Các trưởng lão—Các anh cảm thấy thế nào về việc huấn luyện người khác?
“Phàm sự gì có thì-tiết”.—TRUYỀN 3:1.
1, 2. Các giám thị vòng quanh nhận thấy có tình trạng nào trong nhiều hội thánh?
Một anh giám thị vòng quanh sắp kết thúc buổi họp với hội đồng trưởng lão. Khi nhìn gương mặt của các trưởng lão, anh giám thị cảm thấy rất yêu mến những người chăn siêng năng ấy, trong đó có vài người trạc tuổi cha của anh. Dù thế, anh giám thị còn có điều băn khoăn nên đã hỏi các trưởng lão: “Các anh đã làm gì để huấn luyện người khác hầu họ nhận thêm trách nhiệm trong hội thánh?”. Các trưởng lão nhớ rõ là trong lần viếng thăm trước, anh giám thị đã khuyến khích họ chú tâm hơn vào việc huấn luyện người khác. Cuối cùng, một trưởng lão thừa nhận: “Thật ra chúng tôi chưa làm được gì nhiều”. Các trưởng lão khác đều gật đầu đồng ý.
2 Nếu là một trưởng lão của đạo Đấng Ki-tô, có lẽ anh cũng trả lời tương tự. Giám thị vòng quanh trên khắp thế giới nhận thấy trong nhiều hội thánh, các trưởng lão cần huấn luyện thêm cho các anh lớn tuổi và trẻ tuổi để họ trợ giúp việc chăn bầy. Nhưng điều này là một thách đố. Tại sao?
3. (a) Làm thế nào Kinh Thánh cho thấy việc huấn luyện người khác là quan trọng, và tại sao tất cả chúng ta nên quan tâm đến điều này? (Xem chú thích). (b) Tại sao một số trưởng lão có lẽ thấy khó để huấn luyện người khác?
3 Là người chăn, chắc chắn anh nhận thấy việc huấn luyện người khác là quan trọng.a Anh biết rằng cần thêm những anh khác để giữ cho tình trạng thiêng liêng của hội thánh được vững mạnh và thành lập các hội thánh mới. (Đọc Ê-sai 60:22). Anh cũng biết Lời Đức Chúa Trời khuyến giục anh “dạy lại người khác”. (Đọc 2 Ti-mô-thê 2:2). Dù vậy, như các trưởng lão được đề cập ở đầu bài, có lẽ anh cảm thấy khó để làm điều đó. Sau khi chăm lo cho nhu cầu của gia đình, công việc ngoài đời, trách nhiệm trong hội thánh và những vấn đề cấp bách khác, dường như anh không còn thời gian để huấn luyện người khác. Nếu vậy, hãy xem tại sao việc huấn luyện người khác rất quan trọng.
HUẤN LUYỆN LÀ VIỆC ƯU TIÊN
4. Đôi khi, việc huấn luyện có thể bị trì hoãn vì lý do nào?
4 Tại sao một số trưởng lão có thể cảm thấy khó dành thời gian để huấn luyện người khác? Một số có lẽ nghĩ: “Sự huấn luyện là quan trọng nhưng không gấp bằng một số việc cấp bách khác trong hội thánh. Nếu tôi hoãn lại việc huấn luyện một thời gian thì hội thánh vẫn hoạt động bình thường”. Đúng là có nhiều việc đòi hỏi anh phải giải quyết ngay, nhưng trì hoãn việc huấn luyện có thể gây hại đến tình trạng thiêng liêng của hội thánh.
5, 6. Chúng ta rút ra bài học nào từ minh họa về người lái xe và quan điểm của người ấy về việc bảo trì động cơ? Minh họa này có thể áp dụng thế nào trong việc huấn luyện người khác?
5 Hãy suy nghĩ minh họa sau: Người lái xe có lẽ biết rằng để giữ cho xe và động cơ hoạt động tốt thì anh phải đều đặn thay dầu. Tuy nhiên, có thể anh cảm thấy điều đó không cấp thiết bằng việc đổ xăng. Suy cho cùng, nếu anh không đổ xăng thì chẳng bao lâu xe sẽ không chạy được. Có thể anh lý luận: “Nếu mình không có thời gian để thay dầu thì động cơ vẫn chạy được, ít nhất là trong một thời gian”. Nhưng mối nguy hiểm là gì? Nếu người lái xe tiếp tục trì hoãn việc bảo trì động cơ thì một ngày nào đó chiếc xe sẽ bị hỏng. Nếu điều đó xảy ra, anh phải mất nhiều thời gian và tiền của để sửa xe. Chúng ta rút ra bài học nào?
6 Có nhiều trách nhiệm quan trọng cần các trưởng lão xử lý ngay; nếu không, hội thánh sẽ bị ảnh hưởng. Giống như người lái xe trong minh họa trên phải thường xuyên đổ xăng, các trưởng lão phải “nhận biết những điều quan trọng hơn” (Phi-líp 1:10). Tuy nhiên, một số trưởng lão bận rộn giải quyết những việc cấp bách đến mức có lẽ lờ đi việc huấn luyện người khác, theo nghĩa bóng, như thể lờ đi việc bảo trì động cơ xe. Nhưng nếu các trưởng lão tiếp tục trì hoãn việc huấn luyện, không sớm thì muộn hội thánh sẽ thiếu những anh hội đủ điều kiện để chăm lo các nhu cầu trong hội thánh.
7. Chúng ta nên có quan điểm nào về những trưởng lão dành thời gian để huấn luyện người khác?
7 Vậy rõ ràng, chúng ta không nên nghĩ rằng việc huấn luyện là thứ yếu. Khi có tầm nhìn xa và đầu tư thời gian để huấn luyện những anh thiếu kinh nghiệm, các trưởng lão chứng tỏ là những quản gia khôn ngoan và là ân phước cho cả hội thánh. (Đọc 1 Phi-e-rơ 4:10). Hội thánh nhận được lợi ích nào?
MỘT SỰ ĐẦU TƯ KHÔN NGOAN
8. (a) Những yếu tố nào thôi thúc các trưởng lão huấn luyện người khác? (b) Những trưởng lão phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn có nhiệm vụ cấp thiết nào? (Xem khung “Một nhiệm vụ cấp thiết!”).
8 Ngay cả những trưởng lão kinh nghiệm nhất cũng cần khiêm nhường nhận ra rằng tuổi tác càng cao, thì họ càng khó tiếp tục đảm nhận lượng công việc trong hội thánh như hiện tại (Mi 6:8). Ngoài ra, các trưởng lão cũng nên ý thức rằng “thời-thế và cơ-hội [“chuyện bất trắc”, NW]” có thể xảy đến thình lình và khiến họ khó chăm lo các trách nhiệm của hội thánh (Truyền 9:11, 12; Gia 4:13, 14). Vì quan tâm chân thành đến tình trạng thiêng liêng của bầy chiên, các trưởng lão có tầm nhìn xa sẽ nỗ lực chia sẻ cho các anh trẻ những kinh nghiệm mà họ tích lũy được trong những năm trung thành phụng sự.—Đọc Thi-thiên 71:17, 18.
9. Biến cố nào trong tương lai cho thấy việc huấn luyện là điều trọng yếu?
9 Ngoài ra, những trưởng lão huấn luyện người khác là ân phước cho bầy chiên vì họ giúp hội thánh vững mạnh. Như thế nào? Nỗ lực của các trưởng lão trong việc huấn luyện người khác sẽ đem lại kết quả, đó là có thêm những anh được chuẩn bị sẵn sàng để giúp hội thánh vững vàng và hợp nhất. Điều này không những quan trọng cho hiện tại mà còn đặc biệt quan trọng cho thời kỳ xáo động của hoạn nạn lớn sắp đến (Ê-xê 38:10-12; Mi 5:4, 5). Vì vậy, các anh trưởng lão thân mến, chúng tôi rất mong các anh thường xuyên dành thời gian huấn luyện người khác và làm điều đó ngay hôm nay.
10. Một trưởng lão có thể cần làm gì để có thời gian huấn luyện người khác?
10 Chúng tôi hiểu rằng thời gian biểu anh dành cho các hoạt động quan trọng của hội thánh đã dày đặc. Vì thế, có lẽ anh cần dành ra một phần trong khoảng thời gian ấy để huấn luyện người khác (Truyền 3:1). Làm thế là một sự đầu tư khôn ngoan.
TẠO ĐIỀU KIỆN TỐT
11. (a) Trong việc huấn luyện người khác, những gợi ý của các trưởng lão thuộc những nước khác nhau có điều đáng chú ý nào? (b) Theo Châm-ngôn 15:22, tại sao việc xem xét những gợi ý của các trưởng lão khác là điều hữu ích?
11 Gần đây, chúng tôi đã hỏi một nhóm trưởng lão—những người thành công trong việc giúp các anh khác làm nhiều hơn trong hội thánh—về phương pháp họ dùng để huấn luyện.b Dù hoàn cảnh của mỗi người mỗi khác, nhưng điều đáng chú ý là các anh đều đưa ra phương pháp tương tự. Điều này cho thấy gì? Đó là người học “trong các hội thánh ở khắp nơi” đều nhận được lợi ích từ sự huấn luyện dựa trên Kinh Thánh, giống như vào thời sứ đồ Phao-lô (1 Cô 4:17). Vì vậy, trong bài này và bài sau, chúng ta sẽ xem xét một số gợi ý của các trưởng lão đó (Châm 15:22). Để dễ hiểu, hai bài này sẽ dùng cụm từ “người dạy” khi nói về người huấn luyện, và “người học” khi đề cập đến người nhận sự huấn luyện.
12. Người dạy cần làm gì, và tại sao?
12 Người dạy cần tạo điều kiện tốt để huấn luyện. Như người làm vườn cần chuẩn bị hoặc xới đất trước khi gieo hạt, người dạy cũng cần chuẩn bị lòng hay khích lệ người học trước khi dạy người ấy những kỹ năng mới. Vậy làm thế nào người dạy có thể tạo điều kiện tốt để huấn luyện người khác? Bằng cách bắt chước phương pháp của một nhà tiên tri thời xưa. Đó là phương pháp gì?
13-15. (a) Nhà tiên tri Sa-mu-ên nhận được nhiệm vụ nào? (b) Sa-mu-ên đã thi hành nhiệm vụ ra sao? (Xem hình nơi đầu bài). (c) Tại sao các trưởng lão ngày nay nên đặc biệt chú ý đến lời tường thuật của Sa-mu-ên?
13 Vào một ngày cách đây hơn 3.000 năm, Đức Giê-hô-va phán với một nhà tiên tri lớn tuổi là Sa-mu-ên: “Ngày mai, tại giờ nầy, ta sẽ sai một người ở xứ Bên-gia-min đến cùng ngươi; ngươi sẽ xức dầu cho người làm vua của dân Y-sơ-ra-ên ta” (1 Sa 9:15, 16). Sa-mu-ên nhận ra rằng ông sẽ không còn là người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên nữa và Đức Giê-hô-va muốn ông xức dầu cho người kế nhiệm. Hẳn Sa-mu-ên nghĩ: “Làm thế nào mình có thể chuẩn bị cho người đó để thi hành nhiệm vụ?”. Ông có một ý tưởng và lên kế hoạch để thực hiện.
14 Ngày hôm sau, khi Sa-mu-ên gặp Sau-lơ, Đức Giê-hô-va phán với nhà tiên tri rằng: “Kìa là người”. Sa-mu-ên bắt đầu thực hiện kế hoạch. Ông mời Sau-lơ dùng bữa. Ông cho Sau-lơ và người tôi tớ đi theo ngồi chỗ tốt nhất, rồi ông sai mang phần thịt ngon và nói: “Hãy ăn đi... ta đã giữ nó lại về tiệc nầy”. Sau đó, Sa-mu-ên và Sau-lơ về nhà của Sa-mu-ên, họ vừa đi bộ vừa nói chuyện. Sa-mu-ên muốn tận dụng bầu không khí thoải mái từ bữa ăn ngon và cuộc đi dạo. Vì thế, ông mời Sau-lơ lên sân thượng. Trong làn gió mát của buổi chiều tà, Sa-mu-ên tiếp tục “trò chuyện cùng Sau-lơ trên mái nhà” cho đến khi đi ngủ. Hôm sau, Sa-mu-ên “đổ [dầu] trên đầu Sau-lơ, hôn người” và cho ông thêm chỉ dẫn. Sau đó, Sa-mu-ên phái Sau-lơ đi. Sau-lơ đã sẵn sàng cho những sự kiện sắp đến.—1 Sa 9:17-27; 10:1.
15 Dĩ nhiên, việc xức dầu cho một người trở thành nhà lãnh đạo của một nước không giống với việc huấn luyện một anh trở thành trưởng lão hoặc phụ tá hội thánh. Dù vậy, các trưởng lão ngày nay có thể rút ra một số bài học giá trị từ phương pháp của Sa-mu-ên. Hãy xem hai bài học trong số đó.
LÀ NGƯỜI DẠY SẴN LÒNG VÀ LÀ BẠN TỐT
16. (a) Sa-mu-ên cảm thấy thế nào khi dân Y-sơ-ra-ên muốn có một vị vua? (b) Sa-mu-ên thi hành nhiệm vụ với thái độ nào?
16 Hãy sẵn lòng, không miễn cưỡng. Thoạt đầu, khi nghe dân Y-sơ-ra-ên muốn có một vị vua loài người, Sa-mu-ên thất vọng và cảm thấy bị dân sự chối bỏ (1 Sa 8:4-8). Thực tế, ông không muốn làm theo điều dân sự yêu cầu, thế nên ba lần Đức Giê-hô-va phải bảo ông nghe theo lời dân sự (1 Sa 8:7, 9, 22). Dù vậy, Sa-mu-ên không nuôi lòng oán giận hay cay đắng đối với người sẽ thay thế ông. Khi Đức Giê-hô-va bảo Sa-mu-ên xức dầu cho Sau-lơ, ông đã vâng lời. Nhà tiên tri sẵn lòng làm thế, không chỉ vì trách nhiệm, nhưng còn vì tình yêu thương.
17. Các trưởng lão ngày nay bắt chước thái độ của Sa-mu-ên như thế nào, và điều đó mang lại sự thỏa nguyện cho họ ra sao?
17 Giống như Sa-mu-ên, những trưởng lão kinh nghiệm ngày nay thể hiện thái độ nhân từ đối với những người mà họ huấn luyện (1 Phi 5:2). Các trưởng lão ấy sẵn lòng huấn luyện người khác và không ngại chia sẻ đặc ân cho họ. Những người dạy yêu thương và nhân từ sẽ xem người học là “cộng sự”, tức món quà quý giá dành cho hội thánh, chứ không phải là đối thủ (2 Cô 1:24; Hê 13:16). Những người dạy có tinh thần bất vị kỷ ấy thỏa nguyện biết bao khi thấy người học dùng các kỹ năng của mình để mang lại lợi ích cho hội thánh!—Công 20:35.
18, 19. Trưởng lão có thể chuẩn bị lòng của người học như thế nào, và tại sao điều này rất quan trọng?
18 Hãy là người bạn, không chỉ là người dạy. Vào ngày Sa-mu-ên gặp Sau-lơ, nhà tiên tri này có thể lấy một lọ dầu và mau chóng đổ lên đầu của Sau-lơ, rồi phái vua đi. Nếu vậy thì Sau-lơ được xức dầu làm vua nhưng hoàn toàn không được chuẩn bị cho nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, Sa-mu-ên đã dành thời gian để từng bước chuẩn bị lòng của Sau-lơ. Chỉ sau khi họ dùng một bữa ăn ngon, đi dạo thoải mái, trò chuyện lâu và nghỉ ngơi, nhà tiên tri Sa-mu-ên mới cảm thấy đó là thời điểm thích hợp để xức dầu cho Sau-lơ.
19 Cũng vậy, người dạy ngày nay nên bắt đầu việc huấn luyện bằng cách dành thời gian để tạo bầu không khí thoải mái và xây đắp tình bạn với người học. Những bước mà trưởng lão làm để tạo mối quan hệ nồng ấm với người học ở mỗi nơi mỗi khác, tùy vào hoàn cảnh và phong tục địa phương. Tuy nhiên, bất kể sống ở đâu, dù bận rộn mà anh vẫn dành thời gian cho người học thì như thể anh đang nói với người ấy: “Anh quan trọng đối với tôi”. (Đọc Rô-ma 12:10). Những người học ở khắp nơi sẽ thấy rõ và quý trọng sâu xa thông điệp không lời đó.
20, 21. (a) Theo bạn, thế nào là một người dạy thành công? (b) Điều gì sẽ được xem xét trong bài kế tiếp?
20 Hỡi các trưởng lão, hãy nhớ rằng: Một người dạy thành công không những yêu thích việc huấn luyện mà còn yêu mến người mà anh huấn luyện. (So sánh Giăng 5:20). Người học rất dễ nhận ra điều thiết yếu này và sẽ sẵn sàng hưởng ứng sự huấn luyện. Vì vậy, các anh thân mến, khi huấn luyện người khác, đừng chỉ là người dạy nhưng cũng hãy là người bạn.—Châm 17:17; Giăng 15:15.
21 Sau khi chuẩn bị lòng của người học, trưởng lão muốn huấn luyện cho người ấy các kỹ năng cần thiết. Anh có thể dùng phương pháp nào? Điều này sẽ được xem xét trong bài kế tiếp.
a Bài này và bài tới được biên soạn đặc biệt dành cho các trưởng lão, dù vậy tất cả thành viên trong hội thánh nên quan tâm đến những gì đang được thảo luận. Tại sao? Điều này sẽ giúp tất cả các anh đã báp-têm nhận ra việc huấn luyện là cần thiết để có thể san sẻ các công việc trong hội thánh. Khi có thêm những anh được huấn luyện, mọi người sẽ nhận được lợi ích.
b Những trưởng lão này sống ở Bangladesh, Bỉ, Brazil, Guiana thuộc Pháp, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Mexico, Namibia, Nam Phi, Nga, Nhật Bản, Nigeria, Pháp, Réunion và Úc.