Anh chị có thể giữ khiêm tốn khi đứng trước thử thách
‘Hãy bước đi cách khiêm-nhường [“khiêm tốn”, NW] với Đức Chúa Trời ngươi’.—MI 6:8.
1-3. Nhà tiên tri từ Giu-đa đã không làm điều gì, và hậu quả là gì? (Xem hình nơi đầu bài).
Vào thời điểm nào đó trong triều đại của vua nước Y-sơ-ra-ên là Giê-rô-bô-am, Đức Giê-hô-va cử một nhà tiên tri từ Giu-đa đến truyền thông điệp phán xét nghiêm khắc cho vị vua bội đạo ấy. Nhà tiên tri khiêm nhường đã trung thành truyền thông điệp của Đức Giê-hô-va, và ngài đã bảo vệ ông khỏi cơn thịnh nộ của Giê-rô-bô-am.—1 Vua 13:1-10.
2 Trên đường về, nhà tiên tri ấy bất ngờ gặp một ông lão đến từ thành Bê-tên gần đó. Ông tự xưng là nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va. Ông đã nói dối để khiến nhà tiên tri không vâng theo lời chỉ dẫn nghiêm ngặt của Đức Giê-hô-va là: “Chớ ăn bánh, chớ uống nước tại nơi đó [Y-sơ-ra-ên]” và “Đừng trở lại theo con đường ngươi đã bắt đặng đi đến”. Đức Giê-hô-va không hài lòng về sự bất tuân ấy. Sau đó, trên đường trở về, nhà tiên tri gặp một con sư tử và bị nó giết chết.—1 Vua 13:11-24.
3 Tại sao nhà tiên tri từng khiêm tốn ấy đã tự phụ đi theo ông lão dối trá? Kinh Thánh không cho biết. Nhưng rất có thể nhà tiên tri đã hoàn toàn quên rằng mình phải “bước đi cách khiêm-nhường [“khiêm tốn”, NW] với Đức Chúa Trời”. (Đọc Mi-chê 6:8). Trong Kinh Thánh, bước đi với Đức Giê-hô-va bao hàm việc tin cậy ngài, cũng như theo sát sự dẫn dắt và ủng hộ quyền tối thượng của ngài. Một người khiêm tốn ý thức rằng mình có thể thường xuyên liên lạc với Cha yêu thương toàn năng, và phải làm thế. Nhà tiên tri có thể xin Đức Giê-hô-va làm sáng tỏ những chỉ dẫn của ngài, nhưng Kinh Thánh không nói rằng ông đã làm vậy. Thỉnh thoảng, chúng ta cũng phải đưa ra những quyết định khó khăn, và có lẽ không biết rõ đâu là đường lối đúng. Việc khiêm tốn tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta tránh phạm những lỗi lầm nghiêm trọng.
4. Chúng ta sẽ học được gì trong bài này?
4 Bài trước giúp chúng ta hiểu tại sao sự khiêm tốn vẫn là điều quan trọng với tín đồ đạo Đấng Ki-tô, và cách thể hiện đức tính ấy. Tuy nhiên, sự khiêm tốn của chúng ta có thể bị thử thách trong những tình huống nào? Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng và thể hiện đức tính đáng quý này ngay cả khi đứng trước áp lực? Để trả lời, hãy xem xét ba tình huống thường gặp có thể thử thách sự khiêm tốn của chúng ta, và cách chúng ta có thể hành động khôn ngoan trong mỗi trường hợp.—Châm 11:2.
KHI HOÀN CẢNH THAY ĐỔI
5, 6. Bát-xi-lai đã thể hiện sự khiêm tốn như thế nào?
5 Những thay đổi về hoàn cảnh cá nhân hoặc về nhiệm vụ có thể thử thách sự khiêm tốn của chúng ta. Khi Đa-vít mời một người đã 80 tuổi là Bát-xi-lai đến sống trong cung điện, hẳn Bát-xi-lai cảm thấy vô cùng vinh dự. Việc nhận lời mời của Đa-vít sẽ cho ông cơ hội tiếp tục được gặp vua. Nhưng Bát-xi-lai từ chối. Tại sao? Vì tuổi đã cao, ông nói với Đa-vít rằng ông không muốn làm gánh nặng cho vua. Thế nên, Bát-xi-lai đề cử Kim-ham, có lẽ là con trai ông, nhận lời mời ấy thay cho ông.—2 Sa 19:31-37.
6 Sự khiêm tốn đã giúp Bát-xi-lai đưa ra một quyết định phải lẽ. Ông không từ chối lời mời của Đa-vít vì thấy mình thiếu khả năng gánh vác trách nhiệm, hoặc vì muốn hưởng đời sống bình lặng của tuổi già. Đơn giản là Bát-xi-lai ý thức và chấp nhận hoàn cảnh thay đổi cũng như những giới hạn của mình. Ông không muốn đảm nhận nhiều hơn những gì mình có thể làm. (Đọc Ga-la-ti 6:4, 5). Nếu tập trung vào địa vị, sự nổi bật hoặc danh tiếng, chúng ta dễ trở nên tự cao, ganh đua và cuối cùng sẽ bị thất vọng (Ga 5:26). Tuy nhiên, sự khiêm tốn giúp tất cả chúng ta tập trung vào việc dùng khả năng của mình để tôn vinh Đức Chúa Trời và giúp người khác.—1 Cô 10:31.
7, 8. Làm thế nào sự khiêm tốn có thể giúp chúng ta tránh nương cậy nơi bản thân?
7 Trách nhiệm lớn hơn thường đi kèm với quyền hạn nhiều hơn, và điều này có thể thử thách sự khiêm tốn của chúng ta. Khi Nê-hê-mi nghe về hoàn cảnh khó khăn của dân chúng ở Giê-ru-sa-lem, ông tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va (Nê 1:4, 11). Đức Giê-hô-va đã ban phước cho Nê-hê-mi khi vua Ạt-ta-xét-xe bổ nhiệm ông làm quan tổng trấn. Dù có địa vị nổi bật, có quyền hạn đáng kể và giàu sang, nhưng Nê-hê-mi không bao giờ nương cậy nơi kinh nghiệm hoặc khả năng của bản thân. Ông tiếp tục bước đi với Đức Chúa Trời và luôn tìm kiếm sự hướng dẫn của ngài qua việc tra cứu Luật pháp (Nê 8:1, 8, 9). Nê-hê-mi không áp bức người khác. Thay vì thế, ông đã phục vụ họ mà không đòi hỏi lợi lộc gì.—Nê 5:14-19.
8 Gương của Nê-hê-mi cho thấy sự khiêm tốn có thể giúp chúng ta tránh nương cậy nơi bản thân khi nhận được sự thay đổi về nhiệm vụ hoặc có thêm trách nhiệm. Nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân, một trưởng lão có thể bắt đầu chăm lo những công việc trong hội thánh mà không cầu nguyện với Đức Giê-hô-va trước. Các tín đồ khác có thể đưa ra quyết định rồi mới cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho quyết định của họ. Nhưng đó có phải là khiêm tốn không? Một người khiêm tốn sẽ luôn nhớ vị trí của mình trước mặt Đức Chúa Trời và vai trò của mình trong sự sắp đặt của ngài. Khả năng của chúng ta không phải là điều quan trọng. Đặc biệt là khi gặp một vấn đề hoặc tình huống quen thuộc, chúng ta phải cẩn thận để không nương cậy nơi bản thân. (Đọc Châm-ngôn 3:5, 6). Vì thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời, chúng ta tập nghĩ đến việc thực thi vai trò của mình trong gia đình và hội thánh, hơn là đạt được sự thăng tiến trong tổ chức.—1 Ti 3:15.
KHI BỊ CHỈ TRÍCH HOẶC ĐƯỢC KHEN NGỢI
9, 10. Làm thế nào sự khiêm tốn có thể giúp chúng ta đối phó với việc bị chỉ trích một cách bất công?
9 Thật khó để kiểm soát cảm xúc khi chúng ta bị chỉ trích một cách bất công. An-ne thường phải khóc vì đối thủ của bà là Phê-ni-na không ngừng chế nhạo bà. An-ne được chồng yêu thương, nhưng bà lại hiếm muộn. Sau này, khi bà đang cầu nguyện tại đền tạm, thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li đã hiểu lầm và cáo buộc rằng bà say rượu. Dù phải chịu đựng mọi điều ấy, An-ne đã khiêm tốn giữ tự chủ và đáp lại Hê-li một cách kính trọng. Lời cầu nguyện cảm động của bà được ghi lại trong Kinh Thánh. Đó là lời cầu nguyện tràn đầy đức tin, sự ngợi khen và lòng biết ơn.—1 Sa 1:5-7, 12-16; 2:1-10.
10 Sự khiêm tốn cũng có thể giúp chúng ta “luôn lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô 12:21). Đời sống trong thế gian của Sa-tan thường bất công, và chúng ta cần nỗ lực để không tức giận trước những hành vi của kẻ ác (Thi 37:1). Khi vấn đề nảy sinh giữa các anh chị em thiêng liêng, nỗi đau có thể còn lớn hơn. Một người khiêm tốn sẽ noi gương Chúa Giê-su. Kinh Thánh nói: “Khi bị nhục mạ, ngài chẳng nhục mạ lại... nhưng phó chính mình cho đấng xét xử công bằng” (1 Phi 2:23). Chúa Giê-su biết sự trả thù thuộc về Đức Giê-hô-va (Rô 12:19). Tương tự, tín đồ đạo Đấng Ki-tô được khuyên là phải khiêm nhường và không “lấy ác trả ác”.—1 Phi 3:8, 9.
11, 12. (a) Làm thế nào sự khiêm tốn giúp chúng ta đối phó với việc được tâng bốc hoặc khen ngợi thái quá? (b) Sự khiêm tốn nên ảnh hưởng thế nào đến sự lựa chọn của chúng ta về vấn đề ngoại diện và cách cư xử?
11 Lời tâng bốc hoặc khen ngợi thái quá cũng có thể thử thách sự khiêm tốn của chúng ta. Hãy xem cách phản ứng tuyệt vời của Ê-xơ-tê trước những sự kiện bất ngờ. Cô rất xinh đẹp và được chăm sóc nhan sắc bằng các liệu pháp xa hoa trong vòng một năm. Mỗi ngày, cô tiếp xúc với nhiều phụ nữ trẻ từ khắp đế quốc Phe-rơ-sơ. Những phụ nữ ấy cạnh tranh nhau với mục đích được vua để mắt đến. Nhưng Ê-xơ-tê giữ thái độ tôn trọng và điềm đạm. Cô không trở nên tự đắc hoặc thiếu khiêm tốn ngay cả sau khi được vua chọn làm hoàng hậu.—Ê-xơ-tê 2:9, 12, 15, 17.
12 Sự khiêm tốn giúp chúng ta luôn có ngoại diện và cách cư xử đứng đắn, lịch sự. Chúng ta chiếm được cảm tình của người khác không phải bằng cách khoe khoang hoặc thu hút sự chú ý quá mức về mình, nhưng qua việc thể hiện “tinh thần mềm mại và điềm đạm”. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:3, 4; Giê 9:23, 24). Tính tự đắc cuối cùng sẽ được thể hiện qua hành động. Chẳng hạn, chúng ta có thể ngụ ý rằng mình có những đặc ân nổi bật, biết được những thông tin nội bộ hoặc có mối quan hệ đặc biệt với các anh có trách nhiệm. Ngoài ra, chúng ta có thể giải thích sự việc theo cách ám chỉ mình là người duy nhất nghĩ ra các ý tưởng hoặc thực hiện một công việc nào đó, trong khi thực tế là người khác cũng góp phần. Một lần nữa, Chúa Giê-su nêu gương xuất sắc trong khía cạnh này. Ngài thường trích phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ hoặc hướng đến phần Kinh Thánh ấy. Ngài khiêm tốn nói theo cách như thế để người nghe biết rằng ngài nói những điều đến từ Đức Giê-hô-va, chứ không phải từ trí tuệ hoặc sự khôn ngoan của chính mình.—Giăng 8:28.
KHI CẢM THẤY BẤT AN VỀ TƯƠNG LAI
13, 14. Làm thế nào sự khiêm tốn có thể giúp chúng ta đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn?
13 Sự khiêm tốn của chúng ta có thể bị thử thách khi chúng ta phải đưa ra quyết định. Khi sứ đồ Phao-lô ở Sê-sa-rê, nhà tiên tri A-ga-bút nói với Phao-lô rằng nếu tiếp tục đi đến Giê-ru-sa-lem, ông sẽ bị bắt và thậm chí có thể mất mạng. Lo sợ điều tệ nhất sẽ xảy ra, các anh em nài xin Phao-lô đừng đi. Tuy nhiên, Phao-lô không đổi ý. Ông không quá tự tin và cũng không bị tê liệt vì sợ hãi. Ông hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va và sẵn sàng gắn bó với nhiệm vụ cho đến cùng, dù nhiệm vụ ấy dẫn ông đến đâu theo sự cho phép của ngài. Khi nghe những lời này, các anh em đã khiêm tốn không phản đối việc Phao-lô quyết định đi đến Giê-ru-sa-lem nữa.—Công 21:10-14.
14 Sự khiêm tốn cũng có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định khôn ngoan ngay cả khi không biết trước sự việc sẽ ra sao, hoặc không thể kiểm soát chúng. Chẳng hạn, giả sử chúng ta tham gia một hình thức phụng sự trọn thời gian, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta mắc bệnh? Nói sao nếu cha mẹ lớn tuổi cần chúng ta giúp đỡ? Chúng ta sẽ tự chăm sóc cho mình ra sao khi về già? Dù cầu nguyện và nghiên cứu nhiều đến đâu, chúng ta sẽ không có câu trả lời đầy đủ cho những câu hỏi như thế (Truyền 8:16, 17). Lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va sẽ không chỉ giúp chúng ta nhận biết những giới hạn của mình mà còn chấp nhận chúng. Sau khi nghiên cứu, tham khảo ý kiến của người khác và cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn, chúng ta cần thực hiện các bước theo hướng mà thần khí dẫn dắt. (Đọc Truyền-đạo 11:4-6). Nhờ thế, Đức Giê-hô-va có thể ban phước cho quyết định của chúng ta, hoặc ngài sẽ nhân từ hướng chúng ta đến mục tiêu khác.—Châm 16:3, 9.
VUN TRỒNG TÍNH KHIÊM TỐN
15. Làm thế nào việc suy ngẫm về Đức Giê-hô-va giúp chúng ta giữ khiêm nhường?
15 Vì sự khiêm tốn mang lại rất nhiều lợi ích, làm thế nào chúng ta có thể vun trồng đức tính này nhiều hơn? Hãy xem xét bốn cách. Thứ nhất, chúng ta sẽ gia tăng sự khiêm tốn và lòng tôn kính với Đức Giê-hô-va qua việc suy ngẫm một cách biết ơn về những đức tính và địa vị siêu việt của ngài (Ê-sai 8:13). Hãy nhớ rằng chúng ta đang bước đi với Đức Chúa Trời Toàn Năng chứ không phải với một thiên sứ hoặc một người nào. Nhận thức được điều này sẽ thúc đẩy chúng ta khiêm nhường “hạ mình xuống dưới tay quyền năng của Đức Chúa Trời”.—1 Phi 5:6.
16. Làm thế nào việc suy ngẫm về tình yêu thương của Đức Chúa Trời thúc đẩy chúng ta khiêm tốn?
16 Thứ hai, việc suy ngẫm về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta vun trồng tính khiêm tốn. Sứ đồ Phao-lô viết rằng Đức Giê-hô-va dành sự “trân trọng hơn” cho những phần ít được tôn trọng của cơ thể con người (1 Cô 12:23, 24). Tương tự, Đức Giê-hô-va quan tâm đến mỗi chúng ta, bất kể chúng ta có những giới hạn. Ngài không so sánh chúng ta với người khác hoặc không còn yêu thương khi chúng ta phạm lỗi. Nhờ tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể cảm thấy an tâm khi phục vụ ở bất cứ vị trí nào trong tổ chức của ngài.
17. Việc tập tìm điểm tốt nơi người khác sẽ tác động đến chúng ta ra sao?
17 Thứ ba, chúng ta sẽ càng quý trọng vai trò của mình trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va nếu noi gương ngài qua việc tìm điểm tốt nơi người khác. Thay vì tìm kiếm sự nổi bật hoặc luôn bảo người khác phải làm gì, chúng ta sẽ khiêm tốn xin họ cho lời khuyên và làm theo những đề nghị của họ (Châm 13:10). Chúng ta sẽ vui mừng khi họ nhận được các đặc ân. Ngoài ra, chúng ta sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va khi thấy cách ngài ban phước cho “cả đoàn thể anh em [của chúng ta] trên thế giới”.—1 Phi 5:9.
18. Bằng cách nào chúng ta có thể rèn luyện lương tâm để nhận thức rõ điều gì là đúng đắn theo quan điểm của Đức Chúa Trời?
18 Thứ tư, khi rèn luyện lương tâm theo nguyên tắc Kinh Thánh, chúng ta sẽ càng nhận thức rõ điều gì là đúng đắn và đáng trọng. Chúng ta sẽ phát huy khả năng suy xét qua việc khiêm tốn tập nhìn mọi việc theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Bằng cách đều đặn học hỏi, cầu nguyện và áp dụng những điều mình học, chúng ta có thể củng cố lương tâm (1 Ti 1:5). Chúng ta tập đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của bản thân. Nếu chúng ta làm phần của mình, Đức Giê-hô-va hứa rằng ngài sẽ ‘hoàn tất việc rèn luyện chúng ta’ và giúp chúng ta phát huy tính khiêm tốn cũng như những phẩm chất tin kính khác.—1 Phi 5:10.
19. Điều gì sẽ giúp chúng ta giữ khiêm tốn mãi mãi?
19 Chỉ một hành động tự phụ đã khiến nhà tiên tri vô danh đến từ Giu-đa phải trả giá bằng chính mạng sống và vị thế tốt của ông trước mắt Đức Chúa Trời. Dù vậy, việc giữ khiêm tốn khi bị thử thách là điều chúng ta có thể làm được. Những người trung thành vào thời xưa và những người khiêm tốn thời nay đã chứng minh điều đó. Càng bước đi với Đức Giê-hô-va, chúng ta phải càng trở nên khiêm tốn hơn (Châm 8:13). Chỉ riêng việc bước đi với Đức Giê-hô-va đã là đặc ân tuyệt vời không gì sánh bằng, dù hiện tại chúng ta có vị trí nào. Hãy quý trọng niềm vinh dự ấy và tiếp tục nỗ lực để bước đi một cách khiêm tốn với Đức Giê-hô-va mãi mãi.