“Sự điều tra để phán xét”—Có phải là một giáo lý dựa trên Kinh-thánh không?
KHOẢNG 50.000 người ở Bờ Biển Miền Đông Hoa Kỳ nóng lòng trông đợi ngày 22 tháng 10 năm 1844. Người lãnh đạo về thiêng liêng của họ là William Miller nói rằng Chúa Giê-su Christ sẽ trở lại vào chính ngày đó. Các đệ tử của Miller (được gọi là Millerites) tụ họp và chờ đợi cho đến tối. Rồi rạng sáng ngày hôm sau, mà Chúa vẫn chưa đến. Bị vỡ mộng, họ trở về nhà và từ đó về sau họ xem ngày đó như là “Ngày Thất vọng Lớn”.
Dầu vậy, chẳng bao lâu niềm thất vọng biến thành hy vọng. Một phụ nữ trẻ tên là Ellen Harmon đã thuyết phục được một số ít đệ tử của Miller rằng Đức Chúa Trời đã tiết lộ trong sự hiện thấy là họ đã tính toán đúng thời điểm. Bà tin là một biến cố quan trọng đã xảy ra vào ngày đó—ấy là đấng Christ đã vào “nơi chí thánh trong đền thờ trên trời”.
Hơn một thập niên sau, người giảng đạo Cơ đốc Phục lâm là James White (chồng của Ellen Harmon) đặt ra một thành ngữ mới để miêu tả bản chất của công việc của đấng Christ kể từ tháng 10 năm 1844. Trong tạp chí Review and Herald số ra ngày 29-1-1857, ông White nói rằng Chúa Giê-su đã bắt đầu một “cuộc điều tra để phán xét”. Và khoảng bảy triệu người tự nhận theo đạo Cơ đốc Phục lâm vẫn xem đó là niềm tin cơ bản của họ.
Tuy nhiên, một số học giả được tôn trọng thuộc Giáo hội Cơ đốc (CĐ) đã tự hỏi không biết “sự điều tra để phán xét” có phải là một giáo lý dựa trên Kinh-thánh hay không. Tại sao họ phải xét lại điều này? Nếu bạn là một người theo đạo Cơ đốc, thì câu hỏi này liên quan đến bạn. Tuy nhiên, trước tiên, chúng ta muốn biết “sự điều tra để phán xét” là gì?
“Sự điều tra để phán xét” là gì?
Câu Kinh-thánh chính được dẫn chứng để ủng hộ giáo lý này là Đa-ni-ên 8:14. Câu đó đọc: “Người trả lời cùng ta rằng: Cho đến hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai; sau đó nơi thánh sẽ được thanh-sạch”. Vì cụm từ “sau đó nơi thánh sẽ được thanh-sạch”, nên nhiều người theo đạo Cơ đốc liên kết câu này với Lê-vi Ký đoạn 16. Đoạn này miêu tả việc thầy tế lễ thượng phẩm của dân Do Thái làm sạch nơi thánh vào Ngày lễ Chuộc tội. Họ cũng liên kết lời của Đa-ni-ên với Hê-bơ-rơ đoạn 9, đoạn này miêu tả Chúa Giê-su làm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Lớn ở trên trời. Một học giả đạo CĐ nói rằng lập luận này dựa trên phương pháp “đoạn văn chứng cớ”. Theo phương pháp này, người ta tìm “một từ nào đó như nơi thánh trong Đa-ni-ên 8:14, rồi tìm cùng từ nơi Lê-vi Ký 16 và cùng từ nơi Hê-bơ-rơ 7, 8, 9” và kết luận “rằng các câu đó đều nói về cùng một điều”.
Những người theo đạo Cơ đốc lý luận thế này: Hằng ngày các thầy tế lễ thuộc Y-sơ-ra-ên xưa làm lễ trong gian phòng của đền thờ gọi là Nơi Thánh, nhờ đó tội lỗi được tha. Hằng năm vào Ngày lễ Chuộc tội, thầy tế lễ thượng phẩm dâng lễ trong Nơi Chí Thánh (gian phòng trong cùng nhất của đền thờ), nhờ đó tội lỗi được xóa đi. Họ kết luận rằng chức vụ tế lễ của đấng Christ ở trên trời có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu khi ngài lên trời trong thế kỷ thứ nhất, và chấm dứt vào năm 1844, nhờ thế tội lỗi được tha. Giai đoạn thứ nhì, hay “giai đoạn phán xét”, bắt đầu vào ngày 22-10-1844, vẫn còn tiếp diễn và sẽ đưa đến kết quả là tội lỗi được xóa đi. Việc này được thực hiện như thế nào?
Kể từ năm 1844, người ta nói rằng Chúa Giê-su điều tra thành tích của mọi người tự xưng có đức tin (trước tiên là người chết, rồi đến người sống) để định đoạt xem họ có đáng được sống đời đời hay không. Đây là “sự điều tra để phán xét”. Sau cuộc phán xét này, những ai vượt qua được thử thách thì tội lỗi của họ được xóa đi khỏi sách. Nhưng Ellen White giải thích rằng những ai không vượt qua được thử thách này thì ‘tên họ sẽ bị xóa khỏi sách sự sống’. Do đó, “số phận của mọi người, sống hoặc chết, sẽ được định đoạt”. Vào lúc đó, nơi thánh ở trên trời được tẩy sạch và Đa-ni-ên 8:14 được ứng nghiệm. Đó là giáo lý của đạo Cơ đốc. Nhưng tạp chí Adventist Review của đạo CĐ nhìn nhận: “Từ ngữ sự điều tra để phán xét không có trong Kinh-thánh”.
Thiếu sự liên kết về từ ngữ
Một số người theo đạo Cơ đốc thấy bối rối về giáo lý này. Một người quan sát nói: “Lịch sử cho thấy rằng những người lãnh đạo trung tín trong hàng ngũ của chúng tôi đã phải khổ não khi suy nghiệm về sự dạy dỗ truyền thống về sự điều tra để phán xét”. Ông nói thêm rằng trong những năm gần đây, sự khổ não đã biến thành sự nghi ngờ khi các học giả bắt đầu “chất vấn nhiều trụ chốt của lời giải thích về nơi thánh”. Giờ đây chúng ta hãy xem xét hai điều này.
Trụ chốt thứ nhất: Đa-ni-ên đoạn 8 được liên kết với Lê-vi Ký đoạn 16. Giả thuyết này bị yếu đi bởi hai vấn đề chính—từ ngữ và văn cảnh. Trước tiên, hãy xem về vấn đề từ ngữ. Người theo đạo Cơ đốc tin rằng ‘nơi thánh được thanh sạch’ ở Đa-ni-ên đoạn 8 chính là nơi thánh được tượng trưng trước ở Lê-vi Ký đoạn 16. Sự tương đồng này dường như hợp lý cho đến khi các dịch giả biết được rằng từ “thanh sạch” trong bản dịch King James Version bị người ta dịch sai là một dạng của động từ Hê-bơ-rơ tsadaq (có nghĩa là “công bình”) được dùng nơi Đa-ni-ên 8:14. Giáo sư thần học Anthony A. Hoekema ghi nhận: “Đáng tiếc là người ta dịch từ đó là được thanh sạch, vì động từ Hê-bơ-rơ thường được dịch là thanh sạch [ta·herʹ] hoàn toàn không được dùng ở đây”.a Từ này được dùng nơi Lê-vi Ký đoạn 16, và bản dịch King James Version dịch các dạng của từ ta·herʹ là “làm cho sạch” và “được sạch” (Lê-vi Ký 16:19, 30). Do đó, Dr. Hoekema kết luận một cách chính xác: “Nếu Đa-ni-ên muốn nói đến việc làm sạch vào Ngày lễ Chuộc tội, thì ông phải dùng từ taheer [ta·herʹ] thay vì từ tsadaq [tsa·dhaqʹ]”. Nhưng người ta không thấy từ tsa·dhaqʹ nơi Lê-vi Ký, và người ta cũng không thấy từ ta·herʹ nơi Đa-ni-ên. Chúng ta thấy thiếu sự liên kết về từ ngữ.
Văn cảnh cho thấy gì?
Bây giờ hãy xem về vấn đề văn cảnh. Những người theo đạo Cơ đốc cho rằng Đa-ni-ên 8:14 là “một câu văn riêng biệt”, không liên hệ gì đến những câu trước. Nhưng khi đọc Đa-ni-ên 8:9-14 (Nguyễn thế Thuấn) trong khung mang tựa đề “Đa-ni-ên 8:14 theo văn cảnh”, bạn có nghĩ như thế không? Câu Đa-ni-ên 8:9 nhận ra kẻ xâm lược là cái sừng nhỏ. Câu Đa-ni-ên 8:10-12 tiết lộ rằng kẻ xâm lược này sẽ tấn công nơi thánh. Câu Đa-ni-ên 8:13 hỏi: ‘Cho đến bao giờ sự xâm lược này còn kéo dài?’ Và câu Đa-ni-ên 8:14 trả lời: “Cho đến 2.300 chiều và sáng. Và thánh điện sẽ được phục hồi”. Rõ ràng là câu Đa-ni-ên 8:13 nêu ra một câu hỏi, được trả lời trong câu Đa-ni-ên 8:14. Nhà thần học Desmond Ford nói: “Tách Đa-ni-ên 8:14 khỏi câu hỏi này [“Cho đến bao giờ?” trong câu 13] là cách luận bình vô căn cứ”.b
Tại sao những người theo đạo Cơ đốc lại tách câu Đa-ni-ên 8:14 khỏi văn cảnh? Đó là để tránh một kết luận khó xử. Văn cảnh cho thấy rằng hoạt động của cái sừng nhỏ, nói đến nơi câu Đa-ni-ên 8:14, làm ô uế nơi thánh. Tuy nhiên, giáo lý về “sự điều tra để phán xét” cho rằng sự ô uế nơi thánh là do các hoạt động của đấng Christ. Người ta nói rằng ngài chuyển tội lỗi của những người tin đạo đến nơi thánh trên trời. Vậy thì điều gì xảy ra nếu những người theo đạo Cơ đốc chấp nhận cả giáo lý lẫn văn cảnh? Dr. Raymond F. Cottrell, một người theo đạo Cơ đốc và cựu chủ bút cộng sự của tờ SDA Bible Commentary, viết: “Tự gạt mình để tin rằng đạo CĐ lý giải câu Đa-ni-ên 8:14 đúng theo văn cảnh thì như thế phải nhận đấng Christ là sừng nhỏ”. Dr. Cottrell thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta không thể có cả văn cảnh lẫn sự lý giải của đạo Cơ đốc”. Do đó, muốn giữ lại giáo lý về “sự điều tra để phán xét”, thì Giáo hội Cơ đốc phải chọn—chấp nhận giáo lý hoặc văn cảnh của Đa-ni-ên 8:14. Đáng tiếc thay, giáo hội giữ lại giáo lý mà bỏ đi văn cảnh. Không ngạc nhiên gì khi Dr. Cottrell nói rằng những người hiểu biết Kinh-thánh trách những người theo đạo Cơ đốc “gán ghép cho Kinh-thánh” những gì “không thể rút ra được từ Kinh-thánh”!
Vào năm 1967, Dr. Cottrell chuẩn bị một bài học cho trường sa-bát về Đa-ni-ên, và ông gởi cho các nhà thờ thuộc đạo CĐ trên khắp thế giới. Bài học đó dạy rằng Đa-ni-ên 8:14 có liên hệ đến văn cảnh và ‘sự làm sạch’ không nói đến những người tin đạo. Điều đáng chú ý là bài học đó không hề nói đến “sự điều tra để phán xét”.
Những lời đáp đáng chú ý
Người theo đạo Cơ đốc biết đến độ nào việc trụ chốt này rất yếu không thể ủng hộ giáo lý về “sự điều tra để phán xét”? Dr. Cottrell hỏi 27 nhà thần học đứng đầu trong đạo Cơ đốc: ‘Các ông có thể cho những lý do nào về từ ngữ hay văn cảnh để liên kết Đa-ni-ên đoạn 8 và Lê-vi Ký đoạn 16?’ Họ đáp thế nào?
“Cả 27 người đều khẳng định rằng không có lý do nào về từ ngữ hay văn cảnh để áp dụng Đa-ni-ên 8:14 cho Ngày lễ Chuộc tội được tượng trưng trước và sự điều tra để phán xét”. Ông hỏi họ: ‘Các ông có những lý do nào khác về việc liên kết này?’ Đa số các học giả đạo Cơ đốc nói rằng họ không có lý do nào khác, năm người trả lời rằng họ liên kết điều này vì bà Ellen White đã làm thế, và hai người nói rằng họ dựa giáo lý này trên “sự ngẫu nhiên may mắn” trong bản dịch. Nhà thần học Ford nhận xét: “Những lời kết luận như thế của giới ưu tú trong số các học giả thực ra xác nhận rằng sự dạy dỗ truyền thống về Đa-ni-ên 8:14 là không thể bênh vực được”.
Sách Hê-bơ-rơ có giúp được gì không?
Trụ chốt thứ hai: Đa-ni-ên 8:14 được liên kết với Hê-bơ-rơ đoạn 9. Nhà thần học Ford nói: “Mọi công trình ban đầu của chúng tôi đều dựa trên Hê-bơ-rơ 9 để giải thích Đa-ni-ên 8:14”. Sự liên kết này phát sinh sau “Ngày Thất vọng Lớn” vào năm 1844. Để tìm kiếm sự hướng dẫn, đệ tử của Miller là Hiram Edson bỏ cuốn Kinh-thánh rơi xuống bàn để cho nó mở ra. Kết quả là gì? Kinh-thánh được mở ra nơi Hê-bơ-rơ đoạn 8 và 9. Ông Ford nói: “Còn điều gì có thể thích đáng và tượng trưng hơn cho lời khẳng định của những người theo đạo Cơ đốc rằng những đoạn này là bí quyết để hiểu ý nghĩa của năm 1844 và Đa-ni-ên 8:14!”
Trong sách Daniel 8:14, the Day of Atonement, and the Investigative Judgment, Dr. Ford nói thêm: “Lời khẳng định này là thiết yếu đối với những người theo đạo Cơ Đốc. Chỉ nơi Hê-bơ-rơ đoạn 9... chúng ta mới có thể tìm thấy lời giải thích chi tiết về ý nghĩa của... giáo lý về nơi thánh mà rất quan trọng đối với chúng ta”. Đúng vậy, Hê-bơ-rơ đoạn 9 là đoạn duy nhất trong “Tân Ước” giải thích ý nghĩa có tính cách tiên tri của Lê-vi Ký đoạn 16. Nhưng những người theo đạo Cơ đốc cũng nói rằng Đa-ni-ên 8:14 là câu duy nhất trong “Cựu Ước” giải thích điều này. Nếu cả hai lời tuyên bố đều đúng, thì hẳn phải có sự liên kết giữa Hê-bơ-rơ đoạn 9 và Đa-ni-ên đoạn 8.
Ông Desmond Ford nhận xét: “Khi đọc Hê-bơ-rơ đoạn 9, chúng ta thấy rõ một vài điều nào đó ngay. Rõ ràng là đoạn đó không ám chỉ đến sách Đa-ni-ên, và chắc chắn không nói đến Đa-ni-ên 8:14... Cả đoạn đó áp dụng cho Lê-vi Ký 16”. Ông nói: “Người ta không thể tìm thấy sự dạy dỗ của chúng ta về nơi thánh trong sách duy nhất thuộc Tân Ước bàn về ý nghĩa của những công việc ở nơi thánh. Các tác giả nổi tiếng thuộc đạo Cơ đốc trên khắp thế giới nhìn nhận điều này”. Vậy thì trụ chốt thứ hai cũng quá yếu, không thể ủng hộ giáo lý rắc rối này.
Tuy nhiên, lời kết luận này không có gì mới mẻ. Dr. Cottrell nói rằng nhiều năm qua “các học giả Kinh-thánh của giáo hội đã biết rõ những vấn đề liên quan đến cách lý giải truyền thống về Đa-ni-ên 8:14 và Hê-bơ-rơ 9”. Khoảng 80 năm trước, một người theo đạo Cơ đốc có thế lực là E. J. Waggoner viết: “Sự dạy dỗ của đạo Cơ đốc về nơi thánh, cùng với ‘sự điều tra để phán xét’..., hầu như chối bỏ sự chuộc tội” (Confession of Faith). Hơn 30 năm trước, những vấn đề như thế đã được trình lên Đại Hội Đồng, những người lãnh đạo Giáo hội CĐ.
Những vấn đề và chỗ bế tắc
Đại Hội Đồng bổ nhiệm một “Ủy ban lo về những vấn đề trong sách Đa-ni-ên”. Ủy ban này phải chuẩn bị một bản báo cáo về cách giải quyết những vấn đề khó khăn tập trung vào Đa-ni-ên 8:14. Mười bốn thành viên trong ủy ban nghiên cứu câu hỏi trong năm năm, nhưng đã không đưa ra một giải pháp nhất trí nào. Vào năm 1980, thành viên của ủy ban là ông Cottrell nói rằng đại đa số các thành viên trong ủy ban cảm thấy rằng lời lý giải của đạo Cơ đốc về Đa-ni-ên 8:14 có thể “được thiết lập thỏa đáng” bằng một loạt “những giả định” và họ “nên bỏ qua” vấn đề. Ông nói thêm: “Hãy nhớ là danh hiệu của ủy ban là ‘Ủy ban lo về những vấn đề trong sách Đa-ni-ên’, và đại đa số đề nghị là chúng ta nên bỏ qua và không đả động gì đến những vấn đề này”. Đó chẳng khác gì “thừa nhận rằng mình không có câu trả lời”. Cho nên một số ít người từ chối không ủng hộ quan điểm của đại đa số, và như thế không có bản báo cáo chính thức. Những vấn đề về giáo lý vẫn không được giải quyết.
Bình luận về chỗ bế tắc này, Dr. Cottrell nói: “Vấn đề về Đa-ni-ên 8:14 vẫn còn đó, vì cho đến nay chúng ta vẫn không sẵn lòng đối diện với sự kiện là chúng ta vẫn không giảng nghĩa được vấn đề. Vấn đề đó sẽ không biến đi nếu chúng ta vẫn cứ giả vờ cho là không có vấn đề, nếu chúng ta với tư cách cá nhân và tập thể cứ mù quáng chấp nhận những định kiến” (Spectrum, một nhật báo do the Association of Adventist Forums xuất bản).
Dr. Cottrell khuyên giục những người theo đạo Cơ đốc hãy “xem xét lại kỹ lưỡng các giả định căn bản và các nguyên tắc chú giải mà chúng ta đã dùng để lý giải đoạn văn mà đạo Cơ đốc xem là không thể thiếu được”. Chúng tôi khuyến khích những người theo đạo Cơ đốc xem xét giáo lý về “sự điều tra để phán xét” để biết là các trụ chốt của nó có căn cứ vững chắc trên Kinh-thánh hay là dựa trên nền tảng lung lay của truyền thống.c Sứ đồ Phao-lô khuyên giục một cách khôn ngoan: “Hãy xem-xét mọi việc, đều chi lành thì giữ lấy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:21).
[Chú thích]
a Cuốn Wilson’s Old Testament Word Studies định nghĩa tsadaq (hay tsa·dhaqʹ) là “công bình, được thanh minh”, và taheer (hay ta·herʹ) là “rõ ràng, sáng sủa và bóng loáng; tinh khiết, sạch, rửa sạch; được sạch khỏi mọi sự ô nhiễm và ô uế”.
b Dr. Ford là một giáo sư về tôn giáo ở trường Pacific Union College do nhà thờ bảo trợ ở Hoa Kỳ. Vào năm 1980, những người lãnh đạo CĐ cho ông nghỉ phép sáu tháng để nghiên cứu về giáo lý này, nhưng họ bác bỏ sự phát hiện của ông. Ông xuất bản những điều này trong sách Daniel 8:14, the Day of Atonement, and the Investigative Judgment.
c Muốn có lời giải thích hợp lý về Đa-ni-ên đoạn 8, xin xem sách “Your Will Be Done on Earth”, trang 188-219, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
[Khung nơi trang 27]
Đa-ni-ên 8:14 theo văn cảnh
ĐA-NI-ÊN 8:9 “Từ trong các sừng ấy, cái sừng nhỏ nhất, đã ngoi lên một cái sừng nữa. Sừng ấy lớn lên quá mức về phía Nam, về phía Đông và về phía (đất) diễm lệ. 10 Nó lớn lên thấu tận cơ binh trên trời, và làm cho nhào xuống đất một phần cơ binh và một phần tinh tú. Rồi nó đã chà đạp chúng. 11 Nó đã tự đại lấn át cả Đấng thống lĩnh cơ binh. Lễ tế hằng ngày dâng kính Người, nó đã phế bỏ; và chốn thánh điện của Người đã bị quẳng xó. 12 Cơ binh bị thí bỏ, làm một với lễ tế hằng ngày, nhân vì tội nghịch. Chân đạo, nó đã quăng xuống đất. Nó đã dám làm và nó đã thành công.
“13 Và tôi đã nghe một vị thánh ngỏ lời; và một vị thánh khác nói với vị đã ngỏ lời: ‘Cho đến bao giờ nữa thị kiến còn kéo dài: Lễ tế hằng ngày, tội nghịch tàn phá, cung thánh bị phó nộp, và cơ binh bị chà đạp?’ 14 Và vị ấy nói với vị kia: ‘Cho đến 2.300 chiều và sáng. Và thánh điện sẽ được phục hồi’ ” (Bản dịch Nguyễn thế Thuấn).