“Ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy”
“Mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình việc mình với Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 14:12.
1. Ba người trẻ Hê-bơ-rơ trung thành chu toàn trách nhiệm nào?
BA NGƯỜI TRẺ Hê-bơ-rơ sống ở Ba-by-lôn đứng trước một quyết định sinh tử. Họ có nên quỳ lạy pho tượng khổng lồ như luật pháp quốc gia đòi hỏi không? Hay họ phải từ chối thờ lạy nó để rồi bị quăng vào lò lửa hực? Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô không có thì giờ để hỏi ý kiến ai; mà họ cũng không cần làm thế. Họ tuyên bố không chút lưỡng lự: “Hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu-việc các thần của vua, và không thờ-phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng”. (Đa-ni-ên 3:1-18) Ba người Hê-bơ-rơ này gánh lấy riêng phần trách nhiệm của mình.
2. Trên thực tế, ai đã ảnh hưởng đến quyết định của Phi-lát trong việc kết án Chúa Giê-su, và điều đó có nghĩa là vị quan tổng đốc La Mã này được miễn trừ trách nhiệm không?
2 Khoảng sáu thế kỷ sau, một quan tổng đốc đã lắng nghe lời buộc tội một người đàn ông. Khi xem xét vụ kiện, ông tin rằng người bị xét xử không có tội. Thế nhưng đám đông dân chúng đòi hành quyết người đó. Sau khi cho thấy mình không bằng lòng với yêu sách đó, quan tổng đốc ngần ngừ không muốn gánh trách nhiệm, và cuối cùng nhượng bộ trước áp lực. Ông lấy nước rửa tay và nói: “Ta không có tội về huyết của người nầy”. Rồi ông để cho người ta đóng đinh người đó. Đúng thế, thay vì gánh trách nhiệm về việc phán quyết Chúa Giê-su Christ, Bôn-xơ Phi-lát để cho người khác quyết định thay ông. Bao nhiêu nước cũng không đủ cho ông rửa sạch trách nhiệm về việc kết án Chúa Giê-su một cách bất công.—Ma-thi-ơ 27:11-26; Lu-ca 23:13-25.
3. Tại sao chúng ta không nên để người khác quyết định thay chúng ta?
3 Còn bạn thì sao? Khi phải quyết định điều gì, bạn giống như ba người trẻ Hê-bơ-rơ hay để người khác quyết định thay cho mình? Quyết định một điều gì đó không phải là dễ. Người chín chắn mới có thể quyết định đúng. Chẳng hạn, cha mẹ cần quyết định sáng suốt cho con cái tuổi vị thành niên. Tất nhiên, quyết định trong những tình huống phức tạp và đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố là điều rất khó. Tuy nhiên, trách nhiệm về việc quyết định một điều gì không phải là “gánh nặng” đến mức phải để những người thành thục về thiêng liêng gánh thay cho chúng ta. (Ga-la-ti 6:1, 2) Thay vì thế, đó là phần trách nhiệm mà “mỗi người trong chúng ta sẽ khai-trình... với Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 14:12) Kinh Thánh nói: “Ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy”. (Ga-la-ti 6:5) Vậy làm thế nào chúng ta có thể quyết định khôn ngoan trong đời sống? Trước tiên, chúng ta phải nhận biết những giới hạn của con người và phải biết những điều cần làm để bù đắp những giới hạn đó.
Một điều kiện thiết yếu
4. Qua hành động không vâng lời của cặp vợ chồng đầu tiên, chúng ta rút ra bài học trọng yếu nào về việc quyết định?
4 Trong lịch sử thời ban đầu của loài người, cặp vợ chồng đầu tiên đã có một quyết định dẫn đến hậu quả thảm hại. Họ quyết định ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. (Sáng-thế Ký 2:16, 17) Quyết định của họ dựa vào cơ sở nào? Kinh Thánh nói: “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí-khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa”. (Sáng-thế Ký 3:6) Sự lựa chọn của Ê-va dựa vào lòng ham muốn ích kỷ. Hành động của bà khiến A-đam cũng làm theo. Hậu quả là tội lỗi và sự chết “trải qua trên hết thảy mọi người”. (Rô-ma 5:12) Hành động không vâng lời của A-đam và Ê-va dạy chúng ta một bài học trọng yếu về giới hạn của con người, đó là nếu không theo sát sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, con người dễ quyết định sai.
5. Đức Giê-hô-va cho chúng ta sự hướng dẫn nào, và chúng ta phải làm gì để được lợi ích?
5 Chúng ta rất mừng là Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự hướng dẫn! Kinh Thánh nói: “Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!” (Ê-sai 30:21) Đức Giê-hô-va nói với chúng ta qua Lời được Ngài soi dẫn là Kinh Thánh. Chúng ta phải nghiên cứu Kinh Thánh để hiểu biết chính xác về Lời Ngài. Muốn quyết định đúng, chúng ta phải hấp thu ‘đồ-ăn đặc cho kẻ thành-nhân’. Nhờ “hay dụng tâm-tư luyện-tập”, chúng ta biết “phân-biệt điều lành và dữ”. (Hê-bơ-rơ 5:14) Chúng ta có thể rèn luyện “tâm-tư”, tức khả năng nhận thức, bằng cách áp dụng những gì học được từ Lời Đức Chúa Trời.
6. Điều gì là cần thiết để lương tâm hoạt động đúng?
6 Yếu tố thiết yếu giúp chúng ta quyết định là lương tâm vốn có trong mỗi người chúng ta. Đây là khả năng phán đoán, vì vậy lương tâm “khi thì cáo-giác mình, khi thì binh-vực mình”. (Rô-ma 2:14, 15) Tuy nhiên, để lương tâm hoạt động đúng, chúng ta phải để sự hiểu biết chính xác về Lời Đức Chúa Trời soi sáng và làm cho lương tâm ấy trở nên nhạy bén bằng cách áp dụng Lời Ngài. Lương tâm không được rèn luyện thì dễ bị ảnh hưởng bởi phong tục tập quán địa phương. Môi trường xung quanh và ý kiến người khác cũng có thể làm chúng ta lầm đường lạc lối. Nếu cứ lờ đi tiếng nói của lương tâm và tiếp tục vi phạm tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì chuyện gì sẽ xảy ra cho lương tâm của chúng ta? Cuối cùng, nó có thể trở nên “lì”, không nhạy cảm và im tiếng. (1 Ti-mô-thê 4:2) Ngược lại, một lương tâm được Lời Đức Chúa Trời rèn luyện là sự hướng dẫn đáng tin cậy.
7. Điều kiện thiết yếu trong việc quyết định khôn ngoan là gì?
7 Vậy, điều kiện thiết yếu để có một quyết định khôn ngoan và chịu trách nhiệm về quyết định ấy là sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh và khả năng áp dụng Kinh Thánh. Thay vì vội vã quyết định, chúng ta cần dành ra thì giờ để tra cứu các nguyên tắc Kinh Thánh và dùng khả năng suy nghĩ để áp dụng các nguyên tắc ấy. Ngay cả khi tình huống đòi hỏi phải quyết định lập tức như trường hợp của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô, chúng ta đã được trang bị đầy đủ nếu có sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh và lương tâm đã được Kinh Thánh rèn luyện. Để hiểu việc tiến tới sự thành thục có thể giúp chúng ta trau dồi khả năng quyết định như thế nào, chúng ta hãy xem xét hai khía cạnh của đời sống.
Chúng ta sẽ chọn ai làm bạn?
8, 9. (a) Những nguyên tắc nào cho thấy cần phải tránh bạn bè xấu? (b) Bạn bè xấu có phải chỉ nói đến việc trực tiếp kết giao với người vô đạo đức không? Hãy giải thích.
8 Sứ đồ Phao-lô viết: “Anh em chớ mắc lừa: bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Các ngươi không thuộc về thế-gian”. (Giăng 15:19) Khi biết được những nguyên tắc này, chúng ta thấy ngay là cần phải tránh kết giao với những người tà dâm, ngoại tình, trộm cướp, say sưa và những người tương tự như thế. (1 Cô-rinh-tô 6:9, 10) Tuy nhiên, khi tiến bộ trong sự hiểu biết về lẽ thật Kinh Thánh, chúng ta nhận thức rằng việc dành thì giờ kết hợp với những người như thế qua phim ảnh, truyền hình, máy vi tính hoặc qua sách báo đều dẫn đến cùng một hậu quả tai hại. Chúng ta cũng có thể nói như vậy về việc tiếp xúc với “kẻ giả-hình” qua các phòng chat trên Internet.—Thi-thiên 26:4.
9 Còn việc chơi thân với những người có vẻ đạo đức nhưng thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời thì sao? Kinh Thánh cho biết: “Cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19) Chúng ta nhận ra rằng bạn bè xấu không chỉ là những người sống phóng túng hoặc đồi trụy. Vì thế, chúng ta chỉ nên kết thân với những người yêu mến Đức Giê-hô-va.
10. Điều gì giúp chúng ta quyết định chín chắn về vấn đề tiếp xúc với người thế gian?
10 Chúng ta không thể và cũng không phải hoàn toàn tránh tiếp xúc với những người trong thế gian. (Giăng 17:15) Tham gia thánh chức, đi học, đi làm, tất cả đều đòi hỏi phải tiếp xúc với người thế gian. Một tín đồ có người hôn phối không tin đạo có thể phải tiếp xúc với người thế gian nhiều hơn những tín đồ khác. Tuy nhiên, với khả năng nhận thức đã được rèn luyện, chúng ta sẽ hiểu rằng tiếp xúc với người thế gian khi cần thiết là một chuyện, nhưng kết thân với họ lại là vấn đề khác. (Gia-cơ 4:4) Như thế, chúng ta có thể quyết định chín chắn về việc mình sẽ tham gia các sinh hoạt ngoài giờ học, như thể thao, khiêu vũ, hoặc dự các buổi tiệc với những người đồng nghiệp hay không.
Chọn việc làm
11. Khi quyết định chọn việc làm, chúng ta phải xem xét điều gì trước tiên?
11 Áp dụng chín chắn các nguyên tắc Kinh Thánh giúp chúng ta quyết định sao cho có thể chu toàn trách nhiệm “săn-sóc đến người nhà mình”. (1 Ti-mô-thê 5:8) Điều đầu tiên cần xem xét là loại việc làm—công việc đó đòi hỏi chúng ta phải làm gì. Chọn một công việc mà Kinh Thánh trực tiếp lên án là điều hoàn toàn sai. Vì vậy, tín đồ Đấng Christ chân chính không chấp nhận những việc làm có thể dính líu đến việc thờ hình tượng, ăn cắp, lạm dụng máu hoặc những thực hành khác trái với Kinh Thánh. Chúng ta cũng không muốn nói dối hoặc lừa gạt, dù người chủ buộc chúng ta làm thế.—Công-vụ 15:29; Khải-huyền 21:8.
12, 13. Ngoài loại việc làm, có những yếu tố quan trọng nào khác mà chúng ta cần xem xét khi quyết định chọn việc làm?
12 Nói gì nếu công việc tự nó không vi phạm bất cứ điều nào Đức Chúa Trời đòi hỏi? Khi hiểu biết nhiều hơn về lẽ thật và có khả năng nhận thức bén nhạy hơn, chúng ta sẽ nhận ra những yếu tố khác mà mình cần phải xét đến. Nếu công việc đòi hỏi chúng ta làm một điều trái nguyên tắc Kinh Thánh, chẳng hạn như trả lời điện thoại ở sòng bài thì sao? Ai là người trả lương và địa điểm nơi làm việc cũng là những yếu tố cần xem xét. Thí dụ, khi một tín đồ Đấng Christ được mời đấu thầu sơn nhà thờ của khối đạo xưng theo Đấng Christ và làm thế là dự phần vào việc ủng hộ tôn giáo sai lầm, liệu người đó sẽ làm không?—2 Cô-rinh-tô 6:14-16.
13 Nói gì nếu có lần chủ chúng ta ký hợp đồng để tân trang một nơi thờ phượng sai lầm? Trong trường hợp này, chúng ta cần xem xét những yếu tố như chúng ta có quyền đến mức nào trong việc đó và chúng ta tham gia đến độ nào. Và nói gì về công việc chính đáng như nghề đưa thư ở khắp nơi, kể cả những nơi cổ vũ các thực hành sai trái? Chẳng lẽ nguyên tắc ghi nơi Ma-thi-ơ 5:45 lại không ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta? Cũng không nên quên là khi làm công việc đó hết ngày này sang ngày khác, lương tâm chúng ta có thể bị ảnh hưởng như thế nào. (Hê-bơ-rơ 13:18) Thật vậy, muốn gánh trách nhiệm của mình trong việc quyết định chín chắn về việc làm, chúng ta phải mài sắc khả năng nhận thức và rèn luyện lương tâm mà Đức Chúa Trời phú cho.
“Phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài”
14. Khi phải quyết định một việc nào đó, chúng ta nên xem xét điều gì?
14 Có thể nói gì về những quyết định liên quan đến vấn đề khác như việc học hành và việc nên chấp nhận hay từ chối một phương pháp điều trị nào đó? Khi cần quyết định bất cứ điều gì, chúng ta phải xác định rõ các nguyên tắc Kinh Thánh thích hợp với vấn đề và rồi dùng lý trí để áp dụng. Vua khôn ngoan Sa-lô-môn của xứ Y-sơ-ra-ên xưa nói: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.—Châm-ngôn 3:5, 6.
15. Về việc quyết định, chúng ta học được gì từ các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu?
15 Quyết định của chúng ta thường ảnh hưởng đến người khác, và chúng ta cần nghĩ đến điều này. Chẳng hạn, tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất không còn phải giữ theo nhiều quy chế về ăn uống ghi trong Luật Pháp Môi-se. Họ có thể chọn ăn một số thức ăn mà Luật Pháp cho là ô uế, nhưng về những phương diện khác thì không sao cả. Tuy nhiên, nói về thịt của một con vật có thể đã được dâng trong miếu tà thần, sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu đồ-ăn xui anh em tôi vấp-phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp-phạm cho anh em tôi”. (1 Cô-rinh-tô 8:11-13) Phao-lô khuyến khích tín đồ Đấng Christ thời ban đầu nên quan tâm đến lương tâm người khác để không làm họ vấp phạm. Chúng ta không muốn quyết định của mình “làm gương xấu” cho người khác.—1 Cô-rinh-tô 10:29, 32.
Hãy tìm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời
16. Cầu nguyện giúp chúng ta như thế nào trong việc quyết định?
16 Một sự giúp đỡ vô giá trong việc quyết định, đó là cầu nguyện. Môn đồ Gia-cơ nói: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn-ngoan, hãy cầu-xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi, không trách-móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho”. (Gia-cơ 1:5) Chúng ta có thể vững lòng tin mà cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và xin Ngài ban sự khôn ngoan cần thiết để quyết định đúng đắn. Khi chúng ta trình bày với Đức Chúa Trời về mối quan tâm của mình và tìm sự hướng dẫn của Ngài, thánh linh có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn những câu Kinh Thánh mà chúng ta đang xem xét đồng thời giúp chúng ta lưu ý đến những câu mà chúng ta bỏ sót.
17. Người khác có thể giúp chúng ta như thế nào trong việc quyết định?
17 Người khác có thể giúp chúng ta quyết định không? Có, Đức Giê-hô-va đã cung cấp những người thành thục trong hội thánh. (Ê-phê-sô 4:11, 12) Chúng ta có thể hỏi ý kiến họ, nhất là khi cần quyết định một việc quan trọng. Những người từng trải và hiểu biết sâu sắc về thiêng liêng có thể lưu ý chúng ta về những nguyên tắc khác trong Kinh Thánh liên quan đến quyết định của chúng ta, và giúp chúng ta “nghiệm-thử những sự tốt-lành hơn”. (Phi-líp 1:9, 10) Tuy nhiên, hãy thận trọng: Chúng ta không được để cho người khác quyết định thay chúng ta. Đó là trách nhiệm của chúng ta.
Kết quả—Bao giờ cũng tốt chăng?
18. Có thể nói gì về kết quả của một quyết định đúng?
18 Phải chăng quyết định dựa chắc chắn vào nguyên tắc Kinh Thánh và có sự cân nhắc kỹ càng luôn luôn mang lại kết quả tốt? Đúng thế, điều đó luôn có lợi về lâu về dài. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta phải chịu điều bất lợi trong một thời gian. Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô biết rằng họ có thể mất mạng nếu quyết định không thờ lạy pho tượng khổng lồ. (Đa-ni-ên 3:16-19) Cũng vậy, sau khi các sứ đồ trả lời trước Tòa Công Luận Do Thái rằng họ phải vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người, họ bị đánh đòn trước khi được thả ra. (Công-vụ 5:27-29, 40) Hơn nữa, “thời thế và sự bất trắc” có thể ảnh hưởng bất lợi đến bất cứ quyết định nào. (Truyền-đạo 9:11; NW) Nếu gặp khó khăn nào đó dù đã quyết định đúng, chúng ta vẫn có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta chịu đựng và cuối cùng sẽ ban phước cho chúng ta.—2 Cô-rinh-tô 4:7.
19. Làm thế nào chúng ta có thể can đảm gánh lấy phần tránh nhiệm của mình trong việc quyết định?
19 Vậy khi quyết định điều gì, chúng ta phải tra cứu những nguyên tắc Kinh Thánh và dùng lý trí để áp dụng các nguyên tắc ấy. Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va về sự giúp đỡ mà Ngài cung cấp qua thánh linh và qua những người thành thục trong hội thánh! Với sự hướng dẫn và sự giúp đỡ thể ấy, chúng ta hãy can đảm gánh lấy phần tránh nhiệm của mình trong việc chọn một quyết định khôn ngoan.
Bạn học được gì?
• Điều kiện thiết yếu để quyết định khôn ngoan là gì?
• Việc tiến tới sự thành thục ảnh hưởng đến cách chúng ta chọn bạn như thế nào?
• Chúng ta phải xem xét những yếu tố quan trọng nào khi quyết định chọn việc làm?
• Chúng ta có sự giúp đỡ nào trong việc quyết định?
[Hình nơi trang 22]
Hành động không vâng lời của A-đam và Ê-va dạy chúng ta một bài học trọng yếu
[Hình nơi trang 24]
Trước khi quyết định một điều quan trọng, hãy tra cứu những nguyên tắc Kinh Thánh