“Nhà Đa-vít”—Có thật hay giả tạo?
ĐA-VÍT—một người chăn chiên trẻ tuổi mà sau này đã trở thành một nhạc sĩ, thi sĩ, chiến sĩ, nhà tiên tri và một vì vua, có địa vị nổi bật trong Kinh-thánh. Kinh-thánh đề cập tên ông đến 1.138 lần; từ ngữ “Nhà Đa-vít”—thường dùng để gọi vương triều của Đa-vít—được dùng đến 25 lần (I Sa-mu-ên 20:16). Có phải Vua Đa-vít và vương triều ông chỉ là giả tạo không? Khảo cổ học đã cho thấy điều gì? Có người nói rằng một khám phá nổi bật gần đây tại khu khai quật ở thành Tel Dan ở phía bắc vùng Ga-li-lê xác minh tính cách lịch sử của Đa-vít và vương triều ông.
Vào mùa hè năm 1993, một đội khảo sát địa chất, do giáo sư Avraham Biran dẫn đầu, đã tìm kiếm trong một vùng đất bên ngoài cổng thành Đan xưa. Họ phát hiện ra một quảng trường có lát gạch. Có một tảng đá bazan màu đen từ đất nhô lên đã được đem lên một cách dễ dàng. Khi xoay tảng đá này về hướng nắng chiều, thì có những chữ khắc hiện lên thấy rõ. Giáo sư Biran thốt lên: “Chúa ơi, có chữ khắc đây này!”
Giáo sư Biran cùng người bạn đồng nghiệp là giáo sư Joseph Naveh của đại học Hebrew tại Giê-ru-sa-lem, đã viết ngay một bài tường thuật khoa học về những chữ khắc này. Dựa theo bài tường thuật này, một bài trong tạp chí Biblical Archaeology Review (Tạp chí về khảo cổ Kinh-thánh, Tháng 3/Tháng 4, 1994) viết: “Một phát hiện khảo cổ hiếm khi được đăng lên hàng đầu của tờ New York Times (huống chi tạp chí Time). Nhưng điều đó đã xảy ra vào mùa hè qua khi có một phát hiện ở Tel Dan, là một đồi xinh đẹp ở miền bắc Ga-li-lê, tại chân núi Hẹt-môn bên cạnh thượng nguồn sông Giô-đanh.
“Tại đó Avraham Biran cùng đội khảo cổ của ông khám phá ra chữ khắc đặc biệt đã có từ thế kỷ thứ chín trước công nguyên (TCN), nói đến cả ‘Nhà Đa-vít’ lẫn ‘Vua của Y-sơ-ra-ên’. Ngoài Kinh-thánh ra, đây là lần đầu tiên mà danh Đa-vít được thấy trong chữ khắc xưa. Đáng chú ý hơn nữa là chữ khắc này không chỉ đề cập đến một ‘Đa-vít’ nào đó, nhưng nói đến Nhà Đa-vít, tức vương triều vua vĩ đại của Y-sơ-ra-ên.
“Chúng ta thường thấy từ ngữ ‘Vua của Y-sơ-ra-ên’ trong Kinh-thánh, đặc biệt là trong sách Các Vua. Tuy nhiên, ngoài Kinh-thánh ra, sự phát hiện này có thể là tài liệu cổ xưa nhất viết bằng chữ Xêmít nói đến dân Y-sơ-ra-ên. Quan trọng hơn hết, chữ khắc này cho thấy rằng, trái với những lời khẳng định của một số học giả phê phán Kinh-thánh, Y-sơ-ra-ên và Giu-đa là những vương quốc quan trọng vào thời ấy”.
Người ta xác định niên đại của bia đá dựa trên kiểu chữ viết, phân tích đồ gốm đã tìm được gần mảnh đá và nội dung của chữ khắc. Tất cả ba phương pháp này đều chỉ đến cùng một thời điểm, thế kỷ thứ chín TCN, tức khoảng hơn một trăm năm sau thời Vua Đa-vít. Các học giả tin rằng chữ khắc này là một phần của đài kỷ niệm chiến thắng mà kẻ thù của “Vua của Y-sơ-ra-ên” lẫn “[Vua của] Nhà Đa-vít” là dân A-ram đã dựng lên ở Đan. Dân A-ram thờ thần bão tố Hadad và họ ở hướng đông xứ Y-sơ-ra-ên.
Vào mùa hè năm 1994, người ta tìm được hai mảnh khác nữa của đài kỷ niệm. Giáo sư Biran báo cáo: “Trong hai mảnh này có ghi tên thần Hadad của dân A-ram, cũng có nhắc đến một trận chiến giữa dân Y-sơ-ra-ên và dân A-ram”.
Trên mảnh chính tìm được vào năm 1993, người ta đọc được một phần của 13 hàng chữ bằng tiếng Hê-bơ-rơ xưa. Vào thời đó, dấu chấm được dùng để ngăn các từ trong bài. Tuy nhiên, “Nhà Đa-vít” được ghép thành một từ duy nhất với những chữ cái là “bytdwd” (chuyển tự sang chữ rômanh) thay vì “byt” (nhà), dấu chấm, rồi “dwd” (Đa-vít). Cũng là điều dễ hiểu khi người ta nêu lên những câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của chữ “bytdwd”.
Chuyên gia về ngôn ngữ học là giáo sư Anson Rainey giải thích: “Joseph Naveh và Avraham Biran đã không giải thích chi tiết về chữ khắc, có lẽ bởi vì họ cho rằng độc giả sẽ biết là trong cú pháp như thế người ta thường bỏ đi dấu chấm ngăn giữa hai từ, đặc biệt nếu nhóm từ đó là một tên riêng được nhiều người biết đến. Chắc chắn ‘Nhà Đa-vít’ là một danh từ chính trị và địa lý nhiều người biết vào giữa thế kỷ thứ chín TCN”.
Thêm bằng chứng khảo cổ
Sau cuộc khám phá đó, một chuyên gia về bia đá Mesha (cũng được gọi là Bia đá Mô-áp), giáo sư André Lemaire báo cáo rằng bia đá đó cũng nói đến “Nhà Đa-vít”a. Bia đá Mesha, được khám phá vào năm 1868, có nhiều điểm giống với bia đá Tel Dan. Cả hai đều được khắc vào thế kỷ thứ chín TCN, làm cùng một thứ vật liệu, có cùng kích thước, và chữ viết Xêmít gần giống hệt như nhau.
Nói về việc tu chỉnh lại một hàng chữ bị hư trên bia đá Mesha, giáo sư Lemaire viết: “Gần hai năm trước khi mảnh đá Tel Dan được khám phá, tôi đã kết luận rằng bia đá Mesha có nhắc đến ‘Nhà Đa-vít’... Lý do mà ‘Nhà Đa-vít’ đã không được chú ý đến trước đây có lẽ là vì bia đá Mesha đã chưa có editio princeps hợp thức [bản phát hành đầu tiên]. Tôi đang soạn bản dịch này, 125 năm sau khi bia đá Mesha được khám phá ra”.
Tin tức đó về khảo cổ học thật đáng chú ý, bởi vì một thiên sứ, chính Chúa Giê-su, các môn đồ ngài, và người ta nói chung đều chứng thực sự kiện Đa-vít là một nhân vật có thật trong lịch sử (Ma-thi-ơ 1:1; 12:3; 21:9; Lu-ca 1:32; Công-vụ các Sứ-đồ 2:29). Những khám phá của khảo cổ học rõ ràng đồng ý rằng ông và vương triều của ông, “Nhà Đa-vít” quả có thật chứ không phải là giả tạo.
[Chú thích]
a Độc giả các ấn phẩm của Hội Tháp Canh đã biết về bia đá Mesha (Xem Tháp Canh [Anh ngữ], số ra ngày 15-4-1990, trang 30, 31) Viện bảo tàng Louvre ở Pháp có triển lãm bia đá này.
[Hình nơi trang 31]
Mảnh đá Tel Dan,* được khám phá vào năm 1993 tại thành Đan, ở phía bắc vùng Ga-li-lê
* Hình vẽ theo một tấm ảnh trong tạp chí Isreal Exploration Journal