Trào lưu chính thống là gì?
TRÀO LƯU CHÍNH THỐNG đã bắt đầu ở đâu? Vào cuối thế kỷ qua, những nhà thần học tự do thay đổi niềm tin của họ để phù hợp với những lời phê bình Kinh-thánh và những lý thuyết khoa học, chẳng hạn như thuyết tiến hóa. Vì thế mà niềm tin của người ta nơi Kinh-thánh bị lung lay. Những nhà lãnh đạo tôn giáo bảo thủ ở Hoa Kỳ đã phản ứng bằng cách thiết lập cái mà họ gọi là những nguyên tắc cơ bản về đức tin.a Vào đầu thế kỷ 20, họ đã in một bài thảo luận về những nguyên tắc cơ bản này trong một bộ sách mang tựa đề The Fundamentals: A Testimony to the Truth (Những nguyên tắc cơ bản—Một bằng chứng của chân lý). Nhóm từ “trào lưu chính thống” (“fundamentalism”) đến từ tựa sách này.
Vào tiền bán thế kỷ 20, người ta thỉnh thoảng bàn đến trào lưu chính thống. Thí dụ, vào năm 1925 những người theo trào lưu chính thống về tôn giáo đã kiện một thầy giáo tên là John Scopes ở bang Tennessee, Hoa Kỳ, trong một vụ gọi là vụ kiện Scopes. Ông phạm tội gì? Ông đã dạy thuyết tiến hóa, và điều đó trái với luật của bang Tennessee. Vào thời đó, một số người nghĩ rằng trào lưu chính thống chỉ tồn tại một thời gian ngắn thôi. Vào năm 1926, tạp chí Tin lành Christian Century nói rằng trào lưu chính thống là “rỗng tuếch và giả tạo” và “hoàn toàn thiếu điều kiện để đạt thành quả hữu ích hoặc để tồn tại lâu dài”. Lời nhận xét đó quả là sai lầm!
Kể từ thập niên 1970, người ta thường đề cập đến trào lưu chính thống. Giáo sư Miroslav Volt, thuộc Trường Thần học Fuller, California, Hoa Kỳ, nói: “Trào lưu chính thống không những tồn tại mà còn phát triển mạnh”. Ngày nay, nhóm từ “trào lưu chính thống” không những áp dụng cho những phong trào của Tin lành mà còn áp dụng cho những phong trào của các đạo khác, như Công giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Ấn Độ giáo.
Một phản ứng đối với thời kỳ chúng ta
Tại sao trào lưu chính thống lại lan rộng? Những người nghiên cứu về đề tài này nói rằng một phần nào đó là vì tình trạng bấp bênh về đạo đức và tôn giáo trong thời chúng ta. Trước đây, đa số các xã hội sống trong một môi trường mà đạo đức chắc chắn dựa trên những niềm tin theo truyền thống. Ngày nay người ta nghi ngờ hoặc chối bỏ những niềm tin đó. Nhiều người trí thức cho rằng không có Đức Chúa Trời và chỉ có loài người trong một vũ trụ lạnh lẽo. Nhiều khoa học gia dạy rằng loài người là sản phẩm của sự tiến hóa ngẫu nhiên, chứ không phải do một Đấng Tạo hóa đầy yêu thương tạo nên. Một tinh thần phóng túng đang thịnh hành. Thế giới bị khổ sở vì mất đi tiêu chuẩn đạo đức trong mọi tầng lớp xã hội (II Ti-mô-thê 3:4, 5, 13).
Những người theo trào lưu chính thống khao khát những giá trị chắc chắn của thời qua, và một số người trong số này cố đem cộng đồng và xứ sở trở lại cái mà họ cảm thấy là nền đạo đức và giáo lý đúng đắn. Họ tìm mọi cách để ép buộc người khác sống theo một qui tắc đạo đức và hệ thống giáo lý “chính xác”. Một người theo trào lưu chính thống tin chắc rằng mình đúng còn những người khác thì sai. Trong sách Fundamentalism, giáo sư James Barr nói rằng người ta thường xem trào lưu chính thống “là một từ không thân thiện và lăng mạ, từ đó gợi ý hẹp hòi, cố chấp, tối tăm và bè phái”.
Vì không ai thích người khác gọi mình là người hẹp hòi, cố chấp hoặc chia bè kết phái, nên không phải mọi người đều đồng ý về vấn đề ai là người theo trào lưu chính thống và ai không theo. Tuy nhiên, nói về trào lưu chính thống về tôn giáo thì có một số khía cạnh rất là đặc biệt.
Nhận ra người theo trào lưu chính thống
Những người theo trào lưu chính thống về tôn giáo thường tìm cách bảo tồn cái mà họ tin là truyền thống hoặc tín ngưỡng ban đầu của một nền văn hóa và họ chống lại cái họ nhận thấy là tinh thần của thế gian. Điều này không có nghĩa là những người theo trào lưu chính thống chống lại tất cả những gì của thời hiện đại. Một số người dùng phương tiện thông tin hiện đại một cách rất hữu hiệu để đề xướng quan điểm của họ. Tuy nhiên, họ chống lại việc thế tục hóa xã hội.b
Một số người theo trào lưu chính thống không những cương quyết bảo tồn một cơ cấu giáo lý hoặc lối sống dựa theo truyền thống mà còn muốn áp đặt những điều này trên người khác, họ muốn thay đổi cơ cấu xã hội để cho phù hợp với niềm tin của những người theo trào lưu chính thống. Do đó, người theo trào lưu chính thống Công giáo sẽ không những chống lại việc phá thai, mà rất có thể còn vận động những thành viên của cơ quan lập pháp trong nước để đề xướng những luật cấm phá thai. Ở Ba Lan, theo tờ báo La Repubblica, vì muốn luật cấm phá thai được phê chuẩn, Giáo hội Công giáo “đã dùng hết sức lực và ảnh hưởng để ‘tranh chiến’ ”. Làm thế, những người có thẩm quyền trong giáo hội hành động rất giống những người theo trào lưu chính thống. Nhóm Liên minh tín đồ đấng Christ của Tin lành ở Hoa Kỳ cũng “tranh chiến” theo cách tương tự như thế.
Trên hết mọi sự, người ta nhận ra những người theo trào lưu chính thống qua niềm tin tôn giáo cố hữu của họ. Vì vậy, một người theo trào lưu chính thống Tin lành sẽ tin chắc và ủng hộ việc giải thích Kinh-thánh theo nghĩa đen, rất có thể tin cả việc trái đất được tạo nên trong sáu ngày theo nghĩa đen. Một người theo trào lưu chính thống Công giáo tin chắc là giáo hoàng không thể sai lầm.
Thế thì cũng dễ hiểu tại sao nhóm từ “trào lưu chính thống” gợi ý niệm về sự cuồng tín phi lý và tại sao những người không theo trào lưu chính thống lo lắng khi thấy trào lưu này đang lan rộng. Cá nhân chúng ta có thể không đồng ý với những người theo trào lưu chính thống và sửng sốt về việc họ vận động chính trị và đôi khi có hành động hung bạo. Quả thật, những người theo trào lưu chính thống của tôn giáo này có thể khiếp sợ trước những hành động của những người theo trào lưu chính thống của tôn giáo khác! Dầu vậy, nhiều người biết suy nghĩ thì quan tâm về những điều làm cho trào lưu chính thống lan tràn—đạo đức càng ngày càng suy đồi, việc mất đức tin, và việc chối bỏ những điều thiêng liêng trong xã hội ngày nay.
Trào lưu chính thống có phải là cách duy nhất để đối phó với những khuynh hướng này không? Nếu không, thì biện pháp khác là gì?
[Chú thích]
a Cái gọi là Năm Luận điểm của Trào lưu chính thống được định nghĩa vào năm 1895 là “1) Kinh-thánh hoàn toàn được soi dẫn và không thể sai lầm; 2) Chúa Giê-su Christ là Đức Chúa Trời; 3) đấng Christ sanh ra bởi trinh nữ; 4) đấng Christ chết trên cây thánh giá để chuộc tội cho loài người; 5) đấng Christ sống lại bằng xương bằng thịt và sẽ đích thân trở lại lần thứ hai trên đất bằng thể xác” (Studi di teologia [Nghiên cứu về thần học]).
b “Thế tục hóa” có nghĩa là nhấn mạnh những điều thế tục, thay vì những điều thiêng liêng hoặc thánh khiết. Giới thế tục không quan tâm gì đến tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
[Câu nổi bật nơi trang 5]
Vào năm 1926, một tạp chí Tin lành miêu tả trào lưu chính thống là “rỗng tuếch và giả tạo” và “hoàn toàn thiếu những điều kiện để đạt thành quả hữu ích hoặc để tồn tại lâu dài”