Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong quyển thứ ba và thứ tư của sách Thi-thiên
TRONG lời cầu nguyện dâng lên Đức Chúa Trời, người viết Thi-thiên hỏi: “Sự nhân-từ Chúa há sẽ được truyền ra trong mồ-mả sao? Hoặc sự thành-tín Chúa được giảng trong vực sâu ư?” (Thi-thiên 88:11) Câu trả lời dĩ nhiên là không. Nếu không có sự sống, chúng ta không thể nào ca ngợi Đức Giê-hô-va. Ngợi khen Đức Giê-hô-va là một lý do chính đáng để chúng ta tiếp tục sống, và ngược lại sự sống của chúng ta cũng là lý do chính đáng để ngợi khen Ngài.
Quyển thứ ba và thứ tư của sách Thi-thiên gồm các bài Thi-thiên 73 đến 106, cho chúng ta thật nhiều lý do để tán dương Đấng Tạo Hóa và chúc tụng danh Ngài. Suy ngẫm về những bài Thi-thiên này hẳn làm lòng biết ơn của chúng ta đối với “lời của Đức Chúa Trời” thêm sâu sắc, và thôi thúc chúng ta gia tăng cũng như cải thiện những lời ca ngợi Ngài. (Hê-bơ-rơ 4:12) Hãy hết lòng xem xét quyển thứ ba của sách Thi-thiên.
“LẤY LÀM TỐT THAY CHO TÔI ĐẾN GẦN ĐỨC CHÚA TRỜI”
Mười một bài Thi-thiên đầu tiên trong quyển thứ ba là do A-sáp hoặc người nhà của ông viết. Bài hát mở đầu giải thích điều gì đã giúp A-sáp tránh để cho lối suy nghĩ sai trái làm ông lầm đường lạc lối. Ông đi đến kết luận đúng, ông hát: “Lấy làm tốt thay cho tôi đến gần Đức Chúa Trời”. (Thi-thiên 73:28) Tiếp theo là một bài bi ca được ghi lại nơi Thi-thiên 74 về sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem. Bài Thi-thiên 75, 76 và 77 miêu tả Đức Giê-hô-va là Quan Xét công bình, Đấng Giải Cứu người nhu mì, và là Đấng nghe lời cầu nguyện. Bài Thi-thiên 78 kể lại quá khứ của Y-sơ-ra-ên từ thời Môi-se đến thời Đa-vít. Thi-thiên 79 than khóc sự hủy diệt đền thờ. Bài Thi-thiên kế tiếp là lời cầu nguyện về sự phục hưng của dân tộc Đức Chúa Trời. Thi-thiên 81 khuyến giục chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va. Thi-thiên 82 và 83 là những lời cầu xin Đức Chúa Trời xử phạt những quan án gian ác cũng như những kẻ thù của Ngài.
“Linh-hồn tôi mong-ước đến đỗi hao-mòn về hành-lang của Đức Giê-hô-va”, đó là lời một bài thơ của các con trai Cô-rê. (Thi-thiên 84:2) Thi-thiên 85 là lời thỉnh cầu Đức Chúa Trời ban ân phước cho những phu tù trở về. Bài Thi-thiên này nhấn mạnh rằng các ân phước về thiêng liêng có giá trị vượt trội hơn ân phước về vật chất rất nhiều. Trong bài Thi-thiên 86, Đa-vít xin Đức Chúa Trời bảo hộ và chỉ dạy ông. Thi-thiên 87 là một bài thơ về Si-ôn và những người sinh tại đó. Kế tiếp, Thi-thiên 88 là bài cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Bài Thi-thiên 89 nêu bật tính nhân từ của Đức Giê-hô-va được thể hiện qua giao ước Đa-vít. Bài này do Ê-than viết, ông có lẽ là một trong bốn người khôn ngoan vào thời Sa-lô-môn.—1 Các Vua 4:31.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
73:9—Qua cách nào những kẻ ác “miệng thì nói hành thiên-thượng, còn lưỡi lại phao-vu thế-gian”? Vì kẻ ác chẳng coi các tạo vật trên trời hay những người ở dưới đất ra gì, miệng chúng sẵn sàng phỉ báng Đức Chúa Trời. Chúng cũng dùng miệng lưỡi vu cáo người khác.
74:13, 14—Khi nào Đức Giê-hô-va đã ‘bẻ gãy đầu quái-vật trong nước và chà-nát đầu Lê-vi-a-than’? “Pha-ra-ôn, vua của Ê-díp-tô” được gọi là “con vật quái-gở nằm giữa các sông mình”. (Ê-xê-chi-ên 29:3) Lê-vi-a-than có thể tượng trưng cho những kẻ mạnh của Pha-ra-ôn. Việc chà nát đầu họ có lẽ ám chỉ đến sự thất bại thê thảm của Pha-ra-ôn và đội quân của hắn lúc Đức Giê-hô-va giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi cảnh nô lệ ở xứ Ê-díp-tô.
75:4, 5, 10—Từ “sừng” ám chỉ điều gì? Sừng của một con vật là vũ khí lợi hại. Vì thế, theo nghĩa bóng “sừng” biểu thị quyền lực hay sức mạnh. Đức Chúa Trời nâng các “sừng” của dân tộc Ngài lên, Ngài nhắc họ lên cao, trong khi đó Ngài “chặt hết thảy các sừng kẻ ác”. Chúng ta được cảnh cáo là chớ “ngước sừng lên”, theo nghĩa là chúng ta chớ nên có thái độ trịch thượng hay ngạo mạn. Vì lẽ Đức Giê-hô-va là Đấng nhắc chúng ta lên, chúng ta nên xem những trách nhiệm mình được giao trong hội thánh là đến từ Ngài.—Thi-thiên 75:7.
76:10—Làm thế nào “cơn giận loài người” lại ngợi khen Đức Giê-hô-va? Khi Đức Giê-hô-va để cho loài người trút cơn giận lên chúng ta vì chúng ta là những tôi tớ Ngài, thì điều này có thể đem lại kết quả tốt đẹp. Bất kỳ hoạn nạn nào xảy đến cũng là cơ hội để tinh luyện chúng ta qua một cách nào đó. Đức Giê-hô-va chỉ cho phép đau khổ xảy ra đến mức độ nào đó nhằm luyện lọc chúng ta. (1 Phi-e-rơ 5:10) “Còn sự giận dư lại, Chúa sẽ ngăn-trở”. Nếu chúng ta chịu khổ đến mức phải chết thì sao? Điều này cũng khiến Đức Giê-hô-va được ngợi khen, vì những người thấy chúng ta trung thành chịu đựng có thể sẽ bắt đầu tôn vinh Đức Chúa Trời.
78:24, 25—Tại sao ma-na được gọi là “lúa-mì từ trên trời” và “bánh của kẻ mạnh-dạn”? “Những kẻ mạnh-dạn” ở đây là các thiên sứ trên trời. Tuy nhiên, cả hai cụm từ này đều không có ý nói ma-na là đồ ăn của các thiên sứ. “Lúa-mì từ trên trời” có nghĩa là có nguồn gốc từ trời. (Thi-thiên 105:40) Vì các thiên sứ hay “kẻ mạnh-dạn” sống ở trên trời, cụm từ “bánh của kẻ mạnh-dạn” có thể ám chỉ bánh do Đức Chúa Trời, Đấng ở trên trời, ban cho. (Thi-thiên 11:4) Đức Giê-hô-va cũng có thể dùng thiên sứ để cung cấp ma-na cho dân Y-sơ-ra-ên.
82:1, 6—Ai là “các thần” và “con trai của Đấng Chí-Cao”? Cả hai cụm từ này đều nói đến các quan án của dân Y-sơ-ra-ên xưa. Điều này thích hợp vì lẽ họ phụng sự với tư cách phát ngôn viên hay đại diện cho Đức Chúa Trời.—Giăng 10:33-36.
83:2—Việc một người “ngước đầu lên” gợi ý điều gì? Cử chỉ này mang ý nghĩa là một người sẵn sàng thi hành quyền lực hay sẵn sàng hành động, thường là để chống đối, chiến đấu, hay đàn áp.
Bài học cho chúng ta:
73:2-5, 18-20, 25, 28. Chúng ta không nên thèm muốn sự thịnh vượng của kẻ ác và đi theo đường lối không tin kính của họ. Những kẻ ác ở nơi trơn trợt. Họ chắc chắn sẽ ra “hư-nát”. Hơn nữa, vì điều ác sẽ còn mãi dưới sự cai trị của con người bất toàn, nên những nỗ lực để tẩy sạch điều ác đều vô dụng. Như A-sáp, chúng ta khôn ngoan nếu đối phó với điều ác bằng cách “đến gần Đức Chúa Trời” và tìm niềm vui thích nơi mối quan hệ mật thiết với Ngài.
73:3, 6, 8, 27. Chúng ta phải đề phòng tính kiêu ngạo, nhạo báng, và lường gạt. Chúng ta cũng phải tránh nhiễm những tính xấu đó cho dù chúng có vẻ đem lại lợi lộc.
73:15-17. Khi tâm tư bối rối, chúng ta nên kiềm chế, tránh nói cho mọi người biết những ý tưởng hoang mang của mình. Vì nói ra những ý tưởng rối ren như thế chỉ làm người khác nản lòng mà thôi. Chúng ta nên bình tĩnh ngẫm nghĩ về những mối quan tâm của mình và quyết tâm kết hợp với các anh em đồng đạo.—Châm-ngôn 18:1.
73:21-24. Việc một người để lòng mình trở nên “chua-xót” vì thấy những người ác dường như thịnh vượng được ví như phản ứng của thú vật không có lý trí. Đó là kiểu phản ứng bốc đồng, chỉ dựa vào các cảm xúc mà thôi. Thay vì vậy, chúng ta nên để sự khuyên dạy của Đức Chúa Trời hướng dẫn, hoàn toàn tin chắc là Ngài sẽ “nắm lấy tay hữu” và nâng đỡ chúng ta. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va sẽ ‘tiếp-rước chúng ta trong sự vinh-hiển’, nghĩa là chấp nhận cho chúng ta có mối quan hệ mật thiết với Ngài.
77:6. Nếu thành thật quan tâm và cẩn thận tìm tòi những lẽ thật thiêng liêng, chúng ta phải dành thì giờ học hỏi và suy ngẫm. Trong cuộc sống, dành ra những lúc để lắng dịu tâm hồn là điều trọng yếu biết bao!
79:9. Đức Giê-hô-va lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta, đặc biệt là khi liên quan đến việc làm thánh danh Ngài.
81:13, 16. Nghe theo Đức Giê-hô-va và đi trong đường lối Ngài mang lại nhiều ân phước.—Châm-ngôn 10:22.
82:2, 5. Những sự bất công làm cho “các nền trái đất” bị rúng động. Những hành vi bất công phá rối sự trật tự của xã hội loài người.
84:1-4, 10-12. Lòng quý trọng nơi thờ phượng Đức Giê-hô-va, cùng với sự thỏa lòng về đặc ân phụng sự của những người viết Thi-thiên là gương tốt cho chúng ta.
86:5. Chúng ta thật biết ơn là Đức Giê-hô-va “sẵn tha-thứ”! Ngài tìm những lý do để có cơ sở tha thứ cho người phạm tội ăn năn.
87:5, 6. Liệu những người được sống trong địa đàng có bao giờ biết tên những người sống lại ở trên trời không? Những câu này cho thấy là có thể họ sẽ biết.
88:13, 14. Nếu những lời cầu nguyện của chúng ta về một vấn đề nào đó chưa được trả lời, thì có thể là Đức Giê-hô-va muốn chúng ta chứng tỏ mình thật sự trung thành với Ngài.
“KHÁ CẢM-TẠ NGÀI, CHÚC-TỤNG DANH CỦA NGÀI”
Hãy xem xét những lý do để ca tụng Đức Giê-hô-va, được ghi trong quyển thứ tư của sách Thi-thiên. Nơi Thi-thiên 90, Môi-se nêu lên sự tương phản giữa sự trường tồn của “Vua muôn đời” với đời sống phù du của con người. (1 Ti-mô-thê 1:17) Nơi Thi-thiên 91:2, Môi-se nói Đức Giê-hô-va là ‘nơi nương náu và đồn lũy ông’—tức Nguồn sự yên ổn của ông. Những bài Thi-thiên kế tiếp nói về những đức tính tuyệt vời của Đức Chúa Trời, những ý tưởng cao siêu và các công việc lạ lùng của Ngài. Ba bài Thi-thiên bắt đầu với ngữ đoạn “Đức Giê-hô-va cai-trị”. (Thi-thiên 93:1; 97:1; 99:1) Nói về Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo Hóa, người viết Thi-thiên mời chúng ta “cảm-tạ Ngài, chúc-tụng danh của Ngài”.—Thi-thiên 100:4.
Một nhà cai trị biết kính sợ Đức Giê-hô-va nên quản lý công việc của mình thế nào? Bài Thi-thiên 101 của Vua Đa-vít cho chúng ta câu trả lời. Bài Thi-thiên kế tiếp cho chúng ta biết là Đức Giê-hô-va “sẽ nghe lời cầu-nguyện của kẻ khốn-cùng, chẳng khinh-dể lời nài-xin của họ”. (Thi-thiên 102:17) Bài Thi-thiên 103 hướng sự chú ý về tính nhân từ và thương xót của Đức Giê-hô-va. Về các tạo vật của Đức Chúa Trời ở trên đất, người viết Thi-thiên thốt lên: “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan”. (Thi-thiên 104:24) Hai bài Thi-thiên cuối cùng của quyển thứ tư ca ngợi Đức Giê-hô-va về các công việc lạ lùng của Ngài.—Thi-thiên 105:2, 5; 106:7, 22.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
91:1, 2—“Nơi kín-đáo của Đấng Chí-Cao” là gì và làm thế nào chúng ta có thể “ở” đó? Theo nghĩa bóng, đó là một nơi yên ổn và an toàn về thiêng liêng—tình trạng được bảo vệ khỏi sự tổn hại về thiêng liêng. Nơi đó kín đáo vì những người không tin cậy Đức Chúa Trời không biết được nơi này. Chúng ta để Đức Giê-hô-va trở thành nơi ở của mình bằng cách xem Ngài như nơi nương náu và đồn lũy, và bằng cách ngợi khen Đấng Tối Thượng của vũ trụ cũng như rao truyền tin mừng về Nước Trời. Chúng ta cảm thấy bình yên về thiêng liêng vì biết rằng Đức Giê-hô-va luôn sẵn sàng trợ giúp chúng ta.—Thi-thiên 90:1.
92:12—Theo nghĩa nào người công bình “mọc lên như cây kè”? Cây kè, tức cây chà là, nổi tiếng là sai trái. Một người công bình cũng giống như cây kè theo nghĩa là người đó ngay thẳng trước mắt Đức Giê-hô-va và tiếp tục sinh “trái tốt”, bao gồm những việc lành.—Ma-thi-ơ 7:17-20.
Bài học cho chúng ta:
90:7, 8, 13, 14. Những hành động sai trái của chúng ta luôn luôn làm tổn hại mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Những tội lỗi kín đáo sẽ không thể nào che giấu được Ngài. Tuy nhiên, nếu chúng ta thật tình ăn năn và bỏ đường lối xấu, Đức Giê-hô-va sẽ lại ban ân huệ và ‘cho chúng ta được thỏa dạ về sự nhân-từ Chúa’.
90:10, 12. Vì đời sống ngắn ngủi, chúng ta nên “đếm các ngày”. Như thế nào? Bằng cách có một “lòng khôn-ngoan”, hay hành động khôn ngoan để các ngày của chúng ta không trôi qua vô ích, nhưng dùng thì giờ sao cho Đức Giê-hô-va được hài lòng. Điều này đòi hỏi chúng ta dành ưu tiên cho những việc về thiêng liêng và dùng thì giờ một cách khôn ngoan.—Ê-phê-sô 5:15, 16; Phi-líp 1:10.
90:17. Cầu nguyện xin Đức Giê-hô-va ‘lập cho vững công-việc của tay chúng ta’ và xin Ngài ban ân phước cho chúng ta về những nỗ lực trong thánh chức là điều thích hợp.
92:14, 15. Bằng cách siêng năng học Lời Đức Chúa Trời và đều đặn kết hợp với dân của Đức Giê-hô-va, những người cao niên sẽ tiếp tục được “thịnh-mậu và xanh-tươi”—mạnh mẽ về thiêng liêng—và chứng tỏ rất hữu ích cho hội thánh.
94:19. Dù nguyên nhân nào có thể khiến chúng ta có “tư-tưởng bộn-bề” đi nữa, việc đọc và suy ngẫm về những điều “an-ủi” trong Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta lên tinh thần.
95:7, 8. Lắng nghe, để ý, và sẵn sàng chấp nhận lời khuyên của Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta tránh để cho lòng mình trở nên cứng cỏi.—Hê-bơ-rơ 3:7, 8.
106:36, 37. Những câu này liên kết sự thờ hình tượng với việc cúng tế ma quỉ. Điều này cho thấy rằng một người thờ hình tượng có thể đặt mình dưới ảnh hưởng của ma quỉ. Kinh Thánh khuyến giục chúng ta: “Giữ mình về hình-tượng!”—1 Giăng 5:21.
“Ha-lê-lu-gia!”
Ba bài hát cuối cùng của quyển thứ tư sách Thi-thiên kết thúc với lời khuyên: “Ha-lê-lu-gia” có nghĩa là “hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va”. Bài Thi-thiên cuối cùng cũng mở đầu như thế. (Thi-thiên 104:35; 105:45; 106:1, 48) Thật vậy, từ “Ha-lê-lu-gia” xuất hiện nhiều lần trong quyển thứ tư của sách Thi-thiên.
Chúng ta chắc chắn có nhiều lý do để ngợi khen Đức Giê-hô-va. Thi-thiên 73 đến 106 cho chúng ta nhiều điều để suy ngẫm, làm lòng chúng ta tràn đầy sự biết ơn Cha trên trời. Khi suy ngẫm về tất cả những điều mà Ngài đã làm và sẽ làm cho chúng ta trong tương lai, chẳng phải chúng ta được thôi thúc để “ngợi-khen Đức Giê-hô-va” với tất cả sức lực của mình hay sao?
[Hình nơi trang 10]
Như A-sáp, chúng ta có thể đối phó với điều ác bằng cách “đến gần Đức Chúa Trời”
[Hình nơi trang 11]
Pha-ra-ôn bị đánh bại ở Biển Đỏ
[Hình nơi trang 11]
Bạn có biết tại sao ma-na được gọi là “bánh của kẻ mạnh-dạn” không?
[Hình nơi trang 13]
Điều gì giúp chúng ta xua đuổi những “tư-tưởng bộn-bề”?