Bạn có ăn uống đầy đủ về mặt thiêng liêng không?
“Ăn uống đầy đủ là nhu cầu tối căn bản của con người... Nếu không có đủ đồ ăn, chúng ta sẽ chết”—(Food and Nutrition).
SỰ THẬT cơ bản này được minh họa một cách sinh động qua những thân hình gầy mòn của những người đàn ông, đàn bà và trẻ em đang chết đói vì họ thiếu “nhu cầu tối căn bản của con người”. Những người khác có thể đáp ứng nhu cầu này đến một mức độ nào đó, nhưng họ vẫn thiếu ăn nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều người có điều kiện ăn uống đầy đủ nhưng thường chỉ ăn đồ vặt có ít chất dinh dưỡng. Sách Healthy Eating nói: “Trong số những điều mà chúng ta có, đồ ăn dường như bị lạm dụng nhiều nhất”.
Điều này chẳng khác gì đối với đồ ăn thiêng liêng—lẽ thật được tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời, là Kinh-thánh. Một số người thiếu ngay cả sự dinh dưỡng thiêng liêng căn bản nhất; họ đói khát về thiêng liêng. Người khác thì không để tâm đến việc dùng đồ ăn thiêng liêng có sẵn. Còn bạn thì sao? Chính cá nhân bạn có ăn uống đầy đủ về mặt thiêng liêng không? Hay bạn để mình thiếu thốn sự dinh dưỡng thiêng liêng? Điều quan trọng là chúng ta phải thành thật với chính mình về vấn đề này vì chúng ta cần đồ ăn thiêng liêng còn hơn là đồ ăn vật chất (Ma-thi-ơ 4:4).
Đồ ăn cần cho sự tăng trưởng về thiêng liêng
Food and Nutrition, một sách giáo khoa bàn đến tầm quan trọng của việc ăn uống đủ chất bổ, cho chúng ta ba lý do để ăn uống đầy đủ. Một lý do là vì chúng ta cần đồ ăn “để kích thích sự sinh trưởng và để bù đắp cho sự hao mòn của tế bào trong thân thể”. Bạn có biết rằng mỗi ngày trong đời bạn, có một ngàn tỷ tế bào bị hao mòn và cần được thay thế không? Việc sinh trưởng và duy trì thân thể đúng mức đòi hỏi phải có đồ ăn bổ dưỡng.
Điều này cũng đúng về mặt thiêng liêng. Thí dụ, khi sứ đồ Phao-lô viết cho hội thánh ở Ê-phê-sô, ông nhấn mạnh rằng mỗi tín đồ đấng Christ cần đồ ăn thiêng liêng bổ dưỡng để trở nên “bậc thành-nhơn” (Ê-phê-sô 4:11-13). Khi chúng ta ăn đồ ăn thiêng liêng bổ dưỡng, chúng ta không còn giống như trẻ con yếu ớt, không thể tự lo liệu và thường gặp đủ mọi sự nguy hiểm (Ê-phê-sô 4:14). Trái lại, chúng ta trưởng thành vững mạnh, có thể vì đức tin mà đánh trận nhờ “được nuôi bởi các lời của đức-tin” (I Ti-mô-thê 4:6).
Bạn có được như vậy không? Bạn có lớn lên về mặt thiêng liêng chưa? Hay là bạn vẫn còn ấu trĩ về thiêng liêng—dễ bị sa ngã, hoàn toàn lệ thuộc vào người khác và không thể gánh trọn những trách nhiệm của tín đồ đấng Christ? Không lạ gì, ít ai trong chúng ta sẽ sẵn sàng nói rằng mình còn ấu trĩ về thiêng liêng, nhưng thẳng thắn tự kiểm điểm là điều thích hợp. Trong thế kỷ thứ nhất, một số tín đồ đấng Christ được xức dầu còn ấu trĩ về thiêng liêng. Mặc dù đáng lẽ họ phải là “thầy”, có khả năng và sẵn sàng dạy dỗ người khác về Lời Đức Chúa Trời, nhưng sứ đồ Phao-lô đã viết: “Anh em... nay còn cần người ta lấy những đều sơ-học của lời Đức Chúa Trời mà dạy anh em; anh em cần ăn sữa thay vì đồ-ăn đặc”. Nếu bạn muốn lớn mạnh về thiêng liêng, hãy vun trồng sự thèm khát đồ ăn đặc và bổ dưỡng về thiêng liêng. Đừng mãn nguyện với đồ ăn của người ấu trĩ về thiêng liêng! (Hê-bơ-rơ 5:12).
Chúng ta cũng cần đồ ăn đặc về thiêng liêng để hàn gắn bất cứ sự tổn hại nào đến từ những thử thách mà hàng ngày chúng ta phải đương đầu trong thế gian đầy thù hằn. Những thử thách này có thể làm hao mòn sức lực thiêng liêng của chúng ta. Nhưng Đức Chúa Trời có thể hồi phục sức lực đó. Phao-lô nói: “Chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư-nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (II Cô-rinh-tô 4:16) Làm sao chúng ta được “đổi mới càng ngày càng hơn”? Một phần là nhờ được nuôi dưỡng bằng Lời Đức Chúa Trời một cách đều đặn qua việc học cá nhân và cùng với nhóm học hỏi Kinh-thánh và những sách báo dựa trên Kinh-thánh.
Đồ ăn mang lại sức lực thiêng liêng
Cơ thể chúng ta cũng cần đồ ăn để “tạo ra nhiệt và năng lượng”. Đồ ăn cung cấp nhiên liệu để thân thể của chúng ta hoạt động tốt đẹp. Nếu chúng ta ăn uống thiếu dinh dưỡng, chúng ta sẽ có ít sức lực. Thiếu chất sắt trong đồ ăn sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi và uể oải. Bạn có đôi lúc cảm thấy như vậy về những hoạt động thiêng liêng không? Bạn có thấy khó thi hành những trách nhiệm của tín đồ đấng Christ không? Một số người tự xưng là môn đồ của Chúa Giê-su Christ trở nên mệt nhọc về sự làm lành, và họ thiếu sức chịu đựng để làm công việc của tín đồ đấng Christ (Gia-cơ 2:17, 26). Nếu bạn thấy đây là trường hợp của bạn, biện pháp chính có thể là bạn phải cải thiện sự ăn uống thiêng liêng hoặc ăn nhiều đồ ăn thiêng liêng hơn (Ê-sai 40:29-31; Ga-la-ti 6:9).
Chớ bị đánh lừa mà có thói quen xấu trong việc ăn uống thiêng liêng. Qua hàng bao thế kỷ, một phương pháp lừa gạt hữu hiệu nhất mà Sa-tan đã dùng là khiến người ta tin rằng họ không cần đọc và thâu thập sự hiểu biết chính xác từ Kinh-thánh. Hắn dùng một mưu mô lâu đời mà đạo quân xâm chiếm thường dùng để chinh phục thành của kẻ thù—để cho họ cạn thực phẩm và bỏ đói họ để buộc họ phải qui phục. Nhưng hắn còn dùng mưu mô này một cách quỉ quyệt hơn nữa. Những kẻ hắn “bao vây” bị lừa gạt mà nhịn đói trong khi chung quanh họ có đầy dẫy đồ ăn thiêng liêng bổ dưỡng. Thảo nào nhiều người rơi vào bẫy khi bị Sa-tan tấn công! (Ê-phê-sô 6:10-18).
Đồ ăn để khỏe mạnh về thiêng liêng
Theo sách Food and Nutrition, lý do thứ ba tại sao chúng ta cần đồ ăn là “để điều chỉnh sức khỏe của thân thể... và ngăn ngừa bệnh tật”. Chúng ta không thấy ngay lập tức đồ ăn bổ dưỡng giúp ích cho sức khỏe như thế nào. Sau một bữa ăn ngon lành, chúng ta ít khi nghĩ: ‘Bữa ăn này thật bổ cho tim (hay thận hay bắp thịt, v.v...) tôi”. Tuy nhiên, thử nhịn ăn trong một thời gian lâu là bạn sẽ thấy rõ hậu quả đối với sức khỏe của bạn. Hậu quả gì? Một sách tham khảo về y khoa có nói: “Hậu quả thông thường nhất là có hại: không phát triển được, không chống được sự nhiễm trùng vặt, thiếu sức lực và tính chủ động”. Có một thời gian, dân Y-sơ-ra-ên xưa đã bị suy dinh dưỡng như vậy về mặt thiêng liêng. Nhà tiên tri Ê-sai đã nói về họ: “Đầu đều đau-đớn cả, lòng đều mòn-mỏi cả. Từ bàn chơn cho đến đỉnh đầu, chẳng có chỗ nào lành” (Ê-sai 1:5, 6).
Đồ ăn thiêng liêng bổ dưỡng cho chúng ta sức mạnh để kháng cự sự yếu ớt về thiêng liêng và những hậu quả do sự nhiễm trùng về thiêng liêng gây ra. Sự hiểu biết từ Đức Chúa Trời giúp chúng ta có sức khỏe thiêng liêng—nếu chúng ta được nuôi dưỡng bằng sự hiểu biết đó! Chúa Giê-su Christ đã bình luận rằng đa số những người sống vào thời của ngài đã không rút tỉa được bài học từ sự kiện các tổ phụ của họ đã chểnh mảng việc tiếp nhận đồ ăn thiêng liêng một cách đúng đắn. Họ cũng không nhận sự nuôi dưỡng bằng các lẽ thật mà ngài dạy dỗ. Hậu quả là gì? Chúa Giê-su nói: “Vì lòng dân nầy đã cứng-cỏi; đã làm cho nặng tai và nhắm mắt mình lại, e khi mắt mình thấy được, tai mình nghe được, lòng mình hiểu được, họ tự hối-cải lại, và ta chữa họ được lành chăng” (Ma-thi-ơ 13:15). Phần đông những người đó đã không được lợi ích từ quyền lực chữa lành của Lời Đức Chúa Trời. Họ tiếp tục đau ốm về mặt thiêng liêng. Ngay cả một số tín đồ đấng Christ được xức dầu đã trở thành “tật-nguyền, đau-ốm” (I Cô-rinh-tô 11:30). Mong sao chúng ta không bao giờ coi thường đồ ăn thiêng liêng mà Đức Chúa Trời cung cấp (Thi-thiên 107:20).
Sự ô nhiễm về thiêng liêng
Ngoài mối đe dọa bị đói về thiêng liêng, còn có mối nguy hiểm khác mà chúng ta cần biết đến—đó là loại đồ ăn mà chúng ta ăn có thể bị ô nhiễm. Tiếp nhận những sự dạy dỗ bị nhiễm các ý tưởng nguy hiểm của ma quỉ có thể đầu độc chúng ta, cũng như khi chúng ta ăn đồ ăn bị nhiễm trùng hay chất độc (Cô-lô-se 2:8). Không phải lúc nào cũng dễ để nhận ra đồ ăn độc hại. Một nguồn có thẩm quyền nói: “Đồ ăn đôi khi có thể trông rất bổ dưỡng nhưng chứa vi khuẩn gây ra bệnh tật”. Vậy chúng ta nên xem xét nguồn của đồ ăn của chúng ta theo nghĩa bóng và nhớ rằng một số loại, như những sách báo bội đạo, có thể bị nhiễm những triết lý và dạy dỗ trái với Kinh-thánh. Một số hãng sản xuất thực phẩm còn dùng nhãn lừa dối để gạt khách hàng về những chất trong sản phẩm của họ. [10]Chắc chắn chúng ta có thể biết trước rằng Sa-tan, kẻ đại lường gạt, cũng sẽ làm như vậy. Vì thế, hãy xem xét cho chắc rằng bạn nhận lấy đồ ăn theo nghĩa bóng từ một nguồn đáng tin cậy để bạn tiếp tục “có đức-tin vẹn-lành” (Tít 1:9, 13).
Ông Thomas Adams, một mục sư vào thế kỷ 17, đã nói về những người sống trong thời của ông: “Họ đã đào huyệt chôn mình bằng răng”. Nói cách khác, những gì họ ăn cuối cùng đã giết họ. Hãy xem xét chắc chắn những gì bạn ăn về mặt thiêng liêng không giết bạn. Hãy tìm kiếm những nguồn cung cấp thực phẩm thiêng liêng tốt. Khi những người tự xưng là dân của Giê-hô-va Đức Chúa Trời quay ra nhờ các thầy giáo và nhà tiên tri giả, ngài hỏi: “Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh?... Hãy chăm-chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon, và cho linh-hồn các ngươi vui-thích trong của béo. Hãy nghiêng tai, và đến cùng ta; hãy nghe ta, thì linh-hồn các ngươi được sống” (Ê-sai 55:2, 3; so sánh Giê-rê-mi 2:8, 13).
Đồ ăn thiêng liêng dư dật
Chắc chắn chúng ta không thiếu đồ ăn thiêng liêng tốt. Như Chúa Giê-su Christ đã tiên tri, giờ đây ngài có lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan đang bận rộn cung cấp “đồ-ăn đúng giờ” cho bất cứ ai muốn tiếp nhận (Ma-thi-ơ 24:45). Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va hứa: “Nầy, các tôi-tớ ta sẽ ăn, còn các ngươi thì đói... Tôi-tớ ta sẽ hát mừng vì lòng đầy vui-vẻ”. Thật vậy, ngài hứa sẽ dọn một tiệc đầy đồ ăn cho những người muốn ăn. “Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ ban cho mọi dân-tộc... một tiệc yến đồ béo, một diên rượu ngon, đồ béo có tủy” (Ê-sai 25:6; 65:13, 14).
Nhưng hãy nghĩ về điều này: Chúng ta có thể chết đói tại một buổi tiệc! Chung quanh chúng ta là đồ ăn, nhưng chúng ta vẫn có thể thiếu ăn trầm trọng nếu không khích động bản thân ăn những đồ đó. Châm-ngôn 26:15 có lời miêu tả theo nghĩa đen: “Kẻ biếng-nhác thò tay mình trong dĩa, lấy làm mệt-nhọc mà đem nó lên miệng”. Thật là một tình trạng đáng buồn! Cũng vậy, chúng ta có thể trở thành quá lười biếng để gắng sức học hỏi Kinh-thánh và sách báo dựa trên Kinh-thánh được soạn thảo để giúp chúng ta lĩnh hội đồ ăn thiêng liêng. Hoặc chúng ta có thể trở nên quá mệt mỏi để chuẩn bị hay tham gia vào các buổi họp của hội thánh tín đồ đấng Christ.
Thói quen ăn uống tốt
Thế thì chúng ta có đủ lý do để tập những thói quen ăn uống tốt. Tuy nhiên, thực tế là nhiều người chỉ ăn đồ ăn thiêng liêng từng tí một còn một số người nhịn đói hoàn toàn. Họ có thể giống những người không xem trọng việc ăn uống đầy đủ cho đến khi họ phải gánh chịu các hậu quả sau này trong cuộc đời. Sách Healthy Eating nói về lý do tại sao chúng ta có thể cẩu thả trong thói quen ăn uống, mặc dù chúng ta biết việc ăn uống đầy đủ là cần thiết cho sự sống: “Vấn đề [do thói quen ăn uống thiếu dinh dưỡng] là sức khỏe không yếu đi nhanh chóng, không có hậu quả đột ngột như khi một người cẩu thả băng qua đường. Thay vì thế, sức khỏe có thể bị suy yếu một cách rất từ từ và âm ỉ, ta có thể dễ bị nhiễm trùng hơn, xương có thể giòn hơn, vết thương có thể lâu lành hơn và bệnh tật có thể lâu khỏi hơn”.
Trong những trường hợp đặc biệt, một người có thể trở nên giống như một phụ nữ trẻ bị chứng bệnh tâm thần biếng ăn. Cô làm cho mình tin rằng cô chỉ cần ăn một chút thôi và cô hoàn toàn khỏe mạnh, mặc dù sự kiện là thân thể cô đang suy yếu. Cuối cùng thì cô không còn muốn ăn gì nữa. Một tài liệu tham khảo y học nói: “Đó là tình trạng nguy hiểm”. Tại sao? Sách này nói tiếp: “Mặc dù hiếm khi bệnh nhân chết vì đói, nhưng người đó thiếu dinh dưỡng trầm trọng và có thể chết vì bị nhiễm trùng thông thường”.
Một phụ nữ tín đồ đấng Christ đã nhìn nhận: “Trải qua nhiều năm tôi đấu tranh vì tôi biết là tôi phải học hỏi cá nhân và chuẩn bị thường xuyên cho buổi họp, nhưng tôi lại không bao giờ làm được”. Cuối cùng thì chị đã thay đổi để trở thành một người siêng năng học Lời Đức Chúa Trời, nhưng chỉ khi chị nhận biết rằng chị đang ở trong tình thế cấp bách.
Vậy hãy để tâm đến lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ. Hãy trở thành như “trẻ con mới đẻ” và “hãy ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo... hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh-hồn” (I Phi-e-rơ 2:2). Vâng, “hãy ham-thích”—vun trồng sự ao ước mạnh mẽ—để cho lòng và trí bạn đầy dẫy sự hiểu biết về Đức Chúa Trời. Những người trưởng thành về thiêng liêng cũng cần tiếp tục nuôi dưỡng lòng ao ước đó. Đừng để cho đồ ăn thiêng liêng trở nên một trong những điều ‘bị lạm dụng nhiều nhất’. Hãy ăn uống đầy đủ về mặt thiêng liêng và hưởng lợi ích tối đa từ mọi sự “dạy-dỗ có ích” được tìm thấy trong Lời của Đức Chúa Trời là Kinh-thánh (II Ti-mô-thê 1:13, 14).
[Hình nơi trang 28]
Bạn có cần cải thiện cách ăn uống của bạn không?