Bí quyết kiến tạo một thế giới hạnh phúc
TẠP CHÍ Time nói: “Nhân vật có quyền thế nhất—không chỉ trong vòng hai thiên niên kỷ qua mà trong suốt lịch sử nhân loại—chính là Giê-su người Na-xa-rét”. Khi Chúa Giê-su còn ở trên đất, hàng ngàn người có lòng thành thật không những nhìn nhận sự vĩ đại của ngài mà còn thấy rõ lòng quan tâm của ngài đến người khác. Bởi vậy, không lạ gì khi họ muốn tôn ngài làm vua. (Giăng 6:10, 14, 15) Thế nhưng, như bài trước cho thấy, Chúa Giê-su từ chối tham gia vào chính trị.
PHẢN ỨNG của Chúa Giê-su dựa trên ít nhất ba nhân tố: quan điểm của Cha ngài về việc con người tự định đoạt lấy, kể cả tự trị; việc Chúa Giê-su ý thức rằng phía sau những nỗ lực cai trị ngay cả tốt nhất của con người vẫn có những mãnh lực ẩn nấp để phá hoại; và ý định của Đức Chúa Trời nhằm thành lập một chính phủ ở trên trời để cai trị khắp trái đất. Khi xem xét kỹ hơn ba điểm này, chúng ta sẽ hiểu tại sao nhân loại đã thất bại trong nỗ lực biến đổi thế giới này thành một nơi ở tốt hơn. Chúng ta cũng sẽ thấy phải làm sao thì mới thành công.
Loài người có thể tự cai trị không?
Khi sáng tạo loài người, Đức Chúa Trời ban cho họ quyền quản trị loài thú. (Sáng-thế Ký 1:26) Và chính loài người thì ở dưới quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Người đàn ông và đàn bà đầu tiên còn phải khẳng định rằng họ phục tùng Đức Chúa Trời bằng cách kiêng ăn trái của một cây đặc biệt, “cây biết điều thiện và điều ác”. (Sáng-thế Ký 2:17) Buồn thay, A-đam và Ê-va đã lạm dụng quyền tự do lựa chọn và rồi cãi lời Đức Chúa Trời. Ăn trái cấm không chỉ đơn thuần là một hành vi trộm cắp, mà còn có nghĩa là phản nghịch chống lại quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Một cước chú cho Sáng-thế Ký 2:17 trong bản The New Jerusalem Bible nói rằng A-đam và Ê-va đòi hỏi “sự hoàn toàn độc lập về đạo đức, bởi đó con người từ chối thừa nhận địa vị của mình là vật thọ tạo... Tội đầu tiên là tấn công uy quyền tối thượng của Đức Chúa Trời”.
Vì liên quan đến những vấn đề tranh chấp nghiêm trọng có tính chất đạo đức, Đức Chúa Trời để cho A-đam, Ê-va và con cháu họ tự chọn lấy lối sống của họ, và họ thiết lập những tiêu chuẩn riêng về điều đúng và sai. (Thi-thiên 147:19, 20; Rô-ma 2:14) Trên thực tế, lúc đó loài người bắt đầu thí nghiệm quyền tự quyết. Họ có thành công không? Qua hàng ngàn năm lịch sử chúng ta dễ dàng nhận định là không! Truyền-đạo 8:9 nói: “Người nầy cai-trị trên người kia mà làm tai hại cho người ấy”. Lịch sử tự trị đáng buồn này của nhân loại chứng thật những lời nơi Giê-rê-mi 10:23: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”. Lịch sử đã chứng tỏ con người không có khả năng thành công trong việc cai trị mà không cần đến Đấng Tạo Hóa.
Chúa Giê-su hoàn toàn đồng ý. Đối với ngài việc độc lập với Đức Chúa Trời là điều đáng ghét. Ngài nói: “Ta không tự mình làm điều gì... Ta hằng làm sự đẹp lòng [Đức Chúa Trời]”. (Giăng 4:34; Giăng 8:28, 29) Bởi vậy, khi không được Đức Chúa Trời cho phép, ngài thậm chí còn không nghĩ tới việc nhận vương quyền nào từ loài người. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngài không sẵn lòng giúp đỡ người đồng loại. Ngược lại, ngài đã làm hết khả năng mình để giúp đỡ người ta tìm được niềm hạnh phúc lớn nhất lúc bấy giờ và trong tương lai. Ngay cả ngài đã hiến dâng mạng sống mình cho nhân loại. (Ma-thi-ơ 5:3-11; 7:24-27; Giăng 3:16) Nhưng Chúa Giê-su biết rằng “phàm sự gì có thì-tiết”, kể cả thời kỳ Đức Chúa Trời khẳng định quyền tối thượng trên nhân loại. (Truyền-đạo 3:1; Ma-thi-ơ 24:14, 21, 22, 36-39) Chúng ta hãy nhớ lại rằng trong Ê-đen, thủy tổ của chúng ta đã khuất phục ý muốn của một tạo vật thần linh gian ác nói chuyện qua một con rắn hữu hình. Điều này dẫn chúng ta đến lý do thứ hai tại sao Chúa Giê-su đứng ngoài vòng chính trị.
Kẻ ẩn mặt cai trị thế gian
Theo Kinh Thánh, Sa-tan đề nghị cho Chúa Giê-su tất cả “các nước thế-gian, cùng sự vinh-hiển các nước ấy” để đổi lấy một hành động thờ lạy của ngài. (Ma-thi-ơ 4:8-10) Trên thực tế, Chúa Giê-su được đề nghị cai trị thế giới—nhưng thể theo những điều kiện của Ma-quỉ. Chúa Giê-su không rơi vào sự cám dỗ ấy. Nhưng đó có thật là một sự cám dỗ không? Có thể nào Sa-tan thật sự cho một điều vĩ đại như thế không? Có, vì chính Chúa Giê-su gọi Ma-quỉ là “vua-chúa thế-gian nầy”, và sứ đồ Phao-lô miêu tả hắn là “chúa đời nầy”.—Giăng 14:30; 2 Cô-rinh-tô 4:4; Ê-phê-sô 6:12.
Dĩ nhiên, Chúa Giê-su biết rằng Ma-quỉ không quan tâm đến quyền lợi của nhân loại. Ngài miêu tả Sa-tan là “kẻ giết người”, “cha sự nói dối và mọi điều giả dối”. (Giăng 8:44, The Amplified Bible) Hiển nhiên, một thế gian “phục dưới quyền” của một thần linh gian ác như thế thì không bao giờ có thể thật sự hạnh phúc. (1 Giăng 5:19) Nhưng Ma-quỉ sẽ không có quyền này vô hạn định. Chúa Giê-su, nay là một tạo vật thần linh mạnh mẽ, chẳng bao lâu nữa sẽ hạ bệ Sa-tan và loại trừ hoàn toàn ảnh hưởng của hắn.—Hê-bơ-rơ 2:14; Khải-huyền 20:1-3.
Chính Sa-tan biết thời hạn cai trị thế gian của hắn sắp kết thúc. Bởi vậy, hắn dốc hết nỗ lực khiến loài người hư hỏng vô phương cứu chữa, giống như hắn đã từng làm trong thời kỳ Nô-ê trước Nước Lụt. (Sáng-thế Ký 6:1-5; Giu-đe 6) Khải-huyền 12:12 nói: “Khốn-nạn cho đất và biển! Vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi”. Lời tiên tri của Kinh Thánh và các biến cố thế giới cho thấy rằng chúng ta đang sống gần kỳ kết liễu khoảng ‘thì-giờ còn chẳng bao nhiêu’ đó. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Bây giờ sự giải cứu sắp đến.
Một chính phủ đem lại hạnh phúc
Lý do thứ ba tại sao Chúa Giê-su đứng ngoài vòng chính trị là vì ngài biết rằng vào thời kỳ ấn định trong tương lai, Đức Chúa Trời sẽ thành lập một chính phủ ở trên trời để cai trị trái đất. Kinh Thánh gọi chính phủ này là Nước Đức Chúa Trời, và đó là chủ đề sự dạy dỗ của Chúa Giê-su. (Lu-ca 4:43; Khải-huyền 11:15) Chúa Giê-su dạy môn đồ cầu nguyện cho Nước Trời đó được đến, vì chỉ dưới sự cai trị của Nước Trời thì ‘ý Đức Chúa Trời được nên, ở đất như trời!’ (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Bạn có thể tự hỏi: ‘Nếu Nước Trời này sẽ cai trị trên khắp trái đất, điều gì sẽ xảy ra cho các chính phủ do loài người lập ra?’
Có lời giải đáp nơi Đa-ni-ên 2:44: “Trong đời các vua nầy [đang cai trị vào kỳ cuối cùng của hệ thống hiện tại], Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia [do loài người lập ra], mà mình thì đứng đời đời”. (Chúng tôi viết nghiêng). Tại sao Nước Đức Chúa Trời phải “đánh tan” các thể chế trên đất? Bởi vì họ khăng khăng giữ lấy tinh thần tự định đoạt và thách thức Đức Chúa Trời do Sa-tan đã cổ xúy trong Vườn Ê-đen. Ngoài việc hành động trái với quyền lợi tốt nhất của nhân loại, những ai cố duy trì tinh thần ấy tự đẩy mình vào vị thế đối đầu với Đấng Tạo Hóa. (Thi-thiên 2:6-12; Khải-huyền 16:14, 16) Bởi vậy, chúng ta phải tự hỏi: ‘Chúng ta ủng hộ hay chống lại sự cai trị của Đức Chúa Trời?’
Bạn sẽ chọn quyền thống trị của ai?
Để giúp mọi người đi đến một quyết định sáng suốt về quyền cai trị, Chúa Giê-su phái môn đồ đi rao giảng ‘tin-lành về Nước Đức Chúa Trời ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân’ trước khi hệ thống hiện tại cáo chung. (Ma-thi-ơ 24:14) Ngày nay, ai được nhiều người trên khắp thế giới biết đến vì rao giảng về Nước Đức Chúa Trời? Nhân Chứng Giê-hô-va. Thật thế, tạp chí này từ lâu mang dòng chữ này nơi trang bìa: “Thông báo Nước của Đức Giê-hô-va”. Ngày nay, khoảng sáu triệu Nhân Chứng trong hơn 230 xứ giúp người khác thâu thập sự hiểu biết chính xác về Nước Trời.a
Ân phước cho thần dân Nước Trời
Chúa Giê-su luôn luôn hành động theo cách của Đức Chúa Trời. Bởi vậy, thay vì chọn một đường lối độc lập và cố ủng hộ hoặc cải thiện hệ thống hiện tại bằng những phương tiện chính trị, ngài đã cật lực làm việc để phát huy quyền lợi Nước Đức Chúa Trời, giải pháp duy nhất cho các vấn đề thế giới. Nhờ sự trung thành, ngài được thưởng cho ngôi báu trên trời với tư cách Vua của Nước ấy. Thật là một phần thưởng kỳ diệu cho sự tuân phục đối với Đức Chúa Trời!—Đa-ni-ên 7:13, 14.
Ngày nay hàng triệu người noi gương Chúa Giê-su, đặt quyền lợi Nước Đức Chúa Trời lên hàng đầu và phục tùng ý muốn của Ngài; kết quả là họ cũng nhận được sự ban cho kỳ diệu—đặc ân làm thần dân trên đất của Nước Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 6:33) Dưới sự cai trị đầy yêu thương của Nước Trời, họ sẽ được nâng lên trạng thái hoàn toàn, với triển vọng sống đời đời. (Khải-huyền 21:3, 4) Câu 1 Giăng 2:17 nói: “Thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý-muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời”. Sau khi Sa-tan cùng bè lũ của hắn bị loại trừ và trái đất được biến thành địa đàng, không còn chủ nghĩa quốc gia gây chia rẽ, hệ thống thương mại tham nhũng, và tôn giáo giả nữa, thì quả là niềm vui khôn xiết được tồn tại mãi mãi trên đất này!—Thi-thiên 37:29; 72:16.
Nước Trời hẳn là bí quyết để kiến tạo một thế giới thật sự hạnh phúc, và thông điệp loan báo Nước Trời được gọi đích đáng là tin mừng. Nếu bạn chưa đón nhận tin mừng Nhân Chứng Giê-hô-va mang đến cho bạn, sao lại không làm như thế lần tới khi một người trong họ đến gõ cửa nhà bạn?
[Chú thích]
a Khi ủng hộ Nước Đức Chúa Trời, Nhân Chứng Giê-hô-va không xen vào chính trị hoặc xúi giục nổi loạn chống lại các chính phủ thế gian, ngay cả tại những nước nơi các Nhân Chứng bị cấm đoán hoặc bắt bớ. (Tít 3:1) Thay vì thế, họ cố gắng đóng góp tích cực về phương diện thiêng liêng, phi chính trị theo cách của Chúa Giê-su và các môn đồ trong thế kỷ thứ nhất. Các Nhân Chứng nỗ lực giúp những người ngay thẳng trong những cộng đồng khác nhau chấp nhận những giá trị lành mạnh của Kinh Thánh, như yêu gia đình, lương thiện, trong sạch về đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Họ chủ yếu dạy người khác noi theo nguyên tắc Kinh Thánh và xem Nước Đức Chúa Trời là hy vọng thật sự của nhân loại.
[Các hình nơi trang 5]
Lịch sử chứng tỏ con người không có khả năng thành công trong việc cai trị mà không cần đến Đức Chúa Trời
[Hình nơi trang 5]
Vì Sa-tan cai trị “đời nầy”, cho nên hắn đã có thể đề nghị cho Chúa Giê-su “các nước thế-gian”
[Các hình nơi trang 7]
Chúa Giê-su dạy rằng dưới sự sắp đặt về Nước Đức Chúa Trời, thế giới sẽ là một nơi ở tuyệt diệu