Được tiếp sức để vượt qua mọi thử thách
“Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.—PHI-LÍP 4:13.
1. Tại sao dân sự Đức Giê-hô-va thường gặp thử thách và nghịch cảnh?
Dân sự của Đức Giê-hô-va thường gặp thử thách và nghịch cảnh. Một số thử thách là do sự bất toàn của bản thân hay thế gian mà chúng ta đang sống mang lại. Một số khác đến từ việc những người không thờ phượng Đức Chúa Trời thù nghịch với những người thờ phượng Ngài (Sáng 3:15). Ngay từ ban đầu của lịch sử nhân loại, Đức Chúa Trời đã giúp những tôi tớ trung thành đương đầu với sự bắt bớ về tôn giáo, kháng cự áp lực của người xung quanh và đứng vững trước mọi nghịch cảnh. Ngày nay, Ngài cũng ban thánh linh để giúp chúng ta làm được như thế.
Đương đầu với sự bắt bớ về tôn giáo
2. Sự bắt bớ về tôn giáo nhằm mục đích gì và diễn ra dưới các hình thức nào?
2 Bắt bớ về tôn giáo là cố ý quấy rối hoặc gây thương tích cho một người vì đức tin của người đó. Điều này nhằm mục đích dẹp bỏ và ngăn cản tôn giáo đó lan rộng hoặc hủy hoại lòng trung thành của các tín đồ. Sự bắt bớ này diễn ra dưới nhiều hình thức, có thể là trực diện hoặc tinh vi. Vì thế, Kinh Thánh ví sự tấn công của Sa-tan như cách tấn công của sư tử tơ và rắn hổ mang.—Đọc Thi-thiên 91:13.
3. Cách tấn công của Sa-tan giống cách của sư tử và rắn hổ mang như thế nào?
3 Như sư tử hung dữ, Sa-tan thường tấn công trực diện bằng các hình thức như bạo lực, tù đày hoặc cấm đoán (Thi 94:20). Sách Niên giám có đăng nhiều trường hợp của Nhân Chứng Giê-hô-va thời hiện đại đã bị tấn công qua những cách như thế. Những đám đông gây rối loạn, đôi lúc do các nhà lãnh đạo tôn giáo hoặc những kẻ quá khích về chính trị dẫn đầu, đã ngược đãi dân sự của Đức Chúa Trời tại nhiều nơi. Những đòn tấn công như sư tử đã làm một số người ngưng phụng sự Đức Chúa Trời. Ngoài ra, như rắn hổ mang, Ma quỉ ẩn núp rồi xảo quyệt tấn công hầu đầu độc tâm trí và dụ dỗ người ta làm theo ý của hắn. Cách tấn công này nhằm mục tiêu làm suy yếu và tổn hại lòng tin của chúng ta. Nhưng nhờ thánh linh của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể đương đầu với mọi hình thức bắt bớ.
4, 5. Để chuẩn bị đối phó với sự bắt bớ, đâu là biện pháp tốt nhất và tại sao? Hãy kể lại một trường hợp.
4 Việc tưởng tượng những hình thức bắt bớ có thể gặp trong tương lai không phải là biện pháp tốt nhất để chuẩn bị cách đối phó. Thực tế là chúng ta không biết sự bắt bớ sẽ xảy ra như thế nào, vậy tại sao lại lo lắng về những điều có lẽ không bao giờ xảy ra? Tuy nhiên, có một điều chúng ta có thể làm. Phần lớn những người chịu đựng được sự bắt bớ đã suy ngẫm về những gương trung thành được ghi lại trong Kinh Thánh cũng như sự dạy dỗ và gương mẫu của Chúa Giê-su. Nhờ thế, tình yêu thương của họ với Đức Giê-hô-va sâu đậm hơn. Chính tình yêu thương ấy đã giúp họ đương đầu với thử thách.
5 Hãy xem trường hợp của hai chị ở Malawi. Một đám đông đã đánh, xé quần áo và dọa sẽ hãm hiếp hai chị vì muốn ép hai chị mua thẻ đảng. Đám đông đã nói dối rằng ngay cả thành viên nhà Bê-tên cũng mua thẻ đảng. Hai chị phản ứng thế nào? Họ nói: “Chúng tôi chỉ phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Dù các anh chị trong chi nhánh có mua thẻ đảng đi chăng nữa, thì chúng tôi cũng không thay đổi quyết định. Chúng tôi không nhượng bộ, dù các ông giết chúng tôi!”. Sau khi can đảm cho biết lập trường, các chị đã được tha.
6, 7. Đức Giê-hô-va tiếp sức cho tôi tớ Ngài như thế nào để đương đầu với sự bắt bớ?
6 Sứ đồ Phao-lô cho biết rằng tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca đã nhận lẽ thật “giữa lúc nhiều sự khốn-khó”, nhưng vẫn có ‘sự vui-vẻ của thánh linh’ (1 Tê 1:6). Thật vậy nhiều tín đồ, thời xưa lẫn thời nay, từng đối mặt và vượt qua thử thách cho biết rằng lúc cam go nhất họ vẫn cảm nhận được sự bình an nội tâm, một khía cạnh của trái thánh linh (Ga 5:22). Sự bình an đó giữ gìn lòng và ý tưởng của họ. Quả thật, Đức Giê-hô-va luôn ban thánh linh để tiếp sức cho tôi tớ Ngài hầu đương đầu với thử thách và đối phó một cách khôn ngoana.
7 Nhiều người đã ngạc nhiên trước sự kiên quyết giữ trung thành của dân Đức Chúa Trời, ngay cả khi đối mặt với sự bắt bớ khắc nghiệt. Họ nghĩ các Nhân Chứng có sức mạnh phi thường. Quả đúng như vậy, vì sứ đồ Phi-e-rơ cam đoan: “Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ-nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh-hiển và Thánh-Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em” (1 Phi 4:14). Nếu bị bắt bớ vì ủng hộ các tiêu chuẩn công bình, thì điều đó chứng tỏ chúng ta được Đức Chúa Trời chấp nhận (Mat 5:10-12; Giăng 15:20). Thật vui mừng khi biết Đức Giê-hô-va hài lòng về chúng ta!
Kháng cự áp lực của người xung quanh
8. (a) Tại sao Giô-suê và Ca-lép không theo quan điểm của mười người do thám khác? (b) Chúng ta có thể học được gì từ gương của Giô-suê và Ca-lép?
8 Tín đồ Đấng Christ phải đương đầu với một hình thức chống đối tinh vi hơn, đó là áp lực của người xung quanh. Tuy nhiên, vì thánh linh của Đức Giê-hô-va mạnh hơn tinh thần thế gian, nên chúng ta có thể chịu đựng sự chế giễu, xuyên tạc của người khác cũng như chống lại áp lực nhằm đồng hóa chúng ta. Hãy xem xét trường hợp của Giô-suê và Ca-lép. Tại sao họ không theo quan điểm của mười người cùng đi do thám xứ Ca-na-an? Vì thánh linh đã tác động đến Giô-suê và Ca-lép nên họ có lối suy nghĩ khác với mười người kia.—Đọc Dân-số Ký 13:30; 14:6-10, 24.
9. Tại sao tín đồ Đấng Christ không nên sợ khác biệt với số đông?
9 Tương tự thế, thánh linh đã tiếp sức để các sứ đồ đặt việc vâng lời Đức Chúa Trời lên trên việc vâng lời những người được xem là thầy dạy tôn giáo chân chính (Công 4:21, 31; 5:29, 32). Nói chung, phần lớn người ta thích theo số đông để tránh xung đột. Tuy nhiên, tín đồ Đấng Christ chân chính thường phải có lập trường để bênh vực cho những gì họ biết là đúng. Nhờ thánh linh của Đức Chúa Trời thêm sức nên họ không sợ khác biệt (2 Ti 1:7). Hãy xem xét một tình huống mà chúng ta không nên nhượng bộ trước áp lực của người khác.
10. Một số tín đồ đối mặt với tình huống khó xử nào?
10 Một số người trẻ rơi vào tình huống khó xử khi phát hiện một người bạn trong hội thánh có hành vi trái với nguyên tắc Kinh Thánh. Có lẽ họ nghĩ rằng việc báo để trưởng lão giúp người bạn của mình là hành động phản bội. Do có quan điểm sai về lòng trung thành nên họ giữ kín vấn đề. Người phạm tội thậm chí có thể gây áp lực, buộc bạn của mình che giấu tội. Dĩ nhiên, không chỉ người trẻ mới gặp vấn đề này. Một số người lớn cũng thấy khó nói cho trưởng lão về tội của người bạn hoặc thành viên trong gia đình. Vậy, tín đồ Đấng Christ chân chính nên phản ứng thế nào trước áp lực như thế?
11, 12. Nếu một người trong hội thánh buộc bạn che giấu tội của người đó, bạn nên làm gì và tại sao?
11 Hãy hình dung tình huống này. Một anh trẻ tên là An phát hiện Sơn, bạn của anh trong hội thánh, có thói quen xem tài liệu khiêu dâm. An cho Sơn biết mình rất lo lắng về những gì Sơn đang làm. Tuy nhiên, Sơn chẳng mấy quan tâm. Khi An khuyên Sơn đến nói với trưởng lão về điều này, Sơn nói rằng nếu còn là bạn của nhau thì An không được báo với trưởng lão. An có nên sợ mất bạn không? Có lẽ An băn khoăn nếu Sơn phủ nhận thì trưởng lão sẽ tin ai? Tuy nhiên, nếu An cứ im lặng thì cũng chẳng giúp gì được cho bạn. Ngược lại, bạn của An có thể mất mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Vì thế, An nên nhớ rằng: “Sự sợ loài người gài bẫy; nhưng ai nhờ-cậy Đức Giê-hô-va được yên-ổn vô-sự” (Châm 29:25). An có thể làm gì? An có thể tử tế đến gặp Sơn lần nữa và nói rõ về hành vi sai trái của Sơn. Điều này đòi hỏi phải có lòng can đảm. Lần này có lẽ Sơn chịu nói với An về vấn đề của mình. An nên tiếp tục khuyến khích Sơn nói với trưởng lão, đồng thời cũng cho biết nếu sau một thời gian hợp lý mà Sơn không nói thì An buộc phải nói.—Lê 5:1.
12 Có lẽ bạn đã từng ở trong tình huống như thế và lúc đầu người mà bạn giúp không quý trọng sự giúp đỡ của bạn. Tuy nhiên, với thời gian, có lẽ người ấy nhận ra rằng những gì bạn làm là vì lợi ích của người ấy. Nếu nhờ bạn mà người phạm tội nhận được sự giúp đỡ và chịu sửa đổi, người ấy sẽ nhớ mãi lòng can đảm và trung thành của bạn. Trái lại, nếu người ấy vẫn giận bạn, liệu bạn muốn có người bạn như thế không? Làm vui lòng Người Bạn vĩ đại của chúng ta, Đức Giê-hô-va, luôn là điều đúng. Khi chúng ta đặt Ngài lên hàng đầu, những người yêu mến Ngài sẽ quý trọng lòng trung thành của chúng ta và luôn là những người bạn chân chính. Vậy, chớ bao giờ để Ma quỉ có cơ hội gây hại cho hội thánh. Điều đó sẽ làm buồn thánh linh. Nhưng nếu giữ hội thánh thanh sạch thì chúng ta hành động phù hợp với thánh linh.—Ê-phê 4:27, 30.
Đứng vững trước mọi nghịch cảnh
13. Dân sự Đức Giê-hô-va phải đối mặt với những nghịch cảnh nào và tại sao?
13 Nghịch cảnh có thể là khó khăn về tài chính, mất việc làm, thiên tai, mất người thân, bệnh tật v.v. Vì đang sống trong “thời-kỳ khó-khăn” nên không sớm thì muộn, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số nghịch cảnh (2 Ti 3:1). Khi điều đó xảy ra, điều quan trọng là đừng hoảng sợ. Thánh linh có thể tiếp sức để chúng ta đứng vững trước mọi nghịch cảnh, dù khắc nghiệt đến đâu.
14. Điều gì giúp ông Gióp đứng vững trước nghịch cảnh?
14 Ông Gióp trải qua hết nghịch cảnh này đến nghịch cảnh khác. Ông rơi vào cảnh trắng tay, mất con cái, bạn bè, sức khỏe, và vợ ông mất lòng tin nơi Đức Giê-hô-va (Gióp 1:13-19; 2:7-9). Tuy nhiên, Gióp tìm được nguồn an ủi thật đến từ Ê-li-hu. Lời khuyên của Ê-li-hu, cũng như ý chính trong lời mà Đức Giê-hô-va muốn dạy dỗ Gióp, đó là: “Khá đứng yên, suy-nghĩ về các việc diệu-kỳ của Đức Chúa Trời” (Gióp 37:14). Điều gì giúp ông Gióp đứng vững trước nghịch cảnh? Và điều gì có thể giúp chúng ta làm thế? Đó là nhớ lại và suy ngẫm về các công việc thể hiện quyền năng của Đức Giê-hô-va và hoạt động của thánh linh (Gióp 38:1-41; 42:1, 2). Chẳng hạn, hãy nhớ lại những lúc trong cuộc đời mà bạn thấy rõ bằng chứng Đức Giê-hô-va quan tâm đến bạn. Chắc chắn ngày nay, Ngài vẫn làm thế.
15. Điều gì đã thêm sức cho sứ đồ Phao-lô đứng vững trước nghịch cảnh?
15 Vì đức tin, sứ đồ Phao-lô đã gặp nhiều nghịch cảnh đe dọa đến tính mạng (2 Cô 11:23-28). Làm sao ông giữ được thăng bằng trong những hoàn cảnh ấy? Ông đã cầu nguyện và nương cậy Đức Giê-hô-va. Dường như không lâu trước khi tử vì đạo, Phao-lô viết: “Chúa đã giúp-đỡ ta và thêm sức cho ta, hầu cho Tin-lành bởi ta được rao-truyền đầy-dẫy, để hết thảy dân ngoại đều nghe; ta lại đã được cứu khỏi hàm sư-tử” (2 Ti 4:17). Qua kinh nghiệm bản thân, Phao-lô cam đoan với anh em đồng đạo rằng họ không cần “lo-phiền chi hết”.—Đọc Phi-líp 4:6, 7, 13.
16, 17. Hãy nêu một trường hợp cho thấy cách Đức Giê-hô-va giúp dân Ngài thời nay đương đầu với nghịch cảnh.
16 Một chị tiên phong tên là Roxana đã cảm nghiệm được cách Đức Giê-hô-va chăm sóc dân sự Ngài. Khi Roxana xin ông chủ cho nghỉ phép vài ngày đi dự hội nghị, ông giận dữ nói rằng nếu chị nghỉ thì sẽ bị đuổi việc. Dù thế, chị vẫn nghỉ và tha thiết xin Đức Giê-hô-va giúp chị giữ được việc làm. Khi ấy, chị cảm thấy bình tĩnh trở lại. Sau hội nghị, vào ngày thứ hai, chị bị đuổi việc. Chị Roxana rất lo lắng. Chị cần công việc đó, dù thu nhập thấp nhưng giúp chị chu cấp cho gia đình. Chị cầu nguyện một lần nữa và tự nhủ rằng Đức Giê-hô-va đã cung cấp cho chị đồ ăn thiêng liêng tại hội nghị, thì chắc chắn Ngài cũng có thể chăm sóc chị về vật chất. Trên đường về, chị Roxana thấy một bảng có ghi “Cần tuyển thợ” ở vị trí đứng máy may công nghiệp và có kinh nghiệm. Chị liền nộp hồ sơ xin việc. Khi đó, dù thấy chị không có kinh nghiệm nhưng người quản lý vẫn nhận chị vào làm, với mức lương gần gấp đôi so với công việc trước đây. Chị Roxana nhận thấy lời cầu nguyện của mình đã được nhậm. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của chị là được chia sẻ tin mừng với đồng nghiệp mới. Năm người trong số họ, kể cả người quản lý, chấp nhận lẽ thật và làm báp-têm.
17 Đôi khi, lời cầu nguyện của chúng ta dường như không được nhậm—vì Đức Giê-hô-va không nhậm lời ngay hoặc đáp lời không theo cách mình muốn. Nếu thế thì chắc chắn có lý do chính đáng. Ngài biết lý do đó, và có thể với thời gian chúng ta cũng sẽ nhận ra. Dù sao, chúng ta tin chắc một điều là Đức Chúa Trời không từ bỏ tôi tớ trung thành của Ngài.—Hê 6:10.
Vượt qua thử thách và cám dỗ
18, 19. (a) Tại sao chúng ta không ngạc nhiên khi gặp thử thách và cám dỗ? (b) Làm sao chúng ta có thể vượt qua thử thách?
18 Dân sự Đức Giê-hô-va không ngạc nhiên khi gặp cám dỗ, nản lòng, bắt bớ hay áp lực của người xung quanh, vì thế gian ghét những ai không thuộc về mình (Giăng 15:17-19). Tuy nhiên, thánh linh thêm sức để chúng ta vượt qua mọi thử thách. Đức Giê-hô-va sẽ không để chúng ta bị cám dỗ quá sức (1 Cô 10:13). Ngài sẽ chẳng lìa và cũng chẳng bỏ chúng ta (Hê 13:5). Khi làm theo Lời Ngài, chúng ta sẽ được che chở và vững mạnh. Hơn nữa, thánh linh Đức Chúa Trời có thể tác động đến anh em đồng đạo để họ giúp đỡ theo nhu cầu của chúng ta và vào đúng lúc.
19 Vậy, mỗi người chúng ta hãy nương cậy nơi thánh linh qua việc cầu nguyện và học Kinh Thánh. Mong sao chúng ta sẽ “nhờ quyền-phép vinh-hiển [Đức Chúa Trời], được có sức-mạnh mọi bề, để nhịn-nhục vui-vẻ mà chịu mọi sự”.—Cô 1:11.
[Chú thích]
a Xin đọc thêm Tháp Canh ngày 1-5-2001, trang 16 và Tháp Canh ngày 15-6-2009, trang 4, 5.
Bạn trả lời thế nào?
• Chúng ta có thể chuẩn bị ra sao hầu đương đầu với sự bắt bớ?
• Nếu có người buộc chúng ta che giấu tội của người đó, chúng ta nên làm gì?
• Khi đối mặt với nghịch cảnh, chúng ta có thể tin chắc điều gì?
[Hình nơi trang 28]
Chúng ta học được gì từ Giô-suê và Ca-lép?
[Hình nơi trang 29]
Khi một người bạn lầm lỗi, bạn có thể giúp như thế nào?