Hỡi các bạn trẻ, Đức Giê-hô-va sẽ không quên công việc của các bạn!
“Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”.—HÊ-BƠ-RƠ 6:10.
1. Sách Hê-bơ-rơ và Ma-la-chi trong Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va quý trọng việc phụng sự của bạn ra sao?
ĐÃ BAO GIỜ bạn làm điều tốt cho một người bạn, mà sau đó không hề nhận được một lời cám ơn nào không? Tình cảm có thể bị tổn thương nặng nề khi một hành động hào hiệp lại bị xem là thường tình hay tệ hơn nữa, hoàn toàn bị lãng quên. Nhưng việc hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va hoàn toàn khác! Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”. (Hê-bơ-rơ 6:10) Hãy nghĩ đến ý nghĩa của câu này. Đức Giê-hô-va xem đó là một sự không công bình, hay tội lỗi, nếu Ngài quên những gì bạn đã làm và hiện tiếp tục làm để phụng sự Ngài. Ngài thật là Đức Chúa Trời đầy ân nghĩa!—Ma-la-chi 3:10.
2. Vì sao phụng sự Đức Giê-hô-va quả là một đặc ân?
2 Bạn có đặc ân thờ phượng và phụng sự Đức Chúa Trời đầy ân nghĩa này. So với tổng số khoảng sáu tỉ dân trên thế giới, chỉ có sáu triệu người có cùng đức tin như bạn chứng tỏ đây quả là một đặc ân hiếm hoi. Hơn nữa, việc bạn lắng nghe và hưởng ứng tin mừng cũng là bằng chứng cho thấy chính Đức Giê-hô-va lưu tâm đến bạn. Thật thế, Chúa Giê-su nói: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”. (Giăng 6:44) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va giúp từng người trong chúng ta hưởng lợi ích từ sự hy sinh của Đấng Christ.
Biết ơn về đặc ân lớn của bạn
3. Các con trai của Cô-rê đã bày tỏ lòng biết ơn về đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va như thế nào?
3 Như đã thảo luận trong bài trước, bạn có vị thế đặc biệt để làm Đức Giê-hô-va vui lòng. (Châm-ngôn 27:11) Đây là điều bạn không nên xem thường bao giờ. Các con trai của Cô-rê đã bày tỏ lòng biết ơn về đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va qua một bài Thi-thiên được soi dẫn như sau: “Một ngày trong hành-lang Chúa đáng hơn một ngàn ngày khác. Thà tôi làm kẻ giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời tôi, hơn là ở trong trại kẻ dữ”.—Thi-thiên 84:10.
4. (a) Điều gì có thể khiến một số người xem việc thờ phượng Đức Giê-hô-va là gò bó? (b) Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài rất nhiệt thành lưu tâm và ban thưởng cho tôi tớ Ngài như thế nào?
4 Đó có phải là cảm nghĩ của bạn về đặc ân phụng sự Cha trên trời không? Việc thờ phượng Đức Giê-hô-va đôi khi có vẻ như giới hạn sự tự do của bạn. Và đành rằng sống theo các nguyên tắc Kinh Thánh đòi hỏi phần nào sự hy sinh, nhưng cuối cùng mọi đòi hỏi của Đức Giê-hô-va đều mang lại lợi ích cho bạn. (Thi-thiên 1:1-3) Ngoài ra, Đức Giê-hô-va nhìn thấy những nỗ lực của bạn và bày tỏ lòng quý trọng đối với sự trung thành của bạn. Thật thế, Phao-lô viết rằng Đức Giê-hô-va là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Đức Giê-hô-va tìm cơ hội để làm điều đó. Một nhà tiên tri công bình trong nước Y-sơ-ra-ên xưa nói: “Con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”.—2 Sử-ký 16:9.
5. (a) Một trong những cách tốt nhất để chứng tỏ bạn có lòng trọn thành đối với Đức Giê-hô-va là gì? (b) Tại sao nói với người khác về tín ngưỡng của bạn là việc có vẻ khó khăn?
5 Một trong những cách tốt nhất để chứng tỏ bạn có lòng trọn thành đối với Đức Giê-hô-va là nói với người khác về Ngài. Bạn có dịp nói với một số bạn bè cùng trường về tín ngưỡng của bạn chưa? Lúc đầu, bạn có thể thấy ái ngại, và chỉ nghĩ đến việc đó thôi cũng đủ làm bạn sợ. Bạn có lẽ tự hỏi: ‘Lỡ chúng cười mình thì sao? Hay chúng nghĩ mình theo một cái đạo quái dị thì sao?’ Chúa Giê-su thừa nhận không phải ai cũng sẽ lắng nghe thông điệp Nước Trời. (Giăng 15:20) Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn luôn phải chịu sự chế giễu và ruồng bỏ. Trái lại, nhiều Nhân Chứng trẻ đã tìm được những người lắng nghe và thậm chí còn được bạn bè tôn trọng hơn khi họ can đảm sống theo niềm tin của mình.
“Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn”
6, 7. (a) Làm thế nào một chị 17 tuổi đã có thể làm chứng cho bạn học? (b) Bạn học được gì từ kinh nghiệm của Jennifer?
6 Nhưng làm thế nào để có đủ can đảm nói lên tín ngưỡng của mình? Sao không quyết tâm tỏ ra thành thật và thẳng thắn khi có người hỏi về đạo của bạn? Hãy xem kinh nghiệm của Jennifer, 17 tuổi. Chị kể: “Lúc đó là giờ ăn trưa ở trường. Tình cờ các cô gái cùng bàn với tôi thảo luận về tôn giáo, và một cô hỏi tôi theo đạo gì”. Jennifer có hồi hộp khi trả lời không? Chị thú nhận: “Có, bởi vì tôi không biết họ sẽ phản ứng thế nào”. Vậy chị đã làm gì? Chị nói tiếp: “Tôi cho họ biết tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va. Lúc đầu họ có vẻ ngạc nhiên. Trước đó, hẳn họ nghĩ Nhân Chứng Giê-hô-va là những người lập dị. Vì thế, họ đặt rất nhiều câu hỏi và tôi đã có cơ hội làm sáng tỏ một số quan niệm sai lầm của họ. Thậm chí sau hôm đó, thỉnh thoảng vẫn có bạn đến hỏi thêm”.
7 Jennifer có tiếc vì đã nắm cơ hội nói lên tín ngưỡng của mình không? Hoàn toàn không! Chị nói: “Sau bữa trưa hôm đó, tôi cảm thấy rất hài lòng về việc đó. Bây giờ các bạn ấy đã hiểu rõ hơn về Nhân Chứng Giê-hô-va”. Lời khuyên của Jennifer rất đơn giản: “Nếu bạn cảm thấy khó làm chứng cho bạn học hoặc thầy cô, hãy cầu nguyện ngắn gọn. Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn. Bạn sẽ thấy vui mừng khi nắm cơ hội để làm chứng”.—1 Phi-e-rơ 3:15.
8. (a) Việc cầu nguyện đã giúp Nê-hê-mi thế nào khi ông gặp một tình huống bất ngờ? (b) Bạn có thể cần cầu nguyện thầm và ngắn gọn trước một số tình huống nào ở trường?
8 Hãy lưu ý, Jennifer khuyên nên “cầu nguyện ngắn gọn” với Đức Giê-hô-va khi có cơ hội làm chứng về đức tin. Đó chính là điều Nê-hê-mi, người dâng rượu cho Vua Ạt-ta-xét-xe của Phe-rơ-sơ, đã làm khi ông gặp một tình huống bất ngờ. Lúc đó, Nê-hê-mi đang buồn rầu vì mới được báo tin về tình trạng khốn khổ của người Do Thái, và hay rằng cổng và tường thành Giê-ru-sa-lem vẫn hư nát. Nhận thấy vẻ lo buồn của Nê-hê-mi, vua bèn hỏi ông có chuyện gì. Trước khi trả lời, Nê-hê-mi cầu xin Đức Giê-hô-va ban sự hướng dẫn, rồi dạn dĩ xin được trở về Giê-ru-sa-lem để giúp xây lại thành phố đổ nát đó. Ạt-ta-xét-xe đã chấp nhận lời thỉnh cầu của ông. (Nê-hê-mi 2:1-8) Bài học ở đây là gì? Nếu cảm thấy ngần ngại khi có cơ hội làm chứng về đức tin, đừng bỏ qua cơ hội cầu nguyện thầm. Phi-e-rơ viết: “Hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho [Đức Giê-hô-va], vì Ngài hay săn-sóc anh em”.—1 Phi-e-rơ 5:7; Thi-thiên 55:22.
“Sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ”
9. Làm thế nào em Leah 13 tuổi đã có thể phân phát 23 cuốn Giới trẻ thắc mắc?
9 Hãy xem một kinh nghiệm khác. Leah, 13 tuổi, đang đọc sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thựca vào giờ ăn trưa ở trường. Em kể: “Các bạn khác cứ nhìn em, và chẳng bao lâu cả một đám bu lại sau lưng em để đọc. Các bạn bắt đầu hỏi sách nói về điều gì”. Cho đến cuối buổi học đó, có bốn cô gái đã hỏi xin Leah sách Giới trẻ thắc mắc. Chẳng bao lâu sau, các cô gái này lại giới thiệu sách cho các bạn khác và những người đó cũng muốn có một cuốn. Trong vòng vài tuần, Leah đã phân phát được 23 cuốn Giới trẻ thắc mắc cho bạn cùng trường và các bạn của họ. Lần đầu khi bạn bè hỏi về cuốn sách em đang đọc, Leah có thấy dễ trả lời không? Chắc chắn không! Em thú nhận: “Lúc đầu em cũng lo. Tuy nhiên, em cầu nguyện và biết rằng có Đức Giê-hô-va ở với mình”.
10, 11. Làm thế nào một bé gái Y-sơ-ra-ên đã có thể giúp quan tổng binh Sy-ri biết về Đức Giê-hô-va, và sau đó ông ta đã có những thay đổi nào?
10 Kinh nghiệm của Leah có lẽ khiến bạn nhớ đến một tình huống tương tự mà một bé gái Y-sơ-ra-ên bị bắt làm phu tù sang Sy-ri đã gặp. Na-a-man, quan tổng binh của Sy-ri, là một người bị phung. Có lẽ vợ ông đã khơi mào câu chuyện khiến bé gái này nói lên đức tin của mình. Em nói: “Chớ chi chúa tôi đi đến cùng ông tiên-tri ở Sa-ma-ri! Người sẽ giải-cứu chúa tôi khỏi bịnh phung”.—2 Các Vua 5:1-3.
11 Nhờ sự dạn dĩ của em, Na-a-man đã nhận biết rằng “trên khắp thế-gian chẳng có chúa nào khác hơn Đức Chúa Trời trong Y-sơ-ra-ên”. Ông thậm chí quyết tâm ‘từ rày về sau, chẳng dâng của-lễ thiêu hay là tế-lễ chi cho thần nào khác hơn là Đức Giê-hô-va’. (2 Các Vua 5:15, 17) Đức Giê-hô-va chắc chắn đã ban phước cho sự can đảm của bé gái. Ngài có thể và cũng sẽ làm thế cho các bạn trẻ ngày nay. Leah đã có kinh nghiệm đó. Sau này, một số bạn cùng trường đã đến gặp em và nói rằng sách Giới trẻ thắc mắc đã giúp họ cư xử tốt hơn. Leah nói: “Em rất mừng vì hiểu rằng mình đang giúp người khác biết thêm về Đức Giê-hô-va và thay đổi nếp sống”.
12. Làm thế nào bạn được tiếp sức để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về đức tin của bạn?
12 Bạn cũng có thể có kinh nghiệm như Jennifer và Leah. Hãy làm theo lời khuyên của Phi-e-rơ là với tư cách tín đồ Đấng Christ, bạn nên luôn ‘sẵn-sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông-cậy của bạn, song phải hiền-hòa và kính-sợ’. (1 Phi-e-rơ 3:15) Làm thế nào làm được điều đó? Hãy noi theo cách của các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Họ đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp họ rao giảng “một cách dạn-dĩ”. (Công-vụ 4:29) Sau đó hãy can đảm nói với người khác về đức tin của bạn. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên về kết quả đạt được. Hơn nữa, bạn sẽ làm Đức Giê-hô-va vui lòng.
Băng video và những bài tập đặc biệt
13. Một số bạn trẻ đã tận dụng cơ hội nào để làm chứng? (Xem các khung nơi trang 20 và 21).
13 Nhiều bạn trẻ đã giải thích về tín ngưỡng của mình cho bạn học và thầy cô bằng cách dùng các băng video. Đôi khi những bài tập ở trường cũng mở ra cơ hội để họ ngợi khen Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, hai bạn nam 15 tuổi, đều là Nhân Chứng Giê-hô-va, được giao viết một bài tường trình về một tôn giáo trên thế giới cho tiết học lịch sử thế giới. Hai bạn đã cùng hợp tác để viết một bài về Nhân Chứng Giê-hô-va, dựa trên sách Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời.b Họ cũng phải thuyết trình trước lớp năm phút về bài viết của mình. Sau phần trình bày của họ, thầy giáo và các học sinh khác đặt nhiều câu hỏi đến độ họ đã phải giải thích thêm 20 phút. Trong vài tuần tiếp theo, các bạn cùng lớp vẫn tiếp tục hỏi họ về Nhân Chứng Giê-hô-va!
14, 15. (a) Tại sao sự sợ loài người là một cạm bẫy? (b) Tại sao bạn nên tự tin chia sẻ đức tin với người khác?
14 Như các kinh nghiệm trên cho thấy, nói với người khác về niềm tin của bạn với tư cách là một Nhân Chứng Giê-hô-va có thể mang lại nhiều ân phước lớn. Đừng để sự sợ loài người cướp đi đặc ân và niềm vui của bạn trong việc giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh nói: “Sự sợ loài người gài bẫy; nhưng ai nhờ-cậy Đức Giê-hô-va được yên-ổn vô-sự”.—Châm-ngôn 29:25.
15 Hãy nhớ rằng là một tín đồ Đấng Christ trẻ, bạn có những điều mà bạn bè của bạn rất cần—lối sống tốt nhất ngay bây giờ và lời hứa về sự sống đời đời trong tương lai. (1 Ti-mô-thê 4:8) Điều đáng chú ý là ở Hoa Kỳ, nơi mà có lẽ bạn nghĩ rằng đa số người ta đều lãnh đạm hay có tinh thần thế tục, thì một cuộc thăm dò cho thấy ít nhất có đến phân nửa thanh thiếu niên quan tâm nghiêm túc đến tôn giáo, và một phần ba nói rằng tín ngưỡng là “ảnh hưởng quan trọng nhất” trong đời sống họ. Ở nhiều nơi khác trên thế giới, tình trạng có lẽ cũng tương tự như vậy. Vì thế, rất có thể bạn bè ở trường cũng sẽ sẵn sàng lắng nghe những gì bạn nói về Kinh Thánh.
Hỡi các bạn trẻ, hãy đến gần Đức Giê-hô-va
16. Ngoài việc nói về Ngài, việc làm vui lòng Đức Giê-hô-va còn bao hàm điều gì?
16 Dĩ nhiên, làm Đức Giê-hô-va vui lòng không chỉ bao hàm việc nói về Ngài. Bạn cũng cần sống cho phù hợp với các tiêu chuẩn của Ngài. Sứ đồ Giăng viết: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. (1 Giăng 5:3) Bạn sẽ nhận thấy điều này rất đúng nếu đến gần Đức Giê-hô-va. Làm thế nào thực hiện điều đó?
17. Làm thế nào bạn có thể đến gần Đức Giê-hô-va?
17 Hãy dành thời gian đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Càng học biết về Đức Giê-hô-va, bạn sẽ càng thấy dễ vâng lời Ngài và nói với người khác về Ngài. Chúa Giê-su nói: “Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện... vì do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng nói ra”. (Lu-ca 6:45) Vì thế, hãy làm cho lòng bạn chứa chan những điều thiện. Tại sao không tự đặt ra các mục tiêu về mặt này? Bạn có thể cải thiện việc sửa soạn cho các buổi nhóm họp trong tuần tới. Mục tiêu tiếp theo có thể là tham gia bằng cách nói một lời bình luận ngắn nhưng chân thành. Dĩ nhiên, việc làm theo những điều bạn học cũng rất quan trọng.—Phi-líp 4:9.
18. Dù phải chịu sự chống đối nào đó, bạn có thể tin chắc điều gì?
18 Ân phước của việc phụng sự Đức Giê-hô-va là những ân phước lâu dài—thật thế, vĩnh cửu. Đúng là đôi khi bạn có thể bị chống đối hoặc chế giễu phần nào vì là Nhân Chứng Giê-hô-va. Nhưng hãy nghĩ đến Môi-se. Kinh Thánh nói rằng ông “ngửa trông sự ban-thưởng”. (Hê-bơ-rơ 11:24-26) Bạn cũng có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho những nỗ lực của bạn trong việc học biết và nói về Ngài. Thật vậy, Ngài sẽ không bao giờ ‘bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của bạn đã tỏ ra vì danh Ngài’.—Hê-bơ-rơ 6:10.
[Chú thích]
a Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
b Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, không có bằng tiếng Việt.
Bạn còn nhớ không?
• Tại sao bạn có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va quý trọng việc phụng sự của bạn?
• Một số người đã nhận thấy những phương pháp làm chứng nào ở trường mang lại hiệu quả?
• Làm thế nào bạn được tiếp sức để làm chứng cho bạn học?
• Làm thế nào bạn có thể đến gần Đức Giê-hô-va?
[Khung/Các hình nơi trang 20]
Cả các em nhỏ cũng ngợi khen Đức Giê-hô-va!
Ngay cả các em thiếu nhi cũng đã làm chứng ở trường. Hãy xem những kinh nghiệm sau đây:
Amber, mười tuổi, học lớp năm. Lớp em đang xem một cuốn sách nói về sự hành hung của Quốc Xã đối với người Do Thái trong Thế Chiến II. Amber quyết định đem băng video Purple Triangles (Tam giác tím) cho cô giáo xem. Cô rất ngạc nhiên khi biết Nhân Chứng Giê-hô-va cũng bị ngược đãi dưới chế độ Quốc Xã. Cô đã cho cả lớp xem cuộn băng này.
Lúc tám tuổi, Alexa đã viết thư cho lớp giải thích tại sao em không thể tham gia tiệc mừng Giáng Sinh với các bạn. Em đã gây được ấn tượng tốt đến độ cô giáo đã mời Alexa đọc lớn tiếng bức thư trong lớp em và hai lớp khác nữa! Phần cuối bức thư em viết: “Tôi đã được dạy nên tôn trọng những người có tín ngưỡng khác mình, và tôi cám ơn các bạn tôn trọng quyết định của tôi trong việc không ăn mừng Giáng Sinh”.
Ít lâu sau khi vào lớp một, Eric mang Sách kể chuyện Kinh-thánh vào trường và xin phép cô cho các bạn trong lớp xem. Cô giáo em bèn nói: “Cô có ý này hay hơn. Sao con không đọc một câu chuyện trong đó cho cả lớp cùng nghe?” Eric làm theo. Sau đó, em mời những bạn muốn có sách giơ tay lên. Cả thảy có 18 người, kể cả cô giáo, đã giơ tay! Bây giờ Eric cảm thấy em có một khu vực rao giảng riêng ở trường.
Whitney, chín tuổi, rất biết ơn về sách mỏng Jehovah’s Witnesses and Education (Nhân Chứng Giê-hô-va và sự giáo dục).c Em nói: “Mỗi năm học, mẹ thường tặng sách mỏng này cho các thầy cô của em, nhưng năm nay tự em làm việc đó. Nhờ sách mỏng này, em đã được cô chọn là ‘học sinh xuất sắc trong tuần’ ”.
[Chú thích]
c Tất cả các ấn phẩm được đề cập đều do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Khung/Các hình nơi trang 21]
Một số em đã dùng những trường hợp sau đây để nói về tín ngưỡng mình
Khi được cho bài tập đặc biệt hay bài tường trình, một số em đã chọn một đề tài để có dịp làm chứng
Một số em đưa cho thầy cô cuốn băng video hay ấn phẩm có liên quan đến đề tài đang được thảo luận trong lớp
Một số em đọc Kinh Thánh hay một ấn phẩm giải thích Kinh Thánh trong giờ chơi, và những bạn khác thấy đã đến hỏi
[Hình nơi trang 18]
Những người có kinh nghiệm có thể giúp huấn luyện các bạn trẻ phụng sự Đức Giê-hô-va