Bạn có “giàu-có nơi Đức Chúa Trời” không?
“Hễ ai thâu-trữ của cho mình mà không giàu-có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy”.—LU-CA 12:21.
1, 2. (a) Người ta sẵn sàng bỏ tất cả để đổi lấy điều gì? (b) Tín đồ Đấng Christ phải đối phó với những thử thách và nguy hiểm nào?
ĐI TÌM kho báu không chỉ là trò chơi trẻ em thích mà còn là những chuyện có thật. Nhiều cuộc săn tìm kho báu đã thật sự diễn ra trong nhiều giai đoạn và ở nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn như trong thế kỷ 19, nhiều người từ xa đã đổ xô đến Úc, Nam Phi, Canada và Hoa Kỳ để tìm vàng. Họ sẵn sàng lìa gia đình và người thân để đi tìm vận may ở một nơi xa lạ, có thể ở nơi rừng sâu núi thẳm, nơi có đất đai cằn cỗi và đôi khi thời tiết khắc nghiệt. Thật vậy, nhiều người sẵn sàng bỏ lại tất cả và gánh lấy mọi rủi ro, nguy hiểm để đạt được sự giàu có mà lòng họ ao ước.
2 Tuy phần lớn người ta ngày nay không đi tìm kho báu, nhưng họ phải làm việc khó nhọc để sinh sống. Làm được điều đó trong xã hội này là một thử thách, đòi hỏi nhiều cố gắng và công lao khó nhọc. Người ta rất thường lo lắng về cơm ăn áo mặc và nhà cửa đến độ họ không còn chú ý hoặc ngay cả quên đi điều quan trọng hơn trong đời sống. (Rô-ma 14:17) Chúa Giê-su dùng một câu chuyện minh họa để miêu tả chính xác khuynh hướng này của con người. Câu chuyện đó được ghi nơi Lu-ca 12:16-21.
3. Xin thuật lại vắn tắt minh họa của Chúa Giê-su ghi nơi Lu-ca 12:16-21.
3 Chúa Giê-su kể câu chuyện này khi ngài nói về việc cần phải cảnh giác đề phòng tính tham lam, điều mà chúng ta đã xem xét chi tiết trong bài trước. Sau khi cảnh báo về tính tham lam, Chúa Giê-su kể câu chuyện về một người giàu không hài lòng với những kho chứa đầy sản vật và gia tài mà ông có. Ông phá chúng đi và xây những kho lớn hơn để chứa nhiều của cải hơn. Vừa khi ông nghĩ là mình sẵn sàng để nghỉ ngơi và hưởng thụ cuộc sống, Đức Chúa Trời cho ông biết là ông sắp chết và tất cả của cải mà ông tích lũy sẽ thuộc về người khác. Rồi Chúa Giê-su kết luận: “Hễ ai thâu-trữ của cho mình mà không giàu-có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy”. (Lu-ca 12:21) Chúng ta có thể rút tỉa được bài học nào qua câu chuyện này? Và chúng ta có thể áp dụng vào đời sống như thế nào?
Một người đàn ông có vấn đề nan giải
4. Chúng ta có thể nói người đàn ông trong minh họa của Chúa Giê-su là người như thế nào?
4 Ở nhiều nước, người ta quen thuộc với minh họa này của Chúa Giê-su. Ngài giản dị bắt đầu câu chuyện như sau: “Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm”. Chúa Giê-su không nói là người đó trở nên giàu có nhờ những mưu mô xảo quyệt hoặc làm ăn bất chính. Nói một cách khác, trong câu chuyện, ông không phải là người gian ác. Thật ra, qua minh họa của Chúa Giê-su, chúng ta có thể thấy ông là người làm việc chăm chỉ. Chúng ta ít ra cũng có thể hiểu ông là người biết trù tính và dành dụm cho tương lai, có lẽ nghĩ đến hạnh phúc gia đình. Vì thế, theo quan điểm của người đời, ông tượng trưng cho những người làm việc siêng năng và xem trọng bổn phận của mình.
5. Người đàn ông trong minh họa của Chúa Giê-su đứng trước vấn đề gì?
5 Dù gì đi nữa, Chúa Giê-su gọi người đàn ông đó là người giàu, nghĩa là người có dư dật của cải. Tuy nhiên, như Chúa Giê-su miêu tả, người giàu này có một vấn đề. Ruộng của ông sinh lợi nhiều hơn ông mong đợi, quá nhiều so với những gì ông cần hoặc ngoài sức ông có thể quản lý. Ông nên làm gì?
6. Nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời đang đứng trước những lựa chọn nào ngày nay?
6 Nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay cũng đứng trước những hoàn cảnh giống như người giàu đó. Tín đồ chân chính của Đấng Christ cố gắng lương thiện, siêng năng và tận tâm làm việc. (Cô-lô-se 3:22, 23) Dù là nhân viên hoặc làm chủ, họ thường thành công, thậm chí xuất sắc trong những việc họ làm. Khi được thăng chức hoặc có được nhiều cơ hội mới, họ đứng trước một quyết định. Họ nên nhận chức mới hoặc nới rộng cơ sở làm ăn không? Tương tự thế, nhiều người trẻ Nhân Chứng là học sinh giỏi. Vì thế, các em đó có thể được học bổng để học lên cao tại những trường nổi tiếng. Phải chăng các em đó chỉ giống như nhiều người khác là nhận học bổng để tiếp tục học lên cao?
7. Người giàu trong minh họa của Chúa Giê-su giải quyết vấn đề của mình như thế nào?
7 Chúng ta hãy trở lại minh họa của Chúa Giê-su. Người giàu đã làm gì khi ruộng ông sinh lợi nhiều đến độ ông không còn chỗ chứa những gì ông thu hoạch? Ông quyết định phá các kho cũ và xây những kho lớn hơn để chứa tất cả lượng lúa dư và gia tài của mình. Chắc hẳn dự định đó cho ông cảm giác an ổn và mãn nguyện đến độ ông nghĩ thầm: “[Ta] sẽ nói với linh-hồn ta rằng: Linh-hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui-vẻ”.—Lu-ca 12:19.
Tại sao là kẻ “dại”?
8. Người giàu trong câu chuyện của Chúa Giê-su đã bỏ qua yếu tố trọng yếu nào?
8 Tuy nhiên, như Chúa Giê-su nói, dự định của người giàu đó chỉ cho ông cảm giác an ổn giả tạo. Dù dự định của ông có vẻ thực tế, nhưng nó thiếu một yếu tố trọng yếu. Đó là ý muốn của Đức Chúa Trời. Người giàu đó chỉ nghĩ đến mình, suy tính cách nào để ông có thể nghỉ ngơi, ăn uống và vui vẻ. Ông nghĩ rằng vì có “nhiều của”, nên ông có thể sống “lâu năm”. Đáng buồn thay, mọi việc không xảy ra theo ý ông muốn. Như điều Chúa Giê-su nói trước đó, “sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu”. (Lu-ca 12:15) Ngay đêm đó, tất cả những gì mà ông đã khó nhọc gầy dựng bỗng tan thành mây khói, vì Đức Chúa Trời cho ông biết: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh-hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của-cải ngươi đã sắm-sẵn sẽ thuộc về ai?”—Lu-ca 12:20.
9. Trong câu chuyện minh họa, tại sao Đức Chúa Trời gọi người giàu đó là kẻ dại?
9 Bây giờ chúng ta nói đến điểm chủ yếu của minh họa. Đức Chúa Trời gọi người giàu đó là kẻ dại. Một tự điển Kinh Thánh (Exegetical Dictionary of the New Testament) giải thích những hình thái của từ “dại” trong tiếng Hy Lạp là “luôn luôn diễn tả sự thiếu hiểu biết”. Tự điển này nói rằng trong câu chuyện minh họa, Đức Chúa Trời dùng từ “dại” để cho thấy rõ “các dự tính tương lai của những người giàu là vô nghĩa”. Từ này không ám chỉ người kém thông minh, nhưng muốn nói đến “người không chấp nhận mình tùy thuộc vào Đức Chúa Trời”. Lời Chúa Giê-su miêu tả về người đàn ông giàu có đó làm chúng ta nhớ đến những điều mà về sau ngài nói với hội thánh Lao-đi-xê ở Tiểu Á vào thế kỷ thứ nhất: “Vả, ngươi nói: Ta giàu, ta nên giàu-có rồi, không cần chi nữa; song ngươi không biết rằng mình khổ-sở, khốn-khó, nghèo-ngặt, đui-mù, và lõa-lồ”.—Khải-huyền 3:17.
10. Tại sao có “nhiều của” không đảm bảo cho chúng ta sống “lâu năm”?
10 Chúng ta nên suy ngẫm về bài học này. Phải chăng chúng ta cũng giống như người giàu đó—làm việc siêng năng để bảo đảm là chúng ta có “nhiều của” nhưng không làm những điều cần thiết để có triển vọng sống “lâu năm”? (Giăng 3:16; 17:3) Kinh Thánh nói: “Trong ngày thạnh-nộ, tài-sản chẳng ích chi cả”, và “kẻ nào tin-cậy nơi của-cải mình sẽ bị xiêu-ngã”. (Châm-ngôn 11:4, 28) Vì thế, Chúa Giê-su chấm dứt câu chuyện bằng một lời khuyên: “Hễ ai thâu-trữ của cho mình mà không giàu-có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy”.—Lu-ca 12:21.
11. Tại sao hy vọng của cải sẽ cho mình một tương lai chắc chắn là điều vô nghĩa?
11 Khi Chúa Giê-su nói “cũng như vậy”, ngài cho thấy rõ chuyện xảy ra cho người giàu trong câu chuyện minh họa cũng sẽ xảy ra cho những ai hoàn toàn đặt đời mình nơi của cải, và hy vọng nó sẽ cho mình một tương lai chắc chắn. Điều sai lầm không phải là vì “thâu-trữ của cho mình” nhưng là vì không “giàu-có nơi Đức Chúa Trời”. Môn đồ Gia-cơ cũng có lời cảnh báo tương tự khi viết: “Hỡi anh em, là kẻ nói rằng: Hôm nay hoặc ngày mai, ta sẽ đi đến thành kia, ở đó một năm, buôn-bán và phát-tài, song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết!” Vậy họ nên làm gì? “Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia”. (Gia-cơ 4:13-15) Dù một người giàu có hoặc có nhiều của cải thế nào đi nữa, tất cả đều trở nên vô nghĩa nếu người đó không giàu có nơi Đức Chúa Trời. Vậy thì giàu có nơi Đức Chúa Trời có nghĩa gì?
Giàu có nơi Đức Chúa Trời
12. Chúng ta làm gì để được giàu có nơi Đức Chúa Trời?
12 Trong lời Chúa Giê-su, việc giàu có nơi Đức Chúa Trời trái ngược với việc thâu trữ của cải cho bản thân, hoặc làm giàu cho chính mình. Vì thế, Chúa Giê-su nói mối quan tâm chính trong đời sống không phải là tích lũy nhiều của cải hoặc hưởng thụ những gì mình có. Thay vì vậy, chúng ta nên dùng những gì mình có để xây dựng hoặc thắt chặt mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, chúng ta chắc chắn sẽ giàu có nơi Đức Chúa Trời. Tại sao? Vì điều đó cho chúng ta cơ hội để nhận được nhiều ân phước đến từ Ngài. Kinh Thánh cho chúng ta biết: “Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”.—Châm-ngôn 10:22.
13. Ân phước của Đức Giê-hô-va “làm cho giàu-có” theo nghĩa nào?
13 Khi Đức Giê-hô-va ban phước cho dân Ngài, Ngài luôn luôn ban cho họ những điều tốt nhất. (Gia-cơ 1:17) Thí dụ, khi Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên đất làm cơ nghiệp thì đó là một “xứ đượm sữa và mật”. Mặc dù đất Ê-díp-tô cũng đã được miêu tả tốt đẹp như thế, nhưng đất mà Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên khác với đất ấy ít nhất về một khía cạnh quan trọng. Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên đó là “một xứ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi săn-sóc”. Nói cách khác, họ sẽ thịnh vượng vì được Đức Giê-hô-va chăm sóc. Nếu họ tiếp tục trung thành với Ngài, họ sẽ được Ngài ban phước dồi dào và sống một đời sống rõ ràng tốt đẹp hơn so với những dân chung quanh. Thật vậy, chính ân phước của Đức Giê-hô-va “làm cho giàu-có”!—Dân-số Ký 16:13; Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:5-8; 11:8-15.
14. Những người giàu có nơi Đức Chúa Trời hưởng được những ân phước nào?
14 Cụm từ “giàu-có nơi Đức Chúa Trời” cũng được dịch là “giàu có trước mặt Thiên Chúa” (Trịnh Văn Căn) hoặc “giàu có trước mắt của Đức Chúa Trời” (The New Testament in Modern English, của J. B. Phillips). Những người giàu có về của cải vật chất thường quan tâm đến cách người khác nghĩ về mình. Điều này thường thể hiện trong lối sống của họ. Họ muốn gây ấn tượng với người khác qua điều mà Kinh Thánh gọi là “sự kiêu-ngạo của đời”. (1 Giăng 2:16) Ngược lại, những người giàu có nơi Đức Chúa Trời được Ngài chấp nhận và ban ân huệ. Đồng thời, họ cảm nhận được lòng yêu thương nhân từ vô vàn cũng như có được mối liên lạc nồng ấm với Ngài. Ở trong tình trạng quý báu như vậy, họ chắc chắn cảm thấy được hạnh phúc và an ổn, hơn bất cứ điều gì mà sự giàu có về vật chất có thể đem lại. (Ê-sai 40:11) Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thắc mắc: Chúng ta phải làm gì để được giàu có trước mắt Đức Chúa Trời?
Giàu có trước mắt Đức Chúa Trời
15. Chúng ta phải làm gì để giàu có nơi Đức Chúa Trời?
15 Trong minh họa của Chúa Giê-su, người đàn ông đó trù tính và làm việc siêng năng chỉ để làm giàu cho mình, và Đức Chúa Trời gọi ông là kẻ dại. Vì thế, để được giàu có nơi Đức Chúa Trời, chúng ta phải cố gắng sốt sắng tham gia trọn vẹn vào những hoạt động thật sự có giá trị trước mắt Ngài. Trong số đó, có sứ mạng mà Chúa Giê-su giao phó: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân”. (Ma-thi-ơ 28:19) Việc dùng thời gian, năng lực và tài năng của chúng ta—không phải để tiến thân nhưng cho công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ—có thể được ví như việc đầu tư. Những người làm thế đã gặt hái được nhiều lợi nhuận về thiêng liêng như những kinh nghiệm sau đây cho thấy.—Châm-ngôn 19:17.
16, 17. Xin kể lại trường hợp của một anh chị cho thấy lối sống giúp anh chị đó trở nên giàu có trước mắt Đức Chúa Trời.
16 Chúng ta hãy xem xét trường hợp của một tín đồ Đấng Christ sống ở một nước châu Á. Anh là một kỹ thuật viên vi tính và được trả lương cao. Tuy nhiên, công việc của anh chiếm hết thời gian và khiến anh cảm thấy sa sút về thiêng liêng. Cuối cùng, thay vì cố gắng để thăng tiến trong công việc, anh xin nghỉ việc và bắt đầu làm kem để bán ngoài đường. Nhờ đó, anh có nhiều thì giờ hơn cho nhu cầu thiêng liêng và trách nhiệm trong hội thánh. Những bạn đồng nghiệp cũ nhạo báng anh, nhưng kết quả là gì? Anh nói: “Thật ra, đời sống tôi khá hơn khi còn làm công việc vi tính. Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn vì không căng thẳng và lo lắng như trước. Điều quan trọng hơn hết là tôi cảm thấy được gần gũi hơn với Đức Giê-hô-va”. Nhờ sự thay đổi này, anh Nhân Chứng ấy đã có thể tham gia vào thánh chức trọn thời gian, và hiện nay anh phục vụ tại văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở nước của anh. Ân phước của Đức Giê-hô-va thật sự “làm cho giàu-có”.
17 Một trường hợp khác là một phụ nữ lớn lên trong gia đình xem trọng học vấn. Chị học tại những trường đại học ở Pháp, Mexico và Thụy Sĩ. Một tương lai tươi sáng đang chờ đón chị. Chị nói: “Thành công mỉm cười với tôi; tôi được mọi người tôn trọng và có nhiều quyền lợi nhưng trong thâm tâm, tôi cảm thấy trống rỗng và chán chường”. Rồi chị học về Đức Giê-hô-va. Chị nói: “Khi tiến bộ về thiêng liêng, tôi ao ước làm hài lòng Đức Giê-hô-va và muốn đền đáp lại phần nào những gì mà Ngài ban cho tôi. Điều đó giúp tôi thấy rõ con đường tôi phải đi. Đó là phụng sự Ngài trọn thời gian”. Chị từ chức và làm báp têm không lâu sau đó. Hai mươi năm qua, chị vui mừng phụng sự trong thánh chức trọn thời gian. Chị thuật lại: “Một số người nghĩ rằng tôi đã bỏ phí tài năng của mình nhưng họ thấy tôi vui và họ khâm phục những nguyên tắc cao cả mà tôi sống theo. Mỗi ngày tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp tôi khiêm nhường hơn để được Ngài chấp nhận”.
18. Như Phao-lô, làm thế nào chúng ta có thể giàu có nơi Đức Chúa Trời?
18 Sau-lơ, người sau này trở thành sứ đồ Phao-lô, cũng đã có một tương lai tươi sáng chờ đón. Tuy nhiên, về sau ông viết: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận-biết Đức Chúa Jêsus-Christ là quí hơn hết”. (Phi-líp 3:7, 8) Đối với Phao-lô, sự giàu có mà ông đạt được qua Chúa Giê-su vượt quá bất cứ điều gì mà thế gian cung ứng. Tương tự thế, khi từ bỏ tham vọng ích kỷ và theo đuổi lối sống tin kính, chúng ta cũng có thể vui hưởng một đời sống giàu có trước mắt Đức Chúa Trời. Lời Đức Chúa Trời cam kết: “Phần thưởng của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống”.—Châm-ngôn 22:4.
Bạn có thể giải thích không?
• Người đàn ông trong minh họa của Chúa Giê-su có vấn đề gì?
• Tại sao Đức Chúa Trời gọi người đàn ông trong minh họa là kẻ dại?
• Giàu có nơi Đức Chúa Trời có nghĩa gì?
• Làm thế nào chúng ta có thể trở nên giàu có nơi Đức Chúa Trời?
[Hình nơi trang 26]
Tại sao Đức Chúa Trời gọi người giàu trong minh họa là kẻ dại?
[Hình nơi trang 27]
Cơ hội được thăng tiến có thể thật sự là một thử thách như thế nào?
[Hình nơi trang 28]
“Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có”