Tại sao đóng góp cho Đức Giê-hô-va?
ÁNH mặt trời gay gắt chiếu thẳng xuống thành Sa-rép-ta thuộc về Si-đôn. Một bà góa khom lưng mót củi. Bà cần nhúm lửa để nấu một bữa ăn đạm bạc—có thể là bữa ăn chót cho bà và đứa con thơ. Bà phấn đấu để sinh nhai và nuôi nấng đứa con trai giữa cơn hạn hán và nạn đói lâu ngày, và cuối cùng họ đã đi đến cảnh khốn khổ này. Họ sắp chết đói.
Một người đàn ông bước tới. Ông tên là Ê-li, và chẳng mấy chốc bà góa nhận ra ông là một nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Dường như bà đã được nghe nói về Đức Chúa Trời này rồi. Đức Giê-hô-va khác với Ba-anh là ông thần được rất nhiều người thờ theo lối tàn bạo và đồi trụy trong xứ Si-đôn mà bà ở. Vì vậy khi Ê-li xin bà cho ông uống nước, bà sẵn sàng cho uống. Có lẽ bà nghĩ là nếu bà làm như vậy thì Đức Giê-hô-va làm ơn cho bà (Ma-thi-ơ 10:41, 42). Nhưng rồi Ê-li xin bà cho thêm một món khác nữa—một ít thức ăn. Bà giải thích là bà chỉ có đủ thức ăn để ăn bữa chót mà thôi. Tuy nhiên, Ê-li cứ xin, cam kết với bà rằng Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp thức ăn cho bà bằng phép lạ cho đến khi hết hạn hán. Bà đã làm gì? Kinh-thánh nói: “Vậy, nàng đi và làm theo điều Ê-li nói” (I Các Vua 17:10-15). Những lời giản dị này diễn tả một hành động biểu lộ đức tin mạnh—quả thật, mạnh đến đỗi gần cả ngàn năm sau Chúa Giê-su Christ còn khen bà góa đó! (Lu-ca 4:25, 26).
Dù vậy, có vẻ lạ lùng khi Đức Giê-hô-va đòi hỏi quá nhiều nơi một người đàn bà quá nghèo khổ, nhất là khi chúng ta xem xét một lời cầu nguyện mà một người rất nổi tiếng có lần nói ra. Việc vua Đa-vít quyên góp để con trai Sa-lô-môn của ông xây cất đền thờ đã được mọi người nhiệt liệt hưởng ứng. Tính ra tiền bây giờ, các món quà đóng góp đáng giá hàng tỉ Mỹ kim! Dù vậy, Đa-vít cầu nguyện Đức Giê-hô-va: “Nhưng tôi là ai, và dân-sự tôi là gì, mà chúng tôi có sức dâng cách vui lòng như vậy? Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa” (I Sử-ký 29:14). Như Đa-vít nói, mọi vật đều thuộc về Đức Giê-hô-va. Vậy bất cứ khi nào chúng ta đóng góp điều gì để đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch, tức là chúng ta chỉ dâng cho Đức Giê-hô-va những gì đã thuộc về ngài rồi (Thi-thiên 50:10). Vậy thì câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Đức Giê-hô-va muốn chúng ta đóng góp?
Một phần trọng yếu của sự thờ phượng thật
Câu trả lời giản dị nhất là từ thời xa xưa Đức Giê-hô-va đã qui định việc đóng góp là một phần của sự thờ phượng thật. Người trung thành A-bên dâng cho Đức Giê-hô-va của-lễ hy sinh là vài con vật trong bầy quí báu của ông. Tộc trưởng Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Gióp đã dâng của-lễ giống như vậy (Sáng-thế Ký 4:4; 8:20; 12:7; 26:25; 31:54; Gióp 1:5).
Luật Môi-se truyền lệnh là dân phải đóng góp cho Đức Giê-hô-va và ngay cả ấn định các khoản đóng góp nữa. Thí dụ, tất cả những người Y-sơ-ra-ên đều được lệnh đóng thuế thập phân, hoặc nộp một phần mười hoa lợi của đất và số súc vật sanh thêm trong bầy gia súc (Dân-số Ký 18:25-28). Những khoản đóng góp khác thì không được ấn định một cách chi tiết như thế. Thí dụ, mỗi người Y-sơ-ra-ên đều phải dâng cho Đức Giê-hô-va các con vật đầu lòng và hoa lợi đầu mùa (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:29, 30; 23:19). Tuy nhiên, Luật pháp để cho mỗi người ấn định họ muốn cho bao nhiêu hoa lợi đầu mùa, miễn là cho thứ tốt nhất. Luật pháp cũng qui định những của-lễ để cảm tạ và khấn hứa, là những của-lễ hoàn toàn tự nguyện (Lê-vi Ký 7:15, 16). Đức Giê-hô-va khuyến khích dân ngài đóng góp tương xứng với những ân phước mà ngài ban cho họ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:17). Cũng như đối với việc cất lều tạm và đền thờ sau này, mỗi người đóng góp tùy theo lòng mình thúc đẩy (Xuất Ê-díp-tô Ký 35:21; I Sử-ký 29:9). Chắc chắn những sự đóng góp tình nguyện như thế làm Đức Giê-hô-va rất hài lòng!
Dưới “luật-pháp của Đấng Christ”, tất cả những sự đóng góp đều tùy lòng (Ga-la-ti 6:2; II Cô-rinh-tô 9:7). Điều đó không có nghĩa là môn đồ của đấng Christ ngừng đóng góp hoặc đóng góp ít hơn xưa. Trái lại! Khi Chúa Giê-su và các sứ đồ rao giảng trong xứ Y-sơ-ra-ên, có một nhóm phụ nữ đi theo và đem của cải để phục vụ (Lu-ca 8:1-3). Sứ đồ Phao-lô cũng đã nhận được những quà tặng ủng hộ công việc giáo sĩ của ông, và khi đáp lại, ông khuyến khích một số hội thánh quyên tiền cho những người khác gặp túng thiếu (II Cô-rinh-tô 8:14; Phi-líp 1:3-5). Hội đồng lãnh đạo trung ương tại Giê-ru-sa-lem cử những người có trách nhiệm để lo sao cho tặng vật đóng góp được phân phát cho những người thiếu thốn (Công-vụ các Sứ-đồ 6:2-4). Rõ ràng là tín đồ đấng Christ thời ban đầu xem việc ủng hộ sự thờ phượng thanh sạch bằng những cách ấy là một đặc ân.
Dầu vậy, chúng ta có thể thắc mắc tại sao Đức Giê-hô-va lại qui định việc đóng góp như là một phần trong sự thờ phượng của ngài. Hãy xem bốn lý do.
Tại sao chúng ta đóng góp
Trước hết, Đức Giê-hô-va qui định việc đóng góp như là một phần của sự thờ phượng thật bởi vì làm như thế có lợi cho chúng ta. Điều này nhấn mạnh sự biết ơn của chúng ta đối với lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, nếu một đứa con mua hoặc làm một vật gì để tặng cha mẹ, tại sao cha mẹ mỉm cười sung sướng? Có phải vì cha mẹ rất cần đến món đó, và nếu con không tặng thì cha mẹ không thể nào có được hay không? Chắc là không. Thay vì thế, cha mẹ thích thú vì thấy con mình vun trồng lòng biết ơn và tính rộng rãi. Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta đóng góp và thích thú khi chúng ta làm như thế cũng vì những lý do tương tự. Đây là cách chúng ta cho ngài thấy chúng ta thật sự biết ơn về lòng tốt và rộng rãi bao la của ngài đối với chúng ta. Ngài là Đấng ban cho “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn”, như thế chúng ta sẽ không bao giờ thiếu lý do để tạ ơn ngài (Gia-cơ 1:17). Trên hết mọi sự, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta Con yêu dấu của chính mình, cho phép con đó chết hầu cho chúng ta có thể sống đời đời (Giăng 3:16). Chúng ta có thể nào cám ơn ngài một cách đầy đủ không?
Thứ hai, nếu chúng ta tập thói quen đóng góp, thì chúng ta nhờ đó mà học noi gương Đức Giê-hô-va và Con ngài là Chúa Giê-su Christ dưới một khía cạnh rất quan trọng. Đức Giê-hô-va lúc nào cũng ban cho, luôn luôn rộng rãi. Như Kinh-thánh có nói, ngài ban cho chúng ta “sự sống, hơi sống, muôn vật” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:25). Điều thích hợp là chúng ta có thể cám ơn ngài về mỗi hơi thở, mỗi miếng ăn, mỗi lúc vui mừng và toại nguyện mà mình có trong đời (Công-vụ các Sứ-đồ 14:17). Chúa Giê-su, giống như Cha ngài, biểu lộ tinh thần ban cho. Ngài luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác. Bạn có biết rằng khi Chúa Giê-su làm phép lạ, chính ngài đã phải mất phần nào năng lực không? Hơn một lần, Kinh-thánh nói với chúng ta rằng khi ngài chữa lành người bệnh, quyền phép ‘từ ngài mà ra’ (Lu-ca 6:19; 8:45, 46). Chúa Giê-su cao thượng đến nỗi ngài phó ngay cả linh hồn ngài, sự sống ngài, cho đến chết (Ê-sai 53:12).
Vậy khi chúng ta đóng góp, dù là đóng góp thời giờ, năng lực, hoặc của cải của chúng ta, chúng ta noi gương Đức Giê-hô-va và làm vui lòng ngài (Châm-ngôn 27:11; Ê-phê-sô 5:1). Chúng ta cũng noi theo gương mẫu hoàn hảo về hạnh kiểm mà Chúa Giê-su Christ đã để lại cho chúng ta (I Phi-e-rơ 2:21).
Thứ ba, việc đóng góp đáp ứng những nhu cầu thật sự và quan trọng. Đành rằng Đức Giê-hô-va có thể dễ dàng đáp ứng những nhu cầu về quyền lợi Nước Trời mà không cần đến sự giúp sức của chúng ta, giống như việc ngài hẳn có thể làm cho các hòn đá lên tiếng thay vì dùng chúng ta để rao giảng (Lu-ca 19:40). Nhưng ngài đã muốn cho chúng ta niềm vinh dự có được các đặc ân này. Vậy khi chúng ta đóng góp của cải để đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời, chúng ta rất hài lòng nhờ biết rằng mình đang đóng một vai trò đáng kể trong công việc quan trọng nhất đang tiến hành trên thế giới này (Ma-thi-ơ 24:14).
Hiển nhiên là cần phải có tiền để tài trợ công việc của Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Trong năm công tác 1995, Hội đã chi tiêu gần 60 triệu Mỹ kim chỉ để lo cho những người tiên phong đặc biệt, giáo sĩ và giám thị lưu động tại các nhiệm sở của họ. Tuy nhiên, đó chỉ là một khoản chi tiêu tương đối ít so với công cuộc xây cất và hoạt động của các văn phòng chi nhánh và nhà in trên khắp thế giới. Thế nhưng tất cả những công trình này có thể thực hiện được nhờ có sự đóng góp tình nguyện!
Thông thường thì dân sự Đức Giê-hô-va không cho rằng nếu họ không khá giả thì có thể để cho người khác lo đến việc này. Một thái độ như thế có thể khiến chúng ta bỏ sót khía cạnh này của sự thờ phượng. Theo sứ đồ Phao-lô, tín đồ đấng Christ tại Ma-xê-đoan sống trong cảnh “rất nghèo-khó”. Vậy mà họ nài nỉ để có đặc ân được đóng góp. Và Phao-lô chứng thực rằng họ đã cho “quá sức nữa”! (II Cô-rinh-tô 8:1-4).
Thứ tư, Đức Giê-hô-va đã qui định việc đóng góp như là một phần của sự thờ phượng thật bởi vì đóng góp giúp chúng ta có được niềm vui. Chính Chúa Giê-su đã nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Đức Giê-hô-va đã tạo ra chúng ta như thế. Đó là một lý do khác nữa tại sao chúng ta có thể cảm thấy rằng bất luận chúng ta đóng góp bao nhiêu cho ngài, chúng ta cũng không bao giờ có thể nói lên hết lòng biết ơn của chúng ta đối với ngài. Nhưng phước thay, Đức Giê-hô-va không đòi chúng ta phải đóng góp quá sức của chúng ta. Chúng ta có thể tin tưởng rằng ngài thích thú khi chúng ta vui lòng đóng góp theo khả năng của mình! (II Cô-rinh-tô 8:12; 9:7).
Ân phước đến từ việc bày tỏ tinh thần ban cho
Để trở lại câu chuyện ở phần trên, hãy tưởng tượng bà góa ở thành Sa-rép-ta suy luận rằng người khác có thể lo cho Ê-li có được một bữa ăn. Hẳn là bà đã có thể mất đi một ân phước tuyệt vời!
Chắc chắn là Đức Giê-hô-va ban phước cho những người bày tỏ một tinh thần ban cho (Châm-ngôn 11:25). Bà góa ở thị trấn Sa-rép-ta đã không bị thiệt thòi khi nhường lại cái mà bà nghĩ là bữa ăn chót của bà. Đức Giê-hô-va làm phép lạ để thưởng công cho bà. Như là Ê-li có hứa, các hủ bột và chai dầu của bà đã không cạn đi cho đến khi hết cơn hạn hán. Nhưng bà còn nhận được một phần thưởng lớn hơn nữa. Khi con trai bà ngã bệnh và chết, Ê-li, người của Đức Chúa Trời thật, làm cho nó được sống lại. Điều đó hẳn đã khích lệ bà biết bao về mặt thiêng liêng! (I Các Vua 17:16-24).
Ngày nay chúng ta không mong chờ phép lạ đem lại ân phước (I Cô-rinh-tô 13:8). Nhưng Đức Giê-hô-va có cam kết với chúng ta rằng ngài sẽ nâng đỡ những người hết lòng phụng sự ngài (Ma-thi-ơ 6:33). Vậy chúng ta có thể giống như bà góa ở thành Sa-rép-ta về khía cạnh này, rộng lòng đóng góp, tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va sẽ lo cho chúng ta. Cũng thế, chúng ta có thể lãnh được những phần thưởng thiêng liêng lớn lao. Nếu chúng ta tập thói quen đóng góp, thay vì đóng góp tùy hứng thỉnh thoảng một lần, điều này sẽ giúp chúng ta giữ cho mắt mình giản dị và đặt trọng tâm nơi quyền lợi Nước Trời, như Chúa Giê-su đã khuyên. (Lu-ca 11:34; so sánh I Cô-rinh-tô 16:1, 2). Điều này cũng sẽ giúp chúng ta cảm thấy mình là những người cùng làm việc thân cận hơn với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su (I Cô-rinh-tô 3:9). Và điều này sẽ củng cố tinh thần ban cho rộng rãi là đặc điểm của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới.
[Khung nơi trang 31]
NHỮNG CÁCH MÀ MỘT SỐ NGƯỜI CHỌN ĐỂ ĐÓNG GÓP
ĐÓNG GÓP CHO CÔNG VIỆC TRÊN KHẮP THẾ GIỚI
Nhiều người để riêng hoặc dành ra một số tiền mà họ bỏ vào hộp đóng góp có ghi: “Đóng góp cho công việc rao giảng của Hội trên khắp thế giới (Ma-thi-ơ 24:14)”. Mỗi tháng các hội thánh gởi những món tiền này đến trụ sở trung ương ở Brooklyn, Nữu Ước hoặc đến văn phòng chi nhánh địa phương.
Những món tiền tình nguyện tặng cho Hội cũng có thể gửi trực tiếp đến Treasurer’s Office, Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania, 25 Columbia Heights, Brooklyn, New York 11201-2483, U.S.A., hay đến chi nhánh của Hội phục vụ xứ bạn. Cũng có thể gửi tặng cho Hội những đồ nữ trang hay những bảo vật khác và kèm theo một thư vắn tắt nói rõ đây là một tặng phẩm.
SẮP ĐẶT TẶNG VỚI ĐIỀU KIỆN
Một người có thể ký thác tiền cho Hội Watch Tower giữ cho tới khi người đó chết, với điều khoản là trong trường hợp người đó cần thì có thể lấy lại được. Để có thêm chi tiết về việc này, xin liên lạc với Treasurer’s Office tại địa chỉ ghi trên.
VIỆC TẶNG THEO DỰ TÍNH
Ngoài việc tặng tiền mặt vô điều kiện và tặng với điều kiện, có những phương pháp đóng góp khác nhằm phục vụ cho công việc Nước Trời trên khắp thế giới. Đó là:
Bảo hiểm: Một người có thể ký giấy cho Hội Watch Tower đứng tên thừa kế tiền bảo hiểm nhân mạng của mình hoặc lãnh tiền của quỹ hưu bổng. Trong trường hợp này cần thông báo cho Hội biết trước về sự sắp đặt như thế.
Trương mục ngân hàng: Một người có thể ký thác trương mục ngân hàng, chứng chỉ gởi tiền trong ngân hàng, hoặc trương mục hưu bổng cá nhân cho Hội Watch Tower hoặc sắp đặt để ngân hàng trả cho Hội trong trường hợp người đó chết, phù hợp với những thể lệ của ngân hàng địa phương. Trong những trường hợp này cần thông báo cho Hội biết trước về các sự sắp đặt như thế.
Chứng khoán và công khố phiếu: Chứng khoán và công khố phiếu cũng có thể tặng cho Hội Watch Tower như một quà tặng vô điều kiện hoặc với một sắp đặt nào đó để lợi tức tiếp tục được trả cho người tặng.
Bất động sản: Bất động sản bán được có thể đem tặng cho Hội Watch Tower dưới hình thức quà tặng vô điều kiện hoặc cho với điều kiện người tặng có thể tiếp tục ở đấy trong lúc còn sống. Nên liên lạc với Hội trước khi làm giấy tờ tặng bất động sản nào cho Hội.
Di chúc và tờ ủy thác: Tài sản hay tiền bạc có thể để lại cho Hội Watch Tower bằng cách làm một tờ di chúc hợp pháp hoặc ghi tên Hội Watch Tower như người thừa kế vào một hợp đồng ủy thác. Tờ ủy thác nhằm giúp ích cho một tổ chức tôn giáo có thể có lợi khi khai thuế. Nên gởi một bản sao tờ di chúc hoặc tờ hợp đồng ủy thác đến cho Hội.
Những ai muốn biết thêm chi tiết về bất cứ sự sắp đặt nào để tặng theo dự tính như ghi ở trên nên viết thư về Planned Giving Desk tại địa chỉ dưới đây hoặc văn phòng của Hội phục vụ nước bạn. Nên gửi cho Planned Giving Desk tài liệu nào liên quan đến một trong các sự sắp đặt này.
Hội có in một sách mỏng bằng tiếng Anh mang tựa đề Planned Giving. Những ai sống ở Hoa Kỳ có dự định cho tặng vật đặc biệt cho Hội bây giờ hay muốn để lại tài sản sau khi chết có thể thấy tài liệu này hữu ích, đặc biệt nếu gia đình họ muốn đạt mục tiêu nào hoặc họ muốn sắp xếp di sản với mục đích rõ rệt nào trong khi dùng điều khoản pháp lý để hạ bớt thuế. Nếu muốn có sách mỏng này, bạn có thể viết thư hoặc gọi điện thoại để xin.
PLANNED GIVING DESK
Watch Tower Bible and Tract Society of Pennsylvania
100 Watchtower Drive, Patterson, New York 12563-9204
Điện thoại: (914) 878-7000