Một kho tàng giấu kín được khám phá
Câu chuyện cuốn Kinh-thánh Makarios
VÀO năm 1993, một nhà khảo cứu tìm thấy một chồng tạp chí Orthodox Review cũ, bị ố vàng trong Thư Viện Quốc Gia Nga ở thành phố St. Petersburg. Nằm giữa những trang giấy in của các số tạp chí từ năm 1860 đến năm 1867 là một kho tàng đã bị che khuất khỏi công chúng nước Nga hơn một thế kỷ qua. Đó chính là bản dịch toàn bộ Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ hay phần “Cựu Ước” của Kinh-thánh trong tiếng Nga!
Những dịch giả của bản Kinh-thánh đó là Mikhail Iakovlevich Glukharev, cũng được gọi là tu viện trưởng Makarios, và Gerasim Petrovich Pavsky. Cả hai đều là những thành viên cao cấp trong Giáo Hội Chính Thống Nga và cũng là những học giả về ngôn ngữ. Khi những người này bắt tay vào công việc dịch thuật vào đầu thế kỷ trước, bản Kinh-thánh trọn bộ chưa được dịch sang tiếng Nga.
Đành rằng đã có cuốn Kinh-thánh trong tiếng Slavonic, tiếng gốc của tiếng Nga ngày nay, nhưng đến giữa thế kỷ 19, tiếng Slavonic đã từ lâu không còn được sử dụng nữa ngoại trừ trong các buổi lễ tôn giáo, giới giáo phẩm mới dùng đến nó. Tình trạng tương tự đã xảy ra ở Tây Phương, nơi mà Giáo Hội Công Giáo La Mã đã tìm cách giữ Kinh-thánh hoàn toàn trong tiếng La-tinh, dù tiếng này đã trở thành ngôn ngữ chết từ lâu.
Makarios và Pavsky tìm cách đưa Kinh-thánh đến tay thường dân. Vì vậy, việc khám phá tác phẩm của họ, bị quên bẵng từ lâu, đã giúp tái lập một phần quan trọng về di sản văn học và tôn giáo của nước Nga.
Tuy nhiên, Makarios và Pavsky là ai vậy? Và tại sao các nỗ lực của họ trong việc dịch Kinh-thánh sang ngôn ngữ phổ thông lại gặp chống đối như thế? Chuyện của họ vừa thú vị vừa làm vững mạnh đức tin cho tất cả những ai yêu chuộng Kinh-thánh.
Nhu cầu cần có bản Kinh-thánh bằng tiếng Nga
Makarios và Pavsky không phải là những người đầu tiên thấy cần phải có Kinh-thánh trong ngôn ngữ phổ thông của dân chúng. Một trăm năm trước đó, Nga hoàng Peter I, hay Đại Đế Peter, cũng đã nhìn thấy nhu cầu như thế. Điều đáng chú ý là ông tôn trọng Kinh-thánh và đã nói: “Kinh-thánh là quyển sách trội hơn tất cả sách khác, và Kinh-thánh chứa đựng mọi điều liên quan đến bổn phận của con người với Đức Chúa Trời và với người đồng loại”.
Vì vậy, vào năm 1716, Đại Đế ra lệnh cho triều đình của ông in một cuốn Kinh-thánh ở Amsterdam, do chính ông tài trợ. Mỗi trang có một cột bằng tiếng Nga và một cột bằng tiếng Hà Lan. Chỉ một năm sau, vào năm 1717, Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp, hay phần “Tân Ước”, được in xong.
Đến năm 1721, bản dịch bằng tiếng Hà Lan của Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, gồm bốn bộ, cũng được in xong. Một cột được bỏ trống, để sau này người ta điền chữ Nga vào. Đại Đế Peter trao những cuốn Kinh-thánh này cho “Hội Nghị Tôn Giáo Thánh” của Giáo Hội Chính Thống Nga—cơ quan có quyền hành cao nhất trong giáo hội—để đảm trách công việc ấn loát và quản lý việc phát hành. Tuy nhiên, hội nghị tôn giáo đã không hoàn tất công việc.
Khoảng gần bốn năm sau, Đại Đế Peter qua đời. Còn Kinh-thánh của ông thì sao? Hàng cột trống dành cho chữ Nga đã không được điền vào. Những cuốn Kinh-thánh này được xếp thành những chồng lớn ở dưới hầm, rồi chúng đều bị mục nát—đến nỗi sau này người ta không thể tìm ra được một cuốn còn nguyên vẹn! Hội nghị tôn giáo quyết định “bán tất cả những gì còn lại cho những lái buôn”.
Các cố gắng dịch thuật bắt đầu
Vào năm 1812, John Paterson, một hội viên của Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Ngoại Quốc, đến nước Nga. Paterson khơi gợi sự chú ý của giới trí thức ở St. Petersburg trong việc thành lập một hội Thánh Kinh. Vào ngày 6-12-1812—cùng năm quân đội Nga đẩy lùi đoàn quân xâm lược của Nã Phá Luân I—Nga Hoàng Alexander I chấp thuận hiến chương cho Thánh Kinh hội Nga hoạt động. Vào năm 1815, Nga hoàng ra lệnh cho chủ tịch của hội, Hoàng Gia Aleksandr Golitsyn, đề nghị với ban lãnh đạo hội nghị tôn giáo rằng “dân Nga cũng phải có cơ hội đọc Lời của Đức Chúa Trời trong tiếng mẹ đẻ của họ”.
Cái hay là người ta cho phép dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ trực tiếp từ tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy sang tiếng Nga. Người ta đã từng căn cứ vào bản Kinh-thánh cổ tiếng Hy Lạp Septuagint để dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Slavonic. Những người dịch Kinh-thánh sang tiếng Nga đã được cho biết rằng các quy tắc chính trong việc dịch thuật là phải chính xác, rõ ràng và tinh khiết. Điều gì đã xảy ra cho các nỗ lực ban đầu này để cung cấp cuốn Kinh-thánh trong tiếng Nga?
Một đòn chí tử cho việc dịch Kinh-thánh?
Các thành phần bảo thủ trong cả nhà thờ lẫn chính phủ chẳng bao lâu tỏ ra thận trọng với ảnh hưởng về tôn giáo và chính trị của nước ngoài. Hơn nữa, một số nhà lãnh đạo giáo hội cho rằng tiếng Slavonic—ngôn ngữ dùng trong các nghi lễ—diễn tả thông điệp Kinh-thánh hay hơn tiếng Nga.
Vì thế Thánh Kinh Hội Nga bị giải tán vào năm 1826. Hàng ngàn cuốn Kinh-thánh do Thánh Kinh Hội dịch và xuất bản đều bị đốt. Kết quả là Kinh-thánh đã trở thành điều phụ, được đặt sau nghi lễ và truyền thống. Bắt chước theo kiểu mẫu do Giáo Hội Công Giáo đặt ra, hội nghị tôn giáo đã phán quyết vào năm 1836: “Bất cứ giáo dân nào sùng đạo đều được phép nghe Kinh-thánh, nhưng không ai được phép đọc Kinh-thánh dù là một vài phần, đặc biệt phần Cựu Ước, mà không có sự hướng dẫn”. Việc dịch Kinh-thánh dường như bị một đòn chí tử.
Công trình của Pavsky
Trong lúc ấy, Gerasim Pavsky, giáo sư về tiếng Hê-bơ-rơ, đảm nhận nhiệm vụ dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Nga. Vào năm 1821, ông dịch xong sách Thi-thiên. Nga hoàng nhanh chóng phê chuẩn bản dịch này, và đến tháng 1 năm 1822, sách Thi-thiên được ra mắt công chúng. Người ta chấp nhận sách này ngay lập tức, đến nỗi sách phải được in lại 12 lần—tổng cộng là 100.000 cuốn!
Qua các cố gắng soạn thảo uyên thâm, Pavsky đã được nhiều nhà thần học và học giả về ngôn ngữ kính trọng. Ông được miêu tả như là một người thẳng thắn và thành thật, không bị ảnh hưởng bởi những âm mưu bao quanh ông. Dù nhà thờ chống Thánh Kinh Hội Nga và sự kiện một số người nghĩ rằng Hội này đại diện cho các quyền lợi của nước ngoài, Giáo Sư Pavsky vẫn tiếp tục dịch các câu Kinh-thánh sang tiếng Nga trong các buổi thuyết trình. Các sinh viên có lòng hâm mộ đã chép lại những câu mà ông đã dịch, và sau này, họ đã có thể soạn thành tác phẩm của ông. Vào năm 1839, họ đã mạnh bạo dùng máy in tại học viện xuất bản 150 cuốn mà không có giấy phép của ban kiểm duyệt.
Bản dịch của Pavsky gây một ấn tượng sâu đậm trong trí người đọc, và nhu cầu bản dịch càng ngày càng gia tăng. Nhưng vào năm 1841, một người giấu tên đã than phiền với hội nghị tôn giáo về “sự nguy hiểm” của bản dịch này, cho rằng bản dịch đã đi lệch khỏi giáo điều của đạo Chính Thống. Hai năm sau, hội nghị tôn giáo ban bố một quyết nghị: “Tịch thu tất cả những bản dịch phần Cựu Ước của G. Pavsky, được chép bằng tay hoặc được in bằng đá hiện đang lưu hành và đem đi thiêu hủy”.
Tôn vinh danh của Đức Chúa Trời
Tuy nhiên, Pavsky đã khơi dậy sự chú ý trong việc dịch Kinh-thánh. Ông cũng đặt ra một tiền lệ quan trọng cho những dịch giả trong tương lai liên quan đến một vấn đề quan trọng khác—danh của Đức Chúa Trời.
Nhà khảo cứu người Nga tên là Korsunsky giải thích: ‘Danh của Đức Chúa Trời, danh chí thánh của ngài, gồm có bốn chữ Hê-bơ-rơ יהוה và hiện nay được phát âm là Giê-hô-va’. Trong những bản Kinh-thánh xưa, tên riêng của Đức Chúa Trời xuất hiện hàng ngàn lần chỉ riêng trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Tuy nhiên, người Do Thái có sự tin tưởng sai lầm là danh Đức Chúa Trời quá thánh khiết đến nỗi không nên viết hay phát âm. Về điều này, Korsunsky nhận xét: ‘Trong văn nói hoặc văn viết, người ta thường thay thế danh Đức Chúa Trời bằng chữ Adonai, một chữ thường được dịch là “Chúa” ’.
Rõ ràng việc bỏ dùng danh của Đức Chúa Trời là do sự sợ hãi có tính cách dị đoan—chứ không phải vì kính sợ Đức Chúa Trời. Không có nơi nào trong Kinh-thánh ngăn cản việc dùng danh của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời đã bảo Môi-se: “Ngươi sẽ nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của tổ-phụ các ngươi... sai ta đến cùng các ngươi. Ấy đó là danh đời đời của ta, ấy sẽ là kỷ-niệm của ta trải qua các đời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15). Kinh-thánh nhiều lần kêu gọi những người thờ phượng: “Hãy cảm-tạ Đức Giê-hô-va; hãy kêu-cầu danh Ngài” (Ê-sai 12:4). Tuy nhiên, phần đông các dịch giả Kinh-thánh đều chọn đi theo truyền thống Do Thái và đã tránh dùng danh của Đức Chúa Trời.
Thế nhưng, Pavsky đã không theo các truyền thống này. Chỉ trong bản dịch sách Thi-thiên của ông, danh Giê-hô-va xuất hiện hơn 35 lần. Sự dạn dĩ của ông có ảnh hưởng đáng kể đối với một người đương thời với ông.
Tu viện trưởng Makarios
Người đương thời này chính là tu viện trưởng Makarios, giáo sĩ của Giáo Hội Chính Thống, có năng khiếu khác thường về ngôn ngữ. Khi mới bảy tuổi, ông có thể dịch những câu văn ngắn từ tiếng Nga sang tiếng La-tinh. Đến 20 tuổi, ông đã biết tiếng Hê-bơ-rơ, Đức, và Pháp. Tuy nhiên, thái độ khiêm nhường và ý thức sâu sắc về trách nhiệm của ông đối với Đức Chúa Trời đã giúp ông tránh rơi vào cái bẫy quá tự tin. Nhiều lần ông đã hỏi ý kiến của các nhà ngôn ngữ học và học giả khác.
Makarios muốn cải cách sinh hoạt giáo sĩ ở Nga. Ông cảm thấy rằng trước khi truyền đạo đấng Christ cho người Hồi Giáo và Do Thái ở Nga, thì nhà thờ phải “dạy dỗ giáo dân bằng cách thành lập các trường học và phân phát Kinh-thánh bằng tiếng Nga”. Vào tháng 3 năm 1839, Makarios đến St. Petersburg, hy vọng nhận được giấy phép để dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Nga.
Makarios đã dịch xong sách Ê-sai và Gióp. Tuy nhiên, hội nghị tôn giáo từ chối không cho phép ông dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Nga. Thật ra, họ bảo Makarios nên gạt bỏ ý tưởng dịch Kinh-thánh đó đi. Hội nghị tôn giáo đưa ra một phán quyết, ngày 11-4-1841, ra lệnh Makarios “phải ăn năn hối lỗi từ ba đến sáu tuần tại nhà của một vị giám mục ở Tomsk để rửa sạch lương tâm qua việc cầu nguyện và thuần phục”.
Lập trường dạn dĩ của Makarios
Từ tháng 12-1841 đến tháng 1-1842, Makarios thực hiện việc ăn năn hối lỗi. Nhưng vừa khi việc đó hoàn tất, ông lập tức bắt đầu dịch nốt Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Ông dùng bản dịch Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ của Pavsky để kiểm lại cách dịch của mình. Giống Pavsky, ông từ chối giấu tên của Đức Chúa Trời. Thật ra, danh Đức Giê-hô-va xuất hiện hơn 3.500 lần trong bản dịch của Makarios!
Makarios gởi bản sao tác phẩm mình đến những bạn bè có cảm tình. Mặc dù một số ít bản sao chép tay đã được phân phối, giáo hội vẫn cản trở việc xuất bản tác phẩm của ông. Makarios dự tính quảng bá Kinh-thánh của ông ra nước ngoài. Vào buổi tối trước khi lên đường, ông mắc bệnh và rồi ít lâu sau đó qua đời, vào năm 1847. Bản dịch Kinh-thánh của ông đã không được xuất bản trong đời ông.
Cuối cùng được xuất bản!
Cuối cùng, chiều hướng chính trị và tôn giáo biến chuyển. Một tư tưởng khoáng đạt đã lan tràn khắp nước, và vào năm 1856, hội nghị tôn giáo một lần nữa chấp thuận việc dịch Kinh-thánh sang tiếng Nga. Trong bầu không khí thuận lợi này, bản Kinh-thánh Makarios được đăng thành nhiều kỳ trên tạp chí Orthodox Review từ năm 1860 đến năm 1867, dưới tựa đề An Experiment of Translation Into the Russian Language.
Tổng giám mục địa phận Chernigov là Filaret, học giả về văn học tôn giáo của Nga, đã đánh giá như sau về bản Kinh-thánh Makarios: “Bản dịch của ông theo sát Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ, và ngôn ngữ dùng trong bản dịch rất thuần khiết và thích hợp với chủ đề”.
Tuy nhiên, bản Kinh-thánh Makarios không được phát hành rộng rãi cho công chúng. Trên thực tế, bản Kinh-thánh này hầu như hoàn toàn bị quên bẵng. Vào năm 1876, toàn bộ cuốn Kinh-thánh, gồm cả Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ lẫn tiếng Hy Lạp, cuối cùng được dịch sang tiếng Nga với sự chấp thuận của hội nghị tôn giáo. Cuốn Kinh-thánh trọn bộ này thường được người ta gọi là bản dịch của hội nghị tôn giáo. Điều phi lý là bản dịch Kinh-thánh của Makarios, cùng với bản dịch của Pavsky, được dùng để làm nguồn tư liệu chính cho bản dịch “chính thức” này của Giáo Hội Chính Thống Nga. Nhưng bản dịch này chỉ dùng danh của Đức Giê-hô-va ở vài nơi mà danh đó xuất hiện trong tiếng Hê-bơ-rơ.
Bản Kinh-thánh Makarios ngày nay
Bản Kinh-thánh Makarios tiếp tục bị che khuất cho đến năm 1993. Như đã được nói đến trong phần mở đầu, vào lúc ấy một bản sao của bản Kinh-thánh này được tìm thấy trong những tạp chí Orthodox Review cũ, ở trong khu những sách hiếm của Thư Viện Quốc Gia Nga. Nhân-chứng Giê-hô-va nhận thấy giá trị trong việc đưa bản Kinh-thánh này đến tay công chúng. Thư viện cho phép Tổ Chức Tôn Giáo của Nhân-chứng Giê-hô-va ở Nga có được một bản sao của Kinh-thánh Makarios để họ có thể chuẩn bị cho việc xuất bản.
Sau đó Nhân-chứng Giê-hô-va sắp đặt in ở nước Ý gần 300.000 cuốn để phân phát trên khắp nước Nga và nhiều nước khác có người nói tiếng Nga. Ngoài bản dịch của Makarios gồm phần lớn các sách trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, cuốn Kinh-thánh này còn chứa đựng bản dịch sách Thi-thiên của Pavsky cũng như bản dịch Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp của hội nghị tôn giáo được Giáo Hội Chính Thống phê chuẩn.
Vào tháng Giêng năm nay, cuốn Kinh-thánh này đã được ra mắt trong buổi họp báo ở thành phố St. Petersburg, Nga (Xin xem trang 26). Những người đọc tiếng Nga chắc chắn sẽ hiểu rõ và được nâng cao về mặt tôn giáo và đạo đức nhờ cuốn Kinh-thánh mới này.
Do đó, việc xuất bản cuốn Kinh-thánh này là một chiến thắng về mặt tôn giáo và văn học! Đó cũng là một sự nhắc nhở làm vững mạnh đức tin về sự trung thực của câu Ê-sai 40:8: “Cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời”.
[Khung/Các hình nơi trang 26]
Kinh Thánh được các Nhà Phê Bình khen ngợi
“LẠI còn một công trình văn hóa khác mới được ra mắt: Kinh-thánh Makarios”. Với lời mở đầu đó, tờ báo Komsomolskaya Pravda thông báo sự ra mắt cuốn Kinh-thánh Makarios.
Sau khi ghi nhận rằng mãi cho đến “cách đây khoảng 120 năm”, Kinh-thánh mới xuất hiện lần đầu tiên trong tiếng Nga, tờ báo này than phiền: “Trong nhiều năm nhà thờ đã chống đối việc dịch Kinh-thánh sang một ngôn ngữ dễ đọc và dễ hiểu. Sau khi bác bỏ một số bản dịch, rốt cuộc nhà thờ chấp nhận một bản dịch vào năm 1876, sau này được gọi là bản dịch Kinh-thánh của hội nghị tôn giáo. Tuy nhiên, người ta không cho phép mang bản dịch này vào trong nhà thờ. Cho đến bây giờ, cuốn Kinh-thánh duy nhất được nhà thờ công nhận là cuốn Kinh-thánh trong tiếng Slavonic”.
Tờ báo St. Petersburg Echo cũng cho thấy giá trị của việc xuất bản cuốn Kinh-thánh Makarios, đồng thời nhận xét: “Những học giả có thẩm quyền từ đại học St. Petersburg State University, Herzen Pedagogical University và viện bảo tàng State Museum of Religious History đã đề cao bản Kinh-thánh mới này”. Đề cập đến Makarios và Pavsky dịch Kinh-thánh sang tiếng Nga vào tiền bán thế kỷ trước, tờ báo nói: “Cho đến lúc đó, ở nước Nga người ta chỉ có thể đọc Kinh-thánh trong tiếng Slavonic, thứ tiếng mà chỉ những người thuộc hàng ngũ giáo phẩm mới hiểu được”.
Việc Nhân-chứng Giê-hô-va cho ra mắt cuốn Kinh-thánh Makarios đã được từng thuật trong cuộc họp báo ở St. Petersburg vào đầu năm nay. Tờ nhật báo địa phương Nevskoye Vremya đã nhận xét: “Các học giả có thẩm quyền... nhấn mạnh rằng bản Kinh-thánh này phải được thẩm định như một sự kiện có tầm mức vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa của nước Nga và St. Petersburg. Bất kể một người nghĩ gì về sinh hoạt của tổ chức tôn giáo này, việc xuất bản cuốn Kinh-thánh này mà trước đây không ai biết đến chắc chắn là điều ích lợi lớn”
Hiển nhiên, tất cả những người yêu mến Đức Chúa Trời đều thích thú khi Lời được viết ra của ngài được phổ biến trong ngôn ngữ mà dân thường có thể đọc và hiểu. Những người yêu chuộng Kinh-thánh khắp mọi nơi đều thích thú khi có một bản dịch Kinh-thánh khác cho hàng triệu người nói tiếng Nga trên khắp thế giới.
[Hình]
Việc ra mắt cuốn Kinh-thánh Makarios đã được thông báo tại cuộc họp báo này
[Hình nơi trang 23]
Thư Viện Quốc Gia Nga, nơi mà kho tàng giấu kín được tìm thấy
[Hình nơi trang 23]
Đại Đế Peter cố gắng xuất bản Kinh-thánh bằng tiếng Nga
[Nguồn tư liệu]
Corbis-Bettmann
[Hình nơi trang 24]
Gerasim Pavsky, người đã góp công trong việc dịch Kinh-thánh sang tiếng Nga
[Hình nơi trang 25]
Tu viện trưởng Makarios, cuốn Kinh-thánh mới bằng tiếng Nga mang tên ông