Ha-ma-ghê-đôn—Một sự khởi đầu tốt đẹp
TỪ “Ha-ma-ghê-đôn” bắt nguồn từ tiếng Hê-bơ-rơ là “Har–Magedon”, hay “Núi Mê-ghi-đô”. Từ này được ghi nơi Khải-huyền 16:16: “Chúng nhóm các vua lại một chỗ, theo tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ha-ma-ghê-đôn”. Những người nào sẽ nhóm lại tại Ha-ma-ghê-đôn, và vì sao? Hai câu trước đó, nơi Khải-huyền 16:14 ghi: “Các vua trên khắp thế-gian” được nhóm lại để “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”. Hẳn là câu Kinh Thánh này gợi lên những câu hỏi đáng chú ý. “Các vua” này sẽ tranh chiến tại đâu? Họ giao chiến với ai và vì lý do gì? Họ sẽ dùng những vũ khí giết người hàng loạt như nhiều người nghĩ không? Có ai được sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn không? Hãy để Kinh Thánh trả lời.
Vì Kinh Thánh đề cập đến “Núi Mê-ghi-đô”, vậy có phải là trận chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ diễn ra trên một ngọn núi nào đó ở Trung Đông không? Không, vì không có ngọn núi nào như thế cả—tại địa điểm Mê-ghi-đô xưa, nay chỉ là một cái gò cao khoảng 20 mét nằm kế bên thung lũng. Ngoài ra, khu vực chung quanh Mê-ghi-đô không đủ chỗ cho tất cả “các vua thế-gian cùng những quân-đội mình” nhóm lại. (Khải-huyền 19:19) Tuy nhiên, Mê-ghi-đô từng là trận địa của những cuộc chiến vô cùng khốc liệt và có tính cách quyết định nhất trong lịch sử vùng Trung Đông. Vì thế, từ Ha-ma-ghê-đôn tượng trưng cho một cuộc xung đột có tính cách quyết định, duy nhất chỉ có một bên chiến thắng.—Xin xem khung “Mê-ghi-đô—Một biểu tượng thích hợp” nơi trang 5.
Ha-ma-ghê-đôn không thể nào chỉ là một cuộc đụng độ giữa các nước trên đất vì Khải-huyền 16:14 nói rằng “các vua trên khắp thế-gian” hợp lại để “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”. Qua lời tiên tri được soi dẫn, Giê-rê-mi nói rằng “thây của những kẻ mà Đức Giê-hô-va đã giết trong ngày đó, sẽ đầy trên đất từ đầu nầy đến đầu kia”. (Giê-rê-mi 25:33) Vì thế, Ha-ma-ghê-đôn không phải là một cuộc chiến của con người, xảy ra tại một nơi nào đó ở Trung Đông, nhưng là cuộc chiến của Đức Giê-hô-va và có tính cách toàn cầu.
Tuy nhiên, hãy chú ý là Khải-huyền 16:16 gọi Ha-ma-ghê-đôn là một “chỗ”. Trong Kinh Thánh “chỗ” có thể ám chỉ là một tình thế—và trong trường hợp này, đó là tình thế khi mà cả thế giới liên kết chống lại Đức Giê-hô-va. (Khải huyền 12:6, 14) Tại Ha-ma-ghê-đôn tất cả các nước liên minh với nhau chống lại “các đạo binh trên trời”, dưới quyền chỉ huy của Chúa Giê-su Christ là “Vua của các vua và Chúa của các chúa”.—Khải-huyền 19:14, 16.
Nói sao về lời tuyên bố cho rằng Ha-ma-ghê-đôn sẽ là một cuộc tàn sát bằng những vũ khí giết người hàng loạt hay là thiên thạch đâm vào trái đất? Đức Chúa Trời yêu thương có thể nào để cho một tai họa khủng khiếp tận diệt nhân loại và trái đất là nơi họ ở không? Không. Ngài nói rõ rằng Ngài tạo ra trái đất “chẳng phải dựng nên là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở”. (Ê-sai 45:18; Thi-thiên 96:10) Tại Ha-ma-ghê-đôn, Đức Giê-hô-va sẽ không hủy phá trái đất bằng cách thiêu đốt nó, nhưng Ngài sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian”.—Khải-huyền 11:18.
Ha-ma-ghê-đôn—Khi nào?
Trải qua nhiều thế kỷ, một câu hỏi cấp thiết đã gây ra vô số sự suy đoán, đó là: ‘Khi nào Ha-ma-ghê-đôn sẽ đến?’ Xem xét sách Khải-huyền dựa theo những phần khác của Kinh Thánh có thể giúp chúng ta xác định thời điểm của cuộc chiến vô cùng quan trọng này. Khải-huyền 16:15 liên kết Ha-ma-ghê-đôn với việc Chúa Giê-su đến như kẻ trộm. Từ tượng hình đó cũng được Chúa Giê-su dùng để miêu tả việc ngài đến nhằm phán xét hệ thống này.—Ma-thi-ơ 24:43, 44; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:2.
Như sự ứng nghiệm của các lời tiên tri trong Kinh Thánh cho thấy, kể từ năm 1914 trở đi chúng ta đang sống trong thời kỳ sau rốt.a Đánh dấu phần cuối của thời kỳ sau rốt sẽ là giai đoạn mà Chúa Giê-su gọi là “hoạn-nạn lớn”. Kinh Thánh không nói giai đoạn đó dài bao lâu, nhưng tai họa liên quan đến ngày đó sẽ thảm khốc hơn bất kỳ một tai họa nào mà nhân loại từng chứng kiến. Hoạn nạn lớn đó sẽ lên đến cực điểm tại Ha-ma-ghê-đôn.—Ma-thi-ơ 24:21, 29.
Bởi Ha-ma-ghê-đôn là “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng” nên loài người không thể nào trì hoãn nó được. Đức Giê-hô-va đã chọn “kỳ nhứt-định” để bắt đầu cuộc chiến đó. Ngày đó sẽ đến “không chậm-trễ”.—Ha-ba-cúc 2:3.
Đức Chúa Trời chính trực dấy lên một cuộc chiến công bình
Tuy nhiên, vì sao Đức Chúa Trời lại gây ra một cuộc chiến toàn cầu? Ha-ma-ghê-đôn có liên hệ chặt chẽ đến một đức tính của Ngài, đó là công bình. Kinh Thánh tuyên bố: “Đức Giê-hô-va chuộng sự công-bình”. (Thi-thiên 37:28) Ngài thấy tất cả mọi hành động bất công xảy ra trong lịch sử loài người. Điều này là lý do chính đáng khiến Ngài buồn lòng. Vì thế Ngài giao cho Con Ngài nhiệm vụ dấy lên một trận chiến công bình nhằm hủy diệt toàn thể hệ thống gian ác này.
Chỉ có Đức Giê-hô-va mới đủ khả năng dấy lên một cuộc chiến thật sự công bình và chỉ nhắm vào những người đáng bị diệt, trong khi những người ngay thẳng dù sống nơi nào trên đất cũng sẽ được che chở. (Ma-thi-ơ 24:40, 41; Khải-huyền 7:9, 10, 13, 14) Và chỉ một mình Ngài mới có quyền cai trị toàn thể trái đất do chính Ngài tạo dựng nên.—Khải-huyền 4:11.
Đức Giê-hô-va sẽ dùng phương tiện nào để đánh những kẻ thù của Ngài? Chúng ta không được biết. Điều mà chúng ta biết được là Ngài có đủ phương tiện để phá hủy toàn diện những nước gian ác xấu xa. (Gióp 38:22, 23; Sô-phô-ni 1:15-18) Tuy nhiên, những người thờ phượng Đức Chúa Trời ở trên đất sẽ không tham gia vào trận chiến này. Sự hiện thấy ghi trong Khải-huyền chương 19 cho thấy chỉ có các đạo binh trên trời mới cùng Chúa Giê-su tham chiến. Không một tôi tớ nào trên đất của Đức Giê-hô-va sẽ tham chiến.—2 Sử-ký 20:15, 17.
Đức Chúa Trời khôn ngoan cho nhiều cảnh báo
Nói sao về những người sống sót? Đúng là không ai buộc phải chết tại Ha-ma-ghê-đôn. Sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Chúa... không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”. (2 Phi-e-rơ 3:9) Và sứ đồ Phao-lô cũng nói rằng Đức Chúa Trời “muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết lẽ thật”.— 1 Ti-mô-thê 2:4.
Nhằm mục đích đó, Đức Giê-hô-va khiến cho “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” được giảng ra khắp đất, bằng hàng trăm thứ tiếng. Người ta ở khắp nơi có cơ hội để chọn sự sống và được cứu rỗi. (Ma-thi-ơ 24:14; Thi-thiên 37:34; Phi-líp 2:12) Những ai hưởng ứng tin mừng có thể sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn và được sống đời đời trong tình trạng hoàn toàn trong địa đàng. (Ê-xê-chi-ên 18:23, 32; Sô-phô-ni 2:3; Rô-ma 10:13) Đó chẳng phải là điều mà chúng ta trông mong một Đức Chúa Trời yêu thương sẽ làm hay sao?—1 Giăng 4:8.
Một Đức Chúa Trời yêu thương có thể nào tranh chiến không?
Tuy nhiên có nhiều người thắc mắc: ‘Tại sao một Đức Chúa Trời là hiện thân của tình yêu thương lại hủy diệt và gây ra chết chóc cho nhiều người như thế?’ Trường hợp này có thể so sánh với một căn nhà đầy chuột. Chẳng phải bạn đồng ý rằng người chủ nhà quan tâm thì sẽ diệt chuột để bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình sao?
Tương tự thế, vì Đức Giê-hô-va có lòng yêu thương sâu xa đối với nhân loại nên Ngài phải ra tay trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Ý định của Đức Chúa Trời là làm cho trái đất thành một địa đàng và đưa con người đạt đến sự hoàn toàn, sống trong bình an, “không ai làm cho lo-sợ”. (Mi-chê 4:3, 4; Khải-huyền 21:4) Vậy thì cần phải xử lý ra sao đối với những người đe dọa cho sự bình an và yên ổn của người khác? Vì lợi ích của những người công bình, Đức Chúa Trời cần phải loại trừ “loài chuột” như thế, tức những người ác không chịu thay đổi.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:8, 9; Khải-huyền 21:8.
Ngày nay sự cai trị của con người bất toàn và sự đấu tranh ích kỷ vì quyền lợi quốc gia đã gây ra nhiều cuộc xung đột và đổ máu. (Truyền-đạo 8:9) Tìm cách nới rộng thế lực, những chính phủ của con người hoàn toàn không màng gì đến Nước mà Đức Chúa Trời đã thành lập. Không có gì cho thấy họ sẽ giao quyền cai trị cho Đức Chúa Trời và Đấng Christ. (Thi-thiên 2:1-9) Do đó, cần phải dẹp bỏ những chính phủ như thế để mở đường cho sự cai trị công bình của Nước Trời do Đấng Christ lãnh đạo. (Đa-ni-ên 2:44) Ha-ma-ghê-đôn phải xảy ra để giải quyết vĩnh viễn vấn đề ai có quyền cai trị trái đất và nhân loại sống trên đất.
Đức Giê-hô-va tích cực can thiệp vào cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn là vì lợi ích của nhân loại. Trước tình hình thế giới ngày càng tệ hại, chỉ có sự cai trị hoàn hảo của Đức Chúa Trời mới đáp ứng được mọi nhu cầu của nhân loại. Chỉ có Nước của Ngài mới đem lại được nền hòa bình thật và sự thịnh vượng. Tình trạng thế giới sẽ như thế nào nếu Đức Chúa Trời không bao giờ ra tay hành động? Chẳng phải là dưới sự cai trị của con người, thù hằn, bạo động và chiến tranh sẽ tiếp tục gây đau khổ cho nhân loại như bao thế kỷ qua? Cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn thật ra là điều có lợi nhất cho loài người!—Lu-ca 18:7, 8; 2 Phi-e-rơ 3:13.
Một cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến
Ha-ma-ghê-đôn sẽ thực hiện điều mà không một cuộc chiến nào thực hiện được, đó là chấm dứt mọi cuộc chiến. Ai lại không mong tới ngày mà chiến tranh chỉ còn là chuyện của quá khứ? Tuy nhiên, chấm dứt chiến tranh là điều vượt quá khả năng của con người. Sự thất bại liên tục của con người nhằm chấm dứt chiến tranh càng chứng thực lời Giê-rê-mi nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình”. (Giê-rê-mi 10:23) Liên quan đến điều mà Đức Giê-hô-va sẽ hoàn thành, Kinh Thánh hứa: “Ngài dẹp yên giặc cho đến đầu-cùng trái đất, bẻ gãy các cung, chặt các giáo ra từng miếng, và đốt xe nơi lửa”.—Thi-thiên 46:8, 9.
Khi các nước dùng những vũ khí giết người để hủy diệt nhau và đe dọa hủy hoại môi trường thì Đấng Tạo Hóa của trái đất sẽ ra tay hành động—tại cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn! (Khải-huyền 11:18) Do đó, cuộc chiến này sẽ thực hiện điều mà những người kính sợ Đức Chúa Trời trải qua hàng bao thế kỷ chỉ có thể mong chờ. Cuộc chiến này xác minh quyền cai trị chính đáng trên toàn thể các tạo vật của Đấng làm Chủ trái đất là Đức Giê-hô-va.
Vì thế những người yêu chuộng công bình không có gì phải lo sợ về Ha-ma-ghê-đôn. Ngược lại, nó cho chúng ta nền tảng để hy vọng. Cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ tẩy sạch mọi sự gian ác, xấu xa khỏi trái đất và mở đường cho một thế giới công bình dưới sự cai trị của Nước Đấng Mê-si. (Ê-sai 11:4, 5) Thay vì là một hiểm họa đáng sợ, Ha-ma-ghê-đôn sẽ báo hiệu một sự khởi đầu vui mừng cho những người công bình, là những người sẽ được sống mãi trên trái đất biến thành địa đàng.—Thi-thiên 37:29.
[Chú thích]
a Xin xem sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, chương 11, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Khung/Hình nơi trang 5]
MÊ-GHI-ĐÔ—MỘT BIỂU TƯỢNG THÍCH HỢP
Mê-ghi-đô xưa là một yếu địa, trông về phía tây thung lũng phì nhiêu Gít-rê-ên, thuộc miền bắc Y-sơ-ra-ên. Vì là nơi giao lộ, nó kiểm soát tuyến đường của thế giới về thương mại cũng như về quân sự. Do đó, Mê-ghi-đô từng là một nơi xảy ra những cuộc chiến quyết định. Giáo Sư Graham Davies viết trong sách Cities of the Biblical World—Megiddo (Những thành phố trong Kinh Thánh—Mê-ghi-đô): “Thành phố Mê-ghi-đô... là nơi thuận tiện cho những người buôn bán và di dân từ các nơi đổ về; nhưng đồng thời, nếu đủ mạnh, nó có thể kiểm soát sự qua lại trên những tuyến đường này và nhờ thế nắm giữ được tình hình chiến tranh cũng như các hoạt động buôn bán. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nó... thường bị các nước tranh giành và khi bị chiếm thì được bảo vệ rất cẩn thận”.
Lịch sử lâu đời của Mê-ghi-đô bắt đầu vào thiên niên kỷ thứ hai TCN khi Vua Thutmose III của Ai Cập đánh thắng các quan trưởng Ca-na-an tại đó. Rồi tiếp nối qua nhiều thế kỷ cho đến năm 1918, khi viên tướng Anh là Edmund Allenby đã làm cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thất trận nặng nề. Chính tại Mê-ghi-đô này mà Đức Chúa Trời đã giúp cho Quan Xét Ba-rác đánh tan tành Vua Gia-bin của Ca-na-an. (Các Quan Xét 4:12-24; 5:19, 20) Rồi trong vùng gần đó Quan Xét Ghê-đê-ôn dẹp tan được dân Ma-đi-an. (Các Quan Xét 7:1-22) Cũng tại Mê-ghi-đô Vua A-cha-xia và Vua Giô-si-a bị giết chết.—2 Các Vua 9:27; 23:29, 30.
Liên kết Ha-ma-ghê-đôn với vùng Mê-ghi-đô thật thích hợp, vì là nơi xảy ra nhiều trận chiến quyết định. Nơi đó biểu trưng thích hợp cho việc Đức Chúa Trời chiến thắng tất cả các lực lượng thù nghịch một cách vẻ vang.
[Nguồn tư liệu]
Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.
[Các hình nơi trang 7]
Khắp đất người ta được nghe cảnh báo và có cơ hội sống sót qua cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn
[Hình nơi trang 7]
Ha-ma-ghê-đôn sẽ báo hiệu một sự khởi đầu vui mừng