Bạn có ghét điều gian ác không?
“[Chúa Giê-su]... ghét điều gian-ác”.—HÊ 1:9.
1. Chúa Giê-su dạy điều gì liên quan đến tình yêu thương?
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu thương, Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta” (Giăng 13:34, 35). Chúa Giê-su ban mệnh lệnh cho các môn đồ là thể hiện tình yêu thương quên mình với nhau. Tình yêu thương đó sẽ là dấu hiệu nhận biết họ. Chúa Giê-su cũng khuyến khích họ: “Hãy yêu kẻ thù-nghịch, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi”.—Mat 5:44.
2. Những người theo Chúa Giê-su nên tập ghét điều gì?
2 Tuy nhiên, ngoài việc dạy môn đồ về tình yêu thương, Chúa Giê-su cho biết điều họ phải ghét. Kinh Thánh nói về ngài: “Chúa ưa điều công-bình, ghét điều gian-ác” (Hê 1:9; Thi 45:7). Câu này cho thấy chúng ta không chỉ phải tập yêu mến sự công bình, mà còn ghét tội lỗi, hay sự gian ác. Điều đáng lưu ý là sứ đồ Giăng đã nói một cách cụ thể: “Còn ai phạm tội tức là trái luật-pháp; và sự tội-lỗi tức là sự trái luật-pháp”.—1 Giăng 3:4.
3. Về việc ghét điều gian ác, bài này sẽ xem xét những lĩnh vực nào của đời sống?
3 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta nên tự hỏi: “Tôi có ghét điều gian ác không?”. Hãy xem làm thế nào chúng ta cho thấy mình ghét điều ác trong bốn lĩnh vực sau của đời sống: (1) thái độ về việc lạm dụng rượu, (2) quan điểm về thuật huyền bí, (3) phản ứng trước sự vô luân và (4) quan điểm về những người yêu thích điều ác.
Đừng làm nô lệ cho rượu
4. Tại sao Chúa Giê-su có thể thẳng thắn khi cảnh báo về việc uống rượu quá độ?
4 Thỉnh thoảng Chúa Giê-su cũng uống rượu, và biết đó là sự ban cho của Đức Chúa Trời (Thi 104:14, 15). Tuy nhiên, ngài không bao giờ lạm dụng sự ban cho này qua việc uống quá độ (Châm 23:29-33). Vì thế, ngài có thể thẳng thắn khi cho lời khuyên về vấn đề này. (Đọc Lu-ca 21:34). Lạm dụng rượu có thể dẫn đến những tội nghiêm trọng khác. Vì vậy, sứ đồ Phao-lô viết: ‘Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông-tuồng; nhưng phải đầy-dẫy Thánh-Linh’ (Ê-phê 5:18). Ông cũng khuyên những phụ nữ cao tuổi trong hội thánh “đừng uống rượu quá độ”.—Tít 2:3.
5. Nếu chọn thức uống có cồn, một người nên tự hỏi những câu hỏi nào?
5 Nếu chọn thức uống có cồn, bạn nên tự hỏi: “Tôi có cùng thái độ như Chúa Giê-su về việc uống rượu quá độ không? Tôi có gương mẫu trong việc dùng rượu để có thể thẳng thắn cho người khác lời khuyên về vấn đề này không? Tôi có uống rượu để trốn tránh những nỗi lo hoặc để giảm căng thẳng không? Mỗi tuần tôi uống bao nhiêu rượu? Tôi phản ứng thế nào khi có người cho rằng tôi uống quá nhiều? Tôi có tự biện hộ hoặc thậm chí bực bội không?”. Để mình trở thành nô lệ cho rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng suy luận đúng đắn và quyết định khôn ngoan. Môn đồ Chúa Giê-su cố gắng gìn giữ khả năng suy luận.—Châm 3:21, 22.
Tránh những thực hành huyền bí
6, 7. (a) Chúa Giê-su đã đối phó với Sa-tan và các quỉ như thế nào? (b) Tại sao các thực hành huyền bí ngày càng lan rộng thời nay?
6 Khi ở trên đất, Chúa Giê-su kiên quyết chống lại Sa-tan và các quỉ. Ngài cự tuyệt sự tấn công trực diện của Sa-tan về lòng trung thành (Lu 4:1-13). Ngài cũng nhận ra và kháng cự những mưu kế tinh vi nhằm ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của ngài (Mat 16:21-23). Chúa Giê-su đã giúp những người xứng đáng thoát khỏi sự kìm kẹp độc ác của các quỉ.—Mác 5:2, 8, 12-15; 9:20, 25-27.
7 Sau khi lên ngôi vào năm 1914, Chúa Giê-su tẩy sạch các từng trời khỏi ảnh hưởng tai hại của Sa-tan và các quỉ. Vì vậy, hiện nay, hơn bao giờ hết, Sa-tan kiên quyết “dỗ-dành cả thiên-hạ” (Khải 12:9, 10). Thế nên, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy các thực hành huyền bí có sức thu hút mạnh và ngày càng lan rộng. Vậy, chúng ta có thể làm gì để bảo vệ mình?
8. Mỗi người chúng ta nên tự xét điều gì liên quan đến việc chọn chương trình giải trí?
8 Kinh Thánh cảnh báo rõ ràng về mối nguy hiểm của ma thuật. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12). Ngày nay, Sa-tan và các quỉ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của người ta qua phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử cổ vũ những thực hành huyền bí. Vì thế, khi chọn chương trình giải trí, mỗi người chúng ta nên tự hỏi: “Trong những tháng qua, tôi có xem phim, chương trình truyền hình, chơi điện tử, đọc sách báo hoặc truyện tranh có nội dung huyền bí không? Tôi có hiểu tầm quan trọng của việc kháng cự ảnh hưởng của điều huyền bí, hoặc tôi xem nhẹ những mối nguy hiểm này? Thậm chí tôi có nghĩ đến cảm xúc của Đức Giê-hô-va về sự lựa chọn của mình trong việc giải trí không? Nếu để những ảnh hưởng này của Sa-tan tác động đến đời sống, liệu tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và các nguyên tắc công bình của Ngài có thôi thúc tôi kiên quyết hành động và kháng cự chúng không?”.—Công 19:19, 20.
Chú ý đến lời cảnh báo của Chúa Giê-su về sự vô luân
9. Một người có thể nuôi dưỡng lòng yêu thích điều gian ác như thế nào?
9 Chúa Giê-su ủng hộ tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va về tính dục. Ngài nói: “Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo-Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính-díu với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt hay sao? Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!” (Mat 19:4-6). Chúa Giê-su biết những gì chúng ta thấy có thể ảnh hưởng đến lòng. Vì thế, trong Bài giảng trên núi, ngài nói: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà-dâm. Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn-bà mà động tình tham-muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà-dâm cùng người rồi” (Mat 5:27, 28). Những ai lờ đi lời cảnh báo của Chúa Giê-su thật ra đang nuôi dưỡng lòng yêu thích điều gian ác.
10. Hãy thuật lại kinh nghiệm cho thấy một người có thể thoát khỏi ảnh hưởng của tài liệu khiêu dâm.
10 Sa-tan cổ vũ sự vô luân qua tài liệu khiêu dâm. Thế gian ngày nay tràn ngập loại tài liệu này. Những ai xem tài liệu ấy khó xóa bỏ những cảnh vô luân khỏi tâm trí, thậm chí họ có thể bị nghiện. Hãy xem điều gì đã xảy ra với một tín đồ Đấng Christ. Anh nói: “Tôi lén lút xem tài liệu khiêu dâm. Tôi tạo ra một thế giới ảo tưởng hoàn toàn tách biệt với đời sống phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi hiểu điều này là sai trái nhưng tự nhủ rằng Đức Chúa Trời vẫn chấp nhận việc phụng sự của mình”. Điều gì đã thay đổi suy nghĩ của anh? Anh cho biết: “Tôi quyết định nói với trưởng lão về vấn đề của mình, dù đó là quyết định khó khăn nhất”. Cuối cùng anh đã bỏ thói quen đồi bại này. Anh công nhận: “Sau khi thoát khỏi tội ấy và đời sống được thanh sạch, tôi cảm thấy cuối cùng mình thật sự có một lương tâm trong sạch”. Những ai ghét điều gian ác phải tập ghét tài liệu khiêu dâm.
11, 12. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình ghét điều ác khi chọn âm nhạc?
11 Âm nhạc và ca từ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc, vì vậy cũng tác động đến lòng của chúng ta. Âm nhạc là sự ban cho của Đức Chúa Trời và từ lâu đã có phần trong sự thờ phượng thật (Xuất 15:20, 21; Ê-phê 5:19). Nhưng thế gian hung ác của Sa-tan cổ vũ âm nhạc ca ngợi sự vô luân (1 Giăng 5:19). Làm thế nào bạn có thể biết âm nhạc mình nghe có làm cho mình bị ô uế hay không?
12 Bạn có thể tự hỏi: “Những bài hát tôi nghe có ca ngợi việc giết người, ngoại tình, tà dâm và phạm thượng không? Nếu tôi đọc ca từ của một số bài hát ấy cho người khác nghe, liệu người đó có nghĩ rằng tôi ghét điều ác hoặc thấy tấm lòng tôi bị vẩn đục?”. Chúng ta không thể nói mình ghét những điều ác trong khi ca ngợi chúng. Chúa Giê-su nói: “Những điều bởi miệng mà ra là từ trong lòng, thì những điều đó làm dơ-dáy người. Vì từ nơi lòng mà ra những ác-tưởng, những tội giết người, tà-dâm, dâm-dục, trộm-cướp, làm chứng dối, và lộng-ngôn”.—Mat 15:18, 19; so sánh Gia-cơ 3:10, 11.
Có cùng quan điểm với Chúa Giê-su về người yêu thích điều ác
13. Chúa Giê-su có quan điểm gì về những người chai lì trong tội lỗi?
13 Chúa Giê-su nói ngài đến để gọi kẻ có tội, hay người gian ác, ăn năn trở lại (Lu 5:30-32). Tuy nhiên, Chúa Giê-su có quan điểm gì về những người chai lì trong đường lối tội lỗi? Chúa Giê-su đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ về việc tránh bị ảnh hưởng bởi những người như thế (Mat 23:15, 23-26). Ngài cũng nói rõ: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên-đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý-muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó [khi Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét], sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên-tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao?”. Nhưng ngài sẽ chối bỏ những người thực hành điều gian ác mà không ăn năn. Ngài sẽ phán cùng họ: “Hãy lui ra khỏi ta!” (Mat 7:21-23). Tại sao những người đó bị phán xét như thế? Vì họ đã làm ô danh Đức Chúa Trời và làm điều gian ác để hại người khác.
14. Tại sao người phạm tội không ăn năn bị khai trừ khỏi hội thánh?
14 Lời Đức Chúa Trời dạy rằng người phạm tội không ăn năn phải bị khai trừ khỏi hội thánh. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 5:9-13). Điều này là cần thiết vì ít nhất ba lý do: (1) để danh Đức Giê-hô-va không bị sỉ nhục, (2) để bảo vệ hội thánh khỏi sự ô uế và (3) để giúp người phạm tội ăn năn, nếu có thể được.
15. Nếu muốn tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va, chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi quan trọng nào?
15 Chúng ta có cùng quan điểm với Chúa Giê-su về những người quyết định đi theo đường lối gian ác không? Chúng ta cần nghĩ đến những câu hỏi sau: “Tôi có chọn kết hợp thường xuyên với một người đã bị khai trừ hoặc tự ly khai với hội thánh không? Nếu người đó là người thân trong gia đình nhưng không còn sống chung nhà thì sao?”. Trường hợp ấy có thể thật sự là một thử thách đối với lòng yêu mến sự công bình và lòng trung thành của chúng ta với Đức Chúa Trờia.
16, 17. Một người mẹ tín đồ Đấng Christ phải đương đầu với khó khăn nào? Và điều gì giúp chị ủng hộ sự sắp đặt về việc khai trừ người phạm tội không ăn năn?
16 Hãy xem trường hợp một chị có con trai trưởng thành, anh ấy đã một thời yêu mến Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên sau này, anh thực hành điều ác mà không ăn năn nên bị khai trừ khỏi hội thánh. Chị yêu Đức Giê-hô-va nhưng cũng yêu con mình nên chị thấy thật khó áp dụng mệnh lệnh trong Kinh Thánh là hạn chế tối đa mối quan hệ với con.
17 Bạn có thể cho chị lời khuyên nào? Một trưởng lão đã giúp chị nhận ra rằng Đức Giê-hô-va hiểu nỗi đau của chị. Anh nhắc chị nhớ đến nỗi đau mà Đức Giê-hô-va đã trải qua khi một số con thần linh của Ngài phản nghịch. Anh lý luận với chị rằng dù Đức Giê-hô-va biết hoàn cảnh ấy gây đau lòng đến mức nào, nhưng Ngài đòi hỏi phải khai trừ người phạm tội không ăn năn. Chị ghi nhớ lời khuyên này và trung thành ủng hộ sự sắp đặt về việc khai trừb. Sự trung thành ấy làm vui lòng Đức Giê-hô-va.—Châm 27:11.
18, 19. (a) Ngưng liên lạc với người thực hành điều gian ác là bằng chứng cho thấy chúng ta ghét điều gì? (b) Khi chúng ta trung thành với Đức Chúa Trời và các sắp đặt của Ngài, kết quả có thể là gì?
18 Nếu đương đầu với tình huống tương tự, hãy nhớ Đức Giê-hô-va cảm thông với bạn. Qua việc ngưng liên lạc với người bị khai trừ hoặc tự ly khai, bạn cho thấy mình ghét thái độ và hành động dẫn đến hậu quả đó. Nhưng đó cũng là cách thể hiện tình yêu thương với người phạm tội và mong muốn điều tốt nhất cho người ấy. Sự trung thành của bạn với Đức Giê-hô-va tạo cơ hội cho người phạm tội ăn năn và trở lại với Ngài.
19 Một chị đã bị khai trừ và sau này được nhận lại, cho biết: “Tôi vui mừng vì Đức Giê-hô-va yêu thương dân Ngài, nên Ngài muốn hội thánh được trong sạch. Điều mà người ngoài có thể cho là khắt khe thì thật ra là điều yêu thương và cần thiết”. Theo bạn, nếu các thành viên trong hội thánh, kể cả gia đình, vẫn thường xuyên liên lạc trong lúc chị ấy bị khai trừ, liệu chị có thể kết luận được như thế không? Ủng hộ sắp đặt của Kinh Thánh về việc khai trừ là bằng chứng cho thấy chúng ta yêu sự công bình và nhận biết Đức Giê-hô-va có quyền đặt ra tiêu chuẩn về hạnh kiểm.
“Ghét sự ác”
20, 21. Tại sao tập ghét điều ác là quan trọng?
20 Sứ đồ Phi-e-rơ cảnh báo: “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức”. Tại sao? Vì “kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được” (1 Phi 5:8). “Người nào” có thể là bạn không? Câu trả lời phần lớn tùy thuộc vào việc bạn tập ghét điều ác đến mức nào.
21 Tập ghét điều ác không phải dễ. Chúng ta sinh ra trong tội lỗi và sống trong một thế gian cổ vũ những ham muốn xác thịt (1 Giăng 2:15-17). Tuy nhiên, qua việc noi gương Chúa Giê-su và vun trồng tình yêu thương sâu đậm với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thành công trong việc tập ghét điều gian ác. Vậy, hãy quyết tâm “ghét sự ác”, hoàn toàn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va “bảo-hộ... các thánh Ngài, và giải-cứu họ khỏi tay kẻ dữ”.—Thi 97:10.
[Chú thích]
a Để biết thêm chi tiết về đề tài này, xin xem Thánh Chức Nước Trời tháng 8 năm 2002, trang 3 và 4.
b Cũng xem Tháp Canh ngày 15-1-2007, trang 17-20.
Bạn trả lời thế nào?
• Điều gì sẽ giúp chúng ta xem xét thái độ mình về thức uống có cồn?
• Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ mình khỏi những thực hành huyền bí?
• Tại sao tài liệu khiêu dâm nguy hiểm?
• Khi người mình yêu thương bị khai trừ, làm thế nào chúng ta cho thấy mình ghét sự gian ác?
[Hình nơi trang 29]
Nếu chọn thức uống có cồn, bạn nên xem xét điều gì?
[Hình nơi trang 30]
Hãy cảnh giác ảnh hưởng của Sa-tan trong việc giải trí
[Hình nơi trang 31]
Người xem tài liệu khiêu dâm nuôi dưỡng lòng yêu thích điều gì?