Dạy dỗ với sự khôn ngoan và thuyết phục
“Người khôn thì miệng cũng khôn, người khôn hấp dẫn thuyết phục”.—CHÂM-NGÔN 16:23, “Trịnh Văn Căn”.
1. Tại sao dạy dỗ Lời Đức Chúa Trời không phải chỉ chuyển đạt tin tức mà còn bao hàm nhiều hơn nữa?
MỤC ĐÍCH chúng ta dạy Lời Đức Chúa Trời là để soi sáng không những trí mà còn lòng của những người học hỏi với chúng ta. (Ê-phê-sô 1:18) Vì vậy dạy dỗ không phải chỉ chuyển đạt tin tức mà còn bao hàm nhiều hơn nữa. Châm-ngôn 16:23 (TVC) nói: “Người khôn thì miệng cũng khôn, người khôn hấp dẫn thuyết phục”.
2. (a) Thuyết phục là gì? (b) Làm sao mọi tín đồ Đấng Christ có thể là người dạy có tài thuyết phục?
2 Sứ đồ Phao-lô chắc hẳn áp dụng nguyên tắc này trong việc dạy dỗ. Khi ở Cô-rinh-tô, “hễ đến ngày Sa-bát, thì Phao-lô giảng-luận trong nhà hội, khuyên-dỗ người Giu-đa và người Gờ-réc”. (Công-vụ các Sứ-đồ 18:4) Theo một nguồn có thẩm quyền, chữ Hy Lạp ở đây được dịch “thuyết phục” có nghĩa là “làm thay đổi tâm trí qua ảnh hưởng của lý luận hoặc cân nhắc về đạo đức”. Qua những cuộc tranh luận có sức thuyết phục, Phao-lô có thể khiến người ta thay đổi chính lối suy nghĩ của họ. Khả năng thuyết phục của ông hùng hồn đến nỗi làm kẻ thù phải lo sợ. (Công-vụ các Sứ-đồ 19:24-27) Tuy nhiên, cách dạy dỗ của Phao-lô không phải phô bày khả năng của loài người. Ông nói với người Cô-rinh-tô: “Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn-thuyết khéo-léo của sự khôn-ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh-Linh và quyền-phép; hầu cho anh em chớ lập đức-tin mình trên sự khôn-ngoan loài người, bèn là trên quyền-phép Đức Chúa Trời”. (1 Cô-rinh-tô 2:4, 5) Vì mọi tín đồ Đấng Christ được thánh linh của Giê-hô-va Đức Chúa Trời giúp đỡ, tất cả có thể trở thành người dạy có tài thuyết phục. Nhưng bằng cách nào? Chúng ta hãy xem qua một số phương cách dạy dỗ hữu hiệu.
Là người biết lắng nghe
3. Tại sao cần thấu hiểu khi dạy người khác, và chúng ta có thể động đến lòng người học hỏi Kinh Thánh như thế nào?
3 Phương pháp dạy dỗ đầu tiên có liên hệ đến việc nghe chứ không phải nói. Như Châm-ngôn 16:23 (TVC) lưu ý, muốn thuyết phục chúng ta phải khôn ngoan hoặc thông hiểu. Chúa Giê-su chắc chắn hiểu rõ những người ngài dạy. Giăng 2:25 nói: “Ngài tự hiểu thấu mọi điều trong lòng người ta”. Nhưng làm sao chúng ta biết những điều trong lòng những người mình dạy? Một cách để biết là chúng ta phải biết lắng nghe. Gia-cơ 1:19 nói: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói”. Đành rằng không phải ai cũng sẵn sàng nói ra ý nghĩ mình nhưng khi người học hỏi Kinh Thánh tin chắc rằng chúng ta thật lòng chú ý đến họ, họ có thể muốn bày tỏ cảm nghĩ trong lòng. Những câu hỏi dịu dàng nhưng sâu sắc thường có thể giúp chúng ta động đến lòng và “múc lên” những cảm nghĩ đó.—Châm-ngôn 20:5, Trần Đức Huân.
4. Tại sao trưởng lão đạo Đấng Christ phải biết lắng nghe?
4 Điều đặc biệt quan trọng là trưởng lão đạo Đấng Christ phải biết lắng nghe. Chỉ khi làm thế họ mới thật sự “biết nên đối-đáp mỗi người là thể nào”. (Cô-lô-se 4:6) Châm-ngôn 18:13 cảnh giác: “Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên-dại và hổ-thẹn cho ai làm vậy”. Có lần hai anh có thiện chí khuyên bảo một chị về tinh thần thế gian vì chị đã vắng nhóm họp vài lần. Chị rất đau lòng vì họ không hỏi chị tại sao vắng mặt. Lúc đó chị đang tĩnh dưỡng sau cuộc giải phẫu. Vậy, lắng nghe trước khi cho lời khuyên là quan trọng biết bao!
5. Trưởng lão có thể xử lý những vụ tranh cãi trong vòng các anh em như thế nào?
5 Đối với trưởng lão, việc dạy dỗ thường có liên hệ đến việc khuyên bảo người khác. Về phương diện này, biết lắng nghe cũng rất là quan trọng. Việc lắng nghe đặc biệt cần thiết khi có sự tranh cãi trong vòng anh em tín đồ Đấng Christ. Chỉ sau khi nghe thì trưởng lão mới có thể noi theo “Đấng không tây-vị ai”. (1 Phi-e-rơ 1:17) Trong những tình thế đó thường có những xúc động mạnh, và trưởng lão nên nhớ đến lời khuyên nơi Châm-ngôn 18:17: “Người tiên-cáo nghe như phải lẽ; song bên đàng kia đến, bèn tra-xét người”. Người dạy hữu hiệu sẽ nghe cả hai đàng. Bằng cách cầu nguyện, người ấy giúp tạo bầu không khí đỡ căng thẳng. (Gia-cơ 3:18) Nếu tranh cãi xảy ra, anh trưởng lão có thể đề nghị mỗi bên nói thẳng vấn đề mình ra cho anh nghe, thay vì hai bên cãi nhau. Qua những câu hỏi thích hợp, anh trưởng lão có thể làm sáng tỏ vấn đề. Trong nhiều trường hợp, có sự hiểu lầm chứ không phải do ác ý gây ra tranh cãi. Nhưng nếu họ vi phạm những nguyên tắc Kinh Thánh, bấy giờ người dạy có thể yêu thương chỉ bảo với sự sáng suốt, vì đã nghe cả hai bên.
Giá trị của sự đơn giản
6. Phao-lô và Chúa Giê-su đã nêu gương về cách dạy đơn giản như thế nào?
6 Giữ sự việc đơn giản là một kỹ năng dạy dỗ giá trị. Chúng ta quả thật muốn người học Kinh Thánh “đâm rễ vững nền trong sự yêu-thương, được hiệp cùng các thánh-đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” của lẽ thật. (Ê-phê-sô 3:18) Có những khía cạnh của giáo lý Kinh Thánh rất thích thú và thường gặp phải thách đố. (Rô-ma 11:33) Tuy nhiên, khi Phao-lô giảng cho người Hy Lạp, ông nhắm vào thông điệp đơn giản về “[Đấng] Christ bị đóng đinh”. (1 Cô-rinh-tô 2:1, 2) Tương tự như thế, Chúa Giê-su giảng một cách rõ ràng, hấp dẫn. Ngài dùng từ đơn giản trong Bài Giảng Trên Núi. Nhưng trong đó lại chứa một số lẽ thật sâu sắc nhất từ trước tới nay.—Ma-thi-ơ, chương 5-7.
7. Làm sao giữ mọi điều đơn giản khi giúp người khác học hỏi Kinh Thánh?
7 Chúng ta cũng có thể giữ mọi điều đơn giản khi dạy người ta học Kinh Thánh. Bằng cách nào? Bằng cách tập trung vào “những điều quan trọng hơn”. (Phi-líp 1:10, NW) Khi giải thích những đề tài khó hiểu, chúng ta nên cố dùng ngôn ngữ bình dị. Nên nhắm vào những câu Kinh Thánh chính thay vì cố đọc và bình luận mỗi câu Kinh Thánh được dẫn chứng trong sách. Điều này đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ. Cần tránh làm bối rối người học với quá nhiều chi tiết, đừng lạc ra khỏi đề tài vì những vấn đề ít quan trọng. Nếu người học nêu một câu hỏi không liên hệ trực tiếp đến bài học, chúng ta có thể tế nhị nói sẽ bàn luận sau khi học xong.
Dùng câu hỏi một cách hữu hiệu
8. Chúa Giê-su dùng câu hỏi một cách hữu hiệu như thế nào?
8 Một kỹ năng dạy dỗ hữu ích khác bao hàm việc khéo dùng câu hỏi để đạt kết quả hữu hiệu. Chúa Giê-su Christ dùng rất nhiều câu hỏi khi dạy dỗ. Thí dụ, ngài hỏi Phi-e-rơ: “Hỡi Si-môn, ngươi nghĩ sao? Các vua thế-gian thâu lương lấy thuế ai? Thâu của con trai mình hay là của người ngoài? Phi-e-rơ thưa rằng: Người ngoài. Ngài phán rằng: Vậy thì các con trai được miễn thuế!” (Ma-thi-ơ 17:24-26) Là Con một của Đấng được thờ phượng tại đền thờ, Chúa Giê-su thật sự khỏi phải trả thuế cho đền thờ. Nhưng ngài chuyển đạt sự thật này qua việc khéo dùng câu hỏi. Do đó Chúa Giê-su giúp Phi-e-rơ đi đến một kết luận đúng dựa trên những điều ông đã biết.
9. Chúng ta có thể dùng câu hỏi khi học hỏi Kinh Thánh như thế nào?
9 Chúng ta có thể dùng câu hỏi một cách hữu hiệu khi học hỏi Kinh Thánh. Nếu người học trả lời sai, có lẽ chúng ta muốn cho biết câu trả lời đúng, nhưng người học có thật sự nhớ được không? Thường thì cách tốt nhất là cố dẫn người học đến kết luận đúng bằng cách nêu ra câu hỏi. Thí dụ, nếu người học thấy khó hiểu tại sao nên dùng danh Đức Chúa Trời, chúng ta có thể hỏi: ‘Tên ông / bà có quan trọng đối với ông / bà không?... Tại sao?... Ông / bà nghĩ sao nếu người khác từ chối không dùng tên ông / bà?... Chẳng phải là hợp lý khi Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta dùng danh riêng của Ngài hay sao?’
10. Khi giúp những người bị tổn thương tình cảm, các trưởng lão dùng câu hỏi như thế nào?
10 Trưởng lão cũng có thể dùng câu hỏi một cách hữu hiệu khi chăn bầy. Nhiều người trong hội thánh bị tổn thương tình cảm bởi thế gian của Sa-tan gây ra và có lẽ cảm thấy mình nhơ nhuốc và không còn đáng yêu. Một trưởng lão có thể lý luận với người đó như sau: ‘Dù anh/chị cảm thấy mình nhơ nhuốc, nhưng Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về anh/chị? Nếu Cha yêu thương trên trời cho Con Ngài chết để chuộc tội anh/chị, chẳng phải điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời yêu thương anh/chị hay sao?’—Giăng 3:16.
11. Câu hỏi gợi suy nghĩ có mục đích gì, và có thể dùng khi giảng thuyết như thế nào?
11 Những câu hỏi gợi suy nghĩ cũng là một phương pháp dạy dỗ hữu ích. Người nghe không cần trả lời nhưng những câu hỏi này giúp họ lý luận về những vấn đề. Các nhà tiên tri ngày xưa thường nêu ra những câu hỏi như thế để làm người nghe suy nghĩ sâu xa. (Giê-rê-mi 18:14, 15) Chúa Giê-su dùng câu hỏi gợi suy nghĩ một cách hữu hiệu. (Ma-thi-ơ 11:7-11) Những câu hỏi đó đặc biệt hữu hiệu trong việc giảng thuyết. Thay vì chỉ nói với thính giả rằng họ phải hết lòng mới làm vui lòng Đức Giê-hô-va, thì cách hữu hiệu hơn là hỏi: ‘Nếu chúng ta không hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va, Ngài có vui lòng không?’
12. Hỏi những câu hỏi để dò ý có lợi như thế nào?
12 Câu hỏi để dò ý rất hữu ích để biết người học Kinh Thánh có thật sự tin điều mình học không. (Ma-thi-ơ 16:13-16) Người học có lẽ trả lời đúng rằng việc tà dâm là sai. Nhưng bạn hãy hỏi tiếp những câu hỏi như: Ông / bà nghĩ sao về tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời? Nó có quá khắt khe không? Đối với ông / bà, theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời có thật sự quan trọng không?
Những minh họa động đến lòng
13, 14. (a) Minh họa một điều có nghĩa gì? (b) Tại sao những minh họa hay rất hữu hiệu?
13 Một cách khác để động đến lòng thính giả và người học hỏi Kinh Thánh là qua những minh họa có tác động hữu hiệu. Từ Hy Lạp được dịch ra “minh họa” có nghĩa đen là “đặt bên cạnh hoặc đặt chung nhau”. Khi minh họa, bạn giải thích một điều bằng cách ‘đặt nó bên cạnh’ một điều tương tự. Thí dụ, Chúa Giê-su hỏi: “Chúng ta sánh nước Đức Chúa Trời với chi, hay lấy thí-dụ nào mà tỏ ra?” Để trả lời, Chúa Giê-su nói về hột cải quen thuộc.—Mác 4:30-32.
14 Các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời dùng nhiều minh họa có tác động mạnh. Khi người A-si-ri, được Đức Chúa Trời dùng làm công cụ để trừng phạt dân Y-sơ-ra-ên, dùng phương sách ác độc, Ê-sai vạch trần sự tự phụ của họ bằng minh họa này: “Cái rìu há lại khoe mình cùng người cầm rìu ư? Cái cưa há lại dấy lên nghịch cùng kẻ cầm cưa ư?” (Ê-sai 10:15) Khi dạy người khác, Chúa Giê-su cũng dùng rất nhiều minh họa. Theo lời tường thuật, “Ngài chẳng hề giảng cho chúng mà không dùng thí-dụ [minh họa, NW]”. (Mác 4:34) Những minh họa hay rất hữu hiệu vì có tác động đến cả trí lẫn lòng, khiến thính giả sẵn sàng hấp thụ tin tức mới bằng cách so sánh với những điều họ đã quen thuộc.
15, 16. Điều gì sẽ khiến những minh họa được hữu hiệu nhất? Hãy cho thí dụ.
15 Làm thế nào chúng ta có thể dùng minh họa để thật sự động đến lòng? Trước hết, một minh họa phải tương xứng với điều được giải thích. Nếu so sánh không thật sự thích hợp, minh họa đó sẽ làm thính giả lạc hướng thay vì hiểu rõ. Một diễn giả có thiện chí có lần cố giúp thính giả hiểu việc các người xức dầu còn sót lại vâng phục Chúa Giê-su Christ bằng cách so sánh họ với một con chó trung thành. Nhưng sự so sánh thấp kém đó có thật thích hợp không? Kinh Thánh chuyển đạt ý đó một cách hấp dẫn và trang trọng. Kinh Thánh ví 144.000 môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su như “một người vợ mới cưới trang-sức cho chồng mình”.—Khải-huyền 21:2.
16 Minh họa hữu hiệu nhất khi có quan hệ đến đời sống của người ta. Na-than nêu ra minh họa về con chiên nhỏ bị giết làm động đến lòng Vua Đa-vít vì vua thương chiên, và là người chăn chiên lúc còn trẻ. (1 Sa-mu-ên 16:11-13; 2 Sa-mu-ên 12:1-7) Nếu dùng minh họa về con bò, chắc hẳn không hữu hiệu bằng. Cũng thế, minh họa dựa trên hiện tượng khoa học hoặc sự kiện lịch sử ít ai biết đến có lẽ ít có ý nghĩa đối với thính giả. Chúa Giê-su dùng những điều hàng ngày làm minh họa. Ngài nói về những điều thường thấy như cây đèn, chim trời, hoa huệ ngoài đồng. (Ma-thi-ơ 5:15, 16; 6:26, 28) Thính giả của Chúa Giê-su có thể dễ hiểu được những điều đó.
17. (a) Chúng ta có thể dùng gì để minh họa? (b) Chúng ta có thể dùng minh họa trong ấn phẩm để thích ứng với hoàn cảnh người học như thế nào?
17 Trong lúc rao giảng, chúng ta có nhiều cơ hội dùng những minh họa giản dị nhưng hữu hiệu. Hãy tinh mắt. (Công-vụ các Sứ-đồ 17:22, 23) Có lẽ dùng minh họa căn cứ trên con cái, việc làm, nhà cửa hoặc sở thích của người nghe. Hoặc có thể dùng những gì chúng ta biết về người học Kinh Thánh để làm nổi bật những minh họa sẵn có trong tài liệu chúng ta đang học. Thí dụ, hãy lấy minh họa nơi đoạn 14 trong chương 8 của sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. Minh họa này nói về bậc cha mẹ bị người hàng xóm vu khống. Chúng ta có thể suy nghĩ xem làm sao dùng minh họa đó thích ứng với hoàn cảnh người học Kinh Thánh, nếu người đó làm cha mẹ.
Khéo đọc Kinh Thánh
18. Tại sao chúng ta nên cố gắng đọc trôi chảy?
18 Phao-lô khuyên Ti-mô-thê: “Hãy chăm-chỉ đọc sách, khuyên-bảo, dạy-dỗ”. (1 Ti-mô-thê 4:13) Vì Kinh Thánh là nền tảng sự dạy dỗ của chúng ta, nên việc đọc Kinh Thánh trôi chảy rất ích lợi. Những người Lê-vi có đặc ân đọc Luật Pháp Môi-se cho dân Đức Chúa Trời. Họ có vấp váp khi đọc hoặc đọc với giọng tẻ nhạt không? Không, Kinh Thánh nói nơi Nê-hê-mi 8:8: “Họ đọc rõ-ràng trong sách luật-pháp của Đức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu lời họ đọc”.
19. Chúng ta có thể cải tiến việc đọc Kinh Thánh bằng cách nào?
19 Một số tín đồ Đấng Christ là diễn giả lưu loát nhưng đọc thiếu trôi chảy. Họ có thể cải tiến bằng cách nào? Bằng cách thực tập. Đúng vậy, tập đọc lớn tiếng nhiều lần cho đến khi trôi chảy. Nếu có băng cassette Kinh Thánh trong tiếng của bạn thì bạn nên nghe cách người đọc nhấn mạnh ý nghĩa và thay đổi ngữ điệu, đồng thời chú ý đến cách phát âm tên và các chữ lạ. Những bạn nào có Bản Dịch Thế Giới Mới trong ngôn ngữ của mình cũng có thể tận dụng cách giúp phát âm trong đó. Nhờ thực tập, ngay cả những tên như “Ma-he-Sa-la-Hát-Bát” cũng có thể đọc được tương đối dễ dàng.—Ê-sai 8:1.
20. Chúng ta ‘chuyên tâm về sự dạy-dỗ của mình’ như thế nào?
20 Là dân tộc Đức Giê-hô-va, được dùng làm người dạy quả là đặc ân lớn cho chúng ta! Vậy, mỗi người chúng ta hãy xem trọng trách nhiệm này. Mong rằng chúng ta ‘giữ chính mình và [chuyên tâm về, NW] sự dạy-dỗ của mình’. (1 Ti-mô-thê 4:16) Chúng ta có thể làm người dạy tốt bằng cách biết lắng nghe, bằng cách giữ mọi điều đơn giản, bằng cách hỏi những câu khôn ngoan, bằng cách dùng minh họa có tác dụng hữu hiệu và bằng cách khéo đọc Kinh Thánh. Mong rằng tất cả chúng ta gặt được lợi ích qua sự huấn luyện mà Đức Giê-hô-va cung cấp qua tổ chức Ngài, vì điều này có thể giúp chúng ta có “lưỡi của người được dạy-dỗ”. (Ê-sai 50:4) Bằng cách tận dụng tất cả những tài liệu dùng trong thánh chức, kể cả sách mỏng, băng cassette và video, chúng ta có thể dạy với sự khôn ngoan, thông hiểu và thuyết phục.
Bạn có nhớ không?
◻ Việc biết lắng nghe có thể giúp chúng ta thế nào trong việc dạy dỗ?
◻ Chúng ta có thể noi theo Phao-lô và Chúa Giê-su thế nào về cách dạy đơn giản?
◻ Chúng ta có thể dùng những loại câu hỏi nào khi dạy người khác?
◻ Loại minh họa nào là hữu hiệu nhất?
◻ Chúng ta có thể cải tiến cách đọc trước công chúng bằng cách nào?
[Hình nơi trang 16]
Một người dạy tốt lắng nghe để có sự thông hiểu
[Các hình nơi trang 18]
Chúa Giê-su dùng những điều hàng ngày làm minh họa