Tự truyện
Người mang sự sáng đến nhiều dân tộc
CÂU CHUYỆN CỦA GEORGE YOUNG DO RUTH YOUNG NICHOLSON KỂ LẠI
“Vậy, tại sao các mục sư giảng trước hội thánh đều im lặng?... Chúng ta sẽ là loại người gì nếu cứ giữ im lặng sau khi đã được chứng minh những điều tôi viết ra đây là đúng? Xin chớ giữ người ta trong sự dốt nát, nhưng hãy công bố lẽ thật, đừng che dấu hay cố tự vệ”.
NHỮNG lời này là một phần trong lá thư dài 33 trang của cha xin rút tên khỏi nhà thờ. Điều đó xảy ra vào năm 1913. Từ đó trở đi, cha bắt đầu một cuộc sống đầy những biến cố, khiến cha thành người mang sự sáng đến nhiều dân tộc. (Phi-líp 2:15) Khi còn là một bé gái nhỏ xíu, tôi đã sưu tầm các mẩu chuyện về các kinh nghiệm của cha từ người thân và tài liệu lịch sử, và bạn bè đã giúp tôi ráp lại các mảnh đời của cha. Trong nhiều phương diện, cuộc đời của cha khiến tôi nhớ đến cuộc đời của sứ đồ Phao-lô. Cũng như “sứ-đồ cho dân ngoại” đó, cha luôn sẵn sàng đem thông điệp của Đức Giê-hô-va đến cho dân ở mọi xứ và hải đảo. (Rô-ma 11:13; Thi-thiên 107:1-3) Để tôi kể cho các bạn nghe về cha tôi, George Young.
Những năm đầu
Cha là con trai út của ông bà John và Margaret Young, những người theo Giáo Hội Trưởng Lão (thuộc Tin Lành) ở Scotland. Cha sinh ngày 8 tháng 9 năm 1886, và chẳng bao lâu sau khi cha ra đời, cả gia đình dọn từ Edinburgh, Scotland, đến British Columbia, ở miền tây Canada, sinh sống. Ba người anh của cha, bác Alexander, bác John và bác Malcolm, đều sinh ở Scotland một vài năm trước đó. Cô Marion, em gái của họ, được họ trìu mến gọi là Nellie, nhỏ hơn cha hai tuổi.
Lớn lên trong một trang trại ở thị trấn Saanich, gần thành phố Victoria, British Columbia, họ có tuổi thơ rất sôi động. Đồng thời, họ cũng học gánh vác trách nhiệm. Nhờ vậy mà mỗi khi cha mẹ họ đi Victoria về, thì mọi việc ngoài đồng đều được chu tất, còn nhà cửa vẫn ngăn nắp.
Từ từ, cha và các bác bắt đầu quan tâm đến nghề mỏ và ngành kinh doanh gỗ. Các anh em nhà họ Young trở nên có tiếng là những người giỏi đánh giá đất trồng lấy gỗ và những tay sành mua bán gỗ. Cha có trách nhiệm lo về tài chánh.
Cuối cùng, khuynh hướng ham thích những điều thiêng liêng khiến cha quyết định trở thành một mục sư Giáo Hội Trưởng Lão. Tuy nhiên, chính trong khoảng thời gian đó, các bài giảng của Charles Taze Russell, chủ tịch đầu tiên của Hội Tháp Canh, đăng trong báo chí, có tác động lớn đến đời sống của cha. Những điều cha học được đã khiến cha viết và gửi lá thư xin từ chức được nói đến ở đầu bài.
Cha đã nhã nhặn, nhưng dùng Kinh Thánh một cách rõ ràng để bác bỏ các sự dạy dỗ của giáo hội cho rằng linh hồn con người bất tử và Đức Chúa Trời sẽ hành hạ linh hồn con người đời đời trong lửa địa ngục. Cha cũng vạch trần giáo lý Chúa Ba Ngôi, chứng minh rằng nó không có nguồn gốc từ đạo Đấng Christ và hoàn toàn không dựa trên Kinh Thánh. Từ đó trở đi, bắt chước gương mẫu của Chúa Giê-su Christ, cha theo đuổi thánh chức của người tín đồ Đấng Christ, khiêm nhường dùng tất cả khả năng và sức lực của mình để làm vinh hiển Đức Giê-hô-va.
Năm 1917, theo chỉ thị của Hội Tháp Canh, cha bắt đầu phụng sự với tư cách là giám thị lưu động của Nhân Chứng Giê-hô-va. Cha nói bài giảng, chiếu phim ảnh và phim đèn chiếu “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo” trong khắp các thành phố và thị trấn ở Canada. Trong các chuyến viếng thăm của cha, các nhà hát đều chật cứng người. Lịch trình các chuyến viếng thăm lưu động của cha được đăng trên tạp chí Tháp Canh cho đến năm 1921.
Một tờ báo ở Winnipeg tường thuật rằng nhà truyền giáo Young đã nói chuyện với 2.500 người và nhiều người đã không thể vào được vì hết chỗ. Ở Ottawa, cha đã trình bày chủ đề “Đi đến địa ngục và trở lại”. Một cụ già có mặt ở đó kể lại: “Khi nói xong, ông George Young mời một hàng tu sĩ lên bục cùng ông thảo luận đề tài đó, nhưng không một ai nhúc nhích. Lúc đó, tôi biết rằng tôi đã tìm được lẽ thật”.
Cha cố gắng sắp đặt càng nhiều hoạt động thiêng liêng càng tốt trong các chuyến viếng thăm lưu động của mình. Sau đó, cha lại hối hả bắt cho kịp chuyến xe lửa để đến nơi kế tiếp. Khi đi bằng xe hơi, cha thường lên đường trước giờ ăn sáng rất lâu. Ngoài sự sốt sắng, cha còn có tiếng là người biết quan tâm và được biết nhiều vì lòng rộng rãi và thánh chức của mình.
Trong số những đại hội thuở ban đầu mà cha đi dự, đại hội được tổ chức ở Edmonton, Alberta, vào năm 1918 đặc biệt đáng ghi nhớ. Cả gia đình cha đều có mặt tại đó để dự lễ báp têm của cô Nellie. Đó cũng là lần cuối cùng mấy anh em trai sum họp. Hai năm sau, bác Malcolm chết vì bệnh sưng phổi. Giống như cha và ba người anh em trai của mình, bác Malcolm có hy vọng lên trời. Tất cả đều tiếp tục trung thành với Đức Chúa Trời cho đến chết.—Phi-líp 3:14.
Lên đường đến những cánh đồng ở hải ngoại
Sau khi hoàn tất một vòng rao giảng ở khắp Canada vào tháng 9 năm 1921, cha được anh Joseph F. Rutherford, lúc đó là chủ tịch Hội Tháp Canh, chỉ thị đi đến các hải đảo ở vùng biển Caribbean. Bất cứ nơi nào cha trình chiếu “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo” đều được nhiệt liệt hoan nghênh. Từ Trinidad, cha viết: “Phòng chiếu chật cứng người và rất đông người phải ra về vì không còn chỗ. Đêm chiếu thứ hai, tòa nhà vẫn đầy nghẹt người”.
Đến năm 1923, cha được bổ nhiệm sang Brazil. Ở đó, cha đã nhiều lần nói chuyện trước các cử tọa đông người, đôi khi phải thuê người phiên dịch. Tháp Canh số ra ngày 15-12-1923 tường thuật: “Từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 30 tháng 9, anh Young đã tổ chức 21 buổi họp công cộng, với tổng số người tham dự là 3.600 người; 48 buổi họp hội thánh, với 1.100 người tham dự; phân phát tổng cộng 5.000 ấn phẩm miễn phí bằng tiếng Bồ Đào Nha”. Nhiều người đã chú ý khi cha nói bài giảng “Hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết”.
Khi những cơ sở mới được khánh thành ở Brazil vào ngày 8-3-1997, sách mỏng được phát vào dịp đó báo cáo: “1923: Anh George Young đến Brazil và tổ chức một văn phòng chi nhánh ở trung tâm Rio de Janeiro”. Mặc dù có các ấn phẩm Kinh Thánh bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng cũng cần phải có sách báo bằng tiếng Bồ Đào Nha, là ngôn ngữ chính ở Brazil. Vì thế, vào ngày 1-10-1923, Tháp Canh tiếng Bồ Đào Nha bắt đầu được xuất bản.
Cha có rất nhiều người quen đáng nhớ ở Brazil. Một trong số đó là ông Jacintho Pimentel Cabral, một người Bồ Đào Nha giàu có đã cho mượn nhà ông làm nơi nhóm họp. Jacintho đã nhanh chóng chấp nhận lẽ thật Kinh Thánh và sau này trở thành một thành viên ở văn phòng chi nhánh. Một người khác là Manuel da Silva Jordão, một người làm vườn trẻ người Bồ Đào Nha. Sau khi nghe một bài diễn văn công cộng của cha, anh đã được thúc đẩy trở về Bồ Đào Nha làm người phân phát sách đạo, cách gọi lúc bấy giờ để chỉ người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va.
Cha đi lại rất nhiều trong khắp nước Brazil bằng tàu hỏa để cố tìm người chú ý. Có một lần trong một chuyến đi, cha gặp Bony và Catarina Green và ở lại giải thích Kinh Thánh cho họ trong khoảng hai tuần. Có ít nhất bảy người trong gia đình này biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng cách làm báp têm trong nước.
Cha cũng quen một người khác vào năm 1923, là Sarah Bellona Ferguson. Năm 1867, khi còn trẻ, cô cùng với anh trai Erasmus Fulton Smith và những người khác trong gia đình rời Hoa Kỳ đến Brazil sinh sống. Từ năm 1899, cô đã thường xuyên nhận tạp chí Tháp Canh qua bưu điện. Chuyến viếng thăm của cha là cơ hội mà Sarah, cùng bốn người con của cô, và một người nữa mà cha gọi là dì Sallie, đã chờ đợi từ lâu để được làm báp têm. Báp têm của họ đã diễn ra vào ngày 11-3-1924.
Chẳng bao lâu sau, cha bắt đầu rao giảng ở các nước Nam Mỹ khác. Ngày 8-11-1924, cha viết từ Peru như sau: “Vừa phân phát xong 17.000 giấy nhỏ ở Lima và Callao”. Kế tiếp, cha đi đến Bolivia để phân phát giấy nhỏ ở đó. Về chuyến đi đó, cha viết: “Cha chúng ta đang ban phước cho các nỗ lực của chúng ta. Một người da đỏ đã giúp tôi. Nhà anh ta nằm ở đầu nguồn sông Amazon. Anh ta đã lấy 1.000 giấy nhỏ và một số sách để đem về nhà”.
Nhờ nỗ lực của cha, các hạt giống lẽ thật Kinh Thánh đã được rải ra trong nhiều nước ở Trung và Nam Mỹ. Tháp Canh số ra ngày 1-12-1924 báo cáo: “Anh George Young đã ở Nam Mỹ được hai năm... Người anh rất yêu dấu này đã có đặc ân mang thông điệp lẽ thật đến Punta Arenas, ở Eo Biển Magellan”. Cha cũng dẫn đầu công việc rao giảng ở các nước Costa Rica, Panama và Venezuela. Cha đã tiếp tục công việc ngay cả khi bị nhiễm sốt rét và sức khỏe bị ảnh hưởng.
Đến Châu Âu
Tháng 3 năm 1925, cha xuống thuyền đi Châu Âu với hy vọng phân phát 300.000 giấy nhỏ giải thích Kinh Thánh ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và sắp xếp cho anh Rutherford đến nói diễn văn công cộng. Tuy nhiên, sau khi đến Tây Ban Nha, vì bầu không khí căng thẳng về tôn giáo ở đây, cha đã đề nghị anh Rutherford không nên đến nói diễn văn.
Trong thư phúc đáp, anh Rutherford trích Ê-sai 51:16, nói rằng: “Ta đã để lời nói ta trong miệng ngươi, và cho ngươi núp dưới bóng bàn tay ta, đặng dựng các từng trời và lập nền đất, cùng nói với Si-ôn rằng: Ngươi là dân ta”. Nhờ câu Kinh Thánh đó, cha kết luận rằng: “Chắc chắn ý muốn của Đức Chúa Trời là mình cứ tiến hành công việc và rồi để Ngài lo liệu mọi chuyện”.
Ngày 10-5-1925, anh Rutherford nói diễn văn tại nhà hát Novedades, Barcelona, có người phiên dịch. Hơn 2.000 người đã tham dự, kể cả một viên chức chính phủ và một người bảo vệ đặc biệt túc trực trên sân khấu. Mọi việc diễn ra tương tự ở Madrid, với 1.200 người tham dự. Các bài giảng này đã khiến nhiều người chú ý, và kết quả là một văn phòng chi nhánh được thiết lập ở Tây Ban Nha “dưới sự hướng dẫn của anh George Young”, như được ghi lại trong Niên Giám 1978 của Nhân Chứng Giê-hô-va (Anh ngữ).
Ngày 13-5-1925, anh Rutherford nói diễn văn ở Lisbon, Bồ Đào Nha. Cuộc viếng thăm đó của anh cũng thành công lớn, mặc dù giới tu sĩ đã cố phá hoại buổi họp bằng cách la hét và đập ghế. Sau khi anh Rutherford nói bài giảng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cha tiếp tục trình chiếu phim “Kịch-Ảnh”, đồng thời sắp xếp in và phân phát tài liệu Kinh Thánh ở những nơi đó. Năm 1927, cha báo cáo rằng tin mừng “đã được công bố ở khắp mọi thành phố và thị trấn ở Tây Ban Nha”.
Rao giảng ở Liên Bang Sô Viết
Nhiệm sở giáo sĩ kế tiếp của cha là Liên Bang Sô Viết. Cha đến đó vào ngày 28-8-1928. Lá thư đề ngày 10-10-1928 của cha viết như sau:
“Từ khi đến Nga, tôi đã thật sự cầu xin: ‘Nước Cha được đến’ với tất cả tấm lòng mình. Tôi đang học ngôn ngữ ở đây nhưng tiến bộ rất chậm. Người phiên dịch của tôi là một anh chàng rất đặc biệt, anh ta là người Do Thái nhưng lại tin Đấng Christ và yêu mến Kinh Thánh. Tôi có vài kinh nghiệm thú vị ở đây nhưng không biết mình sẽ được phép ở lại trong bao lâu. Tuần rồi, tôi nhận được giấy báo phải rời khỏi đây trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nhưng sau đó tôi đã thu xếp được mọi việc nên có thể ở lại lâu hơn”.
Cha đã liên lạc được với một số học viên Kinh Thánh ở Kharkov, nay là một thành phố lớn ở Ukraine, và cuộc trao đổi ấm cúng sau đó đã khiến các anh chị ấy rơi lệ. Một hội nghị nhỏ được tổ chức mỗi tối cho đến nửa đêm. Cha viết về cuộc gặp gỡ này với các anh em như sau: “Anh em thật tội nghiệp, họ chỉ có vài cuốn sách nhưng đã bị tịch thu, nhà cầm quyền thì không thân thiện, tuy vậy các anh em vẫn vui vẻ”.
Thánh chức của cha tại Liên Bang Sô Viết được nêu trong sách mỏng đặc biệt được phát cho những ai tham dự lễ khánh thành văn phòng chi nhánh mới ở St. Petersburg, Nga, vào ngày 21-6-1997. Sách nhỏ này nói rằng cha được gửi đến Moscow và được phép “in 15.000 sách mỏng Tự do cho muôn dân và Những người chết ở đâu? (Nga ngữ) để phát tại Nga”.
Sau khi từ Nga trở về, cha được giao cho công việc lưu động ở Mỹ. Ở South Dakota, cha viếng thăm nhà của hai chị em Nellena và Verda Pool, sau này là giáo sĩ ở Peru. Họ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với thánh chức không mệt mỏi của cha và viết: “Các anh thời đó đúng là có tinh thần tiên phong vì họ đã đi đến nhiều xứ với hành trang chẳng có gì, ngoài tấm lòng đầy ắp tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va. Đó là động lực đã thúc đẩy họ hoàn thành được những việc họ đã làm”.
Kết hôn và chuyến đi thứ hai
Cha đã thư từ liên lạc với Clara Hubbert ở Đảo Manitoulin, bang Ontario trong nhiều năm. Cả hai đều tham dự đại hội ở Columbus, Ohio, vào ngày 26-7-1931, khi các Học Viên Kinh Thánh lấy tên là Nhân Chứng Giê-hô-va. (Ê-sai 43:10-12) Một tuần sau họ kết hôn. Ít lâu sau, cha lại lên đường thực hiện chuyến công du giáo sĩ thứ hai đến các đảo ở vùng biển Caribbean. Ở đó, cha giúp tổ chức các buổi họp và huấn luyện các anh chị trong thánh chức từ nhà này sang nhà kia.
Mẹ nhận được hình, bưu thiếp và thư từ của cha gửi từ Suriname, St. Kitts và nhiều nơi khác nữa. Các lá thư này kể lại sự tiến triển của công việc rao giảng và đôi khi cũng kể về các loài chim, thú và cây cỏ ở xứ mà cha đến. Tháng 6 năm 1932, cha hoàn tất công tác ở vùng biển Caribbean và, như thường lệ, cha trở về Canada với vé tàu hạng chót. Từ đó về sau, cha và mẹ cùng tham gia vào công việc rao giảng trọn thời gian. Cha mẹ trải qua mùa đông năm 1932/1933 ở quanh Ottawa cùng với một nhóm lớn những người truyền giáo trọn thời gian.
Cuộc sống gia đình ngắn ngủi
Năm 1934, anh David của tôi ra đời. Hồi nhỏ, anh thường đứng trên hộp đựng nón của mẹ và tập nói “bài giảng”. Trong suốt cuộc đời mình, anh đã luôn tỏ lòng sốt sắng đối với Đức Giê-hô-va như cha mình vậy. Ba người thường lái xe, với thiết bị âm thanh được cột trên mui, khi họ đi viếng thăm các hội thánh từ bờ biển phía đông Canada sang đến bờ biển phía tây. Tôi ra đời năm 1938 khi cha đang phục vụ ở British Columbia. Anh David còn nhớ cha đặt tôi vào giường, rồi cha, mẹ và anh David cùng quì gối xung quanh trong khi cha dâng lời tạ ơn vì có tôi.
Mùa đông năm 1939, chúng tôi sống ở Vancouver trong khi cha viếng thăm các hội thánh trong vùng đó. Trong số nhiều lá thư mà chúng tôi đã góp nhặt được qua năm tháng có một lá đề ngày 14-1-1939 do cha viết ở Vernon, British Columbia. Cha viết lá thư đó cho mẹ, anh David và tôi: “Hôn em và các con”. Trong thư có phần dành riêng cho mỗi người chúng tôi. Cha nói mùa gặt rất lớn ở đó nhưng con gặt thì ít.—Ma-thi-ơ 9:37, 38.
Một tuần sau khi trở về Vancouver, cha ngã quỵ tại một buổi họp. Sự chẩn đoán sau đó cho biết cha có một khối u ung thư trong não. Ngày 1-5-1939, cha kết thúc đời sống trên đất. Lúc đó, tôi chỉ mới 9 tháng, còn anh David thì gần 5 tuổi. Người mẹ yêu dấu của chúng tôi, cũng có hy vọng lên trời, đã tiếp tục trung thành với Đức Chúa Trời cho đến khi qua đời vào ngày 19-6-1963.
Cảm nghĩ của cha về đặc ân được mang tin mừng đến nhiều dân tộc được ghi lại rất hay trong một lá thư mà cha gửi cho mẹ. Cha nói: “Đức Giê-hô-va đã nhân từ cho phép anh đi đến những xứ này như người mang ánh sáng của thông điệp Nước Trời. Nguyện danh thánh của Ngài được khen ngợi. Qua sự yếu đuối và thiếu sót, sự vinh hiển của Ngài chiếu rạng”.
Ngày nay, con, cháu và chắt của George và Clara Young cũng đang phụng sự Đức Chúa Trời đầy yêu thương của chúng ta, Đức Giê-hô-va. Có người nói với tôi rằng cha thường hay trích dẫn Hê-bơ-rơ 6:10, nói như sau: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài”. Chúng tôi cũng vậy, cũng chưa quên công việc của cha.
[Hình nơi trang 23]
Cha tôi, ở bên phải, cùng với ba người anh
[Các hình nơi trang 25]
Cha (đứng) với các anh Woodworth, Rutherford, và Macmillan
Bên dưới: Cha (ở bìa trái) trong nhóm với anh Russell
[Các hình nơi trang 26]
Cha và mẹ
Bên dưới: Ngày cưới của họ
[Hình nơi trang 27]
Với anh David và mẹ vài năm sau khi cha mất