“Hãy ân-cần tiếp khách”
“Hãy cung-cấp sự cần-dùng cho các thánh-đồ; hãy ân-cần tiếp khách” (RÔ-MA 12:13).
1. Một nhu cầu căn bản của con người là gì, và nhu cầu này được thể hiện như thế nào?
NGÀY NAY đi trên con đường vắng tại một phố lạ vào đêm khuya có thể khiến mình phập phồng lo sợ. Nhưng ở giữa đám đông mà không biết một ai hay không ai biết mình thì cũng rất là đáng ngại. Thật vậy, một phần không thể thiếu được của bản chất con người là nhu cầu muốn có người chăm lo cho mình, cần đến mình và yêu thương mình. Không ai muốn bị đối xử như một người lạ hay người ngoài.
2. Đức Giê-hô-va đã đáp ứng việc cần bạn của chúng ta như thế nào?
2 Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Dựng nên và Tạo ra muôn vật, biết rõ là con người cần có bạn bè. Là Đấng sáng tạo ra loài người, ngay từ thuở ban đầu Đức Chúa Trời biết rằng “loài người ở một mình thì không tốt”, và ngài đã giải quyết điều đó (Sáng-thế Ký 2:18, 21, 22). Lời tường thuật trong Kinh-thánh có nhiều thí dụ về các điều nhân từ mà Đức Chúa Trời và các tôi tớ ngài đã làm cho loài người. Điều này giúp chúng ta học cách “ân-cần tiếp khách”, đem lại sự vui vẻ và phấn khởi cho người khác và chính mình được toại nguyện (Rô-ma 12:13).
Mến thích người lạ
3. Hãy giải thích ý nghĩa căn bản của sự hiếu khách.
3 Chữ “ân-cần tiếp khách” trong Kinh-thánh được dịch ra từ chữ Hy Lạp phi·lo·xe·niʹa. Chữ này gồm có hai chữ gốc có nghĩa là “sự yêu thương” và “người lạ”. Do đó, trên căn bản sự hiếu khách có nghĩa là “sự yêu thương người lạ”. Tuy nhiên, đây không chỉ là một nghi thức hay là phép lịch sự. Sự hiếu khách liên quan đến cảm xúc và lòng yêu thương. Theo sách Exhaustive Concordance of the Bible của James Strong thì động từ phi·leʹo có nghĩa “làm bạn với ai (yêu mến [ai hay một vật gì]) tức là yêu thương người nào (nói lên sự quyến luyến của một cá nhân về tình cảm hay cảm xúc)”. Theo đó, một người hiếu khách không phải chỉ vì người đó bày tỏ tình yêu thương dựa theo nguyên tắc, hoặc chỉ vì bị thúc đẩy bởi tinh thần trách nhiệm hay bổn phận, nhưng vì muốn bày tỏ lòng trìu mến, yêu thương và tình bằng hữu chân thật.
4. Chúng ta nên bày tỏ lòng hiếu khách đối với ai?
4 Người nhận được sự trìu mến và yêu thương là “người lạ” (tiếng Hy Lạp, xeʹnos). Người này là ai? Một lần nữa, sách Concordance của Strong định nghĩa chữ xeʹnos là ‘ngoại (nghĩa đen là xa lạ, hay nghĩa bóng là mới lạ); ám chỉ một người khách hay (ngược lại) một người lạ’. Vì thế, sự ân cần tiếp khách, như được tiêu biểu trong Kinh-thánh, có thể phản ảnh lòng nhân từ bày tỏ với một người mà chúng ta mến thích hay ngay cả với một người hoàn toàn xa lạ. Giê-su giải thích: “Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao? Lại nếu các ngươi tiếp-đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao?” (Ma-thi-ơ 5:46, 47). Lòng hiếu khách chân thật vượt xa sự phân chia và kỳ thị bắt nguồn từ thành kiến và sự sợ hãi.
Đức Giê-hô-va, người chủ trọn vẹn
5, 6. a) Giê-su nghĩ gì khi ngài nói: “Cha các ngươi ở trên trời là trọn-vẹn”? b) Sự rộng rãi của Đức Giê-hô-va được thể hiện như thế nào?
5 Sau khi cho thấy loài người thiếu tình yêu thương, như được kể ở trên, Giê-su thêm lời nhận xét như sau: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn-vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn-vẹn” (Ma-thi-ơ 5:48). Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va là trọn vẹn về mọi khía cạnh (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Tuy nhiên, Giê-su nhấn mạnh một khía cạnh đặc biệt về sự trọn vẹn của Đức Giê-hô-va như ngài đã nói trước đó: “[Đức Chúa Trời] khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công-bình cùng kẻ độc-ác” (Ma-thi-ơ 5:45). Khi bày tỏ sự nhân từ, Đức Giê-hô-va không thiên vị.
6 Là Đấng Tạo hóa, Đức Giê-hô-va là chủ của muôn vật. Đức Giê-hô-va nói: “Hết thảy thú rừng đều thuộc về ta, các bầy súc-vật tại trên ngàn núi cũng vậy. Ta biết hết các chim của núi, mọi vật hay động trong đồng-ruộng thuộc về ta” (Thi-thiên 50:10, 11). Tuy nhiên, ngài không ích kỷ cất giấu cái gì. Ngài chu cấp cho mọi tạo vật một cách rộng rãi. Người viết Thi-thiên nói về Đức Giê-hô-va: “Chúa sè tay ra, làm cho thỏa nguyện mọi loài sống” (Thi-thiên 145:16).
7. Chúng ta có thể học được gì qua cách Đức Giê-hô-va đối xử với người lạ và những người cần sự giúp đỡ?
7 Đức Giê-hô-va ban cho loài người những gì họ cần—ngay cả cho những người không biết ngài, là những người xa lạ đối với ngài. Phao-lô và Ba-na-ba nhắc nhở những người thờ hình tượng ở thành Lít-trơ rằng Đức Giê-hô-va “cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật, và lòng đầy vui-mừng” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:17). Đặc biệt đối với những ai thiếu thốn, Đức Giê-hô-va tỏ ra nhân từ và rộng rãi (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17, 18). Có nhiều điều mà chúng ta có thể học được từ Đức Giê-hô-va về việc bày tỏ lòng nhân từ và rộng rãi, tức là tỏ ra hiếu khách với người khác.
8. Đức Giê-hô-va bày tỏ lòng rộng rãi như thế nào khi ngài chăm lo cho nhu cầu thiêng liêng của chúng ta?
8 Ngoài việc chu cấp nhu cầu vật chất dồi dào cho các tạo vật ngài, Đức Giê-hô-va còn lo cho nhu cầu của họ về mặt thiêng liêng. Đức Giê-hô-va đã hành động một cách cao thượng nhất vì hạnh phúc thiêng liêng của chúng ta, ngay cả trước khi bất cứ ai trong chúng ta nhận ra rằng mình đang ở trong tình trạng nghiêm trọng về mặt thiêng liêng. Chúng ta đọc nơi Rô-ma 5:8, 10: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết... khi chúng ta còn là thù-nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa-thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài”. Sự sắp đặt đó tạo cơ hội cho con người tội lỗi hòa nhập với gia đình hạnh phúc của Cha chúng ta trên trời (Rô-ma 8:20, 21). Đức Giê-hô-va cũng lo sao cho chúng ta được hướng dẫn và chỉ bảo đúng đắn hầu cho chúng ta có thể thành công trong cuộc sống mặc dầu chúng ta tội lỗi và bất toàn (Thi-thiên 119:105; II Ti-mô-thê 3:16).
9, 10. a) Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đức Giê-hô-va là người chủ hoàn hảo? b) Những người thờ phượng thật nên bắt chước Đức Giê-hô-va về phương diện này như thế nào?
9 Vì lẽ đó, chúng ta có thể nói rằng Đức Giê-hô-va thật sự là người chủ trọn vẹn về rất nhiều phương diện. Ngài không lờ đi những người nghèo túng, người thấp kém và người hèn mọn. Ngài tỏ ra thật sự chú ý đến và chăm lo cho người lạ, dù là kẻ thù của ngài, và ngài không mong đợi bất cứ sự trả ơn nào bằng vật chất. Dựa theo tất cả các điều này, phải chăng ngài là một gương tột bậc về một người chủ hoàn hảo?
10 Là Đức Chúa Trời đầy yêu thương nhân từ và rộng rãi như thế, Đức Giê-hô-va muốn những người thờ phượng ngài bắt chước ngài. Trong suốt cuốn Kinh-thánh, chúng ta thấy có những gương nổi bật về đức tính tốt này. Cuốn Encyclopaedia Judaica nhận xét rằng “vào thời Y-sơ-ra-ên cổ xưa, hiếu khách không chỉ là một vấn đề về phép lịch sự, mà là một tập tục đạo đức... Theo phong tục của Kinh-thánh, việc tiếp đón du khách bị mệt mỏi và chào đón khách lạ đã là căn nguyên phát sinh ra tính hiếu khách và tất cả những khía cạnh liên quan đến tính ấy đã trở thành một đức tính được quí trọng trong tục lệ của người Do Thái”. Hiếu khách không chỉ là đặc tính của một dân tộc hay sắc tộc nào đó, nhưng còn là một đức tính của tất cả những người thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va.
Tiếp đón các thiên sứ
11. Kinh nghiệm nổi bật nào cho thấy rằng sự hiếu khách đem lại ân phước bất ngờ? (Cũng xem Sáng-thế Ký 19:1-3; Các Quan Xét 13:11-16).
11 Một trong những câu chuyện về việc tỏ lòng hiếu khách được nhiều người biết đến trong Kinh-thánh là chuyện của Áp-ra-ham và Sa-ra, lúc họ sống trong lều giữa những cây to lớn ở Mam-rê, gần Hếp-rôn (Sáng-thế Ký 18:1-10; 23:19). Chắc chắn sứ đồ Phao-lô đã nghĩ đến dịp này khi ông nói lên lời khuyên bảo: “Chớ quên sự tiếp khách; có khi kẻ làm đều đó, đã tiếp-đãi thiên-sứ mà không biết” (Hê-bơ-rơ 13:2). Xem xét bài tường trình này sẽ giúp chúng ta nhận thấy rằng hiếu khách không chỉ là một tập quán hoặc là sự dạy dỗ mà là một đức tính tin kính đem lại nhiều ân phước tuyệt vời.
12. Áp-ra-ham bày tỏ lòng yêu thương của ông đối với những khách lạ như thế nào?
12 Sáng-thế Ký 18:1, 2 cho thấy rằng Áp-ra-ham không hề quen biết ba người khách và cũng không biết trước là họ sẽ đến thăm. Họ có vẻ như chỉ là ba khách lạ qua đường. Theo một số nhà bình luận, tục lệ của người Đông phương là một khách lạ từ xa đến có quyền đòi hỏi người khác tiếp mình ngay cả khi người ấy không biết một ai ở nơi đó. Nhưng Áp-ra-ham đã chủ động, ông không đợi cho khách lạ lên tiếng về điều này. Áp-ra-ham “chạy đến” để gặp ba khách lạ ấy lúc họ còn từ đằng xa—tất cả điều này xảy ra “lúc trời nắng ban ngày”, và Áp-ra-ham đã được 99 tuổi! Chẳng phải điều này đã cho thấy lý do tại sao Phao-lô ám chỉ đến Áp-ra-ham như là một gương mẫu để chúng ta bắt chước hay sao? Đó là thực chất của tính hiếu khách, sự mến thích hay yêu thương khách lạ, lo lắng cho nhu cầu của họ. Đó là một đức tính tích cực.
13. Tại sao Áp-ra-ham “sấp mình” khi gặp khách?
13 Lời tường thuật cũng cho chúng ta biết rằng sau khi gặp khách lạ, Áp-ra-ham “sấp mình xuống đất”. Sấp mình xuống trước mặt khách hoàn toàn xa lạ ư? Hành động sấp mình xuống như Áp-ra-ham đã làm là một hình thức chào đón đối với khách quý trọng hay một người có chức vị cao. Điều này không nên nhầm lẫn với cung cách thờ phượng, là điều chỉ dành riêng cho Đức Chúa Trời thôi. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 10:25, 26; Khải-huyền 19:10). Bằng cách “sấp mình xuống đất” chứ không phải chỉ gật đầu chào, Áp-ra-ham đã tỏ ra kính trọng những người khách lạ như những người có địa vị quan trọng. Ông là tộc trưởng của một gia đình đông người và giàu có, nhưng ông xem các khách lạ này quan trọng hơn ông. Thật khác hẳn với tính thông thường là nghi ngờ khách lạ, thái độ chờ đợi xem sao! Áp-ra-ham đã thật sự bày tỏ được ý nghĩa của lời nói: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau” (Rô-ma 12:10).
14. Áp-ra-ham đã phải cố gắng và hy sinh như thế nào khi bày tỏ sự hiếu khách với khách lạ?
14 Lời tường thuật tiếp theo sau cho thấy rằng cảm nghĩ của Áp-ra-ham là thành thật. Bữa ăn thật là đặc biệt. Ngay cả trong một gia đình đông người có nhiều gia súc, “một con bò con ngon” cũng không phải là món ăn hàng ngày. Nói về phong tục thịnh hành của vùng đó, cuốn Daily Bible Illustrations của John Kitto ghi: “Người ta không bao giờ ăn sang ngoại trừ vào một số những dịp lễ hay khi có khách lạ; và chỉ vào những dịp ấy người ta mới ăn thịt, kể cả đối với những người có nhiều gia súc”. Người ta không giữ thức ăn được lâu trong khí hậu nóng, vì vậy muốn chuẩn bị một bữa ăn như thế thì phải làm ngay lúc đó. Không lạ gì trong bài tường thuật ngắn ngủi này, chữ “lật-đật” hay “mau mau” xuất hiện ba lần, và Áp-ra-ham đã thật sự phải “chạy” để chuẩn bị bữa ăn! (Sáng-thế Ký 18:6-8).
15. Áp-ra-ham đã nêu gương cho thấy ông có quan điểm đúng đắn nào khi lấy của cải vật chất để bày tỏ lòng hiếu khách?
15 Tuy nhiên, mục đích không phải là chỉ làm một bữa tiệc thịnh soạn để gây ấn tượng tốt đối với một người nào. Mặc dù Áp-ra-ham và Sa-ra đã ra công để làm và dọn bữa ăn, hãy lưu ý rằng trước đó Áp-ra-ham đã nói sao về bữa ăn đó: “Xin các đấng hãy cho phép người ta lấy chút nước rửa chơn các đấng, và xin hãy nằm nghỉ mát dưới cội cây nầy. Tôi sẽ đi đem một miếng bánh cho các đấng ăn vững lòng, rồi sẽ dời gót lên đường; vì cớ ấy, nên mới quá bộ lại nhà kẻ tôi-tớ các đấng vậy” (Sáng-thế Ký 18:4, 5). “Miếng bánh” hóa ra là một bữa tiệc gồm có thịt bò con béo mập cùng với bánh nhỏ làm bằng bột lọc, có bơ và sữa—một bữa ăn dành cho vua. Bài học ở đây là gì? Khi bày tỏ lòng hiếu khách, điều quan trọng, hay cái cần phải nhấn mạnh, không phải là thức ăn đồ uống linh đình, hay là các trò giải trí cầu kỳ, v.v... Lòng hiếu khách không tùy thuộc vào việc một người có thể mua được những thứ đắt tiền hay không mà vào sự quan tâm chân thành đến hạnh phúc người khác và vào lòng mong muốn làm điều tốt cho người khác tùy theo khả năng của mình. Một châm ngôn trong Kinh-thánh viết: “Thà một món rau mà thương-yêu nhau, còn hơn ăn bò mập-béo với sự ganh-ghét cặp theo”. Lời này chứa đựng bí quyết của sự hiếu khách chân thật (Châm-ngôn 15:17).
16. Qua cách ông tiếp đãi những người khách, Áp-ra-ham cho thấy ông quý trọng các điều thiêng liêng như thế nào?
16 Tuy nhiên chúng ta cũng phải chú ý rằng toàn thể sự kiện này có hàm ý thiêng liêng. Bằng cách nào đó Áp-ra-ham nhận ra được rằng những người khách này là sứ giả của Đức Giê-hô-va. Chúng ta biết được điều này qua những lời ông nói với họ: “Lạy Chúa, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin hãy ghé lại nhà kẻ tôi-tớ Chúa, đừng bỏ đi luôn”a (Sáng-thế Ký 18:3; so sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20). Áp-ra-ham không hay biết trước là họ có thông điệp gì cho ông hay không, hay họ chỉ đi ngang qua. Dù sao đi nữa, Áp-ra-ham hiểu rằng ý định của Đức Giê-hô-va đang được thực hiện. Những người này đang thi hành một sứ mạng cho Đức Giê-hô-va. Nếu ông có thể góp phần nào vào công việc này thì điều đó sẽ là niềm vui cho ông. Ông biết rằng các tôi tớ của Đức Giê-hô-va xứng đáng được hưởng những gì tốt nhất, và ông cung cấp những gì tốt nhất trong hoàn cảnh của ông. Làm như thế, sẽ có ân phước thiêng liêng, cho chính ông hay cho người nào khác. Cuối cùng Áp-ra-ham và Sa-ra được nhiều ân phước vì lòng hiếu khách chân thành của họ (Sáng-thế Ký 18:9-15; 21:1, 2).
Một dân tộc hiếu khách
17. Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên điều gì liên quan đến những khách lạ và những người thiếu thốn sống giữa họ?
17 Con cháu của Áp-ra-ham đã hợp thành một dân tộc và họ đã không quên đi tấm gương xuất sắc của ông. Luật pháp mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên gồm có các điều lệ là phải bày tỏ sự hiếu khách đối với khách lạ sống giữa họ. “Kẻ khách kiều-ngụ giữa các ngươi sẽ kể như kẻ đã sanh-đẻ giữa các ngươi; hãy thương-yêu người như mình, vì các ngươi đã làm khách kiều-ngụ trong xứ Ê-díp-tô: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi” (Lê-vi Ký 19:34). Dân của ngài phải đặc biệt chú ý đến những ai thiếu thốn về mặt vật chất và không nên coi thường họ. Khi Đức Giê-hô-va ban phước cho dân ngài được nhiều mùa màng, khi họ vui chơi trong các dịp lễ, khi họ nghỉ ngơi trong những năm Sa-bát, và trong những dịp khác, họ phải đoái thương những người kém may mắn, đó là người góa bụa, trẻ mồ côi, và những khách kiều ngụ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:9-14; 24:19-21; 26:12, 13).
18. Tính hiếu khách quan trọng đến thế nào trong việc nhận được ân huệ và ân phước của Đức Giê-hô-va?
18 Chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của tính nhân từ, rộng rãi và hiếu khách đối với người khác qua cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên khi họ sao lãng không bày tỏ những đức tính này đặc biệt đối với những ai thiếu thốn. Đức Giê-hô-va nói rõ ràng là lòng nhân từ và rộng rãi đối với khách lạ và những người thiếu thốn là một trong số những điều mà dân ngài phải làm để tiếp tục nhận được ân phước của ngài (Thi-thiên 82:2, 3; Ê-sai 1:17; Giê-rê-mi 7:5-7; Ê-xê-chi-ên 22:7; Xa-cha-ri 7:9-11). Khi dân siêng năng thi hành những điều luật này và những đòi hỏi khác thì họ thịnh vượng và hưởng cảnh dư dật về vật chất và về thiêng liêng. Khi họ mải mê theo đuổi những đam mê ích kỷ và không bày tỏ những đức tính nhân từ này đối với những ai thiếu thốn, thì họ bị Đức Giê-hô-va lên án và cuối cùng bị kết án (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:19; 28:15, 45).
19. Chúng ta phải xem xét thêm về điều gì?
19 Vì thế, chúng ta hãy tự kiểm điểm để xem mình có sống đúng như Đức Giê-hô-va mong mỏi về phương diện này hay không. Điều này rất quan trọng! Ngày nay điều này đặc biệt quan trọng vì thế gian có tinh thần ích kỷ và gây chia rẽ. Bằng cách nào chúng ta có thể bày tỏ lòng hiếu khách theo đạo đấng Christ trong một thế gian chia rẽ? Đó là đề tài được bàn luận trong bài kế tiếp.
[Chú thích]
a Muốn có một bài bàn luận đầy đủ hơn về đề tài này, xin xem bài “Has Anyone Seen God?” trong Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 15-5-1988, trg 21-23.
Bạn có nhớ không?
◻ Trong Kinh-thánh từ được dịch là “hiếu khách” có nghĩa gì?
◻ Qua những cách nào Đức Giê-hô-va là tấm gương hoàn hảo trong việc bày tỏ sự hiếu khách?
◻ Áp-ra-ham đã bày tỏ sự hiếu khách đến độ nào?
◻ Tại sao tất cả những người thờ phượng thật cần phải “ân-cần tiếp khách”?