Mong Đức Giê-hô-va công nhận điều lành bạn làm
“Hỡi Đức Chúa Trời tôi ôi! xin hãy vì tôi nhớ đến điều đó... Đức Chúa Trời tôi ôi, xin hãy nhớ đến tôi mà làm ơn cho tôi” (NÊ-HÊ-MI 13:22, 31).
1. Điều gì giúp những người đã dâng mình cho Đức Chúa Trời khai trình với Đức Giê-hô-va về những việc lành mình làm?
TÔI TỚ của Đức Giê-hô-va được giúp đỡ đầy đủ để khai trình với ngài về những việc lành mình làm. Tại sao vậy? Tại vì họ thuộc về tổ chức trên đất của ngài, nên có mối liên lạc mật thiết với ngài. Ngài cho họ biết ý định của ngài, và qua thánh linh, ngài giúp đỡ và cho họ có được sự thông sáng về thiêng liêng (Thi-thiên 51:11; 119:105; I Cô-rinh-tô 2:10-13). Vì lưu tâm đến những hoàn cảnh đặc biệt này, Đức Giê-hô-va yêu thương kêu gọi các tôi tớ ở trên đất khai trình với ngài về chính mình lẫn việc mình làm được nhờ sức mạnh và thánh linh của ngài trợ giúp.
2. a) Nê-hê-mi đã làm những gì cho thấy ông đã tạo được tiếng tốt với Đức Chúa Trời? b) Nê-hê-mi nài xin gì trong phần kết luận của sách mang tên ông trong Kinh-thánh?
2 Một người tạo được tiếng tốt với Đức Chúa Trời là Nê-hê-mi, người dâng rượu cho Vua Ạt-ta-xét-xe (Longimanus) của nước Phe-rơ-sơ (Nê-hê-mi 2:1). Nê-hê-mi trở thành quan Tổng trấn của dân Do Thái và xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem dù phải đương đầu với kẻ thù và gặp nhiều nguy hiểm. Với lòng sốt sắng đối với sự thờ phượng thật, ông nghiêm chỉnh thi hành Luật pháp Đức Chúa Trời và bày tỏ lòng quan tâm đối với những người bị áp bức (Nê-hê-mi 5:14-19). Nê-hê-mi khuyến khích những người Lê-vi phải thường xuyên giữ mình cho sạch, canh giữ các cửa và biệt riêng những ngày Sa-bát ra thánh. Vì vậy ông có thể cầu nguyện: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi ôi! xin hãy vì tôi nhớ đến điều đó, và xin thương-xót tôi tùy sự nhân-từ lớn-lao của Ngài”. Trong sách Đức Chúa Trời soi dẫn ông viết, Nê-hê-mi cũng đã kết luận một cách thích hợp với lời nài xin: “Đức Chúa Trời tôi ôi, xin hãy nhớ đến tôi mà làm ơn cho tôi!” (Nê-hê-mi 13:22, 31).
3. a) Bạn miêu tả một người làm điều lành như thế nào? b) Suy gẫm về đường lối của Nê-hê-mi có thể khiến chúng ta tự hỏi mình những câu hỏi nào?
3 Người làm điều lành là người nhân đức và làm những điều ngay thẳng có lợi ích cho người khác. Nê-hê-mi là người như vậy. Ông kính sợ Đức Chúa Trời và rất sốt sắng đối với sự thờ phượng thật. Ngoài ra, ông cũng biết ơn vì được đặc ân phụng sự Đức Chúa Trời và chu toàn trách nhiệm của ông đối với ngài. Khi ngẫm nghĩ về đường lối hành động của ông, chúng ta tự hỏi: “Tôi xem đặc ân mà Đức Chúa Trời ban cho và trách nhiệm mà ngài giao phó cho tôi như thế nào? Tôi chứng tỏ cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ thấy gì về tôi?”
Hiểu biết Kinh-thánh khiến chúng ta có trách nhiệm
4. Giê-su giao cho môn đồ sứ mạng gì và những người “đã được định sẵn cho sự sống đời đời” làm gì?
4 Giê-su giao phó cho môn đồ sứ mạng này: “Hãy đi... dạy-dỗ [“đào tạo môn đồ khắp”, NW] muôn-dân, hãy... làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi đều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Môn đồ được đào tạo qua sự dạy dỗ. Vì thế những ai được dạy dỗ và “đã được định sẵn cho sự sống đời đời” đều làm báp têm giống như Giê-su (Công-vụ các Sứ-đồ 13:48; Mác 1:9-11). Họ thật lòng ao ước giữ tất cả mọi điều ngài truyền. Họ tiến đến việc dâng mình qua việc tiếp thụ và áp dụng sự hiểu biết chính xác Lời Đức Chúa Trời (Giăng 17:3).
5, 6. Chúng ta phải hiểu Gia-cơ 4:17 như thế nào? Hãy cho thấy cách áp dụng câu này.
5 Càng hiểu biết Kinh-thánh sâu xa bao nhiêu thì đức tin chúng ta càng có nền tảng vững chắc bấy nhiêu và đồng thời chúng ta càng có trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời. Gia-cơ 4:17 nói: “Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội”. Câu này rõ ràng là câu kết luận suy ra từ điều mà môn đồ Gia-cơ nói về sự khoe khoang thay vì hoàn toàn tùy thuộc vào Đức Chúa Trời. Một người biết mình làm được điều gì lâu bền là nhờ có sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, nhưng nếu không muốn làm, thì đó là một cái tội. Nhưng lời của Gia-cơ cũng có thể áp dụng cho những tội chểnh mảng. Thí dụ, trong chuyện Giê-su ví dụ về chiên và dê, dê bị kết tội, không phải vì làm điều xấu, nhưng vì chểnh mảng không giúp đỡ anh em của đấng Christ (Ma-thi-ơ 25:41-46).
6 Một ông nọ học Kinh-thánh với Nhân-chứng Giê-hô-va và không tiến bộ về thiêng liêng cho lắm, vì dường như ông không bỏ hút thuốc mặc dù biết là mình nên bỏ. Một anh trưởng lão yêu cầu ông đọc Gia-cơ 4:17. Sau khi bình luận về ý nghĩa quan trọng của câu Kinh-thánh này, anh trưởng lão nói: “Tuy ông chưa làm báp têm, nhưng ông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của ông”. Vui thay, ông nghe lời khuyên, bỏ hút thuốc và không lâu sau ông hội đủ điều kiện để làm báp têm, biểu hiệu sự dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Chịu trách nhiệm về thánh chức
7. Một cách để bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta về “tri-thức của Đức Chúa Trời” là gì?
7 Lòng ao ước chân thành của chúng ta là muốn Đấng Tạo hóa được hài lòng. Một cách để bày tỏ lòng biết ơn ngài đã ban cho chúng ta “tri-thức của Đức Chúa Trời” là làm tròn nhiệm vụ đào tạo môn đồ của Con ngài, Giê-su Christ. Đây cũng là một cách chúng ta bày tỏ lòng kính mến Đức Chúa Trời và yêu thương người đồng loại (Châm-ngôn 2:1-5; Ma-thi-ơ 22:35-40). Đúng vậy, sự hiểu biết của Đức Chúa Trời khiến chúng ta phải chịu trách nhiệm với ngài và chúng ta cần phải xem người khác như là môn đồ tương lai.
8. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Phao-lô cảm thấy có trách nhiệm với Đức Chúa Trời về thánh chức của mình?
8 Sứ đồ Phao-lô biết rằng việc hết lòng chấp nhận và nghe theo tin mừng sẽ đưa đến sự cứu rỗi. Ngược lại, từ chối không nghe theo tin mừng sẽ đưa đến sự hủy diệt (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-8). Vì thế ông cảm thấy có trách nhiệm với Đức Giê-hô-va về thánh chức của mình. Thật vậy, Phao-lô và những người cộng tác với ông quí trọng thánh chức nhiều đến độ họ cẩn thận tránh cho người ta có cảm tưởng là mình vụ lợi trong công việc thánh chức. Ngoài ra, lòng Phao-lô thúc đẩy ông nói: “Ví bằng tôi rao-truyền Tin-lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao-truyền Tin-lành, thì khốn-khó cho tôi thay” (I Cô-rinh-tô 9:11-16).
9. Tất cả tín đồ đấng Christ phải trả món nợ quan trọng nào?
9 Là những tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta “cần buộc... rao-truyền Tin-lành”. Sứ mạng giao phó cho chúng ta là rao giảng thông điệp Nước Trời. Chúng ta chấp nhận sứ mạng đó khi dâng mình cho Đức Chúa Trời. (So sánh Lu-ca 9:23, 24). Ngoài ra, chúng ta cũng có món nợ phải trả. Phao-lô nói: “Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người giã-man, cả người thông-thái lẫn người ngu-dốt. Ấy vậy, hễ thuộc về tôi, thì tôi cũng sẵn lòng rao Tin-lành cho anh em, là người ở thành Rô-ma” (Rô-ma 1:14, 15). Phao-lô mắc nợ vì biết mình có trách nhiệm rao giảng hầu người ta có thể nghe tin mừng và được cứu (I Ti-mô-thê 1:12-16; 2:3, 4). Vì thế, ông chịu gian khó để chu toàn sứ mạng và trả nợ người đồng loại. Với tư cách tín đồ đấng Christ, chúng ta cũng cần phải trả món nợ đó. Rao giảng về Nước Trời cũng là một cách chính cho thấy chúng ta kính mến Đức Chúa Trời, Con ngài và yêu thương người lân cận (Lu-ca 10:25-28).
10. Một số người làm gì để nới rộng thánh chức?
10 Một cách để được Đức Chúa Trời chấp nhận sự khai trình trách nhiệm của chúng ta là dùng khả năng của chúng ta để nới rộng thánh chức. Để thí dụ: Có nhiều người từ nhiều nước đến cư trú tại Anh quốc trong những năm gần đây. Để giúp những người đó nghe được tin mừng, hơn 800 người tiên phong (những người dùng trọn thời gian để rao giảng về Nước Trời) và hàng trăm Nhân-chứng khác học thêm ngoại ngữ. Kết quả là công việc thánh chức trở nên hứng thú. Một chị tiên phong dạy tiếng Hoa nói: “Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ dạy tiếng tôi cho những Nhân-chứng khác để họ dùng tiếng này giúp người khác biết về tin mừng. Điều này làm tôi được mãn nguyện biết bao!” Bạn có thể nới rộng thánh chức của bạn một cách tương tự như vậy không?
11. Một tín đồ đấng Christ đạt được kết quả nào khi làm chứng bán chính thức?
11 Có thể là mỗi người chúng ta sẽ làm những gì mình làm được để cứu một người chết đuối. Tương tự như vậy, tôi tớ của Đức Giê-hô-va muốn dùng khả năng của mình để làm chứng mỗi khi có dịp. Trước đây không lâu, một chị Nhân-chứng ngồi cạnh một phụ nữ trên xe buýt và nói cho bà biết về Kinh-thánh. Bà thấy thích thú nên hỏi nhiều câu hỏi. Khi chị Nhân-chứng sắp sửa xuống xe, bà mời chị đến nhà vì bà vẫn còn nhiều câu hỏi, và chị Nhân-chứng nhận lời. Kết quả là gì? Bà bắt đầu học Kinh-thánh và sáu tháng sau bà trở thành người công bố chưa làm báp têm. Không lâu sau bà có sáu học hỏi Kinh-thánh. Thật là phần thưởng thích thú biết bao khi một người dùng khả năng của mình cho công việc Nước Trời!
12. Là người truyền giáo, làm sao chúng ta có thể dùng khả năng của mình một cách hữu hiệu trong công việc rao giảng?
12 Là những người truyền giáo, chúng ta có thể sử dụng khả năng của mình một cách hữu hiệu trong việc rao giảng bằng cách dùng những ấn phẩm như cuốn sách dày 192 trang có nhan đề Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. Tới tháng 4 năm 1996, Ủy ban Biên tập thuộc Hội đồng Lãnh đạo Trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va đã chấp thuận cho phép in sách Sự hiểu biết ra hơn 140 thứ tiếng và vào lúc đó, 30.500.000 cuốn đã được in ra trong 111 thứ tiếng. Sách này được viết ra với mục đích giúp những người học Kinh-thánh biết đủ về Lời Đức Chúa Trời và ý định của ngài để dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm. Nhờ không mất nhiều năm để dạy một người học Kinh-thánh, những người công bố về Nước Trời có thể dạy nhiều người hơn hoặc tham gia nhiều hơn vào công việc rao giảng từ nhà này sang nhà kia và vào những hình thức khác của thánh chức (Công-vụ các Sứ-đồ 5:42; 20:20, 21). Vì biết mình có trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời, họ giúp người khác chú ý đến lời cảnh cáo của ngài (Ê-xê-chi-ên 33:7-9). Tuy nhiên, mục đích của họ là tôn kính Đức Giê-hô-va và giúp càng nhiều người biết về tin mừng càng tốt trong thời gian ngắn ngủi còn lại của hệ thống gian ác này.
Gia đình chu toàn trách nhiệm
13. Tại sao những gia đình tin kính Đức Chúa Trời nên học hỏi Kinh-thánh gia đình một cách đều đặn?
13 Mỗi cá nhân cũng như mỗi gia đình theo đạo thật của đấng Christ thì phải có trách nhiệm với Đức Chúa Trời và vì thế họ phải “tấn-tới sự trọn-lành” và trở nên “đứng vững trong đức-tin” (Hê-bơ-rơ 6:1-3; I Phi-e-rơ 5:8, 9). Thí dụ, những ai học sách Sự hiểu biết và đã làm báp têm cần phải bổ sung sự hiểu biết về Kinh-thánh bằng cách đều đặn tham dự các buổi họp cũng như đọc Kinh-thánh và những ấn phẩm khác của đạo đấng Christ. Những gia đình tin kính Đức Chúa Trời cũng nên đều đặn có buổi học gia đình vì đó là một cách quan trọng để “tỉnh-thức,... vững-vàng trong đức-tin,... dốc chí trượng-phu và mạnh-mẽ” (I Cô-rinh-tô 16:13). Nếu bạn là chủ gia đình, bạn đặc biệt có trách nhiệm với Đức Chúa Trời là phải làm sao cho gia đình mình được nuôi dưỡng đầy đủ về thiêng liêng. Cũng như thức ăn bổ dưỡng đem lại sức khỏe, thì bạn và gia đình cần thức ăn thiêng liêng đều đặn và dư dật để giữ “đức-tin vẹn-lành” (Tít 1:13).
14. Việc làm chứng của một bé gái Y-sơ-ra-ên được dạy dỗ kỹ lưỡng đạt được kết quả nào?
14 Nếu có con, Đức Chúa Trời sẽ công nhận điều lành bạn làm khi bạn dạy dỗ chúng vững vàng về thiêng liêng. Dạy dỗ như vậy sẽ có lợi cho con cái, giống như trường hợp của một bé gái Y-sơ-ra-ên đã bị dân Sy-ri bắt vào thời Ê-li-sê, nhà tiên tri của Đức Chúa Trời. Em trở thành người hầu hạ vợ của Na-a-man, người bị bệnh cùi và là quan tổng binh của quân Sy-ri. Tuy còn nhỏ, nhưng em nói với bà chủ mình rằng: “Ôi! Chớ chi chúa tôi đi đến cùng ông tiên-tri ở Sa-ma-ri! Người sẽ giải-cứu chúa tôi khỏi bịnh phung”. Vì lời làm chứng của em, nên Na-a-man đến xứ Y-sơ-ra-ên, cuối cùng phải làm theo lời chỉ bảo của Ê-li-sê là đi tắm bảy lần ở sông Giô-đanh và được khỏi bệnh cùi. Ngoài ra, Na-a-man trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Việc này chắc hẳn đã làm em bé gái đó vui sướng biết bao! (II Các Vua 5:1-3, 13-19).
15. Tại sao việc cha mẹ dạy dỗ con cái vững vàng về thiêng liêng là điều quan trọng? Hãy cho ví dụ.
15 Trong thế gian dưới quyền của Sa-tan và thiếu đạo đức này, việc nuôi nấng con cái không phải là chuyện dễ (I Giăng 5:19). Tuy nhiên, từ lúc Ti-mô-thê còn thơ ấu, bà ngoại ông là Lô-ít và mẹ là Ơ-nít đã có kết quả trong việc dạy ông Kinh-thánh (II Ti-mô-thê 1:5; 3:14, 15). Học Kinh-thánh với con cái, đều đặn dẫn chúng đi họp và rồi dẫn chúng đi rao giảng đều là mẫu mực dạy dỗ con cái mà bạn phải khai trình với Đức Chúa Trời. Một nữ tín đồ đấng Christ ở Wales, nay đã ngoài 80 tuổi, hồi tưởng lại là vào đầu thập niên 1920, cha của chị dẫn chị đi theo khi ông đi bộ mười cây số qua một ngọn núi (cả đi lẫn về 20 cây số) để phân phát những tấm giấy mỏng nói về Kinh-thánh cho dân làng ở thung lũng bên kia núi. Với lòng biết ơn, chị nói: “Cha tôi đã gieo lẽ thật vào lòng tôi trong những chuyến đi đó”.
Trưởng lão khai trình—Như thế nào?
16, 17. a) Trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa, những người lớn tuổi và thành thục về thiêng liêng có những đặc ân nào? b) Khi so sánh với tình cảnh trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa, tại sao ngày nay Đức Chúa Trời đòi hỏi trưởng lão nhiều hơn?
16 Người khôn ngoan là Sa-lô-môn nói: “Tóc bạc là mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình” (Châm-ngôn 16:31). Nhưng không phải chỉ riêng tuổi tác là đủ để trang bị cho một người đảm đang trách nhiệm trong hội thánh của dân Đức Chúa Trời. Trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa, những người đàn ông lớn tuổi và thành thục về thiêng liêng phục vụ với tư cách quan án và ký lục để điều hành công lý và duy trì sự an ổn, trật tự và sức khỏe về thiêng liêng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:18-20). Mặc dù điều này cũng đúng trong hội thánh tín đồ đấng Christ, nhưng Đức Chúa Trời đòi hỏi những trưởng lão nhiều hơn nữa vì hệ thống mọi sự này sắp kết liễu. Tại sao vậy?
17 Dân Y-sơ-ra-ên là ‘dân mà Đức Chúa Trời đã chọn’ và ngài giải cứu họ ra khỏi xứ Ai Cập xưa. Vì họ nhận luật pháp qua người trung bảo của họ là Môi-se, nên con cháu của họ được sinh ra trong một dân tộc đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và họ quen thuộc với lời khuyên răn của Đức Giê-hô-va (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:6, 11). Tuy nhiên, ngày nay không ai sinh ra trong một dân tộc đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và tương đối ít người lớn lên trong gia đình tin kính Đức Chúa Trời và biết rành lẽ thật trong Kinh-thánh. Đặc biệt là những người mới “theo lẽ thật” gần đây cần được chỉ dẫn để sống theo những nguyên tắc của Kinh-thánh (III Giăng 4). Vì thế, thật là một trách nhiệm nặng nề đè nặng trên vai những anh trưởng lão trung thành khi họ “giữ lấy mẫu-mực của các sự dạy-dỗ có ích” và giúp đỡ dân của Đức Giê-hô-va! (II Ti-mô-thê 1:13, 14).
18. Trưởng lão hội thánh phải giúp đỡ bằng cách nào, và tại sao?
18 Một em bé tập đi có thể bị vấp ngã. Em cảm thấy không an toàn và cần cha mẹ giúp và trấn an. Tương tự như vậy, người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va có thể vấp ngã về thiêng liêng. Ngay cả sứ đồ Phao-lô thấy cần phấn đấu để làm những điều phải hoặc tốt trước mắt Đức Chúa Trời (Rô-ma 7:21-25). Những người chăn bầy chiên của Đức Chúa Trời cần phải lấy lòng yêu thương giúp đỡ những tín đồ lầm lỗi nhưng thật sự ăn năn. Khi các trưởng lão đến thăm một chị phạm một lỗi nặng, chị nói trước sự hiện diện của người chồng đã dâng mình: “Tôi biết các anh sẽ khai trừ tôi!” Tuy nhiên, chị không cầm được nước mắt khi các trưởng lão muốn biết chị cần giúp đỡ gì để phục hồi gia đình về thiêng liêng. Vì biết mình phải khai trình nên các trưởng lão sung sướng giúp người cùng đức tin biết hối lỗi (Hê-bơ-rơ 13:17).
Tiếp tục khai trình trách nhiệm chu toàn
19. Tại sao chúng ta tiếp tục khai trình với Đức Chúa Trời về những việc lành mình làm?
19 Trưởng lão hội thánh và các tôi tớ của Đức Chúa Trời cần tiếp tục khai trình với Đức Giê-hô-va về những công việc lành mình làm. Điều này có thể được nếu chúng ta tuân theo Lời Đức Chúa Trời và làm theo ý định của ngài (Châm-ngôn 3:5, 6; Rô-ma 12:1, 2, 9). Chúng ta đặc biệt muốn làm điều lành cho anh em chúng ta trong đức tin (Ga-la-ti 6:10). Tuy nhiên, mùa gặt thì thật trúng và người gặt thì lại ít (Ma-thi-ơ 9:37, 38). Vậy chúng ta hãy làm điều lành cho người khác bằng cách siêng năng rao báo thông điệp về Nước Trời. Đức Giê-hô-va sẽ chấp nhận việc khai trình trách nhiệm của chúng ta nếu chúng ta làm tròn ý nghĩa của sự dâng mình, làm theo ý muốn của ngài và trung thành rao báo tin mừng.
20. Chúng ta rút tỉa được bài học gì khi xem xét đường lối của Nê-hê-mi?
20 Vậy chúng ta hãy tiếp tục làm công việc Chúa một cách dư dật (I Cô-rinh-tô 15:58). Chúng ta sẽ được lợi ích khi xem xét Nê-hê-mi, người xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem, thi hành Luật Đức Chúa Trời và nhiệt thành phát huy sự thờ phượng thật. Ông cầu xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời nhớ đến ông vì những điều lành ông đã làm. Mong bạn tỏ ra hết lòng như thế với Đức Chúa Trời, và mong ngài công nhận điều lành bạn làm.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Nê-hê-mi nêu gương gì?
◻ Tại sao hiểu biết về Kinh-thánh khiến chúng ta có trách nhiệm với Đức Chúa Trời?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể khai trình với Đức Giê-hô-va về những việc lành mình làm trong thánh chức?
◻ Gia đình có thể làm gì để chu toàn trách nhiệm với Đức Chúa Trời?
◻ Trưởng lão đạo đấng Christ khai trình như thế nào?
[Hình nơi trang 18]
Giống như Phao-lô, chúng ta là những người công bố về Nước Trời có thể khai trình với Đức Chúa Trời về những việc lành mình làm
[Hình nơi trang 19]
Con cái bạn có đức tin mạnh như bé gái Y-sơ-ra-ên trong nhà của Na-a-man không?