Tự truyện
Chúng tôi từng chung vai sát cánh
DO MELBA BARRY KỂ LẠI
Vào ngày 2 tháng 7 năm 1999, vợ chồng tôi dự một cuộc họp lớn của Nhân Chứng Giê-hô-va, như chúng tôi đã từng làm hàng ngàn lần trong suốt 57 năm chung sống với nhau. Anh Lloyd nói bài giảng kết thúc hôm Thứ Sáu đó tại đại hội địa hạt ở Hawaii. Bỗng nhiên, anh ngã quỵ xuống. Mọi cố gắng làm anh hồi tỉnh đều vô hiệu và anh đã từ trần.a
THẬT quý làm sao những anh chị tín đồ ở Hawaii quây quần bên tôi để giúp tôi đối phó với tình thế bi thảm này! Anh Lloyd đã tác động đến đời sống của nhiều người trong họ, cũng như của nhiều người khác nữa trên khắp thế giới.
Trong ngót hai năm trôi qua từ khi anh mất đi, tôi hồi tưởng lại những năm quý báu ở bên nhau—nhiều năm cùng làm giáo sĩ ở hải ngoại, cũng như những năm cùng phụng sự ở trụ sở quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Brooklyn, bang New York. Tôi cũng hoài niệm tuổi trẻ ở Sydney, Úc, và những nỗi khó khăn mà tôi và anh Lloyd đã phải đối phó để thành hôn vào buổi đầu của Thế Chiến II. Nhưng trước hết, tôi xin được kể bằng cách nào tôi đã trở thành Nhân Chứng và tôi gặp anh Lloyd dịp nào vào năm 1939 xa xưa ấy.
Bằng cách nào tôi trở thành Nhân Chứng
Tôi là con gái của ông bà James và Henrietta Jones đầy yêu thương và ân cần. Vào năm 1932, tôi nghỉ học lúc mới 14 tuổi. Dạo ấy cả thế giới đều chìm ngập trong Cuộc Khủng Hoảng Kinh Tế. Tôi bắt đầu đi làm để giúp đỡ gia đình, gồm hai em gái. Chỉ trong vòng ít năm, tôi có được một công việc lương hậu và giám sát một số nữ nhân viên.
Cũng trong thời gian đó, năm 1935, mẹ tôi nhận sách báo của Nhân Chứng Giê-hô-va và chẳng bao lâu mẹ tin mình đã tìm được lẽ thật. Những người khác trong gia đình nghĩ mẹ bị mất trí. Tuy nhiên, một ngày nọ tôi chợt thấy cuốn sách nhỏ nhan đề Người chết ở đâu? (Anh ngữ), và cái tựa đó đã gợi trí tò mò của tôi. Vậy tôi lén đọc sách nhỏ đó. Đấy là bước ngoặt! Lập tức tôi đi theo mẹ đến một buổi họp trong tuần gọi là Buổi Học Kiểu Mẫu. Cuốn sách nhỏ dùng làm tài liệu có tựa đề là Buổi Học Kiểu Mẫu—tất cả có tới ba cuốn như vậy—gồm câu hỏi và câu trả lời cũng như các câu Kinh Thánh yểm trợ các câu trả lời.
Cũng vào thời gian đó, tháng 4 năm 1938, Joseph F. Rutherford, một người đại diện cho trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va, đến thăm Sydney. Bài giảng của anh là diễn văn công cộng đầu tiên tôi được nghe. Đáng lẽ anh nói bài giảng tại Tòa Thị Chính ở Sydney, nhưng mấy kẻ chống đối đã thành công trong việc gây áp lực để chúng tôi không được phép sử dụng địa điểm ấy. Vì vậy, anh nói diễn văn tại Sân Vận Động Thể Thao Sydney rộng hơn Tòa Thị Chính rất nhiều. Nhờ những kẻ chống đối quảng cáo hộ, có khoảng 10.000 người đến nghe, một con số thật đáng kinh ngạc so với số Nhân Chứng ở Úc lúc ấy chỉ vỏn vẹn có 1.300 người.
Ít lâu sau, tôi tham gia vào thánh chức rao giảng lần đầu tiên mà không được huấn luyện gì cả. Khi nhóm đến khu vực rao giảng, anh trưởng nhóm nói với tôi: “Chị giảng cho nhà đó nhé”. Khi bà chủ nhà ra mở cửa, tôi hồi hộp đến nỗi không nói gì được ngoài câu: “Thưa bà, xin bà làm ơn cho cháu biết mấy giờ rồi ạ?” Bà vào trong, xem giờ rồi trở ra nói cho tôi biết. Thế là xong. Tôi trở lại xe đang đợi tôi.
Tuy nhiên, tôi đã không bỏ cuộc, và chẳng mấy chốc tôi đều đặn chia sẻ tin mừng Nước Trời với người khác. (Ma-thi-ơ 24:14) Vào tháng 3 năm 1939, tôi biểu trưng sự dâng mình của tôi cho Đức Giê-hô-va bằng cách làm báp têm trong bồn tắm của bà láng giềng Dorothy Hutchings. Vì không có đủ nam tín đồ, nên ít lâu sau khi làm báp têm, tôi được giao cho trách nhiệm thông thường dành riêng cho các anh.
Chúng tôi thường tổ chức họp ở nhà riêng, nhưng đôi khi cũng mướn phòng lớn để nói diễn văn công cộng. Có lần một anh đẹp trai từ nhà Bê-tên, văn phòng chi nhánh, đến nói diễn văn ở hội thánh nhỏ bé của chúng tôi. Hóa ra anh ấy cũng đến vì một lý do khác—để tìm hiểu thêm về tôi—mà lúc ấy tôi không biết. Vâng, đấy là dịp tôi gặp anh Lloyd.
Ra mắt gia đình anh Lloyd
Chẳng bao lâu tôi ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian. Tuy nhiên, khi tôi nộp đơn xin làm tiên phong (tham gia công việc rao giảng trọn thời gian), tôi được hỏi có muốn vào làm việc ở nhà Bê-tên không. Thế là vào tháng 9 năm 1939, tôi trở thành một thành viên của gia đình Bê-tên ở Strathfield, một vùng ngoại ô của Sydney, trong khi Thế Chiến II bùng nổ.
Vào tháng 12 năm 1939, tôi đi dự một đại hội ở New Zealand. Vì anh Lloyd là người gốc New Zealand, anh cũng đi đến đó nữa. Chúng tôi đi cùng chuyến tàu nên có thời gian để biết nhau rõ hơn. Anh Lloyd sắp xếp để tôi gặp cha mẹ và hai cô em gái của anh tại đại hội ở Wellington và sau đó tại nhà họ ở Christchurch.
Hoạt động của chúng tôi bị cấm đoán
Vào Thứ Bảy, ngày 18-1-1941, các viên chức của chính quyền lái khoảng sáu chiếc limousine màu đen đến trụ sở chi nhánh để tịch thu tài sản. Vì làm việc tại phòng tiếp tân ở cổng ra vào nên tôi là người đầu tiên thấy họ đến. Khoảng 18 tiếng trước đó, chúng tôi được báo cho biết về lệnh cấm, vậy hầu hết sách báo và hồ sơ đã được chuyển ra khỏi chi nhánh rồi. Tuần sau, năm thành viên của gia đình Bê-tên, kể cả anh Lloyd, bị bắt giam.
Tôi biết các anh ở trong tù cần nhất là thức ăn thiêng liêng. Để khuyến khích anh Lloyd, tôi nghĩ ra kế viết “thư tình” cho anh. Tôi bắt đầu lá thư như bao lá thư tình khác, nhưng rồi tôi chép lại nguyên nội dung các bài học Tháp Canh và ở dưới tôi ký tên là người yêu của anh. Bốn tháng rưỡi sau, anh Lloyd được thả ra.
Kết hôn và tiếp tục phụng sự
Năm 1940, mẹ anh Lloyd đến thăm nước Úc, anh nói với bà về ý định thành hôn của chúng tôi. Bà khuyên anh không nên kết hôn vì dường như sự cuối cùng của hệ thống mọi sự này gần kề. (Ma-thi-ơ 24:3-14) Anh cũng cho các bạn biết ý định của anh nhưng lần nào họ cũng khuyên anh đừng lấy vợ. Cuối cùng, một ngày nọ vào tháng 2 năm 1942, anh Lloyd kín đáo dẫn tôi—cùng với bốn Nhân Chứng đã thề giữ bí mật—đến sở đăng ký và chúng tôi kết hôn. Dạo ấy, ở Úc Hội Nhân Chứng Giê-hô-va chưa có thẩm quyền chính thức cử hành nghi thức hôn nhân.
Dù không được phép tiếp tục phụng sự ở nhà Bê-tên nữa, vợ chồng chúng tôi được đề nghị làm tiên phong đặc biệt. Chúng tôi sung sướng nhận nhiệm vụ này ở một thị trấn miền quê tên là Wagga Wagga. Công việc rao giảng vẫn còn bị cấm, và chúng tôi không được sự tài trợ nào, bởi vậy chúng tôi thật sự phải trao gánh nặng mình cho Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 55:22.
Chúng tôi đạp xe đạp kép về miền quê, gặp được những người tử tế, nói chuyện lâu với họ. Không mấy ai chịu học hỏi Kinh Thánh. Tuy nhiên, một ông chủ hiệu buôn quý trọng công việc chúng tôi đang làm đến độ mỗi tuần ông cung cấp cho chúng tôi trái cây và rau cải. Sau khi ở Wagga Wagga được sáu tháng, chúng tôi được mời trở lại nhà Bê-tên.
Vào tháng 5 năm 1942, gia đình Bê-tên đã rời khỏi trụ sở ở Strathfield và chuyển tới các nhà riêng. Cứ khoảng mỗi hai tuần thì họ lại dọn từ nhà này sang nhà khác để tránh bị phát hiện. Khi tôi và anh Lloyd trở lại nhà Bê-tên vào tháng 8, chúng tôi cùng họ làm việc trong một nhà riêng như thế. Vào ban ngày, nhiệm vụ của chúng tôi là làm việc tại một trong những nhà in bí mật đã được thành lập. Cuối cùng, tháng 6 năm 1943, công việc của chúng tôi hết bị cấm đoán.
Chuẩn bị phụng sự ở hải ngoại
Tháng 4 năm 1947 chúng tôi nhận được đơn đăng ký tham dự Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh ở South Lansing, bang New York, Hoa Kỳ. Trong khi chờ đợi, chúng tôi được chỉ định thăm viếng các hội thánh ở Úc để củng cố anh em về thiêng liêng. Vài tháng sau, chúng tôi nhận được giấy mời dự khóa 11 của Trường Ga-la-át. Chỉ có ba tuần để thu xếp mọi việc và hành trang. Chúng tôi từ giã gia đình và bạn bè vào tháng 12 năm 1947 để lên đường đi New York cùng với 15 người Úc khác được mời dự cùng khóa học.
Khóa học mấy tháng ở Trường Ga-la-át thấm thoát trôi nhanh và chúng tôi nhận lãnh nhiệm vụ giáo sĩ ở Nhật. Vì phải mất vài tháng mới xong thủ tục giấy tờ đi Nhật, anh Lloyd một lần nữa được chỉ định làm giám thị lưu động. Chúng tôi thăm viếng các hội thánh trải dài từ thành phố Los Angeles xuống tận biên giới Mexico. Vì chúng tôi không có xe hơi nên mỗi tuần anh em Nhân Chứng tử tế chở chúng tôi từ hội thánh này sang hội thánh kế tiếp. Khu vực viếng thăm đó xưa chỉ là một vòng quanh rộng lớn bây giờ thành ba địa hạt nói tiếng Anh và ba địa hạt nói tiếng Tây Ban Nha, mỗi địa hạt có khoảng 10 vòng quanh!
Tháng 10 năm 1949 đến nhanh chóng và chúng tôi lại lên đường đi Nhật trên một chiếc tàu chiến cũ sửa lại. Những người nam được sắp xếp ở đầu tàu còn phụ nữ và trẻ em ở cuối tàu. Chỉ một ngày trước khi đến Yokohama, tàu chúng tôi gặp cơn bão to. Dường như bão thổi mây bay đi mất, bởi vì khi mặt trời mọc ngày hôm sau, ngày 31 tháng 10, từ xa chúng tôi có thể nhìn thấy ngọn Phú Sĩ Sơn hùng vĩ, dường như tiếp rước chúng tôi đến nhiệm sở mới!
Cộng tác với người Nhật
Khi sắp đến gần bến cảng, chúng tôi thấy hàng trăm người tóc đen. Khi nghe thấy tiếng ồn ào náo nhiệt, chúng tôi nghĩ thầm: ‘Sao mà ồn quá!’ Ai ai cũng mang guốc gỗ khua vang trên bến tàu. Sau khi ngủ một đêm ở Yokohama, chúng tôi đáp xe lửa đi Kobe, nơi nhận nhiệm vụ giáo sĩ. Ở đó anh Don Haslett, bạn giáo sĩ tốt nghiệp cùng khóa Ga-la-át đến Nhật vài tháng trước, đã mướn một căn nhà. Đó là một ngôi nhà hai tầng, lớn, đẹp, kiểu Tây Phương—hoàn toàn trống không!
Chúng tôi cắt cỏ cao ở ngoài sân để lót dưới sàn làm nệm ngủ. Đời sống giáo sĩ bắt đầu như thế đấy, ngoài hành lý ra, không có gì khác. Chúng tôi kiếm ra một cái bếp than gọi là hibachi, vừa để sưởi ấm vừa để nấu nướng. Một đêm nọ, anh Lloyd đã khám phá ra hai người bạn giáo sĩ bị bất tỉnh, đó là Percy và Ilma Iszlaub. Anh bèn hồi sinh họ bằng cách mở toang các cửa sổ ra để cho không khí mát lạnh vào nhà. Có lần chính tôi cũng bị ngất đi khi nấu ăn bằng cái bếp than ấy. Có những việc phải mất một thời gian mới quen dần!
Học tiếng Nhật là điều ưu tiên, và chúng tôi dành ra mỗi ngày 11 tiếng để học suốt một tháng ròng. Sau đó, chúng tôi bắt tay vào công việc rao giảng, viết ra giấy một hai câu để bắt đầu. Vào chính ngày đầu tiên đi rao giảng, tôi gặp một bà dễ mến tên là Miyo Takagi, tiếp tôi rất tử tế. Trong những lần thăm lại, chúng tôi dùng mấy cuốn tự điển Nhật-Anh để cố hiểu nhau và kết quả là một cuộc học hỏi Kinh Thánh. Vào năm 1999, khi tham dự lễ dâng hiến cơ sở chi nhánh nới rộng ở Nhật, tôi gặp lại Miyo, và một số những người thân yêu khác đã học hỏi Kinh Thánh với tôi dạo ấy. Năm mươi năm đã trôi qua, thế mà họ vẫn còn sốt sắng công bố về Nước Trời, dốc hết sức để phụng sự Đức Giê-hô-va.
Ở Kobe vào ngày 1-4-1950, có khoảng 180 người dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ. Chúng tôi ngạc nhiên biết bao khi sáng ngày hôm sau có 35 người trở lại để đi rao giảng. Mỗi giáo sĩ dẫn theo ba hoặc bốn người mới này để cùng đi rao giảng. Không chủ nhà nào chịu nói chuyện với tôi cả—người nước ngoài mà hiểu gì—mà trái lại, họ nói với mấy người Nhật mới dự Lễ Tưởng Niệm đi cùng với tôi. Họ nói tràng giang đại hải, mà tôi lại không hiểu họ nói về chuyện gì. Tôi lấy làm vui sướng mà nói rằng một số những người mới này tiến bộ trong sự hiểu biết và vẫn tiếp tục công việc rao giảng cho đến nay.
Nhiều đặc ân phụng sự
Chúng tôi tiếp tục công việc giáo sĩ ở Kobe cho đến năm 1952, khi chúng tôi được phái đi Tokyo, anh Lloyd được giao cho trách nhiệm làm giám thị trụ sở chi nhánh. Dần dần, anh đi công tác khắp nước Nhật và cả những nước khác nữa. Sau đó, trong một chuyến viếng thăm Tokyo, anh Nathan H. Knorr, đến từ trụ sở trung ương quốc tế, nói với tôi: “À, chị có biết chồng chị làm giám thị vùng sắp đi thăm nơi nào không? Nước Úc và New Zealand đấy”. Anh nói thêm: “Chị cũng có thể đi chung, nếu trả được chi phí”. Thật hào hứng làm sao! Nghĩ cho cùng, chúng tôi xa nhà đã chín năm rồi.
Sau đó, chúng tôi liền viết thư về nhà. Mẹ trả tiền vé máy bay cho tôi. Tôi và anh Lloyd đã bận rộn làm nhiệm vụ suốt thời gian qua, và cũng không đủ tiền để về thăm gia đình hai bên. Vậy là những lời cầu nguyện của tôi đã được nhậm. Như bạn có thể tưởng tượng, mẹ rất sung sướng gặp lại tôi. Mẹ nói: “Thôi, để mẹ dành dụm tiền để rồi ba năm nữa các con lại được về thăm nhà”. Chúng tôi ra đi với ý nghĩ đó, nhưng buồn thay, mẹ mất vào tháng 7 sau đó. Chúng tôi sẽ có sự sum họp vui vẻ biết bao trong thế giới mới!
Cho đến năm 1960, tôi chỉ có trách nhiệm là làm giáo sĩ, nhưng rồi tôi lại nhận được một bức thư giải thích: “Kể từ ngày hôm nay, chị được chỉ định giặt ủi cho cả gia đình Bê-tên”. Lúc đó, gia đình Bê-tên của chúng tôi chỉ có vỏn vẹn chừng mười hai người, bởi vậy ngoài nhiệm vụ giáo sĩ, tôi đã có thể làm thêm công việc này.
Vào năm 1962, chúng tôi phá bỏ căn nhà giáo sĩ kiểu Nhật, và năm sau đó, một tòa nhà Bê-tên mới cao sáu tầng được hoàn tất trên địa điểm cũ. Tôi được chỉ định giúp các anh trẻ mới vào nhà Bê-tên giữ cho phòng riêng được sạch sẽ và ngăn nắp. Theo phong tục thì mấy cậu trai ở Nhật không được dạy làm việc nhà. Người ta chỉ nhấn mạnh việc học hành, còn mọi việc khác thì đều có mẹ lo. Chẳng bao lâu các anh ấy đã hiểu ra tôi không phải là mẹ của họ. Với thời gian, nhiều người tiến bộ và nhận lãnh những trách nhiệm mới trong tổ chức.
Vào một ngày mùa hè oi ả, một học viên Kinh Thánh đi thăm nhà Bê-tên, và thấy tôi lau chùi phòng tắm vòi hoa sen. Bà ấy nói: “Xin chị nói với ông giám đốc là tôi sẵn sàng trả tiền cho một người làm công đến làm việc này cho chị”. Tôi giải thích với bà ấy rằng tôi rất cám ơn nhã ý của bà, nhưng tôi rất sẵn lòng làm bất cứ điều gì được giao cho tôi trong tổ chức Đức Giê-hô-va.
Cũng vào khoảng thời gian này, tôi và anh Lloyd nhận được lời mời thụ huấn khóa 39 Trường Ga-la-át! Thật là một đặc ân đối với tôi ở tuổi 46 được đi học lần nữa vào năm 1964! Khóa học ấy nhằm đặc biệt giúp những ai làm việc trong các trụ sở chi nhánh để họ chu toàn trách nhiệm. Sau khóa học dài mười tháng, chúng tôi được chỉ định trở lại nước Nhật. Thời ấy, số người công bố ở nước Nhật chỉ mới trên 3.000 người.
Công việc tiến triển rất nhanh chóng đến độ vào khoảng năm 1972 đã có trên 14.000 Nhân Chứng, và một trụ sở chi nhánh mới cao năm tầng được xây cất ở Numazu, về phía nam Tokyo. Từ cao ốc đó có thể ngắm nhìn Phú Sĩ Sơn trông thật ngoạn mục. Mỗi tháng có đến trên một triệu tạp chí bằng tiếng Nhật được in ấn với máy in quay khổng lồ mới toanh. Nhưng rồi sắp có một thay đổi lớn.
Vào cuối năm 1974, anh Lloyd nhận được một lá thư từ trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn mời anh phục vụ trong Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương. Mới đầu, tôi nghĩ: ‘Thế là hết! Bởi vì anh Lloyd có hy vọng lên trời, còn tôi có hy vọng sống trên đất, không sớm thì muộn chúng tôi sẽ phải chia tay nhau mà thôi. Có lẽ anh nên đi Brooklyn một mình’. Nhưng tôi sớm điều chỉnh lối suy nghĩ của mình và sẵn sàng thuyên chuyển với anh Lloyd vào tháng 3 năm 1975.
Những ân phước ở trụ sở trung ương
Dù ở Brooklyn, anh Lloyd nhớ rất nhiều đến công việc ở Nhật, và anh luôn nói đến những kinh nghiệm của chúng tôi hồi còn ở đó. Nhưng bây giờ có nhiều cơ hội để chúng tôi mở rộng tầm hoạt động và giao tiếp. Trong 24 năm cuối của cuộc đời, anh Lloyd đã được sử dụng một cách rộng rãi trong công việc giám thị vùng, dẫn anh đi đến nhiều nơi trên thế giới. Nhiều lần tôi đã đi cùng với anh.
Viếng thăm anh chị em tín đồ Đấng Christ ở những nước khác đã giúp tôi hiểu được hoàn cảnh sinh sống và làm việc của nhiều người. Tôi sẽ không bao giờ quên được khuôn mặt của em Entellia, em bé mới mười tuổi mà tôi đã gặp ở Bắc Phi. Em ấy quý mến danh Đức Chúa Trời nên đi bộ một tiếng rưỡi mỗi bận để đi họp. Dù bị gia đình ngược đãi dữ dội, Entellia đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Khi chúng tôi thăm viếng hội thánh của em, chỉ có một bóng đèn điện yếu ớt treo phía trên bục giảng của diễn giả để anh ấy đọc giấy ghi—ngoài ra, thì cả nơi họp tối om. Trong bóng tối như thế, thật là kỳ diệu được nghe anh chị em hát thật hay.
Một cao điểm trong đời sống của chúng tôi là vào tháng 12 năm 1998 khi tôi và anh Lloyd có mặt trong số những đại biểu tham dự Đại Hội Địa Hạt “Sống theo đường lối của Đức Chúa Trời” tổ chức tại Cuba. Chúng tôi thật cảm kích trước lòng biết ơn và niềm vui mà anh chị em ở đó biểu lộ khi được một số khách từ trụ sở trung ương ở Brooklyn đến thăm họ! Tôi nhớ lại rất nhiều kỷ niệm quý báu về những cuộc gặp gỡ với nhiều anh chị em thân yêu sốt sắng ca ngợi Đức Giê-hô-va.
Cảm thấy thoải mái với dân sự Đức Chúa Trời
Dù sinh quán tại Úc, tôi cũng yêu thương người thuộc bất cứ nơi nào tổ chức Đức Giê-hô-va phái tôi đi đến, chẳng hạn như người Nhật, và bây giờ là người Mỹ nơi tôi sống hơn 25 năm rồi. Khi chồng tôi mất, ý nghĩ của tôi không phải là trở về Úc, mà là ở lại nhà Bê-tên Brooklyn, nơi Đức Giê-hô-va đã chỉ định cho tôi.
Nay tôi đã ngoài 80 tuổi. Sau 61 năm làm thánh chức trọn thời gian, tôi vẫn sẵn sàng phụng sự Đức Giê-hô-va ở bất cứ nơi nào Ngài thấy thích hợp cho tôi. Quả thật, Ngài đã chăm sóc tôi rất chu đáo. Tôi quý chuộng thời gian hơn 57 năm được chia sẻ quãng đời của mình với một người bạn đời yêu dấu biết kính mến Đức Giê-hô-va. Tôi tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục ban phước cho chúng tôi, và tôi biết Ngài sẽ không quên công khó và lòng yêu thương mà chúng tôi đã tỏ ra vì danh Ngài.—Hê-bơ-rơ 6:10.
[Chú thích]
[Hình nơi trang 25]
Với mẹ vào năm 1956
[Hình nơi trang 26]
Với anh Lloyd và một nhóm người công bố Nhật vào đầu thập kỷ 1950
[Các hình nơi trang 26]
Với người đầu tiên học Kinh Thánh với tôi ở Nhật, Miyo Takagi, vào đầu thập kỷ 1950 và năm 1999
[Hình nơi trang 28]
Với anh Lloyd trong công việc phát hành tạp chí ở Nhật