Thời gian và sự vô tận—Chúng ta thực sự biết gì về những điều này?
THEO một bách khoa từ điển, “thời gian dường như là một trong những khía cạnh huyền bí của đời sống con người”. Đúng vậy, thời gian hầu như không thể được định nghĩa bằng một ngôn từ đơn giản. Chúng ta có thể nói thời gian “trôi qua”, “qua đi”, “qua mau”, và ngay cả chính chúng ta cũng di chuyển theo “dòng thời gian”. Nhưng thật sự chúng ta không biết mình đang nói về điều gì.
Thời gian đã được định nghĩa như là “khoảng cách giữa hai sự kiện”. Tuy vậy, kinh nghiệm dường như cho biết rằng thời gian không tùy thuộc vào sự kiện; dù có xảy ra điều gì đi nữa, thời gian hình như vẫn tiếp tục trôi. Một triết gia cho rằng thời gian không có thật mà chỉ nằm trong sự tưởng tượng. Phải chăng cái thường được xem là nền móng của kinh nghiệm trong đời sống lại chỉ đơn thuần là một sự tưởng tượng của tâm trí chúng ta?
Quan điểm của Kinh Thánh về thời gian
Kinh Thánh không đưa ra một định nghĩa nào về thời gian, sự kiện này gợi ý rằng con người có lẽ không đủ khả năng để hoàn toàn hiểu được thời gian là gì. Nó giống như không gian vô tận và bao la, mà chúng ta cũng khó lòng hiểu được. Dường như thời gian là một trong những điều chỉ Đức Chúa Trời mới có thể hiểu tường tận mà thôi, vì chỉ một mình Ngài là “từ trước vô-cùng cho đến đời đời”.—Thi-thiên 90:2.
Dù không định nghĩa thời gian, nhưng Kinh Thánh có nói về thời gian như là một điều thực tế. Thoạt tiên, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra “các vì sáng”—mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao—để đánh dấu thời gian, “định thì-tiết, ngày và năm”. Nhiều sự kiện ghi trong Kinh Thánh đã được sắp đặt một cách rõ ràng theo dòng thời gian. (Sáng-thế Ký 1:14; 5:3-32; 7:11, 12; 11:10-32; Xuất Ê-díp-tô Ký 12:40, 41) Kinh Thánh cũng nói rằng nếu muốn được Đức Chúa Trời ban cho thời gian vô tận, tức triển vọng sống đời đời, chúng ta phải sử dụng thời gian một cách khôn ngoan.—Ê-phê-sô 5:15, 16.
Sự sống vô tận—Có hợp lý không?
Tìm hiểu thời gian thật sự là gì đã là một vấn đề gây nhiều bối rối; vì vậy phần đông người ta càng cảm thấy băn khoăn hơn nữa khi cố hiểu ý niệm về sự sống vô tận, hoặc sự sống đời đời. Một trong những lý do có thể là vì kinh nghiệm của chúng ta về thời gian luôn liên quan đến chu kỳ sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Do đó, chúng ta gắn liền dòng thời gian với chính quá trình tuổi già. Đối với nhiều người, suy nghĩ theo cách khác sẽ vi phạm đến chính khái niệm về thời gian. Họ có thể thắc mắc: ‘Trong khi các vật sống khác đều phục dưới quyền quản trị của thời gian, thì tại sao con người lại được coi như là một ngoại lệ?’
Phương cách lý luận này thường bỏ quên sự kiện nhân loại đã là một ngoại lệ rồi trong nhiều lĩnh vực khi so với mọi vật sáng tạo khác. Thí dụ, thú vật thiếu những khả năng trí tuệ mà loài người có được. Dẫu có người nói khác, các thú vật vẫn không thể phát triển khả năng sáng tác, nhưng chỉ biết làm theo bản năng mà thôi. Chúng không có khả năng nghệ thuật, cũng không biểu lộ được tình yêu thương và lòng quý trọng như loài người. Nếu loài người đã được ban cho cách phong phú những đặc tính và khả năng nói trên, khiến cuộc sống họ có thêm ý nghĩa, thì việc sự sống họ được kéo dài thêm chẳng phải là điều hợp lý sao?
Mặt khác, chẳng phải là điều lạ kỳ hay sao khi con người dù thông minh chỉ có thể sống trung bình 70 đến 80 tuổi, nhưng trong vài trường hợp, một số loại cây dù không biết suy nghĩ, lại sống được hàng ngàn năm? Chẳng phải là điều nghịch lý hay sao khi những con rùa không có khả năng sáng tác hay hiểu biết về mỹ thuật lại có thể sống đến hơn 200 năm, trong khi tuổi thọ của những người giàu khả năng này lại chẳng bằng một nửa?
Mặc dù con người không thể nhận thức hết được thời gian và sự vô tận, nhưng lời hứa về sự sống đời đời vẫn mãi là niềm hy vọng có căn cứ vững chắc trong Kinh Thánh. Trong sách này, ngôn từ “sống đời đời” xuất hiện gần 40 lần. Thế nhưng, nếu Đức Chúa Trời có ý định cho nhân loại sống đời đời, thì tại sao điều này vẫn chưa được thực hiện? Câu hỏi này sẽ được xem xét trong bài kế tiếp.