Sự sống đời đời trên đất—Hy vọng của tín đồ Đấng Christ?
“[Đức Chúa Trời] sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết”.—KHẢI 21:4.
1, 2. Làm sao chúng ta biết nhiều người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất nuôi hy vọng sống đời đời trên đất?
Một người trẻ tuổi giàu sang, có địa vị, chạy đến quỳ trước mặt Chúa Giê-su và hỏi: “Thưa thầy nhân-lành, tôi phải làm chi cho được hưởng sự sống đời đời?” (Mác 10:17). Người này hỏi về việc được hưởng sự sống đời đời, nhưng ở đâu? Như chúng ta đã thảo luận trong bài trước, nhiều thế kỷ trước đó, Đức Chúa Trời đã ban cho người Do Thái hy vọng về sự sống lại và sống đời đời trên đất. Nhiều người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất vẫn nuôi hy vọng ấy.
2 Bạn của Chúa Giê-su là Ma-thê dường như nghĩ đến sự sống lại trên đất khi nói về người anh quá cố: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối-cùng, anh tôi sẽ sống lại” (Giăng 11:24). Đúng là người Sa-đu-sê vào thời đó không tin nơi sự sống lại (Mác 12:18). Thế nhưng, trong sách Đạo Do Thái trong những thế kỷ đầu công nguyên (Judaism in the First Centuries of the Christian Era), tác giả George Foot Moore nói: “Các tài liệu... vào thế kỷ thứ hai hoặc thứ nhất trước công nguyên xác nhận niềm tin rằng vào một bước ngoặt trong lịch sử mà người ta mong đợi, người chết thuộc về những thế hệ trước sẽ được sống lại trên đất”. Người trẻ tuổi giàu có đến với Chúa Giê-su muốn nhận được sự sống đời đời trên đất.
3. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?
3 Ngày nay, nhiều tôn giáo và học giả Kinh Thánh cho rằng hy vọng sống đời đời trên đất không phải là sự dạy dỗ của đạo Đấng Christ. Hầu hết người ta hy vọng sau khi chết họ sẽ sống ở cõi thần linh. Vì thế, khi đọc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp và gặp cụm từ “sự sống đời đời”, nhiều người nghĩ rằng nó luôn ám chỉ đời sống trên thiên đàng. Điều đó có đúng không? Chúa Giê-su có ý gì khi ngài nói đến sự sống đời đời? Các môn đồ ngài tin gì? Phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp có nói về hy vọng sống đời đời trên đất không?
Sự sống đời đời trong “kỳ muôn vật đổi mới”
4. Điều gì sẽ diễn ra trong “kỳ muôn vật đổi mới”?
4 Kinh Thánh dạy rằng tín đồ Đấng Christ được xức dầu sẽ sống lại ở trên trời để cai trị trái đất (Lu 12:32; Khải 5:9, 10; 14:1-3). Tuy nhiên, khi Chúa Giê-su nói về sự sống đời đời, ngài không luôn luôn chỉ nghĩ đến nhóm người đó. Hãy xem những gì Chúa Giê-su nói với các môn đồ sau khi người trai trẻ giàu có rầu rĩ bỏ đi lúc ngài bảo ông bán hết gia tài và mời ông trở thành môn đồ ngài. (Đọc Ma-thi-ơ 19:28, 29). Chúa Giê-su nói cho các sứ đồ biết họ sẽ ở trong số những người cai trị với tư cách là vua và xét đoán “mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên”, tức nhân loại không kể lớp người làm vua (1 Cô 6:2). Ngài cũng nói đến phần thưởng “hễ ai” theo ngài sẽ nhận được. Đó là họ sẽ “hưởng sự sống đời đời”. Tất cả những điều này sẽ diễn ra trong “kỳ muôn vật đổi mới”.
5. Bạn định nghĩa cụm từ “kỳ muôn vật đổi mới” như thế nào?
5 Chúa Giê-su có ý gì khi nói về “kỳ muôn vật đổi mới”? Cụm từ này được dịch là “thời đại mới” trong Bản Dịch Mới. Nó cũng được dịch là “kỳ phục-hưng” trong bản Ghi-đê-ôn. Vì Chúa Giê-su dùng cụm từ này mà không giải thích gì thêm, rõ ràng ngài nói đến điều mà người Do Thái hy vọng hàng thế kỷ. Đó là sẽ có kỳ đổi mới trên đất khi muôn vật trở lại tình trạng tốt đẹp như trong vườn Ê-đen, trước khi A-đam và Ê-va phạm tội. Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa “dựng trời mới đất mới” trong kỳ muôn vật đổi mới.—Ê-sai 65:17.
6. Minh họa về chiên và dê dạy chúng ta điều gì về hy vọng sống đời đời?
6 Trong bài giảng nói về sự cuối cùng của thế gian này, một lần nữa, Chúa Giê-su cho biết về sự sống đời đời (Mat 24:1-3). Ngài nói: “Khi Con người ngự trong sự vinh-hiển mình mà đến với các thiên-sứ thánh, thì Ngài sẽ ngồi trên ngôi vinh-hiển của Ngài. Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài, rồi Ngài sẽ chia người nầy với người khác ra, như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra”. Những ai bị phán xét bất lợi “sẽ vào hình-phạt đời đời, còn những người công-bình sẽ vào sự sống đời đời”. “Những người công-bình” nhận được sự sống đời đời là những người trung thành ủng hộ “anh em” được xức dầu của Đấng Christ (Mat 25:31-34, 40, 41, 45, 46). Vì những “anh em” này của Chúa Giê-su được chọn để cai trị trong Nước Trời, nên “những người công-bình” hẳn là thần dân trên đất của Nước ấy. Kinh Thánh báo trước Vua được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm sẽ có thần dân “từ biển nầy tới biển kia, từ sông cho đến cùng trái đất” (Thi 72:8). Những thần dân này sẽ vui hưởng sự sống đời đời trên đất.
Sách Phúc âm Giăng cho biết điều gì?
7, 8. Khi nói với Ni-cô-đem, Chúa Giê-su đề cập đến hai hy vọng nào?
7 Như được ghi trong các sách Phúc âm của Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca, Chúa Giê-su dùng cụm từ “sự sống đời đời” trong những trường hợp nói trên. Sách Phúc âm theo Giăng trích những lời của Chúa Giê-su về sự sống đời đời đến 17 lần. Chúng ta hãy xem xét vài trường hợp trong các lần ấy để thấy Chúa Giê-su nói gì về hy vọng sống đời đời trên đất.
8 Theo Giăng, lần đầu tiên Chúa Giê-su nói về sự sống đời đời là với người Pha-ri-si tên Ni-cô-đem. Ngài nói với ông: ‘Nếu một người chẳng nhờ nước và thánh-linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời’. Những người được vào Nước Trời phải “sanh lại” (Giăng 3:3-5). Chúa Giê-su không dừng lại ở đó. Ngài còn nói về hy vọng mở ra cho toàn thể nhân loại. (Đọc Giăng 3:16). Chúa Giê-su đề cập đến hy vọng sống đời đời cho những môn đồ được chọn để lên trời và cho những người khác sẽ sống trên đất.
9. Chúa Giê-su nói với người đàn bà Sa-ma-ri về hy vọng nào?
9 Sau khi nói chuyện với Ni-cô-đem ở Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su đi lên phía bắc, hướng về Ga-li-lê. Trên đường, ngài gặp một người đàn bà tại giếng Gia-cốp, gần thành Si-kha, xứ Sa-ma-ri. Ngài nói với bà: “[Ai] uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời” (Giăng 4:5, 6, 14). Nước trong câu này tượng trưng cho những sắp đặt của Đức Chúa Trời để khôi phục sự sống đời đời cho toàn thể nhân loại. Sách Khải-huyền miêu tả Đức Chúa Trời là Đấng ngự trên ngôi và phán: “Kẻ nào khát, ta sẽ lấy nước suối sự sống mà ban cho nhưng không” (Khải 21:5, 6; 22:17). Vì vậy, sự sống đời đời mà Chúa Giê-su nói với người đàn bà Sa-ma-ri không những dành riêng cho những người được xức dầu để thừa hưởng Nước Trời, mà còn cho những người tin nơi Đức Chúa Trời có hy vọng sống trên đất.
10. Sau khi chữa lành một người tại ao Bê-tết-đa, Chúa Giê-su đã nói gì về sự sống đời đời với những người Do Thái chống đối?
10 Năm sau, Chúa Giê-su lại đến Giê-ru-sa-lem. Ở đấy, ngài chữa lành cho một người tại ao Bê-tết-đa. Đối với những người Do Thái chỉ trích việc làm của ngài, Chúa Giê-su giải thích: “Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm”. Sau khi cho họ biết Cha “đã giao trọn quyền phán-xét cho Con”, Chúa Giê-su phán: “Ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời”. Ngài cũng nói: “Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ-mả nghe tiếng [Con người] và ra khỏi; ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét-đoán” (Giăng 5:1-9, 19, 22, 24-29). Trong những câu này, Chúa Giê-su nói với những người Do Thái chống đối rằng ngài được Đức Chúa Trời chọn để thực hiện hy vọng sống đời đời trên đất của dân Do Thái; và cũng cho họ biết ngài sẽ thực hiện hy vọng đó bằng cách làm người chết sống lại.
11. Làm sao chúng ta biết những điều Chúa Giê-su nói nơi Giăng 6:48-51 bao hàm hy vọng sống đời đời trên đất?
11 Tại Ga-li-lê, hàng ngàn người bắt đầu đi theo Chúa Giê-su vì muốn nhận bánh ngài làm qua phép lạ. Chúa Giê-su nói với họ về một loại bánh khác, “bánh của sự sống”. (Đọc Giăng 6:40, 48-51). Ngài phán: “Bánh mà ta sẽ ban cho... là thịt ta”. Chúa Giê-su hy sinh mạng sống không chỉ cho những người sẽ cùng ngài cai trị trong Nước Trời mà còn “vì sự sống của thế-gian”, tức mọi người có thể cứu chuộc. “Nếu ai ăn bánh ấy”, tức biểu lộ đức tin nơi quyền chuộc tội của sự hy sinh mà Chúa Giê-su đã thực hiện, người đó sẽ có triển vọng sống đời đời. Thật vậy, khi Chúa Giê-su đề cập đến sự “sống vô-cùng”, điều ấy bao hàm niềm tin đã có từ lâu của người Do Thái về sự sống đời đời trên đất trong triều đại của Đấng Mê-si.
12. Khi nói với những người chống đối rằng ‘ngài ban cho chiên của ngài sự sống đời đời’, Chúa Giê-su đề cập đến hy vọng nào?
12 Sau đó, trong buổi kỷ niệm Lễ Khánh Thành đền thờ Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su nói với những người chống đối ngài: “Các ngươi không tin ta, vì các ngươi chẳng phải là chiên của ta. Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời” (Giăng 10:26-28). Có phải Chúa Giê-su chỉ nói đến sự sống ở trên trời, hay ngài cũng nghĩ đến sự sống đời đời trong địa đàng? Trước đó không lâu, ngài đã trấn an các môn đồ: “Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước thiên-đàng” (Lu 12:32). Tuy nhiên, vào buổi lễ ấy, Chúa Giê-su nói: “Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng nầy; ta cũng phải dẫn nó về nữa” (Giăng 10:16). Vì vậy, khi nói với những kẻ chống đối, lời của Chúa Giê-su bao hàm hy vọng sống trên trời dành cho “bầy nhỏ” lẫn hy vọng sống đời đời trên đất dành cho hàng triệu “chiên khác”.
Một hy vọng không cần giải thích
13. Khi nói: “Ngươi sẽ ở với ta trong Địa Đàng”, Chúa Giê-su có ý gì?
13 Trong khi chịu đau đớn cùng cực trên cây khổ hình, Chúa Giê-su đã xác nhận hy vọng của nhân loại một cách rõ ràng mà không ai bác bỏ được. Một phạm nhân bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giê-su xin ngài khi vào vương quốc của ngài thì hãy nhớ đến ông. Chúa Giê-su hứa: “Quả thật, ta nói cùng ngươi hôm nay, ngươi sẽ ở với ta trong Địa Đàng” (Lu 23:43, NW). Vì dường như ông này là người Do Thái nên không cần được giải thích về Địa Đàng. Ông đã biết về hy vọng sống đời đời trên đất trong tương lai.
14. (a) Điều gì cho thấy những lời Chúa Giê-su nói về hy vọng được lên trời là khó hiểu đối với các sứ đồ? (b) Khi nào các môn đồ Chúa Giê-su hiểu rõ hy vọng được lên trời?
14 Tuy nhiên, điều cần được giải thích là hy vọng được lên trời mà Chúa Giê-su nói đến. Khi phán với các môn đồ về việc ngài lên trời để chuẩn bị cho họ một chỗ, họ đã không hiểu ý ngài. (Đọc Giăng 14:2-5). Sau đó, ngài nói: “Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật” (Giăng 16:12, 13). Chỉ sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khi Đức Chúa Trời dùng thánh linh chọn họ làm vua tương lai, các môn đồ Chúa Giê-su mới biết rõ ngai của họ sẽ ở trên trời (1 Cô 15:49; Cô 1:5; 1 Phi 1:3, 4). Hy vọng hưởng cơ nghiệp trên trời là sự tiết lộ của Đức Chúa Trời, và điều đó là trọng tâm của các lá thư được soi dẫn trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Nhưng, những lá thư này có xác nhận hy vọng sống đời đời trên đất của nhân loại không?
Những lá thư được soi dẫn cho biết gì?
15, 16. Thư gửi tín hữu người Hê-bơ-rơ và những lời của Phi-e-rơ ám chỉ hy vọng sống đời đời trên đất như thế nào?
15 Trong thư gửi tín hữu người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô nói họ là “anh em thánh, là kẻ dự phần ơn trên trời gọi”. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng Đức Chúa Trời đã giao cho Chúa Giê-su “thế-gian hầu đến” (Hê 2:3, 5; 3:1). Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ được dịch là “thế-gian” nơi câu này (oi·kou·meʹne) luôn có nghĩa trái đất có người ở. Vì thế, “thế-gian hầu đến” là xã hội loài người sống trên đất trong tương lai, dưới sự cai trị của Chúa Giê-su. Bấy giờ, ngài sẽ hoàn thành lời Đức Chúa Trời hứa: “Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.—Thi 37:29.
16 Sứ đồ Phi-e-rơ cũng được soi dẫn để viết về tương lai nhân loại. Ông viết: “Trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán-xét và hủy-phá kẻ ác” (2 Phi 3:7). Điều gì sẽ thay thế “trời”, tức các chính phủ loài người, và “đất”, tức xã hội gian ác hiện tại? (Đọc 2 Phi-e-rơ 3:13). Hai điều này sẽ được thay thế bằng “trời mới”, tức Nước của Đấng Mê-si, và “đất mới”, tức xã hội những người công bình thờ phượng Đức Chúa Trời.
17. Niềm hy vọng của nhân loại được miêu tả thế nào nơi Khải-huyền 21:1-4?
17 Sự hiện thấy được ghi lại trong sách cuối cùng của Kinh Thánh về việc loài người trở lại tình trạng hoàn toàn làm chúng ta xúc động. (Đọc Khải-huyền 21:1-4). Đây là hy vọng mà những người tin nơi Đức Chúa Trời đã ấp ủ kể từ khi loài người đánh mất sự hoàn toàn trong vườn Ê-đen. Những người có lòng ngay thẳng sẽ sống vĩnh cửu và trẻ mãi trong địa đàng. Hy vọng này có cơ sở vững chắc dựa trên phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ lẫn phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Hy vọng đó tiếp tục làm vững mạnh những người trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến nay.—Khải 22:1, 2.
Bạn giải thích thế nào?
• Chúa Giê-su có ý gì khi nói về “kỳ muôn vật đổi mới”?
• Chúa Giê-su nói về điều gì với Ni-cô-đem?
• Chúa Giê-su hứa điều gì với phạm nhân bị đóng đinh gần ngài?
• Hy vọng sống đời đời trên đất được xác nhận như thế nào trong thư gửi tín hữu người Hê-bơ-rơ và những lời của Phi-e-rơ?
[Hình nơi trang 8]
Những người giống như chiên sẽ sống đời đời trên đất
[Các hình nơi trang 10]
Chúa Giê-su nói với người khác về sự sống đời đời