Làm sao tìm được hy vọng trong sự tuyệt vọng
HÃY tưởng tượng rằng bạn phải trải qua kinh nghiệm sau đây: Tất cả của cải vật chất bị tiêu tan, khiến cho bạn nghèo khổ. Con cái—là niềm vui trong đời sống bạn—không còn nữa. Người hôn phối không nâng đỡ bạn về tinh thần. Sức khỏe bạn bị suy sụp hoàn toàn. Mỗi ngày là một thử thách gian khổ.
Nếu rơi vào hoàn cảnh này, bạn có thể tìm được lý do nào để tiếp tục sống không? Hay bạn sẽ trở nên tuyệt vọng?
Tình trạng thảm thương vừa được miêu tả là kinh nghiệm có thực của Gióp, một người sống trong thời Kinh-thánh được viết ra (Gióp, đoạn 1 và 2). Vào lúc hết sức buồn nản, Gióp than thở: “Linh-hồn tôi đã chán-ngán sự sống tôi”. Ông sẵn sàng chấp nhận cái chết để thoát cảnh khổ (Gióp 10:1; 14:13). Tuy nhiên, dù phải chịu khổ đến cực độ, Gióp đã giữ lòng trung kiên với Đức Chúa Trời. Vì thế, Đức Giê-hô-va “ban phước cho buổi già của Gióp nhiều hơn lúc đang-thì”. Như thế Gióp qua đời một cách thanh thản khi “tuổi cao tác lớn” (Gióp 42:12, 17).
Gióp nêu gương về sự nhịn nhục mà người ta đã ca ngợi cho đến ngày nay. Các thử thách của ông đã luyện lọc nhân cách ông và thúc đẩy người khác làm việc lành (Gia-cơ 5:10, 11). Quan trọng hơn hết, lòng trung kiên hoàn toàn của Gióp làm Đức Giê-hô-va vui lòng (Châm-ngôn 27:11). Vậy cuối cùng một cơn ác mộng đau đớn trở thành một chiến thắng vẻ vang của sự tin kính, đức tin và lòng trung kiên. Chiến thắng này đem lại ân phước cho Gióp và cho tất cả những ai được thúc đẩy noi theo gương của ông.
Có hy vọng dù gặp nhiều thử thách
Có thể bạn phải chịu những thử thách tương tự như của Gióp. Bạn có thể bị đau đớn tột độ khi một người thân yêu qua đời. Bệnh tật trầm trọng có thể làm cho cuộc sống bạn như là một thử thách đau đớn. Cả cuộc sống của bạn có thể dường như bị xáo trộn vì một cuộc ly hôn đau lòng. Những sự rủi ro về tài chính có thể khiến bạn nghèo khổ. Bạn có thể bị bắt bớ một cách tàn nhẫn bởi những người thù ghét sự thờ phượng thật. Vì phải tranh đấu để đối phó với những thử thách nên bạn có thể cảm thấy tương lai của bạn là vô vọng (I Phi-e-rơ 1:6).
Thay vì tuyệt vọng, bạn hãy tự hỏi: ‘Tại sao tôi đau khổ?’ Bạn đau khổ vì bạn sống trong một thế gian đang “phục dưới quyền ma-quỉ” (I Giăng 5:19). Hậu quả là mọi người đều đau khổ. Bằng cách này hay cách khác, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi sự thù ghét thông điệp Nước Trời do Ma-quỉ xúi giục, những lời lẽ vô tình của người khác, hoặc những hành động kinh khủng của người không tin kính, đây là những điều rất thông thường trong những “thời-kỳ khó-khăn” này (II Ti-mô-thê 3:1-5).
Nếu bạn đã trải qua một điều bi thảm trong đời sống, có thể bạn là nạn nhân của “thời-thế và cơ-hội” (Truyền-đạo 9:11). Mặt khác, đôi khi có chuyện bất trắc xảy ra trong đời sống vì tội lỗi di truyền của chính chúng ta (Rô-ma 5:12). Dù cho bạn đã phạm tội nghiêm trọng nhưng biết ăn năn và tìm sự giúp đỡ thiêng liêng, đừng nghĩ rằng Đức Chúa Trời bỏ rơi bạn (Thi-thiên 103:10-14; Gia-cơ 5:13-15). Hơn bất cứ người nào khác, ngài chăm sóc cho chúng ta (I Phi-e-rơ 5:6, 7). Bạn có thể tin chắc rằng “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối” (Thi-thiên 34:18). Bất kể thử thách của bạn có bi thảm hay gay go đến đâu, Đức Giê-hô-va cũng có thể ban cho bạn sự khôn ngoan để đối phó với thử thách đó (Gia-cơ 1:5-8). Hãy luôn nhớ rằng Đức Giê-hô-va có thể chữa lành mọi vết thương. Khi được ngài ban ân huệ, không có điều gì có thể ngăn cản bạn đạt đến phần thưởng về sự sống (Rô-ma 8:38, 39).
Những thử thách có thể mang lại lợi ích gì không?
Thành ngữ có câu: “Trong cái rủi cũng có cái may”. Đó là một cách nói đơn giản là dù tình trạng có tệ đến đâu, bạn luôn luôn có thể tìm được lý do để hy vọng. Mọi điều được ghi trong Lời Đức Chúa Trời đều có mục đích là để “chúng ta được sự trông-cậy” (Rô-ma 15:4). Bất kể tình trạng của bạn nghiêm trọng đến đâu, những lời hứa và nguyên tắc trong Kinh-thánh có thể mang lại cho bạn niềm vui và hy vọng mới.
Kinh-thánh cho thấy rằng “sự hoạn-nạn [là] nhẹ và tạm” khi so sánh với các ân phước đời đời đặt trước mặt những ai kính mến Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 4:16-18). Kinh-thánh cũng cho thấy rằng những đức tính tin kính mà chúng ta vun trồng khi bị thử thách có giá trị hơn danh vọng hoặc của cải (I Giăng 2:15-17). Do đó, ngay cả sự đau khổ cũng có thể mang lại lợi ích (Hê-bơ-rơ 5:8). Thật vậy, áp dụng những điều học được trong khi bị thử thách có thể mang lại cho bạn những ân phước bất ngờ.
Một thử thách khó khăn có thể làm cho bạn trở thành chín chắn hơn. Có lẽ bạn thừa nhận rằng trong quá khứ bạn có một tính nết khiến cho người khác bực mình hoặc ngay cả cản trở sự tiến bộ về thiêng liêng của bạn. Có thể đó là tính quá tự tin. Sau khi khổ sở vì tai họa, có thể bạn chợt thấy rằng bạn yếu đuối và thật sự cần đến những người khác. Nếu sự thử thách dạy bạn bài học đó và bạn đã sửa đổi chỗ nào cần thiết, thì bạn đã được lợi ích nhờ bị thử thách.
Nếu trong quá khứ những người khác thấy khó giao thiệp với bạn vì bạn không kiềm chế được tánh nóng nảy thì sao? Điều này còn có thể hại cho sức khỏe bạn (Châm-ngôn 14:29, 30). Tuy nhiên, bây giờ tình trạng có thể tốt hơn nhiều vì bạn tin cậy thánh linh của Đức Chúa Trời giúp bạn thực hành sự tự chủ (Ga-la-ti 5:22, 23).
Giống như những người khác, có một thời bạn có lẽ thiếu lòng trắc ẩn, không tỏ lòng khoan dung đối với những người lầm lỗi. Nhưng nếu chính bạn đã rơi vào tình trạng cần được người khác khoan dung, thì bây giờ chắc bạn sẽ sẵn lòng hơn để tỏ lòng khoan dung đối với những người khác. Vì bạn đã được người khác thông cảm, quan tâm và khoan dung nên bạn nhận thức rằng bạn cũng nên bày tỏ những đức tính như thế đối với những người lầm lỗi biết ăn năn. Nếu lòng đau đớn đã thúc đẩy bạn sửa chữa khuyết điểm trong nhân cách, thì kinh nghiệm đó đã mang lại lợi ích cho bạn. Bạn học được rằng “sự thương-xót thắng sự đoán-xét” (Gia-cơ 2:13; Ma-thi-ơ 5:7).
Nếu bạn đã mất những đặc ân quí giá và sự kính trọng của người khác vì bị hội thánh đạo đấng Christ sửa trị thì sao? Đừng tuyệt vọng. Biện pháp sửa trị giúp hội thánh giữ được sự trong sạch, nhưng cũng có mục tiêu là phục hồi người lầm lỗi về mặt thiêng liêng. Phải công nhận rằng “sự sửa-phạt lúc đầu coi như một cớ buồn-bã, chớ không phải sự vui-mừng; nhưng về sau sanh ra bông-trái công-bình và bình-an cho những kẻ đã chịu luyện-tập như vậy” (Hê-bơ-rơ 12:11). Mặc dù sự sửa phạt có thể khiến mình đau đớn, nhưng điều đó không có nghĩa là người biết khiêm nhường ăn năn mất hết hy vọng. Vua Đa-vít của dân Y-sơ-ra-ên xưa đã bị sửa trị nghiêm khắc vì đã phạm tội, nhưng ông biết ăn năn và cuối cùng được khen đặc biệt là một người có đức tin xuất sắc (II Sa-mu-ên 12:7-12; Thi-thiên 32:5; Hê-bơ-rơ 11:32-34).
Một thử thách có thể có tác động sâu xa đến quan điểm của bạn. Trong quá khứ, bạn có lẽ chú trọng vào những mục tiêu duy vật và danh vọng địa vị trong thế gian này. Có lẽ khi gặp rủi ro về tài chính hoặc bị mất của cải thì sẽ khiến cho bạn tập trung vào những điều quan trọng hơn. (So sánh Phi-líp 1:10). Bây giờ bạn nhận thức rằng chỉ những giá trị và mục tiêu thiêng liêng trong thánh chức mới đem lại niềm vui thật sự và sự toại nguyện lâu dài.
Tin cậy nơi Đức Giê-hô-va
Vì phụng sự Đức Chúa Trời, bạn có thể gặp sự bắt bớ và đau khổ đến từ những người chống lại tín ngưỡng của bạn trong đạo đấng Christ. Bạn có thể cảm thấy bị áp bức, nhưng thử thách này có thể đem lại lợi ích. Đức tin của bạn có thể được củng cố nhờ bị thử thách. Hơn nữa, những người khác đang chịu khổ vì bị bắt bớ có thể được khuyến khích và vững mạnh khi họ thấy bạn kiên trì. Những người chứng kiến hạnh kiểm tốt của bạn có thể được thúc đẩy để tôn vinh Đức Chúa Trời. Ngay cả những người chống đối bạn có thể hổ thẹn và nhận biết các việc lành của bạn! (I Phi-e-rơ 2:12; 3:16).
Để tránh sự tuyệt vọng khi bị bắt bớ, bạn cần tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Lời của ngài cho thấy rằng chúng ta chắc chắn sẽ thoát khỏi sự khó khăn, nhưng có thể không sớm như bạn mong muốn. Trong khi chờ đợi, “chớ nên chán-mệt làm sự lành” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:13). Hãy tiếp tục tìm cách đối phó với những thử thách và chịu đựng. Ngay cả khi tình thế có vẻ vô vọng, “hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động” (Thi-thiên 55:22). Thay vì than thân trách phận, hãy nghĩ đến những ân phước là bạn được biết Đức Giê-hô-va, được thuộc về dân sự ngài và có hy vọng được sống đời đời (Giăng 3:16, 36).
Hãy tập trung vào những điều chính yếu. Hãy đến cùng Đức Giê-hô-va mỗi ngày trong lời cầu nguyện, xin ngài ban thêm sức để chịu đựng (Phi-líp 4:6, 7, 13). Hãy xua đuổi bất cứ ý nghĩ nào về việc trả thù những người làm cho bạn bị đau khổ. Hãy phó mọi sự cho Đức Giê-hô-va (Rô-ma 12:19). Luôn luôn tìm cách để rèn luyện nhân cách của bạn và vun trồng những đức tính của tín đồ đấng Christ (II Phi-e-rơ 1:5-8). Hãy biết ơn về mọi điều mà người khác làm cho bạn, kể cả các trưởng lão yêu thương chăm lo cho nhu cầu thiêng liêng của bạn (Hê-bơ-rơ 13:7, 17). Hãy trung thành với Đức Giê-hô-va và chú tâm vào phần thưởng về sự sống, tin chắc rằng ngay cả sự chết cũng không thể cướp đi phần thưởng đó (Giăng 5:28, 29; 17:3).
Nếu bạn đang có điều làm bạn hết sức buồn hoặc bị thử thách một cách gay go, “hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va”, và niềm vui dạt dào cuối cùng sẽ thay thế sự gian khổ của bạn (Châm-ngôn 3:5, 6; Giăng 16:20). Khi Đức Giê-hô-va ban phước cho bạn như ngài đã ban phước cho Gióp, bạn sẽ được hạnh phúc thay vì phải chịu khổ. Sự đau khổ hiện thời không có gì đáng kể khi so sánh với phần thưởng của bạn (Rô-ma 8:18). Sự chịu đựng trung thành của bạn có thể khích lệ người khác và giúp bạn vun trồng những đức tính tốt đẹp của một con “người mới” (Ê-phê-sô 4:23, 24; Cô-lô-se 3:10, 12-14). Vậy hãy vững lòng mà nghe theo lời khuyên khôn ngoan của sứ đồ Phi-e-rơ: “Vậy những kẻ chịu khổ theo ý-muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh-hồn mình cho Đấng Tạo-hóa thành-tín” (I Phi-e-rơ 4:19)
[Hình nơi trang 23]
Hãy noi gương Gióp. Chớ mất đi niềm hy vọng
[Hình nơi trang 24]
Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va