Hãy chú ý đến những việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời
“Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, công-việc lạ-lùng Chúa đã làm, và những tư-tưởng của Chúa hướng cùng chúng tôi, thật là nhiều, không thể sắp-đặt trước mặt Chúa [“chẳng thần nào sánh được với Chúa”, “Bản Diễn Ý”]”.—THI-THIÊN 40:5.
1, 2. Chúng ta có bằng chứng nào về những việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời, và điều này nên thúc đẩy chúng ta làm gì?
KHI đọc Kinh Thánh hẳn bạn dễ dàng nhận thấy Đức Chúa Trời đã làm những việc diệu kỳ cho dân Y-sơ-ra-ên xưa của Ngài. (Giô-suê 3:5; Thi-thiên 106:7, 21, 22) Ngày nay dù Đức Giê-hô-va không can thiệp vào những vấn đề của loài người theo cách đó nữa, nhưng chúng ta vẫn tìm thấy chung quanh vô số bằng chứng về những việc diệu kỳ của Ngài. Vậy nên chúng ta có lý do để cùng người viết Thi-thiên nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan; trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài”.—Thi-thiên 104:24; 148:1-5.
2 Ngày nay nhiều người lờ đi hoặc bác bỏ những bằng chứng hiển nhiên về hoạt động của Đấng Tạo Hóa. (Rô-ma 1:20) Tuy nhiên, chúng ta thì nên ngẫm nghĩ về những chứng cớ đó hầu giúp chúng ta đi đến kết luận liên quan đến vị thế và bổn phận của mình trước mặt Đấng Tạo Hóa. Để làm thế, chúng ta có phương pháp tuyệt diệu là sách Gióp chương 38 đến 41. Nơi đó Đức Giê-hô-va bảo Gióp hãy chú ý đến một số khía cạnh của những việc diệu kỳ của Ngài. Chúng ta hãy xem xét vài vấn đề đáng suy nghĩ mà Đức Chúa Trời nêu ra.
Những việc đầy quyền năng và diệu kỳ
3. Theo lời tường thuật nơi Gióp 38:22, 23, 25-29, Đức Chúa Trời đã hỏi về những điều gì?
3 Vào lúc nào đó, Đức Chúa Trời chất vấn Gióp: “Ngươi có vào các kho tuyết chăng? Có thấy nơi chứa mưa đá, mà ta đã để dành cho thì hoạn-nạn, cho ngày chiến-trận và giặc-giã chăng?” Tại nhiều nơi trên trái đất, tuyết và mưa đá là hiện tượng thông thường. Đức Chúa Trời hỏi tiếp: “Ai đào kinh cho nước mưa chảy, phóng đường cho chớp-nhoáng của sấm-sét, để mưa xuống đất bỏ hoang, và trên đồng-vắng không có người ở; đặng tưới đất hoang-vu, mong-quạnh, và làm cho các chồi cây cỏ mọc lên? Mưa có cha chăng? Ai sanh các giọt sương ra? Nước đá ra bởi lòng của ai? Ai đẻ ra sương-móc của trời?”—Gióp 38:22, 23, 25-29.
4-6. Sự hiểu biết của loài người về tuyết chưa đầy đủ theo ý nghĩa nào?
4 Một số người sống trong một xã hội hối hả và thường hay phải đi lại có thể xem tuyết là một trở ngại. Tuy nhiên, cũng có vô số người khác coi tuyết như một nguồn vui thích, tạo ra cảnh đẹp thần tiên và nhiều hoạt động độc đáo. Với câu hỏi của Đức Chúa Trời, bạn có thấy mình hiểu biết rõ về tuyết, về hình dạng của nó ra sao chưa? Đành rằng chúng ta biết một khối tuyết như thế nào qua ảnh chụp hoặc vì tận mắt đã thấy, nhưng nói gì về từng bông tuyết? Bạn có biết nó giống gì không? Và bạn đã quan sát nó tường tận chưa?
5 Một số người đã mất hàng chục năm nghiên cứu và chụp hình bông tuyết. Một bông tuyết đơn độc có thể gồm đến 100 tinh thể đá mỏng manh dưới vô vàn hình dáng xinh đẹp. Sách Atmosphere (Khí quyển) nói: “Tính chất đa dạng của bông tuyết là chuyện ai cũng biết, và mặc dù các nhà khoa học nhất mực cho rằng không có luật thiên nhiên nào cấm chúng đồng dạng nhưng người ta chưa bao giờ tìm được hai bông tuyết giống hệt nhau. Ông Wilson A. Bentley... đã thực hiện một cuộc nghiên cứu đại quy mô, dùng hơn 40 năm để khảo sát và chụp bông tuyết qua kính hiển vi. Vậy mà ông không hề tìm được hai bông tuyết giống hệt nhau”. Ngay trong trường hợp hiếm thấy, hai bông tuyết hình như giống hệt nhau, điều này có thật sự khiến tính đa dạng hết sức phong phú của bông tuyết kém phần kỳ diệu không?
6 Hãy nhớ lại câu hỏi của Đức Chúa Trời: “Ngươi có vào các kho tuyết chăng?” Nhiều người nghĩ tầng mây chính là kho chứa tuyết. Bạn có thể hình dung mình vào kho đó để kiểm kê vô vàn bông tuyết và nghiên cứu xem chúng hình thành như thế nào không? Một quyển bách khoa về khoa học nói: “Bản chất và nguồn gốc của hạt nhân đá cần thiết để làm cho những giọt nhỏ từ mây rơi xuống đông lại ở khoảng -40°C vẫn chưa được hiểu rõ”.—Thi-thiên 147:16, 17; Ê-sai 55:9, 10.
7. Loài người hiểu đến mức nào về mưa?
7 Còn về mưa thì sao? Đức Chúa Trời chất vấn Gióp: “Mưa có cha chăng? Ai sanh các giọt sương ra?” Sách bách khoa nêu trên nói: “Vì các chuyển động của khí quyển thật phức tạp và hàm lượng hơi nước và hạt trong không khí hết sức bất định nên dường như không thể lập được một thuyết chung giải thích tường tận về cách thức mây và mưa phát triển”. Nói đơn giản, các nhà khoa học chỉ đưa ra nhiều giả thuyết chi tiết nhưng thật sự không thể giải thích thấu đáo về mưa. Tuy nhiên, bạn vẫn nhận biết mưa rơi xuống tưới mặt đất, nuôi cây cối, duy trì sự sống và làm cho đời sống thú vị.
8. Tại sao những lời của Phao-lô ghi nơi Công-vụ 14:17 thật thích đáng?
8 Chẳng lẽ bạn không đồng ý với lời kết của sứ đồ Phao-lô nêu dưới đây sao? Ông kêu gọi mọi người nên nhận ra các việc diệu kỳ này làm chứng về Đấng dựng nên chúng. Phao-lô nói về Đức Giê-hô-va: “Ngài cứ làm chứng luôn về mình, tức là giáng phước cho, làm mưa từ trời xuống, ban cho các ngươi mùa-màng nhiều hoa-quả, đồ-ăn dư-dật, và lòng đầy vui-mừng”.—Công-vụ 14:17; Thi-thiên 147:8.
9. Những việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời biểu thị quyền năng lớn lao của Ngài như thế nào?
9 Không còn hồ nghi gì về việc Đấng làm các việc diệu kỳ và hữu ích đó có sự khôn ngoan vô biên và quyền năng lớn lạ thường. Về quyền năng của Ngài, chúng ta hãy suy nghĩ về điều này: Theo ước tính mỗi ngày có khoảng 45.000 cơn bão, hơn 16 triệu cơn một năm. Vậy, ngay lúc này trên toàn thế giới có khoảng 2.000 cơn bão đang xảy ra. Các cụm mây phức tạp của một cơn bão động với năng lượng gấp mười lần hay hơn năng lượng của hai trái bom nguyên tử thả xuống vào Thế Chiến II. Bạn thấy được một phần năng lượng ấy qua tia chớp sáng rực. Ngoài vẻ đáng sợ, các tia chớp thật ra cũng giúp sản xuất khí nitơ dưới nhiều dạng sẽ thấm vào đất, nơi cây cối hút lấy như phân bón thiên nhiên. Như thế, chớp biểu hiện năng lượng, nhưng nó cũng mang lại lợi ích thật sự nữa.—Thi-thiên 104:14, 15.
Ảnh hưởng nào đối với bạn?
10. Bạn trả lời thế nào những câu hỏi nơi Gióp 38:33-38?
10 Hãy tưởng tượng bạn ở vào địa vị của Gióp, được Đức Chúa Trời Toàn Năng chất vấn. Chắc bạn cũng đồng ý rằng phần đông người ta thường ít chú ý đến các việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời. Nơi Gióp 38:33-38, Đức Giê-hô-va đặt những câu hỏi sau đây cho chúng ta: “Ngươi có biết luật của các từng trời sao? Có thể lập chủ-quyền nó dưới đất chăng? Ngươi có thế cất tiếng mình la lên cùng mây, khiến cho mưa tuôn xuống thân ngươi chăng? Ngươi có thế thả chớp-nhoáng ra, để nó đi, và đáp với ngươi rằng: Thưa, chúng tôi đây? Ai có đặt khôn-ngoan trong lòng, và ban sự thông-sáng cho trí-não? Ai nhờ sự khôn-ngoan mà đếm được các mây? Khi bụi-đất chảy như loài kim tan ra, và các cục đất dính lại nhau, ai nghiêng đổ những bình nước của các từng trời?”
11, 12. Một số vật nào chứng tỏ Đức Chúa Trời là Đấng làm các việc diệu kỳ?
11 Chúng ta chỉ mới xem xét qua vài điểm mà Ê-li-hu nêu ra với Gióp, và một số câu hỏi Đức Giê-hô-va yêu cầu Gióp trả lời “như kẻ dõng-sĩ”. (Gióp 38:3) Chúng ta nói “một số” bởi vì nơi sách Gióp chương 38 và 39, Đức Chúa Trời lưu ý chúng ta đến những khía cạnh quan trọng khác của công trình sáng tạo. Chẳng hạn, Ngài nói đến các chòm sao. Ai biết được mọi luật hay là quy chế của chúng? (Gióp 38:31-33) Đức Giê-hô-va lưu ý Gióp một số thú vật—sư tử, quạ, dê rừng, lừa rừng, bò tót, chim lạc đà, ngựa mạnh mẽ và chim ưng. Thật ra Ngài hỏi có phải Gióp đã ban cho các thú vật này những đặc tính cho phép chúng sống và sinh sôi nảy nở. Bạn sẽ thấy thú vị khi xem xét những chương này, đặc biệt nếu bạn yêu thích ngựa hoặc các con thú khác.—Thi-thiên 50:10, 11.
12 Bạn cũng có thể khảo sát sách Gióp chương 40 và 41, nơi đây Đức Giê-hô-va một lần nữa yêu cầu Gióp trả lời các câu hỏi của Ngài về hai tạo vật đặc biệt. Hai con vật này, chúng ta hiểu đó là trâu nước (Bê-hê-mốt), có thân hình khổng lồ và mạnh mẽ, và con kia là cá sấu sông Ni-lơ (Lê-vi-a-than) trông khủng khiếp. Mỗi con theo cách riêng đều là một kỳ công sáng tạo đáng lưu ý. Giờ đây chúng ta hãy xem mình nên đi đến kết luận nào.
13. Những câu hỏi của Đức Chúa Trời tác động thế nào đến Gióp, và những vấn đề này ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?
13 Sách Gióp chương 42 cho thấy hiệu quả của việc Đức Chúa Trời chất vấn Gióp. Trước đây Gióp quá chú ý đến mình và người khác. Nhưng khi chấp nhận sự sửa sai được hàm ý trong những câu hỏi của Đức Chúa Trời, ông chỉnh lại quan điểm và thú nhận: “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý-chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm. Kẻ nầy là ai, không hiểu-biết gì, lại dám che ám ý-chỉ của Chúa? Phải, tôi đã nói những điều tôi không hiểu đến, tức các sự lạ-lùng quá cho tôi, mà tôi chẳng thông-biết”. (Gióp 42:2, 3) Thật vậy, sau khi chú ý đến những công việc của Đức Chúa Trời, Gióp nói rằng những việc ấy quá diệu kỳ đối với ông. Cũng vậy, chúng ta nên thán phục sự khôn ngoan và quyền năng của Đức Chúa Trời khi được xem xét những kỳ công sáng tạo tuyệt diệu của Ngài. Nhưng mục đích là gì? Có phải chỉ thán phục quyền năng và khả năng lớn lao của Ngài thôi sao? Hay chúng ta được thúc đẩy nên làm hơn thế nữa?
14. Đa-vít đã phản ứng thế nào trước những việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời?
14 Nơi Thi-thiên bài 86, có tường thuật lời của Đa-vít, cũng là người đã từng nói trong một bài trước: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi-tỏ công-việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng cho ngày kia, đêm nầy tỏ sự tri-thức cho đêm nọ”. (Thi-thiên 19:1, 2) Nhưng Đa-vít đi xa hơn. Chúng ta đọc nơi Thi-thiên 86:10, 11: “Chúa là rất lớn, làm những sự lạ-lùng: Chỉ một mình Chúa là Đức Chúa Trời mà thôi. Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ-dạy cho tôi biết đường-lối Ngài, thì tôi sẽ đi theo sự chân-thật của Ngài; xin khiến tôi một lòng kính-sợ danh Ngài”. Lòng thán phục của Đa-vít đối với Đấng Tạo Hóa về những việc lạ lùng của Ngài cũng bao gồm sự kính sợ thích đáng. Có lẽ bạn cũng hiểu tại sao. Đa-vít không muốn làm mất lòng Đấng có khả năng thực hiện những việc diệu kỳ này. Chúng ta cũng không muốn như vậy.
15. Tại sao lòng kính sợ của Đa-vít đối với Đức Chúa Trời là thích đáng?
15 Đa-vít hẳn đã nhận thức rằng Đức Chúa Trời có và kiểm soát được một quyền năng lớn lao mà Ngài có thể dùng chống lại bất cứ ai không xứng đáng với ân huệ của Ngài. Đối với hạng người này, đó là điều đáng sợ. Đức Chúa Trời hỏi Gióp: “Ngươi có vào các kho tuyết chăng? Có thấy nơi chứa mưa đá, mà ta đã để dành cho thì hoạn-nạn, cho ngày chiến-trận và giặc-giã chăng?” Tuyết, mưa đá, mưa bão, gió và sấm chớp, tất cả chứa trong kho vũ khí của Đức Chúa Trời. Quả là những lực thiên nhiên mạnh mẽ gây kinh khiếp biết bao!—Gióp 38:22, 23.
16, 17. Thí dụ nào chứng minh quyền năng đáng kính sợ của Đức Chúa Trời, và thời xưa Ngài đã dùng quyền năng ấy như thế nào?
16 Có lẽ bạn còn nhớ tai ương nào đó nơi bạn ở, gây ra bởi một trong các lực thiên nhiên này, chẳng hạn như bão táp, gió xoáy, mưa đá hay lụt lội. Thí dụ, vào cuối năm 1999 một trận bão dữ dội thổi vào vùng tây nam Âu Châu, thậm chí gây ngạc nhiên cho các chuyên viên khí tượng. Gió bão mạnh đến 200 kilômét giờ, thổi bay hàng ngàn mái nhà, làm đổ các cột tháp điện và làm lật nhiều xe vận tải. Bạn hãy thử hình dung cảnh tượng này: Trận bão đó làm đổ 270 triệu cây—chỉ riêng tại công viên Versailles bên ngoài Paris, 10.000 cây. Hàng triệu nhà mất điện. Gần 100 người thiệt mạng. Tất cả thảm cảnh này gây ra chỉ bởi một trận bão ngắn ngủi. Quả là một lực kinh khủng!
17 Người ta có thể cho rằng những trận bão như thế xảy ra bất chợt, không ai hướng dẫn, không ai kiểm soát. Vậy sự việc sẽ như thế nào nếu Đấng toàn năng dùng các lực như thế, chỉ huy và kiểm soát chúng nhằm thực hiện những việc diệu kỳ? Ngài đã từng làm điều tương tự vào thời Áp-ra-ham. Người đàn ông này được biết rằng Quan Án của cả đất đã cân sự gian ác của hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Hai thành này quá đồi trụy đến nỗi tiếng phàn nàn về chúng thấu tới Đức Chúa Trời. Nhưng Ngài đã giúp tất cả những người công bình thoát khỏi những thành bị lên án này. Lịch sử tường thuật: “Đoạn, Đức Giê-hô-va giáng mưa diêm-sanh và lửa từ nơi Ngài trên trời” xuống trên hai thành đó. Đó cũng là một trong những việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời: bảo toàn người công bình và hủy diệt kẻ ác không chịu thay đổi.—Sáng-thế Ký 19:24.
18. Sách Ê-sai chương 25 cho thấy những việc diệu kỳ nào?
18 Sau này Đức Chúa Trời phán quyết nghịch lại thành Ba-by-lôn cổ xưa, có thể là thành phố được nói đến nơi sách Ê-sai chương 25. Đức Chúa Trời báo trước là một thành phố sẽ bị đổ nát: “Ngài đã làm cho thành trở nên gò-đống, thành bền-vững trở nên nơi đổ-nát. Đền-đài của dân ngoại chẳng phải là thành nữa, sẽ chẳng hề xây lại”. (Ê-sai 25:2) Các du khách ngày nay đến thăm viếng khu di tích thành Ba-by-lôn xác nhận sự thật là như vậy. Phải chăng sự sụp đổ của Ba-by-lôn chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi sao? Không đâu. Đúng hơn, chúng ta đồng ý với nhận định của Ê-sai: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là Đức Chúa Trời tôi! Tôi tôn-sùng Ngài, tôi ngợi-khen danh Ngài; vì Ngài đã làm những sự mới-lạ [“việc diệu kỳ”, NW], là những mưu đã định từ xưa, cách thành-tín chân thật”.—Ê-sai 25:1.
Những việc diệu kỳ trong tương lai
19, 20. Chúng ta mong đợi lời tiên nơi Ê-sai 25:6-8 ứng nghiệm như thế nào?
19 Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm lời tiên tri trên trong quá khứ, và chắc chắn Ngài cũng sẽ hành động cách tuyệt diệu trong tương lai. Trong văn cảnh nơi Ê-sai nhắc đến “việc diệu kỳ” của Đức Chúa Trời, chúng ta tìm thấy một lời tiên tri khác còn phải được ứng nghiệm nhưng cũng chắc chắn như lời đoán phạt trên Ba-by-lôn. “Việc diệu kỳ” nào được hứa? Ê-sai 25:6 nói: “Đức Giê-hô-va vạn-quân sẽ ban cho mọi dân-tộc, tại trên núi nầy, một tiệc yến đồ béo, một diên rượu ngon, đồ béo có tủy, rượu ngon lọc sạch”.
20 Lời tiên tri này chắc chắn sẽ được ứng nghiệm trong thế giới mới Đức Chúa Trời hứa, nay ngay trước mắt chúng ta. Vào lúc đó, nhân loại sẽ thoát khỏi các vấn đề ngày nay đang đè nặng trên nhiều người. Thật vậy, lời tiên tri nơi Ê-sai 25:7, 8 bảo đảm là Đức Chúa Trời sẽ dùng sức sáng tạo để làm một trong các việc diệu kỳ nhất chưa hề có: “Ngài [sẽ] nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt, và trừ-bỏ sự xấu-hổ của dân Ngài khỏi cả thế-gian; vì Đức Giê-hô-va đã phán vậy”. Sau này sứ đồ Phao-lô trích dẫn đoạn văn đó và ứng dụng vào việc Đức Chúa Trời sẽ làm người chết sống lại. Đó sẽ là một việc diệu kỳ thay!—1 Cô-rinh-tô 15:51-54.
21. Đức Chúa Trời sẽ làm việc diệu kỳ nào đối với người chết?
21 Một lý do khác khiến nước mắt đau thương biến mất, đó là bệnh tật bị loại trừ. Khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su chữa lành cho nhiều người—người mù được sáng mắt, người điếc được nghe và người tàn tật phục hồi toàn sức. Sách Giăng 5:5-9 thuật lại việc ngài chữa lành một người què 38 năm. Những người quan sát cho đây là một việc lạ thường, hay một việc diệu kỳ. Và thật như vậy! Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói đến một điều còn kỳ diệu hơn nữa, việc ngài sẽ làm người chết sống lại: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi: ai đã làm lành thì sống lại để được sống”.—Giăng 5:28, 29.
22. Tại sao kẻ thiếu thốn và khốn cùng có thể đặt hy vọng nơi tương lai?
22 Điều đó chắc chắn sẽ xảy ra bởi vì Đấng đã hứa chính là Đức Giê-hô-va. Bạn hoàn toàn tin tưởng được vào kết quả diệu kỳ khi Ngài sẽ dùng và cẩn thận điều khiển quyền lực vĩ đại nhằm phục hồi mọi sự. Thi-thiên bài 72 nêu ra những gì Ngài sẽ làm qua Con Ngài, Vua Giê-su Christ. Lúc bấy giờ người công bình sẽ hưng thịnh, sẽ có bình an dư dật. Đức Chúa Trời sẽ giải cứu kẻ thiếu thốn và khốn cùng. Ngài hứa: “Sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi; bông-trái nó sẽ lào-xào như Li-ban [cổ xưa]; còn người ở thành-thị sẽ hưng-thịnh như cỏ của đất”.—Thi-thiên 72:16.
23. Các công việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời nên thúc đẩy chúng ta làm gì?
23 Rõ ràng chúng ta có lý do để chú ý đến vô số việc diệu kỳ của Đức Giê-hô-va—những gì Ngài đã làm trong quá khứ, những gì Ngài đang làm hiện nay, và những gì Ngài sẽ làm trong tương lai gần đây. “Đáng ngợi-khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, chỉ một mình Ngài làm những sự lạ-lùng! Đáng ngợi-khen danh vinh-hiển Ngài đến đời đời! Nguyện khắp trái đất được đầy sự vinh-hiển của Ngài! A-men! A-men!” (Thi-thiên 72:18, 19) Chủ đề này chúng ta nên thường xuyên nhiệt tình nói với người thân và nhiều người khác nữa. Thật vậy, chúng ta hãy “thuật sự vinh-hiển Ngài giữa các nước, truyền các công-việc lạ-lùng Ngài giữa các dân”.—Thi-thiên 78:3, 4; 96:3, 4.
Bạn trả lời thế nào?
• Những câu hỏi được đặt ra cho Gióp nhấn mạnh như thế nào về sự hiểu biết có giới hạn của loài người?
• Bạn cảm kích những việc diệu kỳ nào của Đức Chúa Trời được nhấn mạnh nơi sách Gióp chương 37-41?
• Sau khi xem xét một số công việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời, chúng ta nên đáp ứng như thế nào?
[Các hình nơi trang 10]
Bạn kết luận thế nào về tính đa dạng hết sức phong phú của bông tuyết và sức mạnh đáng sợ của tia chớp?
[Nguồn tư liệu]
snowcrystals.net
[Các hình nơi trang 13]
Trong các cuộc nói chuyện chúng ta hãy thường kể đến những việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời