Lãnh đạo giỏi—Có thể tìm ở đâu?
“KINH THÁNH nói: “Chẳng có một cái nhà nào không phải bởi có người dựng nên; mà Đấng đã dựng nên muôn vật, ấy là Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 3:4; Khải-huyền 4:11) Là Đức Chúa Trời thật và Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va ‘biết chúng ta nắn nên bởi giống gì’. (Thi-thiên 103:14) Ngài biết rất rõ giới hạn và nhu cầu của chúng ta. Vì là Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài muốn thỏa mãn những nhu cầu này, trong đó có cả nhu cầu về người lãnh đạo giỏi.—Thi-thiên 145:16; 1 Giăng 4:8.
Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Nầy, ta đã lập người lên làm chứng-kiến cho các nước, làm quan-trưởng [“thủ lãnh”, Tòa Tổng Giám Mục] và quan-tướng cho muôn dân”. (Ê-sai 55:4) Giải pháp cho cuộc khủng hoảng về lãnh đạo hiện nay liên quan đến việc người ta nhận diện ra Vị Thủ Lãnh này—tức người được bổ nhiệm bởi chính Đấng Toàn Năng—đồng thời chấp nhận sự lãnh đạo của ngài. Vậy Vị Thủ Lãnh và Quan Tướng trong lời tiên tri là ai? Ngài có những thành tích nào để làm thủ lãnh? Ngài sẽ dẫn chúng ta đến đâu? Chúng ta phải làm gì để nhận được lợi ích từ sự lãnh đạo của ngài?
Vị Thủ Lãnh theo lời hứa xuất hiện
Cách đây khoảng 2.500 năm, thiên sứ Gáp-ri-ên hiện đến và nói với nhà tiên tri Đa-ni-ên: “Ngươi hãy biết và hiểu: từ khi lời được ban ra nhằm xây dựng lại Giê-ru-sa-lem cho tới khi vị thủ lãnh được xức dầu xuất hiện, thì có bảy tuần. Trong sáu mươi hai tuần, phố xá và thành lũy sẽ được tái thiết nhưng được tái thiết trong thời buổi cùng quẫn”.—Đa-ni-ên 9:25, TTGM.
Hiển nhiên, thiên sứ báo cho Đa-ni-ên biết thời điểm rõ rệt về sự xuất hiện của Vị Thủ Lãnh do Đức Giê-hô-va lựa chọn. “Vị thủ lãnh” sẽ xuất hiện vào cuối 69 tuần, tức là 483 năm, đếm từ năm 455 TCN khi lệnh tái thiết Giê-ru-sa-lem được ban ra.a (Nê-hê-mi 2:1-8) Điều gì xảy ra vào cuối thời kỳ đó? Lu-ca, người viết Phúc Âm, kể lại: “Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ,—khi Bôn-xơ Phi-lát làm quan tổng-đốc xứ Giu-đê, Hê-rốt làm vua chư-hầu xứ Ga-li-lê [năm 29 CN],... thì có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng, con Xa-cha-ri, ở nơi đồng vắng. Giăng bèn dạo qua hết thảy miền lân-cận sông Giô-đanh, giảng-dạy phép báp-têm về sự ăn-năn để được tha tội”. Vào lúc đó “dân-chúng vẫn trông-đợi” Vị Thủ Lãnh, tức Đấng Mê-si. (Lu-ca 3:1-3, 15) Mặc dù có đông người đến với Giăng nhưng ông không phải là Vị Thủ Lãnh đó.
Rồi vào khoảng tháng 10 năm 29 CN, Chúa Giê-su người Na-xa-rét đến để Giăng làm báp têm. Giăng làm chứng: “Ta đã thấy Thánh-Linh từ trời giáng xuống như chim bồ-câu, đậu trên mình Ngài. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-têm bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh-Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-têm bằng Đức Thánh-Linh. Ta đã thấy, nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời”. (Giăng 1:32-34) Khi báp têm, Chúa Giê-su trở thành Thủ Lãnh được xức dầu—tức Đấng Mê-si, hay Đấng Christ.
Vâng, vị “thủ lãnh và quan-tướng cho muôn dân” theo lời hứa chính là Chúa Giê-su Christ. Khi xem xét các đức tính của ngài với tư cách là thủ lãnh, chúng ta dễ dàng nhận ra sự lãnh đạo của ngài vượt xa những điều kiện mà ngày nay người ta mong đợi nơi một vị lãnh tụ lý tưởng.
Đấng Mê-si—Một Vị Thủ Lãnh lý tưởng
Một lãnh tụ giỏi là người biết chỉ đạo rõ ràng, giúp thần dân có nghị lực và quyết tâm giải quyết thỏa đáng các vấn đề. Sách 21st Century Leadership: Dialogues With 100 Top Leaders (Lãnh đạo trong thế kỷ 21: Đối thoại với 100 lãnh tụ hàng đầu) nói rằng: ‘Đây là một điều kiện tất yếu cho lãnh tụ thuộc thế kỷ 21, nếu muốn thành công’. Chúa Giê-su quả biết cách trang bị hữu hiệu cho những người nghe ngài, nhằm giúp họ biết xử lý các tình huống trong đời sống thường nhật! Chúng ta chỉ cần xem Bài Giảng trên Núi nổi tiếng nhất của ngài. Những lời được ghi nơi Ma-thi-ơ chương 5 đến 7 là những lời khuyên thực tế và xuất sắc.
Chẳng hạn, hãy xem xét lời khuyên của Chúa Giê-su về việc giải quyết bất đồng cá nhân. Ngài phán: “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của-lễ nơi bàn-thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của-lễ trước bàn-thờ, trở về giảng-hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của-lễ”. (Ma-thi-ơ 5:23, 24) Chủ động trong việc làm hòa với người khác là ưu tiên hàng đầu—còn quan trọng hơn cả việc thi hành bổn phận về tôn giáo, như dâng của-lễ nơi bàn thờ ở đền Giê-ru-sa-lem theo Luật Pháp Môi-se qui định. Bằng không, sự thờ phượng của họ sẽ không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Lời khuyên của Chúa Giê-su ngày nay cũng thực tế như cách đây nhiều thế kỷ.
Chúa Giê-su cũng giúp người nghe ngài tránh cạm bẫy của sự vô luân. Ngài khuyên họ: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà-dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi”. (Ma-thi-ơ 5:27, 28) Thật là một lời cảnh báo thích đáng thay! Tại sao chúng ta lại khởi đi vào con đường dẫn đến tội ngoại tình bằng cách ấp ủ tư tưởng về chuyện ấy? Chúa Giê-su nói rằng tội dâm dục, ngoại tình từ nơi lòng mà ra. (Ma-thi-ơ 15:18, 19) Chúng ta cần khôn ngoan canh giữ lòng mình.—Châm-ngôn 4:23.
Bài Giảng trên Núi còn chứa đựng lời khuyên tuyệt hảo về việc yêu kẻ thù, thể hiện lòng rộng lượng, có quan điểm đúng đắn đối với của cải vật chất và những điều thiêng liêng, cùng những điều tương tự. (Ma-thi-ơ 5:43-47; 6:1-4, 19-21, 24-34) Chúa Giê-su cũng chỉ cho người nghe làm thế nào để có được sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời khi dạy họ cách cầu nguyện. (Ma-thi-ơ 6:9-13) Vị Thủ Lãnh, tức Đấng Mê-si, luôn củng cố và trang bị cho môn đồ để họ biết xử lý những vấn đề thông thường của con người.
Sáu lần trong Bài Giảng trên Núi, Chúa Giê-su mở đầu với câu “các ngươi có nghe lời phán” hoặc “lại có nói rằng”, nhưng sau đó ngài lại trình bày một ý tưởng khác, nói rằng “song ta phán cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 5:21, 22, 27, 28, 31-34, 38, 39, 43, 44) Điều đó cho thấy rằng những người nghe ngài đã quen hành động theo cách thức nào đó theo luật truyền khẩu của người Pha-ri-si. Nhưng bây giờ Chúa Giê-su chỉ cho họ một cách khác—cách sẽ phản ánh bản chất thật của Luật Pháp Môi-se. Vì thế Chúa Giê-su đưa ra một sự thay đổi, và ngài làm điều này khéo léo sao cho những người theo ngài dễ dàng chấp nhận. Đúng vậy, Chúa Giê-su động đến lòng người ta để họ thay đổi toàn thể đời sống, cả về mặt thiêng liêng lẫn đạo đức. Đây là một đặc điểm của một thủ lãnh chân chính.
Theo một quyển sách về quản trị nhận xét, thực hiện được một sự thay đổi như thế thật là khó. Sách này cho biết: “Người lãnh đạo tạo ra sự thay đổi cần có sự nhạy cảm của một cán sự xã hội, sự thông suốt của một nhà tâm lý học, sức chịu đựng của một lực sĩ chạy đua đường trường, sự kiên trì của con chó bun, tính tự lập của một ẩn sĩ, và sự kiên nhẫn của một thánh nhân. Và cho dù hội đủ những đức tính này, cũng không có gì bảo đảm là thành công”.
Một bài tựa đề “Lãnh đạo: Tính tốt có quan trọng không?” ghi nhận: “Các lãnh tụ phải hành động phù hợp với đường lối mà họ muốn những người ủng hộ họ noi theo”. Thật vậy, một lãnh tụ giỏi thực hành những gì mình nói. Điều này đúng với Chúa Giê-su biết bao! Đúng vậy, khi dạy môn đồ phải khiêm nhường, ngài cũng nêu gương thực tế qua việc rửa chân họ. (Giăng 13:5-15) Ngài không chỉ sai môn đồ đi rao giảng tin mừng về Nước Trời, nhưng chính ngài cũng gắng sức làm công việc đó. (Ma-thi-ơ 4:18-25; Lu-ca 8:1-3; 9:1-6; 10:1-24; Giăng 10:40-42) Chúa Giê-su cũng làm gương trong việc tuân theo người lãnh đạo. Ngài nói về mình: “Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm”.—Giăng 5:19.
Qua việc xem xét những gì Chúa Giê-su nói và làm, chúng ta thấy rõ ngài là một Thủ Lãnh lý tưởng. Thật vậy, ngài vượt xa tất cả các tiêu chuẩn của con người về sự lãnh đạo giỏi. Chúa Giê-su là người hoàn toàn. Vì nhận được sự bất tử sau khi chết và sống lại nên ngài sống đời đời. (1 Phi-e-rơ 3:18; Khải-huyền 1:13-18) Lãnh tụ nào trong loài người hội đủ những điều kiện này?
Chúng ta phải làm gì?
Là Vua đương kim Nước Trời, Vị Thủ Lãnh, tức Đấng Mê-si, sẽ mưa ân phước xuống cho nhân loại biết vâng lời. Về điều này, Kinh Thánh hứa: “Thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”. (Ê-sai 11:9) “Người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”. (Thi-thiên 37:11) “Ai nấy sẽ ngồi dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ”. (Mi-chê 4:4) “Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi”.—Khải-huyền 21:3, 4.
Thế giới ngày nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng về lãnh đạo. Tuy nhiên, Chúa Giê-su Christ đang đưa những người nhu mì vào một thế giới mới hòa bình, nơi mà nhân loại biết vâng lời sẽ hợp nhất trong sự thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời và sẽ tiến dần đến sự hoàn toàn. Vậy việc chúng ta dành ra thời giờ để thâu đạt sự hiểu biết về Đức Chúa Trời thật, về Vị Thủ Lãnh mà Ngài bổ nhiệm và hành động phù hợp với sự hiểu biết đó, thật quan trọng biết bao!—Giăng 17:3.
Một trong những cách khen ngợi nồng nhiệt nhất mà chúng ta có thể dành cho một người là bắt chước người đó. Chúng ta chẳng lẽ lại không cố gắng bắt chước Chúa Giê-su Christ, Vị Thủ Lãnh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại hay sao? Chúng ta có thể làm điều này như thế nào? Khi chấp nhận sự lãnh đạo của ngài, thì điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống chúng ta ra sao? Những câu hỏi này và những câu hỏi khác sẽ được thảo luận trong hai bài kế tiếp.
[Chú thích]
a Xem sách Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên! trang 186-192, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Hình nơi trang 4]
Đa-ni-ên tiên tri sự xuất hiện của Vị Thủ Lãnh được Đức Chúa Trời lựa chọn
[Các hình nơi trang 7]
Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su trang bị người ta để xử lý các vấn đề trong cuộc sống
[Hình nơi trang 7]
Chúa Giê-su sẽ đưa những người biết vâng lời vào một thế giới mới hòa bình