Sách Mishnah và Luật pháp Đức Chúa Trời ban cho Môi-se
“KHI bắt đầu đọc, chúng tôi có ấn tượng là bước vào một cuộc trò chuyện đã kéo dài từ lâu về những đề tài mà chúng tôi không thể hiểu nổi... Chúng tôi... có cảm tưởng như thể đang ngồi trong một phòng đợi tại phi trường ở xa. Chúng tôi hiểu lời người ta nói, nhưng chúng tôi bối rối vì ý nghĩa và mối quan tâm của họ, và đặc biệt vì sự khẩn trương trong giọng nói của họ”. Đây là cách học giả Do Thái Jacob Neusner miêu tả cảm tưởng mà người đọc có thể có khi đọc sách Mishnah lần đầu tiên. Ông Neusner nói thêm: “Sách Mishnah không biết bắt đầu từ chỗ nào. Nó kết thúc một cách bất ngờ”.
Trong sách A History of Judaism, Daniel Jeremy Silver gọi sách Mishnah là “tài liệu thiết yếu thuộc Do Thái giáo của giới ra-bi”. Thật vậy, ông bình luận thêm: “Cuốn Mishnah thay thế Kinh-thánh như là sách giáo khoa chính để [người Do Thái] học hỏi thêm”. Tại sao một cuốn sách có một lối viết khó hiểu lại có tầm mức quan trọng như thế?
Một phần của câu trả lời nằm trong câu này ghi trong sách Mishnah: “Môi-se đã nhận sách Torah tại Si-na-i và trao nó cho Giô-suê, Giô-suê trao lại cho các trưởng lão, và các trưởng lão trao cho các nhà tiên tri. Và các nhà tiên tri trao nó cho những người thuộc đại hội đồng” (Avot 1:1). Sách Mishnah tự nhận là dựa vào những tin tức được truyền lại cho Môi-se tại Núi Si-na-i—tức là một phần không được viết xuống trong Luật Pháp của Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Những người thuộc đại hội đồng (sau này được gọi là Tòa Công Luận) được xem như là thuộc dòng tộc những học giả khôn ngoan, hay uyên bác, là những người đã truyền bằng miệng một số dạy dỗ từ thế hệ này sang thế hệ kia cho đến khi cuối cùng được ghi vào sách Mishnah. Nhưng điều đó có đúng không? Ai thật sự đã viết cuốn Mishnah, và tại sao? Nội dung sách đó có phải xuất phát từ Môi-se tại Si-na-i không? Sách đó có ý nghĩa đối với chúng ta ngày nay không?
Do Thái giáo không có đền thờ
Vào lúc Đức Chúa Trời soi dẫn để viết ra Kinh-thánh, thì người ta không hề biết đến một luật truyền khẩu nào từ Đức Chúa Trời ngoài Luật thành văn của Môi-sea (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:27). Nhiều thế kỷ sau đó, người Pha-ri-si là một nhóm thuộc Do Thái giáo đã khai triển và phát huy khái niệm này. Trong thế kỷ thứ nhất CN, người Sa-đu-sê và những người Do Thái khác đều chống lại sự dạy dỗ này vì nó không thuộc Kinh-thánh. Tuy nhiên, hễ đền thờ ở thành Giê-ru-sa-lem còn là trung tâm thờ phượng của người Do Thái, thì luật truyền khẩu là vấn đề phụ. Việc thờ phượng tại đền thờ giúp đời sống mỗi người Do thái có được nền nếp và có phần ổn định nào đó.
Tuy nhiên, vào năm 70 CN, nước Do Thái phải đương đầu với một sự khủng hoảng về tôn giáo ngoài sức tưởng tượng. Thành Giê-ru-sa-lem bị đạo quân La Mã hủy diệt, và hơn một triệu người Do Thái bị giết. Đền thờ, trung tâm đời sống thiêng liêng của họ, không còn nữa. Sống theo Luật Pháp Môi-se là một điều không thể thực hiện được vì luật pháp ấy đòi hỏi việc dâng của-lễ và dịch vụ của thầy tế lễ tại đền thờ. Nền tảng của Do Thái giáo đã biến mất. Học giả truyền thống Do Thái là Adin Steinsaltz viết: “Sự hủy diệt... vào năm 70 CN đã khiến việc tái lập toàn bộ cấu trúc đời sống tôn giáo là một điều hết sức cần thiết”. Và họ quả đã tái dựng lại.
Ngay cả trước khi đền thờ bị hủy diệt, Yohanan Ben Zakkai, một đệ tử được kính nể của lãnh tụ Pha-ri-si là Hillel, được Vespasian (sắp sửa trở thành hoàng đế) cho phép dời trung tâm thiêng liêng của Do thái giáo và Tòa Công Luận từ thành Giê-ru-sa-lem đến làng Yavneh. Như Steinsaltz giải thích, sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt, Yohanan Ben Zakkai “đã gặp thách đố trong việc thiết lập một trung tâm mới cho dân chúng và giúp họ thích ứng với hoàn cảnh mới trong đó lòng sùng đạo được hướng vào một trọng tâm khác, vì Đền Thờ giờ đây không còn tồn tại nữa”. Trọng tâm mới chính là luật truyền khẩu.
Sau khi đền thờ bị tàn phá, phái Sa-đu-sê và những phái Do Thái khác không đưa ra một điều gì khác để thay thế cho đền thờ. Phái Pha-ri-si trở thành phần tử chính trong Do Thái giáo và đã hòa nhập được các nhóm chống đối. Nhằm nhấn mạnh sự hợp nhất, các ra-bi đứng đầu đã ngừng tự gọi mình là Pha-ri-si, một danh từ có những hàm ý đảng phái và thiên lệch. Họ được người ta gọi một cách đơn giản là ra-bi, “nhà uyên bác của I-xra-en”. Những nhà uyên bác này tạo ra một hệ thống tín ngưỡng bao quanh khái niệm của họ về luật truyền khẩu. Điều này là một cấu trúc thiêng liêng khó cho con người tấn công hơn là đền thờ.
Gộp lại những truyền khẩu
Mặc dù học viện ra-bi tại Yavneh (40 cây số phía tây Giê-ru-sa-lem) bấy giờ là trung tâm chính, nhưng các học viện khác cũng dạy dỗ luật truyền khẩu bắt đầu mọc lên khắp I-xra-en và lan rộng ngay cả đến tận Ba-by-lôn và Rô-ma. Tuy nhiên, điều này đã tạo ra một vấn đề. Steinsaltz giải thích: “Hễ tất cả các nhà uyên bác còn nhóm lại với nhau và phần lớn công việc nghiên cứu được một nhóm người [ở Giê-ru-sa-lem] thực hiện, thì sự đồng nhất về truyền thống còn được bảo tồn. Nhưng đến khi số các thầy giáo gia tăng và những trường học riêng rẽ được thành lập thì lại tạo ra... quá nhiều cách thức và phương thức diễn đạt”.
Những người dạy luật truyền khẩu được gọi là Tannaim, một từ ngữ được lấy từ một chữ của tiếng A-ram có nghĩa là “học hỏi”, “lặp lại” hoặc “dạy dỗ”. Điều này nhấn mạnh cách họ học và dạy luật truyền khẩu bằng cách luôn lặp đi lặp lại và học thuộc lòng. Nhằm giúp dễ học thuộc lòng những lời truyền khẩu, mỗi quy tắc hoặc truyền thống được rút ngắn thành một câu ngắn gọn. Càng ít chữ thì càng tốt. Các ra-bi tìm cách để chế những câu này thành câu thơ có vần và điệu, và những câu thơ này thường được người ta tụng hoặc hát. Tuy nhiên, những quy tắc này cũng hỗn độn, và cũng khác nhau rất nhiều tùy theo thầy giáo.
Thầy ra-bi đầu tiên thiết lập hình thức và cấu trúc rõ rệt cho nhiều lời truyền khẩu khác nhau là Akiba ben Joseph (khoảng năm 50-135 CN). Nói về ông, Steinsaltz viết: “Những người đương thời với ông đã ví công việc của ông như công việc của người ra ngoài đồng và chất bất cứ những gì tìm được vào cái thúng, rồi trở về nhà và sắp riêng rẽ mỗi loại. Akiba đã nghiên cứu rất nhiều đề tài hỗn hợp và phân loại thành những đề tài riêng biệt”.
Vào thế kỷ thứ hai CN—hơn 60 năm sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt—Bar Kohbar cầm đầu cuộc nổi dậy lớn thứ hai chống lại chính quyền La Mã. Một lần nữa, cuộc nổi dậy mang lại thảm họa. Akiba và nhiều đệ tử của ông nằm trong số gần một triệu người Do Thái bị chết. Bất cứ niềm hy vọng nào về việc xây cất lại đền thờ đều bị tiêu tán khi Hoàng Đế La Mã là Hadrian tuyên bố cấm người Do Thái vào thành Giê-ru-sa-lem, ngoại trừ vào ngày kỷ niệm đền thờ bị hủy diệt.
Người Tannaim sống sau thời Akiba chưa bao giờ thấy đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Nhưng mẫu mực nề nếp trong việc học hỏi luật truyền khẩu trở thành “đền thờ”, hoặc trung tâm thờ phượng của họ. Công trình do Akiba và các đệ tử của ông khởi đầu trong việc làm kiên cố cấu trúc của luật truyền khẩu đã được người Tannaim cuối cùng là Judah ha-Nasi đảm nhận.
Tiến trình sáng tác sách Mishnah
Judah ha-Nasi là con cháu của Hillel và Ga-ma-li-ên.b Sanh ra trong thời kỳ nổi dậy của Bar Kokhba, ông trở thành người đứng đầu của cộng đồng Do Thái ở I-xra-en khoảng gần cuối thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ ba CN. Tước hiệu ha-Nasi có nghĩa “quan trưởng”, cho thấy địa vị của ông trước mắt những người Do Thái khác. Ông thường được người ta gọi cách đơn giản là “Ra-bi”. Judah ha-Nasi đứng đầu cả học viện riêng của ông lẫn Tòa Công Luận, trước hết tại Bet She’arim và sau này tại Sepphoris ở xứ Ga-li-lê.
Ý thức rằng các cuộc đụng độ trong tương lai với chính quyền La Mã có thể gây nguy hại đến việc truyền đạt luật truyền khẩu, Judah ha-Nasi quyết tâm lập một cấu trúc cho luật truyền khẩu để bảo đảm sự tồn tại của nó. Ông tập hợp những học giả xuất chúng vào thời đó tại học viện mình. Mỗi đặc điểm của luật truyền khẩu được thảo luận. Những phần đúc kết của các cuộc thảo luận được cô đọng lại thành những câu rất ngắn ngọn, rập theo khuôn mẫu chặt chẽ của văn thơ tiếng Hê-bơ-rơ.
Các bản đúc kết này được xếp vào sáu phần, hay Quy Tắc, dựa theo đề tài chính. Judah chia các phần này ra thành 63 phần nhỏ, hay luận thuyết. Giờ đây tòa nhà thiêng liêng đã được hoàn tất. Những truyền thống ấy bấy giờ chỉ được truyền lại bằng miệng. Nhưng nhằm bảo vệ các truyền thống chặt chẽ hơn, một cuộc cách mạng cuối cùng đã diễn ra—đó là viết xuống tất cả những điều này. Tác phẩm mới đầy công phu này chứa luật truyền khẩu được gọi là sách Mishnah. Cái tên Mishnah đến từ chữ gốc Hê-bơ-rơ sha·nahʹ, có nghĩa “lặp lại”, “học hỏi” hoặc “dạy dỗ”. Nó tương đương với chữ trong tiếng A-ram là tena’ʹ, từ đó mới ra chữ tan·na·ʼimʹ, từ ngữ để chỉ về những người dạy sách Mishnah.
Mục đích của sách Mishnah không phải là để tóm lược bộ luật Do thái. Sách đề cập đến những trường hợp ngoại lệ nhiều hơn với ngụ ý là độc giả đã biết đến các nguyên tắc căn bản. Thật ra, sách ấy tóm tắt những gì đã được thảo luận và được dạy trong các học viện ra-bi trong thời của Judah ha-Nasi. Sách Mishnah chỉ nêu ra những nét đại cương của luật truyền khẩu để bàn luận thêm, một dàn bài trơ trụi, hoặc một cấu trúc đơn sơ, để từ đó xây cất thêm.
Thay vì tiết lộ những điều mà Môi-se được ban cho tại Núi Si-na-i, sách Mishnah giải nghĩa về diễn tiến của luật truyền khẩu, một khái niệm bắt đầu từ người Pha-ri-si. Tài liệu được ghi lại trong sách Mishnah làm sáng tỏ một phần nào về những lời trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp và một số cuộc thảo luận giữa Chúa Giê-su Christ và người Pha-ri-si. Tuy nhiên, ta cần phải thận trọng bởi vì những ý tưởng tìm thấy trong sách Mishnah phản ảnh những quan điểm của người Do Thái từ thế kỷ thứ hai CN. Sách Mishnah là cầu nối giữa thời đền thờ thứ hai và truyền thống Do Thái.
[Chú thích]
a Để biết thêm chi tiết, xin xem trang 8-11 của sách mỏng Will There Ever Be a World Without War? do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản.
b Xin xem bài “Ga-ma-li-ên—Người đã dạy Sau-lơ ở Tạt-sơ” trong Tháp Canh số ngày 15-7-1996.
[Khung nơi trang 26]
Các phần của sách Mishnah
Sách Mishnah được chia thành sáu Quy Tắc. Những Quy Tắc này bao gồm 63 sách nhỏ, hoặc luận thuyết, được chia ra thành chương và mishnayot, tức là các đoạn (không phải là câu).
1. Zeraim (Luật nông nghiệp)
Các luận thuyết này bàn luận về cách cầu nguyện về đồ ăn và về các vấn đề liên hệ đến nông nghiệp. Zeraim cũng bao gồm luật pháp về thập phân, phần cho thầy tế lễ, việc mót cây trái và năm Sa-bát.
2. Moed (Những lễ thánh, lễ hội)
Các luận thuyết trong Quy Tắc này bàn về luật pháp liên quan đến ngày Sa-bát, Ngày Lễ Chuộc Tội và những lễ khác.
3. Nashim (Đàn bà, Luật hôn nhân)
Các luận thuyết này bàn về hôn nhân và ly dị, lời hứa nguyện, người Na-xi-rê và trường hợp bị nghi phạm tội ngoại tình.
4. Nezikin (Tiền bồi thường và Dân Luật)
Các luận thuyết trong Quy Tắc này bao gồm những đề tài liên quan đến luật dân sự và tài sản, tòa án và hình phạt, nhiệm vụ của Tòa Công Luận, sự thờ hình tượng, lời thề và Đạo lý của các Cha (Avot).
5. Kodashim (Của-lễ)
Các luận thuyết này bàn về phép tắc liên quan đến của-lễ thú vật và của-lễ chay và cũng bàn đến kích thước của đền thờ.
6. Toharot (Nghi thức tẩy uế)
Quy Tắc này gồm có các luận thuyết bàn đến việc tẩy uế theo lễ nghi, việc tắm, rửa tay, những bệnh về da và sự ô uế của những đồ vật khác nhau.
[Khung nơi trang 28]
Sách Mishnah và Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp
Ma-thi-ơ 12:1, 2: “Lúc đó, nhằm ngày Sa-bát, Đức Chúa Jêsus đi qua giữa đồng lúa mì; các môn-đồ đói, bứt bông lúa mà ăn. Người Pha-ri-si thấy vậy, bèn nói cùng Ngài rằng: Kìa, môn-đồ thầy làm đều không nên làm trong ngày Sa-bát”. Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ không cấm điều các sứ đồ của Chúa Giê-su đã làm. Nhưng trong sách Mishnah chúng ta thấy một bản kê 39 việc bị các ra-bi cấm làm trong ngày Sa-bát—Shabbat 7:2.
Ma-thi-ơ 15:3: “Ngài [Chúa Giê-su] đáp rằng: Còn các ngươi sao cũng vì cớ lời truyền-khẩu mình mà phạm điều-răn của Đức Chúa Trời?” Sách Mishnah xác nhận về thái độ này (Sanhedrin 11:3). Chúng ta đọc: “Người ta nghiêm chỉnh vâng theo lời của các thầy thông giáo hơn là lời của Luật pháp. Nếu một người nói: “Ta không bị buộc phải đeo hộp kinh” thì người đó vi phạm Luật Pháp, nhưng không đáng bị khiển trách; [nhưng nếu người đó nói]: “Hộp kinh phải được chia ra năm ngăn”, thì người đó thêm bớt các lời của Thầy thông giáo, người đó đáng bị khiển trách”—The Mishnah, theo Herbert Danby, trang 400.
Ê-phê-sô 2:14: “Ấy chính Ngài [Chúa Giê-su] là sự hòa-hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn-cách”. Sách Mishnah nói: “Bên trong khu Đền Thờ là hàng rào mắt cáo (Soreg), cao tới mười bàn tay” (Middot 2:3). Dân ngoại không được phép đi qua hàng rào này và bước vào hành lang bên trong. Sứ đồ Phao-lô có lẽ muốn nói đến bức tường này theo nghĩa bóng trong lá thư ông viết cho người Ê-phê-sô vào năm 60 hoặc 61 CN, khi bức tường đó còn tồn tại. Giao ước Luật Pháp được tượng trưng bởi bức tường đã từng ngăn cách dân Do Thái và dân ngoại. Tuy nhiên, dựa trên căn bản sự chết của đấng Christ vào năm 33 CN, bức tường đó đã bị phá bỏ.