Khi những trái tim chai đá đáp ứng nhiệt tình
NĂM 1989, NHÂN-CHỨNG GIÊ-HÔ-VA Ở BA LAN được công nhận là một tổ chức tôn giáo hợp pháp. Các Nhân-chứng trước đó đã bị giam giữ vì sự trung lập của người tín đồ đấng Christ lần lượt được thả ra, bỏ lại nhiều người bạn tù khao khát học hỏi nhiều hơn về Kinh-thánh. Đây là bài trần thuật về việc Nhân-chứng Giê-hô-va có những nỗ lực nào tại một trại giam như thế, để giúp đỡ những người trước kia có trái tim chai đá đáp ứng quyền lực của Lời Đức Chúa Trời.
TẠI Wołów, một thị trấn với dân số 12.000 người ở tây nam Ba Lan, một nhà tù có từ 200 năm giam giữ những phạm nhân nặng tội nhất. Vì được chính quyền chính thức công nhận, Nhân-chứng Giê-hô-va cố gắng mang tin mừng về Nước Trời đến với những tội nhân ở đấy, và họ làm việc này rất nhiệt tình.
Điều đã dọn đường cho việc này là một lá thư do Bộ Tư Pháp gửi đến tất cả các giám đốc trại giam ở Ba Lan vào tháng 2-1990. Lá thư khuyên họ không nên “gây khó khăn” cho bất cứ phạm nhân nào muốn nhận ấn phẩm của Hội Tháp Canh hoặc gặp Nhân-chứng Giê-hô-va. Các Nhân-chứng, trong đó có một số đã từng ở tù nhiều năm tại Wołów, biết rõ nhiều phạm nhân chai lì tại đó. Dù vậy, họ trông mong Đức Giê-hô-va ban phước cho những nỗ lực của họ để lẽ thật của Kinh-thánh cảm hóa những tấm lòng chai đá của các tù nhân khác.
Khởi đầu công việc
Anh Czesław sống ở thành phố Wrocław cách trại giam khoảng 40 kilômét, được phép thăm viếng trại giam Wołów. Anh nói: “Thật khó khởi đầu chương trình. Phải mất nhiều buổi thảo luận thật lâu với các viên chức trại giam mới thuyết phục được họ rằng ‘dịch vụ tôn giáo’ của chúng ta có ích cho tù nhân”.
Anh Paweł, người cộng tác với anh Czesław, nhớ lại là để làm cho vấn đề thêm rắc rối, “một viên chức cao cấp cứ nhất định rằng các phạm nhân chỉ sử dụng dịch vụ tôn giáo làm một cớ để trục lợi vật chất. Nhưng khi ba người trong số những phạm nhân nguy hiểm dâng mình làm báp têm vào năm 1991, giới thẩm quyền trong trại giam thay đổi thái độ và hợp tác nhiều hơn.
Anh Czesław giải thích: “Chúng tôi khởi sự làm chứng cho các phạm nhân, cho gia đình họ khi những người này đến thăm nuôi, cũng như cho nhân viên trại giam. Kế đến chúng tôi được phép rao giảng tin mừng từ khu này sang khu khác trong tù, một ngoại lệ hiếm có. Cuối cùng, khi tìm được những người chú ý đầu tiên, chúng tôi được phép sử dụng một căn phòng nhỏ để điều khiển các buổi học Kinh-thánh và tổ chức các buổi họp đạo đấng Christ”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đã mở đường cho những tấm lòng chai đá của phạm nhân.
Một chương trình dạy dỗ hiệu quả
Chẳng bao lâu căn phòng nhỏ không đủ chỗ. Vì cả số phạm nhân đã báp têm lẫn các anh từ ngoài vào đều cùng tham gia công việc rao giảng, có đến 50 tù nhân bắt đầu tham dự các buổi họp. Một trưởng lão địa phương giải thích: “Trong hơn ba năm, chúng tôi tổ chức tất cả các buổi họp ở đó, và các tù nhân đều đặn tham dự buổi họp hàng tuần”. Bởi thế, vào tháng 5-1995, chúng tôi được cấp cho một phòng rộng hơn.
Làm thế nào những anh có trách nhiệm quyết định ai có thể đến các buổi họp được tổ chức trong tù? Anh Czesław và anh Zdzisław giải thích: “Chúng tôi có danh sách các tù nhân thành thật tỏ ra chú ý đến lẽ thật. Nếu phạm nhân nào không tiến bộ hoặc bỏ các buổi họp mà không có lý do chính đáng, như thế chứng tỏ thiếu lòng quý trọng đối với những sự sắp đặt này, thì chúng tôi bôi tên người đó khỏi danh sách và cho giám đốc trại giam biết”.
Trong các buổi học Kinh-thánh, các anh cũng dạy cho phạm nhân biết cách soạn bài kỹ càng cho các buổi họp và cách sử dụng sách báo cho hữu hiệu. Thế nên, khi tù nhân đến buổi họp, họ đã chuẩn bị kỹ và tham gia thảo luận cởi mở. Họ phát biểu những lời bình luận xây dựng, sử dụng Kinh-thánh khéo léo, và áp dụng lời khuyên cho chính mình; trong lời bình luận họ thường phụ thêm những nhận xét như: ‘Tôi thấy tôi phải làm điều này hoặc điều kia’.
Anh thư ký hội thánh nói: “Có tổng cộng 20 học hỏi Kinh-thánh được điều khiển trong trại giam Wołów. Tám học hỏi trong số đó được điều khiển bởi ba tù nhân là người công bố. Những người công bố này đạt thành quả tốt khi rao giảng từ khu này sang khu khác và trong phạm vi nhà tù. Chẳng hạn, trong mười tháng, kể từ tháng 9-1993 đến tháng 6-1994, họ đã phân phát 235 sách, gần 300 sách mỏng và 1.700 tạp chí. Gần đây, hai viên chức của nhà tù đã xin học Kinh-thánh.
Các hội nghị đặc biệt mang lại vui mừng
Với thời gian, một phần khác được thêm vào chương trình dạy dỗ trong tù, ấy là các hội nghị đặc biệt. Các giám thị lưu động và những anh khác có khả năng thường trình bày những phần chính của hội nghị vòng quanh và chương trình ngày hội nghị đặc biệt tại phòng tập thể dục của trại giam. Hội nghị đặc biệt đầu tiên được tổ chức vào tháng 10-1993. Có 50 tù nhân tham dự, và theo thiên phóng sự của nhật báo Słowo Polskie, “toàn thể các gia đình, kể cả phụ nữ và trẻ em, từ Wrocław đến”, tổng cộng là 139 người tham dự. Lúc tạm nghỉ trong chương trình hội nghị đã tạo cơ hội để dùng bữa do các chị chuẩn bị, đó cũng là thời gian để kết hợp tốt giữa tín đồ đấng Christ.
Kể từ đó, có thêm bảy hội nghị đặc biệt khác đã được tổ chức, và không chỉ những người ở trong tù mà ngay cả những người ngoài cũng được lợi ích nữa. Khi một chị Nhân-chứng viếng thăm một cựu tù nhân ở Wołów hiện sống trong thị trấn, thoạt tiên ông ta hơi nghi ngờ. Nhưng khi được cho biết về một tù nhân đã trở thành Nhân-chứng, người đàn ông buột miệng hỏi: “Tên giết người đó nay là Nhân-chứng à?” Kết quả là ông chấp thuận học Kinh-thánh.
Sự biến đổi kỳ diệu xảy ra
Chương trình dạy dỗ trong phạm vi rộng lớn này có thật sự cảm hóa được những trái tim chai đá của tù nhân không? Hãy để họ kể câu chuyện của mình.
Zdzisław, một người đàn ông có bản chất trầm tư thú nhận: “Tôi chưa hề biết mặt cha mẹ bởi vì bị bỏ rơi từ khi còn bé, và tôi xót xa khao khát cảm giác được yêu thương. Ngay từ nhỏ, tôi đã dính dấp đến tội ác, cuối cùng thì phạm tội giết người. Cảm giác tội lỗi đã khiến tôi nghĩ đến tự tử, và tôi quyết liệt tìm kiếm hy vọng thật sự. Rồi, năm 1987, tôi tình cờ nhận được tạp chí Tháp Canh. Qua tạp chí này tôi biết về hy vọng của sự sống lại và về sự sống đời đời. Nhận ra rằng vẫn còn hy vọng, tôi bỏ ý nghĩ tự tử và bắt đầu học Kinh-thánh. Giờ đây tôi học được ý nghĩa của tình yêu thương của Đức Giê-hô-va và của anh em”. Người trước đây là kẻ sát nhân đã làm tôi tớ thánh chức và tiên phong phụ trợ kể từ năm 1993, và năm ngoái anh trở thành người tiên phong đều đều.
Mặt khác, Tomasz sẵn sàng chấp nhận học Kinh-thánh. Anh thú nhận: “Tuy nhiên, đó chẳng phải do lòng thành thật. Tôi học chỉ vì muốn khoe với người khác khi giải thích tín ngưỡng của Nhân-chứng Giê-hô-va. Nhưng tôi không làm theo lẽ thật của Kinh-thánh được là bao. Một ngày kia, tôi quyết định đi đến một buổi họp đạo đấng Christ. Những tù nhân đã làm báp têm nồng nhiệt chào đón tôi. Tôi ý thức được rằng thay vì cố khoe khoang với người khác về sự hiểu biết, tôi cần làm mềm đi tấm lòng chai đá và biến đổi tâm thần”. Tomasz bắt đầu mặc lấy nhân cách mới theo đấng Christ (Ê-phê-sô 4:22-24). Ngày nay, anh là Nhân-chứng đã dâng mình, làm báp têm và vui vẻ rao giảng từ khu này sang khu khác.
Áp lực của bạn cũ
Những người học lẽ thật Kinh-thánh trong tù gặp áp lực mạnh của các bạn cũ trong khu tù hoặc của nhân viên trong tù. Một người trong họ nhớ lại: “Tôi thường bị chế giễu và nhạo báng. Nhưng tôi không quên những lời khích lệ của anh em. Họ bảo tôi: ‘Hãy cứ cầu nguyện Đức Giê-hô-va. Hãy đọc Kinh-thánh thì anh sẽ thấy tâm thần bình an’. Điều ấy thật hữu ích”.
Ryszard, một anh đã làm báp têm dáng người vạm vỡ nói: “Những bạn tù của tôi đã chỉ trích tôi một cách cay đắng. Họ thường dọa tôi: ‘Mày có thể đi họp, nhưng đừng ra mặt ta đây và ra vẻ tốt hơn tụi tao, nghe chưa?’ Nhờ áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh, tôi thay đổi nếp sống và chịu nhiều đau khổ về việc này. Họ lật ngược giường tôi xuống, vất tung tóe ấn phẩm về Kinh-thánh và làm bừa bộn phần góc xà lim của tôi. Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va ban sức giúp tôi tự chủ, rồi lặng lẽ dọn dẹp lại cho gọn ghẽ. Một thời gian sau, họ ngừng tấn công tôi”.
Một số tù nhân khác đã làm báp têm thuật lại: “Khi các bạn tù thấy chúng tôi quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng tôi gặp áp lực dưới hình thức khác. Rất có thể họ nói: ‘Nhớ nhé, mày không được uống rượu, hút thuốc hoặc nói dối nữa đấy’. Loại áp lực như thế giúp một người tự chủ, nhanh chóng từ bỏ các tật xấu hoặc thói nghiện ngập. Điều này cũng giúp vun trồng bông trái của thánh linh” (Ga-la-ti 5:22, 23).
Trở nên tôi tớ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời
Được nhà chức trách trong tù cho phép, buổi báp têm đầu tiên được tổ chức tại phòng tập thể dục vào mùa xuân năm 1991. Zdzisław vui mừng vì sắp được báp têm. Có 12 tù nhân tham dự, và trong dịp này 21 anh chị em từ bên ngoài đến dự. Buổi họp có hiệu lực khích lệ trên các tù nhân. Một số người trong họ tiến bộ một cách đáng kể đến độ trong cùng năm ấy hai phạm nhân khác được trầm mình. Hai năm sau, vào năm 1993, có hai kỳ báp têm được tổ chức và thêm bảy phạm nhân nữa biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va!
Tường thuật về buổi lễ báp têm tổ chức vào tháng 12-1993, nhật báo địa phương, tờ Wieczór Wrocławia nhận xét: “Người ta lũ lượt bước vào phòng tập thể dục, chào hỏi mọi người và bắt tay nhau. Ở đây không ai là khách lạ cả. Họ hợp thành một đại gia đình, hợp nhất trong lối suy nghĩ, trong lối sống và trong việc phụng sự một Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va”. “Đại gia đình” đó gồm 135 người, kể cả 50 phạm nhân. Chúng ta hãy gặp một số người trong họ.
Một anh làm báp têm vào tháng 6 là Jerzy kể lại: “Dù trước đây vài năm tôi đã biết chút ít về lẽ thật của Kinh-thánh nhưng lòng tôi chai đá. Lừa đảo, ly dị người vợ đầu, có quan hệ bất chính với Krystyna, sinh một đứa con ngoại hôn, thường vào tù ra khám—đó là cuộc đời cũ của tôi”. Thấy các phạm nhân chai lì khác trở thành Nhân-chứng ở trong tù, anh bắt đầu tự vấn: ‘Chẳng lẽ tôi lại không thể trở thành một người tốt hơn ư?’ Anh xin được học Kinh-thánh và bắt đầu đến dự các buổi họp. Tuy nhiên, đời anh chuyển sang một bước ngoặt thật sự khi anh được biết qua công tố viên rằng Krystyna đã trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va ba năm trước đó. Jerzy nói: “Tôi hoàn toàn ngạc nhiên! Tôi nghĩ: ‘Còn mình thì sao? Mình sẽ làm gì đây?’ Tôi ý thức rằng muốn được Đức Giê-hô-va chấp nhận, thì tôi cần phải cải thiện đời sống”. Kết quả là cảnh đoàn tụ vui mừng diễn ra trong trại giam—với Krystyna và Marzena, con gái 11 tuổi của họ. Chẳng bao lâu, họ hợp thức hóa hôn nhân. Dù vẫn còn trong tù và cuộc sống có lúc lên lúc xuống, nhưng gần đây Jerzy tự học ngôn ngữ ra dấu và có thể giúp các tù nhân bị điếc.
Mirosław đã dính líu vào các hoạt động phạm pháp khi học tiểu học. Anh rất khâm phục những gì chúng bạn làm và chẳng bao lâu bắt đầu hành động giống họ. Anh cướp giật và hành hung nhiều người. Rồi anh bị bỏ tù. Mirosław thú nhận: “Khi thấy mình bị ở tù, tôi xin linh mục giúp đỡ. Nhưng tôi bị thất vọng não nề. Bởi vậy tôi quyết định sẽ uống thuốc độc tự tử”. Đúng vào ngày dự định tự sát, anh được chuyển sang xà lim khác. Ở đấy anh bắt được một tạp chí Tháp Canh nói về mục đích đời sống. Anh nói thêm: “Tin tức rõ ràng, giản dị ấy chính là điều tôi cần. Giờ đây tôi muốn sống! Bởi vậy, tôi cầu nguyện Đức Giê-hô-va và xin học Kinh-thánh với Nhân-chứng”. Anh tiến bộ nhanh và làm báp têm vào năm 1991. Hiện nay anh làm tiên phong phụ trợ trong tù, được đặc ân rao giảng từ khu này sang khu khác.
Cho tới nay, có tổng cộng 15 tù nhân đã làm báp têm. Các bản án của họ, khi tổng hợp lại, lên đến ngót 260 năm. Một số người được thả ra trước khi mãn án. Bản án 25 năm của một tù nhân được giảm đi 10 năm. Vài người tỏ ra chú ý ở trong tù, đã báp têm trở thành Nhân-chứng sau khi ra tù. Ngoài ra còn có bốn tù nhân khác đang sửa soạn làm báp têm.
Nhà chức trách trong tù thừa nhận
Một bản báo cáo của trại giam ghi: “Thái độ của phạm nhân thay đổi thấy rõ. Nhiều người bỏ hút thuốc, và họ giữ gìn xà lim sạch sẽ. Các thay đổi về hạnh kiểm như thế thể hiện rõ ra ở nhiều phạm nhân”.
Nhật báo Życie Warszawy tường thuật rằng ban quản lý trại giam ở Wołów thừa nhận rằng “những người cải đạo có kỷ luật; họ không gây phiền phức cho lính canh tù”. Bài báo còn ghi nhận thêm những người được thả ra trước khi mãn hạn tù đã hòa nhập tốt đẹp vào vòng Nhân-chứng Giê-hô-va và không trở lại con đường tội ác.
Ý kiến của giám đốc nhà tù là gì? Ông nói: “Công việc của Nhân-chứng Giê-hô-va tại trại giam này thật đáng chuộng và hữu ích”. Giám đốc trại giam thừa nhận rằng “trong tiến trình học Kinh-thánh [với các Nhân-chứng], các giá trị và tiêu chuẩn của phạm nhân thay đổi, cho họ một lực chỉ đạo mới trong đời sống. Họ rất tế nhị và lễ độ, là những người làm việc chăm chỉ, hầu như không gây ra vấn đề nào”. Dĩ nhiên, các Nhân-chứng rao giảng cho tù nhân ở Wołów lấy làm hài lòng về các lời bình luận đầy thiện cảm như thế của nhà chức trách.
Các Nhân-chứng viếng thăm trại giam thấu triệt những lời này của Chúa Giê-su: “Ta quen chiên ta và chiên ta quen ta... Chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn” (Giăng 10:14, 16). Ngay cả các bức tường trại giam cũng không thể ngăn cản Đấng Chăn Chiên Hiền Lành, Chúa Giê-su Christ, thu nhóm những người có lòng giống như chiên. Các Nhân-chứng ở Wołów quý trọng đặc ân được tham gia công việc đầy vui mừng này. Họ ngửa trông Đức Giê-hô-va tiếp tục ban phước công việc giúp đỡ thêm nhiều người có trái tim chai đá đáp ứng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời trước khi sự cuối cùng đến (Ma-thi-ơ 24:14).
[Khung nơi trang 27]
VẤN ĐỀ “NGƯỜI LỚN CÓ TRÍ TUỆ ẤU TRĨ”
Những Nhân-chứng làm việc ở trại giam Wołów nhận xét: “Sau một thời gian bị giam giữ, một tù nhân thường không còn biết sống tự do hoặc tự lập là gì. Vấn đề chúng tôi gặp phải là vấn đề ‘người lớn có trí tuệ ấu trĩ’, một người ra khỏi tù không biết tự chăm sóc bản thân mình. Đó là lý do tại sao vai trò của hội thánh không phải là chỉ dạy người đó lẽ thật của Kinh-thánh. Chúng tôi phải chuẩn bị cho người đó trở nên phần tử của cộng đồng xã hội, cho anh ta biết về những nguy hiểm và cám dỗ mới mà anh có thể gặp. Dù cẩn thận để tránh bao bọc quá nhiều, chúng tôi phải giúp anh ta làm lại cuộc đời”.