Họ tiếp tục đi trong lẽ thật
“Tôi nghe con-cái tôi làm theo [“đi trong”, “Nguyễn Thế Thuấn”] lẽ thật, thì không còn có sự gì vui-mừng hơn nữa”.—3 GIĂNG 4.
1. “Lẽ thật về Tin-lành” chú mục vào gì?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA chỉ chấp nhận những người thờ phượng Ngài bằng “tâm-thần và lẽ thật”. (Giăng 4:24) Họ vâng theo lẽ thật, chấp nhận toàn bộ sự dạy dỗ của đạo Đấng Christ dựa trên Lời Đức Chúa Trời. “Lẽ thật của Tin-lành” này chú mục vào Chúa Giê-su Christ và sự biện minh cho quyền thống trị của Đức Giê-hô-va qua Nước Trời. (Ga-la-ti 2:14) Đức Chúa Trời để cho những kẻ ưa thích sự giả dối “mắc phải sự lầm-lạc”, nhưng sự cứu rỗi tùy thuộc vào việc tin nơi tin mừng và đi trong lẽ thật.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9-12; Ê-phê-sô 1:13, 14.
2. Sứ đồ Giăng đặc biệt vui mừng về điều gì, và bản chất mối quan hệ của ông với Gai-út là gì?
2 Những người công bố Nước Trời là những người “đồng làm việc cho lẽ thật”. Giống như sứ đồ Giăng và bạn ông là Gai-út, họ kiên quyết giữ vững lẽ thật và đi trong đó. Nghĩ đến Gai-út, Giăng viết: “Tôi nghe con-cái tôi làm theo [“đi trong”, Nguyễn Thế Thuấn] lẽ thật, thì không còn có sự gì vui-mừng hơn nữa”. (3 Giăng 3-8) Cho dù sứ đồ lão thành Giăng không phải là người giới thiệu lẽ thật cho Gai-út, nhưng với tuổi cao, sự thành thục trong đạo Đấng Christ, và tình yêu dấu như của người cha, cũng thích hợp để xem Gai-út, người dường như trẻ hơn, là một trong những con cái thiêng liêng của sứ đồ.
Lẽ thật và sự thờ phượng của đạo Đấng Christ
3. Các buổi họp của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu nhằm mục tiêu gì và đem lại lợi ích nào?
3 Để học lẽ thật, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu nhóm lại thành những hội thánh, thường là tại nhà riêng. (Rô-ma 16:3-5) Nhờ thế mà họ được khích lệ và khuyến giục nhau về lòng yêu thương và việc lành. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Về những người nhận mình là tín đồ Đấng Christ vào các thời kỳ sau này, Tertullian (khoảng năm 155–sau 220 CN) viết: “Chúng tôi họp nhau lại để đọc các sách của Đức Chúa Trời... Những lời thánh này giúp chúng tôi nuôi dưỡng đức tin, có thêm hy vọng, củng cố niềm tin”.—Apology, chương 39.
4. Ca hát giữ vai trò nào trong các buổi họp đạo Đấng Christ?
4 Ca hát chắc hẳn là một phần của buổi họp đạo Đấng Christ thời ban đầu. (Ê-phê-sô 5:19; Cô-lô-se 3:16) Giáo sư Henry Chadwick viết rằng Celsus, nhà phê bình vào thế kỷ thứ hai, đã tìm thấy những bài hát có âm điệu du dương do những người nhận mình là tín đồ Đấng Christ sử dụng. Những bài hát ấy “hay đến nỗi chính ông cũng bị tác động mạnh, và điều này khiến ông bực bội”. Chadwick viết thêm: “Clement ở Alexandria là nhà văn đạo Đấng Christ thời ban đầu đã thảo luận về việc sử dụng loại âm nhạc thích hợp cho tín đồ Đấng Christ. Ông chỉ thị là không được dùng loại nhạc có liên quan đến âm nhạc nhảy múa khiêu dâm”. (The Early Church, trang 274, 275) Giống như tín đồ Đấng Christ thời ban đầu chắc hẳn đã ca hát khi nhóm họp, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng thường hát những bài hát dựa trên Kinh Thánh, gồm những bài thánh ca nhiệt tình khen ngợi Đức Chúa Trời và Nước Trời.
5. (a) Sự hướng dẫn về thiêng liêng được cung cấp như thế nào trong các hội thánh đạo Đấng Christ thời ban đầu? (b) Tín đồ thật của Đấng Christ áp dụng lời Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 23:8, 9 như thế nào?
5 Trong hội thánh đạo Đấng Christ thời ban đầu, các giám thị dạy lẽ thật, và các tôi tớ thánh chức trợ giúp anh em đồng đạo qua nhiều cách khác nhau. (Phi-líp 1:1) Tin cậy vào Lời Đức Chúa Trời và thánh linh, một hội đồng lãnh đạo trung ương cung cấp sự hướng dẫn về thiêng liêng. (Công-vụ 15:6, 23-31) Không ai dùng chức tước tôn giáo vì Chúa Giê-su đã ra lệnh cho môn đồ: “Các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. Cũng đừng gọi người nào ở thế-gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời”. (Ma-thi-ơ 23:8, 9) Về mặt này và trong nhiều khía cạnh khác, giữa tín đồ Đấng Christ thời ban đầu và Nhân Chứng Giê-hô-va có nhiều điểm tương đồng.
Bị bắt bớ vì giảng lẽ thật
6, 7. Mặc dù công bố thông điệp bình an nhưng tín đồ thật của Đấng Christ bị đối xử ra sao?
6 Dù rao giảng thông điệp bình an về Nước Trời, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đã bị bắt bớ y như Chúa Giê-su vậy. (Giăng 15:20; 17:14) Sử gia John L. von Mosheim gọi tín đồ Đấng Christ thế kỷ thứ nhất là “một nhóm người vô hại nhất, không hề nuôi dưỡng một ước muốn hoặc một ý tưởng nào đi nghịch lại với sự an toàn của quốc gia”. Tiến sĩ Mosheim nói rằng điều “làm cho người La Mã bực tức với tín đồ Đấng Christ là sự thờ phượng giản dị của họ, không giống với các nghi lễ huyền bí của các dân khác”. Ông nói thêm: “Họ không dâng của-lễ, không có đền thờ, ảnh tượng, thầy bói, hoặc dòng tu; và điều này đủ để đoàn dân đông ngu muội trách móc vì không thể tưởng tượng nổi có tôn giáo nào thiếu những điều ấy. Bởi thế, tín đồ Đấng Christ bị coi là loại người vô thần; và theo luật La Mã, những người mang tội vô thần bị xem là sâu bọ của xã hội”.
7 Thầy tế lễ, thợ thủ công và người sống bằng nghề làm hình tượng đã xúi giục dân chúng chống tín đồ Đấng Christ vốn không dự vào các thực hành thờ hình tượng. (Công-vụ 19:23-40; 1 Cô-rinh-tô 10:14) Tertullian viết: “Họ xem tín đồ Đấng Christ là nguyên nhân của mọi tai họa, và bất hạnh của Nhà Nước và dân chúng. Nếu dòng nước Sông Tiber dâng ngập tường thành, nếu nước Sông Ni-lơ không dâng tràn để tưới ruộng, nếu trời không mưa, nếu có động đất, đói kém, bệnh dịch, thì ngay lập tức có tiếng kêu lên: ‘Ném bọn tín đồ Đấng Christ cho sư tử!’ ” Bất chấp mọi hậu quả, tín đồ thật của Đấng Christ vẫn ‘giữ mình khỏi hình-tượng’.—1 Giăng 5:21.
Lẽ thật và lễ lộc tôn giáo
8. Tại sao những người bước đi trong lẽ thật không cử hành Lễ Giáng Sinh?
8 Những người đi trong lẽ thật tránh những lễ lộc nghịch với Kinh Thánh vì ‘sự sáng không thông-đồng với sự tối’. (2 Cô-rinh-tô 6:14-18) Chẳng hạn, họ không cử hành Lễ Giáng Sinh ngày 25 tháng 12. Cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) thừa nhận: “Không ai biết chính xác ngày sinh của Đấng Christ”. Cuốn The Encyclopedia Americana (Bách khoa tự điển Hoa Kỳ, ấn bản 1956) nói rằng: “Lễ Saturnalia của người La Mã được cử hành vào giữa tháng 12, đã trở thành khuôn mẫu cho nhiều phong tục ăn mừng Lễ Giáng Sinh”. Sách Cyclopædia của M’Clintock và Strong ghi nhận: “Việc cử hành Lễ Giáng Sinh không phải là lệnh của Đức Chúa Trời, cũng không bắt nguồn từ Tân Ước”. Sách Daily Life in the Time of Jesus (Đời sống thường ngày vào thời Chúa Giê-su) nhận xét: “Bầy thú vật... phải ở trong chuồng vào mùa đông; và chỉ riêng điều này cũng cho thấy ngày Lễ Giáng Sinh theo truyền thống vào mùa đông xem ra không đúng, vì sách Phúc Âm nói rằng những người chăn chiên đang ở ngoài đồng”.—Lu-ca 2:8-11.
9. Tại sao tôi tớ Đức Giê-hô-va xưa và nay tránh cử hành Lễ Phục Sinh?
9 Lễ Phục Sinh được cho là kỷ niệm sự sống lại của Đấng Christ, nhưng theo những nguồn đáng tin cậy, lễ này liên quan đến sự thờ phượng giả. Cuốn The Westminster Dictionary of the Bible (Tự điển Kinh Thánh của Westminter) nói rằng Lễ Phục Sinh “khởi thủy là lễ hội mùa xuân để tôn kính nữ thần ánh sáng Teutonic, và được người Ăng-lơ Sắc-xông gọi là Eastre”, hay Eostre. Dù sao chăng nữa, cuốn Encyclopædia Britannica (Bách khoa tự điển Anh Quốc, ấn bản lần thứ 11) phát biểu: “Tân Ước không hề đề cập đến việc cử hành Lễ Phục Sinh”. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu không cử hành Lễ Phục Sinh và dân Đức Giê-hô-va ngày nay cũng vậy.
10. Chúa Giê-su thiết lập lễ nào, và ai đã tuân thủ đúng đắn lễ này?
10 Chúa Giê-su không hề truyền lệnh cho môn đồ kỷ niệm sự sanh ra hoặc sự sống lại của ngài, nhưng ngài đã thiết lập Lễ Tưởng Niệm sự chết hy sinh làm của-lễ của ngài. (Rô-ma 5:8) Quả thật, đây là biến cố duy nhất ngài truyền lệnh cho môn đồ cử hành. (Lu-ca 22:19, 20) Biến cố hàng năm này cũng được gọi là Bữa Tiệc Thánh của Chúa, vẫn được Nhân Chứng Giê-hô-va cử hành.—1 Cô-rinh-tô 11:20-26.
Lẽ thật được công bố khắp đất
11, 12. Những người đi trong lẽ thật luôn luôn hỗ trợ hoạt động rao giảng như thế nào?
11 Những ai biết lẽ thật xem việc hiến dâng thời giờ, năng lực và của cải cho công việc rao giảng tin mừng là một đặc ân. (Mác 13:10) Hoạt động rao giảng của đạo Đấng Christ thời ban đầu được tài trợ bằng sự đóng góp tình nguyện. (2 Cô-rinh-tô 8:12; 9:7) Tertullian viết: “Ngay cả khi có bất cứ một hộp để bỏ tiền nào, đấy không phải là tiền phải trả để vào cửa, như thể tôn giáo là một dịch vụ thương mại. Mỗi tháng một lần, mỗi người đem một ít tiền—hoặc bất cứ khi nào muốn, chỉ khi nào muốn, và nếu có đủ khả năng, vì không ai bị ép buộc bởi đó là sự hiến tặng tự ý”.—Apology, chương 39.
12 Công việc rao giảng Nước Trời trên toàn cầu của Nhân Chứng Giê-hô-va cũng được hỗ trợ bằng sự đóng góp tình nguyện. Ngoài Nhân Chứng ra, những người chú ý có lòng biết ơn cũng xem việc đóng góp để hỗ trợ hoạt động này là một đặc ân. Đây cũng là điểm tương đồng giữa tín đồ Đấng Christ thời ban đầu và Nhân Chứng Giê-hô-va.
Lẽ thật và hạnh kiểm cá nhân
13. Về hạnh kiểm, Nhân Chứng Giê-hô-va vâng theo lời khuyên nào của Phi-e-rơ?
13 Là những người đi trong lẽ thật, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu vâng theo lời khuyên của sứ đồ Phi-e-rơ: “Phải ăn-ở ngay-lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm-chê anh em như người gian-ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm-viếng, họ ngợi-khen Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:12) Nhân Chứng Giê-hô-va ghi nhớ những lời này.
14. Tín đồ Đấng Christ có quan điểm gì về sự giải trí có tính cách vô luân?
14 Ngay cả sau khi sự bội đạo đã xâm nhập, tín đồ Đấng Christ trên danh nghĩa vẫn tránh các hoạt động vô luân. Ông W. D. Killen, giáo sư về lịch sử giáo hội, viết: “Vào thế kỷ thứ hai và thứ ba, nhà hát trong mỗi thị trấn lớn là một trung tâm giải trí hấp dẫn; và tuy là những người rất vô luân, nhưng sự trình diễn của chính những diễn viên này trên sân khấu lại luôn đáp ứng những ham muốn đồi trụy của thời đại... Tất cả tín đồ thật của Đấng Christ đều gớm ghiếc các rạp hát... Họ tránh xa những màn khiêu dâm tục tĩu tại đấy, cùng những lời khẩn nài không ngớt các thần và nữ thần tà giáo xúc phạm đến những niềm tin tôn giáo của họ”. (The Ancient Church, trang 318, 319) Môn đồ thật của Chúa Giê-su ngày nay cũng tránh những hình thức giải trí tục tĩu và đồi trụy.—Ê-phê-sô 5:3-5.
Lẽ thật và “các đấng cầm quyền trên mình”
15, 16. Ai là “các đấng cầm quyền trên mình”, và những người đi trong lẽ thật xem họ như thế nào?
15 Bất kể hạnh kiểm tốt của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, hầu hết các hoàng đế La Mã đều phán đoán sai về họ. Sử gia E. G. Hardy nói rằng các hoàng đế xem họ “như những kẻ nhiệt tình đáng khinh”. Thư từ giữa Quan Tổng Trấn Pliny the Younger của Bithynia và Hoàng Đế Trajan cho thấy giới cai trị nói chung không am hiểu gì về bản chất thật của đạo Đấng Christ. Tín đồ Đấng Christ có quan điểm nào đối với Nhà Nước?
16 Giống như môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu, Nhân Chứng Giê-hô-va vâng phục tương đối “các đấng cầm quyền trên mình”. (Rô-ma 13:1-7) Nếu có sự xung đột giữa đòi hỏi của loài người và ý muốn của Đức Chúa Trời, lập trường của họ là: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”. (Công-vụ 5:29) Sách After Jesus—The Triumph of Christianity (Sau Chúa Giê-su—Sự chiến thắng của đạo Đấng Christ) nói: “Dù có thể không tham gia vào việc thờ hoàng đế, tín đồ Đấng Christ không phải là những người khích động đám đông; và dù khác biệt và đôi lúc gây khó chịu cho người ngoại giáo, tôn giáo của họ không hề là mối đe dọa thật sự nào cho đế quốc”.
17. (a) Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu là những người ủng hộ chính phủ nào? (b) Tín đồ thật của Đấng Christ áp dụng những lời nơi Ê-sai 2:4 trong đời sống họ ra sao?
17 Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu là những người ủng hộ Nước Đức Chúa Trời, giống như tộc trưởng Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp đặt đức tin vào ‘thành Đức Chúa Trời đã xây-cất’ theo lời hứa của Ngài. (Hê-bơ-rơ 11:8-10) Như Thầy của họ, môn đồ Chúa Giê-su “không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:14-16) Còn đối với những cuộc chiến tranh và xung đột của loài người, họ đã theo đuổi sự hòa bình bằng cách “lấy gươm rèn lưỡi-cày”. (Ê-sai 2:4) Nhận thấy có một sự tương đồng thú vị, Geoffrey F. Nuttall, giảng viên đại học về lịch sử giáo hội, bình luận: “Thái độ của tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đối với chiến tranh thì cũng giống như thái độ của những người mệnh danh là Nhân Chứng Giê-hô-va và chúng ta thấy rất khó chấp nhận sự kiện đó”.
18. Tại sao chính quyền không có bất cứ lý do nào để tỏ ra e dè đối với Nhân Chứng Giê-hô-va?
18 Là những người trung lập vâng phục “các đấng cầm quyền trên mình”, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu không phải là mối đe dọa cho bất cứ thực thể chính trị nào, và Nhân Chứng Giê-hô-va cũng vậy. Một nhà xã luận ở Bắc Mỹ viết: “Chỉ những người có đầu óc cố chấp và trí tưởng tượng vu vơ mới có thể tin rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là một mối đe dọa cho bất cứ chính phủ nào. Họ là một nhóm tôn giáo yêu chuộng hòa bình và không có âm mưu lật đổ chính quyền”. Các nhà cầm quyền sáng suốt biết rằng họ không phải tỏ ra e dè đối với Nhân Chứng Giê-hô-va.
19. Về thuế khóa, có thể nói gì về tín đồ Đấng Christ thời ban đầu và Nhân Chứng Giê-hô-va?
19 Một cách mà tín đồ Đấng Christ thời ban đầu tỏ ra kính trọng “các đấng cầm quyền trên mình” là việc họ đóng thuế. Viết cho Hoàng Đế La Mã Antoninus Pius (138-161 CN), Justin Martyr nói rằng tín đồ Đấng Christ trả thuế “một cách sẵn lòng hơn mọi người khác”. (First Apology, chương 17) Và Tertullian nói với các nhà cai trị La Mã rằng những người thâu thuế của họ phải “mang ơn tín đồ Đấng Christ” vì họ đã tận tụy trả thuế. (Apology, chương 42) Nhờ Pax Romana, hay Hòa Bình La Mã, tín đồ Đấng Christ hưởng được an ninh và trật tự, đường xá tốt, giao thông đường biển tương đối an toàn. Ý thức được nghĩa vụ đối với xã hội, họ vâng theo lời Chúa Giê-su: “Vật chi của Sê-sa hãy trả lại cho Sê-sa, còn vật chi của Đức Chúa Trời hãy trả lại cho Đức Chúa Trời”. (Mác 12:17) Dân sự Đức Giê-hô-va ngày nay làm theo lời khuyên này và được khen là những người lương thiện, chẳng hạn như trong việc đóng thuế.—Hê-bơ-rơ 13:18.
Lẽ thật—Sợi dây hợp nhất
20, 21. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu lẫn tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ là một đoàn thể anh em hòa thuận như thế nào?
20 Vì đi trong lẽ thật, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu kết hợp chặt chẽ với nhau trong tình anh em hòa thuận, Nhân Chứng Giê-hô-va ngày nay cũng vậy. (Công-vụ 10:34, 35) Một lá thư đăng trên tờ The Moscow Times nói: “[Nhân Chứng Giê-hô-va] được nổi tiếng là rất thân thiện, tử tế, và là những người nhu mì rất dễ giao tiếp, không bao giờ gây bất cứ áp lực nào trên người khác và luôn luôn tìm sự bình an trong mối quan hệ với người khác... Trong vòng họ không ai nhận hối lộ, say sưa hoặc nghiện ma túy, vì lý do rất giản dị: Họ chỉ cố gắng để niềm tin dựa trên Kinh Thánh hướng dẫn mọi lời nói và hành động. Nếu mọi người trên thế giới ít nhất cố sống theo Kinh Thánh như Nhân Chứng Giê-hô-va thì thế giới hung bạo của chúng ta sẽ hoàn toàn khác hẳn”.
21 Sách Encyclopedia of Early Christianity (Bách khoa tự điển đạo Đấng Christ thời ban đầu) nói: “Giáo hội thời ban đầu xem mình là một cộng đồng mới, trong đó, những nhóm thù nghịch trước đây, người Do Thái và Dân Ngoại, có thể sống hợp nhất với nhau trong hòa bình”. Nhân Chứng Giê-hô-va cũng là một đoàn thể anh em quốc tế yêu chuộng hòa bình—thật sự là một xã hội thế giới mới. (Ê-phê-sô 2:11-18; 1 Phi-e-rơ 5:9; 2 Phi-e-rơ 3:13) Khi trưởng ban an ninh Khu Hội Chợ Pretoria ở Nam Phi thấy các Nhân Chứng thuộc mọi chủng tộc, với tư cách những đại biểu tham dự đại hội, nhóm nhau lại cách hòa thuận, ông nói: “Mọi người lúc nào cũng lịch sự, nói chuyện tử tế với nhau, đó là thái độ đã được biểu lộ trong vài ngày qua—tất cả những điều này đã nói lên phẩm chất đạo đức của các thành viên trong xã hội quý vị, và cho thấy mọi người đều sống với nhau như một gia đình hạnh phúc”.
Phần thưởng của việc dạy lẽ thật
22. Vì tín đồ Đấng Christ tỏ bày lẽ thật, kết quả là gì?
22 Phao-lô và những tín đồ Đấng Christ khác “tỏ-bày lẽ thật” qua hạnh kiểm và hoạt động rao giảng . (2 Cô-rinh-tô 4:2) Bạn lại không đồng ý là Nhân Chứng Giê-hô-va cũng đang làm như vậy và đang dạy dỗ muôn dân về lẽ thật hay sao? Người ta trên khắp đất đang đón nhận sự thờ phượng thật và đang kéo lên ‘núi của nhà Đức Giê-hô-va’, ngày càng đông. (Ê-sai 2:2, 3) Mỗi năm, hàng ngàn người làm báp têm biểu trưng sự dâng mình cho Đức Chúa Trời, kết quả là nhiều hội thánh mới được thành lập.
23. Bạn xem những người đang dạy lẽ thật cho muôn dân như thế nào?
23 Mặc dù có gốc gác khác nhau, dân Đức Giê-hô-va hợp nhất trong sự thờ phượng thật. Qua việc thể hiện tình yêu thương, họ đã chứng tỏ là môn đồ của Chúa Giê-su. (Giăng 13:35) Bạn có thể nhận thấy ‘quả thật có Đức Chúa Trời ở giữa họ’ không? (1 Cô-rinh-tô 14:25) Bạn đã đứng về phía những người đang dạy dỗ muôn dân về lẽ thật chưa? Nếu có, mong sao bạn bày tỏ lòng biết ơn mãi mãi đối với lẽ thật và được đặc ân đi trong đó đời đời.
Bạn trả lời thế nào?
• Về cách thờ phượng, có sự tương đồng nào giữa tín đồ Đấng Christ thời ban đầu và Nhân Chứng Giê-hô-va?
• Những người đi trong lẽ thật chỉ cử hành lễ tôn giáo duy nhất nào?
• Ai là “các đấng cầm quyền trên mình”, và tín đồ Đấng Christ có quan điểm gì về họ?
• Lẽ thật là sợi dây hợp nhất như thế nào?
[Hình nơi trang 21]
Các buổi họp đạo Đấng Christ luôn luôn là một ân phước cho những người đi trong lẽ thật
[Các hình nơi trang 23]
Chúa Giê-su truyền lệnh cho môn đồ cử hành Lễ Tưởng Niệm sự chết hy sinh để làm của-lễ của ngài
[Hình nơi trang 24]
Như tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, Nhân Chứng Giê-hô-va tỏ ra tôn trọng “các đấng cầm quyền trên mình”