ: “Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và là Đấng đang chuyển cầu cho ta”. “Ngài hằng sống để cầu thay cho tất cả những ai đến cùng Đức Chúa Trời qua ngài” (Rô-ma 8:34, Nguyễn thế Thuấn; Hê-bơ-rơ 7:25, Kinh-thánh Công giáo Jerusalem).
Danh đó phải được hiển thánh
Giê-su nói tiếp trong lời cầu nguyện: “Danh Cha hiển thánh”. Làm thế nào mà ta có thể hiển thánh, tức là làm nên thánh, hay biệt riêng, danh của Đức Chúa Trời trừ khi ta biết và dùng danh đó? Hơn 6.000 lần trong “Cựu Ước”, chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời qua danh riêng là Giê-hô-va.
Cước chú nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 6:3 trong bản dịch Công giáo Douay Version nói về danh của Đức Chúa Trời: “Một số người trong thời hiện đại đã đưa ra danh Giê-hô-va... vì cách phát âm đúng danh [của Đức Chúa Trời], danh có trong nguyên bản Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, hiện giờ đã mất hẳn vì đã từ lâu không được dùng đến nữa”. Vì thế, bản dịch Công giáo Nguyễn thế Thuấn dùng danh Yavê. Tuy một số học giả thích cách phát âm đó hơn, nhưng “Giê-hô-va” là cách phát âm chính thức và lâu đời của danh Đức Chúa Trời trong tiếng Việt. Các thứ tiếng khác có cách riêng để phát âm danh của Đức Chúa Trời. Điều quan trọng là chúng ta dùng danh đó hầu làm danh đó nên thánh. Nhà thờ của bạn có dạy bạn dùng danh Giê-hô-va khi cầu nguyện không?
Những đề tài chính đáng để cầu nguyện
Kế tiếp Giê-su dạy môn đồ cầu xin: “Nước Cha trị đến”. Phúc Âm theo Ma-thi-ơ nói thêm những lời này: “Ý Cha thành sự, dưới đất cũng như trên trời” (Ma-thi-ơ 6:10, Nguyễn thế Thuấn). Nước Đức Chúa Trời là một chính phủ trong tay của Giê-su Christ (Ê-sai 9:5, 6). Theo lời tiên tri trong Kinh-thánh, Nước Trời sắp thay thế tất cả các chính phủ của loài người và mang lại một kỷ nguyên hòa bình trên toàn cầu (Thi-thiên 72:1-7; Đa-ni-ên 2:44; Khải-huyền 21:3-5). Vì vậy, Nước Trời sắp đến là một đề tài mà tín đồ thật của đấng Christ thường nhắc đến trong lời cầu nguyện của họ. Nhà thờ của bạn có dạy bạn làm thế không?
Điều đáng chú ý là Giê-su cũng cho thấy rằng chúng ta có thể cầu nguyện về những vấn đề cá nhân làm chúng ta bận tâm. Ngài nói: “Xin cho chúng tôi mỗi ngày có bánh ngày này; xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha cho mọi khách nợ; và chớ để chúng tôi sa cơn thử thách” (Lu-ca 11:3, 4; Nguyễn thế Thuấn). Lời của Giê-su ngụ ý là chúng ta có thể tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời trong mọi vấn đề hằng ngày và chúng ta có thể nói với Đức Giê-hô-va về bất cứ điều gì có thể làm chúng ta lo lắng hay làm xáo trộn sự bình an trong trí của chúng ta. Thường xuyên cầu xin Đức Chúa Trời theo cách này giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta tùy thuộc nơi ngài. Nhờ vậy, chúng ta càng ý thức hơn về ảnh hưởng của ngài trong đời sống của chúng ta. Hằng ngày cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ những lỗi lầm của chúng ta cũng là điều có ích. Nhờ vậy, chúng ta càng ý thức hơn về những yếu kém của mình—và dễ tha thứ người khác hơn về những yếu kém của họ. Giê-su khuyên bảo chúng ta cầu nguyện để khỏi sa vào cám dỗ cũng là điều thích hợp, đặc biệt là khi thấy đạo đức của thế gian này càng ngày càng suy đồi. Phù hợp với lời cầu nguyện đó, chúng ta cẩn thận tránh những hoàn cảnh và tình thế có thể dẫn đến việc phạm tội.
Thế thì chắc chắn là kinh Lạy Cha nói cho chúng ta biết nhiều điều về những lời cầu nguyện làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nhưng phải chăng Giê-su có ý là chúng ta lấy lời cầu nguyện này và giản dị lặp đi lặp lại lời đó thường xuyên?
Cho thêm lời khuyên về sự cầu nguyện
Giê-su cho thêm lời chỉ dẫn về sự cầu nguyện. Nơi Ma-thi-ơ 6:5, 6, chúng ta đọc: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng làm như bọn giả-hình; vì họ ưa đứng cầu-nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên-hạ đều thấy... Song khi ngươi cầu-nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu-nguyện Cha ngươi, ở nơi kín-nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín-nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi”. Những lời này dạy chúng ta rằng mình không nên cầu nguyện một cách phô trương với mục đích làm người khác khâm phục. Bạn có thổ lộ riêng với Đức Giê-hô-va nỗi lòng mình, như Kinh-thánh khuyên giục không? (Thi-thiên 62:8).
Giê-su cảnh cáo điều này: “Khi anh em cầu nguyện, chớ nói nhiều lời như kẻ ngoại giáo vì chúng nghĩ rằng: nói nhiều thì được việc” (Ma-thi-ơ 6:7, Trịnh Văn Căn). Rõ ràng là Giê-su đã không tán thành việc học thuộc lòng những lời cầu nguyện—đừng nói chi đến việc đọc lời kinh từ một sách nào đó. Lời ngài cũng loại ra việc lần chuỗi hạt.
Một sách kinh Công giáo công nhận như sau: “Lời cầu nguyện quí nhất của chúng ta có thể là những ý nghĩ tự nhiên của mình khi chúng ta hướng đến ngài với lòng biết ơn hoặc trong lúc cần, trong lúc đau khổ hay khi chúng ta đều đặn tôn sùng ngài mỗi ngày”. Chính Giê-su đã cầu nguyện một cách tự nhiên, chứ không phải học thuộc lòng. Thí dụ, hãy đọc lời cầu nguyện của Giê-su ghi nơi Giăng đoạn 17. Lời đó theo sát lời cầu nguyện mẫu, nhấn mạnh việc Giê-su ước muốn thấy danh Đức Giê-hô-va được nên thánh. Lời cầu nguyện của Giê-su là tự nhiên và hết sức chân thành.
Những lời cầu nguyện được Đức Chúa Trời nhậm
Nếu bạn đã từng được dạy để nói những lời cầu nguyện học thuộc lòng, cầu nguyện “các thánh” hay hình tượng hoặc dùng những đồ vật có tính cách tôn giáo như chuỗi hạt, thì thoạt đầu ý tưởng cầu nguyện theo cách Giê-su vạch ra có thể làm bạn lo ngại. Tuy nhiên, bí quyết là dần dần biết Đức Chúa Trời—danh ngài, ý định ngài và cá tính ngài. Bạn có thể thực hiện được điều này nhờ học hỏi kỹ lưỡng về Kinh-thánh (Giăng 17:3). Nhân-chứng Giê-hô-va sẵn lòng giúp bạn về phương diện này. Quả thật, họ đã giúp hàng triệu người trên khắp thế giới “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành là dường bao”! (Thi-thiên 34:8). Càng biết Đức Chúa Trời thì bạn sẽ càng muốn ca ngợi ngài trong lời cầu nguyện. Và khi bạn càng kính cẩn đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện bao nhiêu, thì mối liên lạc của bạn với ngài sẽ trở nên mật thiết bấy nhiêu.
Vì vậy, tất cả những người thờ phượng Đức Chúa Trời trong lẽ thật được khuyến khích nên “cầu-nguyện không thôi” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Hãy bảo đảm sao cho lời cầu nguyện của bạn thật sự phù hợp với Kinh-thánh, kể cả lời chỉ dẫn của Giê-su Christ. Làm thế bạn có thể chắc chắn rằng lời cầu nguyện của bạn sẽ được Đức Chúa Trời nhậm.
[Hình nơi trang 7]
Càng biết về Đức Giê-hô-va, thì chúng ta càng muốn cầu nguyện ngài từ đáy lòng