Ai sẽ “được cứu”?
“Ai cầu-khẩn danh Chúa [Đức Giê-hô-va, NW] thì sẽ được cứu” (CÔNG-VỤ CÁC SỨ-ĐỒ 2:21).
1. Tại sao Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN là ngày then chốt trong lịch sử thế giới?
LỄ NGŨ TUẦN năm 33 CN là một ngày then chốt trong lịch sử thế giới. Tại sao vậy? Vì vào ngày đó một dân tộc mới được thành lập. Lúc ban đầu, họ không phải là một dân tộc lớn mạnh—chỉ vỏn vẹn có 120 môn đồ của Chúa Giê-su tụ họp trong một căn phòng cao ở thành Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên ngày nay, khi đa số các quốc gia hiện hữu vào thời đó đã bị quên lãng, thì dân tộc được thành lập trong căn phòng đó vẫn còn. Sự kiện này vô cùng quan trọng đối với tất cả chúng ta, vì đây chính là dân tộc được Đức Chúa Trời bổ nhiệm để làm chứng về Ngài cho nhân loại.
2. Biến cố thần diệu nào đã đánh dấu một nước mới được thành lập?
2 Khi dân tộc mới đó bắt đầu xuất hiện, những biến cố quan trọng đã xảy ra làm ứng nghiệm các lời tiên tri của Giô-ên. Chúng ta đọc các biến cố này nơi Công-vụ các Sứ-đồ 2:2-4: “Thình-lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào-ào, đầy khắp nhà môn-đồ ngồi. Các môn-đồ thấy lưỡi rời-rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, khởi-sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh-Linh cho mình nói”. Bằng cách này, 120 người gồm đàn ông và đàn bà trung thành trở thành một dân tộc thiêng liêng, các công dân đầu tiên của nước mà sứ đồ Phao-lô sau đó gọi là “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 6:16).
3. Lời tiên tri nào của Giô-ên đã ứng nghiệm vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN?
3 Đám đông người đã tụ lại để xem xét “tiếng gió thổi ào-ào”, và sứ đồ Phi-e-rơ đã giải thích với họ rằng một trong các lời tiên tri của Giô-ên đã được ứng nghiệm. Lời tiên tri nào? Chúng ta chú ý nghe ông nói: “Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau-rốt, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác-thịt; con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên-tri, bọn trai-trẻ sẽ thấy điềm-lạ, và các người già-cả sẽ có chiêm-bao. Phải, trong những ngày đó, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên các đầy-tớ trai và gái ta, chúng nó đều nói lời tiên-tri; ta lại sẽ tỏ ra sự lạ-lùng ở trên trời, và dấu lạ ở dưới đất; tức là máu, lửa, và luồng khói; mặt trời sẽ biến nên tối-tăm, mặt trăng hóa ra máu, trước ngày lớn và vinh-hiển của Chúa chưa đến; vả lại ai cầu-khẩn danh Chúa [Đức Giê-hô-va, NW] thì sẽ được cứu” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:17-21). Những lời này đã được Phi-e-rơ trích dẫn từ sách Giô-ên 2:28-32, và sự ứng nghiệm của lời tiên tri đó có nghĩa là thì giờ cho dân Do Thái đã sắp hết. “Ngày lớn và vinh-hiển của Chúa [Đức Giê-hô-va, NW]”, tức là ngày phán xét dân Y-sơ-ra-ên bất trung gần đến. Nhưng ai sẽ được cứu hay chạy thoát an toàn? Và sự việc này báo trước về điều gì?
Hai sự ứng nghiệm của lời tiên tri
4, 5. Về những biến cố sắp đến, Phi-e-rơ cho lời khuyên nào, và tại sao lời khuyên đó có áp dụng sau thời của ông?
4 Vào những năm sau năm 33 CN, dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng của Đức Chúa Trời được hưng thịnh, nhưng dân Y-sơ-ra-ên xác thịt thì lại không. Vào năm 66 CN, dân Y-sơ-ra-ên chinh chiến với quân La Mã. Vào năm 70 CN, nước Y-sơ-ra-ên hầu như không tồn tại nữa và thành Giê-ru-sa-lem cùng với đền thờ bị đốt cháy hoàn toàn. Vì thảm họa đó sắp đến, vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Phi-e-rơ đã cho lời khuyên thích hợp. Trích dẫn lời Giô-ên lần nữa, ông nói: “Ai cầu-khẩn danh Chúa [Đức Giê-hô-va, NW] thì sẽ được cứu”. Mỗi người Do Thái phải tự quyết định trong việc cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va. Điều này bao hàm việc làm theo lời chỉ dẫn thêm của Phi-e-rơ: “Hãy hối-cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:38). Những người nghe Phi-e-rơ phải chấp nhận Chúa Giê-su là đấng Mê-si mà dân Y-sơ-ra-ên nói chung đã chối bỏ.
5 Những lời tiên tri đó của Giô-ên có một tác động lớn đối với những người nhu mì trong thế kỷ thứ nhất. Tuy nhiên, những lời đó còn có tác động nhiều hơn vào thời nay, bởi vì như các biến cố vào thế kỷ 20 cho thấy, lời tiên tri của Giô-ên đã được ứng nghiệm lần thứ hai. Chúng ta hãy để ý đến sự ứng nghiệm này.
6. Làm thế nào Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời bắt đầu được nhận diện rõ ràng khi gần đến năm 1914?
6 Sau khi các sứ đồ qua đời, dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời bị cỏ lùng của đạo đấng Christ giả che khuất. Nhưng trong thời kỳ cuối cùng bắt đầu vào năm 1914, dân tộc thiêng liêng này lại một lần nữa đã được nhận diện rõ ràng. Tất cả điều này đã làm ứng nghiệm lời ví dụ của Chúa Giê-su về lúa mì và cỏ lùng (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43). Khi gần đến năm 1914, các tín đồ đấng Christ được xức dầu bắt đầu tự tách khỏi các tôn giáo bất trung tự xưng theo đấng Christ. Họ can đảm loại bỏ các giáo lý giả và rao giảng sự cuối cùng sắp đến của “các kỳ dân ngoại” (Lu-ca 21:24). Nhưng thế chiến thứ nhất bùng nổ vào năm 1914, đã dấy lên những vấn đề mà họ chưa chuẩn bị đối phó. Dưới áp lực mãnh liệt, nhiều người đã bị chậm lại và một số đã hòa giải. Đến năm 1918 hoạt động rao giảng của họ hầu như ngừng lại.
7. a) Biến cố nào đã xảy ra năm 1919 tương tự như biến cố của Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN? b) Bắt đầu năm 1919, việc Đức Giê-hô-va đổ thánh linh trên tôi tớ Ngài đem lại kết quả nào?
7 Tuy vậy, tình trạng đó không kéo dài bao lâu. Bắt đầu vào năm 1919, Đức Giê-hô-va đã bắt đầu đổ thánh linh lên dân Ngài cũng giống như Ngài đã làm vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Tất nhiên, vào năm 1919 thì không có việc nói tiếng lạ và không có tiếng gió thổi ào ào. Chúng ta hiểu các lời của Phao-lô được ghi ở 1 Cô-rinh-tô 13:8 là thời kỳ phép lạ đã qua lâu rồi. Nhưng vào năm 1919, tại hội nghị ở Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ, hoạt động của thánh linh Đức Chúa Trời đã được thấy rõ khi các tín đồ đấng Christ trung thành được ban thêm sức và họ lại bắt đầu công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời. Vào năm 1922, họ trở lại Cedar Point và được khích động qua lời kêu gọi: “Hãy loan báo, loan báo, loan báo về Vua và Nước Trời”. Như đã xảy ra vào thế kỷ thứ nhất, thế gian bắt buộc phải chú ý đến các kết quả của việc Đức Chúa Trời đổ thánh linh Ngài ra. Tất cả tín đồ đấng Christ đã dâng mình—nam lẫn nữ, già lẫn trẻ—bắt đầu “nói lời tiên tri”, tức là rao truyền “những sự cao-trọng của Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:11). Như Phi-e-rơ, họ khuyên những người nhu mì: “Các ngươi khá cứu mình thoát khỏi giữa dòng-dõi gian-tà nầy!” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:40). Những ai hưởng ứng có thể làm điều đó bằng cách nào? Bằng cách làm theo lời của Giô-ên ghi nơi Giô-ên 2:32: “Bấy giờ ai cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu”.
8. Mọi sự tiến triển thế nào cho Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời kể từ năm 1919?
8 Từ những năm đầu đó, các công việc của dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời đã tăng tiến. Việc đóng ấn những người thuộc thành phần xức dầu có vẻ gần xong, và kể từ thập niên 1930 một đám đông lớn gồm những người nhu mì có hy vọng sống trên đất đã xuất hiện (Khải-huyền 7:3, 9). Mọi người đều cảm thấy cần hành động khẩn cấp, vì sự ứng nghiệm lần thứ hai của Giô-ên 2:28, 29 cho thấy rằng chúng ta đang tiến gần đến ngày lớn và kinh khiếp hơn của Đức Giê-hô-va, khi mà hệ thống tôn giáo, chính trị và thương mại trên khắp thế giới sẽ bị hủy diệt. Chúng ta có mọi lý do để “cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va” với niềm tin trọn vẹn là Ngài sẽ giải cứu chúng ta!
Chúng ta kêu cầu danh Đức Giê-hô-va như thế nào?
9. Cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì?
9 Cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì? Văn cảnh ở Giô-ên 2:28, 29 giúp chúng ta trả lời câu hỏi đó. Ví dụ, Đức Giê-hô-va không lắng nghe tất cả những ai cầu khẩn Ngài. Qua nhà tiên tri khác là Ê-sai, Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Khi các ngươi giơ tay, thì ta che mắt khỏi các ngươi. Khi các ngươi cầu-nguyện rườm-rà, ta chẳng thèm nghe”. Tại sao Đức Giê-hô-va không lắng nghe dân Ngài? Chính Ngài giải thích: “Tay các ngươi đầy những máu” (Ê-sai 1:15). Đức Giê-hô-va sẽ không nghe bất cứ những ai mắc tội đổ máu hoặc thực hành tội lỗi. Đó là lý do tại sao Phi-e-rơ nói với dân Do Thái vào Lễ Ngũ Tuần là hãy ăn năn. Theo văn cảnh nơi Giô-ên 2:28, 29, chúng ta thấy Giô-ên cũng nhấn mạnh đến việc ăn năn. Thí dụ, nơi Giô-ên 2:12, 13, chúng ta đọc: “Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ cũng hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc-lóc và buồn-rầu. Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi. Khá trở lại cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi; vì Ngài là nhân-từ và hay thương-xót, chậm giận và giàu ơn”. Bắt đầu từ năm 1919, các tín đồ đấng Christ được xức dầu đã hành động phù hợp với những lời này. Họ đã ăn năn về những lỗi lầm và quyết tâm không bao giờ hòa giải hoặc chậm lại nữa. Điều này đã mở đường cho Đức Chúa Trời đổ thánh linh Ngài ra. Tất cả những ai muốn cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va và muốn được Ngài lắng nghe cũng phải theo đường lối đó.
10. a) Sự ăn năn thật lòng có nghĩa gì? b) Đức Giê-hô-va đáp lại thế nào đối với sự ăn năn thật?
10 Hãy nhớ rằng, sự ăn năn thật lòng đòi hỏi nhiều hơn là chỉ nói hai chữ “xin lỗi”. Những người Y-sơ-ra-ên thường hay xé áo ngoài để biểu lộ cảm xúc mãnh liệt của mình. Nhưng Đức Giê-hô-va nói: “Hãy xé lòng các ngươi, và đừng xé áo các ngươi”. Sự ăn năn thật xuất phát từ trong lòng, từ tâm hồn của chúng ta. Điều này đòi hỏi phải từ bỏ thực hành sai lầm, như chúng ta đọc ở Ê-sai 55:7: “Kẻ ác khá bỏ đường mình, người bất-nghĩa khá bỏ các ý-tưởng; hãy trở lại cùng Đức Giê-hô-va”. Điều này bao hàm việc ghét tội lỗi, giống như Chúa Giê-su đã làm (Hê-bơ-rơ 1:9). Rồi, chúng ta tin cậy rằng Đức Giê-hô-va tha thứ chúng ta, dựa vào sự hy sinh làm giá chuộc bởi vì Đức Giê-hô-va là “nhân-từ và hay thương-xót, chậm giận và giàu ơn”. Ngài sẽ chấp nhận sự thờ phượng của chúng ta, của-lễ chay và lễ quán theo nghĩa thiêng liêng. Ngài sẽ lắng nghe khi chúng ta cầu khẩn danh Ngài (Giô-ên 2:14).
11. Sự thờ phượng thật nên có chỗ đứng nào trong đời sống chúng ta?
11 Trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su cho chúng ta một điều khác để ghi nhớ, khi ngài nói: “Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33). Chúng ta không được hờ hững với sự thờ phượng, xem như một điều làm cho có lệ để xoa dịu lương tâm mình. Việc phụng sự Đức Chúa Trời đáng được đặt lên hàng đầu trong đời sống chúng ta. Do đó qua Giô-ên, Đức Giê-hô-va nói tiếp: “Hãy thổi kèn trong Si-ôn... Hãy nhóm dân-sự, biệt riêng hội-chúng nên thánh; hãy mời các trưởng-lão đến đó! Hãy họp lại các con trẻ, và những đứa đương bú vú! Người chồng mới khá ra khỏi buồng mình, và người vợ mới khá ra khỏi chốn động-phòng!” (Giô-ên 2:15, 16). Lẽ tự nhiên là những cặp vợ chồng mới cưới dễ bị xao lãng, vì họ chỉ để ý đến nhau. Nhưng ngay cả đối với họ, việc phụng sự Đức Giê-hô-va phải đứng hàng đầu. Không có điều gì được ưu tiên hơn việc nhóm lại để thờ phượng Đức Chúa Trời và cầu khẩn danh Ngài.
12. Báo cáo Lễ Kỷ Niệm năm ngoái cho thấy triển vọng gia tăng nào?
12 Nên ghi nhớ điều này khi xem lại thống kê trong Bản Báo Cáo Năm Công Tác 1997 của Nhân-chứng Giê-hô-va. Năm ngoái chúng ta có số người công bố Nước Trời cao nhất là 5.599.931 người—những người ca ngợi quả là một đám đông! Số người dự Lễ Kỷ Niệm là 14.322.226—khoảng tám triệu rưởi người nhiều hơn số người công bố. Con số đó cho thấy một triển vọng gia tăng tuyệt diệu. Nhiều người trong số tám triệu này là những người chú ý đang học hỏi Kinh-thánh với các Nhân-chứng Giê-hô-va hoặc con cái của những người đã làm báp têm. Một số lớn đến dự buổi họp lần đầu tiên. Sự hiện diện của họ cho Nhân-chứng Giê-hô-va một cơ hội tốt để biết họ hơn và giúp họ tiến bộ thêm nữa. Còn có một số khác thì có mặt tại Lễ Kỷ Niệm mỗi năm và có lẽ cũng tham dự vài buổi họp khác, nhưng họ không tiến bộ hơn. Dĩ nhiên, chúng ta rất vui mừng tiếp đón những người đó đến dự buổi họp. Nhưng chúng ta khuyến khích họ hãy cẩn thận suy ngẫm về các lời tiên tri của Giô-ên và hãy xem họ cần phải có những hành động nào nữa để chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ lắng nghe khi họ cầu khẩn danh Ngài.
13. Nếu chúng ta cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va rồi, chúng ta có trách nhiệm nào đối với người khác?
13 Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh một khía cạnh khác về việc cầu khẩn danh Đức Chúa Trời. Trong thư gởi người Rô-ma, ông đã trích dẫn lời tiên tri của Giô-ên: “Ai kêu-cầu danh Chúa [Đức Giê-hô-va, NW] thì sẽ được cứu”. Rồi ông lý luận: “Họ chưa tin Ngài thì kêu-cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao-giảng, thì nghe làm sao?” (Rô-ma 10:13, 14). Đúng vậy, nhiều người khác đến bây giờ chưa biết Đức Giê-hô-va cần cầu khẩn danh Ngài. Những người đã biết đến Đức Giê-hô-va không những có trách nhiệm rao giảng mà còn sẵn sàng cho họ sự giúp đỡ đó.
Một địa đàng thiêng liêng
14, 15. Dân Đức Giê-hô-va được hưởng ân phước nào trong địa đàng bởi vì họ cầu khẩn danh Ngài theo cách làm Ngài đẹp lòng?
14 Đó là quan điểm mà cả những người được xức dầu lẫn những người thuộc chiên khác đều có và kết quả là Đức Giê-hô-va ban phước cho họ. “Đức Giê-hô-va đã vì đất mình động lòng ghen [sốt sắng, NW]; Ngài đã động lòng thương-xót dân mình” (Giô-ên 2:18). Vào năm 1919, Đức Giê-hô-va đã tỏ lòng sốt sắng và lòng thương xót đối với dân Ngài khi Ngài phục hồi họ và đem họ vào lãnh vực hoạt động thiêng liêng của Ngài. Đây đúng là địa đàng thiêng liêng mà Giô-ên miêu tả bằng những lời này: “Hỡi đất, chớ sợ chi; hãy nức lòng vui-vẻ và mừng-rỡ; vì Đức Giê-hô-va đã làm những việc lớn. Hỡi các loài thú đồng, đừng sợ; vì những đám cỏ nơi đồng vắng nứt đọt, cây ra trái, cây vả và cây nho đều ra sức nó. Hỡi con-cái Si-ôn, các ngươi hãy nức lòng vui-vẻ và mừng-rỡ trong Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi! Vì Ngài ban mưa phải thời cho các ngươi về mùa đầu, và xuống mưa dồi-dào về mùa đầu và mùa cuối cho các ngươi nơi tháng đầu-tiên. Những sân sẽ đầy lúa mì, những thùng tràn rượu mới và dầu” (Giô-ên 2:21-24).
15 Thật là một cảnh tượng thú vị! Ba sản phẩm chính trong đời sống của xứ Y-sơ-ra-ên là lúa mì, dầu ô-li-ve và rượu được ban cho dư dật cùng với súc vật đầy đàn. Vào thời của chúng ta, những lời tiên tri đó được ứng nghiệm theo nghĩa thiêng liêng. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta tất cả những đồ ăn thiêng liêng mà chúng ta cần. Chẳng lẽ chúng ta không vui thích về tất cả sự ban cho dư dật của Đức Chúa Trời sao? Quả thật, như Ma-la-chi đã báo trước, Đức Chúa Trời chúng ta đã ‘mở các cửa-sổ trên trời và đổ phước xuống cho chúng ta đến nỗi không chỗ chứa’ (Ma-la-chi 3:10).
Sự cuối cùng của hệ thống mọi sự
16. a) Việc Đức Giê-hô-va đổ thánh linh cho thấy điều gì thời nay? b) Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?
16 Sau khi báo trước về tình trạng địa đàng của dân Đức Chúa Trời, Giô-ên mới tiên tri về việc Đức Giê-hô-va đổ thánh linh xuống. Khi Phi-e-rơ trích dẫn lời tiên tri này vào Lễ Ngũ Tuần, ông nói điều này được ứng nghiệm “trong những ngày sau-rốt” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:17). Thánh linh Đức Chúa Trời đổ xuống vào thời đó có nghĩa là những ngày sau rốt đã bắt đầu cho hệ thống mọi sự của dân Do Thái. Việc thánh linh được đổ lên Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời trong thế kỷ 20 có nghĩa là chúng ta đang sống trong những ngày sau rốt của hệ thống mọi sự này trên khắp đất. Vì lẽ đó, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai? Lời tiên tri của Giô-ên nói tiếp với chúng ta: “Ta sẽ tỏ những sự lạ ra trong các từng trời và trên đất: tức là máu, lửa, và những trụ khói. Mặt trời sẽ đổi ra tối-tăm, mặt trăng ra máu, trước khi ngày lớn và kinh-khiếp của Đức Giê-hô-va chưa đến” (Giô-ên 2:30, 31).
17, 18. a) Ngày kinh khiếp nào của Đức Giê-hô-va đã đến trên Giê-ru-sa-lem? b) Sự kiện ngày kinh khiếp của Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ đến trong tương lai khiến chúng ta làm gì?
17 Vào năm 66 CN, những lời tiên tri này đã bắt đầu trở thành hiện thực trong xứ Giu-đê khi các biến cố cứ thẳng tiến đến cực điểm của ngày kinh khiếp của Đức Giê-hô-va vào năm 70 CN. Thật là khủng khiếp biết bao cho những kẻ nào vào lúc đó không có mặt giữa những người tôn cao danh Đức Giê-hô-va! Ngày nay, các biến cố cũng khủng khiếp như thế đang ở trước mắt, khi toàn thể hệ thống mọi sự này trên thế giới sẽ bị hủy diệt bởi tay Đức Giê-hô-va. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể tránh khỏi. Lời tiên tri nói tiếp: “Bấy giờ ai cầu-khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu; vì theo lời Đức Giê-hô-va, thì ở trên núi Si-ôn và trong Giê-ru-sa-lem, sẽ có những người còn sống sót, sẽ có kẻ mà Đức Giê-hô-va kêu gọi” (Giô-ên 2:23). Nhân-chứng Giê-hô-va thật sự biết ơn vì được biết đến danh Đức Giê-hô-va và hoàn toàn tin cậy rằng Ngài sẽ cứu họ khi họ cầu khẩn Ngài.
18 Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi ngày lớn và vinh hiển của Đức Giê-hô-va giáng lên trên thế gian này một cách mãnh liệt? Điều đó sẽ được bàn luận trong bài học cuối.
Bạn có thể nhớ không?
◻ Lần đầu Đức Giê-hô-va đổ thánh linh trên dân Ngài là khi nào?
◻ Cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va bao hàm một vài điều gì?
◻ Khi nào ngày lớn và vinh hiển của Đức Giê-hô-va đến trên dân Y-sơ-ra-ên xác thịt?
◻ Ngày nay Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai cầu khẩn danh Ngài như thế nào?
[Hình nơi trang 15]
Một nước mới được thành lập vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN
[Hình nơi trang 17]
Vào thời đầu của thế kỷ này, Đức Giê-hô-va lần nữa đổ thánh linh trên dân Ngài, làm ứng nghiệm lời Giô-ên 2:28, 29
[Hình nơi trang 18]
Người ta cần được giúp để cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va