Dự tính của bạn có phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời?
Chim bổ hạt (Nucifraga columbiana) là loài chim biết hót và có bộ lông màu xám trắng. Người ta thường thấy chúng nhẹ nhàng bay qua các khu rừng ở miền tây của Bắc Mỹ. Hằng năm, chúng gom góp và chôn đến 33.000 hạt ở khoảng 2.500 vị trí khác nhau để chuẩn bị cho những tháng mùa đông lạnh giá. Thật vậy, cách chúng chuẩn bị cho tương lai cho thấy loài chim này “vốn rất khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 30:24.
Loài người sở hữu một khả năng đặc biệt hơn. Trong tất cả những tạo vật của Đức Giê-hô-va trên đất, loài người có khả năng tuyệt vời nhất để rút tỉa kinh nghiệm từ quá khứ và từ đó dự tính cho tương lai. Vị vua khôn ngoan là Sa-lô-môn đã viết: “Lòng con người ấp ủ bao dự tính”.—Châm-ngôn 19:21, Tòa Tổng Giám Mục.
Dù vậy, nói chung loài người không có lựa chọn nào khác ngoài việc dự tính dựa trên những gì họ đoán trước về tương lai. Chẳng hạn, những hoạt động bạn dự định làm ngày mai là do bạn đoán trước rằng ngày mai mặt trời sẽ mọc và bạn vẫn còn sống. Điều đầu là hiển nhiên, nhưng điều sau thì không chắc chắn bằng. Một người viết Kinh Thánh là Gia-cơ đã cho biết sự thật này: “Ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết!”.—Gia-cơ 4:13, 14.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời không có những giới hạn như thế. Ngài biết “sự cuối-cùng từ buổi đầu-tiên”. Thế nên, ý định của Ngài chắc chắn sẽ thành hiện thực. Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý” (Ê-sai 46:10). Dù thế, chuyện gì xảy ra khi những dự tính của loài người không phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời?
Khi loài người dự tính tương lai nhưng lờ đi ý định của Đức Chúa Trời
Khoảng 4.000 năm trước, những người xây tháp Ba-bên muốn giữ cả nhân loại sống trong cùng một khu vực. Họ nói với nhau rằng: “Nào! chúng ta hãy xây một cái thành và dựng lên một cái tháp, chót cao đến tận trời; ta hãy lo làm cho rạng danh, e khi phải tản-lạc khắp trên mặt đất”.—Sáng-thế Ký 11:4.
Tuy nhiên, ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất thì khác hẳn. Ngài đã ra lệnh cho Nô-ê và các con trai của ông như sau: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy trên mặt đất” (Sáng-thế Ký 9:1). Đức Chúa Trời đã làm gì với kế hoạch của những người phản nghịch ở thành Ba-bên? Ngài làm lộn xộn tiếng nói của họ để họ không thể nói chuyện với nhau được nữa. Kết quả là gì? “Từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất” (Sáng-thế Ký 11:5-8). Những người xây thành Ba-bên đã phải học một bài học quan trọng: “Ý-chỉ của Đức Giê-hô-va sẽ thành” ngay dù dự tính của loài người không phù hợp với ý định của Ngài (Châm-ngôn 19:21). Bài học này có tác động đến đời sống của bạn không?
Sai lầm của một người đàn ông giàu có
Có lẽ bạn không có kế hoạch xây một cái tháp, nhưng nhiều người ngày nay dự tính tạo một tài khoản lớn trong ngân hàng và tích lũy của cải để được hưởng nhàn khi về hưu. Một người muốn tận hưởng thành quả lao động là điều tự nhiên. Vua Sa-lô-môn viết: “Ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời”.—Truyền-đạo 3:13.
Chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mắt Đức Giê-hô-va về cách mình dùng “sự ban cho” này. Gần 2.000 năm trước, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh điểm này với các môn đồ khi ngài kể một minh họa. Chúa Giê-su nói: “Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm, người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản-vật. Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: Ta phá cả kho-tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu-trữ sản-vật và gia-tài vào đó; rồi sẽ nói với linh-hồn ta rằng: Linh-hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui-vẻ” (Lu-ca 12:16-19). Mục tiêu của người đàn ông giàu có này nghe có vẻ hợp lý, phải không? Giống như loài chim bổ hạt được đề cập ở trên, người đàn ông trong minh họa dường như đang chuẩn bị cho tương lai của mình.
Tuy nhiên, lối suy nghĩ của ông có khiếm khuyết. Chúa Giê-su nói tiếp: “Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh-hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của-cải ngươi đã sắm-sẵn sẽ thuộc về ai?” (Lu-ca 12:20). Chúa Giê-su có phản bác lời của vua Sa-lô-môn nói rằng công việc và thành quả lao động là sự ban cho của Đức Chúa Trời không? Không. Vậy Chúa Giê-su có ý gì? Chúa Giê-su nói: “Hễ ai thâu-trữ của cho mình mà không giàu-có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy”.—Lu-ca 12:21.
Chúa Giê-su dạy rằng chúng ta cần nghĩ đến Đức Giê-hô-va khi có những dự tính cho tương lai. Đó là điều phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời. Người đàn ông trong minh họa này có thể giàu có nơi Đức Chúa Trời qua việc tìm cách để gắn bó với Ngài, trở nên khôn ngoan hơn và yêu thương hơn. Nhưng những gì ông nói cho thấy rõ ông không quan tâm đến những điều đó. Dường như ông không để lại sản vật cho những người nghèo mót và cũng không dâng lễ vật cho Đức Giê-hô-va. Đời sống của người giàu ấy không có chỗ cho những mục tiêu liên quan đến việc phụng sự Đức Chúa Trời, và ông cũng không hề có những hành động bất vị kỷ, phù hợp với ý muốn Ngài. Những dự tính của ông chỉ xoay quanh ước muốn và sự an nhàn của bản thân.
Bạn có thấy nhiều người ngày nay cũng có những ưu tiên trong đời sống giống như người giàu trong minh họa của Chúa Giê-su không? Dù giàu hoặc nghèo, chúng ta đều dễ có lối suy nghĩ thiên về của cải vật chất, để cho những nhu cầu và ước muốn của đời sống hằng ngày lấn át nhu cầu phụng sự Đức Chúa Trời. Bạn có thể làm gì để tránh cạm bẫy đó?
Dự tính sống một cuộc đời “bình thường”
Không giống như người giàu trong minh họa của Chúa Giê-su, bạn có thể gặp khó khăn về kinh tế. Dù vậy, nếu đã kết hôn, chắc hẳn bạn vẫn phải có kế hoạch để cung cấp những điều cần thiết cho gia đình, và nếu có thể là một nền giáo dục tốt cho con cái. Nếu còn độc thân, hẳn bạn dự tính tìm một công việc hoặc tiếp tục công việc mình đang làm để không trở thành gánh nặng cho người khác. Đó đều là những mục tiêu đáng theo đuổi.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10-12; 1 Ti-mô-thê 5:8.
Dù vậy, làm việc, ăn và uống—sống cuộc đời mà người ta xem là bình thường—có thể khiến một người theo đuổi lối sống không phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời. Như thế nào? Chúa Giê-su cho biết: “Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,—và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy,—khi Con người đến cũng như vậy”.—Ma-thi-ơ 24:37-39.
Trước trận Đại Hồng Thủy, người ta nói chung vui hưởng những điều mà họ xem là đời thường. Tuy nhiên, vấn đề là họ không để ý đến ý định của Đức Chúa Trời, đó là Ngài sẽ dẹp sạch thế giới hung ác thời ấy bằng trận lụt toàn cầu. Chắc hẳn họ nghĩ Nô-ê có lối sống dị thường. Nhưng khi trận lụt ập đến, rõ ràng Nô-ê và gia đình ông đã có lối sống thật sự khôn ngoan.
Ngày nay, chúng ta có đủ bằng chứng cho thấy mình đang sống trong thời kỳ cuối cùng (Ma-thi-ơ 24:3-12; 2 Ti-mô-thê 3:1-5). Chẳng bao lâu nữa, Nước Đức Chúa Trời sẽ “đánh tan và hủy-diệt” thế giới hiện nay (Đa-ni-ên 2:44). Dưới sự cai trị của Nước Trời, cả trái đất sẽ biến thành địa đàng. Nước Trời sẽ loại trừ bệnh tật và sự chết (Ê-sai 33:24; Khải-huyền 21:3-5). Tất cả những tạo vật trên đất sẽ sống hòa hợp với nhau và có đầy đủ thức ăn.—Thi-thiên 72:16; Ê-sai 11:6-9.
Tuy nhiên, trước khi hành động, Đức Giê-hô-va muốn tin mừng về Nước của Ngài phải “được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân” (Ma-thi-ơ 24:14). Phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời, khoảng bảy triệu Nhân Chứng Giê-hô-va đang rao truyền tin mừng này trên 236 nước và hải đảo, và trong hơn 400 ngôn ngữ.
Theo quan điểm của những người thế gian, trong một số khía cạnh nào đó, Nhân Chứng Giê-hô-va dường như có lối sống lạ thường, thậm chí là lố bịch (2 Phi-e-rơ 3:3, 4). Giống như những người sống trước trận Đại Hồng Thủy, hầu hết người ta ngày nay đều quá bận rộn với cuộc sống thường nhật. Những ai sống khác với những gì xã hội xem là bình thường đều bị cho là thiếu thăng bằng. Nhưng theo quan điểm của những người tin cậy nơi lời hứa của Đức Chúa Trời, đời sống tập trung vào việc phụng sự Ngài mới thật sự là thăng bằng.
Vì thế, dù bạn giàu hay nghèo hoặc vừa đủ sống, thường xuyên xem lại những dự tính của mình cho tương lai trước mắt là điều khôn ngoan. Khi làm thế, bạn hãy tự hỏi: “Dự tính của tôi có phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời không?”.
[Hình nơi trang 11]
“Ý-chỉ của Đức Giê-hô-va sẽ thành” ngay dù dự tính của loài người không phù hợp với ý định của Ngài
[Hình nơi trang 12]
Khi dự tính cho tương lai, người giàu trong minh họa của Chúa Giê-su đã không nghĩ đến ý định của Đức Chúa Trời