Hãy noi theo đức tin của họ
Bà trải lòng với Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện
Bà An-ne bận rộn chuẩn bị cho chuyến đi, cố gắng không nghĩ đến vấn đề của mình. Đó nên là một dịp đầy vui mừng. Theo thông lệ hằng năm, ông Ên-ca-na, chồng bà, dẫn cả gia đình đi thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời tại đền tạm Si-lô. Ngài muốn đó là những dịp vui vẻ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:15). Chắc chắn, từ nhỏ bà An-ne đã rất hân hoan đến các lễ này. Thế nhưng, một số điều đã thay đổi trong những năm gần đấy.
Bà An-ne được ban phước có một người chồng yêu thương mình. Tuy nhiên, ông Ên-ca-na cũng có người vợ khác là Phê-ni-na. Dường như bà chỉ có mục đích là làm cho An-ne khổ sở. Ngay cả vào những dịp lễ hằng năm này, Phê-ni-na cũng tìm cách khiến bà An-ne đau khổ. Những cách đó là gì? Điều quan trọng hơn là làm sao đức tin của An-ne nơi Đức Giê-hô-va đã giúp bà đương đầu với tình huống gần như bế tắc? Nếu đối phó với thử thách làm mất đi niềm vui trong đời sống, bạn có thể thấy câu chuyện về bà An-ne vô cùng cảm động.
‘Sao lòng nàng buồn-bực dường ấy?’
Kinh Thánh cho biết hai vấn đề nghiêm trọng trong cuộc đời của bà An-ne. Đối với vấn đề thứ nhất, bà chỉ kiểm soát được chút ít, còn vấn đề thứ hai thì bà không làm được gì cả. Điều đầu tiên là bà vướng vào cuộc hôn nhân đa thê, người vợ thứ rất ghét bà. Điều thứ hai là bà bị hiếm muộn. Đó là tình huống khó khăn cho bất cứ người vợ nào muốn sinh con. Nhưng theo phong tục vào thời bà An-ne, điều đó rất khổ tâm. Mỗi gia đình phải có con cháu để nối dõi. Hiếm muộn dường như bị xem là đáng xấu hổ và bị coi khinh.
Nếu không có Phê-ni-na, có lẽ bà An-ne đã chịu đựng được cảnh ngộ ấy. Tục đa thê không bao giờ là điều lý tưởng. Sự kình địch, xung đột và đau khổ rất thông thường. Thực hành ấy khác xa với tiêu chuẩn một vợ một chồng mà Đức Chúa Trời đã lập trong vườn Ê-đena (Sáng-thế Ký 2:24). Vì thế, Kinh Thánh vẽ nên một bức tranh ảm đạm về tục đa thê, và cuộc sống cay đắng trong gia đình ông Ên-ca-na chỉ là một nét cọ của toàn thể bức tranh đó.
Kinh Thánh cho chúng ta biết Ên-ca-na yêu An-ne nhất. Theo truyền thống người Do Thái, ông kết hôn với bà An-ne trước, rồi vài năm sau mới lấy Phê-ni-na. Dù gì đi nữa, Phê-ni-na (rất ganh tị với An-ne) đã tìm nhiều cách khiến địch thủ của mình đau khổ. Phê-ni-na có lợi thế hơn bà An-ne rất nhiều vì có thể sinh con. Phê-ni-na sinh hết đứa con này đến đứa con khác. Sau mỗi lần sinh, bà càng kiêu ngạo. Thay vì cảm thông với An-ne và an ủi bà, Phê-ni-na lại lợi dụng vấn đề nhạy cảm ấy. Kinh Thánh nói rằng Phê-ni-na nhiều lần chọc tức An-ne “để hạ nhục bà” (1 Sa-mu-ên 1:6, Bản Dịch Mới). Hành động của Phê-ni-na là cố ý. Bà muốn làm tổn thương An-ne và đã thành công.
Dường như cơ hội mà Phê-ni-na thích nhất là thời điểm hằng năm đi đến Si-lô. Ên-ca-na chia phần cho nhiều “con trai và con gái” của Phê-ni-na để họ dâng tế lễ cho Đức Giê-hô-va. Nhưng bà An-ne son sẻ chỉ nhận được phần của mình. Sau đó, Phê-ni-na lên mặt với bà An-ne, nhắc về sự hiếm muộn đến nỗi người đàn bà đáng thương ấy khóc lóc và chẳng thiết ăn. Chắc chắn ông Ên-ca-na thấy người vợ yêu dấu của mình đau buồn và không ăn gì, vì thế ông cố an ủi bà. Ông hỏi: “Hỡi An-ne, sao nàng khóc? Cớ sao không ăn và lòng buồn-bực dường ấy? Ta há chẳng đáng cho nàng hơn mười đứa con trai ư?”.—1 Sa-mu-ên 1:4-8.
Điều đáng khen là ông Ên-ca-na nhận thức được nỗi u buồn của bà An-ne khi không có con. Bà An-ne chắc chắn quý lời nói khẳng định tình yêu của ông với bàb. Nhưng ông Ên-ca-na không để ý đến ác tâm của bà Phê-ni-na, Kinh Thánh cũng không cho biết bà An-ne có nói với chồng điều đó không. Có lẽ bà thấy phơi bày sự việc của Phê-ni-na chỉ làm cho tình cảnh của bà tệ hơn. Liệu ông Ên-ca-na có thay đổi được sự việc không? Chẳng phải Phê-ni-na càng căm ghét bà An-ne hơn, rồi con cái bà cùng mấy người đầy tớ cũng đối xử như thế sao? Có lẽ bà An-ne sẽ ngày càng cảm thấy người trong nhà ruồng bỏ mình.
Dù ông Ên-ca-na có biết mọi điều về sự hèn hạ của Phê-ni-na hay không, nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời thấy hết mọi việc. Lời Ngài tiết lộ tất cả, qua đó đưa ra lời cảnh báo nghiêm ngặt cho những ai hành động xấu xa, ghen ghét và xem nhẹ điều đó. Mặt khác, người vô tội và hiếu hòa như An-ne có thể tìm được sự an ủi khi biết rằng Đức Chúa Trời của sự công bình sẽ giải quyết mọi vấn đề vào đúng lúc và theo đúng cách của Ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Có lẽ bà An-ne cũng biết điều này vì bà cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ.
“Chẳng còn ra ưu-sầu nữa”
Vào sáng sớm, cả gia đình ông Ên-ca-na đều rất nhộn nhịp. Mọi người, ngay cả con trẻ, đã sẵn sàng lên đường. Đại gia đình này phải đi hơn 30km từ quê nhà băng qua vùng đồi núi Ép-ra-im rồi đến Si-lôc. Chuyến đi bộ kéo dài một hoặc hai ngày. Bà An-ne biết kình địch của mình sẽ ra tay thế nào. Tuy nhiên, bà đã không ở nhà. Vì thế, bà nêu một gương mẫu tuyệt vời cho những người thờ phượng Đức Chúa Trời ngày nay. Để cho hành vi sai trái của người khác ngăn cản mình thờ phượng Đức Chúa Trời luôn là điều thiếu khôn ngoan. Nếu thế, chúng ta sẽ mất ân phước giúp mình tiếp tục chịu đựng.
Sau một ngày dài đi trên những con đường đồi núi quanh co, cuối cùng đại gia đình này cũng tới gần thành Si-lô. Thành đó nằm trên một ngọn đồi, xung quanh là những ngọn núi cao. Khi sắp đến, có lẽ bà An-ne suy nghĩ nhiều về những điều bà sẽ nói với Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện của mình. Lúc đã tới thành, cả gia đình cùng ăn với nhau. Ngay khi có thể, bà An-ne tách ra và đi lên đền tạm của Đức Giê-hô-va. Thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li đang có mặt tại đó, ngồi gần cửa đền tạm. Tuy nhiên, tâm trí bà chỉ nghĩ đến Đức Chúa Trời. Tại đền tạm, bà tin chắc lời cầu nguyện của mình sẽ được lắng nghe. Nếu không ai hiểu được cảnh ngộ của bà, thì Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, sẽ thấu hiểu. Vì thế, bà tuôn trào nỗi lòng và bắt đầu rơi lệ.
Trong lúc nức nở, bà An-ne thầm cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Khi tâm trí bà nghĩ đến những từ diễn tả nỗi đau, môi bà mấp máy. Bà cầu nguyện rất lâu, trải lòng mình với Cha trên trời. Tuy nhiên, bà không chỉ xin Đức Chúa Trời xóa đi nỗi tuyệt vọng không sinh được con cũng không chỉ muốn nhận được ân phước của Ngài, mà còn ao ước dâng cho Ngài những gì mình có. Vì thế, bà đã khấn nguyện rằng nếu sinh được một người con trai, bà sẽ dâng con để nó trọn đời phụng sự Đức Giê-hô-va.—1 Sa-mu-ên 1:9-11.
Vì thế, bà An-ne đã nêu gương cho tất cả những người thờ phượng Đức Chúa Trời về việc cầu nguyện. Đức Giê-hô-va nhân từ mời gọi dân Ngài nói chuyện cởi mở với Ngài, không e dè, nhưng trút hết những nỗi lo lắng với Ngài như một đứa trẻ tin tưởng cha mẹ đầy yêu thương (Thi-thiên 62:8; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Sứ đồ Phi-e-rơ được Đức Chúa Trời hướng dẫn viết những lời an ủi về việc cầu nguyện: “Hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em”.—1 Phi-e-rơ 5:7.
Tuy nhiên, loài người không thương cảm và thấu cảm như Đức Giê-hô-va. Khi bà An-ne vừa khóc vừa cầu nguyện, một giọng nói làm bà giật mình. Đó là Hê-li, thầy tế lễ thượng phẩm, ông đang quan sát bà. Ông hỏi: “Chừng nào nàng mới hết say? Hãy đi giã rượu đi”. Hê-li thấy môi An-ne mấp máy, khóc nức nở và xúc động. Thay vì hỏi bà có vấn đề gì, ông vội kết luận bà say rượu.—1 Sa-mu-ên 1:12-14.
Trong giây phút khổ não ấy, bà An-ne đau lòng biết bao trước lời buộc tội vô căn cứ của một người có vị trí cao trọng! Tuy nhiên, một lần nữa bà đã nêu gương xuất sắc về đức tin. Bà không để sự khiếm khuyết của một người cản trở bà thờ phượng Đức Giê-hô-va. Bà kính trọng trả lời ông Hê-li và giải thích hoàn cảnh của mình. Có lẽ ông đã nhận ra mình sai nên ôn tồn nói: “Hãy đi bình-yên, nguyện Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên nhậm lời nàng đã cầu-xin cùng Ngài!”.—1 Sa-mu-ên 1:15-17.
Việc trải lòng với Đức Giê-hô-va và thờ phượng Ngài tại đền tạm đã tác động đến bà An-ne thế nào? Kinh Thánh cho biết: “Người nữ lui ra, ăn, và nét mặt nàng chẳng còn ra ưu-sầu nữa” (1 Sa-mu-ên 1:18). Bà An-ne cảm thấy thanh thản. Như thể bà đã trao những cảm xúc đã đè nặng mình cho một Đấng mạnh mẽ và vĩ đại hơn bà rất nhiều, đó là Cha trên trời (Thi-thiên 55:22). Có vấn đề nào quá nặng nề đối với Ngài không? Chắc chắn không, dù vào thời đó, thời nay và mãi mãi về sau cũng thế!
Khi cảm thấy lòng trĩu nặng, kiệt sức với nỗi buồn, chúng ta nên noi theo gương của bà An-ne, trải lòng với Đấng mà Kinh Thánh gọi là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” (Thi-thiên 65:2). Nếu làm thế với đức tin, chúng ta cũng có thể cảm nhận nỗi buồn của mình được thay bằng “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết”.—Phi-líp 4:6, 7.
“Không có hòn đá nào như Đức Chúa Trời của chúng ta”
Sáng hôm sau, bà An-ne trở lại đền tạm với ông Ên-ca-na. Bà có lẽ đã nói với ông về lời cầu xin và sự khấn nguyện của mình vì theo Luật pháp Môi-se, người chồng có quyền hủy lời hứa nguyện của người vợ khi chưa có sự đồng ý của chồng (Dân-số Ký 30:10-15). Nhưng người đàn ông trung thành ấy đã không làm như thế. Thay vì vậy, ông và bà An-ne thờ phượng Đức Giê-hô-va tại đền tạm trước khi lên đường về nhà.
Khi nào Phê-ni-na nhận ra bà không còn khiến bà An-ne đau buồn được nữa? Kinh Thánh không cho biết, nhưng cụm từ “chẳng còn ra ưu-sầu nữa” cho thấy bà An-ne đã lên tinh thần. Dù gì đi nữa, Phê-ni-na sớm nhận ra rằng sự hận thù của mình không còn hiệu quả và Kinh Thánh không còn đề cập đến bà.
Nhiều tháng trôi qua, giờ đây lòng bà An-ne như vỡ tung. Bà đã có thai! Trong nỗi vui mừng, bà An-ne không quên được ân phước này đến từ đâu. Khi đứa bé chào đời, bà đặt tên là Sa-mu-ên, trong tiếng Do Thái nguyên thủy có nghĩa “Danh của Đức Chúa Trời”, điều này rõ ràng ám chỉ đến việc kêu cầu danh Ngài như bà An-ne đã làm. Vào năm đó, bà không đi với Ên-ca-na và gia đình đến Si-lô mà ở nhà với con trong ba năm cho đến khi con bà dứt sữa. Rồi bà thu hết nghị lực cho ngày bà sẽ rời xa đứa con yêu dấu của mình.
Cuộc chia ly thật không dễ dàng. Dĩ nhiên, An-ne biết rằng Sa-mu-ên sẽ được chăm sóc tốt tại Si-lô, có lẽ do các người nữ tại đền tạm nuôi nấng. Tuy nhiên, vì Sa-mu-ên còn quá nhỏ nên chẳng phải trong hoàn cảnh đó, bất cứ người mẹ nào cũng muốn ở bên con mình sao? Nhưng An-ne và Ên-ca-na đã đem con mình đến đó, không phải vì bị bắt buộc nhưng để tỏ lòng biết ơn. Họ dâng tế lễ tại nhà của Đức Chúa Trời và đưa Sa-mu-ên đến trình diện Hê-li, nhắc ông nhớ lại lời thề của An-ne ba năm trước đó.
Sau đó, bà An-ne thốt ra lời cầu nguyện mà Đức Chúa Trời thấy rằng đáng được ghi lại trong Lời của Ngài. Khi đọc những lời của bà An-ne nơi 1 Sa-mu-ên 2:1-10, bạn sẽ thấy đức tin mạnh mẽ của bà truyền đạt qua từng dòng chữ. Bà ngợi khen Đức Giê-hô-va vì cách Ngài dùng quyền năng rất tuyệt vời: Ngài có khả năng vô song để khiến người kiêu ngạo trở nên khiêm nhường, ban phước cho người bị áp bức, kết liễu đời sống hoặc ngay cả làm sống lại. Bà ca ngợi Cha trên trời vì sự thánh khiết độc nhất vô nhị, công bình và trung tín của Ngài. Với những lý do chính đáng đó, bà có thể nói: “Không có hòn đá nào như Đức Chúa Trời của chúng ta”. Đức Giê-hô-va hoàn toàn đáng tin cậy, không thay đổi, là nơi nương náu cho những người bị áp bức và bị chà đạp, những người cầu xin sự giúp đỡ của Ngài.
Cậu bé Sa-mu-ên chắc chắn quý người mẹ có đức tin mạnh nơi Đức Giê-hô-va. Chắc chắn khi lớn khôn, ông vẫn nhớ mẹ và không bao giờ cảm thấy mẹ quên mình. Hằng năm, bà An-ne trở lại Si-lô, đem đến cho con một cái áo dài nhỏ không tay để dùng cho việc phụng sự tại đền tạm. Mỗi đường kim mũi chỉ thể hiện tình yêu thương và sự chăm lo của bà dành cho con mình (1 Sa-mu-ên 2:19). Chúng ta có thể hình dung bà mặc áo mới cho con, sửa lại ngay ngắn, trìu mến nhìn con và nói những lời nhân từ, khích lệ. Sa-mu-ên thật có phước vì có người mẹ như thế và khi khôn lớn, ông là nguồn phước cho cha mẹ cùng cả nước Y-sơ-ra-ên.
Về phần An-ne, bà cũng không bị lãng quên. Đức Giê-hô-va ban phước cho bà sinh thêm năm đứa con nữa cho ông Ên-ca-na (1 Sa-mu-ên 2:21). Có lẽ ân phước lớn nhất của bà là mối quan hệ với Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, ngày càng gắn bó hơn qua năm tháng. Mong sao khi noi theo đức tin của bà An-ne, bạn cũng được như thế.
[Chú thích]
a Để biết tại sao Đức Chúa Trời cho phép dân Ngài sống đa thê một thời gian, xin xem bài “Đức Chúa Trời có chấp nhận tục đa thê không?” đăng trong Tháp Canh ngày 1-7-2009, trang 30.
b Dù Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va “khiến cho [bà An-ne] son-sẻ”, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Ngài không hài lòng với người phụ nữ khiêm nhường và trung thành này (1 Sa-mu-ên 1:5). Đôi khi, Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời làm một số sự việc, chỉ có nghĩa Ngài cho phép điều đó xảy ra trong một thời gian.
c Nếu quê nhà của ông Ên-ca-na là thành Ra-ma, nơi vào thời Chúa Giê-su gọi là A-ri-ma-thê, thì quãng đường ấy có lẽ chính xác.
[Khung nơi trang 17]
Hai lời cầu nguyện ấn tượng
Hai lời cầu nguyện của bà An-ne, được ghi lại nơi 1 Sa-mu-ên 1:11 và 2:1-10, có nhiều đặc điểm nổi bật. Chúng ta hãy xem xét vài điểm:
◼ Trong lời cầu nguyện đầu tiên, bà An-ne dùng tước hiệu “Đức Giê-hô-va của vạn-quân”. Bà là người đầu tiên mà Kinh Thánh ghi lại đã dùng tước hiệu đó. Trong bản Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, tước hiệu này xuất hiện 258 lần và ám chỉ Đức Giê-hô-va lãnh đạo muôn vàn con thần linh.
◼ Hãy lưu ý lời cầu nguyện thứ hai của bà An-ne thốt ra không vào dịp bà sinh con, mà vào lúc bà cùng chồng dâng con để phụng sự Đức Chúa Trời tại Si-lô. Qua đó cho thấy niềm vui khôn xiết của bà An-ne, không phải vì làm cho bà Phê-ni-na im tiếng, nhưng vì được Đức Giê-hô-va ban phước.
◼ Khi bà An-ne nói: “Ngước sừng nhìn Chân Chúa”, bà có lẽ nghĩ đến hình ảnh con bò, con vật có sức thồ được vật nặng và dùng sừng một cách dũng mãnh. Như thể bà nói: “Đức Giê-hô-va khiến tôi mạnh mẽ”.—1 Sa-mu-ên 2:1, Trần Đức Huân.
◼ Những lời bà An-ne nói về “Đấng chịu xức dầu” của Đức Chúa Trời được xem như lời tiên tri. Từ cụm từ này cũng giống với từ nói về “Đấng Mê-si”, và bà An-ne là người đầu tiên mà Kinh Thánh ghi lại đã dùng từ đó để nói về một vị vua được bổ nhiệm trong tương lai.—1 Sa-mu-ên 2:10.
◼ Khoảng 1.000 năm sau, mẹ của Chúa Giê-su là bà Ma-ri đã biểu lộ cảm xúc tương tự bà An-ne trong lời ngợi khen Đức Giê-hô-va.—Lu-ca 1:46-55.
[Hình nơi trang 16]
Bà An-ne vô cùng đau lòng vì bị hiếm muộn, còn Phê-ni-na cố tình khiến bà cảm thấy tồi tệ hơn
[Hình nơi trang 16, 17]
Về việc cầu nguyện tận đáy lòng, bạn có thể noi gương bà An-ne không?
[Hình nơi trang 17]
Dù bị ông Hê-li đánh giá sai, nhưng An-ne không phản kháng