Điều gì có giá trị thật?
Sở hữu điều gì có giá trị thật có thể làm cho người ta phấn khởi. Nhưng đó có thể là gì? Một món tiền lớn chăng? Một món nữ trang đắt tiền hay tuyệt đẹp? Danh vọng hay sự nổi tiếng? Nhiều người đánh giá cao những thứ này. Những thứ này có thể giúp chúng ta tự mưu sinh, sống một đời sống có ý nghĩa hơn, hoặc thỏa mãn nhu cầu tinh thần được người khác thừa nhận và được thành đạt. Chúng ta có đang nỗ lực để giành được những thứ đó, hy vọng rằng chúng sẽ thực hiện những mục tiêu và khát vọng của chúng ta cho tương lai không?
THÔNG THƯỜNG, để đánh giá một điều gì đó người ta dựa trên căn bản là điều đó đáp ứng nhu cầu hoặc thỏa mãn những ước muốn riêng của họ đến mức nào. Chúng ta quý chuộng những điều gợi cảm giác hạnh phúc và đưa ra triển vọng về một tương lai chắc chắn. Chúng ta quý trọng những điều mang lại sự khuây khỏa, niềm an ủi, hoặc sự công nhận ngay lập tức. Tuy nhiên, việc đánh giá dựa trên những ước muốn hoặc sở thích hay thay đổi của chúng ta là nông cạn và thiển cận. Trên thực tế, giá trị thật được xác định bởi những điều chúng ta nhận biết là nhu cầu lớn nhất của chúng ta.
Nhu cầu lớn nhất của chúng ta là gì? Không điều gì có giá trị nếu thiếu một yếu tố chính yếu—sự sống. Không có sự sống, chúng ta không hiện hữu. Vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên thời xưa viết: “Kẻ chết chẳng biết chi hết... Dưới Âm-phủ [mồ chung của loài người],... chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế, cũng chẳng có tri-thức, hay là sự khôn-ngoan”. (Truyền-đạo 9:5, 10) Nếu chết, chúng ta phải bỏ lại mọi thứ mình có. Vậy thì, nhu cầu lớn nhất của chúng ta là thu thập điều gì đó để giữ được mạng sống của chúng ta. Điều gì thế?
Điều gì sẽ giữ được mạng sống chúng ta?
Vua Sa-lô-môn nói: “Tiền-bạc che thân”. (Truyền-đạo 7:12) Có đủ tiền, chúng ta có thể mua thức ăn và một căn nhà tiện nghi. Tiền có thể giúp chúng ta thích thú khi đi du lịch ở những nơi xa. Nó có thể cung cấp nhu yếu phẩm cho chúng ta khi chúng ta không còn làm việc được vì tuổi già hoặc bệnh tật. Nhờ có tiền, ta có được nhiều lợi thế. Tuy nhiên, tiền bạc không thể giữ được mạng sống của chúng ta. Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê: “Hãy răn-bảo kẻ giàu ở thế-gian nầy đừng kiêu-ngạo và đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời”. (1 Ti-mô-thê 6:17) Tất cả tiền bạc trên thế gian này cũng không thể mua được sự sống cho chúng ta.
Hãy xem xét kinh nghiệm của một người tên Hitoshi. Lớn lên trong một gia đình nghèo, Hitoshi có ước muốn mãnh liệt trở nên giàu có. Anh tin cậy rất mạnh mẽ vào mãnh lực của tiền bạc đến nỗi anh nghĩ rằng tiền bạc có thể mua chuộc con người. Rồi có một người đến gõ cửa nhà Hitoshi và hỏi anh có biết Chúa Giê-su Christ đã chết cho anh không. Câu hỏi này khiến Hitoshi lấy làm lạ vì anh cảm nhận rằng không ai thèm chết vì một người như mình. Anh đến nghe một bài diễn văn công cộng về Kinh Thánh và ngạc nhiên khi nghe lời khuyên ‘hãy giữ mắt mình đơn giản’. Diễn giả giải thích mắt “đơn giản” là mắt có tầm nhìn xa và chú mục đến những điều thiêng liêng. (Lu-ca 11:34, NW) Thay vì cặm cụi làm việc vì tiền, Hitoshi bắt đầu đặt các giá trị thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống.
Của cải vật chất cũng có thể đem lại cho chúng ta phần nào ổn định và an toàn. Được dư dật có thể giúp chúng ta khỏi phải lo lắng về những nhu cầu hàng ngày. Một căn nhà đẹp trong một khu xóm đáng chuộng có thể cho chúng ta cảm giác thành đạt. Quần áo hợp thời trang và một chiếc xe hơi đẹp có thể làm người khác thán phục mình.
Được “hưởng lấy phước của công-lao mình” là điều tốt. (Truyền-đạo 3:13) Và của cải dư dật có thể khiến những người thân yêu của chúng ta được ‘nghỉ ngơi, ăn uống, và vui-vẻ’. Tuy nhiên, của cải vật chất chỉ có giá trị nhất thời. Chúa Giê-su Christ cảnh giác về sự thèm thuồng: “Sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu”. (Lu-ca 12:15-21) Của cải, bất luận nhiều hoặc quý giá đến đâu, không thể bảo đảm sự sống chúng ta.
Chẳng hạn, Liz đã lập gia đình với một người đàn ông rất thành công về mặt tài chính. Chị kể lại: “Chúng tôi có một căn nhà đẹp và hai xe hơi, và tình trạng tài chính của chúng tôi cho phép chúng tôi tha hồ hưởng bất cứ thứ vật chất gì thế gian này cống hiến... Thế mà thật kỳ lạ, tôi vẫn còn lo lắng về tiền bạc”. Chị giải thích: “Nếu mất của, chúng tôi sẽ mất nhiều. Dường như, càng có nhiều của cải bao nhiêu, mình càng thấy ít an toàn bấy nhiêu”.
Nhiều người cũng đánh giá rất cao danh vọng và sự nổi tiếng bởi vì nhờ đó họ được khen ngợi và tôn trọng. Trong thế giới ngày nay, thành công trong sự nghiệp là một sự thành đạt hay bị ganh tị. Rèn luyện những tài năng hoặc kỹ năng độc đáo có thể giúp chúng ta nổi tiếng. Những người khác có thể khen ngợi chúng ta, trọng vọng ý kiến chúng ta, và muốn được lòng chúng ta. Tất cả những điều này có thể làm phấn khởi và thỏa mãn. Tuy nhiên, cuối cùng nó cũng tàn phai. Sa-lô-môn có tất cả vinh quang và quyền lực mà một ông vua có thể có, nhưng ông than van: “Người ta chẳng nhớ người khôn-ngoan, cũng như chẳng nhớ kẻ ngu-muội... Cả thảy đều bị quên mất từ lâu”. (Truyền-đạo 2:16) Danh vọng và sự nổi tiếng không đem lại sự sống.
Một thợ điêu khắc tên là Celo rốt cuộc biết quý trọng một điều có giá trị hơn danh vọng rất nhiều. Nhờ có thiên tài, ông hội đủ điều kiện đi học để phát triển năng khiếu. Chẳng bao lâu các tác phẩm nghệ thuật của ông được báo chí và các nhà phê bình nghệ thuật khen ngợi. Nhiều tác phẩm điêu khắc của ông được trưng bày tại những thành phố lớn ở Âu Châu. Celo kể lại: “Tôi phải thừa nhận rằng có một thời nghệ thuật quan trọng nhất trong đời tôi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rằng đối với tôi việc tiếp tục theo đuổi sự nghiệp có thể ví như phụng sự hai chủ. (Ma-thi-ơ 6:24) Tôi tin chắc rằng điều quan trọng nhất mà tôi có thể làm là rao giảng tin mừng Nước Trời. Vì vậy tôi đã tự quyết định bỏ công việc điêu khắc tôi đang làm”.
Điều gì có giá trị lớn nhất?
Vì không có sự sống thì không gì có ý nghĩa và giá trị cả, chúng ta có thể thu thập điều gì để bảo đảm là chúng ta giữ được sự sống? Nguồn sự sống ở nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 36:9) Thật vậy, “tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có”. (Công-vụ 17:28) Ngài ban sự sống đời đời cho những ai yêu mến Ngài. (Rô-ma 6:23) Chúng ta phải làm gì để hội đủ điều kiện hưởng được sự ban cho này?
Được ban cho sự sống đời đời tùy thuộc vào việc chúng ta có liên hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Do đó, ân huệ của Ngài quý hơn bất cứ điều gì khác chúng ta có thể có được. Khi có ân huệ của Ngài, chúng ta có triển vọng được hạnh phúc thật và vĩnh cửu. Tuy nhiên, không có ân huệ của Đức Chúa Trời, chúng ta bị diệt vong đời đời. Vậy thì, rõ ràng bất cứ điều gì giúp chúng ta có được sự liên hệ tốt với Đức Giê-hô-va đều có giá trị rất lớn.
Chúng ta phải làm gì
Sự thành công của chúng ta tùy thuộc vào việc thu thập sự hiểu biết. Nguồn hiểu biết chính xác là Lời Đức Giê-hô-va, tức Kinh Thánh. Chỉ có Kinh Thánh mới cho chúng ta biết phải làm gì để Đức Chúa Trời hài lòng. Do đó, chúng ta cần cẩn thận học Kinh Thánh. Nỗ lực siêng năng học hỏi tất cả những gì chúng ta có thể học được về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ đem lại sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. (Giăng 17:3) Sự hiểu biết như thế là một kho tàng đáng trân trọng!—Châm-ngôn 2:1-5.
Sự hiểu biết có được từ Lời Đức Chúa Trời trang bị cho chúng ta chuyển sang bước kế tiếp—thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su Christ. Đức Giê-hô-va ra lệnh cho tất cả những ai đến với Ngài phải đến qua Chúa Giê-su. (Giăng 14:6) Thật ra, “chẳng có sự cứu-rỗi trong đấng nào khác”. (Công-vụ 4:12) Sự sống sót sau cùng của chúng ta, tùy thuộc, chẳng phải bởi “bạc hoặc vàng... bèn là bởi huyết báu Đấng Christ”. (1 Phi-e-rơ 1:18, 19) Chúng ta phải chứng tỏ đức tin qua việc tin tưởng những dạy dỗ của Chúa Giê-su và noi gương ngài. (Hê-bơ-rơ 12:1-3; 1 Phi-e-rơ 2:21) Và của-lễ hy sinh của ngài quý báu biết bao! Sự áp dụng lợi ích do của-lễ hy sinh đó định đoạt tương lai đời đời của nhân loại. Khi những lợi ích đó được áp dụng một cách trọn vẹn, chúng ta được ban cho sự sống đời đời thật quý giá.—Giăng 3:16.
Chúa Giê-su phán: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi”. (Ma-thi-ơ 22:37) Yêu mến Đức Giê-hô-va có nghĩa là “chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài”. (1 Giăng 5:3) Các điều răn của Ngài đòi hỏi chúng ta phải tách biệt khỏi thế gian, giữ hạnh kiểm ngay thẳng, trung thành ủng hộ Nước của Ngài. Đó là cách chúng ta “chọn sự sống” thay vì chọn sự chết. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19) Nếu chúng ta ‘đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần chúng ta’.—Gia-cơ 4:8.
Sự bảo đảm nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời có giá trị hơn tất cả những kho báu của thế gian rất nhiều. Những ai có ân huệ của Ngài là những người giàu nhất trên đất! Vậy thì, mong sao chúng ta cố gắng có được kho báu có giá trị thật—sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va. Bằng mọi cách, chúng ta hãy chú tâm đến lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “[Hãy] tìm điều công-bình, tin-kính, đức-tin, yêu-thương, nhịn-nhục, mềm-mại. Hãy vì đức-tin mà đánh trận tốt-lành, bắt lấy sự sống đời đời”.—1 Ti-mô-thê 6:11, 12.
[Các hình nơi trang 21]
Bạn đánh giá cao điều gì? Tiền bạc, của cải vật chất, danh vọng, hoặc là thứ gì khác?
[Hình nơi trang 23]
Chúng ta cần cẩn thận học hỏi Kinh Thánh