Được dạy dỗ để làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va
“Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi” (THI-THIÊN 143:10).
1, 2. a) Khi nào chúng ta cần được dạy dỗ, và nhắm tới mục tiêu thiết thực nào? b) Tại sao được Đức Giê-hô-va dạy dỗ là điều tối quan trọng?
NGÀY nào còn sống và hoạt động thì một người có thể học được một cái gì bổ ích. Điều đó đúng cho bạn và cho người khác nữa. Nhưng điều gì xảy ra sau khi chết? Trong trạng thái này người ta không thể học được gì cả. Kinh-thánh nói rõ ràng rằng người chết “chẳng biết chi hết”. Không có tri thức trong Sheol, mồ mả chung của nhân loại (Truyền-đạo 9:5, 10). Phải chăng như thế có nghĩa là học hỏi và tích lũy kiến thức là vô ích? Điều này tùy thuộc vào việc chúng ta được dạy gì và chúng ta dùng kiến thức ấy như thế nào.
2 Nếu chúng ta chỉ được dạy về những gì của thế gian, thì chúng ta không có tương lai lâu dài. Tuy nhiên, mừng thay là hàng triệu người trong mọi nước đang được dạy về ý muốn của Đức Chúa Trời với mục đích là được sống mãi mãi. Căn bản của niềm hy vọng này là ở việc được dạy bởi Đức Giê-hô-va, Nguồn của sự hiểu biết dẫn đến sự sống (Thi-thiên 94:9-12).
3. a) Tại sao chúng ta có thể nói rằng Chúa Giê-su là học trò đầu tiên của Đức Chúa Trời? b) Chúng ta có gì để bảo đảm rằng loài người sẽ được Đức Giê-hô-va dạy dỗ, và với kết quả nào?
3 Người Con đầu lòng của Đức Chúa Trời, tức là học trò đầu tiên của ngài, đã được dạy làm theo ý muốn của Cha mình (Châm-ngôn 8:22-30; Giăng 8:28). Rồi Chúa Giê-su cho biết là vô số người sẽ được Cha ngài dạy dỗ. Là những người đã từng học từ Đức Chúa Trời, chúng ta có triển vọng nào? Chúa Giê-su nói: “Các sách tiên-tri có chép rằng: Ai nấy đều sẽ được Đức Chúa Trời dạy-dỗ. Hễ ai đã nghe Cha và học theo Ngài thì đến cùng ta... quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin thì được sự sống đời đời” (Giăng 6:45-47).
4. Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời ảnh hưởng đến hàng triệu người như thế nào và họ có triển vọng gì?
4 Chúa Giê-su trích dẫn Ê-sai 54:13 là lời nói với người nữ tượng trưng của Đức Chúa Trời, tức Si-ôn trên trời. Lời tiên tri đó đặc biệt áp dụng cho các con của người nữ đó, tức là số 144.000 môn đồ của Chúa Giê-su Christ được xức dầu bằng thánh linh. Ngày nay một số những người con thiêng liêng còn sót lại này tích cực dẫn đầu một chương trình giáo dục trên toàn cầu. Kết quả là hàng triệu người khác hợp thành đám đông “vô-số người” cũng được lợi ích vì được Đức Giê-hô-va dạy dỗ. Họ có triển vọng đặc biệt là được học hỏi mà không bao giờ bị sự chết làm gián đoạn. Bằng cách nào? Họ ở trong số những người sẽ được sống sót qua “cơn đại-nạn” sắp đến và sẽ được vui hưởng sự sống mãi mãi trong địa đàng trên đất (Khải-huyền 7:9, 10, 13-17).
Nhấn mạnh thêm về việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời
5. a) Câu Kinh-thánh cho năm 1997 là gì? b) Chúng ta nên nghĩ thế nào về việc tham dự các buổi họp của tín đồ đấng Christ?
5 Trong năm 1997, trong hơn 80.000 hội thánh trên toàn cầu, Nhân-chứng Giê-hô-va sẽ ghi nhớ những lời mở đầu bài Thi-thiên 143:10: “Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa”. Đó sẽ là câu Kinh-thánh cho năm 1997. Được trưng nơi dễ thấy tại các Phòng Nước Trời, những lời này sẽ nhắc nhở chúng ta rằng các buổi họp hội thánh là nơi rất tốt để nhận được sự dạy dỗ từ Đức Chúa Trời, nơi mà chúng ta có thể tham gia vào chương trình học hỏi không bao giờ ngừng. Khi cùng với các anh chị đến dự các buổi họp để được Thầy Vĩ đại dạy dỗ, chúng ta có thể cảm thấy giống như người viết Thi-thiên: “Tôi vui-mừng khi người ta nói với tôi rằng: Ta hãy đi đến nhà Đức Giê-hô-va” (Thi-thiên 122:1; Ê-sai 30:20).
6. Theo như Đa-vít nói, chúng ta nhận biết điều gì?
6 Đúng vậy, chúng ta muốn được dạy để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thay vì ý muốn của kẻ thù nghịch là Ma-quỉ hay là ý muốn của loài người bất toàn. Do đó, giống như Đa-vít, chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng và phụng sự: “Vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi; nguyện Thần tốt-lành của Chúa dẫn tôi vào đất bằng-thẳng” (Thi-thiên 143:10). Thay vì giao du với những người không trung thực, Đa-vít thích ở nơi mà người ta thờ phượng Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 26:4-6). Nhờ có thánh linh Đức Chúa Trời dẫn dắt, Đa-vít có thể bước đi trong lối công bình (Thi-thiên 17:5; 23:3).
7. Thánh linh Đức Chúa Trời đã hoạt động như thế nào trên hội thánh tín đồ đấng Christ?
7 Đa-vít Lớn tức là Chúa Giê-su Christ trấn an các sứ đồ rằng thánh linh sẽ dạy dỗ họ mọi sự và nhắc lại mọi điều mà ngài đã truyền bảo họ (Giăng 14:26). Từ Lễ Ngũ tuần trở đi, Đức Giê-hô-va đã từ từ tiết lộ “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” nằm trong Lời được ghi chép của ngài (I Cô-rinh-tô 2:10-13). Ngài làm điều này qua trung gian hữu hình mà Chúa Giê-su gọi là “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Lớp người này cung cấp thức ăn thiêng liêng được trình bày trong chương trình dạy dỗ tại các hội thánh của dân Đức Chúa Trời trên toàn cầu (Ma-thi-ơ 24:45-47).
Được dạy về ý muốn của Đức Giê-hô-va tại các buổi họp
8. Tại sao tham gia vào buổi học Tháp Canh là điều rất hữu ích?
8 Tài liệu cho buổi học Tháp Canh hàng tuần tại hội thánh thường đề cập đến cách áp dụng các nguyên tắc trong Kinh-thánh. Chắc chắn điều này giúp chúng ta đối phó với những lo âu trong đời sống. Những buổi học khác bàn luận về những lẽ thật thiêng liêng sâu xa hay các lời tiên tri trong Kinh-thánh. Chúng ta học được biết bao điều trong những buổi học như thế! Tại nhiều quốc gia, những buổi họp này có người đến dự đầy Phòng Nước Trời. Tuy nhiên, tại một số nước, số người đến họp đã giảm đi. Bạn thử nghĩ xem tại sao vậy? Có phải vì một số đã để việc làm cản trở mình nhóm họp đều đặn “để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành” không? Hay có lẽ chúng ta dành quá nhiều thời giờ cho những sinh hoạt xã giao hay xem truyền hình khiến ta thấy quá bận nên không thể tham dự tất cả các buổi họp nữa? Hãy nhớ lại mệnh lệnh được soi dẫn nơi Hê-bơ-rơ 10:23-25. Phải chăng ngày nay việc hội họp nhau lại để được Đức Chúa Trời dạy dỗ còn quan trọng hơn vì chúng ta ‘thấy ngày ấy hầu đến gần’?
9. a) Buổi họp Công tác có thể trang bị cho chúng ta như thế nào để làm thánh chức? b) Chúng ta nên có thái độ nào về việc rao giảng?
9 Một trong những trách nhiệm chính của chúng ta là phụng sự với tính cách là người truyền giáo của Đức Chúa Trời. Buổi họp Công tác được tổ chức để dạy chúng ta chu toàn nhiệm vụ này một cách hữu hiệu. Chúng ta học được cách bắt chuyện với người ta, cách nói gì, cách phản ứng khi có người chú ý và ngay cả phải làm gì khi người ta từ chối thông điệp của chúng ta (Lu-ca 10:1-11). Nhờ những phương pháp hữu hiệu được bàn luận và trình bày trong buổi họp hàng tuần này mà chúng ta được chuẩn bị kỹ hơn để nói chuyện với người khác không những chỉ khi đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia mà còn khi rao giảng ngoài đường phố, tại bãi đậu xe, trên các phương tiện di chuyển công cộng, tại phi trường, nơi buôn bán hoặc tại trường học. Phù hợp với lời cầu xin: “Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa”, chúng ta nên lợi dụng mọi cơ hội để làm theo điều mà Thầy chúng ta khuyên bảo: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ... ngợi-khen Cha các ngươi trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).
10. Làm sao chúng ta có thể thật sự giúp đỡ những người ‘xứng đáng’?
10 Tại những buổi họp như thế của hội thánh, chúng ta cũng học cách đào tạo môn đồ. Một khi tìm được người chú ý hoặc có người nhận sách báo, mục tiêu của chúng ta khi đến thăm lại là bắt đầu một cuộc học hỏi Kinh-thánh. Về một phương diện nào đó, điều này giống như việc các môn đồ ‘ở với những người đáng tiếp rước mình’ để dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Chúa Giê-su đã truyền cho (Ma-thi-ơ 10:11; 28:19, 20). Nhờ có những trợ giúp xuất sắc như cuốn Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, chúng ta được trang bị đầy đủ để chu toàn thánh chức (II Ti-mô-thê 4:5). Mỗi tuần khi bạn dự Buổi họp Công tác và Trường Thánh chức Thần quyền, hãy cố gắng nắm lấy và áp dụng những điểm hữu ích hầu có đủ tư cách làm người truyền giáo có khả năng của Đức Chúa Trời, để làm theo ý muốn của ngài (II Cô-rinh-tô 3:3, 5; 4:1, 2).
11. Một số người bày tỏ đức tin nơi những lời ghi nơi Ma-thi-ơ 6:33 như thế nào?
11 Đức Chúa Trời muốn chúng ta tiếp tục “tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33). Hãy tự hỏi: ‘Tôi áp dụng nguyên tắc này như thế nào nếu việc làm của tôi [hoặc của người hôn phối tôi] cản trở tôi đến dự các buổi họp?’ Nhiều người thành thục về thiêng liêng sẽ tìm cách nói với chủ nhân về vấn đề này. Một người truyền giáo trọn thời gian cho chủ nhân biết rằng chị cần có ngày nghỉ mỗi tuần để đi dự các buổi họp của hội thánh. Người chủ đồng ý. Nhưng vì tò mò muốn biết điều gì diễn ra tại các buổi họp, ông xin được đến tham dự. Trong buổi họp ông nghe thông báo về một hội nghị địa hạt sắp đến. Kết quả là người chủ này sắp xếp để dự nguyên một ngày hội nghị. Bạn rút được bài học nào từ kinh nghiệm này?
Được cha mẹ tin kính dạy dỗ về ý muốn của Đức Giê-hô-va
12. Để dạy dỗ con cái về ý muốn của Đức Giê-hô-va, bậc cha mẹ tín đồ đấng Christ phải làm gì một cách kiên nhẫn và cương quyết?
12 Nhưng các buổi họp của hội thánh và các buổi hội nghị không phải là sự sắp duy nhất để dạy dỗ chúng ta làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Các bậc cha mẹ tin kính có lệnh là phải dạy, rèn luyện và nuôi nấng con cái mình hầu cho chúng ngợi khen Đức Giê-hô-va và làm theo ý muốn của ngài (Thi-thiên 148:12, 13; Châm-ngôn 22:6, 15). Muốn làm được thế chúng ta phải đem “con trẻ” đến các buổi họp nơi mà chúng được ‘nghe và học’, nhưng còn việc dạy dỗ chúng từ lời Kinh-thánh ở nhà thì sao? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:12, Nguyễn Thế Thuấn; II Ti-mô-thê 3:15). Nhiều gia đình đã chu đáo bắt đầu chương trình học hỏi Kinh-thánh đều đặn trong nhà nhưng rồi từ từ giảm bớt hoặc ngưng hẳn. Đây có phải là trường hợp của bạn không? Bạn có nghĩ rằng lời đề nghị có một buổi học đều đặn như thế là không thích hợp hoặc gia đình bạn quá khác thường nên lời đề nghị này không thực tế trong trường hợp của bạn không? Dù ở hoàn cảnh nào đi nữa, xin các bậc cha mẹ hãy xem lại hai bài báo hữu ích “Di sản thiêng liêng dồi dào của chúng tôi” và “Phần thưởng của sự kiên trì” trong Tháp Canh số ra ngày 1-8-1995.
13. Các gia đình có thể được lợi ích như thế nào khi tra xem đoạn Kinh-thánh mỗi ngày?
13 Gia đình được khuyến khích có thói quen đọc đoạn mỗi ngày dùng sách Tra xem Kinh-thánh mỗi ngày. Chỉ đọc đoạn Kinh-thánh và lời bình luận là tốt, nhưng bàn luận về đoạn Kinh-thánh và áp dụng nó thì lợi ích hơn. Thí dụ, nếu xem xét đoạn Ê-phê-sô 5:15-17, những người trong gia đình có thể suy luận về cách “lợi-dụng thì-giờ” để học hỏi cá nhân, để tham gia vào một công việc nào đó của thánh chức trọn thời gian và để chăm lo các trách nhiệm thần quyền khác. Vâng, cuộc thảo luận gia đình về đoạn mỗi ngày có thể khiến một hay nhiều người “hiểu rõ [đầy đủ hơn] ý-muốn của Chúa là thế nào”.
14. Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7 cho thấy các bậc cha mẹ cần phải là những người dạy như thế nào, và điều này đòi hỏi họ phải làm gì?
14 Cha mẹ phải ân cần dạy dỗ con cái mình (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Nhưng đây không phải là chỉ khiển trách hoặc ra lệnh cho con trẻ. Cha và mẹ cũng cần phải lắng nghe để có thể biết rõ hơn điều gì cần phải giải thích, làm sáng tỏ, minh họa hoặc nhắc lại. Trong một gia đình tín đồ đấng Christ nọ, cha mẹ khích lệ con cái nói chuyện cởi mở bằng cách khuyến khích chúng đặt những câu hỏi về những điều mà chúng không hiểu hoặc làm cho chúng lo âu. Nhờ làm vậy mà họ biết được rằng đứa con trai trong tuổi thanh thiếu niên thấy khó hiểu được rằng Đức Giê-hô-va không có sự bắt đầu. Người cha và mẹ đã có thể dùng tài liệu trong sách báo của Hội Tháp Canh cho thấy rằng thời gian và không gian được xem là vô tận. Điều này đã minh họa được điểm trên và như thế thuyết phục được đứa con trai của họ. Vì thế hãy dành thời giờ để trả lời những câu hỏi của con bạn một cách rõ ràng và bằng Kinh-thánh, giúp chúng nhận thấy rằng học làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời có thể làm chúng ta rất thỏa mãn. Ngày nay dân Đức Chúa Trời—già và trẻ—còn được dạy gì nữa?
Được dạy để yêu thương và để tranh đấu
15. Khi nào tình yêu thương chân thành của chúng ta đối với anh em có thể bị thử thách?
15 Phù hợp với lời răn mới của Chúa Giê-su, chúng ta “đã học nơi Đức Chúa Trời, phải yêu-thương nhau” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:9). Khi mọi chuyện êm thắm, chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta yêu thương tất cả anh em. Tuy nhiên điều gì xảy ra khi có sự bất hòa hoặc khi một tín đồ đấng Christ khác nói hoặc làm điều gì khiến chúng ta mếch lòng? Trong trường hợp này sự yêu thương chân thành của chúng ta có thể bị thử thách. (So sánh II Cô-rinh-tô 8:8). Kinh-thánh dạy chúng ta phải làm gì trong những trường hợp này? Một điều là chúng ta phải cố gắng bày tỏ sự yêu thương theo ý nghĩa trọn vẹn nhất (I Phi-e-rơ 4:8). Thay vì tìm kiếm tư lợi, nóng giận chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt hoặc cố chấp, chúng ta nên cố gắng để sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi (I Cô-rinh-tô 13:5). Chúng ta biết rằng đây là ý muốn của Đức Chúa Trời, vì đó là những gì Lời của ngài dạy.
16. a) Tín đồ đấng Christ được dạy để tham gia vào cuộc chiến nào? b) Chúng ta được trang bị bằng cách nào?
16 Mặc dầu nhiều người không liên kết sự yêu thương với sự tranh đấu, nhưng tranh đấu là một điều khác mà chúng ta đang học, một loại tranh đấu khác. Đa-vít ý thức rằng ông cần đến Đức Giê-hô-va để được dạy về cách chiến đấu, mặc dầu vào thời ông việc đó bao hàm việc đấu tranh thật sự chống lại các kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên (I Sa-mu-ên 17:45-51; 19:8; I Các Vua 5:3; Thi-thiên 144:1). Còn về việc tranh đấu của chúng ta ngày nay thì sao? Các khí giới của chúng ta không thuộc về xác thịt (II Cô-rinh-tô 10:4). Chúng ta tranh đấu về thiêng liêng, vì thế mà chúng ta cần được trang bị bằng khí giới thiêng liêng (Ê-phê-sô 6:10-13). Qua Lời ngài và dân tộc của ngài, Đức Giê-hô-va dạy chúng ta chiến thắng trong cuộc tranh đấu về thiêng liêng.
17. a) Ma-quỉ dùng mưu kế nào để làm chúng ta bị lạc hướng? b) Chúng ta nên khôn ngoan tránh điều gì?
17 Qua những cách bịp bợm và tinh vi, Ma-quỉ thường dùng các phần tử của thế gian, các kẻ bội đạo và những kẻ khác chống đối lẽ thật để cố làm lạc hướng chúng ta (I Ti-mô-thê 6:3-5, 11; Tít 3:9-11). Như thể là hắn thấy rằng hắn có ít hy vọng chiến thắng chúng ta bằng cách tấn công trực diện, nên hắn cố làm chúng ta phạm lỗi bằng cách khiến chúng ta hay than phiền về những chuyện lặt vặt và thắc mắc nhiều điều ngu xuẩn, không có thực chất thiêng liêng gì cả. Là chiến sĩ thận trọng, chúng ta cũng nên cảnh giác đề phòng các hiểm nguy giống như khi chúng ta bị tấn công trực diện (I Ti-mô-thê 1:3, 4).
18. Việc sống không vì chính mình nữa thật sự bao hàm điều gì?
18 Chúng ta không cổ võ sự ham muốn của loài người hoặc ý muốn của các quốc gia. Qua gương mẫu của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va đã dạy rằng chúng ta không nên sống vì chính mình nữa; mà trái lại phải được trang bị với cùng tâm tình của Chúa Giê-su và sống vì ý muốn của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 5:14, 15). Trong quá khứ, chúng ta có thể sống một cuộc sống hết sức buông tuồng, phóng đãng, lãng phí thời giờ quý báu. Những cuộc truy hoan, các buổi thi đua uống rượu và sự vô luân là các đặc điểm của thế gian ác độc này. Giờ đây, chúng ta được dạy dỗ làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, chẳng lẽ chúng ta lại không biết ơn khi đã được tách rời khỏi cái thế gian bại hoại này hay sao? Vậy, chúng ta hãy cố gắng tranh đấu trong cuộc chiến về thiêng liêng để tránh dính líu vào những thực hành ô uế của thế gian (I Phi-e-rơ 4:1-3).
Dạy chúng ta để được lợi ích
19. Được dạy dỗ về ý muốn của Đức Giê-hô-va và rồi thực hành sẽ dẫn đến lợi ích gì?
19 Chúng ta nhất thiết phải nhận thức rằng việc mình được dạy dỗ để làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va giúp ích mình rất nhiều. Đương nhiên là chúng ta phải làm phần mình là chú tâm học và rồi làm theo những chỉ dẫn mà chúng ta nhận được qua Con ngài cũng như qua Lời ngài và dân tộc của ngài (Ê-sai 48:17, 18; Hê-bơ-rơ 2:1). Làm như thế, chúng ta sẽ được tiếp sức để đứng vững trong thời buổi đầy tai họa này và vượt qua các bão tố trước mặt chúng ta (Ma-thi-ơ 7:24-27). Ngay cả bây giờ, chúng ta cũng sẽ làm đẹp ý Đức Chúa Trời nếu chúng ta làm theo ý muốn của ngài và chúng ta sẽ được bảo đảm là lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được nhậm (Giăng 9:31; I Giăng 3:22). Và chúng ta sẽ được hạnh phúc thật sự (Giăng 13:17).
20. Chúng ta nên suy gẫm điều gì khi thấy câu Kinh-thánh cho suốt năm 1997?
20 Trong suốt năm 1997, chúng ta sẽ thường xuyên có cơ hội đọc và xem xét câu Kinh-thánh cho năm này, Thi-thiên 143:10: “Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa”. Trong khi chúng ta làm điều này, hãy lợi dụng một vài cơ hội để suy gẫm về những sắp đặt của Đức Chúa Trời để dạy dỗ chúng ta như được trình bày ở trên. Và hãy để những cơ hội suy gẫm về những lời này thúc đẩy chúng ta hành động phù hợp với lời cầu xin đó, vì biết rằng “ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (I Giăng 2:17).
Bạn trả lời ra sao?
◻ Ngày nay ai được dạy dỗ về ý muốn của Đức Giê-hô-va?
◻ Thi-thiên 143:10 nên tác động đến chúng ta như thế nào trong năm 1997?
◻ Chúng ta được dạy làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va như thế nào?
◻ Khi dạy dỗ con cái mình, các bậc cha mẹ tín đồ đấng Christ phải làm gì?