Hãy củng cố đức tin nơi những điều mình hy vọng
“Đức tin là sự tin chắc những điều mình hy vọng sẽ thành sự thật”.—HÊ 11:1.
1, 2. (a) Hy vọng mà các tín đồ chân chính nuôi dưỡng khác biệt thế nào với hy vọng của người ta trong thế gian của Sa-tan? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi quan trọng nào?
Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính có một hy vọng thật tuyệt vời! Dù là những người được xức dầu hay những người thuộc “các chiên khác”, tất cả chúng ta đều hy vọng thấy ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va thành hiện thực và danh ngài được nên thánh (Giăng 10:16; Mat 6:9, 10). Đó là những hy vọng tuyệt vời nhất mà một người có thể nuôi dưỡng. Chúng ta cũng trông mong phần thưởng sự sống vĩnh cửu được hứa trước, dù với tư cách là những người thuộc “trời mới” hay “đất mới” của Đức Chúa Trời (2 Phi 3:13). Đồng thời, chúng ta hy vọng rằng sự thịnh vượng về thiêng liêng của dân Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục gia tăng.
2 Những người thuộc về thế gian của Sa-tan cũng hy vọng một số điều, nhưng có lẽ họ nghi ngờ không biết liệu những điều họ hy vọng có khi nào thành hiện thực hay không. Chẳng hạn, có lẽ hàng triệu người hy vọng thắng được một giải xổ số, nhưng gần như họ không thể chắc chắn về điều đó. Ngược lại, đức tin thật là “sự tin chắc” vào hy vọng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Hê 11:1). Dù vậy, có lẽ anh chị thắc mắc: Làm thế nào hy vọng của anh chị có thể trở nên chắc chắn hơn? Việc có đức tin mạnh mẽ nơi những điều anh chị hy vọng sẽ thành sự thật mang lại những lợi ích nào?
3. Đức tin thật của tín đồ đạo Đấng Ki-tô dựa trên sự thật nào?
3 Đức tin không phải là một phẩm chất mà con người bất toàn sinh ra đã có; đức tin cũng không tự nhiên phát triển. Đức tin của tín đồ đạo Đấng Ki-tô là kết quả của việc thần khí Đức Chúa Trời tác động lên một tấm lòng sẵn sàng vâng lời (Ga 5:22). Kinh Thánh không nói rằng Đức Giê-hô-va có đức tin hoặc cần đức tin. Vì Đức Giê-hô-va là toàn năng và có sự khôn ngoan tuyệt đối, nên không điều gì có thể ngăn cản ngài hoàn thành ý định của ngài. Cha trên trời của chúng ta chắc chắn về sự ứng nghiệm của những ân phước mà ngài đã hứa đến mức đối với ngài, các ân phước ấy đã trở thành hiện thực rồi. Thế nên, ngài nói: “Những lời ấy đã được thực hiện!”. (Đọc Khải huyền 21:3-6). Đức tin của tín đồ đạo Đấng Ki-tô bắt nguồn từ một sự thật: Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời thành-tín”, đấng luôn thực hiện những lời mà ngài hứa.—Phục 7:9.
HỌC TỪ NHỮNG GƯƠNG MẪU VỀ ĐỨC TIN VÀO THỜI XƯA
4. Những người nam và nữ có đức tin sống trước thời Đấng Ki-tô có hy vọng nào?
4 Sách Hê-bơ-rơ chương 11 liệt kê tên của 16 người nam và người nữ có đức tin. Lá thư được soi dẫn đó nhắc đến họ và nhiều người khác, là những người “đã được chứng nhận là làm hài lòng Đức Chúa Trời nhờ đức tin của mình” (Hê 11:39). Tất cả những người ấy có “sự tin chắc” rằng Đức Giê-hô-va sẽ dấy lên “dòng-dõi” đã hứa để giày đạp, hay phá tan, sự phản nghịch của Sa-tan và để hoàn thành ý định ban đầu của ngài (Sáng 3:15). Những người trung thành ấy chết trước khi “dòng-dõi” đã hứa là Chúa Giê-su Ki-tô mở đường cho sự sống ở trên trời (Ga 3:16). Dù vậy, nhờ những lời hứa chắc chắn của Đức Giê-hô-va, họ sẽ được sống lại để hưởng một đời sống hoàn hảo trong địa đàng.—Thi 37:11; Ê-sai 26:19; Ô-sê 13:14.
5, 6. Áp-ra-ham và các thành viên trong gia đình ông đã chú tâm vào hy vọng nào, và họ giữ được đức tin mạnh mẽ bằng cách nào? (Xem hình nơi đầu bài).
5 Hê-bơ-rơ 11:13 nói về một số người sống trước thời Đấng Ki-tô như sau: “Những người ấy gìn giữ đức tin cho đến chết. Dù chưa nhận được những điều Đức Chúa Trời hứa nhưng họ đã nhìn thấy từ xa và hết lòng mong đợi chúng”. Áp-ra-ham là một trong những người ấy. Ông có luôn nhớ đến hy vọng vui mừng về việc được sống dưới sự cai trị của “dòng-dõi” đã hứa không? Chúa Giê-su cung cấp câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi đó khi ngài nói với những kẻ chống đối: “Áp-ra-ham, cha của các người, rất vui mừng trông mong được thấy ngày của tôi, ông đã thấy và vui mừng” (Giăng 8:56). Sa-ra, Y-sác, Gia-cốp và nhiều người khác cũng chú tâm vào hy vọng của họ về Nước Trời trong tương lai “mà Đức Chúa Trời chính là đấng thiết kế và xây dựng”.—Hê 11:8-11.
6 Áp-ra-ham và gia đình ông giữ được đức tin mạnh mẽ bằng cách nào? Rất có thể họ đã học về Đức Chúa Trời qua lời kể của những người trung thành lớn tuổi hơn, qua những sự mạc khải của Đức Chúa Trời hoặc qua việc đọc các tài liệu cổ xưa đáng tin cậy. Quan trọng hơn, họ đã không quên những điều mình học được. Thay vì thế, họ quý trọng và suy ngẫm về những lời hứa cũng như các đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Vì hoàn toàn tin chắc vào hy vọng của mình, Áp-ra-ham và các thành viên trong gia đình ông sẵn sàng chịu đựng bất cứ thử thách nào để giữ trung thành với Đức Chúa Trời.
7. Đức Giê-hô-va đã nhân từ ban điều gì để giúp chúng ta có đức tin mạnh mẽ, và chúng ta cần làm gì?
7 Để giúp chúng ta giữ đức tin mạnh mẽ, Đức Giê-hô-va đã nhân từ ban cho chúng ta trọn bộ Kinh Thánh, là Lời của ngài. Nếu muốn hạnh phúc và thành công, chúng ta phải thường xuyên đọc Lời Đức Chúa Trời, đọc mỗi ngày nếu có thể được (Thi 1:1-3; đọc Công vụ 17:11). Sau đó, như các tôi tớ của Đức Chúa Trời sống trước thời Đấng Ki-tô, chúng ta cần tiếp tục suy ngẫm về những lời hứa của Đức Chúa Trời và vâng theo các đòi hỏi của ngài. Qua “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”, Đức Giê-hô-va cũng ban cho chúng ta thức ăn thiêng liêng dư dật (Mat 24:45). Thế nên, khi quý trọng điều mình học được từ những sự cung cấp về thiêng liêng của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ giống như các gương mẫu về đức tin vào thời xưa, là những người có “sự tin chắc” vào hy vọng Nước Trời.
8. Lời cầu nguyện có thể củng cố đức tin của chúng ta như thế nào?
8 Lời cầu nguyện cũng đóng một vai trò trọng yếu là giúp các nhân chứng trước thời Đấng Ki-tô giữ đức tin mạnh mẽ. Họ được củng cố về đức tin khi thấy Đức Chúa Trời đáp lại những lời cầu nguyện của mình (Nê 1:4, 11; Thi 34:4, 15, 17; Đa 9:19-21). Chúng ta cũng có thể dốc đổ nỗi lòng cho Đức Giê-hô-va vì biết rằng ngài sẽ lắng nghe và thêm sức để giúp chúng ta chịu đựng với lòng vui mừng. Khi những lời cầu nguyện của mình được nhậm, đức tin của chúng ta càng mạnh mẽ. (Đọc 1 Giăng 5:14, 15). Vì đức tin là một khía cạnh của bông trái thần khí, nên chúng ta cần tiếp tục xin Đức Chúa Trời ban thần khí, như lời khuyến giục của Chúa Giê-su.—Lu 11:9, 13.
9. Ngoài việc cầu nguyện cho bản thân, chúng ta nên cầu nguyện cho những ai khác?
9 Dù vậy, chúng ta không nên chỉ cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ cho cá nhân mình. Mỗi ngày, chúng ta có thể cảm tạ và ngợi khen Đức Giê-hô-va về “công-việc lạ-lùng” của ngài. Những công việc ấy “thật lấy làm nhiều quá không đếm được” (Thi 40:5). Ngoài ra, lời cầu nguyện cũng nên cho thấy chúng ta “luôn nhớ những anh em trong vòng xiềng xích, như thể chính [chúng ta] ở tù với họ”. Chúng ta cũng nên cầu nguyện cho đoàn thể anh em quốc tế, đặc biệt là cho “những người dẫn đầu trong vòng [chúng ta]”. Thật cảm động khi thấy cách Đức Giê-hô-va đáp lại những lời cầu nguyện hợp nhất của chúng ta!—Hê 13:3, 7.
HỌ ĐÃ TỪ CHỐI THỎA HIỆP
10. Những tôi tớ nào của Đức Chúa Trời đã từ chối thỏa hiệp, và điều gì đã giúp cho họ có sức mạnh để làm thế?
10 Trong sách Hê-bơ-rơ chương 11, sứ đồ Phao-lô miêu tả những thử thách mà nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời phải chịu đựng, dù họ không được nêu tên. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô nhắc đến những người nữ có đức tin đã mất đi con trai, nhưng sau đó đã thấy con họ được sống lại. Rồi ông đề cập đến những người đã “không thỏa hiệp để được tự do, hầu đạt được sự sống lại tốt hơn” (Hê 11:35). Dù chúng ta không biết chắc Phao-lô đang nghĩ đến ai, nhưng một số người như Na-bốt và Xa-cha-ri đã bị ném đá chết vì vâng lời Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn của ngài (1 Vua 21:3, 15; 2 Sử 24:20, 21). Đa-ni-ên và những người bạn rõ ràng đã có cơ hội “được tự do” nếu thỏa hiệp qua việc từ bỏ lòng trung kiên. Nhưng đức tin của họ nơi quyền năng của Đức Chúa Trời đã giúp họ như thể “bịt mồm sư tử” và “dập tắt sức mạnh của lửa”.—Hê 11:33, 34; Đa 3:16-18, 20, 28; 6:13, 16, 21-23.
11. Bởi đức tin, một số nhà tiên tri đã chịu đựng những thử thách nào?
11 Bởi đức tin, những nhà tiên tri như Mi-chê và Giê-rê-mi đã ‘chịu thử thách như bị chế nhạo, bị lao tù’. Một số người khác như Ê-li đã “lang thang trong hoang mạc, trên núi và trong các hang động”. Tất cả họ đều chịu đựng vì “tin chắc những điều mình hy vọng sẽ thành sự thật”.—Hê 11:1, 36-38; 1 Vua 18:13; 22:24-27; Giê 20:1, 2; 28:10, 11; 32:2.
12. Ai nêu gương xuất sắc nhất về việc chịu đựng thử thách, và điều gì đã giúp ngài làm thế?
12 Sau khi miêu tả về những người nam và nữ có đức tin, Phao-lô nêu bật gương xuất sắc nhất, đó là gương của Chúa Giê-su Ki-tô. Hê-bơ-rơ 12:2 nói: “Vì niềm vui đặt trước mặt mà ngài chịu đựng cây khổ hình, không màng sự sỉ nhục, và đã ngồi bên hữu ngôi Đức Chúa Trời”. Thật vậy, chúng ta nên “xem xét kỹ” gương mẫu về đức tin của Chúa Giê-su khi ngài đối mặt với những thử thách cam go nhất. (Đọc Hê-bơ-rơ 12:3). Giống như Chúa Giê-su, nhiều tín đồ thời ban đầu, trong đó có môn đồ An-ti-ba, đã chết vì giữ lòng trung kiên và từ chối thỏa hiệp (Khải 2:13). Phần thưởng của họ là sự sống lại ở trên trời, vượt trội so với “sự sống lại tốt hơn” mà những người có đức tin vào thời xưa đã trông đợi (Hê 11:35). Một thời điểm sau khi Nước Trời được thành lập năm 1914, tất cả những người trung thành được xức dầu mà đang ngủ trong sự chết đã được sống lại ở trên trời trong thể thần linh để cùng Chúa Giê-su cai trị nhân loại.—Khải 20:4.
NHỮNG GƯƠNG MẪU VỀ ĐỨC TIN TRONG THỜI HIỆN ĐẠI
13, 14. Anh Rudolf Graichen gặp phải những thử thách nào, và điều gì đã giúp anh chịu đựng?
13 Hàng triệu tôi tớ của Đức Chúa Trời vào thời nay đang noi gương Chúa Giê-su qua việc chú tâm vào hy vọng của họ, và không để cho những thử thách làm suy yếu đức tin. Hãy xem kinh nghiệm của anh Rudolf Graichen. Anh sinh ra tại Đức vào năm 1925. Anh nhớ lại các bức tranh về những cảnh trong Kinh Thánh được treo trên tường nhà mình. Anh viết: “Một bức tranh có hình con sói và chiên con, dê con và con beo, con bê và con sư tử—tất cả sống hòa thuận với nhau, được một bé trai dẫn đi... Những hình ảnh như thế khắc sâu trong tâm khảm tôi” (Ê-sai 11:6-9). Dù bị bắt bớ dữ dội trong nhiều năm, ban đầu là bởi mật vụ Gestapo của Quốc Xã và sau này là bởi cảnh sát mật Stasi của Đông Đức, nhưng anh Rudolf đã giữ niềm tin mạnh mẽ nơi địa đàng.
14 Anh Rudolf cũng phải đối mặt với những thử thách cam go khác. Chẳng hạn, người mẹ yêu dấu của anh đã qua đời vì bị bệnh sốt mò khi ở trong trại tập trung Ravensbrück. Anh cũng chứng kiến việc cha mình bị yếu đức tin đến mức ông đã ký một giấy tuyên bố rằng ông không còn là Nhân Chứng Giê-hô-va. Sau khi ra khỏi tù, anh Rudolf có đặc ân phục vụ với tư cách là giám thị vòng quanh và sau này được mời học Trường Ga-la-át. Anh được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở Chile, Nam Mỹ. Tại đó, anh lại phục vụ với tư cách là giám thị vòng quanh. Nhưng thử thách của anh Rudolf vẫn chưa kết thúc. Một năm sau khi anh cưới chị giáo sĩ tên là Patsy, con gái bé nhỏ của họ đã chết. Sau này, người vợ yêu dấu của anh cũng qua đời khi chỉ mới 43 tuổi. Anh Rudolf đã chịu đựng tất cả những thử thách ấy. Dù già yếu và hay mắc bệnh, anh vẫn đang phụng sự với tư cách là trưởng lão và tiên phong đều đều khi kinh nghiệm của anh được đăng trong số Tháp Canh ngày 1-8-1997, trang 20-25.[1]
15. Chúng ta có những gương mẫu nào của các Nhân Chứng Giê-hô-va thời nay đang chịu đựng sự bắt bớ với lòng vui mừng?
15 Nhân Chứng Giê-hô-va tiếp tục vui mừng về hy vọng của mình, bất chấp sự bắt bớ dữ dội đang diễn ra. Chẳng hạn, nhiều anh chị em của chúng ta đang bị tù ở Eritrea, Singapore và Hàn Quốc. Trong phần lớn trường hợp, họ bị tù vì hành động phù hợp với lời của Chúa Giê-su là không “dùng gươm” (Mat 26:52). Trong số hàng trăm anh chị ấy, có anh Isaac, anh Negede và anh Paulos, là những người đã ở trong trại giam tại Eritrea hơn 20 năm! Dù không được thả tự do để kết hôn và chăm sóc cho cha mẹ lớn tuổi, những anh này vẫn giữ trung thành bất chấp việc bị đối xử hà khắc. Gương mặt của họ phản ánh một cái nhìn tích cực, như được thấy trên trang web jw.org. Điều này cho thấy họ đã giữ đức tin mạnh mẽ. Ngay cả những người cai tù cũng tôn trọng họ.
16. Đức tin mạnh mẽ có thể bảo vệ anh chị như thế nào?
16 Phần lớn dân của Đức Giê-hô-va chưa phải chịu đựng sự bắt bớ dữ dội, nhưng họ trải qua những thử thách khác về đức tin. Nhiều người phải chịu cảnh nghèo đói hay gặp khó khăn vì các cuộc nội chiến hoặc thảm họa thiên nhiên. Giống như Môi-se và các tộc trưởng, nhiều người khác đã từ bỏ đời sống tiện nghi hay danh tiếng ở thế gian. Họ nỗ lực để kháng cự cám dỗ có lối sống ích kỷ và thiên về vật chất. Điều gì giúp họ có thể làm thế? Đó là vì họ yêu thương Đức Giê-hô-va và có đức tin mạnh mẽ nơi lời hứa của ngài. Họ tin chắc rằng ngài sẽ loại bỏ mọi sự bất công và ban thưởng cho những tôi tớ trung thành sự sống vĩnh cửu trong một thế giới mới công chính.—Đọc Thi-thiên 37:5, 7, 9, 29.
17. Anh chị quyết tâm làm gì, và chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài tới?
17 Trong bài này, chúng ta đã thấy việc suy ngẫm về những lời hứa của Đức Chúa Trời và đều đặn cầu nguyện sẽ giúp mình giữ đức tin mạnh mẽ ra sao. Đức tin ấy sẽ giúp chúng ta chịu đựng bất cứ thử thách nào khi chú tâm vào hy vọng của mình với “sự tin chắc”. Tuy nhiên, theo lời miêu tả của Kinh Thánh, đức tin còn bao hàm nhiều điều hơn nữa, như bài tới sẽ cho thấy.
^ [1] (đoạn 14) Cũng xem bài “Đức tin giúp tôi đối phó với bi kịch của đời sống” trong Tháp Canh ngày 1-10-2008.