Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Dân-số Ký
SAU KHI xuất hành khỏi Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên được tổ chức thành một nước. Không lâu sau đó, họ đã có thể vào Đất Hứa nhưng không được vào. Thay vì thế, họ đã phải lang thang khoảng bốn thập niên trong “đồng vắng mênh-mông gớm-ghiếc”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:15) Tại sao thế? Lời tường thuật lịch sử trong sách Dân-số Ký cho chúng ta biết chuyện gì xảy ra. Lời này hẳn khắc vào lòng chúng ta ý thức cần phải vâng lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời và kính trọng những người đại diện Ngài.
Sách Dân-số Ký do Môi-se viết trong đồng vắng và tại đồng bằng Mô-áp; sách này tường thuật về khoảng thời gian 38 năm và 9 tháng—từ năm 1512 TCN đến 1473 TCN. (Dân-số Ký 1:1; Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:3) Tên sách này bắt nguồn từ hai cuộc kiểm tra dân số Y-sơ-ra-ên, được thực hiện cách nhau khoảng 38 năm. (Chương 1-4, 26) Lời tường thuật được chia thành ba phần. Phần thứ nhất thuật lại những sự kiện xảy ra ở Núi Si-na-i. Phần thứ hai kể lại thời gian dân Y-sơ-ra-ên lang thang trong đồng vắng. Và phần cuối là những sự kiện ở đồng bằng Mô-áp. Khi đọc lời tường thuật này, bạn có thể tự hỏi: ‘Những sự kiện này dạy tôi điều gì? Sách này có các nguyên tắc có thể giúp ích cho tôi ngày nay không?’
TẠI NÚI SI-NA-I
Cuộc kiểm tra dân số thứ nhất diễn ra trong lúc dân Y-sơ-ra-ên còn ở dưới chân Núi Si-na-i. Tổng số người nam 20 tuổi trở lên, trừ người Lê-vi, là 603.550 người. Cuộc kiểm tra này hiển nhiên được thực hiện nhằm mục tiêu quân sự. Toàn thể trại, kể cả phụ nữ, trẻ em và người Lê-vi, có thể lên đến hơn ba triệu người.
Theo sau cuộc kiểm tra dân số, dân Y-sơ-ra-ên nhận được chỉ thị về thứ tự của sự đóng trại, chi tiết về nhiệm vụ của người Lê-vi và công việc đền tạm, mệnh lệnh về thời gian kiểm dịch, và luật về sự ghen tương, và lời hứa nguyện của người Na-xi-rê. Chương 7 ghi lại chi tiết về lễ vật của các chi phái trưởng liên quan đến sự khánh thành bàn thờ, và chương 9 nói về việc giữ Lễ Vượt Qua. Hội chúng cũng được ban chỉ thị về việc dựng và hạ trại.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
2:1, 2—Trong đồng vắng, “ngọn cờ” mà những phân khu gồm ba chi phái đóng trại chung quanh là gì? Kinh Thánh không miêu tả cho biết những ngọn cờ này là gì. Tuy nhiên, chúng không được xem là những biểu tượng thánh hay có ý nghĩa tôn giáo. Ngọn cờ được dùng vào mục đích thực tiễn, đó là giúp người ta tìm được chỗ của mình trong trại.
5:27—‘Hông người vợ phạm tội ngoại tình bị ốm lòi’ có nghĩa gì? Từ “hông” được dùng ở đây biểu thị cơ quan sinh sản. (Sáng-thế Ký 46:26, Nguyễn Thế Thuấn) Hông bị “ốm lòi” ám chỉ sự thoái hóa của các cơ quan này, vì thế sự thụ thai không thể xảy ra.
Bài học cho chúng ta:
6:1-7. Người Na-xi-rê phải kiêng cữ rượu và vật uống say, đòi hỏi phải hạn chế mình. Họ phải để tóc mọc dài—dấu hiệu cho thấy sự phục tùng đối với Đức Giê-hô-va, cũng như phụ nữ phải phục tùng chồng hoặc cha mình. Người Na-xi-rê phải giữ mình sạch sẽ bằng cách không đụng đến xác chết, dù đó là người thân. Các tôi tớ phụng sự trọn thời gian ngày nay biểu lộ tinh thần hy sinh trong việc hạn chế mình và phục tùng Đức Giê-hô-va cùng sự sắp đặt của Ngài. Một số nhiệm vụ có thể đòi hỏi phải đi đến một xứ xa xôi, khiến cho việc trở về nhà dự tang lễ của một người thân trong gia đình là điều khó khăn hoặc không thể thực hiện được.
8:25, 26. Để bổ nhiệm đúng người vào chức vụ thầy Lê-vi, đồng thời vì quan tâm đến tuổi tác của họ, những người lớn tuổi được lệnh phải nghỉ việc. Tuy nhiên, họ có thể tình nguyện trợ giúp những người Lê-vi khác. Mặc dù ngày nay người công bố Nước Trời không bao giờ nghỉ làm thánh chức, nguyên tắc của luật này dạy chúng ta một bài học quý giá. Nếu vì tuổi già, một tín đồ Đấng Christ không thể thực hiện nghĩa vụ nào đó, thì người ấy có thể tham gia vào công việc phụng sự nào mình có thể làm được.
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG TRONG ĐỒNG VẮNG
Cuối cùng khi trụ mây trên đền tạm cất lên thì dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu một hành trình kéo dài 38 năm và một hay hai tháng sau để đưa họ đến đồng bằng Mô-áp. Có lẽ bạn sẽ thấy hữu ích khi xem xét lộ trình của họ trên bản đồ nơi trang 9 của sách ‘Hãy xem xứ tốt-tươi’, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
Trên đường đến Ca-đe, trong đồng vắng Pha-ran, có ít nhất ba vụ lằm bằm. Vụ đầu tiên bị dập tắt khi Đức Giê-hô-va giáng lửa thiêu hủy một số người. Sau đó dân Y-sơ-ra-ên khóc lóc đòi được ăn thịt, và Đức Giê-hô-va cung cấp chim cút. Việc Mi-ri-am và A-rôn lằm bằm chống lại Môi-se khiến cho Mi-ri-am bị bệnh phung một thời gian.
Trong lúc đóng trại ở Ca-đe, Môi-se sai 12 người đến do thám Đất Hứa. Bốn mươi ngày sau, họ trở về. Tin vào lời báo cáo tiêu cực của mười người do thám, dân sự muốn ném đá Môi-se, A-rôn, và hai người do thám trung thành là Giô-suê và Ca-lép. Đức Giê-hô-va tỏ ý muốn hành phạt dân sự bằng dịch lệ, nhưng Môi-se cầu xin cho dân sự, và Đức Chúa Trời tuyên bố họ sẽ phải lang thang trong đồng vắng 40 năm—cho đến khi những người đã được đếm trong cuộc kiểm tra lần đầu không ai còn sống.
Đức Giê-hô-va ban thêm những luật lệ. Cô-rê và những người khác phản loạn chống lại Môi-se và A-rôn, nhưng những kẻ phản loạn này bị thiêu hủy và bị đất nuốt chửng. Ngày hôm sau toàn thể hội chúng lằm bằm nghịch lại Môi-se và A-rôn. Hậu quả là 14.700 người chết trong tai vạ bởi Đức Giê-hô-va. Để cho thấy rõ người nào Ngài chọn vào chức tế lễ, Đức Chúa Trời làm cho gậy của A-rôn trổ hoa. Sau đó Đức Giê-hô-va ban thêm luật lệ về nhiệm vụ của người Lê-vi và sự tẩy uế của dân sự. Việc dùng tro bò cái tơ là hình bóng cho sự tẩy uế qua sự hy sinh của Chúa Giê-su.—Hê-bơ-rơ 9:13, 14.
Con cái Y-sơ-ra-ên trở về Ca-đe, nơi Mi-ri-am qua đời. Hội chúng lại lằm bằm nghịch cùng Môi-se và A-rôn. Vì lý do gì? Vì thiếu nước. Bởi không tôn thánh danh Đức Giê-hô-va khi cung cấp nước bằng phép lạ, Môi-se và A-rôn mất đặc ân được vào Đất Hứa. Dân Y-sơ-ra-ên rời Ca-đe, và A-rôn qua đời ở Núi Hô-rơ. Trong lúc đi vòng qua xứ Ê-đôm, dân Y-sơ-ra-ên mỏi mệt nên oán trách Đức Chúa Trời và Môi-se. Đức Giê-hô-va cho rắn độc đến hành phạt họ. Một lần nữa Môi-se cầu xin cho dân, và Đức Chúa Trời bảo ông làm một con rắn bằng đồng rồi treo trên một cây sào hầu cho ai bị cắn nhìn nó thì được chữa lành. Con rắn là hình bóng cho việc Chúa Giê-su Christ bị đóng đinh vì lợi ích đời đời của chúng ta. (Giăng 3:14, 15) Dân Y-sơ-ra-ên đánh bại hai Vua A-mô-rít là Si-hôn và Óc rồi chiếm hữu xứ của họ.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
12:1—Tại sao Mi-ri-am và A-rôn đã lằm bằm nghịch lại Môi-se? Lý do thật sự tại sao họ lằm bằm dường như là vì Mi-ri-am muốn có nhiều quyền thế hơn. Khi Sê-phô-ra, vợ của Môi-se, tái hợp với ông nơi đồng vắng, Mi-ri-am có thể đã sợ mình sẽ không còn được xem là người đàn bà trội nhất trong trại.—Xuất Ê-díp-tô Ký 18:1-5.
12:9-11—Tại sao chỉ một mình Mi-ri-am bị bệnh phung? Rất có thể bà là người chủ mưu trong vụ lằm bằm và đã thuyết phục A-rôn theo phe mình. A-rôn bày tỏ thái độ đúng đắn khi thú nhận hành động sai trái của mình.
21:14, 15—Sách được đề cập đến ở đây là sách gì? Kinh Thánh nói đến nhiều sách mà những người viết Kinh Thánh dùng làm tài liệu gốc. (Giô-suê 10:12, 13; 1 Các Vua 11:41; 14:19, 29) “Sách chiến-trận của Đức Giê-hô-va” là một trong những sách đó. Sách này tường thuật về lịch sử các cuộc chiến của dân Đức Giê-hô-va.
Bài học cho chúng ta:
11:27-29. Môi-se nêu một gương xuất sắc về cách chúng ta nên phản ứng khi người khác nhận được đặc ân trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va. Thay vì ganh tị tìm kiếm vinh dự cho mình, Môi-se vui mừng khi Ên-đát và Mê-đát bắt đầu nói tiên tri.
12:2, 9, 10; 16:1-3, 12-14, 31-35, 41, 46-50. Đức Giê-hô-va đòi hỏi những người thờ phượng Ngài phải biểu lộ lòng kính trọng đối với uy quyền đến từ Ngài.
14:24. Một yếu tố giúp cưỡng lại áp lực thế gian thúc bách ta làm điều sai trái, đó là vun trồng một thái độ “không đồng lòng”, khác hẳn thế gian.
15:37-41. Tua đặc biệt nơi tà áo người Y-sơ-ra-ên nhằm nhắc nhở rằng họ là một dân được tách biệt để thờ phượng Đức Chúa Trời và vâng theo mệnh lệnh của Ngài. Chẳng phải chúng ta cũng cần sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và dễ được nhận thấy là khác biệt với thế gian hay sao?
TRONG ĐỒNG BẰNG MÔ-ÁP
Khi con cái Y-sơ-ra-ên đóng trại trong đồng bằng Mô-áp, dân Mô-áp lấy làm kinh hãi phải đối đầu với họ. Vì thế Vua Ba-lác của Mô-áp mướn Ba-la-am để rủa sả dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng Đức Giê-hô-va buộc Ba-la-am phải chúc phước cho họ. Thế rồi phụ nữ Mô-áp và Ma-đi-an được dùng để dụ dỗ đàn ông Y-sơ-ra-ên phạm tội tà dâm và thờ hình tượng. Hậu quả là Đức Giê-hô-va hủy diệt 24.000 kẻ phạm tội. Tai vạ này cuối cùng chấm dứt khi Phi-nê-a cho thấy rõ ông không dung túng sự kình địch đối với Đức Giê-hô-va.
Cuộc kiểm tra dân số thứ hai cho thấy rằng không ai trong số những người đã được đếm trong cuộc kiểm tra đầu còn sống, trừ Giô-suê và Ca-lép. Giô-suê được chính thức bổ nhiệm làm người kế vị Môi-se. Dân Y-sơ-ra-ên nhận được chỉ thị về việc dâng các của lễ và về sự hứa nguyện. Dân Y-sơ-ra-ên cũng báo thù dân Ma-đi-an. Chi phái Ru-bên, Gát, và nửa chi phái Ma-na-se nhận sản nghiệp ở phía đông Sông Giô-đanh. Dân Y-sơ-ra-ên được ban cho chỉ thị về việc băng qua Sông Giô-đanh và chiếm hữu xứ đó. Chi tiết về các biên giới của xứ được định rõ. Sản nghiệp được quyết định bằng cách bắt thăm. Người Lê-vi được nhường cho 48 thành, và 6 trong số đó được dùng làm thành ẩn náu.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
22:20-22—Tại sao cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi phừng lên với Ba-la-am? Đức Giê-hô-va đã bảo nhà tiên tri Ba-la-am chớ rủa sả dân Y-sơ-ra-ên. (Dân-số Ký 22:12) Tuy nhiên, nhà tiên tri này đi cùng người của Ba-lác với chủ ý rủa sả dân Y-sơ-ra-ên. Ba-la-am muốn làm đẹp lòng vua Mô-áp và để được ban thưởng. (2 Phi-e-rơ 2:15, 16; Giu-đe 11) Ngay cả khi bị ép buộc phải chúc phước thay vì rủa sả dân Y-sơ-ra-ên, Ba-la-am vẫn cố tìm cầu thiện cảm của vua bằng cách đề nghị dùng các phụ nữ chuyên thờ Ba-anh để dụ dỗ đàn ông Y-sơ-ra-ên. (Dân-số Ký 31:15, 16) Vì thế, cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời nổi phừng lên với Ba-la-am vì tính tham lam vô liêm sỉ của nhà tiên tri này.
30:6-8—Một người nam tín đồ Đấng Christ có thể hủy bỏ lời hứa nguyện của vợ mình không? Về vấn đề hứa nguyện, ngày nay Đức Giê-hô-va xử lý riêng với mỗi người thờ phượng Ngài. Thí dụ, dâng mình cho Đức Giê-hô-va là sự hứa nguyện riêng của mỗi người. (Ga-la-ti 6:5) Người chồng không có quyền hủy bỏ lời hứa nguyện như thế. Tuy vậy, người vợ nên tránh hứa nguyện điều gì trái ngược với Lời Đức Chúa Trời hoặc bổn phận đối với chồng.
Bài học cho chúng ta:
25:11. Phi-nê-a nêu một gương thật xuất sắc cho chúng ta về lòng sốt sắng trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va! Chẳng phải lòng mong muốn giữ hội thánh trong sạch nên thôi thúc chúng ta báo cáo cho các trưởng lão biết về bất cứ sự vô luân hiển nhiên nào hay sao?
35:9-29. Sự kiện một kẻ giết người phải rời nhà và chạy trốn đến thành ẩn náu một thời gian dạy chúng ta rằng sinh mạng là thánh và chúng ta phải tôn trọng nó.
35:33. Huyết của người vô tội làm đất ô uế và điều duy nhất có thể chuộc tội cho đất là huyết của kẻ làm đổ máu. Sự kiện Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt kẻ ác trước khi trái đất được biến đổi thành địa đàng quả là điều rất thích hợp!—Châm-ngôn 2:21, 22; Đa-ni-ên 2:44.
Lời Đức Chúa Trời linh nghiệm
Chúng ta phải tỏ lòng kính trọng đối với Đức Giê-hô-va và những người được bổ nhiệm để đảm trách công việc trong vòng dân tộc Ngài. Sách Dân-số Ký cho thấy rất rõ sự thật này. Quả là bài học quan trọng về việc duy trì bình an và sự hợp nhất trong hội thánh ngày nay!
Những sự kiện thuật lại trong Dân-số Ký cho thấy rằng những ai sao lãng điều thiêng liêng có thể dễ dàng phạm phải hành động sai trái, như lằm bằm, sự vô luân và thờ hình tượng. Một số gương và bài học rút ra từ sách này có thể dùng làm cơ sở cho phần nhu cầu địa phương trong Buổi Họp Công Tác tại hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Quả thật, “lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm” trong đời sống chúng ta.—Hê-bơ-rơ 4:12.
[Hình nơi trang 24, 25]
Qua trụ mây thần diệu trên đền tạm, Đức Giê-hô-va hướng dẫn việc dựng và hạ trại của dân Y-sơ-ra-ên
[Các hình nơi trang 26]
Đức Giê-hô-va đáng cho chúng ta vâng lời và Ngài đòi hỏi chúng ta phải kính trọng người đại diện Ngài