Có thể tìm được giá trị thiêng liêng thật ở đâu?
“NẾU bạn định theo một tôn giáo chỉ vì truyền thống gia đình, tại sao không theo đạo người Celt mà tổ tiên chúng ta đã thực hành cách đây 2.000 năm?” Rodolphe đã nêu câu hỏi này cách hơi mỉa mai. Ý tưởng này đã khiến một người trẻ lắng nghe anh mỉm cười.
Rodolphe giải thích: “Đối với tôi, sự liên hệ của mình với Đức Chúa Trời rất quan trọng. Tôi hoàn toàn phản đối việc theo một tôn giáo vì bị truyền thống bắt buộc, chỉ vì những thành viên trong gia đình tôi đã sống cách đây hàng chục năm hoặc ngay cả hàng trăm năm đã thực hành tôn giáo đó”. Rodolphe đã cẩn thận cân nhắc những điều này; anh không xem vấn đề quan trọng này chỉ như điều gì anh được thừa hưởng thôi.
Mặc dù ngày nay chúng ta thấy ngày càng ít thế hệ trước truyền lại một tôn giáo cho thế hệ sau, nhưng đa số vẫn còn gắn bó với tôn giáo của gia đình. Nhưng gắn bó với những giá trị tôn giáo của cha mẹ mình có phải luôn luôn là đúng không? Kinh Thánh nói gì về điều này?
Sau 40 năm trong đồng vắng, Giô-suê, người kế vị Môi-se, đã đặt một sự lựa chọn trước dân Y-sơ-ra-ên: “Nếu chẳng thích cho các ngươi phục-sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục-sự, hoặc các thần mà tổ-phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục-sự Đức Giê-hô-va”.—Giô-suê 24:15.
Một trong những tổ phụ mà Giô-suê ám chỉ là Tha-rê, cha của Áp-ra-ham, sống trong thành U-rơ, lúc bấy giờ nằm ở phía đông Sông Ơ-phơ-rát. Kinh Thánh không tiết lộ nhiều về Tha-rê, ngoại trừ việc ông thờ phượng các thần khác. (Giô-suê 24:2) Con trai ông, Áp-ra-ham, dù chưa có sự hiểu biết đầy đủ về ý định của Đức Chúa Trời, đã sẵn sàng rời thành phố quê hương mình khi Đức Giê-hô-va truyền lệnh cho ông làm như thế. Đúng vậy, Áp-ra-ham đã chọn tôn giáo khác hẳn với tôn giáo của cha ông. Vì việc làm đó, Áp-ra-ham đã nhận những ân phước mà Đức Chúa Trời hứa ban cho ông, và ông trở nên người mà nhiều tôn giáo công nhận là “cha hết thảy những kẻ tin Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 4:11, Today’s English Version.
Kinh Thánh cũng ghi lại cách tích cực về chuyện Ru-tơ, tổ mẫu Chúa Giê-su Christ. Ru-tơ, một phụ nữ người Mô-áp đã kết hôn với một người Y-sơ-ra-ên, trở thành góa phụ và đứng trước sự lựa chọn: hoặc ở lại quê hương mình hoặc theo mẹ chồng về Y-sơ-ra-ên. Thừa nhận giá trị cao cả của sự thờ phượng Đức Giê-hô-va so với sự thờ hình tượng do cha mẹ bà thực hành, Ru-tơ bày tỏ ý định cùng mẹ chồng: “Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi”.—Ru-tơ 1:16, 17.
Bình luận về tầm quan trọng của sự tường thuật này trong Thánh Kinh chính điển, cuốn Dictionnaire de la Bible (Từ điển Kinh Thánh) giải thích rằng tường thuật này cho biết “làm sao một người nữ quê ở xứ khác, sanh ra ngay giữa dân ngoại giáo thù địch với dân Y-sơ-ra-ên và bị dân Y-sơ-ra-ên căm ghét,... vì tình yêu thương của bà đối với dân sự Đức Giê-hô-va và sự thờ phượng Ngài, và do ý Ngài mà bà đã trở thành tổ mẫu của vua thánh Đa-vít”. Ru-tơ không do dự chọn một tôn giáo khác với tôn giáo của cha mẹ bà, và vì quyết định đó Đức Chúa Trời đã ban phước cho bà.
Lời tường thuật về thời ban đầu của đạo Đấng Christ cho biết rõ ràng hơn những lý do tại sao các môn đồ của Chúa Giê-su đã bỏ tôn giáo của tổ phụ họ. Trong một bài giảng đầy sức thuyết phục, sứ đồ Phi-e-rơ mời cử tọa “khá cứu mình thoát khỏi giữa dòng-dõi gian-tà nầy” bằng cách hối cải tội lỗi họ và phải nhân danh Chúa Giê-su Christ chịu phép báp têm. (Công-vụ 2:37-41) Một gương đáng chú ý nhất đó là trường hợp của Sau-lơ, một người Do Thái bắt bớ tín đồ Đấng Christ. Khi đang trên đường đến thành Đa-mách, Chúa Giê-su cho ông một sự hiện thấy. Sau sự hiện thấy đó Sau-lơ trở thành tín đồ Đấng Christ và được người ta biết đến là sứ đồ Phao-lô.—Công-vụ 9:1-9.
Đa số tín đồ Đấng Christ thời ban đầu không phải trải qua trường hợp đặc biệt như vậy, tuy vậy tất cả đã phải bỏ đạo Do Thái hoặc sự thờ phượng các thần ngoại giáo khác. Những người đã nhận đạo Đấng Christ đều làm như thế khi hiểu biết đầy đủ sự thật, thường thường sau những cuộc thảo luận dài về vai trò của Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. (Công-vụ 8:26-40; 13:16-43; 17:22-34) Những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu đó được cho biết rõ ràng về việc cần phải thay đổi lối sống của họ. Tất cả mọi người đều được mời gọi, người Do Thái lẫn người không phải Do Thái, nhưng thông điệp thì không đổi. Để làm hài lòng Đức Chúa Trời, điều cần thiết là phải theo hình thức thờ phượng mới, sự thờ phượng của đạo Đấng Christ.
Một sự lựa chọn thích hợp đối với chúng ta
Trong thế kỷ thứ nhất, chắc chắn cần có can đảm để từ bỏ truyền thống tôn giáo của gia đình, chẳng hạn Do Thái Giáo, thờ hoàng đế, thờ thần ngoại giáo, để theo một tôn giáo bị cả người Do Thái lẫn người La Mã chế giễu. Sự lựa chọn này sớm đưa họ đến chỗ bị bắt bớ thô bạo. Ngày nay, cũng cần phải can đảm tương tự để tránh “để mình bị lôi cuốn và nhiễm không khí của chủ nghĩa thủ cựu”, như Hippolyte Simon, giám mục giáo phận Clermont-Ferrand, giải thích trong sách của ông Vers une France païenne? (Nước Pháp trở thành ngoại giáo?) Cần phải có can đảm để kết hợp với một tôn giáo thiểu số mà đôi khi bị chỉ trích: Nhân Chứng Giê-hô-va.
Paul, một thanh niên trẻ quê ở Bastia, Corsica, được lớn lên trong đạo Công Giáo, thỉnh thoảng tham gia những hoạt động của nhà thờ, như là bán bánh để gây quỹ cho hội từ thiện của Công Giáo. Muốn có sự hiểu biết rõ hơn về Kinh Thánh, anh đồng ý thảo luận Kinh Thánh đều đặn với Nhân Chứng Giê-hô-va. Với thời gian, anh nhận thấy rằng những điều anh đang học được sẽ đem lại cho anh nhiều lợi ích lâu dài. Do đó, Paul hoàn toàn chấp nhận những giá trị Kinh Thánh và đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Cha mẹ anh tôn trọng sự lựa chọn của anh, một sự lựa chọn không làm hại đến mối liên hệ mật thiết trong gia đình họ.
Amélie sống ở miền nam nước Pháp. Những thành viên trong gia đình chị là Nhân Chứng Giê-hô-va trong bốn thế hệ. Tại sao chị chọn chấp nhận những giá trị tôn giáo của cha mẹ chị? Chị giải thích: “Bạn không trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va bởi vì cha mẹ hoặc ông bà của bạn hiện là hoặc đã là Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng có ngày bạn sẽ nói với chính mình: ‘Đó là tôn giáo của tôi bởi vì đây là những điều tôi tin chắc’ ”. Giống như nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va trẻ khác, Amélie biết rằng tín ngưỡng vững vàng của chị cho chị mục đích trong đời sống và là nguồn hạnh phúc lâu dài.
Tại sao chấp nhận những giá trị của Đức Chúa Trời
Sách Châm-ngôn, chương 6, câu 20, khuyến khích những ai muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời: “Hỡi con, hãy giữ lời răn-bảo của cha, chớ lìa-bỏ các phép-tắc của mẹ con”. Thay vì khuyên hãy vâng lời cách mù quáng, lời ấy khuyến khích giới trẻ chấp nhận những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời bằng cách trau dồi đức tin thêm sâu đậm và đứng về phía Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô mời gọi những bạn đồng hành của ông “hãy xem-xét mọi việc”, để kiểm tra những điều họ đang được dạy dỗ có phù hợp với Lời Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài hay không, và để hành động theo đó.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21.
Dù được nuôi dưỡng trong gia đình tín đồ Đấng Christ hay không, hơn sáu triệu Nhân Chứng Giê-hô-va, cả già lẫn trẻ, đều quyết định như thế. Qua học hỏi Kinh Thánh kỹ lưỡng, họ tìm được những lời giải đáp đáng tin cậy cho những thắc mắc của họ về mục đích của đời sống, và nhận được sự hiểu biết rõ ràng về ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Khi có được sự hiểu biết này, họ chấp nhận những giá trị của Đức Chúa Trời và hết lòng làm theo ý muốn Ngài.
Dù bạn là độc giả thường xuyên của tạp chí này hay không, tại sao không nhận lời đề nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va nhằm giúp bạn tìm hiểu Kinh Thánh để xem xét những giá trị thiêng liêng của sách này. Khi làm như vậy, bạn sẽ có thể “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao” và đạt được sự hiểu biết, khi thực hành, dẫn đến sự sống đời đời.—Thi-thiên 34:8; Giăng 17:3.
[Hình nơi trang 5]
Bốn thế hệ của một gia đình Nhân Chứng Giê-hô-va ở Pháp
[Hình nơi trang 7]
Bà Ru-tơ đã chọn thờ phượng Đức Giê-hô-va thay vì các thần của tổ tiên bà