Những lễ trọng đại trong lịch sử Y-sơ-ra-ên
“Mọi người nam trong các ngươi, mỗi năm ba lần, phải ra mắt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tại nơi mà Ngài sẽ chọn... người ta chẳng nên đi tay không ra mắt Đức Giê-hô-va” (PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 16:16).
1. Ta có thể nói gì về các dịp lễ hội trong thời Kinh-thánh được viết ra?
KHI nghĩ đến lễ hội, bạn liên tưởng đến gì? Một số lễ hội thời xưa nổi tiếng là buông tuồng và vô luân. Một số lễ hội ngày nay cũng y như vậy. Nhưng các lễ hội mà Luật Pháp Đức Chúa Trời đặt ra cho dân Y-sơ-ra-ên thì khác hẳn. Đó là những dịp vui mừng, nhưng cũng có thể được miêu tả là “những cuộc đại hội thánh” (Lê-vi Ký 23:2, Trịnh Văn Căn).
2. a) Mỗi năm ba lần, những người đàn ông Y-sơ-ra-ên có bổn phận phải làm gì? b) Như từ ngữ được dùng nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:16, “lễ” hội là gì?
2 Những người đàn ông trung thành Y-sơ-ra-ên—thường có gia đình đi cùng—lấy làm vui thích đi lên Giê-ru-sa-lem, ‘nơi mà Đức Giê-hô-va đã chọn’ và họ đóng góp rộng rãi cho ba kỳ đại lễ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:16). Cuốn sách Old Testament Word Studies (Khảo cứu từ ngữ trong Cựu Ước) định nghĩa từ Hê-bơ-rơ dịch là “lễ” nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:16 là một “kỳ đại hỷ... mà người ta dâng của-lễ và bày yến tiệc để ăn mừng những dịp được Đức Chúa Trời ban ân huệ đáng kể”.a
Giá trị của các đại lễ
3. Ba kỳ lễ thường niên khiến ta nhớ đến những ân phước nào?
3 Vì dân Y-sơ-ra-ên sống trong xã hội nông nghiệp, họ nhờ vào sự ban phước của Đức Chúa Trời dưới hình thức mưa móc. Ba kỳ đại lễ trong Luật Pháp Môi-se trùng hợp với mùa gặt lúa mạch vào đầu mùa xuân, mùa gặt lúa mì vào cuối mùa xuân và mùa gặt ngũ cốc còn lại vào cuối mùa hè. Đây là những dịp đại hỷ và tri ân đối với Đấng làm ra chu kỳ mưa và Đấng tạo ra đất đai màu mỡ. Nhưng các lễ hội còn liên quan đến nhiều điều khác nữa (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:11-14).
4. Lễ hội thứ nhất kỷ niệm biến cố lịch sử nào?
4 Lễ hội thứ nhất diễn ra vào tháng thứ nhất trong lịch cổ theo Kinh-thánh, từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Ni-san, tương đương với cuối tháng 3 và đầu tháng 4 theo lịch hiện thời. Lễ đó được gọi là Lễ Bánh Không Men và bởi vì lễ ấy tiếp ngay sau Lễ Vượt Qua vào ngày 14 tháng Ni-san nên cũng được gọi là “lễ Vượt-qua” (Lu-ca 2:41; Lê-vi Ký 23:5, 6). Lễ này nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên về việc họ được giải cứu khỏi cơn khốn khổ ở xứ Ê-díp-tô, với bánh không men được gọi là “bánh hoạn-nạn” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:3). Bánh này nhắc họ nhớ đến việc họ hối hả chạy trốn đến nỗi không có thì giờ bỏ men vào bột nhào và đợi bột nổi lên (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:34). Trong kỳ lễ này trong nhà người Y-sơ-ra-ên không được có bánh làm bằng bột đã nhồi men. Bất cứ người dự lễ nào, kể cả khách kiều ngụ, mà dùng bánh có men cũng sẽ bị xử tử (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:19).
5. Lễ hội thứ hai có thể nhắc nhở về đặc ân nào, và ai cũng có phần trong đó?
5 Lễ hội thứ hai diễn ra bảy tuần lễ (49 ngày) sau ngày 16 tháng Ni-san và nhằm ngày thứ 6 của tháng thứ ba, tức Si-van, tương đương với cuối tháng 5 của lịch hiện thời (Lê-vi Ký 23:15, 16). Lễ này được gọi là Lễ Các Tuần Lễ (vào thời Chúa Giê-su, cũng được gọi là Lễ Ngũ Tuần, nghĩa là “Ngày thứ 50” theo tiếng Hy Lạp), và lễ ấy diễn ra cận ngày kỷ niệm hàng năm của việc dân Y-sơ-ra-ên lập giao ước Luật Pháp dưới chân Núi Si-na-i (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:1, 2). Trong kỳ lễ này, những người Y-sơ-ra-ên trung thành có lẽ đã suy gẫm về đặc ân được Đức Chúa Trời biệt riêng ra làm dân thánh của ngài. Việc họ được làm dân tộc đặc biệt của Đức Chúa Trời đòi hỏi họ phải tuân theo Luật Pháp Đức Chúa Trời, chẳng hạn như điều răn phải đùm bọc những người khốn khổ hầu cho những người này cũng có thể ăn mừng lễ (Lê-vi Ký 23:22; Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:10-12).
6. Lễ hội thứ ba nhắc dân sự của Đức Chúa Trời nhớ đến kinh nghiệm nào?
6 Kỳ lễ chót trong ba kỳ đại lễ thường niên được gọi là Lễ Mùa Gặt, hay Lễ Lều Tạm. Lễ này diễn ra vào tháng thứ bảy, tức tháng Tishri, hoặc Ethanim, từ ngày 15 đến ngày 21, tương đương với đầu tháng 10 của lịch hiện thời (Lê-vi Ký 23:34). Trong kỳ lễ này, dân sự của Đức Chúa Trời ở tạm trong lều, làm bằng nhánh cây và lá cây, được cất ở ngoài trời hoặc trên sân thượng. Điều này nhắc họ nhớ đến cuộc hành trình 40 năm từ xứ Ê-díp-tô đến Đất Hứa, khi nước họ đã phải tập tin cậy nơi Đức Chúa Trời để có của ăn hàng ngày (Lê-vi Ký 23:42, 43; Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:15, 16).
7. Chúng ta được lợi ích nào khi ôn lại những lễ hội được cử hành trong dân Y-sơ-ra-ên thời xưa?
7 Chúng ta hãy ôn lại một số lễ hội đã chứng tỏ là trọng đại trong lịch sử dân tộc thời xưa của Đức Chúa Trời. Điều này hẳn sẽ khích lệ chúng ta ngày nay, vì chúng ta cũng được mời nhóm lại đều đặn mỗi tuần, và mỗi năm ba lần tại các hội nghị nhỏ và lớn (Hê-bơ-rơ 10:24, 25).
Trong thời các vua dòng Đa-vít
8. a) Dưới triều Vua Sa-lô-môn có cuộc hành lễ lịch sử nào? b) Chúng ta có thể trông mong đạt đến cực điểm vinh quang của Lễ Lều Tạm theo nghĩa bóng như thế nào?
8 Một cuộc cử hành lịch sử vào dịp Lễ Lều Tạm diễn ra dưới triều đại hưng thịnh của Vua Sa-lô-môn, con của Đa-vít. “Một hội rất đông-đảo” nhóm lại từ khắp nơi trên miền Đất Hứa để dự Lễ Lều Tạm và khánh thành đền thờ (II Sử-ký 7:8). Khi cử hành lễ xong, Vua Sa-lô-môn cho dân sự ra về, “dân chúc phước cho vua, đi trở về trại mình, lấy làm mừng-rỡ vui lòng về mọi sự tốt-lành mà Đức Giê-hô-va đã làm cho Đa-vít, kẻ tôi-tớ Ngài, và cho Y-sơ-ra-ên, dân-sự của Ngài” (I Các Vua 8:66). Đó quả thật là một lễ hội trọng đại. Ngày nay, các tôi tớ của Đức Chúa Trời trông mong đạt đến cực điểm vinh quang của Lễ Lều Tạm theo nghĩa tượng trưng vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm của Sa-lô-môn Lớn là Chúa Giê-su Christ (Khải-huyền 20:3, 7-10, 14, 15). Đến lúc ấy, những người sống ở khắp bốn phương trời, kể cả những người được sống lại cùng với những người sống sót qua khỏi trận chiến Ha-ma-ghê-đôn, sẽ hợp nhất, vui vẻ thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Xa-cha-ri 14:16).
9-11. a) Điều gì đã dẫn đến một lễ hội trọng đại dưới triều Vua Ê-xê-chia? b) Nhiều người trong vương quốc mười chi phái ở phương bắc đã nêu gương nào, và điều đó nhắc chúng ta nhớ đến gì ngày nay?
9 Kỳ lễ đặc sắc kế tiếp mà Kinh-thánh ghi lại là sau triều đại Vua A-cha hung ác, là người đã đóng cửa đền thờ và khiến vương quốc Giu-đa rơi vào tình trạng bội đạo. Người kế vị A-cha là Ê-xê-chia, một Vị Vua tốt. Trong năm đầu mới lên ngôi, Ê-xê-chia, lúc đó được 25 tuổi, bắt đầu một chương trình phục hưng và cải cách đại qui mô. Ông lập tức cho mở cửa và trùng tu đền thờ. Rồi vua gửi thư mời dân Y-sơ-ra-ên trong vương quốc đối lập gồm mười chi phái về phía bắc đến dự Lễ Bánh Không Men. Nhiều người đã đến bất kể sự nhạo báng của người đồng hương (II Sử-ký 30:1, 10, 11, 18).
10 Lễ hội đó có thành công không? Kinh-thánh thuật lại: “Những người Y-sơ-ra-ên ở tại Giê-ru-sa-lem giữ lễ bánh không men trong bảy ngày cách vui-vẻ; người Lê-vi và những thầy tế-lễ ngày nầy sang ngày kia, dùng nhạc-khí hát mừng ngợi-khen Đức Giê-hô-va” (II Sử-ký 30:21). Những người Y-sơ-ra-ên đó đã nêu một gương tốt làm sao cho dân sự Đức Chúa Trời ngày nay, nhiều người trong họ gặp phải sự chống đối và đi đường xá xa xôi để dự hội nghị!
11 Chẳng hạn, hãy xem ba Hội Nghị Địa Hạt “Sự tin kính” tổ chức tại Ba Lan vào năm 1989. Trong số 166.518 người tham dự có những nhóm đông đảo đến từ cựu Liên Bang Sô Viết và những nước khác ở Đông Âu; lúc đó công việc rao giảng của Nhân-chứng Giê-hô-va bị cấm đoán tại nước họ. Cuốn sách Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom (Nhân-chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời)b tường thuật: “Đối với một số người tham dự hội nghị này, đó là lần đầu tiên trong đời họ được dự phiên nhóm có hơn 15 hoặc 20 người thuộc dân tộc Đức Giê-hô-va. Lòng họ tràn đầy sự biết ơn khi họ nhìn thấy cả hàng chục ngàn người trong vận động trường, cùng họ cầu nguyện và hòa tiếng hát những bài hát ca ngợi Đức Giê-hô-va” (Trang 279).
12. Điều gì đã dẫn đến lễ hội trọng đại dưới triều vua Giô-si-a?
12 Sau khi Ê-xê-chia băng hà, một lần nữa dân Giu-đa lại rơi vào sự thờ phượng sai lầm dưới triều Vua Ma-na-se và Vua A-môn. Rồi đến lượt một vua tốt khác trị vì, đó là vị vua trẻ tuổi Giô-si-a, là người đã hành động một cách can đảm trong việc phục hưng sự thờ phượng thật. Lúc được 25 tuổi, Giô-si-a ra lệnh trùng tu đền thờ (II Sử-ký 34:8). Khi công việc trùng tu tiến hành, người ta tìm thấy bản Luật Pháp Môi-se trong đền thờ. Vua Giô-si-a rất cảm động khi đọc thấy những gì được ghi trong Luật Pháp Đức Chúa Trời và ông sắp đặt để đọc luật pháp cho toàn dân nghe (II Sử-ký 34:14, 30). Rồi chiếu theo những gì được ghi chép, ông tổ chức Lễ Vượt Qua. Vua cũng nêu gương tốt bằng cách đóng góp rộng rãi cho dịp này. Kinh-thánh tường thuật lại kết quả của việc ấy: “Từ đời tiên-tri Sa-mu-ên, trong Y-sơ-ra-ên người ta không có giữ lễ Vượt-qua giống như vậy” (II Sử-ký 35:7, 17, 18).
13. Các lễ hội cử hành dưới triều Ê-xê-chia và Giô-si-a nhắc nhở chúng ta về điều gì ngày nay?
13 Cuộc cải cách của Ê-xê-chia và Giô-si-a tương đương với sự phục hưng kỳ diệu của sự thờ phượng thật diễn ra trong vòng tín đồ thật của đấng Christ kể từ khi Chúa Giê-su Christ lên ngôi vào năm 1914. Cũng như cuộc cải cách của Giô-si-a, cuộc phục hưng thời nay dựa trên những gì ghi trong Lời Đức Chúa Trời. Và tương đương thời Ê-xê-chia và Giô-si-a, cuộc phục hưng thời nay được đánh dấu bởi các cuộc hội nghị nhỏ và lớn, nơi mà lời tiên tri trong Kinh-thánh được giải thích một cách hào hứng và sự áp dụng hợp thời của các nguyên tắc Kinh-thánh được trình bày. Số đông đảo người làm báp têm làm gia tăng niềm vui trong những dịp bổ ích này. Giống như người Y-sơ-ra-ên ăn năn vào thời Ê-xê-chia và Giô-si-a, những người mới làm báp têm đã từ bỏ các sự thực hành gian ác của giáo hội tự xưng theo đấng Christ và phần còn lại của thế gian theo Sa-tan. Năm 1997, hơn 375.000 người đã làm báp têm để biểu trưng sự dâng mình của họ cho Đức Chúa Trời thánh thiện là Đức Giê-hô-va, trung bình hơn 1.000 người mỗi ngày.
Sau cuộc lưu đày
14. Điều gì đã dẫn đến lễ hội trọng đại vào năm 537 TCN?
14 Sau khi Giô-si-a băng hà, nước ông lại quay sang sự thờ phượng sai lầm, đồi trụy một lần nữa. Cuối cùng, năm 607 TCN, Đức Giê-hô-va phạt dân ngài bằng cách khiến quân đội Ba-by-lôn đến tấn công thành Giê-ru-sa-lem. Thành này cùng đền thờ bị hủy diệt và đất bị bỏ hoang. Sau đó người Do Thái bị lưu đày 70 năm ở Ba-by-lôn. Rồi Đức Chúa Trời dấy lên những người Do Thái ăn năn còn sót lại, trở về Đất Hứa để phục hưng sự thờ phượng thật. Họ về đến thành Giê-ru-sa-lem điêu tàn vào tháng thứ bảy năm 537 TCN. Việc đầu tiên họ làm là dựng lại một bàn thờ để dâng của-lễ thường nhật như có ghi trong giao ước Luật Pháp. Vừa đúng lúc để họ cử hành một lễ khác có tính cách lịch sử. “Chúng... giữ lễ lều-tạm, y như đã chép” (E-xơ-ra 3:1-4).
15. Những người còn sót lại vào năm 537 TCN đứng trước công việc nào và có tình trạng nào tương đương vào năm 1919?
15 Có một công việc vĩ đại đang chờ đón những người lưu đày hồi hương này—đó là tái thiết đền thờ Đức Chúa Trời và dựng lại tường thành Giê-ru-sa-lem. Những dân láng giềng ghen tị chống đối họ kịch liệt. Khi đền thờ đang được xây cất, đó là “ngày của những đều nhỏ-mọn” (Xa-cha-ri 4:10). Tình trạng ấy tương tự như tình trạng của tín đồ trung thành được xức dầu của đấng Christ vào năm 1919. Vào năm đáng nhớ ấy, họ được thoát khỏi sự phu tù thiêng liêng từ Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo giả thế giới. Họ chỉ vỏn vẹn có vài ngàn người và phải đối phó với cả một thế gian thù nghịch họ. Liệu những kẻ thù của Đức Chúa Trời có thể ngăn cản không cho sự thờ phượng thật tiến tới không? Câu trả lời cho câu hỏi này khiến ta nhớ lại hai dịp lễ hội cuối cùng ghi trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ.
16. Có gì quan trọng về một lễ hội cử hành vào năm 515 TCN?
16 Cuối cùng đền thờ được tái thiết vào tháng Adar 515 TCN, vừa kịp lúc cử hành lễ hội mùa xuân trong tháng Ni-san. Kinh-thánh tường thuật: “Trong bảy ngày chúng giữ lễ bánh không men cách vui-vẻ; vì Đức Giê-hô-va đã làm cho lòng chúng được khoái-lạc, và có cảm-động lòng vua A-si-ri đoái-xem chúng, đặng giúp-đỡ trong cuộc xây-cất đền của Đức Chúa Trời, tức là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (E-xơ-ra 6:22).
17, 18. a) Lễ hội trọng đại nào đã được cử hành vào năm 455 TCN? b) Chúng ta ở trong một tình thế tương tự như thế nào ngày nay?
17 Sáu mươi năm sau đó, vào năm 455 TCN, có một biến cố trọng đại khác. Lễ Lều Tạm năm đó đánh dấu việc tường thành Giê-ru-sa-lem được hoàn tất. Kinh-thánh tường thuật: “Cả hội-chúng của những kẻ bị bắt làm phu-tù được trở về bèn cất những nhà lều, và ở trong đó. Từ đời Giô-suê, con trai của Nun, cho đến ngày ấy, dân Y-sơ-ra-ên chẳng có làm gì giống như vậy. Bèn có sự rất vui-mừng” (Nê-hê-mi 8:17).
18 Quả là một cuộc phục hưng sự thờ phượng thật đáng ghi nhớ bất kể sự chống đối kịch liệt! Tình trạng ngày nay cũng tương tự. Bất kể làn sóng bắt bớ và chống đối, công việc rao giảng vĩ đại về tin mừng Nước Trời đã đến đầu cùng trái đất, và thông điệp về sự phán xét của Đức Chúa Trời đang được loan báo khắp nơi (Ma-thi-ơ 24:14). Việc đóng ấn cuối cùng cho những người còn sót lại trong số 144.000 người xức dầu đã gần đến. Hơn năm triệu bạn đồng hành của họ là “chiên khác” đã và đang được thu nhóm lại từ mọi nước vào trong “một bầy” cùng với những người được xức dầu còn sót lại (Giăng 10:16; Khải-huyền 7:3, 9, 10). Thật là một sự ứng nghiệm kỳ diệu của hình ảnh tiên tri về Lễ Lều Tạm! Và công cuộc thu nhóm vĩ đại này sẽ vẫn tiếp tục trong thế giới mới khi hàng tỉ người chết được sống lại sẽ được mời cùng tham dự việc cử hành Lễ Lều Tạm theo nghĩa bóng (Xa-cha-ri 14:16 -19).
Trong thế kỷ thứ nhất CN
19. Điều gì đã khiến cho kỳ Lễ Lều Tạm năm 32 CN đặc biệt?
19 Trong số những lễ hội đặc biệt nhất được cử hành và ghi trong Kinh-thánh, chắc chắn phải kể đến các lễ hội mà Chúa Giê-su Christ, Con của Đức Chúa Trời, tham dự. Thí dụ, Chúa Giê-su đã dự Lễ Lều Tạm (hoặc Đền Tạm) vào năm 32 CN. Ngài đã dùng dịp đó để giảng dạy những lẽ thật quan trọng và chứng minh sự dạy dỗ của ngài bằng cách trích dẫn Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ (Giăng 7:2, 14, 37-39). Một điểm đặc biệt thường thấy trong lễ hội này là thông lệ thắp bốn ngọn đèn lớn trong khuôn viên đền thờ. Điều này góp phần làm sinh hoạt của lễ hội tưng bừng cho đến khuya. Hiển nhiên, Chúa Giê-su ám chỉ đến các ngọn đèn lớn này khi ngài nói: “Ta là sự sáng của thế-gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối-tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12).
20. Tại sao Lễ Vượt Qua năm 33 CN lại đặc biệt?
20 Kế đến là Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men vào năm trọng đại 33 CN. Vào Ngày Lễ Vượt Qua ấy, Chúa Giê-su đã bị kẻ thù hành quyết và ngài trở thành Chiên Con tượng trưng của Lễ Vượt Qua, ngài chết để cất “tội-lỗi của thế-gian đi” (Giăng 1:29; I Cô-rinh-tô 5:7). Ba ngày sau, vào ngày 16 tháng Ni-san, Đức Chúa Trời đã làm Chúa Giê-su sống lại với thể thần linh bất tử. Điều này trùng hợp với việc dâng hoa lợi lúa mạch đầu mùa do Luật Pháp qui định. Vì vậy, Chúa Giê-su Christ được sống lại trở thành “trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (I Cô-rinh-tô 15:20).
21. Điều gì đã xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?
21 Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN thật là một lễ hội đặc biệt. Vào ngày đó nhiều người Do Thái và người nhập đạo Do Thái nhóm lại tại thành Giê-ru-sa-lem, kể cả khoảng 120 môn đồ của Chúa Giê-su. Khi lễ hội đang diễn ra, Chúa Giê-su Christ được sống lại đổ thánh linh Đức Chúa Trời xuống 120 người (Công-vụ các Sứ-đồ 1:15; 2:1-4, 33). Do đó họ được xức dầu và trở thành nước mới được Đức Chúa Trời chọn qua giao ước mới mà Chúa Giê-su Christ làm đấng Trung Bảo. Trong kỳ lễ ấy, thầy tế lễ thượng phẩm người Do Thái dâng lên Đức Chúa Trời hai ổ bánh có men làm bằng thổ sản đầu mùa gặt lúa mì (Lê-vi Ký 23:15-17). Các bánh có men này tượng trưng cho 144.000 người bất toàn mà Chúa Giê-su “chuộc cho Đức Chúa Trời” để “làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế-lễ... sẽ trị-vì trên mặt đất” (Khải-huyền 5:9, 10; 14:1, 3). Sự kiện những người cai trị ở trên trời này xuất thân từ hai gốc khác nhau trong vòng nhân loại tội lỗi, người Do Thái và Dân Ngoại, cũng có thể được tiêu biểu bằng hai ổ bánh có men.
22. a) Tại sao tín đồ đấng Christ không cử hành các kỳ lễ chiếu theo giao ước Luật Pháp? b) Chúng ta sẽ xem xét gì trong bài kế tiếp?
22 Khi giao ước mới bắt đầu có hiệu lực vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN thì điều đó có nghĩa là giao ước Luật Pháp cũ không còn hiệu lực dưới mắt Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 3:14; Hê-bơ-rơ 9:15; 10:16). Điều đó không có nghĩa là tín đồ được xức dầu của đấng Christ không phải theo luật pháp gì cả. Họ phải sống dưới luật pháp của Đức Chúa Trời do Chúa Giê-su Christ dạy và được ghi tạc vào lòng họ (Ga-la-ti 6:2). Do đó, ba kỳ lễ hàng năm, vì nằm trong giao ước Luật Pháp cũ nên tín đồ đấng Christ không buộc phải cử hành nữa (Cô-lô-se 2:16, 17). Tuy nhiên, chúng ta có thể học được nhiều điều qua thái độ của các tôi tớ Đức Chúa Trời sống trước thời đấng Christ đối với các lễ hội và các buổi họp khác để thờ phượng. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ xem xét các gương mà chắc chắn sẽ thúc đẩy tất cả chúng ta quí trọng việc cần phải đều đặn dự các buổi họp của đạo đấng Christ.
[Chú thích]
a Cũng xem sách Insight, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản, Quyển 1, trang 820, cột 1, đoạn 1 và 3, dưới tiết mục “Festival”.
b Do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản
Câu hỏi ôn lại
◻ Ba kỳ đại lễ của dân Y-sơ-ra-ên nhắm đến mục đích nào?
◻ Các lễ hội cử hành vào thời Ê-xê-chia và Giô-si-a có đặc điểm gì?
◻ Lễ trọng đại nào đã được cử hành vào năm 455 TCN, và tại sao điều đó khích lệ chúng ta?
◻ Có gì quan trọng về Lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?
[Khung nơi trang 12]
Một Bài Học Cho Chúng Ta Ngày Nay Liên Quan Đến Lễ Hội
Tất cả những ai muốn được lợi ích lâu dài qua của-lễ chuộc tội của Chúa Giê-su đều phải sống phù hợp với những gì mà Lễ Bánh Không Men tượng trưng. Lễ hội tượng trưng này chính là dịp vui mừng của tín đồ được xức dầu của đấng Christ được giải cứu khỏi thế gian hung ác này và được thoát khỏi bản án tội lỗi qua trung gian giá chuộc của Chúa Giê-su (Ga-la-ti 1:4; Cô-lô-se 1:13, 14). Lễ hội theo nghĩa đen kéo dài bảy ngày—con số mà Kinh-thánh dùng để tượng trưng cho sự toàn vẹn về thiêng liêng. Lễ hội theo nghĩa tượng trưng kéo dài suốt giai đoạn hội thánh tín đồ được xức dầu của đấng Christ còn trên đất và phải được cử hành với “sự thật-thà và... lẽ thật”. Điều đó có nghĩa là luôn luôn cảnh giác đề phòng men theo nghĩa bóng. Kinh-thánh dùng men để chỉ đạo lý bại hoại, sự giả hình và sự xấu xa. Những người thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va phải tỏ ra ghét loại men ấy, không để cho nó làm bại hoại đời sống của mình và không để cho nó phá hoại sự thanh khiết của hội thánh tín đồ đấng Christ (I Cô-rinh-tô 5:6-8; Ma-thi-ơ 16:6, 12).
[Hình nơi trang 9]
Một bó lúa mạch mới gặt được dâng lên mỗi năm vào ngày 16 Ni-san, ngày Chúa Giê-su được sống lại
[Hình nơi trang 10]
Chúa Giê-su có thể đã ngụ ý nói đến các ngọn đèn trong ngày lễ khi ngài tự gọi mình là “sự sáng của thế-gian”