Lấy làm vui thích trong sự công bình của Đức Giê-hô-va
“Người nào tìm-cầu sự công-bình và sự nhân-từ sẽ tìm được sự sống, sự công-bình, và tôn-trọng”.—CHÂM-NGÔN 21:21.
1. Những đường lối nào của người ta ngày nay đã đưa đến thảm hại?
“CÓ MỘT con đường coi dường chánh-đáng cho loài người; nhưng cuối-cùng nó thành ra cái nẻo sự chết”. (Châm-ngôn 16:25) Câu châm ngôn này diễn tả đúng làm sao đường lối của phần đông người ta ngày nay! Nói chung, người ta chỉ quan tâm đến việc làm đúng theo mắt mình, thậm chí lờ đi những nhu cầu cơ bản nhất của người khác. (Châm-ngôn 21:2) Họ tôn trọng luật pháp và tiêu chuẩn của xứ sở bằng môi miệng nhưng tìm mọi kẽ hở của luật pháp. Bởi vậy, xã hội phân rẽ, lộn xộn, và đầy rắc rối.—2 Ti-mô-thê 3:1-5.
2. Vì lợi ích của chính mình, nhân loại cần gấp điều gì?
2 Vì lợi ích của chính chúng ta—và vì nền hòa bình và an ninh của đại gia đình nhân loại—chúng ta cần gấp một luật pháp hay tiêu chuẩn chính trực và công bình mà mọi người đều sẵn sàng chấp nhận và tuân theo. Hiển nhiên, không một luật pháp hay tiêu chuẩn nào do con người đưa ra có thể thỏa mãn được đòi hỏi ấy, cho dù họ thông minh hay thành tâm đến thế nào đi nữa. (Giê-rê-mi 10:23; Rô-ma 3:10, 23) Nếu có một tiêu chuẩn như thế thì có thể tìm ở đâu và tiêu chuẩn đó ra sao, và có lẽ câu hỏi còn quan trọng hơn là: Bạn có lấy làm vui thích và sẵn sàng tuân theo tiêu chuẩn đó không?
Tìm tiêu chuẩn công bình
3. Ai đủ điều kiện nhất để cung cấp một tiêu chuẩn có ích lợi cho mọi người và được mọi người chấp nhận, và tại sao?
3 Để tìm được một tiêu chuẩn đem lại lợi ích cho mọi người và được mọi người chấp nhận, chúng ta sẽ phải đi đến một người nào đó không bị giới hạn bởi hàng rào chủng tộc, văn hóa, chính trị và không bị chi phối bởi tính thiển cận và sự khiếm khuyết của con người. Rõ ràng chỉ một Đấng duy nhất đủ điều kiện là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa toàn năng, Đấng đã phán: “Các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường-lối ta cao hơn đường-lối các ngươi, ý-tưởng ta cao hơn ý-tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu”. (Ê-sai 55:9) Ngoài ra, Kinh Thánh miêu tả Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Từ “Đức Giê-hô-va là công-bình” xuất hiện trong suốt cuốn Kinh Thánh. (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:27; 2 Sử-ký 12:6; Thi-thiên 11:7; 129:4; Ca-thương 1:18) Đúng vậy, chúng ta có thể trông mong Đức Giê-hô-va ban cho tiêu chuẩn siêu việt vì Ngài trung tín, chính trực và công bình.
4. Chữ “công bình” nghĩa là gì?
4 Dĩ nhiên, chữ “công bình” ngày nay không mấy phổ thông. Trong thực tế, phần lớn người ta có cái nhìn tiêu cực, thậm chí chế giễu sự công bình, đồng hóa nó với việc tự cho mình là đạo đức, hay đạo đức giả. Tuy nhiên, “công bình” trong Kinh Thánh bao hàm ý tưởng công chính, ngay thẳng, đức hạnh; vô tội; tuân theo các nguyên tắc trong luật pháp của Đức Chúa Trời hoặc các tiêu chuẩn đã được công nhận về đạo đức; hành động đúng hay chính trực. Lẽ nào bạn lại không tìm thấy sự vui thích nơi một luật pháp hay tiêu chuẩn bao hàm các đặc điểm xuất sắc như vậy hay sao?
5. Hãy tả đức tính công bình được nói trong Kinh Thánh.
5 Nói về đức tính công bình, sách Encyclopaedia Judaica (Bách khoa tự điển Do Thái) nhận xét: “Công bình không phải là một ý niệm trừu tượng nhưng đúng hơn, nó dựa trên việc thực hành điều gì là chính trực và đúng trong mọi mối quan hệ”. Chẳng hạn, sự công bình của Đức Chúa Trời không đơn thuần là một đức tính nội tâm hoặc đức tính riêng Ngài có, tỷ như thánh khiết và thanh sạch. Trái lại, nó là một sự biểu hiện của bản chất Ngài theo cách đúng và chính trực. Có thể nói rằng vì Đức Giê-hô-va là thánh và thanh khiết trong mọi sự nên mọi việc Ngài làm và mọi điều bắt nguồn từ Ngài đều công bình. Như Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va là công-bình trong mọi đường Ngài, hay làm ơn trong mọi công-việc Ngài”.—Thi-thiên 145:17.
6. Phao-lô đã nói gì về một số người Do Thái không tin đạo vào thời ông, và tại sao?
6 Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh điểm này trong lá thư gửi cho anh em tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma. Ông viết về một số người Do Thái nào đó không tin đạo: “Bởi họ không nhận-biết sự công-bình của Đức Chúa Trời và tìm cách lập sự công-bình riêng của mình, nên không chịu phục sự công-bình của Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 10:3) Tại sao sứ đồ Phao-lô lại nói những người này “không nhận-biết sự công-bình của Đức Chúa Trời”? Chẳng phải họ đã được dạy về Luật Pháp, tức các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời, hay sao? Họ quả đã được dạy. Tuy nhiên, đa số họ coi sự công bình chỉ là một nhân đức có tính cách cá nhân, đạt được nhờ tỉ mỉ và cẩn thận giữ các quy luật tôn giáo, thay vì coi sự công bình là tiêu chuẩn để hướng dẫn họ trong lối cư xử với người đồng loại. Giống như những nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời Chúa Giê-su, họ không hiểu ý nghĩa đích thực của sự chính trực và công bình.—Ma-thi-ơ 23:23-28.
7. Sự công bình của Đức Chúa Trời được thể hiện như thế nào?
7 Ngược hẳn lại, sự công bình của Đức Giê-hô-va được thể hiện và được thấy rõ trong cách cư xử của Ngài. Mặc dù sự công bình của Ngài đòi hỏi Ngài không bỏ qua tội lỗi của những kẻ cố tình vi phạm, song điều này không làm cho Ngài thành một Đức Chúa Trời lạnh lùng và khắt khe, khiến người ta sợ hãi và không dám đến gần. Trái lại, các hành động công bình của Ngài cung cấp một cơ sở để nhân loại có thể đến gần Ngài và được cứu khỏi những hậu quả ghê gớm của tội lỗi. Do đó, Đức Giê-hô-va được miêu tả một cách hoàn toàn thích hợp là “Đức Chúa Trời... công-bình và là Cứu-Chúa”.—Ê-sai 45:21.
Công bình và cứu rỗi
8, 9. Luật Pháp bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời qua những cách nào?
8 Để nhận thức được mối quan hệ giữa sự công bình của Đức Chúa Trời và hành động cứu rỗi đầy yêu thương của Ngài, hãy xem xét Luật Pháp Ngài ban cho nước Y-sơ-ra-ên qua Môi-se. Ai cũng công nhận Luật Pháp ấy là công bình. Trong những lời nói cuối cùng của ông, Môi-se nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên: “Có nước lớn nào có những mạng-lịnh và luật-lệ công-bình như cả luật-pháp nầy, mà ngày nay ta đặt trước mặt các ngươi chăng?” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:8) Nhiều thế kỷ sau đó, Vua Đa-vít của Y-sơ-ra-ên tuyên bố: “Các mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va là chân-thật, thảy đều công-bình cả”.—Thi-thiên 19:9.
9 Qua Luật Pháp, Đức Giê-hô-va cho thấy rõ tiêu chuẩn hoàn toàn của Ngài về điều phải và điều trái. Luật Pháp quy định chi tiết cách cư xử không những trong vấn đề tôn giáo mà còn trong các giao dịch buôn bán, quan hệ hôn nhân, chế độ ăn uống, phép vệ sinh và dĩ nhiên trong các quyết định về pháp lý. Luật Pháp cũng quy định những án phạt nghiêm ngặt đối với kẻ phạm pháp, ngay cả án tử hình trong một số trường hợp.a Nhiều người ngày nay cho rằng những đòi hỏi công bình của Đức Chúa Trời, như được thể hiện trong Luật Pháp, là một gánh nặng cay nghiệt và gây cho dân sự mệt nhọc, cướp đi sự tự do và niềm vui của họ; nhưng có phải như vậy không?
10. Những ai yêu mến Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về luật pháp của Ngài?
10 Những người yêu mến Đức Giê-hô-va đều tìm thấy niềm vui thích lớn lao nơi luật pháp và mạng lệnh công bình của Ngài. Chẳng hạn, Vua Đa-vít không những nhìn nhận mạng lệnh Đức Giê-hô-va là chân thật và công bình như chúng ta đã thấy, nhưng còn yêu mến sâu xa và biết ơn các mạng lệnh ấy. Về các mạng lệnh và luật pháp của Đức Giê-hô-va, ông viết như sau: “Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng-ong. Các điều ấy dạy cho kẻ tôi-tớ Chúa được thông-hiểu; ai gìn-giữ lấy, được phần thưởng lớn thay”.—Thi-thiên 19:7, 10, 11.
11. Luật Pháp đã chứng tỏ là “thầy-giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ” như thế nào?
11 Nhiều thế kỷ sau, Phao-lô cho thấy Luật Pháp có giá trị lớn hơn nữa. Trong lá thư gửi cho anh em ở Ga-la-ti, ông viết: “Luật-pháp đã như thầy-giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức-tin mà được xưng công-bình”. (Ga-la-ti 3:24) Vào thời Phao-lô, thầy giáo (“quản giáo”, Tòa Tổng Giám Mục) là một người đầy tớ hay nô lệ trong một gia đình lớn. Người này có bổn phận bảo vệ con trẻ và dẫn chúng đi học. Tương tự như vậy, Luật Pháp bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên khỏi những thực hành tồi bại về luân lý và đạo giáo của các nước chung quanh. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:9-13; Ga-la-ti 3:23) Ngoài ra, Luật Pháp còn làm cho người Y-sơ-ra-ên ý thức về tình trạng tội lỗi của mình, và việc cần sự tha thứ và sự cứu rỗi. (Ga-la-ti 3:19) Các sắp đặt về việc dâng của-lễ nói lên việc cần sự hy sinh làm giá chuộc và cung cấp mẫu mực tiên tri, nhờ đó có thể nhận ra được Đấng Mê-si. (Hê-bơ-rơ 10:1, 11, 12) Bởi vậy, trong khi bày tỏ sự công bình của Ngài trong Luật Pháp, Đức Giê-hô-va làm thế vì nghĩ đến hạnh phúc và sự cứu rỗi đời đời của dân Ngài.
Những người được Đức Chúa Trời kể là công bình
12. Nếu cẩn thận vâng giữ Luật Pháp, dân Y-sơ-ra-ên sẽ được gì?
12 Vì Luật Pháp Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên là công bình về mọi phương diện nên khi tuân theo, họ có thể được một vị thế công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Khi dân Y-sơ-ra-ên sắp sửa vào Đất Hứa, Môi-se nhắc nhở họ: “Chúng ta sẽ được xưng là công-bình nếu chúng ta cẩn-thận làm theo các điều-răn nầy trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta, y như Ngài đã phán dặn vậy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:25) Ngoài ra, Đức Giê-hô-va còn hứa: “Hãy giữ luật-pháp và mạng-lịnh ta, người nào làm theo, thì sẽ nhờ nó mà được sống: Ta là Đức Giê-hô-va”.—Lê-vi Ký 18:5; Rô-ma 10:5.
13. Phải chăng Đức Giê-hô-va phi lý khi đòi hỏi dân sự giữ Luật Pháp công bình? Hãy giải thích.
13 Thật đáng buồn, dân Y-sơ-ra-ên nói chung đã không “làm theo các điều-răn nầy trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” và do đó đã không nhận được ân phước Ngài hứa. Họ không giữ được tất cả các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời bởi vì Luật Pháp của Ngài là hoàn toàn, còn họ thì không. Phải chăng điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời phi lý hay không công bình? Chắc chắn là không. Phao-lô viết: “Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Có sự không công-bình trong Đức Chúa Trời sao? Chẳng hề như vậy!” (Rô-ma 9:14) Sự kiện là có những người, cả trước lẫn sau khi Luật Pháp được ban hành, đã được Đức Chúa Trời kể là công bình mặc dù họ bất toàn và có tội. Danh sách những người kính sợ Đức Chúa Trời bao gồm Nô-ê, Áp-ra-ham, Gióp, Ra-háp, và Đa-ni-ên. (Sáng-thế Ký 7:1; 15:6; Gióp 1:1; Ê-xê-chi-ên 14:14; Gia-cơ 2:25) Vậy câu hỏi được đặt ra là: Những người này được Đức Chúa Trời kể là công bình dựa trên căn bản nào?
14. Kinh Thánh muốn nói gì khi gọi một người là “công bình”?
14 Khi gọi một người là “công bình”, Kinh Thánh không hàm ý người ấy vô tội hoặc hoàn toàn. Trái lại, Kinh Thánh có ý nói người ấy đang thực thi các nghĩa vụ của mình trước mặt Đức Chúa Trời và loài người. Chẳng hạn, Nô-ê được gọi là “một người công-bình” và “trọn-vẹn” vì ông “làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn”. (Sáng-thế Ký 6:9, 22; Ma-la-chi 3:18) Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét, cha mẹ của Giăng Báp-tít, “đều là công-bình trước mặt Đức Chúa Trời, vâng-giữ mọi điều-răn và lễ-nghi của Chúa một cách không chỗ trách được”. (Lu-ca 1:6) Và một người nữa không phải là dân Do Thái nhưng là một sĩ quan người Ý tên Cọt-nây đã được tả là “người công-bình, kính-sợ Đức Chúa Trời”.—Công-vụ 10:22.
15. Sự công bình có quan hệ mật thiết với điều gì?
15 Hơn nữa, sự công bình nơi con người có quan hệ rất nhiều đến những gì người đó có trong lòng—như đức tin, lòng biết ơn và tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và các lời hứa của Ngài—chứ không chỉ tùy thuộc vào những việc người đó làm theo đòi hỏi của Ngài. Kinh Thánh nói rằng Áp-ra-ham “tin Đức Giê-hô-va, thì Ngài kể sự đó là công-bình cho người”. (Sáng-thế Ký 15:6) Áp-ra-ham không những tin Đức Chúa Trời hiện hữu mà còn tin lời hứa của Ngài về “dòng-dõi”. (Sáng-thế Ký 3:15; 12:2; 15:5; 22:18) Dựa trên đức tin như thế và với việc làm phù hợp kèm theo, Đức Giê-hô-va có thể có mối quan hệ với Áp-ra-ham và ban phước cho ông cùng những người trung thành khác mặc dù họ bất toàn.—Thi-thiên 36:10; Rô-ma 4:20-22.
16. Đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc đem lại kết quả nào?
16 Cuối cùng, sự công bình của con người tùy thuộc vào đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ. Phao-lô viết về tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất: “Họ nhờ ân-điển [Đức Chúa Trời] mà được xưng công-bình nhưng-không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-su Christ”. (Rô-ma 3:24) Nơi đây Phao-lô nói về những người được chọn để kế tự với Đấng Christ trong Nước Trời. Nhưng sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su cũng mở ra cho hàng triệu người khác cơ hội đạt được vị thế công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Trong một sự hiện thấy, sứ đồ Giăng thấy “vô-số người, không ai đếm được,... đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng”. Áo dài trắng tượng trưng cho sự tinh sạch và công bình của họ trước mặt Đức Chúa Trời, vì họ “đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con”.—Khải-huyền 7:9, 14.
Vui thích nơi sự công bình của Đức Giê-hô-va
17. Để theo đuổi sự công bình, những bước nào là cần thiết?
17 Dù Đức Giê-hô-va yêu thương cung cấp Con Ngài là Chúa Giê-su Christ làm phương tiện để nhờ đó con người đạt được vị thế công bình trước mặt Ngài, nhưng vị thế này không phải tự động mà được. Một người phải thực hành đức tin nơi giá chuộc, sửa đổi đời sống cho phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va, dâng mình cho Ngài và biểu trưng sự dâng mình đó bằng phép báp têm trong nước. Rồi người đó tiếp tục theo đuổi sự công bình cũng như các đức tính thiêng liêng khác. Ti-mô-thê, một tín đồ Đấng Christ có hy vọng lên trời, được sứ đồ Phao-lô khuyên giục:” [Hãy] tìm điều công-bình, tin-kính, đức-tin, yêu-thương, nhịn-nhục, mềm-mại”. (1 Ti-mô-thê 6:11; 2 Ti-mô-thê 2:22) Chúa Giê-su cũng nhấn mạnh việc cần phải cố gắng liên tục khi phán: “Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài”. Chúng ta có thể hết sức cố gắng tìm kiếm ân phước Nước Trời, nhưng chúng ta có hết sức như vậy trong việc theo đuổi đường lối công bình của Đức Giê-hô-va không?—Ma-thi-ơ 6:33.
18. (a) Tại sao theo đuổi sự công bình không phải là dễ? (b) Chúng ta có thể học được gì qua gương của Lót?
18 Tất nhiên theo đuổi sự công bình không phải là dễ. Đó là vì tất cả chúng ta đều bất toàn và có khuynh hướng tự nhiên hướng về sự không công bình. (Ê-sai 64:6) Hơn nữa, chúng ta sống giữa những người chẳng mấy quan tâm đến các đường lối công bình của Đức Giê-hô-va. Hoàn cảnh của chúng ta rất giống với Lót là người đã sống ở Sô-đôm, một thành gian ác khét tiếng. Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích tại sao Đức Giê-hô-va thấy thích hợp để giải cứu Lót khỏi sự hủy diệt sắp xảy đến. Phi-e-rơ nói: “Người công-bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm-biết đau-xót trong lòng công-bình mình”. (2 Phi-e-rơ 2:7, 8) Do đó, thật thích đáng để mỗi người chúng ta tự hỏi: ‘Tôi có âm thầm tán thành những thực hành vô luân xung quanh tôi không? Tôi có thấy những trò thể thao hoặc giải trí phổ biến nhưng bạo động chỉ là vô vị hay là tôi có cảm thấy đau xót như Lót khi thấy những việc làm không công bình như thế không?’
19. Chúng ta có thể được những ân phước nào nếu vui thích trong sự công bình của Đức Chúa Trời?
19 Trong những ngày đầy nguy hiểm và bấp bênh này, việc vui thích nơi sự công bình của Đức Giê-hô-va là nguồn đem lại an ổn và bảo vệ. Những câu hỏi: “Hỡi Đức Giê-hô-va, ai sẽ ngụ trong đền-tạm Ngài? Ai sẽ ở trên núi thánh Ngài?” đã được Vua Đa-vít trả lời: “Ấy là kẻ đi theo sự ngay-thẳng, làm điều công-bình”. (Thi-thiên 15:1, 2) Khi theo đuổi sự công bình của Đức Chúa Trời và tìm thấy niềm vui thích trong đó, chúng ta có thể duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với Ngài và tiếp tục vui hưởng ân huệ và ân phước của Ngài. Nhờ đó đời sống của chúng ta sẽ thỏa lòng, có tự trọng và tâm trí được bình an. Lời Đức Chúa Trời nói: “Người nào tìm-cầu sự công-bình và sự nhân-từ Sẽ tìm được sự sống, sự công-bình, và tôn-trọng”. (Châm-ngôn 21:21) Hơn nữa, khi hết mình cố gắng làm những điều đúng và công bình, chúng ta sẽ có được những mối quan hệ mật thiết, đầy hạnh phúc và đời sống sung mãn hơn—về đạo đức và thiêng liêng. Người viết Thi-thiên tuyên bố: “Phước cho người nào gìn-giữ sự đoan-chánh, và làm theo sự công-bình luôn luôn!”—Thi-thiên 106:3.
[Chú thích]
a Để biết thêm chi tiết về tính cách bao quát của Luật Pháp Môi-se, xin xem bài “Some Features of the Law Covenant” (“Một số đặc điểm của giao ước Luật Pháp”) trong sách Insight on the Scriptures, tập 2, trang 214-220, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
Bạn có thể giải thích không?
• Công bình là gì?
• Sự cứu rỗi liên quan thế nào đến sự công bình của Đức Chúa Trời?
• Loài người được Đức Chúa Trời kể là công bình dựa trên căn bản nào?
• Chúng ta có thể tìm thấy niềm vui thích nơi sự công bình của Đức Giê-hô-va như thế nào?
[Các hình nơi trang 15]
Vua Đa-vít bày tỏ lòng yêu mến sâu xa đối với luật pháp của Đức Chúa Trời
[Các hình nơi trang 16]
Nô-ê, Áp-ra-ham, Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét, cùng Cọt-nây được Đức Chúa Trời kể là công bình. Bạn có biết tại sao không?