Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng là sự chết
“Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng là sự chết”.—1 CÔ 15:26.
1, 2. Thời ban đầu, A-đam và Ê-va có đời sống ra sao, và những câu hỏi nào được nêu lên?
Khi mới được dựng nên, A-đam và Ê-va không hề có kẻ thù. Họ là những người hoàn hảo và sống trong một địa đàng. Họ vui hưởng mối quan hệ mật thiết với Đấng Tạo Hóa, được ngài xem như con trai con gái (Sáng 2:7-9; Lu 3:38). Triển vọng sống của họ được thấy rõ qua sứ mạng Đức Chúa Trời ban. (Đọc Sáng-thế Ký 1:28). Họ có thể “làm đầy-dẫy đất” và “làm cho đất phục-tùng” trong một khoảng thời gian. Nhưng để tiếp tục ‘quản-trị các vật sống hành-động trên mặt đất’ thì A-đam và Ê-va cần phải sống đời đời. A-đam sẽ có cơ hội quản trị trái đất mãi mãi vì không bao giờ phải chết.
2 Thế thì tại sao tình trạng hiện nay lại khác biệt đến thế? Tại sao có quá nhiều kẻ thù đe dọa hạnh phúc của nhân loại, trong đó có kẻ thù lớn nhất là sự chết? Đức Chúa Trời sẽ làm gì để hủy diệt những kẻ thù ấy? Kinh Thánh cung cấp lời giải đáp cho những câu hỏi này và các thắc mắc liên quan. Chúng ta hãy cùng xem.
MỘT LỜI CẢNH BÁO YÊU THƯƠNG
3, 4. (a) Đức Chúa Trời đã ban mệnh lệnh nào cho A-đam và Ê-va? (b) Việc vâng theo mệnh lệnh đó quan trọng thế nào?
3 Dù có triển vọng sống mãi mãi nhưng A-đam và Ê-va không bất tử. Để duy trì sự sống, họ phải thở, ăn, uống và ngủ. Quan trọng hơn, sự sống của họ tùy thuộc vào mối quan hệ với Đấng Ban Sự Sống (Phục 8:3). Vâng theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời là điều thiết yếu để họ tiếp tục vui hưởng sự sống. Đức Giê-hô-va đã nói rõ điều này với A-đam ngay cả trước khi tạo ra Ê-va. Ngài phán: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”.—Sáng 2:16, 17.
4 “Cây biết điều thiện và điều ác” tượng trưng cho quyền của Đức Chúa Trời trong việc quyết định điều gì là thiện và điều gì là ác. Dĩ nhiên, A-đam có khả năng phân biệt thiện ác. Ông được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời và có một lương tâm. “Cây biết điều thiện và điều ác” giúp A-đam và Ê-va nhận biết rằng họ luôn cần sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Ăn trái cây đó đồng nghĩa với việc họ tuyên bố độc lập về tiêu chuẩn đạo đức. Điều này gây ra nhiều hậu quả tai hại cho A-đam, Ê-va cùng con cháu họ. Mệnh lệnh kèm theo hình phạt của Đức Chúa Trời cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc ăn trái cây đó.
SỰ CHẾT ĐÃ VÀO GIA ĐÌNH NHÂN LOẠI NHƯ THẾ NÀO?
5. A-đam và Ê-va bị dẫn vào con đường bất tuân như thế nào?
5 Sau khi Ê-va được dựng nên, A-đam đã truyền lại cho bà mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Ê-va biết rõ mệnh lệnh ấy và đã lặp lại lời đó gần như nguyên văn với kẻ đã dùng con rắn để nói chuyện với bà (Sáng 3:1-3). Kẻ đứng đằng sau con rắn là Sa-tan, một con thần linh của Đức Chúa Trời đã nuôi dưỡng ham muốn được độc lập và có quyền lực. (So sánh Gia-cơ 1:14, 15). Để đạt được ham muốn xấu xa của mình, hắn vu khống là Đức Chúa Trời đã nói dối, đồng thời cam đoan với Ê-va rằng khi có sự độc lập, bà sẽ trở nên giống như Đức Chúa Trời chứ không bị chết (Sáng 3:4, 5). Ê-va tin lời hắn, bà đòi quyền độc lập bằng cách ăn trái cây và thuyết phục A-đam theo mình (Sáng 3:6, 17). Sa-tan đã nói dối. (Đọc 1 Ti-mô-thê 2:14). Thế nhưng, A-đam vẫn “nghe theo lời vợ”. Dù con rắn tỏ vẻ như một người bạn, Sa-tan thực chất là một kẻ thù tàn nhẫn. Hắn biết rõ lời xúi giục Ê-va sẽ dẫn đến hậu quả chết người.
6, 7. Đức Giê-hô-va đã xét xử những kẻ phạm tội như thế nào?
6 Chỉ vì ích kỷ mà cả A-đam lẫn Ê-va đều phản nghịch đấng đã ban cho họ sự sống cùng mọi điều khác. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va biết hết mọi chuyện. (1 Sử 28:9; đọc Châm-ngôn 15:3). Ngài để cho A-đam, Ê-va và Sa-tan bộc lộ cảm nghĩ về ngài. Với tư cách là Cha, chắc chắn Đức Giê-hô-va rất đau lòng. (So sánh Sáng-thế Ký 6:6). Dù vậy, ngài phải hành động với tư cách Đấng Phán Xét bằng cách bênh vực và thi hành phán quyết của mình.
7 Đức Chúa Trời phán với A-đam: “Một mai [“ngày nào”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ] ngươi ăn, chắc sẽ chết”. Có thể A-đam nghĩ rằng “ngày” ở đây kéo dài 24 tiếng. Sau khi vi phạm mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, có lẽ ông tưởng ngài sẽ hành động trước khi mặt trời lặn. “Lối chiều”, Đức Giê-hô-va đến gặp họ (Sáng 3:8). Trong vai trò một quan tòa, ngài căn cứ vào lời đáp của A-đam và Ê-va để xác minh sự việc (Sáng 3:9-13). Sau đó, ngài tuyên bố bản án dành cho những kẻ phạm tội (Sáng 3:14-19). Nếu lập tức xử tử những kẻ bất tuân thì ý định của ngài liên quan đến A-đam, Ê-va cùng con cháu họ sẽ thất bại (Ê-sai 55:11). Dù Đức Giê-hô-va đã xác nhận bản án tử hình và ảnh hưởng của tội lỗi có hiệu lực ngay lập tức, nhưng ngài vẫn cho phép A-đam và Ê-va sinh con cái. Con cháu họ sẽ hưởng lợi ích từ những sự cung cấp khác của ngài. Theo quan điểm của Đức Chúa Trời, A-đam và Ê-va đã chết trong ngày họ phạm tội. Họ quả thật đã chết trong “ngày” kéo dài 1.000 năm.—2 Phi 3:8.
8, 9. Tội lỗi của A-đam đã ảnh hưởng đến con cháu ông ra sao? (Xem hình nơi đầu bài).
8 Con cái của A-đam và Ê-va có bị ảnh hưởng bởi những gì cha mẹ họ đã làm không? Có. Rô-ma 5:12 giải thích: “Bởi một người mà tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết, nên sự chết trải trên mọi người, vì hết thảy đều có tội”. Người đầu tiên chết là A-bên trung thành (Sáng 4:8). Sau đó, các con cháu khác của A-đam đều già và chết. Có phải họ đã thừa hưởng tội lỗi và cái chết? Sứ đồ Phao-lô trả lời: “Bởi sự không vâng lời của một người mà nhiều người trở thành kẻ có tội” (Rô 5:19). Tội lỗi và cái chết di truyền từ A-đam đã trở thành hai kẻ thù muôn thuở mà loài người bất toàn không thể thoát khỏi. Dù không biết rõ tội lỗi và sự chết của A-đam đã truyền sang con cái và cháu chắt ông như thế nào, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy hậu quả.
9 Thật thích hợp khi Kinh Thánh miêu tả tội lỗi và sự chết di truyền là “đồ đắp trên muôn dân, và cái màn che-phủ mọi dân-tộc” (Ê-sai 25:7). Đồ đắp hay cái màn che phủ ngột ngạt này đã bao trùm toàn thể nhân loại. Thế nên, “trong A-đam mọi người đều chết” (1 Cô 15:22). Phao-lô nêu lên câu hỏi mà nhiều người thắc mắc: “Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể phải chết theo cách này?”. Ai có khả năng đó?a—Rô 7:24.
TỘI LỖI VÀ SỰ CHẾT DI TRUYỀN TỪ A-ĐAM SẼ BỊ HỦY DIỆT
10. (a) Những câu Kinh Thánh nào cho thấy Đức Giê-hô-va sẽ hủy diệt sự chết di truyền từ A-đam? (b) Những câu Kinh Thánh ấy cho biết gì về Đức Giê-hô-va và Con ngài?
10 Đức Giê-hô-va là đấng có khả năng giải cứu Phao-lô. Ngay sau khi đề cập đến “đồ đắp”, Ê-sai viết: “Ngài đã nuốt sự chết đến đời đời. Chúa Giê-hô-va sẽ lau nước mắt khỏi mọi mặt” (Ê-sai 25:8). Như một người cha loại bỏ nguyên nhân gây đau khổ cho con và lau khô nước mắt của con, Đức Giê-hô-va rất vui mừng khi hủy diệt sự chết di truyền từ A-đam! Về phương diện này, ngài có một người cộng tác. Câu 1 Cô-rinh-tô 15:22 cho biết: “Như trong A-đam mọi người đều chết thì trong Đấng Ki-tô mọi người sẽ nhận được sự sống”. Tương tự thế, sau khi hỏi: “Ai sẽ cứu tôi?”, Phao-lô nói: “Cảm tạ Đức Chúa Trời, ngài sẽ cứu tôi qua Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa của chúng ta!” (Rô 7:25). Rõ ràng, tình yêu thương thôi thúc Đức Giê-hô-va tạo dựng nhân loại đã không hề nguội lạnh sau cuộc phản nghịch của A-đam và Ê-va. Và đấng đã phụ giúp Đức Giê-hô-va dựng nên cặp vợ chồng đầu tiên cũng không đánh mất lòng yêu mến dành cho loài người (Châm 8:30, 31). Nhưng sự giải cứu ấy sẽ được thực hiện như thế nào?
11. Đức Giê-hô-va đã cung cấp điều gì để giúp nhân loại?
11 Sự bất toàn và cái chết của nhân loại liên quan đến cả tội lỗi của A-đam lẫn sự phán xét công bằng của Đức Giê-hô-va (Rô 5:12, 16). Kinh Thánh nói: “Bởi một tội mà mọi loại người đều bị kết án” (Rô 5:18). Đức Giê-hô-va sẽ làm gì để loại bỏ án phạt ấy mà không vi phạm tiêu chuẩn của ngài? Lời giải đáp nằm trong câu nói của Chúa Giê-su: ‘Con Người đã đến để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người’ (Mat 20:28). Con thần linh đầu tiên của Đức Giê-hô-va được sinh ra trên đất làm người hoàn toàn. Người con ấy cho biết rõ rằng ngài sẽ phó chính mình làm giá chuộc. Làm thế nào giá chuộc này có thể thỏa mãn công lý?—1 Ti 2:5, 6.
12. Giá chuộc tương xứng nào thỏa mãn công lý?
12 Là người hoàn hảo, Chúa Giê-su cũng có triển vọng giống như A-đam trước khi ông phạm tội. Đức Giê-hô-va có ý định làm cho trái đất đầy con cháu hoàn hảo của A-đam. Vì vậy, bởi lòng yêu thương sâu sắc đối với Cha ngài và con cháu A-đam nên Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống. Thật thế, Chúa Giê-su phó sự sống hoàn hảo tương xứng với mạng sống A-đam đã đánh mất. Sau đó, Đức Giê-hô-va làm cho Con ngài sống lại ở thể thần linh (1 Phi 3:18). Phù hợp với công lý, Đức Giê-hô-va có thể nhận sự hy sinh làm giá chuộc của một người hoàn hảo là Chúa Giê-su để mua lại gia đình A-đam và ban cho họ triển vọng sống mà A-đam đã đánh mất. Theo nghĩa nào đó, Chúa Giê-su đã thay thế A-đam. Phao-lô giải thích: “Vì thế có lời viết: ‘Người thứ nhất là A-đam đã trở nên một người sống’. A-đam sau cùng là thần linh ban sự sống”.—1 Cô 15:45.
13. “A-đam sau cùng” sẽ thực hiện điều gì để giúp những người đã chết?
13 Cuối cùng sẽ đến thời điểm để “A-đam sau cùng” thực hiện vai trò “thần linh ban sự sống” cho nhân loại. Phần lớn con cháu của A-đam sẽ được sống lại. Tại sao? Vì họ từng sống và đã chết. Họ sẽ được sống lại để ở trên đất.—Giăng 5: 28, 29.
14. Đức Giê-hô-va cung cấp điều gì để giúp thay đổi sự bất toàn mà A-đam đã truyền lại cho con cháu?
14 Làm sao nhân loại được giải thoát khỏi sự bất toàn di truyền? Đức Giê-hô-va cung cấp chính phủ Nước Trời gồm “A-đam sau cùng” và những người được chọn trong vòng nhân loại. (Đọc Khải huyền 5:9, 10). Những người này sẽ đồng cai trị với Chúa Giê-su ở trên trời. Họ đã cảm nhận được làm người bất toàn là thế nào. Khi cùng cai trị với Chúa Giê-su trọn một ngàn năm, họ sẽ giúp những người trên đất vượt qua sự bất toàn mà những người ấy không thể tự vượt qua.—Khải 20:6.
15, 16. (a) Khi nói về ‘kẻ thù sau cùng là sự chết’, Kinh Thánh muốn nói đến sự chết nào, và khi nào nó bị hủy diệt? (b) Theo 1 Cô-rinh-tô 15:28, sau này Chúa Giê-su sẽ làm gì?
15 Vào cuối một ngàn năm cai trị của Nước Trời, những người vâng lời sẽ được thoát khỏi mọi kẻ thù đến từ sự bất tuân của A-đam. Kinh Thánh cho biết: “Như trong A-đam mọi người đều chết thì trong Đấng Ki-tô mọi người sẽ nhận được sự sống. Nhưng mỗi người theo đúng thứ tự của mình: Đấng Ki-tô là trái đầu mùa; kế đến, những người thuộc về Đấng Ki-tô [những người đồng cai trị với ngài] sẽ được sống lại trong thời kỳ ngài hiện diện. Sau đó, vào lúc cuối cùng, ngài sẽ giao Nước cho Đức Chúa Trời là Cha ngài, khi đã dẹp tan mọi chính phủ, quyền hành và thế lực. Vì ngài phải làm vua cho đến khi Đức Chúa Trời đặt mọi kẻ thù dưới chân ngài. Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng là sự chết” (1 Cô 15:22-26). Thật vậy, cuối cùng sự chết di truyền từ A-đam sẽ bị hủy diệt. “Đồ đắp” bao trùm toàn thể gia đình nhân loại sẽ bị loại trừ vĩnh viễn.—Ê-sai 25:7, 8.
16 Sứ đồ Phao-lô kết thúc phần tóm tắt ấy như sau: “Khi muôn vật đã phục mình, chính Con cũng sẽ phục đấng đã bắt muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời là Đấng Cai Trị duy nhất trên muôn vật” (1 Cô 15:28). Mục đích sự cai trị của Con Đức Chúa Trời sẽ được hoàn thành. Bấy giờ, ngài vui lòng giao quyền lại cho Đức Giê-hô-va và trình gia đình nhân loại hoàn hảo cho Cha.
17. Cuối cùng, điều gì sẽ xảy ra cho Sa-tan?
17 Còn Sa-tan, kẻ chịu trách nhiệm chính về tình trạng khốn khổ của nhân loại thì sao? Khải huyền 20:7-15 cho biết lời giải đáp. Trong lần thử thách cuối cùng trên toàn thể loài người hoàn hảo, Sa-tan sẽ được phép để cố gắng lừa dối họ. Hắn cùng những kẻ theo hắn sẽ bị diệt trừ mãi mãi trong “sự chết thứ hai” (Khải 21:8). Sự chết này không bao giờ bị hủy diệt vì những người ở trong đó sẽ không có cơ hội được sống lại. Tuy nhiên, “sự chết thứ hai” không phải là kẻ thù của những người yêu mến và phụng sự Đấng Tạo Hóa.
18. Sứ mạng Đức Chúa Trời giao cho A-đam sẽ được thực hiện như thế nào?
18 Bấy giờ, nhân loại hoàn hảo sẽ đứng trước Đức Giê-hô-va. Họ được ngài chấp nhận và ban cho sự sống vĩnh cửu. Họ sẽ không có bất cứ kẻ thù nào. Sứ mạng được giao cho A-đam sẽ hoàn thành mà không có ông. Trái đất sẽ đầy con cháu của ông. Họ sẽ vui thích quản trị và hưởng mọi thứ trên đó. Mong sao chúng ta không bao giờ đánh mất lòng biết ơn về cách Đức Giê-hô-va hủy diệt kẻ thù sau cùng là sự chết!
a Bình luận về nỗ lực của các nhà khoa học nhằm giải thích nguyên nhân dẫn đến sự già nua và cái chết, sách Thông hiểu Kinh Thánh (Insight on the Scriptures) nói: “Họ đã bỏ qua sự kiện là chính Đấng Tạo Hóa tuyên án tử hình cặp vợ chồng đầu tiên và thi hành án phạt này theo cách mà loài người không sao hiểu hết”.—Tập 2, trang 247.